Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết

Lê Minh Hà

15.

Khi cháy hết đời mình, nến sẽ lịm dần, và từ đó, một tia khói vươn lên. Thoảng một mùi hương, rất nhẹ, rất lành hiền. Tựa hồ quên lãng.

Có những cuộc đời như thế.

Có một cuộc đời như thế.

*

Ngân biết tên ông từ lâu, như một người tham dự, như một người làm chứng, làm chứng cho một thời kỳ, làm chứng cho một lớp người con Việt, ở một xứ sở đã để lại cho chúng ta hôm nay dấu ấn không thể tàn phai, về máu, về nước mắt, về một cách gào thét, thở than. Bản thân ông và đồng chí của ông, trong một nghĩa nào đó, cũng chính là lịch sử.

Ngân quen ông chưa lâu. Số phận đã chọn ông thành người phù trợ cho Ngân, trong một khoảng đời cay đắng. Điều ông và Ngân mong muốn rút cục không thành. Nhưng Ngân không quên tấm lòng ông, ngây thơ, bao dung và nhẫn nại vô cùng tận trước đời sống này.

Ngân gặp ông chỉ một lần. Thời gian chỉ đủ cho Ngân nói đôi lời hỏi thăm sức khoẻ của ông và kể về chuyến đi thăm chồng cập rập của mình. Nhưng đủ để Ngân giữ mãi trong lòng nỗi bùi ngùi trong buổi sáng Paris ấy.

Sự sống dường như chỉ còn là một mạch nước sắp kiệt ở ông. Làn da nhăn nheo, trắng bợt, giọng nói yếu, nụ cười mong manh, đôi bàn tay đầy gân vịn trên thành ghế. Đấy là ông. Ông ngồi đối mặt với bức sơn dầu ngồn ngộn hai khối tròn nóng ấm và tươi sáng mà chính ông đã vẽ. Bức tranh thu toàn bộ sự sống trong nhà. Còn lại: chỉ là ông và bụi nắng.

Căn hộ của ông ở Paris giống như một cái bến mà đồng hương từ Việt Nam qua hay tấp thuyền vào. Đã bao nhiêu người ngày ngày vào ra nơi đó. Đã bao nhiêu người ngày ngày đi qua ông để tới với cuộc đời hăm hở ngoài kia. Có phút nào, có ai nghĩ đến ông lão đang leo lét sống và đợi. Có ai, một lần ngồi lại, nói với ông về Tổ Quốc ông yêu? Có ai, một lần hỏi ông về cuộc đời ông? Có ai biết vì sao ông lại quyến luyến con người đến thế?

Đâu phải vì cô đơn.

Đã hơn một lần Ngân tưởng ra rằng ông và đồng chí của ông là người chiến thắng trong cuộc đấu tranh thuở ấy. Nếu thế thì những bài lịch sử mà bọn Ngân đã học phải ra sao? Những bài ca cho tuổi măng non ngày ấy sẽ ra sao? Và cách xưng hô của một thời đã ra sao, nếu không phải là “chúng ta, đồng chí?”. Và liệu có không nỗi ngày Bắc đêm Nam? Liệu có không máu thịt Việt Nam rải khắp những cánh rừng già bên mưa bên nắng?

Tất cả chỉ là giả định. Có cái gì thật vô vọng trong cuộc chiến đấu mà ông đeo đuổi cho tới lúc tàn hơi. Ngân không nghĩ mình sẽ bị thuyết phục bởi lý tưởng của ông. Lớn lên nơi ấy vào thời buổi ấy, nơi những gam màu nóng sáng chỉ hội trong bóng cờ và khẩu hiệu tưng bừng, Ngân đã tự miễn dịch được rồi trước những lời kêu gọi, sau những tin yêu rồi choáng váng hoài nghi. Nhưng gặp ông, thỉnh thoảng nghe tiếng ông qua điện thoại, Ngân lại ngạc nhiên thấy mình xúc động. Có cái gì vừa bất khuất vừa bi thảm trong toàn bộ cách thế sống của những con người ấy.

