Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (488): Chu Tử (kỳ 2)

30 tháng 4 Tưởng nhớ Nhà văn Chu Tử

Đào Vũ Anh Hùng

chutu_&_vu_hoi_0_600x307_1

Sáng ngày 2-5 của hơn ba chục năm về trước tại Subic Baỵ Tôi đứng dưới con đường dốc lối đi bệnh xá nhìn lên đám người đi ngược về khu tạm trú, chưa kịp vỡ cơn mừng đã vội tắt nụ cười, sững câm bởi vừa nhìn thấy Sơn với đôi nạng gỗ, có Vân dìu đỡ, khấp khểnh lê từng bước. Bà người làm tay bồng tay dắt hai đứa con gái của đôi vợ chồng người con trai lớn của nhà văn Chu Tử. Cả bà Hai lẫn Vân cũng vừa nhận ra tôi, mừng tủi khóc òa lên một lúc.

Tôi đón nhận tin ông Chu Tử chết trong buổi sáng hoang mang xao xác đó. Buổi sáng ngơ ngẩn như hồn đi lạc, xác thân cũng lạc, đường đột bước đi đến nơi bờ bến lạ, không ý thức được rằng mình đi như thế là đi xa đất nước, là rời bỏ quê hương. Tôi nghe choáng váng và lòng tầm tã một cơn mưa buồn thảm... Trọn cái tiểu gia đình đứng trước mặt tôi đều mang thương tích từ mảnh vụn B-40 quân Cộng bắn vào chiếc Việt Nam Thương Tín. Quả đạn đã giết được người và chỉ giết một người trong cái đám đông hốt hoảng chạy tìm đời sống và đất sống. Con người xấu số đó là nhà văn Chu Tử.

Định mệnh nào tai ác đã thù hằn theo đuổi để hại cho bằng được con người khốn khổ tài hoa ấy, trong quãng giờ khắc điêu linh bất hạnh ấy của quê hương, và bằng cung cách gớm ghê thảm khốc dành cho một hình hài yếu đuối như hình hài Chu Tử, trưa ngày 30 tháng Tư, 1975 – khi ông buồn bã đứng dựa thành tàu, nhìn Saigon lần cuối, nhìn quê hương lần cuốỉ...

Chu Tử bị bắn một lần hồi tháng Tư, 1966 ngay trước nhà trong con hẻm trường Hoài An, Phú Nhuận - vỡ một mảnh hàm - nhưng ông sống sót và hồi phục chóng vánh kỳ diệu trong thương yêu phẫn nộ của công luận. Viên đạn oan khiên nghiệp chướng ngày 30 tháng Tư 75 cũng đã thổi bay hàm dưới và là viên đạn chí tử, dứt điểm mà định mệnh đã dành cho đời Chu Tử.

Tôi như nhìn thấy ông nằm ngay trước mặt, đau đớn, quằn quại trên vũng máu và kêu rên, và gọi tên thống thiết đứa con gái thương yêu Chu Vị Thủy đã cùng mẹ, cùng em và chồng con ở lại... Tôi như nghe được cả tiếng ông giục Sơn dốc trọn ống thuốc ngủ cho ông nuốt chửng để khỏi kéo dài cơn thảm thiết. Chu Tử đã chào thua định mệnh, chết dữ dằn và phải chết trầm hà. Số mệnh tham lam đã bắt ông phải trả cả vốn lẫn lời quá nặng.

Tôi đã vô cùng gần gụi và có quá nhiều kỷ niệm với nhà văn Chu Tử. Đầu năm 64, tờ Ngày Nay của ông Hiếu Chân bị đóng cửa, tôi đã rời Ngày Nay, theo ông trong cái ê-kíp đầu tiên viết mướn cho cho những vị chủ báo, có vị không bao giờ viết báo. Từ tờ Tương Lai, Tiền Tiến của “vua thầu khoán” Đỗ Cường Duy. Rồi tờ Thân Dân của cụ Nguyễn Thế Truyền, Tranh Đấu của ông “vua đái đường” Ngô Đức Mão, Bến Nghé của “vua bóng bàn” Đinh Văn Ngọc... cho đến khi Chu Tử xin được măng-sét ra riêng tờ Sống, đứng tên Chủ nhiệm, tất cả kéo nhau về tòa soạn cũ trên đường Hồ Xuân Hương.

