Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Chiếc áo chật quen dần

Tuấn Khanh

Sự kiện nhà thơ Thái Hạo bị “ai đó” đến gặp ban tổ chức một buổi ra mắt sách, ra lệnh ngăn chặn, chuyện bùng lên, rồi lại chìm đi trong sự lặng lẽ của xã hội Việt Nam. Mọi thứ dường như đã là quá quen thuộc của nhiều người, nhiều thập niên, vốn là chuyện cười và kháo nhau trong e ngại ở các quán cafe, ở các buổi nhàn đàm.

Nhà thơ Thái Hạo thuật lại trên trang nhà của anh, rằng nhân một buổi ra mắt sách của công ty sách Quảng Văn, Nhà xuất bản Phụ nữ và một trường học ở thành phố Thanh Hóa vào cuối tháng Hai 2023, Thái Hạo được mời đến trò chuyện với phụ huynh và học sinh trong nội dung “cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo cuộc sống văn minh”. Mọi chuyện cứ tưởng là bình thường, cho đến khi một ai đó, xưng là “an ninh”, đến gặp Ban tổ chức và nói là không được mời Thái Hạo, vì đây là nhân vật “nhạy cảm”. Dĩ nhiên, những người tổ chức Hội sách Mùa xuân 2023 ở Thanh Hóa không còn biết gì khác hơn là đành gọi điện xin lỗi nhà thơ Thái Hạo.

Với tôi, Dương Tường trước hết là một người anh hồn hậu

Ý Nhi

Tôi gặp Dương Tường vào khoảng những năm 1983, 1984 khi ông dịch tác phẩm Cội rễ (hai tập, hơn 1000 trang) của Alex Haley cho nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, các thành viên Ban Giám đốc cũng như các biên tập viên đều là người viết. Chúng tôi quen biết hầu khắp các cộng tác viên của mình. Vì vậy, các nhà văn đến, thường gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ với mọi người, hết phòng ban này sang phòng ban khác.

Đào Minh Tri – Một tiếng ngân dài

Nguyễn Thanh Bình

Tôi không phải nhà nghiên cứu, lý luận phê bình nghệ thuật, nhưng vừa là thế hệ đi sau, vừa là đồng nghiệp của những họa sỹ như Thành Chương, Ca Lê Thắng và Đào Minh Tri, đồng hành từ giữa những năm 60' tới 70', của thế kỷ trước.

Chẳng những nhìn thấy mà còn cảm nhận phong cách của từng người, thay đổi qua từng giai đoạn.

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Chú Dương Tường

Đỗ Hoàng Diệu

Tôi gặp chú lần đầu vào năm 2005. Chú nhỏ, hiền, tinh, thanh và đẹp như một ngài thỏ. Không phải thỏ trắng, chú Tường thực ra ít ngây thơ. Không phải xám, chú Tường hiếm khi nghiêm trọng. Không vằn, vì quả tim ứ đầy xúc cảm đã cuốn phăng những lằn nghi ngại. Đó là ngài thỏ màu xanh tím than. Trong bóng tối, thứ màu “dương cầm đêm” đó thành đen – bán máu, lo sợ, run rẩy. Dưới ánh mặt trời, nó ánh lên sắc tím – màu của nước mắt thơ Dương Tường – kiêu hãnh buồn. Trên bãi cỏ, bên người yêu dấu, ngài thỏ trở về chú thỏ xanh, chú thỏ xanh xanh tinh nghịch chạy đùa trên cánh đồng xuân.

Dương Tường – Người chưa mãn hạn

Phạm Tường Vân

Năm 2002, tôi từng hỏi: "Thời kỳ ông tự cật vấn nhất là bao giờ?". Đáp: "Những năm 60, sau vụ Nhân Văn, Xét Lại." "Câu trả lời chung là gì?". "Phải có một thế giới khác. Thế giới này đang hỏng. Thế giới này phải làm lại."

Cách "làm lại" thế giới đang hỏng hóc ấy của ông Dương Tường bề ngoài trông thật yếu mềm và buồn tẻ. Không có sự kịch tính trong hành động hay lập ngôn gây shock như nhiều người mong đợi ở những trí thức phản tỉnh. Câu hỏi cuối tôi dành cho ông: "Khi cực kỳ phẫn uất hay khinh bỉ, ông làm gì?". Ông trả lời: "Im lặng."

Ông chọn sự im lặng, quay vào bên trong, miệt mài đắm đuối với chữ. Không đủ sức chống lại cái xấu thì làm ra cái đẹp và bảo vệ cái đẹp, bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Hơn 70 năm làm việc không ngừng nghỉ, ông đã để lại gần 60 đầu sách dịch bao gồm các tác giả tác phẩm nổi tiếng thế giới, 6 cuốn thơ, tiểu luận, cùng hàng chục chương trình do ông thiết kế để đưa văn hóa Việt lại gần với thế giới. Ông cũng là “nhà phát hành bí mật” của những tác phẩm văn chương phi chính thống chấn động một thời.

Thi sĩ Lê Đạt có một truyện ngắn Hèn đại nhân, kể về một nhà toán học từ chối cuộc đấu súng để hoàn tất công trình cuối cùng của cuộc đời. Với một thi sĩ mềm yếu đến mức một hạt mưa rơi nhầm chỗ cũng khiến ông bật khóc, thì đó là một lựa chọn dũng mãnh. Trong mắt tôi, ông Tường cũng là một đại nhân như vậy.

Có lần, sau đám tang một người bạn, ông bảo: "Chú luôn là người bị bỏ lại".

Giờ thì ông đã bắt kịp bạn bè của mình rồi, trong chuyến tàu về cõi vô cùng.

Xin chia sẻ lại bài phỏng vấn từ hơn 20 năm trước (chưa từng đăng ở đâu) cho những ai yêu mến ông:

Dương Tường: "[Trí thức] biết mình phải làm gì quả không đơn giản!"

Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện

Tôi gặp ông hai lần, một, ở Sài Gòn vào năm 2008, khi thực hiện bài viết này trong một quán cà phê đối diện tòa soạn cũ (bài phỏng vấn sau đó đăng trên Talawas, 11-06-2008 chứ không phải trên tờ báo nhà); và một, ở Hà Nội khi theo chân một chị bạn ghé tư gia của ông trong một ngõ nhỏ sau một thời gian.

Không có liên lạc nào giữa tôi và ông trong nhiều năm.

Nhưng tôi ấn tượng về đời sống của ông trong lần gặp thứ hai. Khi ấy tôi nhận ra ông là một người may mắn được làm trẻ thơ trong ngôi nhà của mình. Tôi nhớ rất nhiều về cách một bà vợ chăm chút cho người chồng chỉ biết chữ nghĩa của mình như người mẹ lo cho đứa con đang thời ấu thơ. Bằng cách đó, theo lời của Chúa, ông làm thơ, làm trẻ thơ trong nước thiên đàng riêng.

Xin dẫn lại bài phỏng vấn ông vào thời kỳ mà mối quan tâm và vấn đề tôi đặt ra có vẻ khá nghiêm trọng nhân một chuyện thời sự lúc ấy.

