Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 20)

Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phan Văn Song
This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

V.6. Từ rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn) đến rạn Nhân Ái (bãi Cỏ Mây) – tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines trong những năm 1990

Sau khi quân đội Mĩ rút khỏi biển Đông, cục diện biển Đông đã thay đổi. Trước đó, đối kháng chỉ diễn ra ở phía tây biển Đông, tức là quần đảo Tây Sa và các đảo đá phía Tây đảo Thái Bình (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa. Sau này, điểm nóng tranh chấp biển Đông chuyển sang phía Đông, giáp Philippines. Có thể có một nguyên nhân khác, đó là cho đến năm 1986, Philippines do Marcos, “bạn thân của nhân dân Trung Quốc” cai trị nên hai bên có quan hệ tốt đẹp. Hơn thế, khi Trung Quốc và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Marcos đã đạt thỏa thuận ngầm, đó là không quan tâm nhiều đến việc Philippines kiểm soát và khai thác Trường Sa. Nhưng, năm 1986, Marcos bị phe Dân chủ lật đổ, đại diện phe Dân chủ “thân Mĩ” là bà Aquino lên nắm quyền. Bề ngoài, quan hệ Trung Quốc – Philippines vẫn tốt đẹp, nhưng nền tảng sự tin cậy lẫn nhau thời Marcos không còn. Sau khi hành động bành trướng của Trung Quốc về phía Việt Nam gặp trở ngại thì việc chuyển dịch sang phía Đông là điều hợp lí. Do đó, bắt đầu từ giữa những năm 1990, tiêu biểu qua sự kiện rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn), tranh chấp đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) và rạn Nhân Ái (bãi Cỏ Mây), tranh chấp biển Đông chuyển sang thời kì với đối kháng giữa Trung Quốc và Philippines là chủ yếu.

Sơ lược lịch sử rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn) và Nhân Ái (bãi Cỏ Mây)

Đá Vành Khăn nằm về phía Đông quần đảo Trường Sa (Hình 52), cách đảo Palawan khoảng 130 hải lí. Năm 1935, Trung Quốc đặt tên nó là đảo Nam Ác (南恶岛), đến năm 1947 mới đổi lại tên như hiện nay. Dân chài Trung Quốc gọi nó là “Song Môn”. Tên tiếng Anh của đảo này là Mischief Reef, Philippines gọi nó là Panganiban Reef. Đảo này được thuyền trưởng người Anh Henry Spratly phát hiện năm 1791, tên tiếng Anh của nó là từ tên thuyền viên người Đức, Heribert Mischief.[865]

Bãi Cỏ Mây còn được gọi là bãi ngầm Nhân Ái (cách gọi của Trung Hoa Dân quốc) hay đá Thomas thứ hai (Second Thomas Reef hoặc Second Thomas Shoal). Philippines gọi nó là Ayungin, Việt Nam gọi nó là bãi Cỏ May, còn ngư dân Trung Quốc gọi nó là “Đoạn Tiết”. Rạn san hô này nằm ở phía Đông quần đảo Trường Sa, cách đá Vành Khăn chừng 14 hải lí về phía Đông Nam, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 110 hải lí. Trước thế kỉ 19 chưa có ghi chép về sự phát hiện hay việc đi lại tới bãi Cỏ Mây. Cuối thế kỉ 18, người Anh phát minh ra dụng cụ đo kinh độ, năm 1795, Anh thành lập Cục đo đạc thuỷ văn hải quân (Hydrographic Office) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác đo đạc thuỷ văn. Đầu thế kỉ 19, Anh đã tổ chức các cuộc khảo sát và thám hiểm biển Đông trong 4 năm liên tiếp từ 1807 đến 1810: lần thứ nhất dọc bờ biển Trung Quốc, lần thứ hai ở quần đảo Hoàng Sa, lần thứ ba dọc theo vùng bờ biển Nam bộ Việt Nam, lần thứ tư nhằm vào đảo Palawan của Philippines. Bốn lần khảo sát đó về cơ bản đã nắm rõ tình trạng địa lí các đảo ở biển Đông. Bãi Cỏ Mây lần đầu tiên được ghi chép lại trong quá trình khảo sát này, và qua đó nó có tên là “Rạn Thomas thứ hai”.

Trong bản đồ mở mang cương vực lần thứ nhất năm 1935, Trung Quốc đặt tên bãi Cỏ Mây là “bãi Tāngmǔsī (Thomas) thứ hai” (湯姆斯第二灘: Thang Mỗ Tư đệ nhị than), rõ ràng là được phiên âm và dich theo hải đồ và tư liệu của Anh.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-112.png

Hình 52: Bản đồ phụ cận đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây

Bản thân đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây đều là “bãi triều thấp” (low tide elevation), chỉ nhô lên một phần khỏi mặt nước khi thuỷ triều xuống. Chúng tự tạo thành hai thể địa lí riêng biệt, không dính dáng gì với nhau. Theo “Công ước”, bãi triều thấp riêng lẻ không đủ tiêu chuẩn để có lãnh hải 12 hải lí, càng không thể có vùng đặc quyền kinh tế. Vì thế, mặc dù Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền ở đây, nhưng các nước này không có nhiều lợi ích kinh tế thực chất nếu căn cứ nghiêm ngặt vào “Công ước”.

Sau Thế chiến II, Pháp và Trung Quốc lần lượt tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa vào năm 1946 và 1947. Nhưng cả hai bên đều chưa đặt chân đến đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây. Năm 1947, Ty Phương vực Bộ Nội chính Trung Quốc xuất bản “Nam Hải chư đảo vị trí đồ” (Bản đồ vị trí các đảo biển Đông), trong đó tên gọi của bãi Cỏ Mây được đổi từ “Tangmusi thứ hai” thành “bãi ngầm Nhân Ái”. Đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây cũng được vẽ trong đường đứt đoạn. Chính quyền Bảo Đại của Việt Nam được thành lập năm 1949, tuyên bố rằng Việt Nam có chủ quyền tại tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1946, Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trước khi Lâm Tuân có hành động ở đó. Các bên không dàn xếp được tranh chấp, đành dùng phương thức “chưa quyết định” để tạm “gác” tranh chấp. Phạm vi tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và của Philippines đều bao gồm rạn Mĩ Tế và rạn Nhân Ái. Nhưng nhiều khả năng do chúng không quá nổi bật nên không có nước nào đem quân đến chiếm đóng trong những lần phân tranh quần đảo Nam Sa trước đó tính từ năm 1956.

Bắt đầu từ những năm 1980, Chính quyền Bắc Kinh tích cực chuẩn bị tiến vào Trường Sa. Năm 1983, Bắc Kinh đặt tên lại các đảo tại biển Đông. Bãi Cỏ Mây cũng được đặt tên là Nhân Ái trong thời gian này. Năm 1987, Trung Quốc tổ chức tàu khảo sát khoa học tiến vào biển Đông. Khi đó, các đảo chính của quần đảo Nam Sa đều có quân đội của các nước khác, vì thế Trung Quốc nhắm tới các đảo đá không có quân đội nước khác trú đóng. Đợt khảo sát này bao gồm 10 bãi đá trong đó có đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây, và trên các đảo được đặt các mốc đánh dấu.

