Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Tiểu thuyết “Đấng sơ sinh”

Truyện Hồng Hoang

Lời mở đầu: “...Về phần tôi, tôi sẽ từ chối sống qua tuổi thôi nôi ở kiếp này,

bởi nếu tôi chịu sống qua tuổi thôi nôi tôi sẽ thọ tới môt trăm lẻ ba tuổi

và là một lão già lưu manh, tinh quái, độc ác hãm hại nhân gian đến cùng cực...”

Chính tôi cũng thấy tôi đang ngủ say tít, thấy mẹ đi vào ngồi cạnh tôi cầm tay, cầm chân tôi nắn bóp, xoa xuýt. Mẹ cúi xuống sát mặt tôi, hai lỗ mũi phồng to hít ngửi mùi da thịt ngầy ngậy hơi sữa của tôi. Tôi cũng ngửi thấy da thịt tôi thơm mùi sữa. Tôi nghe thấy bà ngoại nói “Khẽ khàng thôi nào, kẻo làm nó tỉnh giấc”.

Tôi chưa tỉnh dậy vội đâu, tôi ngủ say lắm và thấy rõ hết mọi thứ cùng một lúc trong khi ngủ. Tôi thấy bố đang đi đến sát bên mẹ, từ phía sau bố cúi khom người ôm ngang bụng mềm của mẹ. Mẹ đứng thẳng lên thôi không hít ngửi tôi nữa, mủi xà bông thơm và mùi nước hoa hạng nhất ở bố ào vào khứu giác tôi, khác hẳn mùi nước hoa và mùi sữa tỏa ra từ ngực mẹ. Cả tôi và bố cùng thích mùi của mẹ.

Rồi bố cũng cúi xuống hôn lên má tôi, bố hôn có tiếng kêu “chụt” gọn rõ, bố không hít ngửi tôi như bố hít ngửi mẹ. Bố hôn má tôi xong lại đứng thẳng lên ôm mẹ, nói tiếng Anh vào tận tai mẹ.

Sợ có sự ồn ào, bà ngoại đã dùng cả hai tay ủn bố và mẹ tôi ra ngoài buồng của tôi, miệng ngoại xuỵt gió bằng tiếng Việt: “Xùy… xùy…” như xua gà ở nhà quê. Tôi cũng biết con gà. Ngoại nói: “Ra ngoài… Ra ngoài sọng tiếng Tây. Mới bảnh mắt đã tiếng Tây, đã ôm… Dễ đêm qua ôm còn chưa đủ?”.

Ngoại từ quê núi ra ở canh chừng cho tôi ngủ ngon. Tôi cũng thấy tôi ngủ ngon.

Mỗi khi có mặt ngoại, bố và mẹ tôi hay nói tiếng Anh với nhau để ém không cho ngoại xen vào chuyện của hai người, mặc dù chỉ là mấy câu đối thoại thông thường giống những quyển sách dạy tiếng Anh phổ cập. Đại loại như “Chúc một ngày tốt lành”, “ Em/anh khỏe không?”…, thỉnh thoảng kèm thêm câu dặn dò vuốt đuôi: “ Hôm nay anh về trễ” hoặc “Hôm nay em đi họp với sếp nên về muộn”…

Thực tình bố và mẹ giấu chuyện riêng cũng chỉ là vấn đề thế hệ và một phần do tính cảnh giác thường trực của cán bộ công nhân viên chức đương thời. Dấu vết của thời chiến tranh lạnh “mỗi người dân là một công an” chứ bố và mẹ chẳng có ý gì đề phòng ngoại.

Tất nhiên cả bố và mẹ đều không biết tuổi sơ sinh như tôi được gọi là “Đấng sơ sinh”. Với một Đấng sơ sinh thì dù có là tiếng Nga Xô, tiếng Mán, tiếng Miên… hay bất kỳ một sinh ngữ nào tôi đều thấu hiểu. Thậm chí cả tiếng chim hót, tiếng côn trùng và thú vật.

