Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Tại sao Mạc Ngôn

Hà Phạm Phú

Một nhà văn dù lớn ở tầm cỡ nào đi nữa, có rất nhiều người hâm mộ, thì cũng không tránh khỏi có không ít người ghét. Ở Việt Nam cũng vậy và trên thế giới cũng vậy. Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn tác giả của những Đàn hương hình, Phong nhũ phì đồn, Cao lương đỏ... với tôi, là một nhà văn lớn. Nhà văn Trần Đình Hiến đã dành phần lớn công sức, tâm lực dịch Mạc Ngôn ra tiếng Việt. Trên Diễn đàn Văn học phương Nam (Trung Quốc) tôi đã được đọc bài viết về luận văn tiến sĩ của một nhà văn Việt Nam, nghiên cứu về Mạc Ngôn. Rõ ràng ở Việt Nam, Mạc Ngôn có không ít bạn đọc. Ở Trung Quốc ông là một nhà văn độc đáo, xứng đáng với giải Nobel văn học. Nhưng dường như ông cũng bị nhiều người ghét.

Từ thừa nhận đến gạt ra lề

Mạc Ngôn là đảng viên cộng sản, Nhân dân nhật báo đánh giá ông là cây bút được Đảng chăm sóc bồi dưỡng. Năm 2012, khi ông đoạt giải Nobel văn học, một nhà văn đảng viên nổi tiếng khác, nhà văn Vương Mông đã viết một bài dài đăng trên Nhân dân nhật báo, khen ngợi ông. Thiết Ngưng, Chủ tịch hội Nhà văn Trung Quốc, trong cuộc đối thoại dài với một nhà văn Nhật Bản đã dùng những lời trìu mến khi nhắc đến người Trung Quốc đoạt giải Nobel văn học này. (Cao Hành Kiện, một người gốc Trung Quốc mang quốc tịch Pháp cũng đoạt giải Nobel văn học trước Mạc Ngôn, nhưng Trung Quốc không thừa nhận). Ban Chấp hành khóa 8 Hội Nhà văn Trung Quốc, Mạc Ngôn được bầu là Phó Chủ tịch Hội. Nhưng mới đây, nhân kỉ niệm 100 năm Đảng Cộng sản ra đời, để biểu dương các nhà văn theo đảng khi đảng lên trăm tuổi, Trung Quốc đã cho ra một danh sách dài "Nhà văn danh tiếng của trăm năm". Trong danh sách ấy vắng tên nhà văn Trung Quốc đọat giải Nobel văn học, Mạc Ngôn.

Ngô Nghĩa Cần, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, đảng ủy viên, ủy viên Ban thư kí Hội Nhà văn Trung Quốc, gặp tôi nhân dịp cuộc gặp gỡ đối thoại văn minh Trung Quốc và châu Á ở Bắc Kinh năm trước, khá hoạt bát và có vẻ có khiếu hài hước đã viết một bài có tính định hướng: "Gen đỏ của văn học Trung Quốc". Bài báo liệt kê hàng trăm nhà văn mang "gien đỏ" cùng các tác phẩm "kinh điển" trong hơn một thế kỷ, trong đó có nhiều chục tác phẩm ra đời từ sau khi chính quyền cộng sản thành lập năm 1949, đã không hề biết đến Mạc Ngôn, tác giả của những “kiệt tác ma thuật”.

Lương Hồng Ưng, Tổng biên tập báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Văn Liên ủy nhiệm cho Hội Nhà văn Trung Quốc chủ biên, trong bài "Để mọi người trở lại hiện trường văn học một thế kỷ" viết nhân dịp "Tủ sách kinh điển văn học đỏ xuất bản lần đầu" cũng liệt kê một số lượng lớn các nhà văn và tác phẩm đỏ, trong danh sách không có Mạc Ngôn. Truyền thông Trung Quốc đã cùng lúc đăng các bài quan trọng, nhấn mạnh rằng văn học và nghệ thuật phải phục vụ Đảng Cộng sản, nói phàm là những tác phẩm bôi đen chống phá Trung Quốc đều thiếu "gien đỏ" phải bị vứt bỏ.

Như thế có nghĩa là quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với Mạc Ngôn và tác phẩm văn học của ông đã thay đổi?