Đáp lại, cách trả lời của ông về các vấn đề đó thì đầy chính trực và thoải mái. Nhiều điều ông nói không chỉ cho lúc ấy.

image 

*

*     *

 

Tiếng Việt từ TK 17: vài ghi nhận thêm về thì giá, trao đổi tiền bạc các loại, lợi - lời - lãi… (phần 21C)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về giá tiền dùng trong hệ thống tiền tệ từ thời LM de Rhodes sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên tên loại tiền này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), quan (q), tiền (t), đồng (đ), Sách Sổ Sang Chép Các Việc (SSS), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Để cho liên tục, người đọc nên tham khảo thêm ba bài viết trước về tiền bạc trong loạt bài tiếng Việt từ TK 17: tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa (phần 21), tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ… (phần 21A), quan tiền xưa với nhận xét mới (phần 21B). Không phải ngẫu nhiên mà LM de Rhodes đã dành một trang rưỡi cho mục tiền (trang 792-795), nhiều chữ nhất trong các mục từ VBL. Ngoài ra, VBL còn ghi cách dùng "thì giá" (~ thời giá[2], mục giá trong VBL) cho thấy LM de Rhodes quan tâm đặc biệt đến hối suất (< kinh tế thị trường) của đồng tiền lưu hành vào thời kì ông đang truyền đạo. Khi có đủ dữ liệu, phần này sẽ dùng tỷ số của hai giá trị đồng tiền vào cùng một thời điểm (thì giá/thời giá) hay khác thời điểm để cho thấy rõ hơn sự thay đổi qua cách nhìn định lượng này. Ngoài ra, 1 quan sẽ tính theo tiền quý hay bằng 600 đồng trong nước (ở Đàng Trong và Đàng Ngoài) chứ không theo hối suất mà các LM de Rhodes và Borri từng ghi nhận cho nước ngoài (td. Trung Quốc, Nhật Bản…) hay 1 quan bằng 1000 đồng.

Hầm mộ Paris

Truyện Lê Quốc Anh

Lê Quốc Anh là tác giả lần đầu gởi bài cộng tác với Văn Việt. Khi được hỏi thêm thông tin về bản thân, anh cho biết, anh sinh năm 1979 tại Hà Nội, tốt nghiệp đại học và thạc sĩ tại Bỉ, sau đó làm tiến sĩ về Trí tuệ nhân tạo tại Pháp. Anh đang định cư tại Paris, thường lui tới hai thư viện lớn là Jean-Pierre Melville ở quận 13 và thư viện Quốc gia Pháp, nơi có nhiều tài liệu, sách, truyện văn học tiếng Việt, và bắt đầu viết truyện ngắn đầu tiên năm năm trước.

Xin giới thiệu cùng các bạn,

VĂN VIỆT

 

LE QUOC ANH - Sao chép (2) (1)[4]

Lê Quốc Anh


Ngày đầu tiên ở cùng hắn, nàng trở về với bó hoa hồng trên tay rồi bảo:

-Em tặng anh đấy.

Hắn mở to tròn đôi mắt, ngạc nhiên:

-Sao em lại tặng anh?

-Vì anh tốt với em!

-Anh có làm gì đâu nhỉ?. Hắn càng lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng đầy thích thú.

-Anh đã đợi em đến hai giờ đêm qua mà.

À, thì ra là thế. Hắn nhớ lại đêm qua đang mơ màng ngủ đợi khách thì có tiếng gõ cửa rụt rè. Nàng bước vào nhà với bộ đồ trắng toát, khuôn mặt trang điểm nhẹ nhàng, e thẹn đầy hối lỗi khi nhìn thấy hắn ngáp lên ngáp xuống. Hắn đã chạy xe đi khách cả ngày, tối lại phải ngồi đợi khách nên không giấu được vẻ bực dọc khó chịu. Hắn chưa bao giờ giấu được cảm xúc trên khuôn mặt. Đấy cũng là một trong những lý do sự nghiệp của hắn không thành công. Hắn chính thức thất nghiệp. Do bị đuổi việc, mất việc một cách không tự nguyện mà hắn được ít tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ, nhưng chẳng đủ cho hắn trả tiền nhà. Vì thế mà hắn đành dọn phòng làm việc của mình cho thuê để có thêm thu nhập và chạy xe kiếm sống.

Nàng là khách đặt thuê phòng. Sau này nàng thú nhận chọn nhà hắn vì nhìn trên avatar tưởng hắn là đồng hương, lại có họ Lee phổ biển ở nơi nàng ở. Nàng đến từ Hồng Kông. Công việc của nàng là một ca sĩ. Nàng biết chơi nhiều loại đàn, có giọng hát trong trẻo và được một nghệ sĩ nổi tiếng ở xứ Cảng Thơm dạy nhảy. Nàng giới thiệu như thế vào một buổi tối cả hai ngồi cùng nhau dưới thảm nghe những bản tình ca mùa đông của Hồng Kông thế hệ 70s. Cái này hắn tin là thật vì một buổi sáng thức giấc hắn nghe thấy tiếng đàn piano từ phòng khách vọng vào. Nàng đang chơi nó say sưa.

Tối đó nàng nhận nhà muộn vì trễ chuyến bay từ Hồng Kông đến Paris. Theo kế hoạch, nàng đến Paris lúc 11 giờ tối, cũng là giờ muộn nhất hắn quy định cho khách nhận nhà. Trước phút lên máy bay, nàng nhắn hắn chuyến bay bị trễ đến 0 giờ đêm. Hắn chấp nhận đầy dễ tính. Nhưng cuối cùng thì nàng có mặt ở nhà hắn lúc 2 giờ sáng. Lỗi cũng không phải ở nàng. Chẳng ai muốn bị trễ chuyến bay cả. Nàng không tính, và hắn cũng quên mất là nàng phải di chuyển từ sân bay về thành phố. Mà hôm đó chuyến tàu B chạy trực tiếp từ cảng hàng không Charles de Gaulle đến gần nhà hắn gặp sự cố. Một chuyện rất thường xuyên xảy ra ở xứ này. Lạm phát châu Âu tăng, cuộc sống khó khăn, có ai đó định tự tử bằng cách đi bộ xuống đường ray. Người đó không chết, nhưng cả đoàn tàu chết. Khách đi tàu lũ lượt xuống đường ray đi bộ dù vẫn đang yêu đời.

Hắn đón nhận bó hoa từ tay nàng, trong khi nàng cúi xuống cởi cất giày vào tủ. Vẫn còn ngái ngủ, hắn chưa nhận ra sự khác lạ từ những bông hoa của nàng ngay đêm đó.

Nhưng đêm hôm sau, và những đêm hôm sau nữa nàng lại trở về với bó hoa trên tay, mỗi ngày là một loài hoa khác nhau. Nhưng hắn vẫn lờ mờ thấy chúng có điểm chung. Những bông hoa thật đẹp mà đã héo ủ rũ. Đến ngay cả hàng hoa giá rẻ trong hệ thống siêu thị Lidl cũng không đến mức đáng buồn thế. Và chúng càng không thể đến từ chuỗi cửa hàng hoa tươi nổi tiếng Monceau của nước Pháp. Có cảm tưởng như chúng đã ra khỏi chậu hoa, thiếu nước một thời gian vậy.

Hắn mang máng hình dung có lẽ đã gặp những bó hoa tương tự ở đâu đó. Cố nhớ lại rồi giật mình sửng sốt, không lẽ ở nghĩa địa Passy mà tháng trước hắn có ghé thăm vua Bảo Đại đang yên nghỉ? Điều đó làm hắn rùng mình sởn gai ốc.