Tuổi chưa cai sữa có khả năng soi biết được quá khứ, tương lai và còn có nhiều khả năng đặc biệt khác mà sau này khi biết nói những tiếng đầu tiên như măm măm – ba ba – ma ma… là quên ráo khả năng của Đấng sơ sinh. Bắt đầu học nói là bắt đầu quên, là bắt đầu ngờ ngợ suốt đời không hiểu học như thế.. như thế có đúng không? Tại sao cứ phải học như thế này mà không phải là như thế khác?

Khi còn chưa cai sữa, tôi không hề ngủ mặc dù ai ai cũng thấy tôi ngủ nhiều và ngủ say. Cả tôi cũng thấy tôi ngủ say. Tôi thấy tôi dù ngủ hay không ngủ đều luôn luôn ở cùng một lúc bên tất cả những người thân. Ngoại - Bố - Mẹ - Anh trai đang ở đâu, làm gì, nghĩ gì tôi đều biết hết. Tôi luôn ở mọi nơi cùng lúc, đôi khi tôi cũng chú ý tới những cuộc đời nói sõi xa lạ khác, nếu tôi kể ra ở đây thì truyện này sẽ bị thành là tiểu thuyết mất thôi.

Anh trai tôi khi còn là Đấng sơ sinh cũng  có những khả năng như tôi. Hiện anh không còn khả năng đó nữa, vì đã nói sõi hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Anh.

Anh học nội trú trong trường tiểu học quốc tế. Trong trường có dán nhiều khẩu hiệu “SPEAK ENGLISH OR MUTER” (nói tiếng Anh hay là câm). Anh đã quên tiệt những khả năng của thời chưa cai sữa.

***

Ở bên cửa nhà tôi có một bà ngồi bán xôi sáng cùng tuổi với ngoại. Bà bán xôi sáng đã trở thành bạn tâm giao của ngoại. Hai bà già đều góa chồng, đều trở thành vợ liệt sĩ ở độ tuổi hai mươi sáu nên rất hợp nhau. Họ là những người cùng thời, cùng hát và thuộc những bài ca giống nhau. Chồng của hai bà cùng hy sinh ở chiến trường B.

Khi bố mẹ tôi đi làm, bà bán xôi hết hàng sớm, ngoại thường hay mời bà vào nhà uống nước chè xanh và nói những chuyện xưa.

Bà bán xôi hay khen ngoại có hậu vận sung sướng, được con cái giầu có và thương mẹ. Còn ngoại thì phàn nàn “Tôi giận vợ chồng nó lắm, hễ cứ thấy mặt tôi là lại sọng tiếng Tây với nhau. Mẹ đẻ ra nó mà nó phải giấu lời như mèo giấu cứt. Tại sao chúng nó lại bất lịch sự với mẹ chúng nó đến mức ấy cơ chứ. Tôi có báu gì ở nhà phố đâu bà, chẳng qua vì cháu ngoại tôi đang ngủ trên kia kìa nó giống ông nhà tôi quá bà ơi, từ cái tai, cái miệng cái trán cứ in hệt ông ấy, không thế thì tôi bỏ về quê với cháu nội lâu rồi. Ở đây thật chẳng khác gì tù giam lỏng, mà bà có biết cái thói vợ chồng ở phố không? Thật đáng ghét, vừa sáng sớm đã ôm nhau và sọng tiếng Tây vào tai nhau. Ai chẳng biết câu ca “vợ chồng trẻ đi ẻ (ỉa) cũng nhớ nhau” nhưng cũng vừa vừa thôi chứ.

Ngoại tôi đâu có thấu cho, khi ngoại góa chồng sớm nghĩa là mẹ tôi mồ côi cha từ ấu thơ, bố tôi cũng thế. Ông nội và ông ngoại đều hi sinh trong chiến trường B. Bố và mẹ tôi đều khao khát yêu thương từ rất sớm, có thể nói cô đơn từ thuở bào thai. Bố và mẹ chào nhau trước khi đi làm đã tranh thủ ôm nhau tý chút, như thể gỡ gạc yêu thương, như thể tranh thủ sạc pin phòng hờ hết pin ngang trời. Ngoại lại càng không biết được bố tôi không sống được lâu, chỉ bốn năm nữa thôi bố sẽ bị ung thư gan và qua đời sau tám tháng phát hiện ra bệnh.