Ngân biết mình không mê văn chương của ông. Ngôn ngữ ông dùng trong văn chương giống như là di tích vậy. Nhưng chính điều đó làm Ngân cảm động. Ông đã giữ cho mình bao nhiêu năm ròng tiếng Việt ấy của làng quê nghèo ấy ở thời buổi ấy. Bao nhiêu năm rồi? Ông kể cho Ngân về sáu mươi năm thương nhớ quê nhà. Về nỗi đau không bao giờ gặp lại người ruột thịt. Và ông khóc. Tiếng khóc vọng từ đầu kia đường dây điện thoại, xuyên qua không gian đầy cảm biến tới Ngân chỉ còn là khúc điệu nghẹn ngào của những khoảng ngừng chết chóc. Hình ảnh người trai nhà quê Việt Nam mấy mươi năm về trước lủi thủi lê chổi đi về giữa những tinh sương Paris trắng rợn, lòng bỏng rẫy một nỗi quê nhà có khác gì đâu hình ảnh mà bọn Ngân suốt một tuổi học trò đã tưởng là duy nhất.

Khác chăng, ông phải mượn quê người để ký thác cả cuộc đời đã sống cho quê hương.

*

Nhiều năm ròng sống cho một quê nhà chưa bao giờ được một lần nhìn lại là bi kịch của bao nhiêu con dân Việt đã tự vãi mình ra trên thế giới này? Ngân kinh ngạc vì tưởng tượng của ông về quê hương: một gốc đa đầu làng, (đã hẳn), những người đàn bà xắn váy quai cồng gồng gồng gánh gánh, những hàm răng đen hồn hậu, bầy trẻ nghèo mới tí tuổi đầu đã phải xốc vác nuôi thân, và những con đường làng lầy lội, những mái tranh đã ải, nắng trên sông xa, sương khói buồn buồn. Hình dung của ông vừa cũ kỹ vừa sát thực. Chẳng phải những cảnh đời đau khổ thuở ấy vẫn còn nguyên đó hay sao? Có khác gì đâu một đôi mắt đói, dẫu ở đâu và trong thời nào. Ông không biết những hồi ức của ông làm Ngân đau khổ. Không phải vì cảm thương cho ông. Ông đâu cần điều đó và Ngân đâu dám. Nhưng nỗi đau khổ là có thật. Khủng khiếp xiết bao khi đột nhiên nhận ra rằng tám mươi năm đời ông không phải là sự kết nối những ngày sống và những cùng cực mà người ta vẫn tưởng chép miệng một cái là xong, vì rút cục thì đã đi qua, dù sao cũng phải đi qua. Gần một thế kỉ ấy là trùng trùng đau khổ của mấy thế hệ Việt Nam, trong đó có thế hệ Ngân. Một lần nhìn lại đủ để Ngân kinh sợ, khi tưởng ra rằng đó có thể vẫn là số kiếp của thế hệ con mình.

“Tại sao anh không về?”

“Đâu có được về hả em. Người ta...!”.

Ông trả lời sau hồi lâu im lặng.

Tại sao?

Tại sao?

Ngân muốn gào lên chỉ một câu hỏi ấy. Ngân không thể gào lên câu hỏi ấy. Tại sao? Tổ Quốc đã chẳng độc lập hơn nửa thế kỷ rồi đó sao? Tổ Quốc đã chẳng thống nhất một phần tư thế kỷ rồi đó sao? Không Tổ Quốc nào cấm cửa con mình. Một người con như ông, Tổ Quốc nào không thương quý.

Tại sao?

Tại sao?

“Mấy năm trước họ bảo anh là có thể về. Nhưng già yếu quá rồi, đường xa...”. Tiếng ông khẽ khàng qua đường dây điện thoại.

“Người ta...Họ...”.

Giọng ông bình thản quá. Còn có bao người như ông?

