Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

CÁC “TAI NẠN” VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI (2)

“NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” HAY NỖI BUỒN PHÊ BÌNH VĂN HỌC (2)

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ VỀ CUỐN
NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH

NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ - VŨ QUẦN PHƯƠNG

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là tác giả của nhiều tập trực tiểu thuyết, truyện ngắn... đứng được trong lòng độc giả. Trong thời điểm trao giải cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, Phó trưởng ban Công tác hội viên. Hiện chị là Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới.

P.V. - Thưa chị, là một trong 9 thành viên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, chị có thể cho biết suy nghĩ của mình sau khi dư luận phản ứng cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991?

NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ - Có 2 yếu tố để tôi góp một ý kiến của mình vào việc trao giải thưởng cho Nỗi buồn chiến tranh:

1- Là một người viết, tôi rất mừng và đón đọc những tác phẩm của các cây bút mới xuất hiện và luôn cởi mở trong việc đánh giá họ vì chặng đường văn học của họ còn dài, còn nhiều thử thách. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, một số truyện ngắn và tiểu thuyết của Hồ Anh Thái... là những tác phẩm tôi chú ý.

2- Giải thưởng Hội Nhà văn 1991 trao cho ba tác phẩm là Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã gây được sự chú ý của bạn đọc sau khi trao giải. Ý kiến tranh luận nhiều bởi cả ba cuốn tiểu thuyết đều có nhiều vấn đề phải tranh luận. Riêng Nỗi buồn chiến tranh, sau khi bàn bạc, cân nhắc những ưu điểm và nhược điểm của tiểu thuyết, tôi, với tư cách là một ủy viên Ban Chấp hành cũng đồng ý với nhận định và xếp giải của Ban chung khảo với đa số ý kiến là tiểu thuyết viết về chiến tranh u ám, nặng nề. Tác giả nhìn vào cuộc chiến, nhìn vào số phận những người lính trong chiến tranh bằng con mắt bi quan và không có tương lai.

Thực ra, tôi nghĩ, Bảo Ninh là một người lính, lại mới xuất hiện qua Nỗi buồn chiến tranh nên hy vọng sau đó sẽ viết nhiều và viết khác đi. Còn việc Bảo Ninh phát biểu ở đâu đó, trong hay ngoài nước hoặc ai đó phóng tác vì mục đích gì đó, lại không còn trong sự giới hạn của Nỗi buồn chiến tranh nữa. Và, Bảo Ninh phải tự chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

P.V. - Theo chị, xu hướng của các cây bút trẻ trong thời kỳ nở rộ của văn học hiện nay là gì?

N.T.N.T. - Quả thật văn học đang "được mùa". Qua hàng loạt các cuộc thi của các tạp chí, tờ báo, nhà xuất bản khắp trên cả nước, nhiều tác giả được phát hiện, định hình và tạo ra một lớp trẻ, một thế hệ văn học mới. Điều đó thật sự đáng mừng và cần thiết vì nền văn học luôn phát triển. Đặc biệt là các sáng tác của lớp trẻ đã mang nhiều sắc thái khác nhau của sự tìm tòi và khẳng định phong cách. Các bạn trẻ ấy có may mắn sống trong thời bình, cuộc sống ổn định và có điều kiện tiếp nhận nhiều thông tin của thế giới hiện đại và các bạn mổ xẻ cuộc sống cũng như nhân vật bằng con mắt của thế hệ trẻ đó. Nhưng cũng chính sự bung ra đó đã gây ra tình trạng loạn sách bởi một số người coi việc viết văn quá dễ, quá đơn giản nên họ cứ phóng bút để rồi những gì họ ghi ra giấy chẳng tạo ra tác dụng gì và nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Tôi nghĩ, để thành một nhà văn dù sống ở đâu, ở thời kỳ nào cũng cần phải có tính nhân bản ngoài cái tài năng có sẵn và không ngừng bồi bổ thêm cho mình tri thức văn hóa. Những con người đó sẽ tồn tại mãi cùng với tác phẩm của mình.

P.V. - Xin cảm ơn Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Nhà thơ Vũ Quần Phương là thành viên của Ban chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đã không tán thành xếp giải A cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Vừa qua, báo Công an thành phố đã phỏng vấn nhà thơ Vũ Quần Phương, Tổng biên tập báo Người Hà Nội về "bối cảnh lịch sử" xung quanh vấn đề này và nhận định của anh - với tư cách là một thành viên của Ban chung khảo Giải thưởng về cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

P.V. - Thưa anh, với tư cách là thành viên của Ban chung khảo, anh có ý kiến thế nào về "bối cảnh lịch sử" lúc ấy và ý kiến cá nhân anh về cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh?

VŨ QUẦN PHƯƠNG - Năm ấy, tôi có tham gia Ban chung khảo Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn. Thơ chọn được hai tập, văn chọn 3 tiểu thuyết. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được bàn luận nhiều. Mọi người khen cách viết gọn, câu chuyện lôi cuốn, tốc độ nhanh, bút pháp có nét mới. Tôi cũng thấy thế. Và tôi đề nghị tặng giải B cho anh. Tôi không tán thành xếp giải A vì cuộc chiến tranh Bảo Ninh thể hiện không phải là cuộc chiến tranh ta đã trải qua. Tôi đã sống giai đoạn lịch sử này, tôi thấy cảnh ném bom của Bảo Ninh tả ở ga Thanh Hóa là không có ở thời chống chiến tranh phá hoại. Tôi nhớ một thành viên khác của Ban chung khảo giải thích: "Bảo Ninh không định phản ánh hiện thực, anh suy ngẫm hiện thực". Tôi không tin lập luận ấy vì muốn suy ngẫm đúng thì phải dựa trên dữ kiện đúng. Thứ nữa, tác giả như muốn đứng cao hơn cả hai phía để phán xét cuộc chiến. Với anh, chiến tranh là chiến tranh, không có tính từ nào kèm theo. Đó là bộ máy hủy hoại - đi qua nó cái tốt đẹp bị tiêu diệt, cái còn lại thành thân tàn ma dại không thích hợp với thời bình. Tôi thấy cách nghĩ này e bất nghĩa với người đã hy sinh cho chiến thắng. Họ hy sinh có mục đích, có lý tưởng nhưng trong truyện họ chết tức tưởi như rơi vào tai vạ, chết mà chẳng hiểu vì sao. Nghĩ vậy nên tôi đề nghị: Chưa nên tặng giải cao (để viết bài báo này, tôi đã tới Hội Nhà văn xin Ban sáng tác cho chép lại bản giám định hồi đó của tôi, đồng chí phụ trách chưa tìm được, tòa báo giục, tôi đành viết theo tinh thần). Sau này ở Hội Văn học Hà Nội, chúng tôi có tổ chức tọa đàm về tác phẩm này, một nhà nghiên cứu giải thích cho riêng tôi: Bảo Ninh ra trận ở giai đoạn cuối cuộc chiến, sự trải nghiệm của anh có thể khác lúc tôi đi. Điều đó có thể như vậy. Tôi không đòi hỏi anh nhiều nhưng việc tặng giải cao thì vẫn không nên.

