Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Kim – Tìm kiếm bản ngã và tâm linh

Hồ Anh Thái

Hình ảnh đất nước Ấn Độ đậm chất tâm linh ở cuối thời kỳ thực dân đã được một nhà văn Anh tái hiện thật sinh động.

Đọc sách: Kim - Tìm kiếm bản ngã và tâm linh -0

Kim là tên một chú bé có cha mẹ là người Ireland sang Ấn Độ phục vụ cho chế độ thực dân. Họ là những người Anh nghèo và đã chết trong nghèo đói bệnh tật. Chú bé mồ côi lang thang trên những đường phố Lahore (cuối thế kỷ XIX vẫn còn là Ấn Độ, nhưng từ khi độc lập 1947 đã thuộc về Pakistan). Chú bé da trắng lăn lộn trong những xóm nghèo đến mức khó phân biệt với người bản địa. Cuộc vật lộn mưu sinh khiến chú dù còn ít tuổi đã rất thực tế, thông minh, và tất nhiên là láu lỉnh.

Tình cờ Kim gặp được một vị lạt ma Tây Tạng, một du sĩ đang trên đường từ cao nguyên xuống đồng bằng, đi tìm dòng sông của mình. Đấy là dòng sông mà Đức Thế Tôn đã giương cung bắn ra một mũi tên, mũi tên ấy rơi xuống cắm vào lòng đất, từ đó dòng sông phun trào. Vị lạt ma gọi đó là “dòng sông sinh ra từ mũi tên”, một dòng sông rửa sạch tội lỗi và đem lại an lạc.

Vị lạt ma đi tìm dòng sông. Kim mang theo lá số chiêm tinh mà người cha quá cố để lại, đi tìm thân phận đích thực của mình. Theo lời tiên tri, một ngày nào đó Kim sẽ gặp một con bò màu đỏ trên bãi cỏ xanh, cùng lúc một vị đại tá cưỡi con ngựa cao lớn xuất hiện và sẽ cho Kim biết lai lịch thực sự của chú bé. Trên thực tế, trên đường hai thầy trò đi tìm kiếm, Kim đã gặp được những điều như lá số tiên đoán. Những sĩ quan người Anh xác nhận được cậu là đứa con mồ côi của nước Anh, đưa cậu vào trường học, đào tạo cậu thành mật vụ, rồi giao cho cậu một số nhiệm vụ bí mật.

Bị cuốn theo những hoạt động mang tính bổn phận với Anh quốc xa vời, nhưng bản tính tâm linh vẫn hướng Kim về phía vị lạt ma đang kiên nhẫn ở đâu đó chờ cậu. Rất tự nhiên, Kim dần dần rời bỏ môi trường của người Anh để trở lại với vị lạt ma. Cuộc tìm kiếm thân phận của Kim đã coi như kết thúc, nhưng cuộc tìm kiếm dòng sông thanh tẩy của hai thầy trò thì vẫn tiếp tục. “Tất cả chúng ta đều là sinh linh tìm kiếm sự giải thoát. Cho dù con học được tri thức gì từ các tôn ông (người Anh), khi chúng ta đến chỗ dòng sông của ta, con sẽ được giải thoát khỏi mọi ảo mộng, bên ta” (trang 261).

Tiểu thuyết xuất bản năm đầu của thế kỷ XX nhưng bối cảnh trong câu chuyện là cuối thế kỷ XIX. Bức tường thành thực dân Anh xây dựng mấy trăm năm ở Ấn Độ đang bắt đầu lung lay, chỉ nửa thế kỷ nữa là sụp đổ, sinh ra hai nước độc lập là Ấn Độ và Pakistan. Trong tác phẩm, ta thấy cánh sĩ quan và mật vụ Anh đang hối hả lao vào những chiến dịch để bảo vệ thành trì thực dân và hất cẳng cánh mật vụ nước ngoài, trong đó có người Nga. Cùng lúc họ phải đối phó với các bộ tộc Ấn Độ, tưởng như chìm đắm hoàn toàn trong tâm linh, nhưng đã hé lộ sự kỳ thị và tẩy chay người cai trị.