*

Ông nội của Ngân nằm lại ở môt góc rừng Việt Bắc. Khi toàn quốc kháng chiến, ông dặn bà đưa bốn con dại về quê nương tựa họ hàng. Bố, đang thảnh thơi đi học, phải sáng sáng cắp sách vở cùng thúng xôi lang thang các phố, thay cha giúp mẹ nuôi em. Còn ông, quần nâu túm ống, hì hục khuân vác máy móc đưa lên Việt Bắc. Bố kể buổi gió và nắng lạnh, bố cắp thúng xôi còn lưng lưng qua đó ngóng, gặp ông trong đoàn quân đang tập hợp chuẩn bị ra đi. Niềm tự hào làm cổ cậu bé học trò mười hai tuổi nghẹn lại không gọi người cha thành tiếng được. Ông nhìn thấy bố, rời hàng quân chạy qua phố, đỡ thúng xôi đặt xuống vỉa hè, vét đưa anh em mỗi người một gói, rồi lần túi đưa nốt cho con mấy đồng bạc lẻ, nắn hai bả vai gầy của đứa con còn chưa vỡ giọng, dặn nói với mẹ đưa em về quê ngay. Rồi ông đi. Không bao giờ về lại. Chưa bao giờ Ngân thấu hết những âm vang trong tiếng gọi đã giục ông đi ngày ấy, dẫu vợ yếu và con dại còn vướng lại giữa thành phố sắp bỏ ngỏ. Người vệ quốc trong đoàn quân chân đất quần nâu đó khi còn làm lính thợ đã một lần tưởng phải xuống tàu, qua Pháp. Nếu ông đi? Thì biết đâu ông chẳng đã sống một cuộc đời tranh đấu âm thầm và quyết liệt như người lính thợ năm xưa, người cộng sản không hợp thời vừa gửi vào gió Paris hơi thở chót. Rất nhiều năm sau này, rời nơi sơ tán trở lại trường xưa, bao nhiêu chiều Ngân đã cắp sách đi lại con đường xưa của bố và ông, bao nhiêu chiều Ngân đã dừng lại ở cổng nhà máy ấy, cúi nhìn những tấm đá xanh vạm vỡ bóng lên như nước ở quãng phố ấy, cố gắng tưởng tượng người ông chưa bao giờ biết mặt phong phanh trong bộ áo quần nâu, cố gắng tưởng tượng Hà Nội mùa đông xưa rạo rực bước chân âm thầm quyết liệt của những người dân một niềm quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Ông mất, không bao giờ tìm thấy mộ. Ngày Cải cách ruộng đất, cả nhà dân Hà Nội tản cư không ruộng không vườn nhưng vẫn lao đao vì lời vu dữ, rằng ông đi lính cho Pháp, rằng ông là việt gian bị ám sát ở thành. Bà, gồng tấm thân gầy yếu cho đàn con đang vừa phẫn uất vừa hoang mang hãi hùng nương vào, nhất quyết đòi lại cho chồng một lời chứng đã chết vì Tổ Quốc. Lời chứng ấy, bao nhiêu năm sau mới tới với cả nhà, qua tấm bằng Tổ Quốc ghi công, mà trong đó tên ông bị viết sai. Bà, rằm tháng bảy, thở một hơi dài: “Không sao cả. Nếu chỉ cầu sống, ông đã không đi kháng chiến. Vậy có sống lại, chắc ông cũng chả đòi gì. Chỉ tội cho ông, chết chả biết ngày nào mà làm giỗ giờ phải về cùng ma đói”. Rồi bà khóc. Rằm tháng bảy năm nào cũng khóc. Suốt nửa thế kỷ. Từ thuở ngoài ba mươi. Cho tới ngày xuôi tay.

Ngân tin lời bà. Nhưng Ngân đã bao lần tự hỏi ông đã nghĩ gì khi ông bị thương nặng rồi nằm lại vĩnh viễn ở góc rừng ấy, ở tuổi bốn mươi, như chồng Ngân bây giờ. Ông có nhớ một thành phố mà ở đó ông đã lớn lên, đã lấy vợ sinh con, đã sống một kiếp âm thầm nhưng bình an cùng với nó và đã đột nhiên hiểu ra rằng nó có thể thuộc về mình? Ông có nhớ chăng buổi lên đường theo tiếng gọi của sông núi? Ông có nghĩ tới một làng quê đang bao bọc và rẫy bỏ vợ con mình? Ông có nghĩ tới một cuộc sống khác ông mong mỏi cho con mình? Và ông có biết...

