Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Giấc mộng phù vân

Truyện Trần Quang lộc

Buổi chiều cuối thu năm 1441, trên con đường độc đạo men theo chân núi Phụng Hoàng, một lữ khách luống tuổi, mặc áo the thâm, đầu đội khăn xếp, vai đeo tay nải đang thong thả rảo bước về hướng Côn Sơn.

Lữ khách đó là tướng Trần Lựu, một thiên tài quân sự của nghĩa quân Lam Sơn.

Trần Lựu người làng Lỗ Tự, huyện Thượng Nguyên, con út của tướng Trần Lượng.

Thừa hưởng tố chất của cha, năm 18 tuổi, Lựu đã nổi tiếng văn võ song toàn, đa mưu túc trí, khí phách hơn người.

Trần Lượng theo phò vua Trùng Quang Đế chống lại nền thống trị tàn bạo của quân Minh. Năm 1413, trong Trận thư hùng đẫm máu ở Thái Đà, lực lượng nhà Hậu Trần thất bại thảm hại: Trần Lượng anh dũng hy sinh, Trùng Quang Đế và các tùy tướng như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy… bị Trương Phụ bắt giải về Đại Minh. Trên đường lưu đày, Trùng Quang Đế và các trung thần nhảy xuống biển tự trầm. Nhà Hậu Trần bị diệt vong từ đó.

Trước cảnh nước mất nhà tan, Trần Lựu nuôi mộng lớn, rời quê hương ra đi chiêu mộ anh hùng hào kiệt bốn phương, phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi gặc Minh ra khỏi bờ cõi, rửa sạch hận nước thù nhà. Nhưng, Lựu vô cùng thất vọng bởi đi đến đâu cũng gặp toàn băng đảng mang danh nghĩa diệt Minh, thực chất chỉ là bọn lục lâm, thảo khấu chuyên cướp bóc, sách nhiễu dân lành.

Đường cứu nước tưởng chừng bế tắc thì nghe trên giang hồ đồn rằng, miền sơn cước Lam Sơn, có một vị hào trưởng tên Lê Lợi cùng với 18 anh hùng phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh.

Được tin, Trần Lựu hăm hở tìm về đất Lam Sơn tụ nghĩa. Trên đường vào căn cứ nghĩa quân, tình cờ Lựu kết thân với Nguyễn Trãi. Hồi còn ở Thăng Long, Lựu từng nghe phụ thân kể về con người này.

Trãi là con của Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại quan tư đồ Trần Nguyên Đán. Trãi đậu Thái học sinh và làm tới chức Ngự Sử Đài Chính Chưởng thời Nhà Hồ. Mùa thu năm Đinh Hợi (1407), nước Đại Ngu rơi vào tay giặc Minh, cha con Hồ Quý Ly và Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi chạy thoát và cũng đang trên đường đi tìm minh chúa.

Cùng xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc, cùng mang một hoài bão lớn lao, cùng là kẻ sĩ nổi tiếng đất kinh kỳ, nhưng tính cách hai người khác nhau: Trãi luôn tỏ ra người học cao, hiểu rộng, có danh phận. Lựu đàn em, tính tình đằm thắm, sâu sắc, nhìn xa.

Gần ba tháng trời chia bùi sẻ ngọt, đệ huynh vượt suối xuyên rừng mới đến được Lỗi Giang. Lỗi Giang địa hình hiểm trở, núi rừng trùng điệp, là đại bản doanh của Bình Định Vương Lê Lợi.

Tuy xuất thân là một hào trưởng, nhưng Lê Lợi có tướng của bậc đế vương, biết chiêu hiền đãi sĩ, biết trọng dụng hiền tài. Sau khi xem qua Bình Ngô Sách như một lễ vật đầu quân của Nguyễn Trãi, Lợi khen Trãi là một thiên tài về văn học lẫn quân sự nên rất trọng dụng. Từ đó, Lê Lợi lấy Bình Ngô Sách làm kim chỉ nam xuyên suốt cuộc kháng chiến chống quân Minh, giữ Trãi bên cạnh làm mưu sĩ, chuyên đề ra những sách lược chống giặc và soạn thảo các văn thư ngoại giao với tướng Minh. Trần Lựu được giao cho tướng Lê Sát tùy nghi sử dụng.

Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn cùng ngày, nhưng Trãi được trọng dụng ngay, quyền lực chỉ đứng sau Bình Định Vương. Còn Lựu, Lựu chỉ là một tên lính quèn không tên không tuổi. Âu cũng là số phận mà thượng đế đã ban cho mỗi con người.

***

Sau chiến thắng lừng lẫy Khâu Ôn, tài cầm quân của Trần Lựu được bộc lộ khiến tướng nhà Minh phải kinh hồn bạt vía, nghĩa quân nể phục. Lê Lợi phong cho Trần Lựu chức Nhập Nội Thiếu Bảo, được quyền huy động toàn dân tham gia kháng chiến, ai chống cự tiền trảm hậu tấu.

Từ ngày nhận thêm trách nhiệm mới, Lựu thường khuyên các thuộc hạ rằng, muốn cuộc khởi nghĩa thành công phải dựa vào lòng dân. Được dân nhiệt tình ủng hộ, công cuộc giải phóng đất nước thoát khỏi sự cai trị dã man của giặc Minh sẽ sớm đi đến thắng lợi. Hưởng ứng lời huấn dụ của Trần Lựu, trên đường hành quân, nghĩa quân Lam Sơn không những không cướp bóc, hà hiếp mà còn tích cực giúp dân tăng gia sản xuất, đóng góp lương thực nuôi quân.

Một hôm, trên đường rút quân về Chi Lăng, tướng Lê Ngân đưa cho Trần Lựu chiếc lá có ghi 8 chữ “Lê Lợi vi quân. Nguyễn Trãi vi thần”. Lựu cầm phiến lá xem qua, mỉm cười, và cho rằng, đây là sản phẩm của Nguyễn Trãi. Nghe nói Nguyễn Trãi cho người dùng mỡ lợn viết tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” lên lá cây cho kiến đục như cơ trời đã định sẵn rồi thả trôi sông, trôi suối để tuyên truyền, vận động quần chúng khắp nơi hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, Nguyễn Trãi phò tá.

Căn cứ nội dung tám chữ trên chiếc lá, các tướng cho rằng, Trãi tự cao, xa rời nhân dân, coi thường ba quân tướng sĩ đang ngày đêm vào sinh ra tử chống lại kẻ thù.

***

Sau đó không lâu. Các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn… nơi nào cũng xuất hiện những chiếc lá bị kiến đục tám chữ “LÊ LỢI VI QUÂN – BÁCH TÍNH VI THẦN”. Tám chữ thể hiện ý chúa lòng dân khiến trăm họ vui mừng và truyền cho nhau rằng, trời có mắt không phụ lòng dân Đại Việt nên đã thay đổi ý.

Nhờ thông điệp ghi trên chiếc lá mà anh hùng hào kiệt bốn phương kéo về Lam Sơn đầu quân ngày càng đông. Mỗi lần thấy quân Lê Lợi hành quân ngang qua, dân chúng tự nguyện mang trâu, bò, heo, gà, gạo, thóc đến ủy lạo. Nguyễn Trãi biết việc thay đổi nội dung thông điệp trên mặt lá do Lựu bày ra, nhưng không có ý kiến gì.

Được quần chúng nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, khí thế nghĩa quân lớn mạnh như Thánh Gióng, làm chủ trên mọi chiến trường, dồn quân Minh vào bước đường cùng, buộc Vương Thông phải xin giảng hòa.

Nghe tin Bình định vương chấp nhận đề nghị giảng hòa của giặc, các tướng sĩ rất căm tức sự tàn ngược của quân Minh nên khuyên Lê Lợi giết các bại tướng trả thù cho trăm họ. Trong cuộc họp các tướng sĩ, Trần Nguyên Hãn phản ứng gay gắt:

- Lúc quân Minh tổn thất nặng nề, xin chúa công thừa thắng xông lên tiêu diệt tận gốc bọn xâm lược để trả thù cho nhân dân Đại Việt và hàng vạn nghĩa quân Lam Sơn đã bỏ mạng trong suốt mười năm phục quốc.

Phạm Văn Xảo tiếp:

-Phải đánh, đánh tới cùng để nhà cầm quyền phương Bắc hiểu rằng, nước Nam đã có chủ. Kẻ nào dám cả gan đem quân sang xâm lược sẽ bị trừng trị không có đường về!