Rudyard Kipling (1865 - 1936) cũng giống nhân vật Kim ở chỗ là người Anh nhưng sinh ra ở Ấn Độ. Suốt cuộc đời ông phụng sự đế quốc Anh, thông qua tác phẩm để chuyển thông tin từ xứ Ấn Độ về với nước Anh xa xôi. Trong tác phẩm, ông bộc lộ sự thích thú với người bản địa cùng niềm tin tín ngưỡng, cuộc sống tâm linh, sự láu lỉnh của họ. Đồng thời, dù đã kiềm chế, Kipling cũng nhiều lúc bộc lộ sự đắc thắng về hiểu biết Ấn Độ của mình, thậm chí là kỳ thị với người phương Đông:

“Kim cũng nói dối trôi chảy như bất kỳ người dân phương Đông nào” (trang 35).

“Dân châu Á không chớp mắt khi lừa kẻ thù” (trang 36).

“Cậu trả lại tiền, chỉ giữ lại mỗi rupee tiền vé đi Umballa một anna làm khoản tiền thưởng của mình - kiểu tiền thưởng có từ xưa lắc của dân châu Á” (trang 39).

“Kim nói, rất tự động theo cái bản năng hám lợi của phương Đông” (trang 169).

Ấn Độ trong sách của nhà văn chỉ đậm chất tâm linh và có thể mới lạ với nước Anh hơn một thế kỷ trước, nhưng ngày nay khi đã chia thành ba nước là Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, tập tính và tính cách người Ấn đã khác nhiều so với những gì trong sách của Kipling. Người ta cũng không thể dựa vào tiểu thuyết để tìm những cái địa danh trên bản đồ, khi mà phiên âm địa danh cũng đã đổi khác sau ngày độc lập 15.8.1947. Chẳng hạn Bikanir trong sách (trang 210 - 211) bây giờ đã phiên âm thành Bikaner, Jaysulmir đã thành Jaisalmer, Peshawur thành Peshawar…

Người dịch khéo léo đi qua được mê cung văn hóa Ấn Độ, nhưng cũng có đôi khi mắc lại trong một vài khái niệm hoặc thuật ngữ. Chẳng hạn Maharanee (Maharani) được chú thích là “chức phẩm dành cho phụ nữ, tương đương công chúa quận chúa” (trang 197) là chưa chính xác. Maharani có thể dịch là nữ hoàng hoặc hoàng hậu, người phụ nữ tối cao trong các tiểu vương quốc Ấn Độ thời ấy.

Hoặc như trong câu này: “Ông ấy có hẳn giấy tờ in bằng tiếng Angrezi” (trang 266). Viết như thế mà không chú thích thì người đọc không hiểu Angrezi nghĩa là gì. Trong các ngôn ngữ bản địa Ấn Độ, Angrezi là để chỉ nước Anh. 

Xuyên suốt bản dịch, chúa trời/thượng đế của đạo Hồi được dịch không chính xác là Thánh Allah, dù chính xác thì Allah không hề là thánh thần. Gọi là Đức Allah thì hợp lý hơn.

Ngôn ngữ dịch khá sáng sủa, nhưng nhiều khi chen lẫn phương ngữ miền trong như một kiểu thời trang. Cũng có khi chưa Việt hóa đầy đủ: âm tiết cảm thán wah có thể chuyển thành ôi, a, ối, á… nhưng dịch là “oa” thì nghe như tiếng khóc oa oa của trẻ con. Còn trong câu này: “Ông ấy nghe thấy những chiếc vòng tay của bà ấy lanh canh như thể bà ấy xắn tay lên hành động” (trang 336) thì quá nhiều ông ấy bà ấy làm cho câu nặng nề và nhân vật đang ở gần người đọc lại bị đẩy ra xa thêm một bước. Đại từ ngôi thứ ba số ít, trong tác phẩm hư cấu thường được mặc định là “ông/ bà/ anh/ chị”, không cần làm cho nó rườm rà bằng những “ông ấy/ bà ta” quá nhiều như trong sách này.

------

* Kim, tiểu thuyết của Rudyard Kipling, Nguyễn Xuân Hồng dịch, NXB Kim Đồng 2022.