Khi báo Văn nghệ tổ chức hội thảo, tôi có nói cái ý bất nhẫn khi biến sự hy sinh có lý tưởng thành những cái chết tức tưởi vô nghĩa. Một thành viên khác phản bác tôi, cho rằng không thấy những cái chết đó mới là bất nhẫn, là vô ơn. Ý phản bác này không được thấy nói trong cuộc họp. Nhưng khi báo Văn nghệ đăng tường thuật thì có ý này. Tôi đoán chắc nhà văn kia khi về nhà mới thêm vào. Điều đó không sao nhưng ngụy biện. Tôi không có dịp nói lại nhưng tôi chắc rồi mọi người sẽ thấy tính ngụy biện trong lập luận ấy. Không khí đổi mới quá khích hồi ấy thật ra lại mất dân chủ. Có người tự nhận là đổi mới nhưng rất học phiệt, thấy ai có ý kiến khác là "tiêu diệt". Chưa bao giờ tôi thấy tính văn hữu bị tàn phá như lúc ấy. Tự nhiên hình thành hai phe mà thật ra có phe phái nào đâu. Có bạn viết văn trẻ lo lắng khuyên tôi: "Anh không nên có ý kiến, họ đông lắm (!)". Tôi không nghĩ đông đã là chân lý. Nhưng tôi không muốn bị xếp vào phe nào. Tôi yêu bút pháp Bảo Ninh. Vì vậy tôi đề nghị tặng giải, nhưng chỉ tặng giải B.

P.V. - Sau khi được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn Nỗi buồn chiến tranh đã gây nhiều dư luận tranh cãi và bị phê phán. Anh có ý kiến gì về dư luận đó, nhất là đối với sự đề cao của một số báo chí của người Việt Nam ở nước ngoài?

V.Q.P. - Nỗi buồn chiến tranh sau này được đề cao trong một số báo chí của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Xét kỹ những cộng đồng này phần lớn trong quá khứ dính với bên kia cuộc chiến. Cuốn tiểu thuyết có an ủi và chiêu tuyết cho họ. Họ đề cao cũng là điều dễ hiểu. Điều khó hiểu là sau một thời gian thử thách, có hồi âm từ bạn đọc trong nước, sau cả những nhận định, đánh giá lại của Ban Giám khảo đối với Nỗi buồn chiến tranh, thì tác giả của nó, qua phát biểu đây đó, lại không thể hiện có chuyển biến gì, không thấy cái phần mà nó đã thiếu sót với xương máu đồng bào mình, không thể so với Rơmac, Rơmac ở phía chiến bại trong cuộc chiến tranh xâm lược của Hitler, Bảo Ninh ở phía người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh cứu nước. Lấy tư tưởng Rơmac làm chỗ tựa cho mình sẽ rất nhiều sai lệch. Dân ta thắng được Mỹ trong cuộc chiến tranh ác liệt ấy là một kỳ tích. Chiến tranh đã đi qua một phần tư thế kỷ, nhìn lại càng thấy kỳ vĩ. Với tâm lý chiến đấu như Nỗi buồn chiến tranh thể hiện thì không sao có kỳ tích ấy được và tất phải chiến bại như trong các tác phẩm của Rơmac. Một thời gian dài khi cuộc chiến đang tiếp diễn, chúng ta viết chiến tranh có chiều phiến diện (sự phiến diện cần thiết). Bây giờ đất nước yên hàn, chúng ta có điều kiện thể hiện toàn diện cuộc chiến, cả phần xót xa đắng đót nhất. Viết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh có thuận lợi ấy nhưng tác phẩm của anh lại phiến diện kiểu khác. Tiểu thuyết của anh thể hiện thiếu một yếu tố nào đó của cuộc chiến mà chính với yếu tố đó đồng bào ta đã lập nên kỳ tích. Với yếu tố đó, Nguyễn Văn Trỗi mới tìm ra một câu để nói với đồng bào trong giây phút cuối cùng: Hãy nhớ lấy lời tôi, yếu tố ấy chúng ta nhận thấy ở chị Út Tịch, Mẹ Suốt và biết bao Bà mẹ Anh hùng ở mọi nơi thôn cùng xóm vắng. Khám phá ra yếu tố ấy, Bảo Ninh viết sẽ sâu hơn, hay hơn.

P.V. - Xin cám ơn nhà thơ Vũ Quần Phương.

P.V. thực hiện

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM, (4-10-1995)

 

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ VỀ CUỐN
NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH

NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC - HUỲNH KHÁI VINH

PHÓNG VIÊN - Với tư cách là Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự, Trung tướng có nhận xét gì về cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh?

Trung tướng PGS NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC - Có câu chuyện ngụ ngôn rất bổ ích cho người ta trong cách xem xét một sự vật, một sự kiện: Một người mù khi sờ vào chân con voi thì tả voi như một cột nhà, người mù khác sờ vào tai con voi thì lại coi voi như một cái quạt, người mù nữa sờ vào ngà voi thì cho voi là chiếc đòn xóc. Rõ ràng là nếu không có tầm nhìn rộng thì tuy có sờ vào thực tế nhưng vẫn mô tả con voi khác xa với sự thật.

Về xem xét và mô tả một cuộc chiến tranh cũng vậy, nếu không có chỗ đứng để có tầm nhìn rộng thì có thể có phán xét trái ngược hẳn nhau.

Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, nhốt gần 10 triệu đồng bào ta vào gần 6 vạn "ấp chiến lược" thì lại cho đó là vì tôn trọng các "giá trị" của Hoa Kỳ, là đảm bảo quyền tự do dân chủ của con người. Mỹ đào tạo, nuôi dưỡng Ngô Đình Diệm đưa về làm tay sai để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, khi Diệm trái ý Mỹ, liền bị đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bật đèn xanh đảo chính, giết bỏ. Thân phận của kẻ làm tay sai cho Mỹ khác chi trâu ngựa. Ấy thế mà có người đến nay dám nói Hoa Kỳ chỉ giúp đỡ đồng minh.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với những phán xét đanh thép của lịch sử:

Mỹ là kẻ xâm lược.

Mỹ đã gây ra chiến tranh với những tội ác "trời không dung, đất không tha", giết chóc, tàn phá Việt Nam. Mỹ đã thua trận, bọn tay sai sụp đổ tan tành.