Dưới chân nhà hắn có một căn hầm mộ khổng lồ. Vào một năm đã lâu lắm, dịch hạch đã giết chết một phần ba dân số thành Paris. Không còn chỗ chôn, và cũng để tránh ô nhiễm, người ta mang hàng triệu xác chết chất thành chồng ngang dọc bên trong hầm đó, vốn trước kia là mỏ đá được khai thác để xây dựng Paris. Thành phố xác chết đó có đầy đủ ngõ ngách đánh số, có tên biển hiệu như thành phố người sống trên mặt đất. Ước tính tổng quãng đường dưới đó cũng lên đến mấy trăm cây số, ngoằn ngoèo như một mê cung, tối đen như mực. Đã có không ít những bạn trẻ ưa thám hiểm quyết khám phá hết thành phố người chết đó để đến mức lạc đường, không có sóng điện thoại để kêu cứu cho đến khi kiệt sức, đóng góp thêm thây ma cho hầm mộ. Âm khí lạnh lẽo tràn ngập mà hắn thì vốn sợ ma từ bé nên sống ở Paris đã mười lăm năm cũng chưa dám bước chân xuống.

Nàng ở nhà hắn đã được một thời gian, nhưng chưa lúc nào hắn gặp nàng vào ban ngày cả. Hắn ngủ một phòng. Nàng ngủ một phòng. Khi hắn thức giấc thì phòng nàng đã đóng kín, khóa chặt. Có lẽ nàng đã đi chơi Paris từ sớm để tiết kiệm thời gian. Lúc đầu hắn nghĩ thế, vì Paris rộng lắm, các điểm tham quan du lịch nhiều vô số kể. Khách thuê phòng mùa du lịch đa phần chỉ để về đi ngủ.

Thường đến tối khi mặt trời đã lặn, hắn mới nghe thấy tiếng động nàng trở về. Để vào phòng mình nàng phải đi qua phòng khách. Ở đó hắn có đặt chiếc camera có thể quay 360 độ để giám sát khách ra vào. Từ phòng ngủ của mình, hắn có thể nắm được tình hình bên ngoài để can thiệp khi cần thiết. Như có khách thuê một người mà lại dẫn cả bạn vào cùng chẳng hạn. Đây là không gian sinh hoạt chung nên không vi phạm vào quyền riêng tư của khách. Luật pháp cho phép điều đó.

Hắn đã khai báo rõ nhà có camera trong điều lệ thuê nhà. Không phải khách nào cũng chịu khó đọc hết các thông tin để biết. Nàng cũng vậy. Nên đến hôm sau mới phát hiện ra có camera chĩa về phía mình, nàng hốt hoảng đề nghị: “Ôi, anh tắt camera đi!”. Được tặng hoa, hắn dễ dãi với nàng hẳn. Hắn đùa bảo: “Em không thích thì cất nó đi”. Không chút do dự, nàng tiến đến, rút phích cắm điện rồi mang luôn camera cất về phòng mình.

Sau này, khi lấy lại camera, hắn kiểm tra bộ nhớ thì toàn bộ hình ảnh ghi lại đêm đầu nàng bước chân vào nhà đã biến mất không còn dấu vết. Lúc đầu hắn còn tưởng nàng lôi thẻ nhớ ra xóa đi. Nàng không thích bị ghi hình trong tư thế bị động chưa sẵn sàng. Là nghệ sỹ được nhiều người biết đến ở Hồng Kông, nàng rất chú trọng đến hình ảnh của mình trước công chúng. Nàng có xóa đi cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, hắn thắc mắc là nàng chưa bao giờ soi gương, hay thậm chí lại gần chiếc gương khổ lớn kích thước 1 mét x 2 mét hắn dựng đối diện tủ giày dép mỗi khi vào nhà hay ra khỏi nhà. Một thói quen trái ngược với các quý bà khách khác đã từng trọ nhà hắn. Mà nàng thì lại đẹp.

Mùa hè ở châu Âu ngày dường như dài hơn. Đến mười giờ đêm trời vẫn còn sáng. Nàng về muộn, khi màn đêm đã buông xuống. Nếu nàng chỉ là khách trọ như những người khách khác từng ở nhà hắn trước đây thì hắn chả buồn để ý. Hắn đã giao hẹn trong quy định thuê nhà là ở đây không có giới hạn giờ giấc sinh hoạt, miễn là phải nhẹ nhàng giữ yên tĩnh sau 22 giờ đêm để hắn còn ngủ ngon giấc, mai có sức đi chở khách, và nhất là để hàng xóm khỏi ý kiến. Nhưng với nàng thì ngoài sự tò mò ra, hắn đang dành cho nàng một sự đối xử đặc biệt khác. Nàng chưa về, hắn trằn trọc không ngủ nổi. Hắn chờ nàng về như thời còn bé đợi mẹ về cho quà vậy. Quà của nàng là những bó hoa. Không hẳn là những bó hoa, mà đúng hơn là những lẵng hoa đã được tỉa tót, cắm vào bình xốp. Chúng không còn tươi, nhưng mùi thơm chưa phai nhạt. Mỗi ngày một lẵng như vậy. Đủ màu sắc, chủng loại, kiểu dáng khác nhau. Không còn bình để cắm hoa, hắn lấy cả những đĩa ăn ra để đựng hoa, dù đã khô héo rồi đặt khắp nhà.

Hắn quý nàng, mong ngóng nàng. Nàng cũng đáp lại bằng những buổi tối ngồi bên nhau trò chuyện. Ngày nàng càng thân mật với hắn hơn. Khi người ta chả có gì, chả là gì của nhau thì thế nào cũng được, nhưng khi đã thân nhau một chút, thì thế nào người ta cũng muốn can thiệp vào cuộc sống của nhau. Hắn không muốn nàng cứ đi đi, về về như bóng ma thế. Nhưng hắn chưa là gì để kiểm soát nàng. Ít nhất hắn cũng muốn biết nàng đi đâu. Dường như nàng vẫn chưa biết điểm tham quan nào của Paris cả. Những câu hỏi tưởng bâng quơ mà có chủ ý của hắn nàng đều không trả lời được. Có nghĩa là nàng đến đây không phải để đi du lịch.

Đêm nay hắn lại ngồi bên nàng. Những giai điệu tình ca Hồng Kông lại cất lên du dương mê đắm lòng người. Hắn ngồi sát lại. Nàng mặc chiếc váy trễ nải, lộ hẳn hai bờ vai thon thanh thoát, e ấp khép đôi chân, dựa đầu vào ngực hắn. Không biết mùi hoa oải hương nhè nhẹ từ ngọn nến thơm hay từ mùi tóc nàng làm hắn thêm ngây ngất. Hắn nâng nhẹ khuôn mặt nàng lên để ngắm nghía. Chiếc mũi dọc dừa thẳng xuống đôi môi hé mở. Ở tư thế đó, hắn có thể nhìn thấy khuôn ngực tròn trịa, nhỏ nhắn của nàng đang phập phồng ẩn hiện, gần lắm.

