Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 2)

Đỗ Duy Ngọc

395505594_10159909216238635_1681292513706451678_n

 

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ TƯ NỖI LO CÒN ĐÓ

Tôi vốn là người lạc quan, trong những tình huống ngặt nghèo nhất của cuộc đời tôi vẫn luôn vững lòng tin. Khi Sài Gòn bùng phát dịch và trải qua những chuỗi ngày giãn cách và phong toả thành phố, tôi vẫn tin thành phố sẽ qua được cơn bệnh nặng, sẽ trở lại sinh hoạt bình thường trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, với những tin tức dồn dập mấy hôm nay, tôi lại lo.

Trước tiên là cách thức và các biện pháp của chính quyền để đối phó với dịch bệnh. Hình như càng ngày càng rối. Bác sĩ Trương Hữu Khánh, người lâu nay thường trả lời thắc mắc về virus Vũ Hán cho dân Sài Gòn, bây giờ đã phải thốt lên:”Cuộc chiến này đúng là khốc liệt , khi nhìn khuôn mặt tất cả nhà quản lý đều thấy sự lo toan đến phờ phạc”. Đúng, các lãnh đạo đang lo, lo ghê lắm nhưng tiếc thay họ lại không đi đúng hướng. Để ngăn chận dịch không thể chống bằng nghị quyết, Không thể thiếu những ý kiến của các nhà chuyên môn và cũng không thể bỏ qua các kinh nghiệm của các nước. Có những việc chúng ta làm sai cách nên đưa đến hậu quả và tốn kém. Việc phun thuốc sát trùng thật sự không có tác dụng diệt virus chỉ khiến cho không khí càng ô nhiễm hơn và tốn kém. Tổ chức xét nghiệm toàn dân cũng thế vì người đến lấy xét nghiệm âm tính có thể ngay sau đó bị lây nhiễm mầm bệnh. Có thể vì tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc vì tập trung đông người mà lây bệnh. Tình trạng ở sân Phú Thọ và ở chợ Bình Điền đã cho thấy rõ điều đó. Và rồi sau đấy tờ giấy xác nhận âm tính trở thành giấy thông hành chỉ có hiệu lực trong vài ngày khiến cho việc đi lại khó khăn và một dịp cho những kẻ trục lợi. Hơn nữa nó lại gây tốn kém cho dân, đôi ba ngày lại phải đi xét nghiệm để có giấy kết quả mong có lá bùa để di chuyển kiếm ăn. Khi tờ giấy chứng nhận âm tính trở thành giấy thông hành thì việc tầm soát không còn nằm trong lãnh vực của y tế nữa mà nó mang một giá trị hành chánh vô nghĩa. Như thế nó vừa phản khoa học vừa ngăn cản việc đi lại và kiếm sống của người dân. Một lối ngăn sông cấm chợ mới.

Cứ phát hiện một người dương tính là kéo theo hàng chục, hàng trăm người liên quan gọi là F1, và luôn cả F2. Thế là người nhiễm bệnh vào bệnh viện, người F1 vào khu cách ly. Biện pháp này mới đầu có vẻ thích hợp khi số người dương tính trong một ngày chỉ vài ba người. Thế nhưng khi số người mắc bệnh lên đến con số ngàn như hiện nay ở Sài Gòn và con số F1 lên đến vài chục ngàn thì sẽ vỡ trận vì không còn chỗ chứa. Ở đợt 1 và đợt 2 của dịch bệnh, người bị cách ly ít, được tập trung trong các doanh trại quân đội, những khu nhà vốn là nơi sinh hoạt của hàng trăm, hàng ngàn người nên có đủ điều kiện để sống. Lại được chăm sóc ăn uống, thuốc men chu đáo, được quân nhân và tình nguyện viên phục vụ hàng ngày. Bây giờ ở Sài Gòn người bị cách ly quá đông, không còn chỗ để chứa nên trở thành nhếch nhác và cũng là ổ dịch. Những clip đưa lên gần đây cho thấy rõ điều đó. Một khu cách ly ở trong một trường tiểu học ở phường 7 quận 8 cho thấy hàng núi rác, người bị cách ly già trẻ lớn bé nằm dưới sàn nhà, không có người quản lý, bệnh không có ai quan tâm. Một clip khác cho thấy hàng dãy xe bus và xe cứu thương xếp hàng chờ đưa người lên một chung cư ở quận 12 nhưng không sắp xếp được vì đã quá tải. Một clip khác nữa quay một khu cách ly ở quận 2, cũng trong một chung cư chưa xây xong, thiếu thốn mọi phương tiện, không giường, không thuốc men khi cần thiết. Nó còn tệ hại hơn là các trại tạm cư của thời chiến tranh.

Và trước cảnh nực nội trong mùa hè nhưng không có một phương tiện gì để giải quyết, một người bạn của tôi trước đây là một tour guide của một công ty du lịch lớn, giờ bị thất nghiệp nhưng động lòng bèn kêu gọi mọi người hỗ trợ để mua vài chục chiếc quạt máy giúp cho những người bị cách ly.