Trãi thong thả giải thích:

-Giặc thua, xin hòa. Nếu ta xua quân truy cùng diệt tận để thỏa lòng căm tức sẽ mang tiếng là bất nhân, bất nghĩa. Chi bằng nhân lúc này, ta đem đại nghĩa, lấy lòng nhân mở ra con đường sống cho hàng vạn kẻ thù. Cách đối nhân xử thế mang tầm chiến lược của chúa công không những hóa giải hận thù giữa hai nước, tránh can qua, mà còn thể hiện bản chất chính nhân quân tử của nhân dân Đại Việt.

Lê Lợi giảng dụ:

-Mặc dù hơn 10 năm, nhân dân ta đổ nhiều máu xương mới được ngày hôm nay. Trả thù báo oán là thường tình, nhưng không muốn giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã cầu hòa, mình lại giết thì mang tiếng xấu cho đời sau. Chi bằng tha mạng sống cho vạn người, dập tắt hận thù, sử xanh ghi chép há chẳng lớn lao sao?

Thấy Lê lợi đã quyết, các tướng ngấm ngầm không phục.

Lê Lợi lập tức ra lệnh cho các tướng Trần Lựu, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Sát cho quân lính thu gom trâu bò, lợn gà, gạo thóc và đồ vật quí giá trong nhân dân làm lễ phẩm đưa tiễn quân Minh. Việc làm rất không bình thường của Lê Lợi, Lựu không phục, phản đối:

-Thưa chúa công, chiến tranh vừa kết thúc, dân Đại Việt phải thắt lưng buộc bụng ra sức hàn gắn đau thương mất mát; nghĩa quân Lam Sơn vẫn đang ăn khoai mì, củ chuối thay cơm. Đã không giết tướng Minh trả thù cho bá tính, chúa công còn tịch thu của dân làm lễ phẩm tiễn đưa kẻ thù về nước! Việc làm của chúa công sợ lòng dân không phục!

Lợi quát tháo:

-Người chỉ là một võ tướng quèn, biết gì mà nói!

Quân Minh rút về nước, Trần Cảo được triều đình nhà Minh phong làm Quốc vương Đại Việt. Trần Cảo tự biết mình bất tài vô dụng, lòng dân không phục nên từ bỏ vương quyền về quê. Lê Lợi lập tức cho người truy sát. Trần Lựu can:

-Xin chúa công không nên giết Trần Cảo. Với kẻ thù của nhân dân, chúa công tha chết lại còn cho mang lễ vật quý báu tiễn đưa đến tận biên ải. Còn Trần Cảo tự nhận mình bất tài trong việc trị nước nên muốn trở về làm dân dã an hưởng tuổi già thì chúa công lại truy cùng diệt tận. Người đời sau sẽ chê chúa công tranh quyền, đoạt vị.

Lợi giận tím mặt, không nghe, vẫn cho người ám sát Trần Cảo rồi sai sứ sang nhà Minh báo tin: Cảo tự vẫn.

Mùa xuân 1428, Lê Lợi từ điện Tranh vào thành Đông Quan lên ngôi, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm thủ đô, xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, sử gọi là Thái Tổ Cao Hoàng đế, dựng lên nhà Hậu Lê, đại xá thiên hạ, chờ sắc phong của Đại Minh.

Vừa mới lên ngôi, biết Trần Lựu đa mưu túc trí, hậu duệ của Trần Thiếu Đế, đề phòng mầm mống bạo loạn có thể xảy ra sau này, Lê Lợi ban lệnh cách chức và cho Lựu về Thường Nguyên làm thứ dân.

Các tướng đồng lòng can gián: Trần Lựu là danh tướng đã cùng với bệ hạ vào sinh ra tử lập nhiều công lớn: Đánh chiếm thành Khâu Ôn; đẩy lùi 5 vạn địch quân, giết tướng Minh là Trần Hiệp, Lê Lượng tại Chúc Động, Tốt Động; tiêu diệt viện binh của Cồ Thành Tố tại Phá Lũy; chém đầu Liễu Thăng tại Mã Ngôi; đánh tan hàng vạn quân Minh tại Xương Giang… Công lao to lớn của Trần Lựu góp phần cùng với nghĩa quân Lam Sơn đi đến thắng lợi cuối cùng. Đại Việt vừa sạch bóng quân thù, bệ hạ lại bức hiếp công thần, người đời sau sẽ chê bệ hạ là kẻ vong ân bội nghĩa, sử sách bêu tiếng xấu muôn đời.