Hắn đã không gần gũi đàn bà một thời gian. Phần con người trong hắn trỗi dậy. Cứng ngắc. Nàng không thể không cảm nhận được điều đó. Nàng nhắm nghiền đôi mắt chờ đợi. Hàng lông mi cong vút. Nhưng bỗng hắn thấy tay mình lạnh quá. Cái lạnh truyền từ hai má nhợt nhạt của nàng đang áp vào tay hắn. Hắn đưa bàn tay còn lại ôm ngang ngực nàng, tưởng nó sẽ mềm mại và ấm áp nhất. Nhưng cũng lạnh toát. Lạnh như một cái thây ma. Cái lạnh làm nguội đi nhanh chóng ham muốn. Thay vào đó là cảm giác rợn người. Hắn như bừng tỉnh khỏi dục vọng.

Hắn muốn mở chai rượu vang đỏ để mời nàng uống cùng cho ấm người. Nàng nhận lời một cách rất tự nhiên.

Hắn nhẹ nhàng đỡ nàng ngồi thẳng rồi đi lấy rượu. Hắn tìm thấy một chai Saint Emilion Grand Cru. Khi hắn đang lụi hụi mở nút chai bằng cả hai tay thì nàng đứng dậy mở tủ lấy ra hai chiếc ly rượu rồi nhìn hắn đầy âu yếm. Một khung cảnh mà hắn tưởng chỉ có trong tiểu thuyết. Nàng bảo, nàng có một quy ước riêng khi uống rượu, đó là một khi đã mở chai là phải uống hết. Hắn vẫn thường uống rượu, những chỉ một ly nhỏ vào bữa ăn như thói quen của dân bản xứ ở đây. Hắn bảo nàng:

- Em không sợ say bị anh lợi dụng à?

- Để xem anh có chịu được em không đã, nàng nháy mắt khiêu khích.

Quả thật nàng uống rất khá và sành điệu. Hắn không quá ngạc nhiên, vì đã quen với bạn bè, đồng nghiệp nữ nước ngoài uống rượu, hút thuốc hơn đàn ông rồi. Hồi còn làm tiến sĩ, phòng thí nghiệm của hắn chỉ có ba nữ, đó là bà giáo hướng dẫn hắn người Pháp, một chị làm nghiên cứu sau tiến sĩ người Ý và một cô bé thực tập người Ba Lan. Số lượng nam gấp đôi, nhưng không ai hút thuốc cả. Trong khi đó cứ sau bữa cơm trưa cùng nhau, là nhóm nữ một tay cầm tách cà phê, một tay cầm thuốc, nhả khói nghi ngút.

Hắn cảm thấy thích thú vì có người uống cùng. Càng uống hắn càng thấy chai rượu hôm nay ngon quá. Hắn đã cạn cốc mấy lần với nàng cho đến giọt rượu cuối cùng. Lần đầu tiên hắn uống nhiều thế. Mặt hắn đỏ lên, nóng bừng, ngây ngất. Hình như nàng xích lại gần hắn, đỡ hắn nằm xuống, gối lên đùi nàng. Êm ái quá, hắn thả lỏng người rồi chìm vào giấc ngủ. Trong cơn mơ, hắn còn nghe thấy văng vẳng bên tai lời nàng thì thầm: “Ngủ ngon anh nhé. Sáng mai anh tỉnh giấc có lẽ em đã đi rồi”.

Vùng dậy, trời đã sáng, hắn thấy mình đang nằm trên giường. Ai đó đã thay cho hắn bộ quần áo ngủ. Vội chạy vào phòng nàng. Không còn ai. Căn phòng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ, như chưa từng có ai đến ở. Hắn đứng lặng im nhắm mắt giây lát để cố cảm nhận từng có nàng ở đây.

Khi mở mắt ra, hắn chợt nhận thấy chiếc camera nàng cất vào phòng được đặt trên quyển sổ nhỏ. Hắn tiến đến, mở trang đầu tiên. Trên đó có dòng chữ: “Flower School Catherine Muller. Những trang tiếp theo là ảnh chụp, mỗi trang một hình chụp lẵng hoa, rất giống hoa đang bày la liệt trong phòng khách nhà hắn. Mỗi lẵng hoa có lời giới thiệu, tên gọi và hướng dẫn tỉ mỉ cách tạo hình nghệ thuật cắm kệ hoa đó.

Hắn hiểu ra tất cả. Nàng đã theo học một tuần khóa học cắm hoa ở trường dạy cắm hoa nghệ thuật Catherine Muller nổi tiếng ở Paris.

Mỗi buổi tối trở về, nàng lại đem bó hoa đã cắm thực hành tại trường về tặng hắn.

Những bông hoa đẹp mà héo úa.

Paris 16/02/2023

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Sự Sống, Con Người và Thiên Nhiên

Nguyễn Đức Tiến

Sự sống của con người nằm bên trong sự sống của thiên nhiên. Con người là thành phần của thiên nhiên, thiên nhiên là thành phần của con người. Thiên nhiên chuyển động qua từng hơi thở của con người, luân lưu trong từng mạch máu của con người. Thiên nhiên tạo ra sức sống cho con người, hiện ra qua từng tư duy của con người, tạo ra tri thức và xúc cảm cho con người. Ngược đãi thiên nhiên là ngược đãi chính mình, tàn phá thiên nhiên là tàn phá con người của chính mình qua từng mạch máu, từng hơi thở, từng tư duy và từng xúc cảm của chính mình. Con người không phải là một cái gì đó khác hơn với thiên nhiên, và ngược lại. Nhìn thiên nhiên qua một sự hiểu biết nhị nguyên là một góc nhìn phiến diện, là nguyên nhân đưa đến mọi hình thức xung đột và khổ đau. HP Nguyễn Đức Tiến.

clip_image002

Đếm cuộc đời bằng những mùa keo

Nguyễn Hoàng Văn

“Đếm cuộc đời bằng những mùa keo”, đó là một trong những điều tôi học được trong chuyến về quê vừa rồi, như là hệ lụy của cuộc phản-cách-mạng-xanh sẽ khiến chúng ta tiếp tục tụt hậu, y như Trung Quốc từng bị thế vào cuối thế kỷ 18, vì củ khoai lang.

“Phản-cách-mạng-xanh”, xin nói ngay, là cách dụng từ của tôi nhưng tôi không hề có ý sách động thù hận. Tôi yêu màu xanh. Tôi đứng về phía những nhà môi sinh. Và tôi ủng hộ những cuộc cách mạng xanh nhưng cái màu xanh của giống thực vật ngoại lai mang tên keo kia đang hủy hoại không-thời gian sinh tồn của chúng ta, đang kềm chân khiến chúng ta không thể vượt qua cái bẫy mà các nhà kinh tế học gọi là “thu nhập trung bình”, hệ quả từ việc an phận, không chịu cải tổ, nhắm mắt sống bám vào tài nguyên và bắp thịt giá rẻ.

Các bạn anh đang chờ anh

Xin kính biệt anh.

Lê Minh Hà

*

2005. Limburg

Chữ nặng.

Người khuân RỪNG XƯA XANH LÁ từ Hải Phòng về cho bạn tôi gửi sang đây là Dương Tường. Ông không biết tôi. Dĩ nhiên. Còn tôi với ông, biết chứ. Chiều se sẽ hương - Vườn se sẽ sương - Đường se sẽ quạnh - Trời se sẽ lạnh - Người se sẽ buồn... Đấy, Dương Tường. Một thoáng rợn tên là heo may - Một hương cây tên là kỉ niệm - Một góc phố tên là hò hẹn - Một nỗi nhớ tên là không tên... Dương Tường. Mea Culpa - Dương Tường. Một cái danh, gắn với bao nhiêu tên sách, gắn với dịch thuật, hội họa, với tôi, trước hết là thơ. Dương Tường thơ.