Thật ra những người gọi là F1 đó vẫn là những người có nguy cơ nhiễm bệnh chứ chưa phải là người bệnh. Việc gây nhiễm cho người khác là rất nhỏ cho nên cách ly họ trong điều kiện không được chăm sóc và thiếu phương tiện sinh hoạt như thế là phản khoa học. Ăn uống, thuốc men không chu đáo, những người bị cách ly tập trung lại rất dễ yếu sức đề kháng, bệnh tật dễ nảy sinh.

Theo nguyên tắc, đúng ra là nên chia nhỏ thành phần này để có thể quản lý và theo dõi, ta lại tập trung nên nguồn bệnh lây lan. Những con số đã cho thấy đa số người nhiễm bệnh đều nằm trong khu cách ly. Ta nên học các nước trong các cơn bùng phát dịch, họ yêu cầu những người đã nhiễm bệnh cách ly tại nhà có sự giám sát của các cơ sở y tế. Một việc làm đúng và ít tốn kém cho ngân sách. Đôi khi chính vì những lộn xộn, tắc trách của cách ly tập trung cộng với lối truyền thông thiếu rõ ràng khiến cho dân hoang mang hơn là con số người mắc bệnh mỗi ngày.

Gần đây, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đề ra biện pháp cách ly tại nhà nhưng lại được viết ra bởi các ông quan bàn giấy, không nắm rõ thực tế của xã hội. Theo chỉ thị này, muốn cách ly tại nhà phải có một số điều kiện nghe qua chẳng hợp lý chút nào. Trước hết phải là nhà ở riêng lẻ, nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập. Nghe là không ổn rồi, nhà ở Sài Gòn chen chúc nhau, nhất là ở các xóm lao động, nhiều nhà còn chung vách lấy đâu ra nhà riêng lẻ như thế? Lại thêm phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Các ông đang mơ đã lên thiên đường cộng sản rồi à? Dân ta còn nghèo lắm các ông ơi, các ông sang chảnh, ở trong nhà như vậy nên các ông cứ tưởng dân ta giờ ai cũng có nhà như các ông sao? Chưa hết, các ông còn đòi cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Ô hô! Nằm mơ giữa ban ngày. Cũng chưa hết nữa, còn phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn. Trong phòng cách ly phải có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt....Thôi, tôi không kể thêm nữa dù còn nhiều yêu cầu xa xỉ các ông còn đòi hỏi. Toàn nói chuyện trên mây dù đang ngồi dưới đất. Để thoả mãn những điều kiện trên, hỏi mấy người đáp ứng được. Bộ thì yêu cầu quá đáng như thế trong khi khu cách ly tập trung của nhà nước thì đến cái chổi quét nhà, miếng giấy đi vệ sinh còn không có mà xài, rác ngập lối đi, cơm thì bữa sống, bữa khê, món ăn nhạt nhẽo dù chi phí cho các bữa ăn một ngày là 80.000 đồng, ngân sách chịu.

Nói tóm lại, khi chúng ta không đủ điều kiện để phục vụ cách ly tập trung, dù biết tập trung như thế là thành ổ nhiễm thì cách tốt nhất là cho cách ly tại nhà. Không nên bắt người F1 tập trung ồ ạt vì cơ bản vào tập trung thì khả năng nhiễm bệnh tăng lên và thực tế đã chứng minh điều đó. Ta có khẩu hiệu” Chống dịch như chống giặc”. Nghe rất hay nhưng nghĩ kỹ nó rất vô lý và thiếu nhân văn. Dịch và giặc là hai cái khác nhau hoàn toàn. Giặc có thể nhìn thấy, có thể nhận biết còn dịch virus thì vô hình vô ảnh, nó lơ lửng trong không khí, biết đâu mà chống như chống giặc. Và từ khẩu hiệu đó, người nhiễm bệnh cứ bị xem như giặc, mấy đợt trước bị đem ra bêu rếu trên báo, trên mạng. Giờ thì không còn vậy nhưng người bệnh vẫn bị kỳ thị và xa lánh. Không nên xem họ là tội phạm vì bản thân họ cũng đâu muốn mình là người mắc bệnh. Kết án người nhiễm bệnh là hành vi thiếu nhân văn. Nếu cần, cũng nên cho phép người nhiễm bệnh không triệu chứng được cách ly tại nhà có sự theo dõi của cơ quan y tế. Khi bệnh bộc phát nặng thì đưa vào bệnh viện để chữa trị. Hiện nay hàng ngàn người nhiễm bệnh nằm trong các bệnh viện nhưng cũng chưa được chữa trị gì vì cũng chưa có các dấu hiệu nguy hiểm. Vừa tốn kém vừa gây bất an trong dân.