Nước Mỹ chịu hậu quả "hội chứng Việt Nam". Còn những người cam tâm suốt đời ăn theo Mỹ thì cũng nuốt theo hội chứng này, nên cứ u buồn, hậm hực.

Còn nhân dân Việt Nam phải trải qua muôn vàn hy sinh gian khổ để chiến thắng một siêu cường, đã lớn mạnh hẳn lên giành được thắng lợi vĩ đại. Đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất, đang tiến vào thời kỳ xây dựng và phát triển toàn diện, được cả loài người tiến bộ tin yêu, cảm phục vì Việt Nam đã đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quyết định làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân đã tồn tại hàng thế kỷ trên hành tinh.

Xem xét: được, mất của một cuộc chiến tranh mà không có tầm nhìn rộng, chỉ sa vào một thực tế nhỏ hẹp nào đó, để rồi gán cho cả cuộc chiến tranh một nỗi buồn, thì thật là sai trái. Cả đất nước đã đứng lên để có ngày toàn thắng, tươi sáng như ngày nay, làm sao tác giả tiểu thuyết này lại dám gieo rắc nỗi buồn u ám.

Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh chứa đựng sai trái như vậy.

P.V. - Vừa qua, một số nhà văn Việt Nam kể cả nhiều thành viên trong Ban Giám khảo xét trao giải thưởng văn học đã có bài viết nhìn nhận lại việc trao giải thưởng cho tác giả Nỗi buồn chiến tranh. Xin Trung tướng cho biết ý kiến về việc này?

Trung tướng PGS NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC - Sửa sai là đã thừa nhận sai lầm. Đó là thái độ đúng, đáng được hoan nghênh.

Tác giả cuốn tiểu thuyết có sai lầm, ta phê phán để sửa chữa và mong rằng Bảo Ninh tiến bộ. Song điều đáng quan tâm là sai lầm đó mở rộng là do nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in và phát hành rộng rãi. Sai lầm càng nghiêm trọng khi tác phẩm xấu độc này được một tập thể có trách nhiệm xét trao giải thưởng. Việc làm này chẳng những khuyến khích tác giả tiếp tục lao vào "sáng tạo" chất độc, mà còn cổ vũ nhiều người đọc, khác nào thổi mạnh luồng gió độc để tình trạng nhiễm độc lan tràn.

Nhưng sự thật là người đọc ở nước ta đã được tôi luyện, lớn lên trong đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nên đã có sức đề kháng, nhanh chóng phản đối việc làm sai trái này. Nhân dân là người trực tiếp làm nên lịch sử oanh liệt của dân tộc, nên rất nhạy bén vạch trần tội lỗi của những kẻ xuyên tạc lịch sử.

P.V. - Xin cám ơn đồng chí.

*

Giáo sư tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh thời trẻ vốn là một người lính. Ông đã từng đi giảng dạy, nói chuyện, hội thảo về văn học tại nhiều trường Đại học trong nước và quốc tế (Liên Xô cũ, Cộng hòa Liên bang Đức, Áo, Thái Lan v.v...). Hiện ông là Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa - Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du. Giáo sư tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh đã dành cho phóng viên báo Công an thành phố ít phút trò chuyện.

P.V. - Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết ý kiến của mình sau khi dư luận phản ứng cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn 1991)?

Giáo sư tiến sĩ HUỲNH KHÁI VINH - Tôi thường suy ngẫm về chiến tranh trên một bình diện khác. Tôi còn nhớ những lần tôi đi giảng dạy hoặc nói chuyện ở một số trường Đại học tại Đức, Áo... các đồng nghiệp nước ngoài thường đặt câu hỏi: "Cái gì khiến dân tộc Việt Nam các ông chiến thắng được một cường quốc trên thế giới?"

Bạn nhìn nhận dân tộc ta, cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân ta với con mắt đầy kính phục. Với họ, con người Việt Nam ta, sức mạnh dân tộc ta thật kỳ diệu. Thậm chí, họ coi ta như một đấng thiên thần, một thần tượng của thế giới. Chẳng thế mà không ít người nước ngoài đã mơ ước "Sau một đêm đi vào giấc ngủ, sáng ra mở mắt đã trở thành người Việt Nam". Ngẫm kỹ, thấy cũng lạ. Đất nước Việt Nam nhỏ bé, con người Việt Nam thật bé nhỏ, một đất nước nông nghiệp nghèo nàn, trí tuệ cũng không phải là siêu việt hơn các dân tộc khác... ấy vậy mà Việt Nam đã chiến thắng hết thảy các đế quốc hùng mạnh đến xâm lược. Những lần bạn hỏi câu hỏi trên, tôi đều trả lời đại ý: Bằng kinh nghiệm của mình, dân tộc Việt Nam chúng tôi rất trọng đạo lý "Thương nước, thương nhà, thương người, thương thân". Đất nước, Tổ quốc bao giờ cũng được đặt lên trên hết. Và từ bao đời nay, con người Việt Nam với tinh thần giản dị "Thương người như thể thương thân", "Bầu ơi thương lấy bí cùng...". Trong tình cảm và hành động, con người Việt Nam nhân hậu đến mức "Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành"... Dân tộc chúng ta nhân hậu, hiền lành nhưng đã buộc phải cầm gươm cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mỗi khi có nạn xâm lăng. Đó chính là nguồn lực nội sinh giúp ta làm nên chiến thắng trong tất cả các giai đoạn của lịch sử dân tộc.

Chiến tranh, hay bất kỳ một lĩnh vực, một đề tài nào khác, đều có mặt tiêu cực, mặt trái, mặt "râu ria" của nó. Viết về chiến tranh, nếu chỉ tập trung khai thác, mô tả những đau thương, mất mát, tiêu cực... thì sa vào phiến diện, thiếu chân thực. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh, thú thật, tôi chưa đọc hết vì không đủ can đảm. Một lần, tại giảng đường của một trường Đại học, tôi cũng đã phê phán cuốn sách này.

Nói chung, chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc giành độc lập tự do là chủ đạo, là bao trùm, thể hiện tính kiên cường và nhân văn cao cả của con người Việt Nam. Tất cả những tác giả, tác phẩm văn học nào thể hiện trái với chân lý trên đều là sai lầm và tất yếu bị dư luận phản đối.

P.V. - Thưa Giáo sư tiến sĩ, ông có suy nghĩ gì về sự phát triển của nền văn học nước nhà trong giai đoạn hiện nay?

Giáo sư tiến sĩ HUỲNH KHÁI VINH - Về lý thuyết, mỗi giai đoạn hay mỗi nấc thang phát triển văn học, dù ít hay nhiều, thường diễn ra qua 3 bước với mối quan hệ liên tục và không liên tục:

1- Bước phủ nhận cái cũ (chủ yếu bằng những hình thức và thể loại mới)

2- Bước phát triển định tính.