Sự kiện rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn) lần thứ nhất

Năm 1992, Mĩ rút quân khỏi Philippines, đưa lại cơ hội hiếm có để Trung Quốc bành trướng sang phần phía đông của biển Đông. Năm 1994, Philippines giao cho Công ti Alcorn Petroleum của Philippines tiến hành đánh giá tiềm năng của một khu vực biển ngoài đảo Palawan, dẫn đến phản đối từ phía Trung Quốc. Đây được coi là cái cớ để Trung Quốc quyết tâm ra tay với Philippines.[866]

Lần này, Trung Quốc không huy động tàu quân sự mà thay bằng tàu ngư chính. Dùng thủ đoạn “dân sự” thay “quân sự” để chiếm lĩnh, cũng có thể giảm bớt nguy cơ leo thang trong trường hợp xảy ra xung đột. Tháng 8/1994, Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải Quảng Đông là Lưu Quốc Quân nhận điện thoại từ Cục trưởng Cục Ngư nghiệp Bộ Nông nghiệp Trác Hữu Chiêm, yêu cầu ông này lập tức đến Bắc Kinh. Sau khi đến Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Diên Hỷ trực tiếp nói với Lưu Quốc Quân rằng, để làm nổi bật sự hiện diện của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa, Trung ương quyết định xây dựng các khu trú ẩn cho tàu đánh cá trên rạn Mĩ Tế, do Lưu phụ trách. Đây là nhiệm vụ chính trị phải chấp hành vô điều kiện.[867]

Ngày 29/12/1994, trong lúc Philippines dừng tuần tra trong mùa gió thì đội tàu ngư chính với tàu chỉ huy 1000 tấn Ngư Chính 31 đã đến đá Vành Khăn bắt đầu xây dựng nhà giàn bằng xi măng cốt thép đúc sẵn, ngoài ra còn có 4 thuyền cá tham gia vào công trình xây dựng này. Tàu khảo sát khoa học Hướng Dương Hồng 14 cũng đến đá Vành Khăn sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán. Tàu ngư chính số 31 phụ trách công tác cảnh giới ngoài rạn đá.

Khoảng 10/1/1995, Trung Quốc chặn tàu đánh cá Analita của Philippines ở vùng biển Vành Khăn, giữ tàu này một tuần, rồi đuổi tàu này khỏi khu vực Vành Khăn. Ngày 17/1, một tàu cá Philippines với 12 ngư dân tiến đến đá Vành Khăn, do chạy tốc độ nhanh nên tàu Trung Quốc không ngăn kịp đã tiến vào đầm phá . Sau khi vào trong đầm phá, tàu cá Philippines bị tàu Ngư chính 31 bắt giữ, kiểm tra và đuổi đi.[868] Sau khi về đến Philippines, tàu cá đã tố cáo hành vi của Trung Quốc trước báo chí, điều này khiến Chính phủ Philippines phải cảnh giác trước hành động của Trung Quốc. Ngày 2/2, Philippines đưa tàu tuần tra và máy bay trinh sát đến đá Vành Khăn để kiểm tra. Khi máy bay trinh sát tiến hành chụp ảnh đá Vành Khăn ở độ cao thấp thì người Trung Quốc ném các thứ như chai bia vào máy bay, trong đó có một chai bia ném trúng đuôi máy bay. Rất may không ai thương vong nhưng máy bay đành quay trở về.

Ngày 8/2, Tổng thống Philippines Ramos có bài phát biểu thông báo rằng Bộ Quốc phòng xác nhận đã phát hiện một tàu Trung Quốc gần rạn Panganiban (tức đá Vành Khăn) trên quần đảo Kalayaan (quần đảo Trường Sa – ND) và ông chỉ thị Bộ Ngoại giao thực hiện các hành động ngoại giao thích hợp, đồng thời nhắc nhở Trung Quốc rằng “những hành động do những người liên quan đến nước CHNDTH thực hiện là không phù hợp với Luật quốc tế cũng như tinh thần và ý định ‘Tuyên ngôn Manila’ của các nước ASEAN về vấn đề biển Đông, thông qua năm 1992. Philippines (và Trung Quốc) đều là nước kí “Tuyên ngôn” này.[869] Ngày hôm sau, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Davila cho các phóng viên xem các bức không ảnh do máy bay Philippines chụp tại Vành Khăn, cho thấy Trung Quốc đã xây dựng 4 công trình kiên cố có cắm quốc kì Trung Quốc tại đó.[870] Ngày 15/2, Ramos đọc một bài diễn văn dài, lên án mạnh mẽ Trung Quốc và tái khẳng định đá Vành Khăn thuộc về Philippines; ông cho rằng đây không phải là sự việc riêng giữa hai nước Trung Quốc và Philippines, mà còn ảnh hưởng đến an ninh và ổn định trong toàn bộ khu vực biển Đông; đồng thời biểu thị thái độ không loại trừ việc đưa vấn đề tranh chấp Nam Sa ra giải quyết tại Liên hiệp quốc.[871] Sự việc này không chỉ làm dấy lên phản đối từ Philippines mà Việt Nam cũng liên tiếp đưa ra hai tuyên bố trong hai ngày 9 và 10, cho rằng hành vi của Trung Quốc mang tính nghiêm trọng, Việt Nam nghiêm khắc phản đối sự việc này.

Trước sự việc này, ngày 9/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời:

Ngành ngư chính địa phương Trung Quốc xây dựng một vài chỗ trú ẩn cho tàu đánh cá trên rạn Mĩ Tế nhằm bảo vệ tính mạng và an toàn sản xuất của ngư dân hoạt động trong vùng biển Nam Sa”.[872] Thậm chí Trung Quốc còn giải thích với Philippines rằng việc chiếm đóng là do “các cán bộ cấp dưới ‘ra lệnh mà không báo cáo với Chính phủ và chưa được Chính phủ cho phép’”.[873]

Ngày 21/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines thăm Bắc Kinh và thảo luận về vấn đề biển Đông với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kì Tham. Tiền Kì Tham nêu rõ: “Lãnh đạo hai nước đã đạt được sự hiểu biết cao về tranh chấp Nam Sa, tức là biện pháp ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’, coi đây là con đường giải quyết vấn đề tốt nhất”.[874] Hai bên cho rằng những khác biệt cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán song phương.

Mặc dù Trung Quốc có thái độ ngoại giao mềm mỏng, nhưng lại có thái độ cứng rắn trong việc xây dựng đá Vành Khăn. Philippines không đủ năng lực và cũng không dám ngăn cản mà chỉ đưa quân đội đến trú đóng trên các bãi Cỏ Rong, Sa Bin (Tiên Tân), Hải Sâm (Ngũ Phương), Suối Ngà (Tín Nghĩa) và Bán Nguyệt (Trăng Khuyết) vào ngày 25/3, phá bỏ các cột mốc do Trung Quốc cắm khi tiến hành khảo sát khoa học tại biển Đông (Philippines gọi đây là các cột mốc do nước ngoài để lại nhưng không rõ quốc tịch) trong những năm 1980, đồng thời cho xây dựng các cột mốc của nước mình.