Sáng nay nhìn cảnh hàng ngàn người và xe chen chúc nhau ở các trạm ở Gò Vấp mà giật cả mình. Kiểu như thế thì bao giờ mới chống được dịch. Nhìn hình thấy anh công an mồ hôi ướt áo mà thương. Chúng ta tự làm khổ nhau, tự lan truyền bệnh cho nhau một cách vô ý thức. Nhưng khổ một cái là tuy phong toả người ta phải đi làm việc. Chặn đường xét giấy thì kẹt là lẽ đương nhiên rồi. Một ngày phong toả là một ngày thiệt hại biết bao nhiêu, khổ sở cho dân biết bao nhiêu. Nếu không ý thức được thì giãn cách sẽ tiếp tục, thiệt hại vẫn tiếp tục và nỗi khổ lại kéo dài ra. Lãnh đạo thì luống cuống, loay hoay, người dân thì nhiều người thiếu ý thức nên mọi chuyện rối như tơ vò. Không phải vì trình độ dân trí nữa, rất nhiều người không phải không có trí nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để được ra đường trong ngày phong toả. Không nói đến những người cần phải đi làm việc, đến cơ quan, công sở, nhà máy. Cũng không nói đến những người vì kế sinh nhai nên cũng phải len lén ra đường để kiếm ăn, nếu không thì chưa chết vì virus thì đã chết vì đói. Ở đây muốn nói tới những người không có việc gì cũng muốn ra đường, kẻ thì chạy chơi cho biết Sài Gòn vắng vẻ thế nào, người thì để tập thể dục vì quen rồi, không tập không được, người lại bảo mua vật dụng, thăm người quen, người vì cuồng cẳng ra đường như một thói quen đưa đến những xô xát, tranh cãi không đáng có với người thi hành phận sự. Tôi xem clip công an đứng chờ anh chàng coi thường mọi thứ cứ ung dung tập thể dục và không mang khẩu trang mà nóng hết cả mặt. Vừa xem thường luật pháp vừa thiếu ý thức.

Thế là dịch bệnh lại có dịp lan truyền vì những người thiếu ý thức. Nhìn cảnh ấy mà lo, mà buồn, mà tự hỏi rồi không biết bao giờ mới hết dịch. Nhiều chuyên gia phát biểu rằng chỉ có vaccine và vaccine mới có thể ngăn chận dịch bệnh. Thế nhưng với số lượng vaccine phân phối hạn chế cho thành phố như hiện nay cũng như phương cách và chọn lựa đối tượng như đang làm thì dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Không thể là trận cuối cùng như một lãnh đạo thành phố đã tuyên bố. Chống dịch cần khoa học chứ không cần tuyên ngôn và khẩu hiệu. Cũng không thể bắn pháo lệnh mở màn phong trào thi đua để chiến đấu với con virus.

Mới đây Bí thư thành phố đã gặp gỡ và lắng nghe các nhà chuyên môn tham vấn. Một việc đáng ra phải làm ngay từ đầu những ngày chớm dịch thay vì các quan ngồi bàn mãi với nhau. Nhưng thôi, có còn hơn không. Mong thành phố sẽ có những biện pháp mới hợp lý hơn khi tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học và cũng mong các nhà chuyên môn nên nói thẳng, nói thật suy nghĩ của mình để đẩy lui được con virus quái ác và thành phố này sớm trở lại cuộc sống bình thường như vốn có.

                                                                                                                                12.7.2021 24

NGÀY PHONG TOẢ THỨ NĂM NÓI VỀ NHỮNG CON SỐ

Tôi chủ trương khi những con số người nhiễm bệnh lên cao đến số ngàn, tôi không quan tâm đến số người mắc bệnh bao nhiêu nữa mà chỉ quan tâm số người chết vì virus Vũ Hán là bao nhiêu thôi. Tôi nghĩ con số người nhiễm bệnh chỉ nói lên được số ca nhiễm bệnh bị lan truyền trong xã hội chứ không nói được mức độ nguy hiểm hay trầm trọng của cơn dịch. Chính con số người chết mới lột tả được, biểu hiện được tình trạng của cơn dịch. Cả nước mấy hôm nay số người dương tính đã lên con số ngàn trong một ngày, tổng cộng Việt Nam đã có 30.724 ca ghi nhận trong nước và 1.941 ca nhập cảnh, nhưng số người chết tính đến ngày 12.7, Bộ Y tế đã thông báo ghi nhận 125 ca tử vong do virus Vũ Hán tính từ đầu dịch, và còn 4 bệnh nhân đã tử vong, đang tiếp tục được cập nhật (tổng số ca tử vong đến nay là 129 ca). Riêng thành phố đã có 25 ca tử vong. Cũng cần nói là cách tổng kết số người nhiễm bệnh hàng ngày cũng cần thay đổi, tại sao không tổng hợp trong 24 giờ mà lại ngắt từng khúc như thế. Kiểu truyền thông như vậy còn làm dân hoang mang dữ.