3- Bước phát triển định lượng (hài hòa cả về lượng và chất).

Quá trình đổi mới nền văn học là nhằm đạt được nấc thang thứ ba của tiến trình phát triển. Nói như thế không có nghĩa là văn học giai đoạn trước 1943-1945 không có các yếu tố của nấc thang thứ hai; và văn học giai đoạn 1943-1945 cho đến gần đây, là không có yếu tố của nấc thang thứ ba, và ngược lại. Điều này thể hiện mối quan hệ tương tác của các nấc thang phát triển, và trong mỗi nấc thang lại có nhiều nấc thang nhỏ.

Sự phát triển liên tục và không liên tục của nền Văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, đã và sẽ làm cho tính chất dân tộc, tính cổ điển lấp lánh hơn, nhuần nhụy hơn.

Do xã hội và nền văn học có nhu cầu đổi mới, nên nó cũng đã tạo ra những tiền đề cho sự đổi mới. Đó là:

a- Các nhu cầu và yêu cầu đổi mới nhận thức và tình cảm của xã hội và của con người thuộc mọi tầng lớp xã hội.

b- Sự phát triển của bản thân nền văn học.

c- Đội ngũ các nhà văn nghệ, nhất là lớp trẻ, có nhiều dấu hiệu của văn sĩ - triết gia (thi sĩ - triết gia, kịch sĩ - triết gia...).

Ngày nay, nếu quả thật lịch sử văn học dân tộc cần đến một cuộc canh tân có tính cách mạng, thì nó cần phải có ý thức tạo ra những người "khổng lồ" (nói theo ý của F. Ăngghen) có tầm tư tưởng triết học, để mở đường cho sự tiến bộ và thúc đẩy sự tiến bộ của văn học khác với những năm 1920 - 1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có thể đào tạo được những người có khả năng mở đường cho sự tiến bộ, khai phá sự tiến bộ thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài từ nhà trường cho đến ngoài xã hội.

P.V. - Xin cám ơn Giáo sư.

P.V. thực hiện

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (11-10-1995)

KHI CÁC VỊ GIÁM KHẢO
XÉT LẠI LÁ PHIẾU CỦA MÌNH

VŨ HẠNH

Văn học, qua 50 năm của chế độ ta, là một mũi nhọn của cuộc sống, đóng một vai trò xung kích suốt ba thập kỷ chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xứng đáng với cái tên gọi là nền văn học tiên tiến thể hiện được sự dũng cảm của một dân tộc ngoan cường đứng lên giành lấy quyền sống trong sự độc lập, tự do, góp phần vào một cao trào vươn lên của nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Tuy nhiên, sau ngày đất nước đã được hòa bình, một số ngòi bút suy thoái lợi dụng mở rộng giao lưu đã cùng với bọn cơ hội tìm cách xuyên tạc quá khứ, hoặc tự đặt mình ra ngoài dân tộc, trên cả dân tộc, để giở giọng điệu cao đạo phê phán những sự nỗ lực hy sinh đã qua bằng những lập luận vay mượn từ phía kẻ thù. Nỗi buồn chiến tranh là một quyển sách thuộc nhóm loại này. Dựa vào những sự lệch lạc trong việc chấm giải đã tạo cơ sở cho sách được sự chú ý, bọn xấu bên trong cũng như bên ngoài lợi dụng để khai thác, với cái ảo vọng phủ nhận chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Thiết nghĩ, văn học của chế độ ta phải là món ăn của đông đảo quần chúng, phải thuộc thẩm quyền xét định của mọi tầng lớp nhân dân -- chứ không phải là mảnh đất riêng của một thiểu số, của một tầng lớp -- nên sự can thiệp vào các vấn đề văn học phải được thực hiện rộng rãi, thường xuyên như mọi vấn đề thiết yếu ở trong cuộc sống của chúng ta.

Mấy tuần vừa qua, trên tờ tuần báo Công an thành phố, chúng ta được đọc các bài của một số vị giám khảo đã bỏ lá phiếu trao giải cho quyển Nỗi buồn chiến tranh. Mở đầu cho loạt bài này, ông Nguyễn Quang Sáng có nhắc đến việc tự phê của tập thể Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, trong báo cáo trước Đại hội lần V, rằng trong sách của Bảo Ninh "Cách nhìn nhận lại quá khứ chiến tranh và cả cách nhìn hiện tại có những biểu hiện chủ quan thiên lệch đến nặng nề tối tăm mà độc giả thông thường, kể cả những người đã trải qua cuộc chiến đấu khốc liệt như trong truyện, khó có thể chấp nhận và coi đó là chân lý lịch sử", vì vậy, bản báo cáo đã đánh giá trở lại việc trao giải là "thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích một cây bút trẻ đã trải qua chiến đấu mà coi nhẹ tính định hướng của giải thưởng". Do sự thiếu chín chắn ấy, ông Nguyễn Quang Sáng hôm nay thừa nhận đã bị nhân dân cho mình "ăn đòn".

Nói chung, hầu hết quý vị giám khảo trên đây thừa nhận việc trao giải thưởng cho quyển Nỗi buồn chiến tranh là một sai lầm, và đó là điều chúng ta chờ đợi.

Nếu các giám khảo được nghe hết những phản bác từ phía quần chúng thì còn ớn lạnh đến chừnh nào. Kể thật khó hiểu, và thật khó tin, quyển sách ấy được trao giải. Nhưng đó lại là sự thực, sự thực nổi cộm như một vết nhọ cố tình bôi vào giữa dòng văn học và giữa những trang truyền thống vòi vọi những hy sinh cao cả cùng những chịu đựng phi thường vì nền độc lập, vì lẽ tự tồn. Nhiều người, bấy giờ cũng đã tự hỏi: Các vị giám khảo hầu hết là những chiến sĩ, gần như đã trải qua hai cuộc chiến vệ quốc trên các tuyến đầu, đâu phải là lớp đào ngũ mà lại chấp nhận cái nhìn như thế? Quý vị đâu có thể nào non yếu về mặt chính trị, đâu có thể nào mơ hồ về chuyện chiến tranh.