Cái “ê-kíp Chu Tử” đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn có vài người. Ngồi thường trực trong tòa soạn có Hoàng Anh Tuấn, Trọng Tấu, Đằng Giao và tôi. Vợ chồng Trần Dạ Từ – Nhã Ca và Tú Kếu mỗi đêm đến làm tin, dịch tin. Duyên Anh phụ trách trang thiếu nhi. Vũ Dzũng, Đỗ Quý Toàn trang Thanh niên, Sinh viên. Nguyễn Ang Ca ký giả thể thao, kịch trường. Võ Hà Anh phóng viên chạy ngoài. “Cô” Kim Chi Hoàng Anh Tuấn lo giải đáp tâm tình và tử vi đẩu số! Anh Hợp, Nguyễn Thụy Long, Tuấn Huy, Nguyễn Đức Nam, Lương Quân, Tiền Phong Từ Khánh Phụng viết tiểu thuyết trang trong, lâu lâu mới ghé một lần đưa bài và lấy tiền nhuận bút. Nhân vật “ngoại hạng” phải kể là “chí sĩ” Minh Vồ đặc trách mua bông giấy và ngoại giao với phòng Kiểm duyệt bộ Thông Tin, xin lại giấy phép mỗi khi bị chính quyền đóng cửa...

Tôi đã gần gụi ông Chu Tử trong cả trong đời sống bên ngoài tòa báo, can dự vào nhiều biến cố của gia đình ông như một thành phần ruột thịt. Ông cũng coi tôi như ruột thịt của gia đình và dành cho tôi một tin cậy, mến thương sâu đậm. Tôi đã chứng kiến ông hoan lạc, bi thương, vui, buồn, hờn giận... Chứng kiến một Chu Tử hồn nhiên đúng như Nguyễn Mạnh Côn nhận xét, “Một tâm hồn đứa trẻ trong thể xác ông già”. Nhưng có lẽ tôi thấy đời ông thống khổ nhiều hơn hạnh phúc. Thể xác ông phải chịu những đớn đau nhiều và quá độ đối với hình hài yếu mảnh nhưng mạnh mẽ tinh thần phấn đấu. Như chứng kiến lần Minh Vồ chở ông sau chiếc vespa, bị taxi đụng gẫy chân để Chu Tử phải chống nạng và có bút hiệu Kha Trấn Ác trong mục “Ao Thả Vịt”. Lần ông bị bắn bốn viên đạn, phải đóng đinh trong hàm để giữ bộ răng giả, tay run lật bật khó khăn cầm bút và mất ngủ đến rên la kêu trời réo đất hàng đêm...

Nhưng tất cả những đau đớn thể xác ấy gom lại cũng không bằng cái đau thương thống khổ của ông ngày Chu Trọng Ly, đứa con trai út ông đặt lòng thương quý đã hủy mình bằng viên đạn carbine nổ vào đầu năm 14 tuổi. Nhà thơ Hà Thượng Nhân, dịch giả Phan Huy Chiêm và tôi đã ở bên ông, trong căn phòng cho mượn của ông thẩm phán Phạm Hải Hồ đằng sau khu chợ Bà Chiểu, mủi lòng, bối rối, cảm thương, cực cùng xúc động trước cơn vật vã và tiếng khóc thê lương của người cha cô khổ.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Hơn ba mươi ngày 30 tháng Tư đánh dấu Việt Nam quốc hận. Hơn ba mươi năm ngậm ngùi tưởng niệm Chu Tử chết cùng vận nước. Tôi day dứt nhớ và tiếc nhiều điều chưa trọn vẹn cùng ông. Chu Tử sống mang biết bao nhiêu ngộ nhận và ân oán. Một con người có văn tài và khí phách, sống giữa đám đông mà lúc nào cũng cô đơn thê thảm, cũng muốn bung phá và nổi loạn vì cái đớn hèn khiếp nhược ở chung quanh... Tôi nghĩ, thôi thà Chu Tử chết trầm hà như thế là yên phận.

Người như ông, đem thân lưu lạc mà nhìn thấy đám nhân loại nhơ bẩn quá nhiều, lừa dối, gian manh, đê tiện quá nhiều, sẽ héo hon, cô đơn thê thảm gấp trăm lần cái cô đơn thê thảm ngày xưa trên đất nước...

Nguồn: https://hopluu.net/a484/30-thang-4-tuong-nho-nha-van-chu-tu