Và ông lão vừa khuất bóng ở Paris? Với ông, cái gì là hình ảnh cuối về cuộc đời đã qua hiện lại trong trí phút tàn hơi? Những năm dài sống âm thầm ở Paris sau những buổi dấn thân? Hay những ngày trẻ trai tranh đấu? Gương mặt đồng chí một đời? Vợ và con? Con đường xưa về làng xưa và mờ nhân ảnh bao người ruột thịt đã chết đói nửa thế kỉ trước mà ông đã từng khóc với Ngân là ông rất khó hình dung lại?

Ngân đã nhắc mình đừng nhớ nữa, đừng nhớ nỗi bùi ngùi ấy nữa. Nhưng không thể. Không thể nào xóa nổi hình ảnh ông lão đồng hương ngồi trong bóng sáng Paris, giữa căn hộ ở tít cao một ngôi nhà lớn. Không thể xóa nổi hình dung dấu bàn tay đứa con hai tuổi của Ngân để lại trên lớp bụi quanh ông lúc lẫm chẫm bước trong phòng. Ông đã ngồi như thế bao lâu rồi, đã cô độc cùng trí nhớ của mình, dẫu có bao người lao xao vào ra nơi đó. Mỗi bình minh. Mỗi ban trưa. Mỗi hoàng hôn. Mỗi đêm dài khó ngủ. Ngôi nhà chon von như một ngọn núi mà ông không thể nào tự lần xuống được nữa để đến với ngoài kia hừng hực vô tư lự Paris. Đêm. Núi. Mưa. Nỗi sầu cố quốc. Bao nhiêu lần ông đã sống cảm giác ấy trong cuộc đời dằng dặc biến cố của mình?

“Vẫn biết chết rồi là hết chuyện - Chín châu chỉ tiếc chửa sum vầy - Ngày nào thu lại miền trung thổ - Cúng bố đừng quên khấn bố hay...”(*)

Có một nỗi sầu như thế rầm rì vọng lại từ xưa, xưa lắm, xa, xa lắm. Vì Tổ Quốc không còn. Hiểu được! Ông, thế kỷ này, cũng một niềm xứ sở. Biết khấn ông như thế nào, nếu có thể thắp cho ông một nén hương? Ngân chạnh lòng. Tàn tro một nắm...

Vẫn biết chết rồi là hết chuyện! Mà sao...

Cũng đừng mãi băn khoăn về sứ mệnh đời này

Trong nắng chiều lãng đãng:

Sông thu trôi

*

Hãy ủ những chiếc lá vàng

Dấu im trong miền ký ức

Nếu có một mùa xa vắng

Nhớ cho: độ ấy, ta yêu

*

Có những ngày chưa bao giờ xa

Mùa nở thầm theo hoa

16.

Vẫn biết chết rồi là hết chuyện. Mà sao...

Mà sao thế nọ, mà sao thế kia. Chao ôi, sao người ta cứ luôn khốn khổ vì những câu hỏi vòng quanh cuộc đời như thế. Sao người ta lại cực nhọc mãi vì băn khoăn thương nhớ những cuộc đời có quen và không quen.

