Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2025

Lê Công Thành và tôi

 Dạ Thảo Phương

Cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi với tư cách nhà báo chính thức của báo Lao Động là với Lê Công Thành, một “đại thụ” của điêu khắc Việt Nam. Đây là cuộc phỏng vấn “kỳ lạ” nhất trong đời làm báo của tôi.

Khi đó, sếp trực tiếp của tôi – nhà văn Trần Trung Chính, trưởng ban Lao động Cuối tuần – giao tôi làm một chuyên đề về tượng đài Việt Nam trong quy hoạch đô thị. Đây là chuyên mục quan trọng, có số trang lớn nhất của tờ Lao Động Cuối Tuần.

Anh Chính cho tôi số điện thoại của nhà điêu khắc Lê Công Thành, và nói: “Ông này “vĩ đại” đấy, nhưng dị nhân đấy, rất khó gặp. Em cố hỏi càng nhiều càng tốt, làm bài phỏng vấn lớn cho chuyên đề, và có thể để dành viết thêm bài vở sau này”. Tôi hỏi: “Em có thể nói là anh giới thiệu được không ạ?”. (Anh Chính vốn là “người nhà” trong giới này). Anh Chính: “Không ích gì đâu. Em phải tự cố gắng chứ. Người ta đã cho cô tận cả số điện thoại rồi, còn muốn giúp thế nào nữa!”.

Tôi gọi điện, thầm nghĩ các phương án thuyết phục nếu bị từ chối gặp.

Chuông vừa reo đã được nhấc máy, người ở đầu dây kia chính là Lê Công Thành, thật kỳ lạ, cứ như thể ông đang chờ điện thoại của tôi vậy.

Tôi tự giới thiệu, ông nói luôn:

- Mời cô đến nhà tôi. Địa chỉ của tôi ở… Cô đến lúc nào cũng được, càng sớm càng tốt.

Tôi báo cáo sếp đã hẹn được phỏng vấn rất dễ dàng, anh nhướn mày, dường như ngạc nhiên trước may mắn của tôi.

*****

HỌ HÀNG GÌ!

Tôi bấm chuông, một người phụ nữ ra mở cửa, nói Lê Công Thành đang đợi tôi. Ông ngồi bên chiếc bàn nước giản dị trong phòng khách, dáng điệu chỉnh tề, vừa thư thái, vừa trang trọng. Ông mặc một bộ quần áo trắng, kiểu cách Đông phương, trông cốt cách thanh nhã như một tiên lão ở ẩn. Dáng người gầy gò nhưng rắn rỏi, ánh mắt im lặng, sự im lặng dữ dội.

Tôi hơi phân vân chút là nên chào ông bằng gì. Ông sinh năm 1932 (có tài liệu ghi năm 1931). Tôi gọi bằng “ông” cũng được, nhưng đi làm việc mà xưng “ông”- “cháu” với hoạ sĩ thì cũng kỳ cục. Tôi quyết định chào ông bằng bác.

- Cháu chào bác ạ. Cháu là Dạ Thảo Phương, ở báo Lao Động…

Lê Công Thành thủng thẳng:

- Chào cô. Cô chào lại đi.

Bất ngờ đến lịm người, tôi hơi luống cuống.

- Dạ,… cháu chào… cháu chào ông ạ.

- Ông cháu gì! Mời cô chào lại.

Tôi nghĩ nhanh. “Ông”, “bác” đều “hỏng” rồi. “Anh” chắc chắn là không. Có lẽ chỉ còn “chú”.

Lê Công Thành như đọc được suy nghĩ của tôi:

- Tôi với cô họ hàng gì mà “anh”- “em”, “ông”/ “bác”/ “chú”- “cháu”?! Cô là nhà báo, mà sai ngay từ khâu xưng hô, vậy làm việc sao được.

- Dạ, cách xưng hô này là theo văn hoá giao tiếp thông thường của Việt Nam, chỉ là dùng bây giờ, khi trò chuyện ngoài đời. Còn khi viết bài đăng báo, cháu luôn gọi nhân vật mình phỏng vấn là “ông” hoặc “anh”, tự xưng “tôi” ạ.

- Lại “cháu”! Tôi có họ hàng gì với cô đâu. Cô xưng hô lại, còn nếu cô không biết xưng hô thế nào cho đúng thì chúng ta không làm việc được.

- Vâng, thưa ông, tôi hiểu rồi.