Ngoại tôi nói “Bà uống trà đi cho nóng, ông nhà tôi lúc còn đóng quân ở  ngoài này thỉnh thoảng về thăm tôi vui lắm, ông ấy hay hát bài Tiểu đoàn 307. Là bài hát ca ngợi những người lính oai hùng giết được nhiều người lính đối phương trong cuộc chiến. .

Bà bán xôi nói, có phải bài hát ấy có câu đầu “Ai đã từng đi qua sông…” phải không hả bà? “Đúng rồi, sông Cửu Long giang đấy, tôi cũng chưa đi qua con sông đó bao giờ nhưng cứ hát bà nghe nhé. Tôi nhớ ông ấy”.

Thế là ngoại tôi cất tiếng hát,  hay đến bất ngờ. Nếu chỉ nghe giọng hát mà không thấy người thì không đoán ra nổi đó là giọng hát của một bà già. Bà bán xôi cũng biết hát bài đó và đã hát theo cùng ngoại. Giọng hát của bà bán xôi lại cũng hay bất ngờ nữa, giọng của bà còn có tiếng rung trong cổ họng, ngân như tiếng của kim loại lảnh lót như cười như khóc, dòn tan rất cảm động.

Ngẫu nhiên hai người bạn già trở thành cặp song ca, cả hai bà đều góa bụa từ lúc tóc còn xanh, nay hai mái đầu đều đã bạc phơ phơ. Cả ngoại và bà bán xôi đều có giọng hát thiết tha tình cảm con người. Mỗi khi nhớ ông tôi, lòng ngoại cô đơn không chịu được, ngoại lại hát lên.

Hầu hết đàn bà góa chồng sớm đều hát rất hay, giọng hát đó mỗi khi cất lên là nỗi tha thiết yêu thương thấm sâu tận đáy tâm hồn, chấp cả một bài ca lính tráng nhịp điệu mạnh mẽ chát chúa như bài Tiểu đoàn 307.

Thời thanh niên son trẻ của hai bà, đoàn thể không khuyến khích phổ biến những bài ca yêu đương trai gái. Những ca khúc sướt mướt tình yêu được gọi là “nhạc vàng”. Ai biết và thuộc nhiều nhạc vàng thường bị coi là phần tử xấu về tư cách và tư tưởng, các tổ chức thanh niên và công đoàn cần theo dõi để uốn nắn và giáo dục.

***

Ở nhà, hai bà già say đắm trong những tâm sự xưa và hát song ca những bài xưa cũ, tôi thì vẫn ngủ say tít. Ở cơ quan, mẹ tôi đang chăm chú quan sát anh tôi qua hệ thống camera kín, phát đi từ trường học của anh. Chỉ cần một chiếc laptop là có thể xem anh tôi đang học gì, làm gì, chơi gì. Mọi sinh hoạt của anh đều nằm trong vùng ghi hình của những camera kín, đặt khắp nơi trong trường. Nhà trường và phụ huynh cam kết không cho  học trò biết tý tị gì về hệ thống theo dõi này. Chi phí sử dụng hệ thống này được nộp ngoài tiền học phí.

Anh trai tôi nhiều phen vò đầu bứt tai không đoán ra vì sao anh làm gì ở trường mẹ cũng biết hết, cả những việc rất nhỏ như và kín đáo như anh vờ lỡ tay kéo tụt xuống hoặc tốc váy các bạn gái lên. Anh tôi cho rằng trong đám bạn bè cùng lớp có đứa phản phé. Sớm muộn gì anh cũng tìm ra tên gián điệp làm thuê cho mẹ.