Nhà thơ - dịch giả - nhà văn hoá Dương Tường như tôi biết

Hoàng Hưng

image_6487327

Từ tối hôm qua, ngay sau khi cái tin Dương Tường ra đi vào lúc 20 giờ 8 phút ngày 24/2/2023, một xúc cảm hiếm thấy đã lan truyền khắp các phương tiện truyền thông chính thức và các tài khoản mạng xã hội.

Trong cuộc đời 91 năm của ông, có gần 60 năm đóng góp đáng trân trọng cho văn học nghệ thuật Việt Nam.

Dương cầm xanh và khúc hát của ngọn gió đêm

(Vĩnh biệt và thương nhớ nhà thơ - dịch giả Dương Tường)

Trần Hoàng Phố

1-

Dương cầm xanh đã vĩnh biệt

Phía những người đứng về phe nước mắt

Nhũng phím đàn rung lên trong đêm

Cái trống thiếc bập bùng nỗi nhớ

Kẻ lãng du trở về không tìm thấy cội rễ

Chàng Kafka như pho tượng hiện sinh lặng yên bên bờ biển nhân thế

Cô bé Lolita khóc trong đêm phía cửa hiệu u tối

Nàng Anna Karinina sầu muộn nỗi buồn tuyệt vọng

Lao vào toa xe lửa định mệnh cuộc đời

Dương Tường

(Viết vài dòng khi nghe tin Ông mất)

Đặng Tiến (Thái Nguyên)

÷÷÷÷÷

Lặng lẽ như không thể lặng lẽ hơn

Khiêm nhường tận độ bởi tri kiến hơn vô vàn những ồn ào trống rỗng

Ông bền bỉ tỏa sáng

Bền bỉ như không thể bền bỉ hơn...

Những kiệt tác văn chương Ông mang về cho người Việt

Những dịch phẩm hình như chỉ dành cho số ít

Thơ Trần Lê Sơn Ý

1. Thơ cho con người bé nhỏ

 

Một buổi sáng chớm đông

Khi cơn gió đang thổi tiếng tiêu lảnh lót của mình lên trời

Có ai đó đang mơ

Một giấc mơ kiếm tìm hạnh phúc

Đến khi nào ai đó mới biết hạnh phúc ở ngay trong hành động của mình

Một buổi sớm đầu đông

Có ai đó vẫn cuộn mình trong ấm áp

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 229): Nguyễn Thiện Tơ: Tiếng Trúc Bên Sông

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2023)

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

*Chú thích: Bản nhạc Tiếng Trúc Bên Sông không có phần audio của bài nhạc (dạng MP3, hoặc Youtube). Lý do: Dù đã bỏ rất nhiều thì giờ nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi đành phải chịu thua và quyết định cho công bố phóng ảnh các bài nhạc với hy vọng, một ngày nào đó, sẽ có các độc giả ưa chuộng chuyên mục Dòng Nhạc Kỷ Niệm tiếp tay gởi đến chúng tôi phần audio còn thiếu sót. Mong lắm thay! (T.Vấn & Bạn Hữu)

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Vĩnh biệt nhà thơ - dịch giả Dương Tường

Nhà thơ - dịch giả Dương Tường, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, cộng tác viên của Văn Việt, đã từ biệt chúng ta vào lúc 20 giờ 8 phút ngày 24/2/2023 tại Hà Nội.

Cả cuộc đời say mê, tận tuỵ, hết tâm lực với CHỮ, ông đã góp phần quan trọng mở ra đại dương văn học thế giới cho người đọc Việt Nam, đã sáng tạo thi pháp ÂM BỒI trong thơ Việt. Kiến thức uyên bác của ông về các bộ môn nghệ thuật đã góp phần thúc đẩy sự cách tân, hiện đại hoá trong nghệ thuật Việt Nam, nhất là trong hội hoạ. Nguyện “ĐỨNG VỀ PHE NƯỚC MẮT”, ông đã sống trọn vẹn con người mình, với trái tim rộng mở cho những người yếu thế và những người trẻ trên con đường sáng tạo gian nan. Ông là người bạn chân thành của đông đảo người sáng tác.

Văn Việt vô cùng thương tiếc nhà thơ - dịch giả Dương Tường. Xin thành kính phân ưu cùng tang quyến.

Nhân đây, xin trân trọng giới thiệu một bài viết về quan niệm Thơ cùng một số bài thơ của Dương Tường.

VĂN VIỆT

Ai đầu tiên gọi chích chòe là chích chòe?

Tháng 11/1995, trong chuyến thăm trường Đại học Columbia ở New York, tôi có dịp gặp P. Gordon, một nhà nghiên cứu Việt Nam học. Thật là một ngạc nhiên thú vị được bàn luận về thơ Việt Nam với một người Mỹ trên đất Mỹ. Trong cuộc trò chuyện, Gordon hỏi tôi đôi điều liên quan đến “cây diêu bông”: nó thuộc họ thực vật nào, hình dáng ra sao? tên khoa học của nó là gì? v.v. Bởi lẽ ông đã đọc và đã mê bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm và, cũng như khá nhiều độc giả khác, nhất định tin rằng có một loài cây gọi là “diêu bông” thật trong thiên thiên. Ông nói đã tra tất cả các loại từ điển tiếng Việt mà không ra. Tôi bèn nhân danh là bạn của nhà thơ xin lỗi đã để ông mất công đuổi theo một cái bóng bởi lẽ loài cây bí ẩn kia chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà thơ mà thôi. Diêu bông, tôi giải thích, thuộc loại từ “bịa”, tương tự như nonce-word (từ đặt ra để dùng trong một trường hợp đặc biệt) của Anh/Mỹ, nó còn quá mới để được đưa vào từ điển “chính quy” trong tình hình ngành từ điển học sơ sinh của Việt Nam chưa phát triển đủ mức để soạn ra những từ điển đặc chuyên kiểu Dictionary of Nonce-words của Anh/Mỹ hoặc Dictionaire des Neologisines của Pháp.

Do đâu mà nẩy ra cái từ diêu bông phi ngữ nghĩa song lại đầy biểu năng trực cảm ấy? Nói cách nào đó, diêu bông không biểu nghĩa, mà chủ yếu là biểu âm. Một trong những đặc thù của cái đẹp nơi chữ thơ, tôi nghĩ, là sự lên ngôi của con âm thay vì con nghĩa. Hãy một lần nữa nghe bà cô tổ Hồ Xuân Hương của chúng ta biểu âm sự nứt ra của một động Hương Tích:

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm

Cái động từ phòm (hình như chỉ được dùng hai lần trong thơ Hồ Xuân Hương, ngoài ra không gặp ở đâu khác) cũng thuộc loại từ “bịa” phi ngữ nghĩa mà biểu năng trực cảm của nó kỳ diệu đến nỗi ai cũng hiểu tác giả định nói gì. Không có khả năng như tạo hóa “bịa” ra, chẳng hạn, một động Hương Tích thì nhà thơ “bịa” ra chữ! Những chữ tinh khôi tự nhiên như bản thân sự sống, vừa ra đời đã trở thành những thực thể.