Ông có vẻ hài lòng, rót trà mời tôi, chậm rãi, trang trọng.

Tôi xin phép ghi âm.

Ông đồng ý.

*****

TƯỢNG ĐÀI

- Thưa ông, như tôi đã trao đổi với ông qua điện thoại, báo Lao Động đang làm một chuyên đề về hiện trạng tượng đài ở Việt Nam, và muốn xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này.

Ông trả lời tôi, giọng nhẹ nhàng, lịch sự:

- Đ.ị.t m.ẹ tượng đài.

Tôi bất giác nhăn mặt. Tôi không thích sự tục tĩu. Càng không nghĩ một người trông cốt cách nho nhã như ông, khó tính về từng từ xưng hô như ông lại nói một câu phản cảm như vậy. Đã đi làm mấy năm, tôi dần quen và chấp nhận việc một số văn nghệ sĩ có thói quen đệm tục trong trò chuyện, nhưng trong phỏng vấn thế này thì quá lắm. Tôi cố tình lấy giọng thật nghiêm trang, lịch sự, như một cách vạch rõ giới hạn:

- Thưa ông… Ý ông là…?

- Ý tôi là: Đ.ị.t m.ẹ tượng đài.

- Thưa ông, đây là cuộc phỏng vấn ghi âm và sẽ được dùng cho một bài báo in trên tờ Lao Động.

- Cô dùng vào việc gì là quyền của cô. Còn cô hỏi ý kiến tôi về tượng đài, thì ý kiến của tôi là vậy.

Giọng nói ông, lúc trước tôi còn cho là nhẹ nhàng, lịch sự, giờ thấy đó là khinh khỉnh. Nhớ ra, ông vẫn bị gọi là “dị nhân”, tôi quyết không bỏ về.

- Ông có thể giải thích rõ hơn về ý kiến này? Có phải ý của ông là, tượng đài hiện nay đang…

- Ý kiến của tôi chỉ vậy thôi: Đ.ị.t m.ẹ tượng đài.

- Tôi không thể ghi như thế lên mặt báo được.

- Đó là việc của cô.

Tôi ngồi đần, tưởng tượng đến gương mặt của ông sếp khó tính khi cô phóng viên mới toe báo cáo cuộc phỏng vấn đầu tiên đã bị phá sản rực rỡ. Không, tôi không thể quay về tay không. Có lẽ, ông sẽ có thái độ “hợp tác” khi cảm thấy thoải mái hơn với tôi chăng?

Tôi tắt máy ghi âm, từ tốn nhấp một ngụm trà. Trà của ông rất ngon. Tôi nói:

- Trà của ông rất ngon.

- Cô biết uống trà?

- Không, tôi không dám nhận như vậy ạ. Nhưng khi còn nhỏ, tôi từng phụ bà nội tôi ướp trà.

- Cô ướp trà gì?

Tôi kể vắn tắt kỷ niệm ướp trà hồi nhỏ. Ông nhìn tôi, mỉm cười mơ hồ, nhưng vẻ thiện cảm hiện rõ trên gương mặt. Tôi mừng.

- Cô Phương biết tại sao tôi mời cô đến nhà hôm nay không? Vài năm nay, tôi không tiếp xúc với báo chí. Tôi cũng không trò chuyện với người trong giới. Khi ra khỏi nhà, tôi chỉ nói chuyện với những người lao động chân tay, các chị lao công, các cô gái điếm… Họ rất đáng trọng. Cô là người đầu tiên tôi trò chuyện sau thời gian dài. Giọng cô. Khi nghe giọng cô, tôi cảm thấy như được mách bảo ngay là phải gặp cô.

- Dạ, tôi biết rằng mình rất may mắn được ông đồng ý gặp hôm nay. Cảm ơn ông dành cho báo Lao Động một cơ hội phỏng vấn.

- Cô ở báo Lao Động?

- Vâng, tôi đã giới thiệu ngay trong điện thoại.

Ông đăm đăm nhìn tôi, vẻ kì lạ, như cố nhớ một điều gì đó. Rồi không hiểu sao, ông thở dài.

- Ông có sẵn lòng quay lại cuộc phỏng vấn của chúng ta không? Lý do tôi đến gặp ông hôm nay là muốn phỏng vấn ông.

- Có chứ. Cô hỏi tôi cái gì cũng được.

Giọng ông mềm mại, thân tình. Tôi tiếp tục mừng.