Trong khi đó, Đông Nam Á đang trở thành một trong những khu vực bị dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, Indonesia đang trở thành ổ dịch kinh hoàng khi tình hình lây lan virus tiếp tục diễn biến xấu.

Cả số ca mắc mới và số ca tử vong ở Indonesia đang quay đầu tăng vọt. Tính đến ngày 12.7, đất nước này ghi nhận thêm 40.427 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch và 891 ca tử vong, nhiều hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và vượt qua cả tâm dịch Ấn Độ, nơi bắt nguồn của biến thể virus Delta đang khiến nhiều nước khốn đốn. Cho đến nay, tổng số ca mắc virus Vũ Hán ở Indonesia đã vượt qua 2.567.000 trường hợp, và tử vong vượt 67.300 người.

Ở Hàn Quốc, cho đến nay đã có tổng số ca mắc bệnh lên 169.146 bệnh nhân và con số tử vong là 2.044 người, chiếm 1.21% tổng số ca bệnh. Cũng trong thời điểm này, Campuchia đã có con số tử vong đã là 925 người. Số ca tử vong được mô tả là cao điểm trong hai tuần gần đây nhất với 30% tổng số người chết ghi nhận trong giai đoạn này. Hiện Campuchia đã có tổng số ca nhiễm lên 61.870 người.

Philippines đang là nước đứng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia, về số ca nhiễm virus Vũ Hán. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 12.7 là 5.204 ca, nâng tổng số lên 1.478.061 ca nhiễm. Bộ Y tế Philippines ngày 12.7 báo cáo thêm 100 ca tử vong, nâng số người chết vì dịch bệnh lên 26.015 người.

Myanmar ghi nhận 5.014 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua và 89 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên hơn 197 nghìn người.

Đưa ra những con số người nhiễm bệnh và tử vong của các nước chung quanh ta để thấy rằng tình hình dịch bệnh ở Việt Nam cũng chưa đến tình trạng phải lo âu và hốt hoảng quá đáng. Con virus này nguy hiểm nhưng không phải ai dính cũng chết để rồi như một nỗi ám ảnh đưa đến ức chế, sợ hãi đến bệnh hoạn. Không có chuyện “toang” ở Sài Gòn, đó là một thực tế. Nhiều khi chính những biện pháp sai lầm cùng các chỉ thị bất nhất của nhà chức trách khiến có cảm giác tình trạng đang ở thời điểm trầm trọng. Nhưng hãy so sánh những con số thống kê, ta sẽ thấy con số tử vong của Việt Nam rất thấp. Cả nước mới chỉ có 129 người và thành phố mới ở con số 25. Thế thì “bùng” cái gì, “toang” cái gì mà ầm ỹ, mà loay hoay mãi thế?

Nếu so sánh với số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam, con số người chết vì virus Vũ Hán ở xứ ta từ trước đến nay chỉ là con số lẻ. Theo báo cáo ngày 24-5 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 5.182 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.656 người, bị thương 3.788 người. Theo thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 5-2019, toàn quốc xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Riêng năm 2018 xảy ra 18.499 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Như vậy, trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông.

Đó là chưa nói đến số người chết do bệnh ung thư, theo báo cáo ngày 19-1 của Bệnh viện K cho hay so với năm 2018, số ca mắc, tử vong do ung thư ở Việt Nam tiếp tục gia tăng: đứng thứ 91 thế giới về số ca mắc, thứ 50 về số ca tử vong do ung thư trong 185 quốc gia. Theo báo cáo này, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỉ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỉ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Trong năm 2020, Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư.

Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Những con số khủng khiếp vì tai nạn giao thông và ung thư hàng năm như thế lại không làm hoang mang trong dân chúng thì tại sao trong cơn đại dịch giết chết hàng triệu người trên thế giới , khi đến Việt Nam mới chỉ chết 129 người mọi người đã lo âu quá đáng đến thế và nhà nước cũng luống cuống trong cách xử trí như thế.

Trong cơn đại dịch thế này, bình tĩnh và chấp hành đúng và đủ những quy định của y tế là cách đối phó tốt nhất. Nhiều người lo lắng thái quá và cũng không ít người quá chủ quan. Hãy tự bảo vệ mình, gia đình mình và cộng đồng. Hãy có thái độ tích cực và lòng tin. Trong hoàn cảnh này, những người khổ nhất trong xã hội là những người nghèo, làm công ăn lương hàng ngày, những người buôn gánh bán bưng, những người nhập cư bán vé số, mua bán ve chai, phế liệu, những kẻ không nhà sống bám vỉa hè kiếm cơm qua ngày....nên nhà nước cố gắng giúp họ sống được trong những ngày phong toả. Khi họ có miếng ăn, họ sẽ hạn chế việc ra đường sinh kế. Về phía chính quyền nên có những chính sách, biện pháp rõ ràng và nhất quán, tránh kiểu thay đổi liên tục như mấy hôm nay. Chận rồi bỏ chận. Xét giấy rồi bỏ xét. Tầm soát toàn dân rồi xét nghiệm hạn chế, cái gì cũng nửa nạc nửa mỡ, chẳng đâu vào đâu. Cách lập hàng rào, chốt chận và cách ly tập trung đã cho thấy những bất cập và không hiệu quả. Đừng để người dân có suy nghĩ không chống dịch mà đang chống dân. Cần có một biện pháp khoa học và thực tế với hoàn cảnh hơn. Nhà nước luôn thông báo không thiếu hàng, không tăng giá. Nhưng quý vị hãy đến các siêu thị mà xem, giá thay đổi thế nào và hàng hoá có thiếu đủ ra sao. Trên mạng xã hội đã xuất hiện những clip tố cáo siêu thị Bách hoá xanh tăng giá vô tội vạ gấp mấy lần giá bình thường, dân cũng đành cam chịu vì không dễ kiếm một chỗ khác.