Từ khi nghĩ rằng trong tập thể lớp tồn tại một tên phản phé phản động luôn theo dõi anh chặt chẽ như thế, nét mặt anh tôi trở nên đăm chiêu, sớm ấp ủ âm mưu. Anh chín chắn hơn và cũng ít nói hơn.

Tôi soi số phận anh ở kiếp này trong tương lai sẽ công tác ở bộ ngoại giao. Trong công tác, anh là người trầm tĩnh và sắc sảo, luôn chỉ ra những đồng sự tiềm tàng khả năng phản động, phản thùng với sếp. Cấp trên luôn cần những báo cáo của anh. Và cuộc sống vật chất của anh khá hơn nhiều người.

***

Những ngày không phải đến trường, anh Hai ở nhà làm ngoại thêm phần bận rộn. Buồng của anh Hai ở kế buồng tôi. Sự học hành của anh được đầu tư khác hẳn những trẻ con nhà bình dân cùng lứa. Anh Hai học nội trú trong trường tiểu học quốc tế. Đây là một trường Tây có mức học phí hai ngàn năm trăm đô la Mỹ mỗi tháng, tương đương bốn mươi bốn triệu  đồng Việt Nam đồng, tức là bốn tấn rưỡi gạo ở thời giá tháng ba năm hai ngàn lẻ chín. Thật là khủng khiếp với tưởng tượng của người bình dân bản xứ.

Một trường Tây khác có mức học phí ít hơn là tám ngàn năm trăm đô la Mỹ cho hai học kỳ, mỗi học kỳ năm tháng, vậy mỗi tháng học phí khoảng tám trăm rưỡi đô la Mỹ, tương đương mười lăm triệu đồng Việt Nam. Với mười lăm triệu đồng Việt Nam, có thể mua đươc hơn một tấn rưỡi gạo loại mười ngàn đồng một ký. Bố mẹ tôi quả thật quá giỏi. Những trường học có mức học phí như thế đều có gắn chữ International bên cạnh tên trường..

Anh Hai tôi kiếp trước mù chữ, cả đời chỉ làm đồ tể chuyên mổ lợn thuê. Anh có ý chí phấn đấu vươn lên, nên đã tự học để mổ cả trâu bò, lừa ngựa. Tiếc là ở Việt Nam ta quá ít voi, nếu Việt Nam nhiều voi như ở Lào, thì với tinh thần tự lực học cao như vậy, anh Hai tôi sẽ tiến thẳng tới mức mổ voi.

Kiếp này anh Hai học hành rất vớ vẩn, chỉ nhiều mưu mẹo thô bỉ, bẻm mép, đặc biệt thích chọc ghẹo bạn gái. Anh rất hài lòng và tự hào về bản thân.

Khi có anh Hai ở nhà, ngoại thường mang một ly sữa tươi mát lạnh kèm vài bánh quy mặn vào buồng anh lúc nghỉ trưa. Bao giờ ngoại cũng để ly sữa và bánh trên chiếc bàn nhỏ cạnh đầu giường ngủ, để anh hai thức dậy là có sữa và bánh ngay.

Anh Hai đang độ tuổi ăn tuổi ngủ, nhưng lần đó ngoại vào, thấy anh hai đang không ngủ, anh tròn xoe mắt nhìn thẳng vào ngoại, nói:

Tại sao ngoại không gõ cửa?

Ơi Giàng…, ngoại đây mà cu Hai.

Ngoại thì cũng phải gõ cửa chứ, impolite. Lần sau ngoại không được tùy tiện như thế.

Giàng ơi, impolite (anh Hai hét tiếng Tây rất to, có nghĩa là bất lịch sự)

Ngoại thấy nói trộn tiếng ta tiếng Tây liền nghĩ “Cháu chửi bà”, ngoại toan nói gì đó thì mẹ tôi ở buồng bên sang hỏi vì cớ gì mà ồn ào vậy. Anh Hai trả lời mẹ bằng giọng nói to như quát: Bà ngoại vào buồng con không gõ cửa, impolite.

Cu Hai hỗn láo, không được dùng từ đó với ngoại, ngoại đẻ ra cả  mẹ nữa đấy. Cu Hai xin lỗi ngoại ngay!