Phải chăng những năm tháng sống nhàn lạc trong cảnh hòa bình, quý vị đã để cho cái tư duy hình thức chi phối tâm hồn? Phải chăng, sau những biến động dẫn đến tan rã một số đất nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã khiến quý vị hoang mang, nên mượn bàn tay Bảo Ninh để mà gián tiếp phủ nhận quá khứ, tự tạo một tư thế "mới" để đón khách ngoài?... Những suy diễn ấy dầu đúng hay sai, dầu có thiện ý hay là ác ý, đều là sự thực mang tính phản ứng của một công luận. Do vậy, có những người đã trách rằng sự xét lại này xảy ra quá chậm: giải thưởng được trao cách đây bốn năm, và những bọn xấu đã khai thác nó một cách chí tình. Bốn năm, là thời gian dài để cho ngòi bút đã bị lệch lạc được sự khuyến khích đi sâu vào chốn lỡ lầm.

Nhưng chậm, vẫn còn hơn không, là điều chúng ta có thể lấy làm an ủi. Như chúng ta đã biết, hầu hết sự kiện văn hóa, văn học - từ sau 1975 - đều được đặt trong tình trạng phản ứng chậm chạp, vì chúng ta không chuẩn bị một cách chủ động từ đầu.

Điều đáng kể là khoảng cách, từ bốn năm nay đã ngăn quần chúng và giám khảo, bây giờ kể như đã được xóa bỏ, và chúng ta cùng gặp lại trong nỗi vui mừng. Đó cũng là sự giáng trả một bọn xấu ở các nước ngoài, vốn có quan hệ trực tiếp hay là gián tiếp với các đội quân xâm lược bị ta đánh bại trên các chiến trường, bây giờ muốn mượn văn chương làm thứ vũ khí hủy hoại chúng ta ở giữa thời bình.

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (18-10-1995)

THẤM ĐÒN QUA NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

THANH LÊ

Có người cho rằng đứng trước dư luận rộng rãi, các anh đã rũ bỏ (phủi tay) trách nhiệm, thậm chí "phản thùng". Nhưng cũng có người cho rằng đây là một thái độ hết sức khách quan, thậm chí rất dũng cảm bình tâm nhận sai lầm vì thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích cây bút trẻ, coi nhẹ định hướng của giải thưởng như trong dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Hay nói một cách khác, vì thiếu suy nghĩ kỹ về một tác phẩm của một nhà văn trẻ khi chọn họ vào con đường phục vụ nhân dân, dành tất cả cuộc đời của họ vào đó. Làm văn nghệ không phải dừng lại ở say mê, ham thích, nhiệt tình mà còn đòi hỏi ở đức tài. Năng khiếu chỉ là tiền đề không thể thiếu được mà thôi.

Vì vậy sáng tác văn chương nói nôm na là lao động theo dạng "hành nghề", nhưng hành nghề như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh thì chỉ làm tổn hại đến xã hội. Còn những người ủng hộ, cho phép và khuyến khích bị "ăn đòn" là phải. Điều may mắn là thứ hàng hóa đó không phải được sản xuất hàng loạt, mặc dù ở trong cơ chế thị trường. Loại "chính phẩm" xuất xưởng nay được đánh giá lại một cách nghiêm túc, thận trọng với trái tim đầy bản lĩnh trí tuệ của những người cầm bút như hai anh. Đây cũng là điều bất ngờ, vì có người bảo một số nhà văn hay tự cao tự đại, bảo thủ, nhưng trong thực tế hiện nay thấy các nhà văn đã cùng suy nghĩ với đông đảo bạn đọc là phải đấu tranh với những sáng tác văn học nghệ thuật tầm thường. Điều đáng quý sau khi đọc loạt bài phỏng vấn của các vị, tôi tìm thấy ở chỗ tiêu biểu cho cái đẹp, cái hay của con người. Các anh thẳng thắn, không giấu giếm, ghi nhớ, nhập thân với tâm hồn rộng mở. Cái đẹp ở thái độ và cử chỉ của các anh là phẩm chất cách mạng, thực sự cầu thị, không tách rời với thực tiễn xã hội ngày nay. Các anh đã quay lại nhìn cái hiện tượng bất bình thường vừa qua. Rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh là một sự xúc phạm, một sự thách thức đối với xã hội, đối với lương tri của con người.

Có người bảo quay lại nhìn cái hiện tượng đó để phủ định nó chẳng khác nào "đánh vuốt đuôi" khi sản phẩm đó được bày bán trên thị trường với cái "mác" được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - sự thật vẫn là sự thật, nhưng phải nói những lời cảnh tỉnh với những người còn mơ hồ về tác hại của nó bởi những ngóc ngách của vấn đề chiến tranh.

Đến bây giờ chắc các nhà sáng tác càng thấy rõ vai trò của quần chúng nhân dân là người thẩm định cuối cùng - họ không phải là kẻ thưởng ngoạn bình thường mà là sự nhận thức bằng trí tuệ.

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (18-10-1995)

LUẬN BÀN VỀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

LINH HÒA

Những năm qua, tình hình lý luận phê bình văn học đã có một bước chuyển biến mới, đã xuất hiện một số tác phẩm lý luận phê bình tốt của các nhà lý luận phê bình tâm huyết. Tuy nhiên, trong không khí hào hùng chung đó, bên cạnh những nhà lý luận phê bình chân chính đầy thiết tha trăn trở trước một nền văn học đổi mới có định hướng đúng, cũng đã xuất hiện một số cây bút lý luận phê bình có ý đồ xấu. Kỳ này chúng tôi đăng bài của tác giả Linh Hòa, nhằm trao đổi về công tác lý luận phê bình văn học gần đây để bạn đọc rộng đường dư luận.

*

Sách viết về chiến tranh, nhất là ra đời sau chiến tranh được bạn đọc chú ý, nhất là trong giới nghiên cứu lý luận phê bình. Một trong những cuốn sách đó có "vấn đề" là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Thông thường, "vấn đề" thường nảy sinh khi con người hiểu rằng những sự hiểu biết của mình hiện có không đủ cơ sở để cắt nghĩa hết mọi việc. Vì vậy phải tiếp tục làm sáng tỏ những hiểu biết ấy. Có thể coi "vấn đề" là một hình thức đặc biệt của "mâu thuẫn giữa cái đã biết với cái chưa biết" như có người quan niệm mà là mâu thuẫn được nhận thức.

Trong khi Nỗi buồn chiến tranh bị đông đảo bạn đọc lên án thì một số nhà phê bình lại ca ngợi, tất nhiên với mức độ khác nhau. Nhà phê bình trẻ Huỳnh Như Phương cho rằng: Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết của sự cứu rỗi (Những tín hiệu mới, tr.70). Trong tập tiểu luận, phê bình của mình, Phong Lê lại viết: "Tôi đã đọc một lần Thân phận của tình yêu (một cái tên khác của Nỗi buồn chiến tranh) nhưng rồi lại quên ngay cái thân phận, cái số phận, để bị ám ảnh bởi một nỗi buồn. Một nỗi buồn có lý, đầy trăn trở, và do thế mà làm sâu sắc thêm đời sống tinh thần của con người. Cũng do vậy mà có giá trị thanh lọc và tẩy rửa. Và tôi nghĩ, đó mới là tiếng nói của nghệ thuật" (Văn học và công cuộc đổi mới - Nxb Hội Nhà văn 1994, tr.143).