Ngày 25/3, Philippines bắt giữ 4 tàu cá Trung Quốc (Quỳnh Hải 00406, 00488, 00308, 00373) tại đảo Tiên Nga, cách rạn Mĩ Tế hơn 30 hải lí, với lí do các tàu này đánh bắt cá trái phép, giam giữ tổng cộng 62 thuyền viên, mãi đến ngày 30/9 mới được thả; còn 4 chủ thuyền được thả vào ngày 26/1 năm sau.[875] Ngoài việc phản đối, trao đổi ngoại giao và trợ giúp pháp lí cho ngư dân trước hành động của Philippines, Trung Quốc không có hành động nào hơn, vì trọng tâm của Trung Quốc là đá Vành Khăn. Đây có thể coi như một sự thỏa hiệp và thừa nhận ngầm với Philippines.

Ngày 12/5, Philippines tổ chức một đoàn 38 nhà báo nước ngoài và Philippines đến đá Vành Khăn bằng tàu thuê tư nhân, được tàu đổ bộ Bengate và tàu tuần tra Miguel Marsoy (?) của Philippines hộ tống. Xuất phát từ Palawan tiến vào đá Vành Khăn và đến vùng biển Vành Khăn vào sáng ngày 13. Chiến hạm Philippines cố tiến để đổ bộ lên đá Vành Khăn, nhưng bị tàu Ngư chính 34 của Trung Quốc ngăn cản nên không thể vào gần đá Vành Khăn được.

Được biết, khi đó Trung Quốc đã ra lệnh, nếu không ngăn cản được thì có thể đâm chìm tàu cá Philippines, bịt lối vào chính của đá Vành Khăn (tàu Ngư chính 34 có trọng tải 500 tấn).[876] Cuối cùng, tàu thuê phải neo đậu ở bên ngoài, một máy bay trực thăng đã chở các nhà báo bay trên đá Vành Khăn để chụp ảnh. Hai bên giằng co nhau suốt 7 tiếng đồng hồ, sau đó Philippines mới rời khỏi đá Vành Khăn. Trung Quốc phản đối gay gắt nhưng không có hành động gì thêm.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không nhượng bộ và Philippines cũng không thể làm gì khác dù có ưu thế về dư luận. Hải quân Philippines rất lạc hậu, chỉ có thể đối phó với buôn lậu. Vì vậy, dù Trung Quốc ở rất xa đá Vành Khăn và hành động cũng chỉ hạn chế bằng tàu ngư chính, nhưng nếu không có sự bảo hộ của Mĩ thì Philippines không thể nào đối đầu bằng vũ lực. Hơn thế, Mĩ cũng không muốn Philippines làm to chuyện. Ngày 22/6, Uỷ ban công tác ngoại giao Thượng nghị viện Mĩ thông qua quyết nghị đề nghị Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei tự kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực để mở rộng chủ quyền tại biển Đông, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực Đông Á.[877]

Ngày 30/7, trong cuộc đối thoại Trung Quốc – ASEAN tại Brunei, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kì Tham một lần nữa nhượng bộ: (1) Đồng ý đàm phán đa phương với ASEAN về vấn đề biển Đông, đây là bước lùi so với lập trường kiên quyết đàm phán song phương của Trung Quốc trước đó; (2) Trung Quốc biểu thị ý nguyện đàm phán theo tiêu chuẩn của Luật quốc tế; (3) Đảm bảo không can dự vào tự do hàng hải tại biển Đông.[878] Trừ Philippines, ba lập trường đó về cơ bản thỏa mãn yêu cầu của các nước ASEAN cũng như các nước ngoài khu vực như Mĩ, Nhật Bản. Các quốc gia ASEAN bày tỏ sự hài lòng. Trong bối cảnh Mĩ không ủng hộ việc làm to chuyện và các đồng minh ASEAN cũng tỏ thái độ hòa hoãn, Philippines đành chấp nhận thực tế.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-113.png

Hình 53: Ba thế hệ nhà giàn ở đá Vành Khăn

Từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 8, trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Anh Phàm đến Manila thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines về vấn đề biển Đông. Hai bên nhất trí không sử dụng vũ lực, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ bình thường giữa hai nước, giải quyết bằng thương lượng hòa bình hữu nghị, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Philippines không nhắc lại yêu cầu đòi Trung Quốc rút khỏi đá Vành Khăn. Sự việc tạm dừng tại đó, Trung Quốc đã tìm thấy chỗ đứng đầu tiên ở phía Đông biển Đông.

Lịch sử sơ lược đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough)

Tiếp sau sự kiện đá Vành Khăn là sự kiện đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough), tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines đã mở rộng từ quần đảo Trường Sa sang bãi Scarborough ở phía Bắc. Đây cũng là tranh chấp lãnh thổ thứ ba sau tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, hơn thế nó còn ảnh hưởng rất lớn đến cục diện biển Đông trong tương lai.

Scarborough không phải là một “đảo”. Nó là rạn san hô cách đảo Luzon của Philippines 240 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc gần 900 km, cách Trung Sa khoảng 350 km. Đại bộ phận đảo nằm dưới mặt nước, chỉ có một số mỏm đá nhô lên khỏi mặt nước. Tên gọi quốc tế của nó là Scarborough Shoal, Đài Loan (Trung Hoa dân quốc) gọi nó là “rạn Sikabolei” (斯卡伯勒: Tư tạp bá lặc – phiên âm của Scarborough) (năm 1935)[879] và “rạn Dân Chủ” (năm 1947). Năm 1983 Bắc Kinh mới đổi tên nó thành đảo Hoàng Nham. Đối với Trung Quốc, nó được coi là một phần của quần đảo Trung Sa (Macclesfield). Đây là kiểu cách phân định chỉ có một trên thế giới. Bãi ngầm Macclesfield (tức phần chính của “quần đảo Trung Sa”), đảo Hoàng Nham, bãi ngầm Hiến Pháp (bãi ngầm Truro) và các bãi ngầm khác đều cách nhau rất xa, về cơ bản, giữa chúng đều là biển nước sâu, về mặt địa lí chúng cũng không thuộc cùng một hệ thống. Hơn thế, trong “quần đảo Trung Sa” chỉ có duy nhất bãi cạn Scarborough là có thể nhô khỏi mặt nước biển. Bắc Kinh đặt tên nó là đảo Hoàng Nham, đại loại để nâng cao địa vị pháp lí của nó và thậm chí của quần đảo Trung Sa (từ bãi cạn nâng lên thành đảo).

