Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Nhà văn Vũ Hùng

Phạm Đình Trọng

Nhà văn Vũ Hùng 'Sống giữa bầy voi' qua đời ảnh 1

Nhà văn Vũ Hùng (1931-2022) vừa rời chốn nhốn nháo phàm tục về cõi thần tiên người Hiền ngày 2.11.2022 ở tuổi 92. Đến với cuộc đời ở đất kinh kì và ra đi ở đất kinh kì, nơi người cả nước tụ về nhưng rất ít người biết nhà văn tài hoa và lặng lẽ Vũ Hùng.

Cơ duyên may mắn cho tôi quen biết nhà văn Vũ Hùng khi chúng tôi đều là lính trung đoàn 205 thông tin, khoảng 1967, khi trung đoàn phải rời doanh trại ở Chợ Bến, Kim Bôi, Hoà Bình sơ tán vào trong rừng Kỳ Sơn cũng trong tỉnh Hoà Bình. Vũ Hùng là trung uý, kĩ sư điện, trông coi trạm máy phát điện, bảo đảm nguồn điện hoạt động của trung đoàn giữa rừng không có hệ thống lưới điện nhà nước. Còn tôi là lính.

Lúc đó trung uý kĩ sư Vũ Hùng đã có tập truyện đầu tiên Dưới mái nhà làng, nhà xuất bản Kim Đồng nhưng anh chỉ âm thầm, cần mẫn làm công việc người lính kĩ thuật trong rừng sâu Hoà Bình.

Sau năm 1975, tôi về nhà 17 phố Lý Nam Đế, Hà Nội làm biên kịch phim tài liệu quân đội thì anh Vũ Hùng cũng về nhà 8 Lý Nam Đế, phòng Khoa học Kĩ thuật báo Quân Đội Nhân Dân.

Là lính nhưng chúng tôi rất ít khi mang quân phục, quân hàm. Lần duy nhất tôi thấy nhà báo quân đội Vũ Hùng quân phục nghiêm chỉnh, quân hàm thượng uý xỉn màu thời gian là khi tôi gặp anh ở cầu thang toà nhà báo Quân Đội, số 8 Lý Nam Đế.

Năm 1950, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đang học Đại học Y Đông Dương thì bỏ giảng đường, bỏ phố phường Hà Nội đang bị quân Pháp chiếm đóng ra vùng kháng chiến nhập ngũ. Chàng trai Hà Nội Vũ Hùng đang học năm cuối trung học trường Bưởi cũng lặng lẽ bỏ học, xa đường Cổ Ngư cạnh trường Bưởi dập dìu lứa đôi, đi kháng chiến chống Pháp và cũng nhập ngũ năm 1950.

Tốt nghiệp trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn và từ 1950 đến 1967, mười bảy năm mới có được quân hàm trung uý. Hơn mười năm nữa mới thêm được một sao. Chỉ vì Vũ Hùng xuất thân trong gia đình phong lưu lại là gia đình trí thức Tây học của Hà Nội từ trước 1945. Dù Vũ Hùng đã rời gia đình đi vào gian khổ làm lính của cuộc cách mạng vô sản từ kháng chiến chống Pháp nhưng thành phần gia đình không hợp khẩu vị cách mạng vô sản vẫn níu chân ông.

Chỉ ở báo Quân Đội thời gian ngắn rồi ông chuyển ra dân sự và có vị trí tương xứng với ông, tương xứng với con người tinh thông tiếng Pháp, có nền móng văn hoá vững chắc và cốt cách hào hoa lịch lãm, Phó Vụ trưởng Vụ Đối Ngoại, Bộ Văn hoá - Thông tin, thời Bộ trưởng Trần Văn Phác.

Hơn một tuổi những tên tuổi: Phạm Toàn, người thầy tiếng Việt, làm sách giáo khoa Cánh Buồm, Dương Tường, nhà thơ tiếng Việt nhưng cũng làm chủ cả tiếng Anh, tiếng Pháp, Nguyên Ngọc, nhà văn, nhà chính trị và nhà văn hoá. Cùng trang lứa với Phạm Toàn, Dương Tường, Nguyên Ngọc, cùng đang học trung học của nền giáo dục Pháp thì từ biệt môi trường giáo dục Pháp và văn hoá Pháp đi kháng chiến chống Pháp, cùng có nền tảng văn hoá sâu rộng và vững chắc, cùng tài hoa nhưng Vũ Hùng khá lặng lẽ. Cứ lặng lẽ viết, lặng lẽ ra sách, những tập truyện về thế giới tự nhiên hoang dã mà ngọt ngào yêu thương cho lứa tuổi học trò. Đến cả bộ máy truyền thông khổng lồ cũng không biết đến nhà văn Vũ Hùng.