"Sự cứu rỗi", "thanh lọc", "tẩy rửa", "là tiếng nói của nghệ thuật" được hiểu như thế nào đây khi cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình vì tự do và độc lập? Đáng lý ra văn học về chiến tranh phải phác họa ra hình ảnh con người xả thân vì nghĩa lớn, sức mạnh tinh thần của con người thắng bạo tàn, mở cánh cửa của quá khứ để cho thế hệ tương lai thấy một lý tưởng cao đẹp như trong những huyền thoại của ông cha ta ngày xưa dựng nước. Văn học có gì khác hơn là bồi dưỡng tâm hồn con người để sống và chiến đấu cho cuộc sống hàng ngày. Và phải chăng cái đó mới là tiếng nói của nghệ thuật.

Về Nỗi buồn chiến tranh, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã không giấu giếm nói lên một điều: "Thảo luận về cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh như một tác phẩm về chiến tranh, chúng ta thường quên rằng, tác phẩm này là sự thắt của ba đề tài: chiến tranh, tình yêu và đam mê sáng tạo nghệ thuật. Tư tưởng của cuốn tiểu thuyết là ở chỗ thống nhất của ba đề tài: Trong chiến tranh cũng như trong tình yêu và sáng tạo nghệ thuật luôn có sự chập chờn giữa thực và giả, được và mất, tin và ngờ, hạnh phúc và đau khổ, hy vọng và tuyệt vọng... Một sự chập chờn đầy rẫy những bất định và bất trắc, lầm lạc và phi lý... Bảo Ninh đưa người đọc vào cõi của những sự chập chờn, bất định và một sự cảm nhận sâu sắc về cõi này đâu có làm chúng ta kinh hãi và tuyệt vọng; rồi vẫn có những chiến công bên cạnh những "thành tích" nhại chiến công, vẫn có tình yêu để phân biệt những gì giống tình yêu, vẫn có những đam mê nghệ sĩ trong ngàn vạn con thiêu thân lao vào ảo ảnh nghệ thuật... Có những tư tưởng nảy sinh ngoài cõi chập chờn, bất định nhưng phải trải qua cõi này thì mới có triết học"... Tác giả còn nói tiếp: "Cõi chập chờn, bất định là cõi đắc địa của tiểu thuyết - Bảo Ninh mới mon men bước vào cõi này đã không ít độc giả ngỡ ngàng đọc tác phẩm của anh. Có lẽ họ chưa quen đọc tiểu thuyết" (Tạp chí Văn học, số 4-1995, tr.9).

Ý kiến của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến xem ra có chiều đậm nét hơn hai ý kiến nói trên. Có một điều trước hết cần phải nói là giáo sư đã coi thường độc giả nước nhà, cho họ là "chưa quen đọc tiểu thuyết" (?) Thế thử hỏi các tác phẩm như Gargantua và Pantagruel của Franois Rabelais, Don Quichotte của Miguel de Cervantes, Hội chợ phù hoa của W.M. Tharkeray, Đỏ và đen của Stendhal, Tấn trò đời của Balzac..., Tam quốc, Thủy hử, Hồng lâu mộng... của Trung Quốc, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Con đường đau khổ, Bão táp... của văn học Xô viết được dịch sang tiếng ta bán cho ai và ai đã đọc? Không những thế, bạn đọc còn cảm nhận được loại tiểu thuyết hiện sinh đích thực của J.P. Sartre, A. Camus v.v... và cũng đã từng phê phán loại tiểu thuyết ấy. Và không có gì đáng làm ngạc nhiên khi Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhập thân ca ngợi Nỗi buồn chiến tranh vì nó mang máng, thoang thoáng nhân vật trong tiểu thuyết hiện sinh. Cái mang máng, thoang thoáng ở đây chính là "cõi chập chờn bất định", là "cõi đắc địa của tiểu thuyết" như giáo sư nói. Đã là "chập chờn" có nghĩa là nửa tỉnh, nửa mê, khi mờ khi tỏ. "Chập chờn" rồi còn "bất định" thì tầm nhìn lịch sử và xã hội bị cảm nhận là "phải trải qua cõi này thì mới triết học". Nếu không nhầm thì đây là thứ triết học không phải của chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó đã rõ như ban ngày và cũng chẳng có gì mới đối với chúng ta.

Chắc các anh và giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã đọc bài "Bàn về "tính duy ý" của văn xuôi và "tính phi lý" của thơ của Henri Barbusse, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng về chiến tranh, viết: "Không có một nghệ thuật nào có sức mạnh mà lại thiếu lý trí, trí tuệ được... Xa rời, đoạn tuyệt với quy luật của trí tuệ, lý trí là không thể chấp nhận đối với sáng tạo nghệ thuật. Chỉ có trí tuệ - cái vốn không thể thiếu được trong mọi lĩnh vực, không thật cụ thể và cũng không thật trừu tượng mới cho chúng ta khả năng để tạo nên tất cả giá trị tác phẩm... và bất cứ một mưu toan nào hạ thấp vai trò của trí tuệ cũng như hạ thấp vai trò của nghệ thuật". Nếu như cây bút nghiên cứu phê bình Hoài Thanh sống trở lại chắc ông tủm tỉm cười khi đọc những dòng chữ "đó mới là tiếng nói của nghệ thuật" của giáo sư Phong Lê, là "cõi đắc địa của tiểu thuyết" của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến vì rằng các vị không thực hiện được nhiệm vụ của kẻ hậu sinh khả úy mà còn dẫm lên một quan điểm văn học nghệ thuật sai lầm như ông đã mắc phải trước năm 1945.

Điều rất lấy làm tiếc, nhất là đối với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã xúc phạm đến bạn đọc nhiều thế hệ khác nhau và đã đưa họ vào mê hồn trận trong trận đồ bát quái của một thứ lập luận xa lạ, không xuất phát từ thực tế nước ta. Đổi mới không có nghĩa là vơ lấy cái cũ mèm, kể cả cái mới của người khác khi quần chúng nhân dân ta, bạn đọc của chúng ta không chấp nhận nó. Bài học của người đứng trên bục giảng, của người cầm bút phê bình còn là lương tâm và trách nhiệm, không thể nửa tỉnh nửa mê trong đánh giá các sự kiện có "vấn đề" như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Trong trường hợp này điều cần làm là phải "thanh lọc", "tẩy rửa" mới đúng.