Những góc nhìn Mạc Ngôn

Mạc Ngôn, một người chỉ có chuyên tâm dùng văn tự xây nên những cốt truyện "kể về thời đại, không thích nói nhiều”. Ông rất giỏi trong việc sử dụng ngôn ngữ màu sắc có sức xuyên phá mạnh để triển hiện một thế giới kỳ quặc trong tiểu thuyết. Trong Cao lương đỏ, mọi người sẽ nghe thấy "âm thanh màu đỏ sẫm bay ra từ những chiếc loa". Trong Người thợ mộc và con chó, mọi người sẽ nhìn thấy những giọt máu xanh. Còn trong Đàn hương hình, đoạn văn "mặt trời trắng đột nhiên đỏ lên" dường như lập tức khiến người ta run rẩy, giống như nhìn thấy cảnh tượng bi thảm người con của rừng bị chặt rơi đầu.

Sức tưởng tượng nghệ thuật mạnh mẽ, khiến mỗi câu chuyện tuôn trào dưới ngòi bút Mạc Ngôn ít nhiều đều mang một thứ gen kỳ dị và rực rỡ, thực thực hư hư, tạo cho người ta cảm giác chân thực mạnh mẽ.

Khi nguồn cội của câu chuyện bị bánh xe lịch sử lăn lên phía trước bỏ lại, thì dù có xử lý nghệ thuật cách nào đi chăng nữa, nó cũng sẽ mang đến cho người ta một cảm giác mơ hồ về hiện thực. Những câu chuyện được miêu tả trong các tác phẩm của Mạc Ngôn thường nói về niềm vui, nỗi tức giận hay nỗi buồn của những thân phận nhỏ bé dưới bối cảnh của một thời đại lớn hoặc các chính sách quan trọng, xuất phát từ trải nghiệm cá nhân đi giải cấu trúc một thời đại, thậm chí phanh phui sự giả dối của một thời đại. Sự quái dị và huyền ảo đột xuất, làm nổi bật hiện thực.

Là một trong những nhà văn tiêu biểu của trường phái văn học tiên phong, tác phẩm của Mạc Ngôn so với các tác phẩm văn học khác, chẳng qua chỉ khác nhau về trường phái, phải được đối xử bình đẳng, nhưng ở giai đoạn này của Trung Quốc, văn chương chính thống (dòng chủ) vẫn chiếm vị trí cao nhất trong văn học. Trên mặt trận ngôn luận, có vẻ như không có chỗ cho Mạc Ngôn.

Ở thời đại internet, mạng xã hội mọc như nấm sau mưa, một trong những tác dụng của nó là tạo ra thành kiến. Thành kiến ​​của cư dân mạng Trung Quốc, nhất là những người xuất thân nông dân, đối với Mạc Ngôn đã ăn sâu và có vẻ không thể lay chuyển. Họ cho rằng Mạc Ngôn chuyên viết về sự ngu dốt, thiếu hiểu biết và man rợ của nông dân, phỉ báng đất nước Trung Quốc, bôi nhọ một cách thâm độc nhất để nhằm đạt được giải Nobel. Trong con mắt những cư dân mạng này, Mạc Ngôn là nhà văn vô đạo đức.

Điều đó có thể hiểu được vì nhiều cư dân mạng thiếu hiểu biết văn chương, chỉ nhìn vào chi tiết mà không nhìn tổng thể, chỉ nhìn bề ngoài mà không nhìn vào thực chất, chỉ nhìn vào cốt truyện mà không nhìn vào ý nghĩa của loạt tình tiết tạo ra một hệ thống, giống như người mù xem voi, sờ vào chỗ nào đó của voi và coi đó là voi. Thành kiến khiến họ tin chắc, Mạc Ngôn đang viết cho phương Tây, để làm hài lòng các nhà văn phương Tây.

Có một nhà triết học đã từng nói, đại ý là cái cản trở con người khám phá ra chân lý không phải là ảo giác do sự vật tạo nên, cũng không phải khiếm khuyết về khả năng suy luận của con người, mà là thành kiến con người đã tích lũy từ trước. Thành kiến ​​như một tên trộm đánh cắp sự thật.

Ngạn ngữ Trung Quốc nói: “Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”. Điều này nói gì?