Con không có lỗi nên không phải xin lỗi, chính mẹ mới phải xin lỗi con, và cả ngoại nữa cũng nên xin lỗi con.

Tại sao? Hỗn quá mẹ đánh đòn đấy.

Ừm… hứm! Mẹ cứ đánh con đi, mẹ cậy đây là Việt Nam mà, mẹ sợ đối thoại dân chủ đàng hoàng. Nếu ở những đất nước có trường như con đang học thì con có quyền báo cảnh sát tới bắt mẹ vì tội ngược đãi trẻ em, hăm dọa bạo hành trẻ em. Mẹ có thể bị phạt tiền và bị khởi tố trước tòa án.

Mày vô lễ không ngờ được, tao sẽ bảo bố mày, thằng khốn!

Mẹ mách bố cũng được nhưng không được chửi thề và mày tao với con, không được chửi con trước mặt người khác, làm mất danh dự của con.

Mẹ tôi tức đỏ mặt thở gấp và gắt lên:

Ở đây ai là người khác?

Ngoại. Ngoại là người thứ ba chứng kiến đối thoại của con và mẹ. Con đã được dạy rằng khi con còn nhỏ tuổi thì dù thế nào cũng không ai được quyền mắng mỏ miệt thị con trước mặt người thứ ba. Như vậy là không tôn trọng con. Mẹ nên vào trường con để dự những buổi học về thế nào là dân chủ,  thế nào là tôn trọng danh dự và sỉ nhục danh dự con người.

Mày thật hỗn xược quá, bất hiếu quá tao sẽ cho mày qua học trường Việt Nam. Năm học sau mày sẽ thôi học trường Tây. Phí tiền.

Tùy mẹ thôi, nhưng con đố mẹ dám đấy, con sẽ bỏ học và tuyệt thực luôn. Học trường Việt Nam làm gì cho phí đời. Mẹ đã quên lời bố nói, cho con đi học trường Tây là “tị nạn giáo dục tại chỗ”. Học hết cấp ba, bố sẽ tiếp tục cho con đi du học ở một nước giàu mạnh dân chủ văn minh đó Mẹ.

***

Ngoại tôi kéo mẹ tôi ra ngoài hành lang, tay ngoại vuốt xuôi ngực mẹ để xoa tan cục uất đang dâng nghẹn trong ngực mẹ. Ngoại nói: “Thôi bỏ qua đi con, chỉ tại nó còn con nít mà đã học Tây học rồi. Con về phòng nghỉ đi để cho cu Hai ăn bánh uống sữa”.

Phía sau lưng mẹ và ngoại là tiếng đóng cửa “Rầm” to mạnh của anh Hai. 

Biết nết anh Hai như vậy, từ đấy về sau ngoại đã không quên gõ cửa khi có anh ở trong. Một hôm, cũng vào ngày nghỉ học của anh Hai, ngoại vào dọn phòng và trò chuyện với anh:

Cu Hai ở trường vui nhiều không?

Ồ ố ô… tại sao không ! Ở trường quá vui.

Vui hơn ở nhà nhiều lắm phải không?

Ồ ồ… đương nhiên, đương nhiên… Hê… hê…

Cu Hai kể ngoại nghe vui như thế nào đi…

Ở trường nhiều bạn, đứa nào cũng đẹp và xài toàn đồ xịn, nhất là bọn con gái đều xinh đẹp , không đứa nào xấu xí. Ở trường xem phim nhiều, nhiều bài học chỉ là ngồi xem phim, đi tham quan nhiều, chơi mà học, học mà chơi. Cháu vẫn khoái nhất là chửi nhau bằng tiếng Anh thích hơn chửi tiếng Việt nhiều.

Ấy chết sao lại chửi nhau. Chửi bằng tiếng gì cũng không tốt đâu cu Hai. Chửi nhau sẽ giống như tiếng chó sủa khi chúng gầm gừ và cắn nhau.