Chúng ta thấy rõ hoàn cảnh có "vấn đề" nhờ sự va chạm tích cực và tính tự giác của con người với môi trường xung quanh. Và chỉ có như vậy con người mới có ý thức về những mâu thuẫn đang nẩy sinh ra trong cuộc sống.

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (1-11-1995)

TÔI HY VỌNG ANH EM TỈNH TÁO HƠN,
CÓ TRÁCH NHIỆM HƠN VỀ NHỮNG GÌ
MÌNH VIẾT, MÌNH SUY NGHĨ...

NGUYỄN ĐÌNH THI

Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một tên tuổi lớn của Văn học Việt Nam đương đại. Những tác phẩm của anh kể cả nhạc, thơ, văn xuôi… đều đứng được trong lòng mọi người. Với tư cách nhà văn và trên cương vị hiện nay: Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã dành cho phóng viên báo Công an thành phố cuộc trao đổi khá thú vị về trách nhiệm nhà văn và tình hình văn học hiện nay.

P.V. - Thưa anh, thời gian gần đây anh có theo dõi mục "Diễn đàn văn học" trên báo Công an thành phố? Nếu có, anh có ý kiến gì về những bài góp ý, hoặc tranh luận trên diễn đàn này?

Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH THI: Báo Công an thành phố gần đây có mở mục Diễn đàn Văn học mà mục đích hướng thiện cũng như nội dung các bài viết khiến tôi rất chú ý và hoan nghênh, như là những bài viết của các anh chị trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua. Đây là một việc làm, một thái độ rất dũng cảm, đáng quý trọng. Qua một số bài viết khác, tôi thấy độc giả không có gì rắc rối, tâm hồn họ giản dị, nhưng ý kiến của họ nêu ra chứng tỏ họ nhìn rõ được then chốt của vấn đề.

P.V. - Thời gian qua đã xuất hiện một số tác phẩm xấu, bị độc giả và dư luận phê phán. Anh đánh giá như thế nào về sự kiện này?

N.Đ.T. - Hiện nay, điều tôi lo lắng cũng như hy vọng đều hướng vào tình hình chung của nền văn học nghệ thuật. Gần đây, sau một thời gian đổi mới, tình hình văn học nghệ thuật có khác mấy năm trước. Chiều hướng chung về tư tưởng của các anh em văn nghệ sĩ thời gian đầu có thể nói là bối rối, nhưng sau đó, một số rất đông đã nhận thấy rõ đúng, sai, phải, trái trong cuộc sống xã hội, từ đó cũng nhận ra đúng, sai, phải, trái trong tác phẩm văn học nghệ thuật của mình. Thực ra, theo tôi, tác phẩm hay - dở, không thể đổ tại xã hội được, nó tùy thuộc vào mình thôi. Cái rối của một số anh em sáng tác dần dà cũng có biến chuyển. Các thứ văn học đen tối, xám xịt ngày càng trở nên bão hòa, công chúng không thích, không chấp nhận nữa. Những tác phẩm có khuynh hướng giật gân, thị trường, độc giả cũng xa lánh. Độc giả đòi hỏi những tác phẩm chân chính, hay thực, có cách nhìn cuộc sống sáng hơn.

P.V. - Trước luồng gió đổi mới, nhà văn vốn nhạy cảm vấn đề này và đã có những tác phẩm tốt trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời một số tác phẩm xấu cũng nương theo "luồng gió đổi mới" để ra đời. Anh đánh giá như thế nào về những nhà văn đã cho ra đời những tác phẩm xấu như vậy?

N.Đ.T. - Khi chúng ta mới bước vào công cuộc đổi mới đất nước, trong văn học nghệ thuật như có chiều hướng phản ứng lại giai đoạn cũ, làm ngược lại giai đoạn cũ. Trước kia, văn học của chúng ta là văn học chiến đấu, văn học nói lên những cái lớn của đất nước, cái cao thượng đẹp đẽ của con người. Một số anh em lại cho rằng viết như thế là công thức, muốn khai thác những cái gọi là đời thường, nhưng thực ra là tránh né những điều cao cả tốt đẹp. Trước kia, văn học nói "thiện" nhiều, bây giờ thì cái "ác" lấn hơn. Theo tôi, một tác phẩm văn học cụ thể không cần phải nói đầy đủ, có thể nói riêng về "thiện" hoặc về "ác", về những cái tốt cũng như cái thấp kém của con người cũng không sao. Đề tài không cấm đoán, thế nhưng khi cầm bút thì tầm nhìn của nhà văn không thể thấp kém được. Trong cái nhìn của nhà văn phải có một cái tâm yêu thương con người, tầm nhìn của nhà văn phải ngang tầm đòi hỏi của thời đại.

Một số ít anh em từ môi trường chiến tranh bước sang hoàn cảnh mới, muốn tự phủ nhận mình, phủ nhận những sáng tác trong thời kỳ chiến tranh. Tiêu biểu như nhà văn Nguyễn Minh Châu (đã quá cố) với bài Lời ai điếu cho một thời văn học minh họa. Có lần báo chí đã hỏi ý kiến tôi về bài đó thì tôi trả lời có thể thay đổi một chữ trong câu đó, tức là "Lời ai điếu cho một thứ văn học minh họa". Thật ra loại văn học minh họa thấp kém không riêng gì bây giờ, ngay cả trước kia các nhà văn có nghề nghiệp, có hiểu biết, không ai viết như vậy. Thứ văn học không hồn ấy không tồn tại với thời gian, không sống được. Nó chỉ là số ít, một thứ chứ không thể là một thời, không nên lẫn lộn.

P.V. - Để cổ vũ cho một số tác phẩm xấu cũng đã xuất hiện một số cây bút lý luận phê bình tán dương những tác phẩm đó. Khuynh hướng tán dương cái xấu là nguy hại vì độc giả văn học sẽ dễ lẫn lộn giữa ranh giới phải trái, chính và tà, cái thiện và cái ác. Anh có ý kiến gì về khuynh hướng lý luận phê bình nói trên?

N.Đ.T. - Gần đây trong lý luận phê bình cũng có một luồng ý kiến có khuynh hướng phủ nhận thành tựu của cách mạng và hai cuộc kháng chiến trong văn học, bênh vực một loại sáng tác xóa nhòa ranh giới phải trái của chúng ta.