Cũng thấy xuất hiện một văn bản không biết giả hay thật quy định mỗi chốt gác ở Uỷ ban phường, mỗi ca phải phạt 20 trường hợp và mỗi đội tuần tra mỗi ca phải phạt ít nhất 5 trường hợp. Tại sao phải có những con số quy định như thế? Hay là dịp để tạo quỹ cho phường? Đành rằng khi thành phố quy định giãn cách, vì sức khoẻ cộng đồng, người dân phải chấp hành. Tuy nhiên, ngoại trừ những kẻ thừa hơi khoái chạy ra đường như thói quen, nhiều kẻ có thói quen và cố giữ thói quen ấy nên vi phạm. Vẫn còn nhiều người vì sinh kế nên phải lén lút ra đường kiếm cơm cháo. Anh chàng đẩy xe bán hàng ở Tân Phú cũng nằm trong trường hợp đấy. Hàng đã lỡ mua, cả vốn liếng nằm trong đấy, không lẽ đành lòng nằm nhà để tiêu mất vốn và nhìn vợ con thiếu ăn, anh đành trở thành kẻ vi phạm. Tiếc thay, đội ngũ dân quân và những người thi hành luật lệ quá cứng nhắc và nguyên tắc lại cư xử không tế nhị nên mới xảy ra ẩu đả không nên có. Tại sao các anh công an và dân quân lại có thể kiên nhẫn đứng chờ một thanh niên ngoan cố cứ tiếp tục tập thể dục xem như chẳng có chuyện gì đáng quan tâm một thời gia khá lâu rồi mới đưa về phường phạt 4 triệu đồng. Thì tại sao không nhẹ nhàng giải thích và cảm thông trường hợp đặc biệt của anh xe lôi mà nặng lời và nguyên tắc đạt lý nhưng thiếu tình để đưa đến những đụng chạm không hay? Hãy giăng dây ở chốt chặn nhưng đừng giăng dây trong lòng dân.

Nhưng dù hoàn cảnh thế nào chăng nữa, chúng ta cố gắng vượt qua và mong chính phủ hỗ trợ thiết thực để mọi người cùng góp tay, góp sức ngăn chận dịch. Cơn dịch này đe doạ cuộc sống chung của toàn xã hội và nó cũng có thể không chừa một ai nếu không có ý thức phòng bệnh. Đừng nghĩ nó sẽ chừa ta ra rồi chủ quan tiếp tục những thói quen. Nó sẽ gạ gục người ta bất cứ lúc nào. Tuy so sánh con số người tử vong vì dịch ở Việt Nam với các nước như trên đã viết và vẫn bình tĩnh để chiến đấu.

Nhưng cũng không vì thế mà xem thường chúng và ban ra những biện pháp, những chỉ thị thiếu khoa học và không hợp lý. Bởi nếu không có những biện pháp đúng đắn và hợp thời, con số tử vong chắc chắn sẽ không ngừng lại những con số đấy.

                                                                                                                            13.7.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ SÁU NHỮNG CHUYỆN LINH TINH