Như buổi chiều nào hồi theo chồng đi công tác xa, đang hối hả nhặt nhạnh đồ trong siêu thị vứt vào xe đẩy cho kịp giờ đóng cửa, chợt bâng khuâng dừng bước bên cái ngăn đầy có ngọn toàn những vải là vải. Những quả vải tròn nhỏ nhỏ, giống hệt vải thiều. Người đàn bà biết, chẳng làm gì ra có vải thiều ở chốn này. Chẳng có vị ngọt chua đầy dụ dỗ ấy đâu, chẳng có hạt điếc đâu. Toàn những hạt to muốn lộn nhào ra khỏi vỏ và vị thì đôi lúc gắt lên như sắp sửa thành men. Nhưng mà những quả vải nhập từ xứ xa nào chẳng biết bán đầy ở đây lại làm lòng người đàn bà cồn cào cơn đói nhớ. Nhớ người đàn bà trẻ trẻ mặt mũi hốc hác, môi nở nụ cười vừa mời mọc vừa ngơ ngác ngồi nép bên đống vải đổ sát chân tường cơ quan nọ buổi trưa nào, giữa những người đàn bà thành phố vừa dựng xe máy sà xuống mồm năm miệng mười nếm và mặc cả. Họ, và những người đàn ông trong bộ quân phục cũ đứng bên những cái xe thồ đầy ắp su hào bắp cải mỗi chiều đông Hà Nội bao giờ cũng làm cho lòng dạ người đàn bà nao nao, đến nỗi không thể nào thật tình mặc cả. Đằng sau những bộ áo quần tàu tàu ấy, đằng sau những gương mặt toàn những nét vạc xuống làm cho nụ cười vừa chân tình hơn vừa tội nghiệp hơn kia có những gì? Những năm tháng như thế nào đã in dấu lên gương mặt họ? Ngân biết, chưa chắc họ đã vất vả hơn mình, và cái chính là chưa chắc họ đã thấy rằng họ khổ như mình cứ mải thương vơ cho ra vẻ người chung cảnh. Mà nói chưa chắc làm gì, chính là thế đấy, mình với họ xa lạ biết bao.

*

Thế nhưng Ngân vẫn tiếp tục đi chợ mua rau không mặc cả dù có lúc đồng tiền phân bạc kiếm ra bồng bềnh trên tay được dăm ba hôm đã biến đi đâu tiệt cả, vẫn cứ có cảm giác như giữa mình với họ từ đời thuở nào đã ruột rà một kiếp rạ rơm, vẫn đau đớn những nỗi niềm không thể khóc. Đến bây giờ Ngân vẫn không thể nào nhớ thực ra bài báo về những người lính ấy có đăng tấm ảnh nào không, nhưng mà Ngân cứ có cảm giác mình đã nhìn thấy họ ngồi cóm róm và ngơ ngác giữa sân dinh Độc Lập, hai mươi mấy năm sau ngày chiến thắng, vào lúc người hướng dẫn du lịch đang cao giọng cho đám đông nghe về chiến công của chính họ trong ngày chiến thắng cuối cùng. Không ai quan tâm tới mấy người lính cũ mới được vời ra từ lịch sử có thật đã cố tình bị lãng quên, không ai biết mấy ông nhà quê mới được rước từ đáy cái làng nghèo nào ở miền Bắc vào kia là ai và họ đang bồi hồi, đang luống cuống, đang ao ước những gì giữa thành phố Sài Gòn ngày kỉ niệm một phần tư thế kỉ chiến thắng. Chính cái xe tăng họ ngồi trên đã húc sập cả cổng dinh Độc Lập, gần như cái cảnh mà mấy chục năm qua người ta đã thấy, năm nào cũng thấy, trên ảnh, trên phim, vào tháng tư tháng năm này. Thế chăng? Lịch sử? Lịch sử không diễn ra mà là được làm ra, có thể nhuộm đi nhuộm lại và cũng có thể tẩy xóa. Chẳng khó gì vào thời buổi mỗi ngày sống của con người là một trang sử mà tựu trung vẫn thiếu vắng người chép sử này. Thế cho nên Ngân không thích tin vào những dòng sử viết. Ngân không quên được nỗi hoang mang tuổi lên mười khi tìm ngược tìm xuôi trong sách giáo khoa lịch sử của mình vẫn không thấy một dòng về những quốc gia đã tiêu vong để làm nên Tổ Quốc bây giờ, những điều mà Ngân đã đọc được từ hồi bé tí năm sáu tuổi, trong một cuốn sách Bình dân học vụ của ông Lẫm bố chị Thục, được ông xếp rất cẩn thận trên bàn thờ ngày nào. Đâu Chiêm Thành? Đâu Phù Nam Chân Lạp? Tâm hồn trẻ thơ cứ như một cánh cửa sẵn lòng để gió xô, cứ buộc Ngân day dứt mãi: Đâu là sự thật? Sự thật có thể có nhiều gương mặt được không?