Khác với đảo Điếu Ngư (Sankaku), Hoàng Sa và Trường Sa… dù Trung Quốc có tiếng phong phú về tư liệu lịch sử, nhưng trước thế kỉ 20, không có ghi chép nào về đảo Hoàng Nham trong kho tàng sử sách đồ sộ của Trung Quốc.[880] Về mặt tài liệu, Trung Quốc chỉ biết đến đảo Hoàng Nham sớm nhất là vào cuối thế kỉ 19 từ các bản đồ biển của phương Tây.[881] Có thể nói, trước thời kì hiện đại, Trung Quốc không có chút liên hệ nào đến đảo Hoàng Nham.[882]

Theo như tác giả được biết, bài báo sớm nhất trong báo chí Trung Quốc liên quan đến đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) là bài viết về tranh cãi Trung – Nhật từ năm 1907-1909, đăng trên “Tạp chí Đông phương” năm 1909. Bài báo miêu tả rằng khi đó Trung Quốc không biết vị trí chính xác của hòn đảo mà người Nhật khai thác(tức đảo Pratas [Đông Sa]) và cho rằng nó nằm trong khoảng 14° vĩ Bắc, nhưng khi tra bản đồ mới phát hiện ra không có đảo nào ở vị trí đó, chỉ có “một địa điểm nhỏ chếch về phía đông bắc, nhô khỏi mặt nước 3 thước (xích)”.[883] Mặc dù bài báo không nhắc đến tên đảo, nhưng dựa vào vị trí kinh vĩ tuyến có thể biết bãi cạn nhỏ đó chính là đảo Scarborough. “Bây giờ muốn chứng minh chỗ đất này thuộc nước nào, chỗ đất đó vẫn nằm phía nam Luzon, cách xa bờ biển Trung Quốc hàng nghìn dặm, nếu lấy đó làm căn cứ cho nó thuộc Trung Quốc thì không nước nào có thể nghe theo.”[884] Theo báo cáo của Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn thì nơi này (chỗ đất bị hiểu lầm là đảo nhỏ) “cách Quảng Đông rất xa, khó có thể coi đó là đất đai của Quảng Đông”.[885] Có thể thấy, vào lúc đó Scarborough không thuộc Trung Quốc.

Ngược lại, Scarborough rất gần Philippines, nhiều khả năng dân bản địa Philippines là người phát hiện ra đảo này sớm nhất. Trong thế kỉ 18, Scarborough đã xuất hiện trên bản đồ do người Tây Ban Nha xuất bản; giữa thế kỉ 18, người Tây Ban Nha lại đặt tên cho nó là Masingloc (tức Masinloc). Năm 1792, các nhà khoa học Tây Ban Nha tiến hành khảo sát đảo Scarborough, làm rõ địa hình của nó. Năm 1800, tàu tuần tiễu quân sự Santa Lucia nhận lệnh của nhà đương cục Manila, tiến hành thăm dò lại Scarborough lần nữa. Từ đó về sau, bản đồ Tây Ban Nha và các nước khác luôn thể hiện đảo đó thuộc Philippines. Năm 1866, khi có tàu bị mắc cạn ở Scarborough, chính quyền Philippines thuộc Tây Ban Nha cử người đi cứu hộ. Vì vậy khi đó, Philippines thuộc Tây Ban Nha đã có ý định chủ quyền và kiểm soát hiệu quả đảo Scarborough.[886]

Tuy nhiên, năm 1898, sau Chiến tranh Mĩ - Tây Ban Nha, Scarborough đã “bị biến mất” trong cuộc chuyển giao giữa Mĩ và Tây Ban Nha; trong “Điều ước Paris” (Treaty of Paris) thông qua năm 1898, Tây Ban Nha chuyển nhượng Philippines (và Puerto Rico) cho Mĩ,[887] tại điều 3 phạm vi các đảo và vùng biển của Philippines được vẽ dưới dạng các đường kinh tuyến và vĩ tuyến nối với nhau (gọi tắt là đường ranh giới điều ước), đảo Hoàng Nham nằm đúng ngay tại kinh độ 118° E ở về phía Tây, không nằm trong phạm vi chuyển nhượng. Hiện tại chưa tìm được hồ sơ giải thích tại sao khi đó lại xử lí như vậy, nhưng đường ranh giới này cũng không bao gồm một số đảo mà Mĩ cho rằng phải có trong đó. Vì vậy hai bên lại kí kết “Điều ước Washington” 1900 (Treaty Washington, 1900), tức Điều ước bổ sung “việc chuyển nhượng các quần đảo xa của Philippines” (Cession of Outlying islands of Philippines). Điều ước quy định, những vùng đất của Philippines thuộc Tây Ban Nha nằm ngoài đường ranh giới thể hiện trong Điều ước cũng đều được chuyển nhượng cho Mĩ. Vì thế, về pháp lí, nếu như trước năm 1898, Tây Ban Nha có chủ quyền đối với Scarborough thì chủ quyền đó cũng đã được nhượng lại cho Mĩ theo Điều ước này. Tuy nhiên, điều quan tâm chính của Mĩ khi đó là các đảo thuộc Sulu và Sibutu, Scarborough không nằm trong mối quan tâm của họ.[888]

Lãnh thổ Philippines được diễn giải trong Hiến pháp Philippines năm 1935 như sau::

ARTICLE The National Territory

Section 1. The Philippines comprises all the territory ceded to the United States by the Treaty of Paris concluded between the United States and Spain on the tenth day of December, eighteen hundred and ninety-eight, the limits which are set forth in Article III of said treaty, together with all the islands embraced in the treaty concluded at Washington between the United States and Spain on the seventh day of November, nineteen hundred, and the treaty concluded between the United States and Great Britain on the second day of January, nineteen hundred and thirty, and all territory over which the present Government of the Philippines Islands exercises jurisdiction.[889]

(Điều 1: lãnh thổ quốc gia (phần này được viết bằng tiếng Trung)

Lãnh thổ Philippines bao gồm toàn bộ phạm vi được xác định trong khoản 4 điều 3 “Điều ước Paris” được kí kết giữa Mĩ và Tây Ban Nha ngày 10/12/1898; toàn bộ các đảo được xác định trong “Điều ước Washington” được kí kết giữa Mĩ và Tây Ban Nha ngày 7/11/1900; toàn bộ các đảo được Mĩ và Anh xác định trong Điều ước 2/1/1930 cùng tất cả lãnh thổ hiện do Chính phủ Philippines thực thi quyền tài phán.)

Trung Quốc cho rằng bản Hiến pháp này nhấn mạnh “Điều ước Paris”, và theo dường ranh giới điều ước thì Scarborough đã bị loại ra.[890] Nhưng, theo phân tích phía trên, “Điều ước Washington” cùng “tất cả lãnh thổ hiện do Chính phủ Philippines thực thi quyền tài phán” trong văn bản hiến pháp đều có thể giải thích rằng Scarborough đã bao hàm trong đó, hơn nữa Philippines thời kì thuộc Mĩ đã thực sự thực thi quyền tài phán đối với Scarborough.

Trong thời kì thuộc Mĩ, thái độ của Philippines đối với Scarborough là hết sức mơ hồ. Một mặt, Philippines vẫn có chứng cứ kiểm soát Scarborough. Ghi chép tỉ mỉ nhất chính là sự kiện ngày 8/5/1913, khi một tàu Thụy Điển mang tên Nippon bị mắc cạn tại bãi Scarborough, Cục Hải vụ Manila Philippines (Bureau of Navigation) đã đưa tàu cảnh vệ biển Mindoro ra cứu hộ.[891] Sau đó, một công ti trục vớt và công ti bảo hiểm đã kiện về việc phân chia hàng hóa của tàu Thụy Điển được trục vớt. Vụ kiện lần đầu tiên được xét xử tại Tòa án Quận 1 của Manila, và sau đó được kháng cáo ở tòa án tối cao, tên hồ sơ vụ kiện là Erlanger & Galinggev v. The Swedish East Asiatic Co., GR No.L-10051.[892] Sự việc đó thể hiện đầy đủ quyền quản lí của Philippines đối với khu vực Scarborough: Thứ nhất, Philippines cung cấp dịch vụ trục vớt đối với tàu gặp nạn tại địa điểm này; thứ hai, Philippines thực hiện quyền quản lí tư pháp đối với vụ đắm tàu ​​xảy ra ở khu vực biển này. Hai điểm này đủ cho thấy Philippines có quyền kiểm soát thực tế đối với Scarborough, đồng thời cũng cho thấy có ý định chủ quyền ở mức độ nhất định.