Làm văn hoá ở Bộ Văn hoá, nhà văn Vũ Hùng càng nhận ra ở xứ sở văn hoá cách mạng vô sản, văn hoá công nông, chỉ tôn thờ bạo lực, chỉ có văn hoá đấu tranh giai cấp, văn hoá tuyên truyền, người làm văn hoá cấp nhà nước đều có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ của văn hoá công nông phần lớn đều xa lạ, thiếu hụt giá trị đích thực của văn hoá nhân loại, lại kiêu ngạo, khinh bỉ, rẻ rúng những giá trị văn hoá đích thực. Đó là bi kịch với cả nền văn hoá và với những nhân cách văn hoá.

Ở vị trí mới đã cho nhân cách văn hoá Vũ Hùng cơ hội thoát ra khỏi bi kịch văn hoá và cuộc đời nhà văn Vũ Hùng lại có bước ngoặt bất ngờ nhưng cũng là tất yếu. Con người tài hoa của nền giáo dục Pháp lại trở về với đời sống văn hoá xã hội Pháp. Tay nghề kĩ sư điện và lương hưu của nghề kĩ thuật điện cho Vũ Hùng có cuộc sống đàng hoàng những năm tháng dài ông sống ở Paris.

Nhưng là nhà văn thì không thể dễ dàng, nhẹ nhõm, thanh thản xa rời cội nguồn văn hoá dân tộc của mình. Nhất là khi đã chi tiêu gần cạn quĩ thời gian mà đành bất lực rũ bỏ mọi phiền muộn thế sự, rũ bỏ cả mọi lo toan cuộc sống hàng ngày, càng khắc khoải hướng về cội nguồn.

Người đã viết những trang văn trong trẻo về thiên nhiên, về cây có, về rừng núi, về muông thú ăn lá cây rừng Trường Sơn, uống nước nguồn Trường Sơn, người đã viết những trang văn thấm đẫm tình yêu với quê hương, đất nước càng không thể xa nơi gửi gắm tình yêu của mình. Ngoài tám mươi tuổi, từ mùa đông tuyết trắng Paris, nhà văn Vũ Hùng về sống trong ngôi nhà gần sông Sài Gòn quanh năm có vệt nắng ấm áp trước cửa, có cơn gió mang hơi thở sông Sài Gòn thoảng đến qua cửa số.

Tôi được gặp lại nhà văn Vũ Hùng trong ngôi nhà đó. Ông ôm chồng tác phẩm của ông từ trên lầu bước xuống, ngồi cúi xuống bàn hí húi kí tặng sách cho tôi rồi thân thiết choàng cánh tay, đặt bàn tay lên vai tôi xoá đi thời gian dằng dặc và không gian thăm thẳm xa cách. Từ biệt nhà văn của cỏ cây, của muông thú núi rừng Trường Sơn, trên tay tôi là chồng sách hơn mười tác phẩm của ông dày cả gang tay. Chồng sách của ông trên tay tôi, hàng sách của ông trên giá sách trong phòng tôi cho tôi cảm giác đang gần gũi bên ông, bàn tay ông vẫn đang thân tình, ấm áp đặt trên vai tôi.

Làm sách giáo dục phẩm hạnh làm người cho lớp người trẻ, nhà xuất bản Kim Đồng đã ứng xử rất nhân văn, rất văn hoá và tình người với nhà văn Vũ Hùng. Đón nhà văn Vũ Hùng trở về mảnh đất quê hương, nơi ông đã đóng góp cho đất nước ba mươi năm cuộc đời làm một người lính, nơi ông đã đóng góp cho văn hoá Việt Nam, cho ngôn ngữ Việt Nam hơn bốn mươi tác phẩm văn chương, nhiều tác phẩm đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, đóng góp vào kho tàng văn hoá nhân loại, nhà xuất bản đã tuyển chọn xuất bản bộ tuyển tập tác phẩm Vũ Hùng mười hai tập sách mang đậm nét tài hoa Vũ Hùng nhất.