*

Khoảng thời gian xa đi ấy thật cần thiết và cũng thật nặng nề. Ngân nhớ những người bạn cũ và kinh ngạc khi bạn bè hiện lên trong một tầm vóc mới, dưới một luồng sáng mới. Cũng vẫn là cảm giác ấy, khi Ngân để rung lên trong trí một dòng thơ, một âm giai tha thiết tuổi nào. “Hỡi Paco ơi dòng sông mênh mông đôi bờ xanh biêng biếc nước chảy xiết sâu thẳm... Qua tháng ngày hỡi sông ơi có biết anh lái đò tên gọi A Sanh... A Sanh ơi ngày đêm anh lái đò trên sông... Đò anh đưa bao người đi đánh Mỹ bao năm ròng chiến công anh thầm lặng...”. Phải, ví như câu hát này, ví như câu chuyện về người anh hùng này. Hay là cả câu hát rộn rã suốt tuổi nhỏ của Ngân này nữa: “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa... Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua bồng con ra võng để đò đưa giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa ... Cách mạng cần...”. Những bà mẹ không tên bồng con ra võng ngày năm ấy Ngân đã nhìn thấy, trên ti vi, mặt mũi nhăn nheo, miệng móm, váy áo xốc xếch quay lưng lại ống kính đi vào túp lều nát. Và người anh hùng A Sanh, tên vang vang trong bao nhiêu chương trình ca nhạc phát đi khắp nước đấy mà cũng thành vô danh suốt một phần tư thế kỉ chiến thắng, đã chẳng được nhớ ra, đã quên gần hết tuổi trẻ của mình, quên cả tiếng phổ thông, chỉ vì nghèo đói quá, cơ cực quá, ngồi cóm róm ngơ ngác trong bức ảnh đăng trên báo. Những hình bóng thiểu não ấy bao giờ cũng làm hiện lại trong trí Ngân những hình bóng khác mà Ngân đã gặp trong tuổi bé bỏng của mình, một chiều bố mẹ gấp rút đưa đi sơ tán. Họ hành quân dọc theo đường quốc lộ, dáng lao về phía trước, chân đạp trên rơm rạ ngày mùa, trẻ, khoẻ, ba lô và quân phục mới toanh. Một chú bộ đội nhấc mũ khỏi đầu vẫy vẫy Ngân lúc con bé quay đầu nhìn lại. Y hệt một bức ảnh in đi in lại trên Văn nghệ quân đội mà Ngân rất thích nhìn thời ấy. Nhiều năm sau, mỗi lần gặp lại bức ảnh đó, người đàn bà - trẻ con lại thấy tim mình chững nhịp. Những người lính ấy còn sống hay đã chết từ hồi ấy? Họ ở đâu bây giờ? Ý nghĩ thực nào đã ngổn ngang lòng họ dọc đường ra trận?

Chắc hẳn nhiều lắm niềm vui mà ngọn gió thời đại đã thổi lộng hồn người ngày đó, lộng suốt thiếu thời Ngân. Nhưng chắc hẳn còn có những niềm tâm cảm khác. Ngân nhớ chú Trong hàng xóm nhà ở sát bên vườn nhà chị Thục ở cái làng nhỏ Ngân đã theo bà về sơ tán lần thứ hai, năm bảy mốt bảy hai. Chú lành như bóng sung dập dờn bên bến nước, nơi bọn Ngân thích lặn xuống mò trai. Những con trai nứa nhỏ mình mà lắm thịt, những con trai vông xốp xáp thịt ít nước nhiều dai ngoách tụ dưới bóng sung sao mà nhiều thế, ngày nào đi tắm lặn xuống quờ chân cũng nhặt được dăm con, mấy chị em dồn lại là đủ cho bà làm bữa canh chiều. Chú Trong học giỏi nhất làng, nhưng thi ngược thi xuôi chả được vào đại học. Làm sao mà vào được khi chú có một ông bố địa chủ từng sở hữu những năm mẫu đất và cả một cái nhà gỗ năm gian, lại còn dám tự tử khi bị đấu tố. Cái thời đó Ngân chỉ có thể mường tượng qua những câu chuyện của các bà hàng xóm vẫn sang chia cho bà ít lá trầu không, dúm thuốc lào và nhân thể xin mấy mảnh hạt cau khô hay miếng vỏ quạch khi chưa tới phiên chợ. Bà bảo bà chỉ bắt đầu tập ăn trầu vào chính cái đận ấy, khi bố chú Trong tự tử và làng nước bùng lên câu chuyện ông nội làm việt gian bị ta trừng trị. Khẩu trầu đủ cau đủ thuốc đủ giầu không làm bà say chẳng khác đàn ông say rượu, giúp bà nguôi đi chốc lát những nông nỗi bấn loạn trong lòng. Cái mùi trầu nhai đã giập thơm rất ấm lẫn mùi khai khai bốc ra từ các bà hàng xóm có thói quen vén ống quần xả xoè xoè vào nồi nước giải để đầu ngõ hay cạnh chuồng lợn ám ảnh suốt tuổi bé của Ngân, làm cho những câu chuyện xưa đọng bám chặt hơn trong ký ức, dù Ngân chưa từng trải chúng bao giờ.