Mặt khác, Mĩ lại chưa công nhận chủ quyền của Philippines đối với Scarborough. Điều này có thể thấy được từ hai khía cạnh. Trước hết, kể từ năm 1900, hầu như tất cả các bản đồ của Philippines do Hoa Kì xuất bản đều không bao gồm, thậm chí có thể nói là đã cố tình loại Scarborough ra. Các bản đồ này thường có bốn dạng: một dạng vẽ ranh giới của Philippines, loại bỏ rõ ràng Scarborough, ví như bản đồ quân sự năm 1944;[893] dạng thường thấy nhất có các biểu bảng ghi chú, kí hiệu và bản đồ phóng to được đặt nằm ở góc phía Tây đảo Luzon và phía Bắc đảo Palawan che khuất Scarborough, ví như bản đồ Philippines năm 1911;[894] dạng thứ ba là không có bảng, biểu gì đặt tại phía Tây đảo Luzon và phía Bắc đảo Palawan cả, người Mĩ thích vẽ khu vực này thành vùng trống chứ không vẽ thêm bãi Scarborough vào, ví như bản đồ Philippines năm 1909;[895] dạng thứ tư mặc dù có vẽ Scarborough nhưng không ghi rõ đó là của Philippines, ví như bản đồ năm 1908[896], Philippines có tô màu nhưng bãi Scarborough lại không có màu và vùng Sabah cũng không được tô màu. Vì vậy, không có cách nào để từ màu sắc kết luận rằng bãi Scarborough thuộc về Philippines. Theo những gì tác giả thấy được, trong nửa đầu thế kỉ 20 không có bản đồ Philippines nào vẽ hoặc thể hiện rõ Scarborough thuộc Philippines, hoàn toàn khác so với bản đồ Philippines thế kỉ 19.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-114.png

Hình 54: Bản đồ Philippines (1944)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-115.png

Hình 55: Bản đồ Philippines (1911)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-116.png

Hình 56: Bản đồ Philippines (1909)

Philippines còn tuyên bố, những bản đồ mà Philippines thống kê được vào năm 1918 đều có vẽ đảo Scarborough. Tra cứu 4 tập bản đồ do Philippines thống kê thì thấy, Scarborough chỉ xuất hiện trên hai tập bản đồ toàn quốc (Map of Philippines Islands và Relief map).[897] Nhưng cách vẽ của hai tập bản đồ này không chứng minh được Scarborough thuộc Philippines: thứ nhất, trên bản đồ có vẽ đường ranh giới điều ước, Scarborough nằm bên ngoài đường ranh giới này (giống như Hình 54); thứ hai, không dùng màu hoặc phương thức biểu thị nào cho thấy đảo Hoàng Nham thuộc Philippines; thứ ba, trong bản đồ cũng có vẽ đảo Đông Sa (Pratas) có màu và cách biểu thị giống như đảo Scarborough, nhưng Pratas rõ ràng không thuộc về Philippines. Trên bản đồ tỉnh Zambales lại không vẽ đảo Scarborough. Cũng có người nói rằng bản đồ thống kê dân số Philippines năm 1939 (Census of the Philippines) có thể hiện Scarborough. Tra cứu lại đại bộ phận tư liệu gốc trong 7 quyển 3 tập[898] đều không phát hiện thấy cái gọi là bản đồ toàn thể Philippines, và bản đồ tỉnh Zambales (đảo Scarborough thuộc tỉnh này về mặt quy hoạch hành chính) cũng không có Scarborough. Theo tìm hiểu của tác giả về bản đồ Philippines thời đó thì dù có tấm bản đồ như vậy cũng chỉ là loại tương tự như bản đồ năm 1918, không có cách nào chứng minh ý đồ chủ quyền của Philippines đối với Scarborough.

Thứ hai, trong khoảng thời gian 1937-1938, Philippines thời thuộc Mĩ đã từng tiến hành thảo luận chi tiết về vấn đề chủ quyền đảo Scarborough. Khi đó, để phòng trước một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nhật Bản ở biển Đông, chính phủ đã thảo luận về việc liệu nước này có nên tuyên bố chủ quyền đối với đảo Scarborough và triển khai các lực lượng phòng thủ trên đó hay không. Cuối năm 1937, trợ lí hành chính (administrative assistant) Cao Uỷ Hoa Kì tại Philippines (US High Commissioner to the Philippines) Kha Y (Wayne Coy) đã tham khảo ý kiến ​​của Cục trưởng Cục đo lường lục địa và bờ biển Mã Hách (Captain Thomas Maher): đã có nước nào tuyên bố chủ quyền rạn Hoàng Nham (Scarborough Shoal – 斯卡伯勒礁) hay không? Maher trả lời ông không có thẩm quyền xử lí những việc liên quan đến chủ quyền, nhưng ông biết rằng vào năm 1800 tàu Santa Lucia của Tây Ban Nha đã từng đo đạc rạn Scarborough: “nếu việc đo đạc này có thể giúp Tây Ban Nha có được chủ quyền, hoặc được các nước khác công nhận chủ quyền thì có vẻ rạn đá đó nên coi là thuộc lãnh thổ của Tây Ban Nha, và do đó được chuyển nhượng cho Mĩ theo Điều ước 7/11/1990”.[899]

Vài tháng sau, Jorge B. Vargas, Bộ trưởng điều hành (Executive Secretary) của Tổng thống Philippines đã hỏi Wayne Coy về tình trạng chủ quyền bãi Scarborough, và đưa ra ý kiến: “Nếu phía Mĩ không phản đối thì Chính phủ Liên bang có thể sẽ tuyên bố chủ quyền (đảo này)”.[900] Wayne Coy chuyển ý kiến này đến Bộ Ngoại giao Hoa Kì. Tháng 6, trong thư gửi Bộ trưởng Chiến tranh Ngũ Đức Lâm (Harry Woodring), Ngoại trưởng Mĩ Hi Nhĩ (Cordell Hull) viết: “Ngoài thông tin trong tài liệu đính kèm, Bộ Ngoại giao không có thông tin gì khác về mặt chủ quyền của rạn Scarborough. Dù rạn san hô này dường như nằm ngoài đường ranh vẽ theo Điều 3 của Điều ước Paris ngày 10/12/1898 giữa Mĩ và Tây Ban Nha, nhưng vì không có chính phủ nào khác tuyên bố chủ quyền đối với nó, nó có thể được coi là một trong các đảo được chuyển nhượng theo Điều ước Mĩ - Tây Ban Nha ngày 7/11/1900”. Ông cũng biểu thị thái độ không phản đối kế hoạch của chính phủ liên bang Philippines nghiên cứu giá trị của hòn đảo trước khi xem xét tuyên bố chủ quyền chính thức, đồng thời đề nghị Bộ Chiến tranh và Bộ Thương mại cũng tiến hành nghiên cứu giá trị của hòn đảo này.[901] Trong những tháng tiếp theo, cả Bộ Chiến tranh và Bộ Thương mại đều tiến hành nghiên cứu việc này và biểu thị thái độ không phản đối kế hoạch đó. Tuy nhiên, ngay khi chính phủ liên bang Philippines chuẩn bị hành động thì Nhật Bản tấn công biển Đông và Trường Sa, Scarborough không còn giá trị chiến lược, và kế hoạch tuyên bố chủ quyền chính thức của Philippines đối với đảo Scarborough theo đó phải kết thúc ngang. Những bàn thảo trước đó chỉ được lưu hành trong nội bộ chính phủ dưới dạng một bản ghi nhớ.[902]