Các tướng ngăn can, buộc lòng Lê Lợi phải hạ chức Trần Lựu, bổ sung vào đội thị vệ canh giữ thành Đông Quan.

Một số tướng thân cận đến chia buồn. Trần Lựu nói:

-Gần 10 năm theo chúa công xông pha trận mạc tiêu diệt kẻ thù là để trả nợ nước thù nhà chứ không vì công danh phú quý. Nay giặc Minh đã dẹp xong, bá tánh sống trong cảnh thanh bình lòng ta thanh thản với những gì mà chúa công đã ban cho.

Nguyễn Trãi trách Lựu ngang bướng và rất ngại tiếp xúc sợ bị tai bay vạ gửi.

Trải qua hai đời vua Thái Tổ và Thái Tông, triều đình bất ổn. Lợi dụng tính đa nghi, ham mê tửu sắc của nhà vua, bọn gian thần cấu kết với hoạn quan chia bè kết đảng, tranh quyền, đoạt lợi, hãm hại tôi hiền. Triều đình thời Lê sơ như một chiến trường khó phân biệt địch - ta, bạn - thù và đầy hiểm nguy bất trắc.

Kiếp người như giấc mộng phù vân, công danh phú quý như giọt sương buổi sớm, như mây trắng ngang trời, có đó rồi mất đó, đáng gì phải bận tâm.

Mùa thu năm 1441, Lựu cáo bệnh về quê hưởng thú thanh nhàn.

Ngang qua Phụng hoàng san, Lựu chợt nhớ Nguyễn Trãi đang an trí tại Côn Sơn.

Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, là công thần khai quốc nhà Hậu Lê, một nhà văn có nhiều đóng góp trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với chiến lược “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Nhưng đường hoạn lộ của Nguyễn Trãi cũng ba nổi bảy chìm.

Vừa mới lên ngôi, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi thay lời mình viết Bình Ngô Đại Cáo, tuyên bố kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt.

Bình Ngô Đại Cáo, áng thiên cổ hùng văn, bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 sau bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt. Quý trọng tài văn chương, Trãi được Thái Tổ phong chức Hành Khiển Nhập Nội, một chức quan to trong triều và ban rất nhiều bổng lộc. Trãi quyết đem sở học của mình giúp nhà vua xây dựng Đại Việt thanh bình thịnh trị.

Đường danh lợi đang hanh thông thì Trãi bị bắt vì nghi có liên quan đến hội kín Phản Lê-Phục Trần do Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo chủ mưu.

Hai trọng thần đương triều Trần - Phạm bị xử tử. Xét thấy Trãi có tài thơ văn, với lại chỉ là họ ngoại tôn thất nhà Trần nên được tha, vẫn cho giữ chức cũ nhưng không có thực quyền, tước hết bỗng lộc. Suốt triều Lê Sơ, Trãi như một cái bóng mờ nhạt.

Gần cuối triều Lê Thái Tông, Trãi mới được khôi phục quyền lực, vua ban nhiều bỗng lộc. Từ đó, Trãi sống trong vinh hoa phú quý, nhiều thê thiếp xinh đẹp ngày đêm hầu hạ. Mặc dù đã về an trí Côn Sơn, thi thoảng ông còn được nhà vua mời về hoàng cung bàn chuyện thơ văn, luận về chính sự.

Đứng trên đỉnh Côn Sơn nhìn về dinh cơ của Nguyễn Trãi, Lựu nghĩ, đã thoát vòng cương tỏa lẽ nào Nguyễn Trãi còn câu nệ không dám tiếp mình. Với lại, đây là dịp được mục sở thị một miền đất sơn kỳ thủy tú, có nhiều di tích lịch sử rất nổi tiếng.

Nhìn dinh cơ nguy nga đồ sộ, sơn son thếp vàng của Nguyễn Trãi tọa lạc giữa cảnh non xanh nước biếc, hoa cỏ tốt tươi, Trần lựu vừa kinh ngạc, vừa thán phục.

Gặp lại người cũ, Trãi tự tay pha trà Bạch Mao Nữ, một loại trà quý hiếm chỉ dành cho vua chúa thưởng lãm. Sau một lúc hàn huyên tâm sự bên tách trà thơm bốc khói, Trãi chợt hỏi:

-Mấy tháng nay ta chưa có dịp về triều. Không biết tình hình chính sự lúc này như thế nào?