Đã bước qua ngày thứ sáu, mọi sự cứ rối tinh lên. Trong môn cờ tướng, người chơi giỏi là đi một nước đã nghĩ ra bốn, năm nước khác hoặc hơn nữa. Kẻ chơi kém là người đi một nước biết một nước, không nghĩ được bước tiếp theo, xem là non cờ. Trong mọi chuyện của cuộc đời cũng thế, nhất là việc điều hành cả một công ty, một thành phố hay một đất nước. Cái đó thời nay gọi là tầm. Tầm đi cùng được với tâm thì quá tốt. Tiếc thay, trong vụ chống dịch hiện nay ở Sài Gòn, bộ sậu điều hành thiếu cả hai thứ đấy. Tầm thì chỉ nghĩ được tới có một ngày, nhiều khi chỉ nửa ngày. Chỉ thị, thông báo thay xoành xoạch. Cán bộ cấp dưới chạy bở hơi tai vì những thay đổi ấy. Rồi dẫm chân nhau, ông nói gà, bà nói vịt. Vừa đưa ra thông báo bỏ chốt chặn, chưa kịp thi hành thì lại có tin là chỉ thay đổi cách quản lý. Bỏ chốt chặn nhưng dây vẫn giăng, kẽm gai vẫn rào, chướng ngại vật quăng đầy ngõ xóm khi phát hiện F0. Hôm trước mọi người vẫn đi làm bình thường, chỉ xuất trình giấy, hôm nay lại bảo chỉ có cơ quan, nhà máy có đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho nhân viên, công nhân ở lại ngay nhà máy được hoạt động. Chỉ có đơn vị nào có xe đưa rước nhân viên, công nhân từ A đến B thì tiếp tục, còn không thì đóng cửa tất. Thế là đã bắt đầu hi sinh việc phát triển kép rồi, đành thế thôi. Nhưng vấn đề đối với các xí nghiệp, nhà máy đã ký những hợp đồng dang dở, giờ đành bỏ à? Kéo theo đó hàng loạt công nhân thất nghiệp, họ sẽ sống ra sao. Chính sách hỗ trợ mấy chục ngàn tỷ của chính phủ mới đến được 40.000 người được thụ hưởng theo báo cáo của Sở Lao động thành phố. Chỉ cần một tuần không làm ra tiền, nhiều người, nhiều gia đình trở thành kẻ thiếu ăn. Hôm trước muốn đi đến đâu phải có giấy xét nghiệm âm tính chưa quá 3 ngày, rồi rút xuống 1 ngày, rồi bỏ. Tốn biết bao nhiêu là tiền. Nghe tin nhà nước đang tính đến chuyện F1 theo dõi tại nhà, đó là giải pháp tốt nhất đáng lẽ phải làm lâu rồi, ta lại cứ duy ý chí tập trung cách ly. Giờ tình hình ở các trung tâm cách ly đã quá tải rồi, đã loạn lắm rồi. Rất nhiều trung tâm không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu, cũng không đủ nhân lực để quản lý và chăm sóc. Họ trở thành như những tù nhân, tự xoay xở để sống. Ăn cơm tập thể thì không nuốt nổi dù tiêu chuẩn 80.000 đồng một ngày. Thì thôi cũng đành chấp nhận, thiếu thì có người nhà gởi vào thêm. Chỉ lo bệnh không có thuốc, không có người cứu chữa và hậu quả là trung tâm cách ly thành ổ dịch. Những con số ngàn hàng ngày nhiễm bệnh được công bố đều từ những khu cách ly. Đã có biết bao nhiêu tiếng kêu, tiếng khóc từ khu cách ly nhưng nhà nước đành bất lực. Bây giờ, nếu tính cho phép F1 cách ly tại nhà, mở cửa cho họ trở về nhà tự theo dõi. Nếu không có phương án hợp lý lại gây hỗn loạn xã hội. Thiết nghĩ phải cho về từng đợt chứ không mở toang cửa cho ai về nhà nấy được. Nếu làm thế sẽ bị ngoài vòng kiểm soát, thành phố sẽ loạn mất.

Khi một khu vực có người bị nhiễm bệnh, dù ngày hay đêm và thường là ban đêm. Còi hụ inh ỏi, loa hét oang oang xôn xao cả góc phố, con hẻm nhỏ. Người mắc bệnh bị giải đi như tội phạm và sáng hôm sau người ta phong toả bằng dây giăng, bằng dây kẽm không lối ra. Nhỡ như có chuyện như nhà cháy, người đau ốm thì đành bất lực đứng nhìn. Phong toả bằng dây kẽm nhìn không khác gì lô cốt quân sự thời chiến tranh, như cơ quan không phận sự cấm vào. Đội ngũ dân phòng, công an đôi khi nguyên tắc quá, hung hăng quá khiến cho việc giữ an ninh trật tự dễ đưa đến xô xát, mâu thuẫn, khiến cho bản thân người bị nhiễm dịch có cảm giác như mình là tội phạm.