- Thưa ông, ông có nhận xét như thế nào về tình trạng tượng đài hiện nay ở Việt Nam?

- Đ.ị.t m.ẹ tượng đài.

Tôi ngẩn người ra.

- Có vẻ, ông không hài lòng về chất lượng nghệ thuật nói chung của những tượng đài chúng ta đang có hiện nay? Hay ông không hài lòng về những gì xảy ra trong khi người ta thực hiện các dự án? Tượng đài thường là những công trình có giá trị kinh tế lớn, được thiết kế để tồn tại lâu dài ở nơi công cộng, là những điểm nhấn thị giác trong quy hoạch thành phố. Chất lượng nghệ thuật của tượng đài ảnh hưởng quan trọng và lâu dài đến bầu khí quyển thẩm mỹ của xã hội. Ông có cho rằng,…

- Tôi cho rằng: Đ.ị.t m.ẹ tượng đài.

- Bên cạnh ý kiến này, ông có…

- Bên cạnh nó không có gì nữa. Cô hỏi tôi bao nhiêu nữa, thay đổi cách hỏi như thế nào nữa, ý kiến tôi cũng chỉ vậy.

Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi ở báo Lao Động, cho chuyên mục quan trọng hàng đầu của tờ Lao Động Cuối Tuần. Tôi không thể về tay không. Vì vậy, tôi lại tắt ghi âm, uống trà.

Lê Công Thành hỏi:

- Gương mặt cô rất lạ. Giọng nói cũng lạ. Đã ai xem tướng cho cô chưa?

- Tôi nghĩ mình không có gì đặc biệt.

- Khi nào có dịp, tôi có thể nói cho cô.

Tôi mỉm cười, không trả lời ông. Ông im lặng uống trà, rồi hỏi:

- Cô họ Dạ? Tôi chưa thấy ai họ Dạ.

- Đây là bút danh, cũng là tên thường gọi của tôi ạ.

- Tôi có thể hỏi cụ nhà đặt tên khai sinh của cô là gì không?

- Tên khai sinh của tôi là Phan Thị Thanh Thuý. Nhưng tôi hầu như không dùng đến tên này.

- Chữ “Thuý” ý gì?

- Chữ “Thuý” trong “thuý thuý đồng” ạ.

Lê Công Thành có vẻ thích thú. Chúng tôi nói thêm một chút về thơ Nguyễn Trãi (Sau này tôi mới biết, ông từng sáng tác một bức tượng Nguyễn Trãi). Cuộc trò chuyện chuyển sang văn chương và triết học. Nói đúng hơn là ông nói, tôi nghe. Ông nói chuyện nhẩn nha, ít từ, nhiều khoảng lặng. Ông cho biết, đang viết sách, ghi lại những ngẫm ngợi của ông trong mấy năm “ở ẩn”, theo tôi hiểu thì đó là những ghi chép về triết học, mỹ học. “Tôi chưa cho ai xem, nhưng sẽ gửi cô xem”.

Thấy ông có vẻ có thiện cảm hơn, tôi lại lật đật mừng, lại lật đật đề nghị phỏng vấn tiếp, lại lật đật bật máy ghi âm. Rồi lại tiu nghỉu.

Tôi chuyện vãn thêm chút cho đúng phép lịch sự, rồi xin phép về.

Lê Công Thành tiễn tôi ra tận cửa, cử chỉ lịch thiệp, gần như là dịu dàng, như thể ông không liên quan gì đến cuộc phỏng vấn tuyệt vọng của tôi.

Về đến toà soạn, tôi ai oán thuật lại cuộc phỏng vấn cho sếp. Có lẽ đã biết tính Lê Công Thành, sếp không ngạc nhiên khi thấy cuộc phỏng vấn thất bại. Anh nhìn tôi như thể tôi rất ngu, không biết mình vừa được gặp ai.

Tôi dỡ ghi âm, khổ sở trăm bề mới chắp nối được một vài câu ông “lỡ” nói mà không phải là câu “đ.ị.t m.ẹ tượng đài”, làm được một ý kiến bé như bao diêm. Sếp trang trọng đóng khung “bao diêm”, treo vào chuyên đề.

*****

BỎ LỠ

Báo in, tôi gọi điện cho Lê Công Thành, nói sẽ gửi báo biếu về nhà cho ông. Ông bảo: “Xin cô cứ để ở toà soạn, tôi sẽ đến lấy và mang sách tới biếu cô”.