Thi sĩ, tôi quan niệm, là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh. Mà khuyết danh có nghĩa là chưa tồn tại. Thi sĩ cho sự vật một cái tên mà trước đó nó chưa có – tức là đưa nó vào tồn tại. Ai đầu tiên gọi chích chòe, khi nó còn khuyết danh, là chích chòe, người ấy đích thị là một nhà thơ. Loài chim ấy ắt đã có từ rất lâu trước đó, người ta hẳn đã nhiều lần thử đặt cho nó một cái tên nhưng không đậu và chỉ đến khi ai đó, trong một lóe chớp thần hứng, bật thốt lên hai âm tiết chích chòe trúng pắp, không gì thay thể nổi, thì nó mới thực sự tồn tại, thêm cho trời đất một cái gì không chỉ đơn thuần là một loài chim.

Hoàng Cầm đã “bịa” ra một loài cây cho ai kia bỏ một đời đi tìm lá dẫu biết chẳng bao giờ thấy được. Hư ảnh đã ngự vào đời thực, trở thành một thực thể trường tồn, chí ít cũng dài lâu hơn đời nhà thơ.

 

THƠ DƯƠNG TƯỜNG

 

Để ghi trên mộ chí

 

Tôi đứng về phe nước mắt


1968

 

 

      Romance 1

 

những ngón tay mưa
dương cầm trên mái

những ngón tay mưa
kéo dài tai quái
một nỗi nhớ siêu hình
nhạc nhoè đường xanh
đêm lập thể

những ngón tay mưa
truồi theo phố lạnh
màu nâu cảm tính
đường parabole tư duy
điệp khúc u hoài
những chuyên tàu di

những ngón tay mưa
trời sao bạc
tím mộng Scheherazade
đêm ngàn-lẻ-hai

ngã tư
cột dèn
ô kính
những ngón tay mưa
xập xoè kỉ niệm

em
mười chín
mưa
bụi sao

ngả nghiêng trời nào
một chớp mi
thăm thẳm

*

đừng hát nữa em
những ngón tay mưa
những ngón tay mưa...


1963

 

 

Noel 2

 

Nôel
đèn
môi em
za em
jêruzalem
pha phem
hang/hem Ðức Mẹ
jọt
jọt
hé he
mùi quen
mà quên

Nôel
bụi sáng
bạch lạp ngực rằm
năm nắm
ngực rằm
nem nén
ngực rằm
bạch lạp
Avê
Mariem

mười bảy
đồng trinh
hai mươi
đồng trinh
phi lí
đồng trinh
chuông            lá khói
chìm

requiem
mưa nhem
lọ lem
hài em
phi lí
bạch lạp ngực rằm
sao Bethlê-em
để
chuông            lá khói
chìm

*

Nôel
Nô-elle
Nô-em
trót quen
thành quen

phố nêm
phonème
kèm kem
đèn ren
đùi ren
lụa len
phố nêm
mà im
thèm
men

nhá nhem
lối khói
lá khói
bohème
boong
boong
chuông em
lá khói
thèm em
thềm êm
đường đêm
tràn im
khuya thêm
rộng thêm
mùi thêm
buồn thêm

sao em
phi lí
ngực rằm
phi lí
đồng trinh
phi lí
kèn đen
tình đen
tình điên
pòm pem
mưa đêm
cột đèn
chờ em
mõm dêm

Nôel
Nô-elle
Nô-em
Nô-men
No man’s land
N-mô m-nen x-len
leng beng
lang ben
ma lem
Mariem
x-em x-em
hem em
đồng trinh
Amen


1967

 

 

Tình khúc 24

 

24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư

Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa

Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau

Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương dâng 24 nẻo đi về

Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt

Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im đêm 24 mạy sao chìm

Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 xêrênađ
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng goá

Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ

Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi
24 quầng

anh giữ


1967

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

 

 

Chợt thu

 

một thoáng rợn tên là heo may
một hương cây tên là kỷ niệm
một góc phố tên là hò hẹn
một nỗi nhớ tên là không tên


1968

 

 

 

Chợt thu 2

 

Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn


1969

 

 

 

Serenade 3

 

Chờ em đường dương cầm xanh
dạy thì nõn dương cầm phố

Chờ em đường dương cầm sương
chúm chím nụ dương cầm biếc

Chờ em đường dương cầm xiêm
vằng vặc ngực dương cầm trinh

Chờ em đường dương cầm khuya
ôi cái im đêm thơm mọng

Chờ em đường dương cầm trăng
ứa nhuỵ lạch dương cầm xuân

Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buồn dạ khúc
xào xạc lòng tay khuya

anh về lối dương cầm lạnh


1973

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Dương cầm lạnh.

 

 

America

 

I call you Miss Diagonal, babe

*

I met you, Miss Diagonal
in Broadway
the only artery which runs diagonal
in the whole grid-like Manhattan
and I realize
you’re Broadway so mesmerisingly long

*

I look at America
through
your perversely di tenderness
your vulnerably    a     gynecology
your frustratingly     g      sensuality
your waywardly            o       friendliness
your hopelessly                 n        dynamism
your puzzlingly                      al         pussy

*

I met you, diagonal girl
in diagonal Broadway
and I realize
you’re America


8/11/1995
New York City

A-mê-ri-cơ

 

bé em à, tôi gọi em là Nàng Chéo

*

tôi đã gặp em, Nàng Chéo
ở Broadway
con đường duy nhất chạy xiên chéo
trong cả khu Manhattan ngang dọc bàn cờ
và tôi chợt hiểu
em là Broadway
dài đến lạc hồn

*

tôi nhìn nước Mĩ
qua mềm mại em phi lí   chéo
qua phụ khoa em hơ hớ      chéo
qua nhục dục em ngao ngán    chéo
qua thân tình em ngạo ngược       chéo
qua  năng  động  em   vô  vọng           chéo
qua    nụ   bè   he   em   bối    rối               chéo

*

tôi đã gặp em, kiều nữ chéo
ở đường chéo Broadway
và tôi chợt hiểu
em là a-mơ-ri-cơ


New York City 8/11/1995

Bản dịch của tác giả.

 

 

Mea culpa (trích tổ khúc 5 chương)

 

1

 

Ðâu phải tại tôi
a -------------------- z
tôi đâu chọn
buổi sinh

nào ai hỏi tôi í kiến trong ti tỉ vi ti
vu trụ chiều zọc - zài - ngang - đáy
thẳm không /thút lút/ bến sương quên

tôi mắc vào bẫy sống
để tháng ngày thây lầy một cục thịt
thừa là nỗi nhớ ngược hoang sơ thuở
còn đủ zại khờ để biết tắm mát lên
ngọn con sông thơ (iếm) đào


vẫn ngày
lại ngày

nhật trình zài

Ðâu phải tại tôi
a ------------------- z
tôi đâu chọn

                 e
k ể   c ả     o     m i ề n
                  i
                 a

cửa sổ một mảnh trời mất máu zòm
tôi ngồi chênh xà-lim-án-sống
bầy nhầy từng vũng ảo vọng kiệt cạn
màu mận chín
và áp thấp nhiệt đới tâm linh
chân jường lạnh

đâu phải tại tôi...

Đã thiếu vắng Dương Tường

Ngô Thị Kim Cúc

Vừa đọc thấy tin buồn trên FB của Phạm Xuân Nguyên: “Nhà thơ - dịch giả Dương Tường đã rời cõi tạm vào 20h 08 phút hôm nay (24/2/2023) hưởng thọ 92 tuổi”, trong tôi một nỗi buồn vô hạn lặng lẽ dâng lên.