Dù trong tình hình dịch bệnh, con người cũng phải ăn, phải uống để sống. Xã hội cũng cần có nơi cung cấp thực phẩm cho dân. Chọn cách chỉ mở cửa các siêu thị mà cấm tuyệt đối những nơi mua bán nhỏ lẻ có thể là một phương cách sai lầm. Siêu thị là nơi dễ truyền bệnh nhất. Nội chuyện chen nhau gởi xe lấy xe cũng đã là truyền bệnh được rồi, lại còn vào trong không gian bít bùng máy lạnh. Nên cho phép bán hàng ở nhà vì không khí thoáng hơn, số người mua ít hơn lại giúp cho người bán có kiếm được đồng ra đồng vào trong cơn khốn khó mà người mua cũng tiện lợi trong việc kiếm cho mình bó rau, quả trứng qua ngày. Nếu cứng nhắc quá trong việc giãn cách chỉ khó cho dân. Vừa rồi xuất hiện các bài báo và clip trên mạng tường thuật cảnh xông vào nhà, bắt người, tịch thu mấy bó rau, mấy củ cải ở một căn nhà dân ở quận hai thấy quá phản cảm, sử dụng bạo lực cách mạng trong thời điểm này là không cần thiết. Làm như thế khiến mọi người có suy nghĩ và đặt câu hỏi ta đang chống dịch hay chống dân đây? Sài Gòn mấy hôm nay đã xuất hiện ở những ngôi nhà góc phố, những căn nhà trong hẻm nhỏ mở cửa he hé để bán hoặc tặng rau củ cho người dân đang cần với những đôi mắt lấm lét như người buôn hàng quốc cấm và người đến mua, đến nhận cũng nhìn trước ngó sau như người mua bán bạc giả. Buồn thay! Rất nhiều người có tiền vào siêu thị nhưng cũng rất âu lo và cũng tốn rất nhiều thời gian nên họ ngại. Người nghèo thì chẳng vào đó là đúng rồi, tiền đâu nữa mà mua.

Những gia đình có người bị nhiễm dịch mà gọi, mà báo có xe đến là may lắm rồi, dù rất căng thẳng. Có rất nhiều người nhiễm dịch gọi phường, gọi y tế mà không được trả lời, hay chỉ nhận được lời từ chối vì không còn chỗ nào nhận. Nghe đoạn audio đang râm ran trên mạng, nghe trao đổi mà thương cho cả hai bên. Một bên là người nhà nhiễm nặng, yếu rồi. Một bên ra sức phân trần như muốn khóc mong thông cảm vì bất lực, không còn chỗ nào chứa. Cậu em tôi bị dính cả nhà, bản thân đã xỉu vì yếu lắm rồi nhưng gọi phường thì phường cho số gọi y tế. Năm lần bảy lượt mới được nghe máy với lời bảo rằng nếu liên lạc được với bệnh viện nào nhận thì y tế sẽ cho xe đến chở đi. Đành phải sử dụng mọi quan hệ để tìm được bệnh viện nhận và nhập viện trong tư thế cấp cứu. Xe chở đi phải trả 1 triệu đồng, cũng chấp nhận vì nghĩ cũng hợp lý, tiền xăng, tiền lương tài xế, tiền chi phí nên cũng chẳng thắc mắc gì. Tất cả những hiện tượng đó nói lên điều gì? Sự quá tải. Không chỉ thiếu giường bệnh mà khó nhất bây giờ là thiếu nhân lực. Thiếu từ bác sĩ, y tá, điều dưỡng cho đến nhân viên, lao công. Đội ngũ này đã trân mình phục vụ gần hai tháng nay, đã có dấu hiệu kiệt sức và stress. Họ khó mà tiếp tục chiến đấu. Các thiết bị bảo hộ cũng tình trạng thiếu, một bác sĩ ,Tiến sĩ, Phó Giáo sư đã lên face kêu gọi mọi người hỗ trợ và đã có hơn trăm triệu gởi về để mua thêm trang bị cho đội ngũ y tế. Tình hình đã có những báo hiệu không ổn. Thiếu vaccine thì đúng rồi vì ta thiếu chuẩn bị nhưng thiếu khẩu trang và bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế làm việc phải kêu gọi đóng góp thì bó tay rồi.

Trước những khó khăn và bất lực của nhiều bộ phận, con virus Vũ Hán lại không nguy hiểm bằng con virus sợ hãi đang hình thành trong đại bộ phận nhân dân và cả ở lãnh đạo. Con virus sợ hãi xuất phát từ những lúng túng trước những chuyển biến của dịch bệnh của bộ phận lãnh đạo, trước những tin thật, tin giả tràn lan, trước những khu cách ly và bệnh viện quá tải, trước những hàng rào và không khí căng thẳng trong gần 800 điểm có dịch của thành phố. Chính con virus sợ hãi này làm cho đại bộ phận nhân dân lo âu vì không biết tình hình dịch rồi sẽ đi đến đâu và lúc nào sẽ dừng lại. Chỉ mong dừng chứ chắc là không thể chấm dứt và loài người đành phải sống chung với nó một thời gian rất dài nữa. Cho nên mọi khẩu hiệu đã trở thành lỗi thời và vô ích. Tương lai, kẻ nào, thế lực nào nắm được loại vaccine, loại thuốc hoàn hảo khống chế được con virus quái ác này, kẻ ấy, thế lực ấy sẽ điều khiển được cả thế giới, thống trị cả nhân loại.

Những biện pháp những hôm nay nhà nước gọi là giãn cách. Nhưng mà cấm người đi, cấm buôn bán, cấm tụ tập là phong toả chứ sao gọi là giãn cách. Cứ gọi đúng tên thì có sao đâu?