Ông tới thật. Mang theo một tập bản thảo in photocopy, đóng bìa xanh, và mời tôi tới nhà trò chuyện. Ông còn ghé toà soạn tìm gặp tôi một vài lần nữa, bao giờ cũng nhỏ nhẹ, đến mức người không biết có thể nhầm là rụt rè, chỉ nói một hai câu rồi đi luôn. Ông nhắc lại, tôi là người đầu tiên mà ông trò chuyện sau thời gian dài chỉ nói chuyện với những người lao động phổ thông. Tôi cũng chỉ nghe như vậy, cảm ơn ông, nhưng chưa bao giờ liên lạc lại. Với tôi, ông là một trong rất nhiều chuyên gia tôi gặp chỉ vì công việc. Sau thời gian kinh hoàng ở báo Văn Nghệ, tôi thầm kẻ một lằn ranh lạnh xung quanh thế giới công việc. Mà về khía cạnh công việc, ông là một trải nghiệm thất bại của tôi.

Tập bản thảo của ông, khi đó tôi có đọc qua, nhưng chỉ với đôi mắt thực dụng của một biên tập viên, một người trẻ cạn cợt, và nghĩ là không dùng gì được cho công việc. Đến giờ tôi vẫn không hiểu ông đã thực sự viết gì.

Bất ngờ với chính mình, kỷ niệm về cuộc phỏng vấn với ông cứ ở lại mãi trong trí nhớ của tôi, không chịu rời đi, và ngày càng trở nên sâu sắc.

Càng sống, tôi mới càng thấm thía, đó là một trong những cuộc gặp gỡ quý giá trong đời.

Giá trị lớn nhất của nghề báo, với cá nhân tôi, là có không ít cơ hội gặp các chuyên gia kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, được phép đặt câu hỏi cho họ. Với tôi, đó là những dịp để học hỏi, dần dần vỡ ra sự dốt nát của mình.

Khi phỏng vấn Lê Công Thành, tôi nghĩ chuyên đề về tượng đài cho số báo đó là việc quan trọng. Ông đã làm tôi thất vọng. Tôi từng tiếc đã dành nhiều thời gian đến vậy cho một cuộc phỏng vấn mà kết quả thu lại được chỉ là một mẩu ý kiến bé bằng bao diêm.

Nhưng sau này, tôi mới hiểu, cuộc phỏng vấn ấy đã trao cho tôi những bài học quan trọng hơn nhiều một chuyên đề đăng báo. Lê Công Thành, như một “Sensei”, bằng cái cách chẳng giống ai, đã gợi mở để tôi suy ngẫm, đặt câu hỏi và nhận ra những lối mòn giáo điều.

Ông thay đổi quan điểm của tôi về cách xưng hô – mà sâu xa hơn chính là cách quan hệ – trong giao tiếp xã hội, đặc biệt là trong môi trường chuyên môn. Cần phải có sự bình đẳng, bất kể tuổi tác, giới tính, vị trí xã hội. Đó mới chính là biểu hiện của sự chuyên nghiệp và tự trọng, tôn trọng lẫn nhau.

Câu trả lời phỏng vấn của ông, khi đó tôi cho phản cảm, tục tĩu. Nhưng rất nhiều năm sau này, khi đủ tự do nội tại để vượt qua những thành kiến trong ngôn ngữ, tôi mới thấy nó là một phát biểu cô đọng, khúc chiết, đầy đủ. Như Lê Công Thành nói, bên cạnh nó không cần có gì nữa hết. Đặt nó bên cạnh cuộc đời và trải nghiệm nghề nghiệp của ông, câu nói ấy dồn nén như một câu thơ.

Tiếc là khi đó, tôi còn quá trẻ người non dạ, suy nghĩ còn có những nông, hẹp, cạn cợt, sáo mòn, nên chưa hiểu được những điều này và đã bỏ qua một cơ hội gặp gỡ may mắn hiếm có của mình.

Lê Công Thành đã trò chuyện với tôi bằng giọng nói của một con người tự do. Còn tôi lại nghe ông với đôi tai đóng khung của một nhà báo công chức, một con người chưa trưởng thành, đầy sợ hãi và thương tổn thầm kín.

Nguồn ảnh: https://karllion.blogspot.com/2018/07/le-cong-thanh-cuoc-oi-va-su-nghiep.html