Mĩ và Philippines đã tốn gần một năm để nghiên cứu vấn đề Scarborough, hiệu quả có thể nói là không cao. Điều đó liên quan tới việc Mĩ luôn đánh giá thấp giá trị chiến lược của đảo Scarborough. Trọng tâm thảo luận của Mĩ và Anh thời đó về phòng thủ quân sự ở biển Đông là quần đảo Trường Sa và đã vài lần cùng bí mật tiến hành thăm dò khảo sát.[903]

Xem xét cả quá trình bàn thảo thì thấy, mặc dù năm 1938, Philippines và Mĩ đã khẳng định về mặt pháp lí rằng đảo Scarborough có thể là lãnh thổ thuộc Philippines, nhưng trước đó Philippines cũng chưa xác định rõ đó là lãnh thổ của mình. Đây là điều nhất quán với việc đảo Scarborough không được vẽ trong tuyệt đại bộ phận bản đồ Philippines do Mĩ ấn hành.

Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu thảo luận đó, Mĩ và Philippines rõ ràng đều không biết rằng đảo Scarborough đã được Trung Quốc được đưa vào lãnh thổ của mình trong bản đồ mở mang cương vực năm 1935. Chính vì vậy mà các học giả Philippines tin rằng Philippines đã đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Scarborough và cũng đã được Mĩ tán đồng.[904] Nhưng thực tế thì quá trình thảo luận đó chỉ giới hạn trong nội bộ chính phủ, không thể sánh ngang với các tài liệu công khai tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trong Thế chiến II, Nhật Bản đã từng chiếm đóng Philippines. Trong thời kì Nhật chiếm, trên bản đồ do Nhật xuất bản, đảo Scarborough được xem như thuộc về Philippines. Chẳng hạn trong “Bản đồ phần đại Đông Á chuẩn” (Hình 41)[905] quần đảo Trường Sa (Nhật gọi là quần đảo Xinnan [Tân Nam]) và Philippines được tách bằng một đường đứt đoạn và hướng của đường đứt đoạn chắc chắn chỉ ra đảo Scarborough thuộc về Philippines. Nhưng sau Chiến tranh, dù là bản đồ do Mĩ hay Philippines xuất bản thì kiểu dáng của bản đồ Philippines đều được khôi phục như cũ.

Tóm lại, nửa đầu thế kỉ 20, dù trên bản đồ do Mĩ hoặc Philippines xuất bản hoặc trong nhận thức của chính quyền thực dân Mĩ thì đảo Scarborough đều không thuộc Philippines. Trong quá trình chuyển giao Philippines từ Tây Ban Nha sang Mĩ, đảo Scarborough trên thực tế đã “bị đánh mất”. Mặc dù trong khoảng thời gian này, Philippines có xử lí một số việc thể hiện quyền quản lí đối với đảo Scarborough, nhưng lại chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền đối với nó. Đây chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến tranh chấp đảo Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines sau này.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-117.png

Hình 57: “Trung H oa Dân quốctân địa đồ” do Thân báo xuất bản năm 1934

Phần lớn các bản đồ Trung Quốc trước năm 1935 chưa có đảo Scarborough (xem Bản đồ năm 1934 do Thân báo xuất bản – Hình 57). Năm 1935, qua bản đồ mở rộng cương vực lần thứ nhất, đảo Scarborough đã được đưa vào lãnh thổ Trung Quốc với tên gọi “rạn Sīkǎbāluò (斯卡巴洛 [Tư-ca-ba-lạc] – phiên âm của Scarborough” như một phần của quần đảo Nam Sa (sau này là quần đảo Trung Sa) (xem phần II.8). Các bản đồ được xuất bản sau đó mới thêm đảo Scarborough vào (Xem Bản đồ năm 1936 do Thân báo xuất bản – Hình 58). Việc một cơ quan cấp dưới vốn chỉ là nơi chịu trách nhiệm thẩm định các ấn phẩm bản đồ lại khẳng định rằng Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (và quần đảo Trường Sa) chỉ bằng cách liệt kê tên hòn đảo trong một ấn phẩm liệu có đáp ứng các yêu cầu của luật pháp quốc tế hay không, đó là vấn đề đáng đặt dấu hỏi. Hơn thế, Trung Quốc không hề thực thi hành động nào đối với đảo này sau đó. Như đã trình bày ở trên, ngay cả Mĩ là nước liên quan mật thiết trong thời kì đó cũng không biết (hoặc không cho rằng) Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với đảo Scarborough.

Năm 1947, Trung Quốc thực hiện hành động “thu hồi” các đảo tại biển Đông, nhưng hành động “thu hồi” của Lâm Tuân cũng không đụng tới Scarborough. Năm 1948, Ty phương vực thuộc Bộ Nội chính của Chính phủ Quốc dân xuất bản “Bản đồ vị trí các đảo biển Đông”, tiến hành mở rộng cương vực lần thứ hai, vẽ đường 11 đoạn, đảo Hoàng Nham nằm trong vùng có đường đứt đoạn đó. Đồng thời, Trung Quốc tiến hành đặt tên mới cho các đảo, trong đó, đảo Scarborough được đổi tên thành rạn Dân Chủ. Nhưng về mặt kiểm soát hiệu quả, Chính phủ Dân quốc không những không thực hiện được việc thu hồi đảo Scarborough bằng hành động, mà ngay cả sau Thế chiến II, hải quân Mĩ đã sử dụng đảo Scarborough làm bãi bắn bia, tiến hành luyện tập định kì tại đây, chính phủ Dân quốc cũng không biểu thị thái độ phản đối. Tuy nhiên, quân đội Mĩ không quan tâm tới vấn đề chủ quyền của đảo Scarborough, khiến cho vấn đề chủ quyền của đảo này vẫn mơ hồ như trước.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-118.png

Hình 58: “Bản đồ Quảng Đông” trong “Tập bản đồ Trung Quốc” do Thân báo xuất bản năm 1936

Sau khi giành được độc lập, Philippines yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nhưng trong các tuyên bố khác nhau từ năm 1946 đến những năm 1970, phạm vi lãnh thổ mà Philippines đề xuất vẫn không bao gồm đảo Scarborough. Một tư liệu năm 1974 của Cục Tình báo CIA Mĩ cũng xác nhận Philippines chưa có chủ quyền đối với đảo Scarborough.[906] Mãi đến 11/6/1978, Philippines ban hành Lệnh 1599 về “Vùng đặc quyền kinh tế và mục đích của nó”[907] thì đảo Scarborough mới nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (xem Hình 30). Các bản đồ của Philippines xuất bản trước những năm 1990 cũng không vẽ Scarborough trong ranh giới.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Philippines không có hành động thể hiện chủ quyền đối với đảo Scarborough. Ngược lại, có một số ví dụ cho thấy rằng Philippines đã từng thực hiện quyền quản lí đối với đảo Scarborough từ năm 1946 đến đầu những năm 1990:

(1) Năm 1957, Philippines và Mĩ đã cùng đo đạc đảo Scarborough. Đồng thời, Mĩ cũng đã thông báo trước cho Đài Loan và Việt Nam, nhưng chỉ có Philippines là nước duy nhất tham gia hoạt động này.