Nhìn áng mây chiều lãng đãng bên ngoài ô cửa, Lựu nâng tách trà lên nhắp một ngụm, buông tiếng thở dài:

-Thái Tông tuy là là vị vua thông minh nhưng tính khí nóng nảy, đa nghi và đam mê sắc dục. Lợi dụng điểm yếu này, bọn gian thần lập mưu giết hai vị công thần Lê Sát, Lê Ngân, làm náo động cả kinh thành.

Nghe tin dữ, Trãi đánh rơi tách trà bằng ngọc quý đang cầm trên tay xuống mặt bàn vỡ ra từng mảnh, tay chân bủn rủn. Trong lúc lòng Trãi còn đang dao động, Trần Lựu tiếp:

-Sau cái chết của Lê Sát, Lê Ngân, các đại thần ăn ngủ không an. Lê Nhân Chú, Lê Bôi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt… cáo bệnh về quê – Lựu nhìn Trãi ái ngại: – Trên đường về quê quán, tiện thể ghé thăm huynh, và xin mạo muội có một lời khuyên, nếu thấy không phải xin huynh bỏ qua cho.

Trãi run run giọng:

-Ta nghe đây. Đệ cứ nói.

-Huynh tuy đã lui về Côn Sơn, nhưng rất được Thái Tông tin dùng. Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, thứ thiếp xinh đẹp tài hoa của huynh cũng đang được nhà vua trọng dụng, ngày đêm lưu giữ trong cung. Hoàng phi Nguyễn Thị Anh và Đinh Thắng câu kết với bọn gian nịnh lập mưu lần lượt hãm hại công thần để thâu tóm quyền lực, bảo vệ ngôi vị thái tử cho con mình là Bang Cơ. Theo đệ, huynh sẽ là người tiếp theo – Trần Lựu nâng tách trà lên chiêu một ngụm, trầm giọng – Để tránh đại họa về sau, huynh phải cắt đứt mọi lợi danh ràng buộc, sống bình yên thanh thản với non xanh nước biếc, tập trung viết sách, làm thơ lưu lại cho con cháu đời sau.

Hoàng phi Nguyễn Thị Anh nổi tiếng thông minh, sắc sảo, xinh đẹp, hội đủ các tố chất của bậc mẫu nghi thiên hạ nên rất được Thái Tông sủng ái. Nguyễn Thị Anh nhập cung chưa đầy 6 tháng thì sinh hoàng tử Bang Cơ khiến các quan đương triều nghi ngờ và ngấm ngầm đề nghị Thái Tông lập Lê Tự Thành, con của thần phi Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao lên ngôi Thái tử.

Vì quá yêu Nguyễn Thị Anh, Thái Tông một mực cho rằng, Bang Cơ sinh thiếu tháng, mặt mũi sáng sủa, có tướng đế vương. Biết mình được vua yêu nên Nguyễn Thị Anh ngày càng lộng hành, thẳng tay trừ khử những ai dám ngăn chặn bàn tay thâu tóm quyền lực của mình, ngay cả hoàng thân quốc thích.

Trong đám trọng thần đương triều, người mà Hoàng Phi căm nghét nhất chính là quan Hành Khiến Nội Nhập Nguyễn Trãi và thứ thiếp của ông là bà Nguyễn Thị Lộ. Vụ án Mưu hại hoàng tử Bang Cơ do Nguyễn Thị Anh và Đinh Thắng dàn dựng rồi vu vạ cho mẹ con thần phi Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao. Nhờ Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ chống lưng với lí do chưa có bằng chứng rõ ràng nên mẹ con Thần Phi Ngọc Giao chỉ bị trục xuất khỏi hoàng cung làm thảo dân, thay vì bị xử tử bởi tội mưu sát hoàng tôn.

Mặc dù Bang Cơ đang ở ngôi vị Thái Tử, nhưng lòng Nguyễn Thị Anh bất an mỗi lần thấy Trãi từ Côn Sơn về hoàng cung bàn việc chính sự với Thái Tông. Để bảo vệ vững chắc ngôi báu cho con mình, bà nghĩ, bất cứ giá nào cũng phải ra tay trừ khử Nguyễn Trãi để diệt trừ hậu họa.