Chú Trong không được đi đại học là lẽ dĩ nhiên rồi, vì ông bố địa chủ đã đành, mà còn vì Mỹ lại đánh mạnh ra miền Bắc. Nhũng trận bom rơi ở đẩu đâu cũng đủ làm chao đảo cả làng. Ông Thồng nhà cuối ngõ vừa về được mấy năm, đầu lúc nào cũng cạo trọc như cái hồi còn đi cải tạo suốt ngày cúi cúi lệch lệch vì cái bắp cày, cái bừa hay quang gánh lúc thúc theo sau đít trâu lại bị gọi ra ủy ban và lại phải cắp quần cắp áo ra đi. Lúc ông đi, cái đầu trọc tóc đã bạc cả mà chưa kịp húi lại vẫn cúi cúi lệch lệch như thế. Cả ngõ theo ra, chỉ mỗi bà và hai mẹ con chú Trong nhìn thoáng qua vợ con ông rồi quay lưng lầm lũi vào nhà. Sau hôm đó, chú Trong trích ngón tay lấy máu viết đơn xin nhập ngũ. Mẹ chú sang ngồi nhai trầu với bà, mặt lặng như sông mùa nước cạn, mãi mới khẽ khàng: “Nó bảo em rằng thì là mẹ ở nhà có gì nhờ cậy xóm giềng, rằng thì là con đi một xanh cỏ hai đỏ ngực, con sống hay chết thì mẹ với con Xanh ở nhà rằng thì là đằng nào cũng yên hơn. Bác bảo rằng thì là có mẹ nào em nào yên mà sống nổi khi con chết anh chết”. Chú Trong đi một mạch, lên đến trung úy rồi mới chết ngay sau ngày ký hiệp định Paris. Mà lại chết vì bị sét đánh trên đường lần đầu về thăm mẹ từ lúc đi B, cũng chả được tính là liệt sĩ. Chú sống thì hiền mà chết thì trông dữ quá. Cả người đen sạm như gỗ đem xông khói, riêng cái đầu thì trụi thùi lụi nứt mấy đường như quả dưa hồng. Chú chết, cô Xanh nhất quyết không chịu bỏ mẹ đi lấy chồng, mãi đến lúc tuổi heo héo rồi mới lấy chú thương binh miền Nam ở trại gần làng, chỉ vì có thế mới được ở cùng mẹ. Cô đâu biết rồi sẽ có ngày chiến thắng và cô sẽ chẳng còn lý do gì để trụ lại với mẹ già, sẽ phải bồng bế con cái tay mang tay xách mấy thứ đồ nghèo theo về quê chồng tít tận Tây Ninh. Cô đâu biết rồi sẽ có ngày chẳng thể nào cất giọng bắt vào một điệu làn thảm hay bình bán ở vùng đất xa xôi ấy. Cô đâu biết mối tình Nam Bắc của mình sẽ còn được nhắc nhỏm mãi trong làng, sẽ là thương nhớ tuyệt vọng của mẹ trong tuổi già lủi thủi. Cô đâu biết rồi tuổi già của cô cũng sẽ buồn thảm thế, và cô đơn hơn rất nhiều.