(2) Năm 1947, Mĩ và Philippines kí kết “Hiệp ước về căn cứ quân sự” (1947 Military Bases Agreement).[908] Sau đó, Philippines đã nhiều lần tham gia diễn tập ném bom trên đảo Scarborough cùng quân đội Mĩ. Từ những năm 1960-1980, mỗi lần tiến hành diễn tập, Philippines đều thông qua cơ quan sự vụ biển của Liên Hiệp quốc (UN International Maritime Organization) ra thông báo hàng hải (Notices to Mariners), yêu cầu tàu thuyền rời khỏi vùng biển xung quanh đảo Scarborough.[909]

(3) Năm 1961, dưới sự chỉ huy của đại tá Antonio P. Ventura, Cục đo đạc đất đai và bờ biển Philippines (Philippines Coast and Geodetic Survey) tiến hành đo đạc và khảo sát Scarborough trong thời gian 4 ngày, và cũng lắp đặt thiết bị đo lường thuỷ triều và hải lưu trên một khối đá tại đây.[910]

(4) Tháng 10/1963, hải quân Philippines phát hiện các nhóm buôn lậu từ Ma Cao và Đài Loan đã cấu kết với người Philippines lấy đảo Scarborough làm căn cứ để buôn lậu đến Philippines. Cách làm cụ thể là người buôn lậu Trung Quốc vận chuyển hàng hóa đến đảo Scarborough, sau đó người Philippines tiếp tục chuyển đến đảo Luzon. Do Philippines và Mĩ sơ suất trong phòng chống nên nhóm buôn lậu Trung Quốc và Philippines thậm chí còn xây dựng 2 kho chứa hàng và một số cơ sở cầu cảng. Philippines dùng không quân và hải quân tấn công, ném bom đảo Scarborough, bắt một số trong nhóm buôn lậu, và tiêu huỷ những công trình xây dựng trên đảo (Hình 59 – phía trên, bên phải).[911]

(5) Các vụ buôn lậu tương tự đã bị phát hiện vào tháng 3/1964. Philippines quyết định tăng cường tuần tra đảo Scarborough. Năm 1965, Philippines dựng cột cờ cao hơn 8m trên đảo và treo cờ Philippines, đồng thời xây dựng một trạm đèn biển. Từ đó về sau, hoạt động buôn lậu qua đảo Scarborough giảm đi rất nhiều.[912]

(6) Năm 1992, sau khi Mĩ rút quân khỏi Vịnh Subic, Philippines xây dựng lại trạm đèn biển ngay trong năm đó, và báo cáo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế để đăng kí.. Tàu quân sự và cảnh vệ Philippines liên tục tuần tra tại đảo Scarborough và các vùng biển lân cận.[913]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-119.png

Hình 59: Ghi chép hoạt động của Philippines tại Hoàng Nham thời kì đầu sau Thế chiến II

- Bản đồ trong “Philippine Fisheries” năm 1952 (bên trái);

- Những ghi chép về đảo Scarborough (bên phải, phía dưới);

- Báo địa phương đưa tin công trình xây dựng của nhóm buôn lậu bị tiêu huỷ (bên phải, phía trên).

Những sự việc đó cho thấy sau Thế Chiến II, Philippines Philippines đã kiểm soát hiệu quả đảo Scarborough và thể hiện chủ quyền của mình đối với nó. Chính phủ Trung Quốc (cả Đài Loan lẫn Đại lục) đều không phản đối những hành động kể trên của Philippines.

Cần phải chỉ ra rằng mặc dù Philippines đã kiểm soát Scarborough ở mức độ cao, nhưng do đảo nằm xa nội địa nên Philippines quản lí không nghiêm ngặt, Nhìn chung, Philippines không kiểm soát được hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước khác tại vùng Scarborough (đây là lí do tại sao nó được sử dụng làm căn cứ cho buôn lậu). Tuy nhiên, những hành động mà Philippines thực hiện có thể được coi như một cách quản lí hiệu quả.

Ngoài ra, ngư dân Philippines có mối quan hệ mật thiết với đảo Scarborough hơn ngư dân Trung Quốc. Theo như các tài liệu ghi chép có liên quan, Philippines đã ghi đảo Scarborough là ngư trường của người Philippines trong thống kê nghề cá đầu những năm 1950 (Philippines Fisheries, 1952, 1953) (Hình 59, bên phải, phía dưới), bản đồ nghề cá cũng có vẽ đảo Scarborough trong đó (Hình 59, bên trái).[914] Sau đó cũng có những chứng cứ về hoạt động liên tục của ngư dân ở vùng đó.[915] Trái lại, không có ghi chép nào về việc ngư dân Trung Quốc đến đảo Scarborough trong sách “Canh lộ bạ”. Sau giải phóng, Trung Quốc có lệnh cấm đánh bắt cá dài hạn ở biển Đông cho đến năm 1984 mới kết thúc, ngư dân Trung Quốc mới đến đảo Scarborough để đánh bắt cá sau đó.

Trước khi Cách mạng văn hóa kết thúc, cả Đại lục lẫn Đài Loan đều không có ghi chép gì về đảo Scarborough. Sau Cách mạng văn hóa, Trung Quốc có ý đồ khai thác biển Đông. Tháng 10/1977 và tháng 6/1978, Viện Nghiên cứu Hải dương Nam Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã hai lần tổ chức hoạt động nghiên cứu tại Scarborough. Tháng 4/1985, đoàn khảo sát tổng hợp do chi cục biển Đông thuộc Cục Hải dương quốc gia tổ chức đã đến đảo Scarborough tiến hành hoạt động khảo sát tổng hợp. Năm 1994, đoàn khảo sát khoa học biển Đông đến khảo sát đảo Scarborough. Các hoạt động khảo sát này không xin phép Philippines nhưng cũng không vấp phải trở ngại nào. Thậm chí trong cuộc khảo sát năm 1994, các nhà khoa học Trung Quốc còn dựng bia xi măng kỉ niệm cao 1m trên đảo làm vật biểu tượng của Trung Quốc.[916]

Ngoài ra, năm 1984, Trung Quốc đặt lại tên cho các đảo ở biển Đông, qua văn kiện công khai đổi tên rạn Dân Chủ thành đảo Hoàng Nham.[917] Philippines không có phản ứng trước việc này. Cũng tương tự như vấn đề hai bản đồ mở rộng cương vực: nếu nước ngoài không phản ứng kịp thời những văn kiện đã được phát hành công khai ở Trung Quốc nhưng không được thông báo chính thức về mặt ngoại giao, thì liệu điều đó có tương đương với việc ngầm thừa nhận những nội dung những văn kiện này không?