Con người này, khi sống không phải kẻ quảng giao, không quá nhiều bằng hữu, nhưng tôi tin trong lòng mỗi độc giả Việt Nam vẫn giữ lại hình ảnh ông, con người tần tảo/tận tụy mang tới cho cuộc đời này nhiều nhứt có thể những gì tinh sạch đẹp đẽ trong chọn lựa của ông.

Lan man lò và củi

Lê Học Lãnh Vân

Độ rày khá nhiều “củi” được nêu tên, huyền chức…

Không ít người vui mừng, hớn hở. Không ít người khen lò cháy đượm, công suất cao, cứ như vầy chẳng bao lâu bộ máy công quyền sẽ như cô gái sông Hương của Tố Hữu, thơm tho, trong sạch từ trong tới ngoài, … Nếu “củi” là người từng tham gia ức hiếp dân chúng, sự vui mừng hả hê còn bộc lộ rõ nét. Nào là luật nhân quả, nào là lưới trời lồng lộng, nào là ác giả ác báo…

Trong hồn nhiên thứ nhất

For if I lose myself in the world, I am then ready to treat myself as a thing of the world (Paul Ricoeur)*

Nguyễn Hữu Liêm

Phố cổ Hội An. Buổi chiều ở phố cổ đã tàn. Phố đông đầy du khách. Bên dòng sông An Hội - Thu Bồn đầy nước là các quán café vỉa hè treo nhiều lồng đèn đỏ. Từ bên kia sông là đảo Cẩm Nam vang tiếng hát của một thanh niên trên một sân khấu bên bờ sông trong chương trình văn nghệ “Phát huy đạo đức Hồ Chí Minh.” Anh đang cao giọng ca bài “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người.”

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

“Ai đã giết thơ Mỹ?”

Ngân Xuyên

Không có mô tả ảnh.

Đây là tên một cuốn sách ra năm 2019 của Karen L. Kilcup, Giáo sư tại Đại học Bắc Carolina ở Greensboro (Mỹ). Tên đầy đủ của cuốn sách bằng tiếng Anh dịch ra là: "Ai đã giết thơ Mỹ? Từ sự ám ảnh của dân tộc đến sự chiếm hữu của giới đặc quyền". Lời mô tả sách viết:

Lời kêu cứu của thiên nhiên Việt Nam

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Ủng hộ lời kêu cứu cho Đồng Bằng Sông Cửu Long của nhà khoa học Ngô Thế Vinh

Quá muộn rồi. Sau đây, chúng ta sẽ đi về đâu, sự hỗn loạn hay một cuộc sống cộng đồng? (Martin Luther King)

Sự hòa hợp giữa Con người và Thiên nhiên là yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn của chúng ta(1) (Aurelio Peccei và Daisaku Ikeda)

clip_image002

1. Văn hào Nga Lev Tolstoy trong luận văn Về cuộc sống đã trích làm đề từ một luận điểm của triết gia Kant nói rằng: Một trong hai điều luôn tràn ngập tâm hồn chúng ta bằng niềm ngạc nhiên và ngưỡng mộ luôn mới mẻ và ngày càng gia tăng, “bắt đầu từ điểm mà tôi đang chiếm giữ trong thế giới cảm tính bên ngoài(2).

Thơ Trương Ngọc Chương

M ù a   t r ă n g b á o  h i ế u

 

                             Mùa vu lan tang thương            

                             dịch bệnh...                          

 

Trăng báo hiếu treo vằng vặc phố

Hiu hắt cành hoa gục trước thềm

Con chim di lẻ đàn kêu thất thanh

Cửa sổ nhà ai nhớ trăng bỏ ngỏ

Mưa thấm quạnh hiu rơm rớm bên tường

Bầy trẻ nhỏ quên trăng

Chừng như mùa thu cũng quên lối

Trùng khơi hun hút bóng Chiên Đàn (1)

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Tin từ “trường hợp khách mời Thái Hạo”

Thái Hạo

Theo Thư mời từ ban tổ chức là Cty sách Quảng Văn, nxb Phụ nữ và một trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa, bắt đầu từ sáng mai tôi cùng một số diễn giả khác sẽ có buổi trò chuyện với các em học sinh, phụ huynh và bạn đọc yêu mến sách vở.

Dưới những gốc nho biển

Truyện Trịnh Y Thư

unnamed

Tranh Nguyên Khai

1.

Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc.

Cái chợ huyện thời trước chiến tranh là bãi đất trống, mùa nóng bụi đỏ mịt mù, mùa mưa bùn ngập quá mắt cá chân. Thời cải cách ruộng đất nó trở thành nơi đấu tố địa chủ. Thời chiến tranh là chỗ cán bộ tụ họp dân các làng xung quanh đến nghe thông tư, nghị quyết của nhà nước. Sau chiến tranh, dần dà mọc lên vài túp lều bạt rồi hàng quán không biết từ đâu tự động bò đến bày bát đũa, nồi niêu, thúng mủng la liệt, biến bãi đất thành một cái chợ vô tổ chức và vô cùng nhếch nhác. Bây giờ nó là cái chợ lớn nhất huyện nhưng sự vô tổ chức thì vẫn như cũ.

Hôm cô tự kết liễu đời mình, trước chợ có một vụ đâm chém nhau. Hai gã nông dân trong làng thù oán nhau chuyện gì đấy, chạm mặt nhau ngoài chợ và chỉ cần gã này chửi đổng gã kia một tiếng là nổ ngay vụ đấm đá kịch liệt và gã này rút dao đâm gã kia đến lòi ruột. Gã bị đâm giãy đành đạch vài cái đoạn tắt thở. Gã kia bỏ chạy. Có người kêu lên vài tiếng gì đó nhưng hầu hết chẳng ai buồn quan tâm, họ ngẩng đầu lên, vểnh hai tai như thể nghe ngóng xem có gì xảy ra nữa không, nhưng rồi ai nấy lại cắm cúi tiếp tục công việc đang bỏ dở.

Văn chương né tránh hiện thực, tại sao?

Inrasara

1. Christofer Fredriksson trả lời cuộc phỏng vấn báo Thể thao & Văn hóa, số 142, ngày 28-11-2006:

“Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng. Nhưng dường như ở Việt Nam các nghệ sĩ ít thích bàn về điều này, họ thường thích làm tác phẩm hơn là nói về các tác phẩm của mình. Họ cho rằng tự tác phẩm đã nói lên điều đó. Nhưng ở trường chúng tôi lại khác, khi một nghệ sĩ làm nghệ thuật thì điều đầu tiên họ phải được học về các vấn đề lí luận nghệ thuật. Sau đó họ bắt đầu viết các dự án nghệ thuật thành các bài viết, rồi mới đến công việc thực hiện các ý tưởng đó. Công việc này được lặp đi lặp lại trong các năm học. Do đó khi một nghệ sĩ ra trường có nghĩa là họ đã có một năng lực lí luận nhất định”.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Bài thơ Mép rìa (Edge) của Sylvia Plath dưới ánh sáng huyền thoại

Nguyễn Hồng Anh

MÉP RÌA

(Sylvia Plath)

              

Người đàn bà đã được hoàn thiện

Cái xác

 

Chết của bà khoác nụ cười thành tựu,

Ảo ảnh của một nhu cầu Hy Lạp

 

Chảy trong những hoa văn cuộn trên tấm áo choàng,

Hai bàn chân trần

 

Dường như đang nói:

Chúng ta đã đi xa lắm rồi, thế là xong.