Tôi ngờ ngợ ngoại phục hồi khả năng của Đấng sơ sinh hiểu được tiếng chó. Thế thì ngoại biết hết các cõi trước sau mà vẫn biết nói, lời của ngoại sẽ là sấm truyền nhiều đời. Anh Hai tôi nghe xong câu “Chửi nhau sẽ như tiếng chó sủa khi cắn nhau” liền tỏ thái độ:

Ưm…hừm… Ngoại có ý xúc phạm cháu, đúng không?

Không đâu cu Hai, ngoại muốn cu Hai dễ thương với tất cả mọi người.

Ra thế, ngoại nhiều chuyện quá đi.

Anh Hai mím môi, nhíu lông mày nhìn ngoại một lúc rồi hỏi:

Má cháu ở nhà hay đi đâu rồi hả ngoại?

Má cháu vừa đi chợ, cu Hai cần gì ngoại giúp được không?

Có chứ, đương nhiên là ngoại giúp được.

Việc gì nào, cu Hai nói đi?

Ngoại ra đây với cháu.

Vừa dứt lời, anh Hai chạy vèo ra ban công phía trong sân nhà, cúi nhoài người nhìn xuống sân trông rất nguy hiểm. Anh la to: Ngoại ra đây xem này.

Ngoại cũng lao ra nhanh, không phải để xem cái gì làm anh Hai la lên, mà ngoại sợ anh Hai té nhào ra ngoài lan can. Ngoại túm áo, túm tay anh Hai kéo vào và nói “Không được nhoài người ra lan can như thế nguy hiểm lắm, có gì cần ngoại giúp thì nói đi nào?”.

Ngoại buông cháu ra. Nhàu hết áo rồi, stupid old woman (bà già ngu ngốc) ”.

Mẹ và bố nói tiếng Anh với nhau để giấu lời với ngoại, còn anh Hai mà nói tiếng Anh với ngoại chắc chỉ là cháu chửi bà thôi.

Anh Hai gạt bung tay ngoại ra rồi chạy nhanh vào trong buồng, đóng cửa ban công, gài chốt bên trong nhốt ngoại bên ngoài.

Ban công nhà tôi là loại ban công của nhà giàu, có hai lớp cửa, hai lớp rèm sáng tối và một lớp cửa chống muỗi. Khi đã đóng cửa là người bên ngoài rất khó xâm nhập, kín như bưng, ngăn cách âm thanh và ánh sáng rất tốt.

Anh Hai đã đóng hết các lớp cửa, kéo hai lớp rèm xong vỗ hai tay vào nhau kêu “đét” rồi nói một mình: Finished with ngoại (kết thúc ngoại).

***

Về phần tôi, tôi sẽ từ chối sống qua tuổi thôi nôi ở kiếp này, bởi nếu tôi chịu sống qua tuổi thôi nôi, tôi sẽ thọ tới môt trăm lẻ ba tuổi và là một lão già lưu manh, tinh quái, độc ác hại nhân đến cùng cực. Bởi còn đương là Đấng sơ sinh biết được mọi nhẽ trước sau, nên tôi tự quyên sinh trước lễ mừng thôi nôi của tôi  một ngày.

Kiếp tới tôi sẽ là Bò.

Phàm nhân chẳng biết được kiếp Bò là kiếp đại thiền sư ăn chay trường rơm cỏ và nghiền ngẫm công án “nhẫn”.

***

Tôi vẫn ngủ say tít mà vẫn ở khắp mọi nơi. Lúc này ở chợ, mẹ đang tìm chọn những thức ăn mà anh Hai tôi thích nhất. Khoảng hơn một tiếng sau mẹ tôi đi chợ về…

                            HgHg. 8-3-2009

                           Cư xá Bắc Hải -TP Hồ Chí Minh

Đã đăng trên Tuần báo Văn Nghệ Hội Nhà văn số 22 – thứ Bảy 30-5-2009

In trong “Tuyển tập những truyện ngắn hay” của báoVăn Nghệ 2009 NXB Hội Nhà văn. Trang 496