Nhiều tin thật giả chen nhau tới tấp xuất hiện báo rằng bắt đầu từ ngày 15.7, tình hình sẽ căng thătng hơn, dịch bệnh ở thành phố sẽ lên cao điểm trong hai tuần nữa. Thành phố sẽ đóng cửa triệt để. Và từ bây giờ, các kho hàng, bến bãi sẽ đóng lại. Mai mốt sẽ cấm hẳn chuyện chuyển lưu hàng hoá, cuộc sống rồi sẽ thế nào đây? Sẽ kéo dài bao lâu nữa? Không chỉ đội ngũ y tế bị stress mà người dân kể cả trẻ con, người già cũng sẽ bị stress tập thể. Khi cơn dịch này đi qua, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ sống khác, suy nghĩ khác và nhìn cuộc đời cũng khác đi nhiều. Cả xã hội đang stress, con virus Vũ Hán quanh quẩn khắp nơi và con virus sợ hãi đang xuất hiện trong lòng của mỗi người. Đây là lúc cần thiết các phương tiện truyền thông làm nhiệm vụ để trấn an mọi người, cũng là lúc những lãnh đạo chấn chỉnh lại cách chống dịch để cho dân có thêm lòng tin. Muốn thế, tất cả phải sáng suốt, sống có ý thức hơn và cố gắng chịu đựng những khó khăn trong những ngày sắp tới. Tất cả đang còn ở phía trước, mong mỗi ngày con số dịch bệnh được công bố càng lúc càng đi xuống và niềm hi vọng càng lúc càng được tăng lên.

                                                                                                                              14.7.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ BẢY NGÀY BUỒN TÊNH

Hôm trước có tin ngày hôm nay 15.7 sẽ đóng cửa thành phố và Sài Gòn giới nghiêm. Thiên hạ lại ùn ùn đi mua hàng tích trữ. Tui nghĩ đã chấp nhận nằm nhà, dù bình thường rất kén ăn nhưng giờ thì chấp nhận ăn gì cũng xong, miễn qua được những ngày khó quên này. Nên chẳng có chi phải lo lắng. Báo đài và lãnh đạo đã dứt khoát đó là tin giả. Bán tín bán nghi vì lúc này trên mạng thiên hạ cứ nhắc tên Cụ TT Nguyễn Văn Thiệu, dù Cụ qua đời đã lâu rồi. Cũng may, hôm nay chẳng có gì thay đổi.

Trời Sài Gòn bữa nay buồn hiu, quá trưa lại mưa. Hôm qua tui có hai người bạn cũ vừa qua đời. Một người là bạn học, người kia là bạn nghề. Vẫn biết đời người rồi ai cũng phải ra đi nhưng vẫn thoáng buồn. Lại nghĩ đến đội ngũ y tế đang dần kiệt sức chống dịch. Nghĩ đến những người đã nhiễm virus trong các bệnh viện đang ở tình trạng quá tải. Nghĩ đến những khu tập trung cách ly thiếu thốn biết bao phương tiện sống và dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào. Nghĩ đến nhứng người lao động nghèo, những thân phận hắt hiu không còn đường sinh kế khi giãn cách kéo dài. Nghĩ đến những đứa bé mặc bộ đồ bảo hộ thùng thình xa cha mẹ đi cách ly vì dương tính. Nghĩ đến một thành phố náo nhiệt, đầy tiếng xe, tiếng cười, một thành phố năng động, không bao giờ ngủ giờ đìu hiu hoang vắng và con virus có thể tấn công bất cứ người nào. Nghĩ và buồn. Đủ thứ buồn. Buồn cho mọi thứ chung quanh đang diễn ra rồi cũng buồn cho riêng mình. Đã đến tuổi này, quỹ thời gian chẳng còn là bao mà đã mất đi hai năm rồi sống trong lo lắng và bị giam chân không được bay nhảy với những thú vui của tuổi già, không được thưởng thức những món ăn mình ưa thích, không được tham gia những cuộc tụ tập đầy những tiếng cười của bè bạn. Hai năm trôi đi thật vô vị.

Thấy những người bạn lần lượt ra đi, những người tử vong hàng ngày vì dịch bệnh và càng thấm rõ một điều là cái danh, cái lợi của cuộc đời này chỉ là những thứ hư ảo, phù du. Có đó rồi mất đó. Con người đến với trần gian bằng đôi tay trắng và tiếng khóc. Lúc ra đi cũng trắng tay và để lại tiếng khóc cho mọi người. Chỉ vậy thôi. Danh tiếng cũng vùi trong ba tấc đất hay chỉ còn lại một nhúm tro gởi bay theo gió. Tiền tài ai mang được qua thế giới bên kia khi phút cuối cùng những hạt nút áo cũng bị cắt mất. Chiều mưa mùa dịch. Buồn tênh giữa những chênh vênh. Bật lên một tiếng hát với bài Tưởng niệm và lòng lại buồn hơn. Xin dành bài ca này cho hai người bạn cũ của tui vừa đi về phía bên kia thế giới.

                                                                                                                        15.7.2021

(Còn tiếp)