Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

CÂU CHUYỆN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ (4): “TÔI ĐÃ TRỞ LẠI TỆ HẠI HƠN XƯA”

Nguyễn Đức Dương

Bài này tôi đã định viết ngay từ khi cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” mắt mắt khoảng vài tuần. Nhưng cứ đắn đo mãi chưa dám hạ bút. Do ngại bị chê là hủ lậu.

Nhưng rồi suy đi tính lại, tôi cảm thấy dẫu sao vẫn cần lên tiếng. Ít ra là để thoát khỏi nỗi ám ảnh không chịu buông tha tâm trí bới câu hỏi: Sao người lớn chúng ta không khích lệ con trẻ nắm chắc và thuộc nằm lòng các thành ngữ-tỉ dụ (“đẹp như tiên”, “câm như thóc”, mềm như bún, v.v.) cùng các câu tục ngữ đích thực (vốn vừa ý vị hơn, vừa đậm chất giáo huấn hơn gấp bội, nhờ được rút ra từ pho tập đại thành các tri thức, các kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đạo đức được ông cha ta chắt lọc từ thực tiễn qua bao đời nhằm truyền lại cho các thế hệ mai sau. Mà lại bỏ ra bao tiền của lẫn công sức cùng thì giờ để thu gom và minh hoạ cho những “thành ngữ” chả mấy “đặc sắc” và chả mấy giá trị kiểu như “Chán như con gián”, “Phê như con tê tê”?

Tôi chưa rõ các bạn trẻ từng gật gù với “Sát thủ đầu mưng mủ” hay từng vỗ đùi tâm đắc với “Phê như con tê tê” cảm nhận ra sao về mấy cuốn sưu tập đã nêu và có bao giờ tự hỏi xem: Liệu có đáng bỏ công bỏ của ra để thu gom và minh hoạ cho các “thành ngữ” / ”tục ngữ” “sành điệu” loại ấy?

Ai trả lời ra sao tôi chưa rõ, chứ riêng tôi, tôi xin nói thẳng chả chút e dè: “CHẢ ĐÁNG!”

Vì sao thế?

Xin thưa: vì mấy lí do sắp nêu sau.

Thứ nhất, hai cuốn sưu tập vừa nhắc cho thấy các soạn giả chả thèm phân rõ đâu là “thành ngữ” (như phê như con tê tê, chán như con gián, v.v., chẳng hạn) và đâu là “tục ngữ” (như Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏLớn phải có lông nách; sống phải có tư cách, v.v.), một sự phân biệt có thể giúp ích rất nhiều cho con trẻ trong việc nhận biết bản chất của các biểu thức kiểu này. Lí do vừa nói đó rõ ràng là một sơ suất khó được tha thứ. Ít ra đối với cái công chúng nhỏ tuổi mà họ nhằm phục vụ: những tờ giấy trắng, chưa hề hoen một tì vết nào.

Thứ hai (và sơ suất này có lẽ còn khó được bỏ qua hơn!), hầu hết các biểu thức ngôn từ [linguistic expression] được họ coi là “thành ngữ” và được gom góp trong hai tập sách đều là những biểu thức hoàn toàn rỗng nghĩa (chả hề mang lại cho người đọc một nội dung nào). Bất chấp một yêu cầu bình thường mà mọi loại hoạt động giao tiếp đều phải đáp ứng: mọi lời nói ra, dù ngắn đến đâu, cũng đều phải có ý nghĩa!

Nói cách khác, giữa vế trước của các “thành ngữ” như “đau khổ như con hổ”, “phê như con tê ”, “chán như con gián” là (đau khổ, phê, v.v.) và vế đi sau chữ “như” (hổ, tê tê, v.v.), người đọc chả hề tìm thấy một mối liên quan nào, dù là về nghĩa hoặc logich.

Điều đó khiến các đơn vị được gọi là “thành ngữ” đang bàn khác xa một trời một vực với mọi thành ngữ-tỉ dụ đích thực do cộng đồng người Việt tạo nên trong lời ăn tiếng nói thường ngày, chẳng hạn, đỏ như gấc, xanh như tàu lá, đen như củ tam thất, ngọt như mía lùi, vắng như chùa bà Đanh, rối như tơ vò, chắc như đinh đóng cột, tối như bưng, ướt như chuột lột, khô như ngói, bẩn như ma lem, lạnh như l… ma, v.v. và v.v., vốn có mối liên quan về nghĩa và / hoặc logich rõ rệt và nghiêm ngặt, và luôn được biểu tỏ hết sức đậm nét (đỏ với màu của quả gấc chín, xanh với màu của tàu lá khi đang tươi, ngọt với vị của khúc mía được nướng chín già trong tro than, lạnh với trạng thái nhiệt độ cực thấp của bộ sinh dục ngoài của giống ma, v.v..

Sự khác biệt vừa nói khiến các “thành ngữ” do các soạn giả tự tạo và thu gom chắc phải còn lâu nữa mới có cơ theo kịp các thành ngữ-tỉ dụ đích thực quen vẫn được chúng ta sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Thứ ba, thông thường, muốn vượt được cái cũ, cái mới ít ra phải bỏ xa cái cũ về nhiều mặt. Đằng này cái mới chúng ta đang bàn lại thua kém cái cũ mọi đường.

Cho nên, tôi thành thực nghĩ rằng công sức mà các soạn giả bỏ ra (dù là để giải trí) e dễ trở thành công cốc! Thậm chí có nhà nghiên cứu lâu năm tôi quen còn cho là có hại nữa. Do trong một vài trường hợp, tác giả tạo ra chúng đã thản nhiên đặt một dấu bằng to tướng, chẳng hạn, giữa “lông nách”,– thứ phương tiện bẩm sinh được cơ thể con người dùng để điều hoà thân nhiệt,– và “ cách”,– cái lâu nay vẫn được mọi người coi là một trong những đặc trưng hệ trọng góp phần làm nên phẩm chất đạo đức của mỗi người, như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) từng định nghĩa.

Tôi xin tạm dừng bút ở đây. Trước khi hết lời, tôi chỉ muốn mượn lại cái nhan đề phụ của tập sách “Tôi đã trở lại lợi hại như xưa” để kết thúc bài viết (sau khi đánh bạo thay đi hai chữ):

Tôi đã trở lại tệ hại hơn xưa.