*

Tính năm tính tháng thì thực ra Ngân đâu có sống bao lâu cùng những con người có tuổi có tên mà vẫn hoàn toàn vô danh ấy. Nhưng sao Ngân vẫn cảm giác như nửa con người mình thuộc về nơi đó, thuộc về những con người đó. Và nửa mình kia là của cái ngõ nhỏ rối rắm đủ thứ chuyện đời dường như không đáng gì. Chuyện hai cô gái già có chung một tuổi trẻ thanh niên xung phong, sau ngày chiến thắng lại có chung lòng can đảm để cùng không chồng mà chửa được nhà máy chia một phòng, cáu giận nhau cứ vài ba hôm lại kê kích tủ giường để án ngữ cái bụng nhau mỗi lúc khệ nệ cái rổ cái chậu ra ra vào vào nấu nướng. Chuyện hai người đàn bà đi cùng một cái cầu thang bao năm ngọt nhạt thân tình đột nhiên xích mích. Mà cũng lại sau ngày chiến thắng. Không! Lúc đó lại chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước rồi. Người đàn bà trẻ sau mấy lần đi công tác Sài Gòn đã đổi đời, chí ít cũng là đổi trang phục. Áo quần đồng màu lòng tôm mỏng tang, đi một bước là gợi hình dung một bước về tấm thân còn mỡ màng lắm sau bao năm tháng bồ bịch liên miên chờ chồng. Mà bồ ra bồ chứ. Toàn những vị đã thành danh ở cái nơi mà người đàn bà làm việc và được coi là rất được việc. Bà ta sinh con với một trong những người đàn ông ấy, công khai gọi người chồng chính thức mới trở về trong bộ quân phục tàu tàu là ông và sau khi ông ta trở lại với vùng rừng đã gắn bó bao ngày gian khổ thì bà vợ công khai gọi ông bồ là bố cu Tũn nhà em. Cả khu tập thể đã choáng váng khi bà ta lao cả tấm thân màu mỡ vào bà hàng xóm trước nay vẫn chị chị em em, hét vang vang: “Tao đĩ tao đẻ ra thiên tài, còn mày chính chuyên mày sẽ làm mẹ thằng mất xác”. Tưởng như họ sẽ không bao giờ quên nổi cái đêm ngồi chầu mặt nhau sau trận giáp lá cà, chung sức diệt muỗi ở trụ sở công an phường dưới gốc cây đa già. Thế mà buổi chiều kia, dắt cái xe đi ngang qua nhà hàng xóm, thấy bao nhiêu guốc dép để ngoài, khói hương nghi ngút bay suốt hành lang cùng những tiếng nghẹn ngào, người đàn bà trẻ rùng mình. Một năm sau, vào ngày ấy, bà ta sẽ lễ mễ bê một nải chuối to và thẻ hương áp vào người, rụt rè gõ nhè nhẹ vào cánh cửa mở của nhà hàng xóm, nghẹn giọng: “Chị cho em được thắp cho cháu một nén hương”. Hai người đàn bà sẽ đứng nhìn nhau, người đàn bà mẹ liệt sĩ kia sẽ lặng lẽ đẩy cánh cửa rộng hơn cho hàng xóm bước vào, và vẫn lặng lẽ như thế đặt đồ lễ của người đàn bà trẻ lên bàn thờ... Ngân biết mình tại sao mê sử mà không chọn học sử. Lịch sử nào chép những nỗi niềm kia?

Có nhu cầu đứng giữa hào quang

Và nhu cầu ngồi trong bóng tối

*

Nghĩ những bước chân chệnh choạng của mình

Cũng làm con đường mòn thêm chút nữa

Mà thương cho con đường

*

Ông bà di cư

Bố mẹ di tản

Con cháu di dân

Bộ lạc người Kinh.

Chú thích:

* Thơ Lục Du