 

Mỗi đứa con chết cuộn tròn, một con rắn trắng,

Mỗi con một bình sữa nhỏ

 

Bây giờ cạn không.

Bà đã cuốn

 

Chúng trở lại vào thân mình như những cánh hoa

Của một bông hồng khép lúc khu vườn

 

Cứng lại và các mùi hương chảy máu

Từ những cái họng ngọt và sâu của bông hoa đêm.

 

Trăng chẳng có gì mà phải buồn,

Trân trân ngó xuống từ cái mũ trùm bằng xương

 

Trăng đã quen với loại việc thế này,

Áo tang của nó rạn vỡ kéo lê

 

(Hoàng Hưng dịch)

Văn Việt gặp gỡ đầu năm đông vui

Ngô Thị Kim Cúc

Mùng một tháng hai Quý Mão, ngày đầu tiết Vũ Thủy, cà phê đầu năm của Văn Việt rất đông vui. Đã có những con mưa thình lình nhưng trời Sài Gòn vẫn đẹp, trên dưới 30 độ, không mưa dai và lạnh như ngoài Hà Nội, Đà Nẵng, vẫn giữ được màu trời xanh vào buổi sáng.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Người ráp Babel

Truyện Ngu Yên

(Trích trong truyện tranh luận cuốn Hai: Hẻm Gián)

Bà đang biến một khao khát thành hiện thực. Xây dựng một công trình bằng vật liệu sương khói nhất với mục đích trở thành thứ gì vững chắc nhất.

Thứ gì mong manh nhất? Thứ gì vững chắc nhất? Ai có thể nói là thứ gì? Để nâng cao thiết kế lên, tuần trước bà đã ráp một mảnh lớn bằng bức tường vào bên dưới. Tuần này, bà ráp ba, bốn mảnh lớn khác bằng khoảng bề mặt của một bàn ăn bốn người vào bên trái, để đưa thiết kế dài ra sau vườn. Bây giờ, ngồi ráp từng mảnh nhỏ, có mảnh nhỏ đến độ phải nhìn qua kính lúp mới thấy rõ. Đục, đẽo, cắt, dán, đóng đinh, cưa, mài, xây xi-măng, cột dây kẽm, căng dây cáp… bà làm việc như một nửa đàn ông. Dự án này chưa hoàn tất. Chính bà cũng cảm nhận minh bạch, sẽ không bao giờ chấm dứt, nhưng vẫn hy vọng sẽ làm xong một phần nào ước nguyện trước khi chết.

Án văn nghệ Vũ Hoàng Chương

Nguyễn Thông

Mấy hôm nay, vài tờ báo nhắc đến tên tuổi thi sĩ Vũ Hoàng Chương sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi có trách nhiệm xét và trao giải Nobel văn chương “giải mật” công bố danh sách những người được đề xuất nhận giải danh giá này năm 1972. Suốt năm 50, một đề xuất bị cất giấu trong bí mật theo quy định của giải. Còn người được nhà văn Thanh Lãng đề nghị, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, cũng bị thể chế “cách mạng” chôn vùi sự nghiệp lừng danh, cả khi ông sống lẫn đã chết.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Nỗi buồn Thu Cúc?

Nguyễn Hoàng Văn

image

Nét mặt thất thần của cựu chủ tịch trên bản tin của CNN làm tôi liên tưởng đến một Thu Cúc đang hoang mang bối rối trong cảnh cuối của Thu Cúc đi kiện, tác phẩm điện ảnh góp phần làm nên tên tuổi Trương Nghệ Mưu. [1] Liệu, giữa hai nhân vật quá cách xa nhau này, một hư và một thực, có chăng một chút xíu tương đồng?

Thấy vậy mà không phải vậy

Nguyễn Văn Tuấn

Thật ra, câu nói nổi tiếng đó còn có một phiên bản khác: ‘Nói vậy mà không phải vậy.’ Thành ra, nên cân nhắc đặt trọng lượng vào những lời kêu gọi của các quan chức.

Các quan chức cao thường xuyên kêu gọi giới ‘trí thức’ và khoa học phản biện. Hết năm này sang năm khác, hết người này đến người kia, ai cũng nói rằng ‘thật sự tôn trọng tư vấn, phản biện của trí thức’. Lời nói có vẻ rất chân thành, nhứt là trong môi trường hội họp dâng tràn hormone cảm tính.

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Ngẫu nhiên mà thật đẹp

Hà Nhật

Sáng đó, 17 tháng 2 năm 1979, tôi đứng trước nghìn học sinh trường Cấp ba Phan Bội Châu (Phan Thiết). Giọng tôi có lẽ chưa bao giờ rung lên như vậy, khi báo tin rằng bọn xâm lược phương Bắc vừa cho sáu mươi vạn tên lính tràn qua biên giới phía Bắc, xâm phạm cõi bờ thiêng liêng của Tổ quốc ta! Nhìn xuống các em, một sự đồng cảm ngập tràn: căm hận, quyết tâm! Mắt ai cũng long lanh. Lúc này, nếu tôi hô to hai tiếng: Lên đường! Chắc chắn nghìn cô cậu học trò của tôi sẽ sẵn sàng bước đi!

NHỮNG ĐIỀU MUỐN NÓI sau MỌI ĐIỀU TA CHƯA NÓI

Lê Học Lãnh Vân

Chiều thứ Tư hôm nay gia đình tôi coi MỌI ĐIỀU TA CHƯA NÓI, vở kịch mới nhất của sân khấu Hồng Hạc, đạo diễn Việt Linh, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Pháp Marc Levy.

Nội dung chính của vở kịch xoay quanh mối quan hệ giữa người cha, Anthony Walsh, và cô con gái, Julia. Julia luôn oán hận cha vì cho rằng ông vừa bỏ bê cô vừa luôn theo dõi, kiểm soát và can thiệp vào những sự kiện quan trọng của cuộc đời cô. Trong bảy ngày sau cùng hai cha con có dịp cùng về những vùng đất kỷ niệm của gia đình, hai người mới hiểu rõ nhau hơn. Hóa ra ông Anthony Walsh thương vợ và thương con sâu sắc. Do nhiều lý do, trong đó có lý do Julia không thông cảm cha, ông khó gần gũi con, nhưng luôn theo dõi từng bước đi của con. Theo dõi với tấm lòng thương yêu, và can thiệp khi thấy con gần bên thất bại hay hiểm nguy. Trong bảy ngày đó, ông đã kịp sắp xếp cho con gái gặp lại người bạn trai Thomas của tình yêu đầu tiên, tình yêu đẹp mà trước đây ông ngăn cản.

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 228): Thu Hồ: Tà Áo Trưng Vương

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2023)

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

*Chú thích: Bản nhạc Tà Áo Trưng Vương không có phần audio của bài nhạc (dạng MP3, hoặc Youtube). Lý do: Dù đã bỏ rất nhiều thì giờ nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi đành phải chịu thua và quyết định cho công bố phóng ảnh các bài nhạc với hy vọng, một ngày nào đó, sẽ có các độc giả ưa chuộng chuyên mục Dòng Nhạc Kỷ Niệm tiếp tay gởi đến chúng tôi phần audio còn thiếu sót. Mong lắm thay! (T.Vấn & Bạn Hữu)