Ngay từ khi tiếng vỗ tay cổ vũ cho giải Nobel của Mạc Ngôn chưa dứt, hơn bốn mươi nhà phê bình văn học và giáo sư đại học, bao gồm Trương Hồng, Tưởng Nê và Trần Quý Đình đã đồng biên tập cho ra một cuốn sách dày – Phê phán Mạc Ngôn. Cuốn sách này là một cuộc ném bom rải thảm đối với Mạc Ngôn và giải Nobel. Hầu hết bài viết trong cuốn sách đều dồn sức liệt kê và kể tội Mạc Ngôn. Chẳng hạn tội "mê đắm mô tả tình dục", "phóng trục phê phán đạo đức" và "miêu tả không có chừng mực" đi ngược lại nguyên tắc sáng tác của văn học chính thống.

Phê bình văn học ở Trung Quốc thường bị hạ thấp như một công cụ phục vụ tuyên truyền. Tiêu chuẩn đánh giá lại mang tính chủ quan, cảm tính. Nó làm cho văn học trở nên yếu kém. Lẽ dĩ nhiên văn học có thể bị phê bình, nhưng phê bình văn học phải độc lập với tuyên truyền, nếu cố gắng biến phê bình văn học thành vũ khí đấu tranh dư luận và sử dụng điều này để đạt được một mục đích tuyên truyền nào đó, thì bản thân cái gọi là “phê bình” này đáng bị phê phán. George Orwell từng nói: “Nếu bạn không đồng ý với kết luận của một cuốn sách, thì bạn cũng khó đồng ý với giá trị văn học của nó”.

Lý do khác

Năm 2013, Mạc Ngôn thăm Đài Loan. Ấn bản hải ngoại của Nhân dân nhật báo ngày 24 tháng 9 năm 2013, đã đăng một bài có tựa: ""Cố nhân mưa" Mạc Ngôn thăm Đài Loan". Theo bài báo, Mạc Ngôn nói, ở đại lục ông xem tivi thấy Đài Loan "loạn", sau khi đến Đài Loan mới phát hiện ra rằng Đài Loan chỉ "loạn" ở "Viện lập pháp". Ông nói: "Đài Loan chỗ nào cũng có Lôi Phong" (nhân vật báo chí tuyên truyền Trung cộng ca ngợi dành cả đời làm việc tốt). Mạc Ngôn còn thẳng thắn thú nhận với giới truyền thông địa phương rằng, khi tìm hiểu về Đài Loan qua các chương trình truyền hình Bắc Kinh, thấy cứ như thể người dân Đài Loan đang sống ở "vùng nước sôi lửa bỏng". Nhưng đến thăm Đài Loan, ông cảm thấy xã hội Đài Loan đầy lòng thân thiện, yêu thương, đặc biệt là tinh thần tương thân tương ái giữa những con người xa lạ, khiến ông cảm động.

Sau khi tên ông bị gạt khỏi "Nhà văn danh tiếng... ", mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip về bài phát biểu của Mạc Ngôn ở Đại học Trung văn Hồng Kong. Mạc nói: "Nói sự thật là phẩm chất đáng quý của một nhà văn. Nếu nhà văn không dám nói thật thì nhà văn ắt phải nói dối, như vậy anh ta vô nghĩa đối với xã hội, đối với nhân dân...". Mạc Ngôn còn nói: "Tôi nghĩ văn học, nghệ thuật không bao giờ là công cụ để tụng ca, văn học, nghệ thuật phải vạch trần bóng tối, phải vạch trần sự bất công xã hội, bao gồm cả việc vạch những u tối trong tâm hồn con người”.

Rõ ràng Mạc Ngôn chỉ phát biểu với tư cách nhà văn. Ông bị đảng của ông chỉnh đốn có lẽ không phải chỉ là lời đồn đại.

Nếu chỉ còn một người đọc, tôi vẫn viết thế

Nhà văn Phương Phương khi viết Nhật kí Vũ Hán, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong đại dịch coronavirus sau đó xuất bản ở nước ngoài, đã bị các cư dân mạng vây đánh, mạt sát, gán tội bôi nhọ, phản bội Trung Quốc. Nhà văn Trương Kháng Kháng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc đứng ra bảo vệ cũng bị gom vào đánh hội đồng. Những người ủng hộ Mạc Ngôn giờ chọn cách giới thiệu tác phẩm, trích những đoạn văn, câu văn hay đưa lên mạng. Chẳng hạn khẩu hiệu sáng tác của Mạc Ngôn: "Tả nhân tính, nói lời thật" hoặc tuyên ngôn: "Nếu chỉ còn một người đọc, thì tôi cũng vẫn viết như vậy."