Sau lời cảnh báo của Lựu, Trãi ngẫm ngợi một lúc, nói:

-Theo ta, Thái Tông là vị vua có tinh thần yêu nước, biết lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ. Giết hại trung thần là mang tội lớn, nhưng đó chỉ là hành động nông nổi nhất thời. Xưa, Hán Cao Tổ giết công thần như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố…, nhưng người đời sau vẫn tôn vinh là anh hùng dân tộc, là nhà chính trị lỗi lạc, có công lập nên triều đại nhà Hán. Riêng Nguyễn Thị Anh chỉ là người đàn bà tham quyền lực, có đáng gì ta phải bận tâm.

Sau câu nói của Trãi, Trần Lựu đứng lên, giọng buồn:

-Đấy là lời khuyên chân thành của đệ. Nếu có gì không phải xin huynh tha thứ. Huynh hãy bảo trọng!

Sau buổi chiều hôm đó, Trần Lựu, một danh tướng dũng cảm mưu lược trong chiến tranh diệt Minh; giản dị thanh liêm trong hòa bình, được đồng liêu nể phục, được nhân dân yêu kính biệt tăm biệt tích.

Có người bảo, Trần Lựu sống lang bạt kỳ hồ, ngao du sơn thủy. Kẻ lại bảo, ông lên núi tu tiên. Sử sách đời sau rất ít ai viết về Trần Lựu. Nếu có cũng chỉ viết qua loa, mỗi sách ghi mỗi khác. Thậm chí năm sinh và năm mất của ông cũng không thấy sử sách nhắc đến.

Lại nói về Nguyễn Trãi.

Mặc dù được Trần Lựu cảnh báo, Trãi vẫn đau đáu quyết tâm đem sở học của mình giúp Thái Tông xây dựng Đại Việt thành một nhà nước pháp quyền, một nhà nước thực sự do dân và vì dân.

Trong khi Trãi ra vào hoàng cung giúp nhà vua trị nước an dân thì xảy ra thảm hoạ.

Mùa xuân năm 1442, tiết trời dịu mát, phong cảnh hữu tình, Thái Tông xuất cung đi tuần du Chí Linh. Nhân cơ hội này, Nguyễn Trãi đích thân mời vua ghé thăm Côn Sơn. Sau 4 ngày tham quan chùa Thiên Tư Phúc Tự, đền Kiếp Bạc, vãng cảnh Núi Rồng, nhà vua trở về hoàng cung, có Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ theo hầu.

Trên đường về, Thái Tông ghé thăm Lệ Chi Viên thì bị cảm lạnh. Mặc dù được Nguyễn Thị Lộ chăm sóc cẩn thận, nhưng nhà vua không qua khỏi.

Sự cố xảy ra đột ngột, triều đình lặng lẽ rước ngự giá về kinh mới phát tang. Riêng Nguyễn Thị Lộ bị chém ngay trong đêm hôm đó.

An táng Thái Tôn vừa xong, thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi lấy hiệu Nhân Tông. Hoàng Phi Nguyễn Thị Anh làm Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu, buông rèm nhiếp chính. Nắm quyền lực trong tay, Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu lập tức khép tội Nguyễn Trãi là kẻ chủ mưu xúi vợ giết vua, lãnh án tru di ba họ.

Cuối đời, Trãi mới ngộ ra, vụ án Lệ Chi Viên do Nguyễn Thị Anh cùng đồng bọn dàn dựng nhằm mục đích tận diệt kẻ thù không đội trời chung. Hiểu ra thì đã muộn!

Ngày ra pháp trường thọ hình, Trãi ngửa cổ nhìn lên trời xanh mây trắng mà than rằng:

-Trần Lựu! Bởi ta không nghe lời khuyên của đệ nên sinh đại họa! Là kẻ sĩ lừng danh mà không thức thời, bị công danh phú quý mê hoặc, cuối cùng chết bởi tay con đàn bà gian ác. Thương cho Thị Lộ và ba họ nhà ta bị án oan, trẻ già chết thảm!

Sau này, Lê Thánh Tông ca ngợi tài văn chương của Nguyễn Trãi qua câu thơ:

“Ức trai tâm thượng quang khuê tảo”.

(Tạm dịch: Lòng Ức Trai rạng rỡ văn chương).

                                                                                                                Trần Quang Lộc

                                                                                                             Những ngày trốn dịch