Theo tôi, phê bình văn học phải dựa trên thực tế văn học của đất nước, xem mình làm được gì, không được gì để góp ý rút kinh nghiệm. Không nên lấy mốc từ văn học nước ngoài để làm chuẩn, muốn văn học ta làm theo, vì mỗi nước có tư tưởng văn hóa riêng đặc trưng cho nước ấy. Một lập luận có thể tác dụng ở xã hội phương Tây nhưng không thể áp dụng với văn hóa Việt Nam được. Ví dụ ngày trước ở Sài Gòn cũ, có ảnh hưởng lập luận bên phương Tây nói nhà văn phải "nôn mửa". Nhưng bây giờ lấy lập luận nhà văn phải "nôn mửa" đưa vào cuộc sống xã hội mình thì không được. Cuộc sống của chúng ta không phải là cuộc sống để nôn mửa. Không nên dùng lập luận của nước ngoài để so sánh, áp dụng vào xã hội ta.

P.V. - Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới. Văn học nghệ thuật cũng đã rất nhạy cảm trước công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, ở một số tác phẩm của các nhà văn cũng như một số nhà lý luận phê bình "đổi mới" lại cho thấy một tinh thần vọng ngoại - thậm chí phủ nhận bản sắc dân tộc của ta. Anh đánh giá như thế nào về tình trạng này?

N.Đ.T. - Hiện nay, sự tìm tòi đổi mới của chúng ta đang được cả thế giới quan tâm bởi nó có ý nghĩa rất lớn. Thực hiện kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải nói là rất khó, nhưng nếu làm được, nếu thành công thì sẽ đem lại ý nghĩa chung cho nhiều nơi khác.

Thật ra chúng ta có những biểu hiện tốt đẹp về mặt văn học ngay cả trong thời kỳ chưa đổi mới. Ví như chúng ta chưa bao giờ mắc phải một số sai lầm như một số nước xã hội chủ nghĩa anh em trước đây trong lãnh vực này. Chúng ta không có Cách mạng văn hóa, không đàn áp các nhà văn..., ở Trung Quốc, sau khi sửa sai cuộc Cách mạng văn hóa, có nổi lên một luồng văn học để nêu lại việc này; ở Liên Xô có thời gian các nhà văn nói phải sám hối. Nhưng đối với ta, không cần phải bắt chước những việc đó, bởi nhà văn chúng ta tham gia cuộc chiến đấu vì độc lập tự do, có gì mà phải sám hối? Chúng ta phải tự hào mới đúng. Bởi vậy, nếu học người mà ta không đủ trình độ suy luận thì rất nguy hiểm. Theo tôi, chúng ta chỉ nên rút kinh nghiệm đúng sai của văn học các nước khác để tự suy nghĩ về con đường đi của văn học ta thì đúng hơn. Quan điểm Mác-Lênin về văn học không phải dễ hiểu, nhưng chủ yếu khuyên ta không nên tách rời cuộc sống, bám sát thực tế cuộc sống bao nhiêu, chúng ta sẽ hiểu được quan điểm này bấy nhiêu.

Một số anh em lý luận phê bình, theo tôi nghĩ, có nhược điểm tuân theo sách vở nhiều quá. Chỉ sách vở không thôi, chưa đủ, phải đi sát vào thực tế xã hội mới tìm ra chân lý.

P.V. - Trên mục "Diễn đàn văn học" của báo Công an thành phố vừa qua đã có những bài phê phán cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Anh đã đọc và có ý kiến như thế nào về tác phẩm này khi nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn và khi nó được nước ngoài dịch để phổ biến?

N.Đ.T. - Nhắc lại cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đây là cuốn sách đầu tay của một tác giả trẻ có thể có tài năng nhưng có cách nhìn lúc đó nặng màu xám. Đáng tiếc là khi đưa ra lại tặng thưởng, thành ra nó trở thành định hướng chung cho văn học. Sai lầm này, Ban Giám khảo đã xác nhận và nhận khuyết điểm vì lý do nâng đỡ tài năng trẻ. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh có lẽ muốn táo bạo trong suy nghĩ, nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để suy nghĩ độc lập, chịu ảnh hưởng bên ngoài nhiều, để trở thành quân cờ trên ván bài chính trị cho một số kẻ xấu lợi dụng. Thành phần này ở ngoài nước có khuynh hướng muốn tạo ra trong nước ta một lực lượng tác giả đối lập với chế độ. Họ chọn Nỗi buồn chiến tranh và một số tác phẩm khác, rồi cộng thêm những lời tuyên bố xuyên tạc cho rằng văn học ta không có tự do. Thật ra khi tác phẩm phổ biến công khai thì ai cũng có quyền khen chê, chấp nhận và không chấp nhận. Như vậy đâu phải là làm mất tự do của nhà văn.

Nói về tác phẩm được dịch thì đa số phải qua trung gian là một nhóm Việt kiều, bởi các nhà văn nước ngoài thường không biết, không đọc được tiếng Việt. Nhóm Việt kiều này có một số khuynh hướng tốt, số khác thì đối lập chế độ ta, và họ chọn dịch theo ý thích. Điều đó khiến ta nhận thấy tác phẩm được dịch chưa chắc là tác phẩm được độc giả trong nước đánh giá cao. Về vấn đề này, theo tôi, trong nước nên chủ động dịch và xuất bản để giới thiệu với các nước những tác phẩm văn học tiêu biểu. Nếu tác phẩm đó hay, tất nhiên công chúng sẽ chấp nhận.

P.V. - Trên tờ "Diễn đàn Văn nghệ" vừa qua có đăng bài của Đỗ Quang Hạnh phê phán tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu và có ý kiến rất sai trái về nhà thơ lớn của chúng ta. Anh có ý kiến gì về bài báo đó?

N.Đ.T. - Riêng về hiện tượng một số cây bút trẻ như Đỗ Quang Hạnh, tôi cho rằng trình độ hiểu biết cũng còn hạn chế nên đã vấp phải một sai lầm lớn. Đây là do đầu óc nô lệ tự khinh mình. Nhìn vào lịch sử dân tộc không phải dễ, viết về nó lại càng khó hơn. Điều này tùy thuộc vào trình độ của từng người viết. Bản thân tôi cho rằng bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu là một kiệt tác văn học của Việt Nam. Một tác phẩm được nhân dân thuộc lòng không phải dễ dàng, đó là giá trị rất lớn. Muốn đề cập đến nó, người cầm bút phải hết sức thận trọng.

Qua nhiều năm, tôi đã được bài học là nghĩ về văn hóa ta, đất nước ta bằng cái đầu của con người Việt Nam, đó mới là thái độ đúng đắn của người cầm bút. Trong vận hội lớn, thời cơ lớn trước mắt, nguy cơ cũng không phải là ít, tôi hy vọng anh em cầm bút tỉnh táo hơn, có trách nhiệm hơn về những gì mình viết, mình suy nghĩ...

P.V. - Xin cám ơn anh Nguyễn Đình Thi đã dành cho báo Công an thành phố cuộc trao đổi bổ ích này.

P.V. thực hiện

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (29-11-1995)