Philippines có thái độ khác nhau đối với vấn đề đảo Scarborough và quần đảo Trường Sa, có lẽ xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, trước năm 1992, đảo Scarborough thực tế do Mĩ và Philippines chiếm đóng và sử dụng, không có tranh chấp (rõ ràng). Nói một cách nghiêm ngặt, trước năm 1992, trong những dịp khác nhau, Trung Quốc có nêu rõ chủ quyền đối với “quần đảo Trung Sa”, nhưng định nghĩa về “quần đảo Trung Sa” của quốc tế và Trung Quốc không giống nhau, hơn nữa Trung Quốc cũng không chính thức thương thảo với Mĩ và Philippines về vấn đề chủ quyền, Philippines thậm chí có thể không biết cái gọi là “đảo Hoàng Nham” chính là bãi cạn Scarborough.

Thứ hai, đảo Scarborough quá nhỏ để có đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước quốc tế. Ngay cả hiện nay, không thấy nó có giá trị nào khác ngoài ngư nghiệp.

Thứ ba, Philippines còn có một lập luận cho rằng, đảo Scarborough là một phần của căn cứ hải quân Vịnh Subic cho thuê; năm 1992, khi quân Mĩ rút đi đã trao trả đảo Scarborough cho Philippines.[918] Tuy nhiên, kiểu lập luận này không có căn cứ.

Chủ quyền đảo Scarborough luôn trong luôn trong tình trạng mơ hồ. Sau năm 1992, Philippines tăng cường kiểm soát Scarborough, bắt đầu tuần tra thường xuyên đảo này. Năm 1994, sau khi “Công ước Luật biển quốc tế” có hiệu lực, Philippines công bố quyền quản lí các vùng biển xung quanh đảo Scarborough. Nhưng tại thời điểm đó, Philippines vẫn chưa tuyên bố chủ quyền đối với đảo Scarborough.


[865] http://www.globalsecurity.org/military/world/war/spratly-conflict.htm, nhưng cũng có thuyết nói tên đó khởi nguồn từ một thương thuyền Mĩ Mischief, năm 1854 đi qua khu vực Nam Sa rồi phát hiện và đặt tên cho rạn đá này, xem https://wikipedia.org/wiki/Talk:mischief_Reef#A_question.

[866] SFPIA, p.85.

[867] biển Đông! biển Đông! tr.36.

[868] Nam Hải! Nam Hải! tr.50-51.

[869] Đại sự kí, Tr.273-274. Nguyên văn như sau: nhưng thực tế Trung Quốc không phải nước kí “Tuyên ngôn Manila”, tức là “Tuyên ngôn ASEAN về biển Đông”

[870] Mưa gió Nam Hải, tr.324.

[871] Đại sự kí, tr.275-277.

[872] Đại sự kí, tr.274.

[873] Xem bài phát biểu của Ramos ngày 15/2/1995, dẫn từ “Đại sự kí”, tr.276.

[874] Đại Sự kí, tr.276-277.

[875] Nam Hải! Nam Hải! tr.72, 106-119.

[876] Hạ Tổng Vạn: Kí sự khảo sát khoa học đảo Mĩ Tế ở Nam Sa, Báo Hải Dương Trung Quốc, 24/7/2004.

[877] Mưa gió Nam Hải, tr.342.

[878] Mưa gió Nam Hải, tr.344-347.

[879] Cách viết chính thống là đảo Hoàng Nham (rạn Dân Chủ).

[880] Lịch sử bị bóp méo của biển Đông, tr.214-247, 473-475

[881] Trần Thọ Bành (dịch): Ghi chú bản đồ các vùng sông biển hiểm yếu của Trung Quốc, tập 1, quyển 1, chùm sách sông biển, Thư cục Quảng Văn, 1900. tr.10.

[882] Lịch sử bị bóp méo của biển Đông, tr.473-475.

[883] Ghi chép thực về vấn đề đảo Đông Sa Quảng Đông, Tạp chí Đông Phương, số 4, năm thứ 6, 1909, tr.63.

[884] Như trên.

[885] Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn phúc đáp Bộ Ngoại giao đảo Đông Sa là tên gọi cũ của nước ta, có nhiều ghi chép bằng hình vẽ, Sử liệu ngoại giao Triều Thanh Tuyên Thống, quyển 2, hồ sơ đảo, 6-2 (nhuận), năm Tuyên Thống thứ nhất.

[886] Lịch sử bị bóp méo của biển Đông, tr.475-485.

[887] United States. Dept. Of State, Charles Irving Bevans (1986). Treaties and other international agreements of the United States of America, 1776-1949, p.616.

[888] Lịch sử bị bóp méo của biển Đông, tr.485-489.

[889] http://www.gov.ph/constitutions/the-1935-contitution/

[890] Chung Thanh: Trung Quốc có đầy đủ chủ quyền pháp lí đối với lãnh thổ đảo Hoàng Nham, Nhân dân nhật báo, 9/5/2012, http://paper.people.com.cn/rmrb/2012-05-09/nw.D110000renmrb_20120509_1-03.htm

[891] Sự việc cụ thể do tòa án ghi chép có ghi tại đây, http://www.chanrobles.com/scdecisions/jurisprudence1916/mar1916/gr_1-10051_1916.php. Ngoài ra, tham gia cứu trợ còn có tàu chở bưu phẩm “hiệu Mãn Châu” (Manchuria) của Mĩ, xem: The Evening News, 1913/06/17 High Seas Made Impossible Launching of Boat, page 3.

[892] Như trên.

[893] Army Map Service, A.M.S. 5305, Philippines Islands, 1944.

[894] The Philippines, the land of palm and pines, compiled by John Bach, Manila, 1911.

[895] Philippines Islands, Ordnance Survey Office, Southampton, 1909.

[896] Caspar Hodgson, map of the Philippines Islands, US Library of Congress (catalog no. 2013590196), See Map 58 in the website http://www.imoa.ph/imoaweebexhibit/

[897] Census of the Philippines Islands: 1918, Vol.I, p.72. Bureau of Printing, Manila, 1920.

[898] Philippines Commission of the Census of the Philippines: 1939, Bureau of Printing, Manila, 1940.

[899] http://www.imoa.ph/bajo-de-masinloc-scarborough-shoal-less-known-facts-vs-published-fiction/. Nguyên văn: “If this survey would confer title on Spain or be a recognition of sovereignty, or claim for same without protest, the reef would apparently be considered as part of Spanish territory the transfer of which would be governed by the treaty of November 7, 1900”.

[900] Nt (như trên), nguyên văn: “The Commonwealth Government may desire to claim title thereto should there be no objection on the part of the United States Government to such action.”

[901] Nt. Nguyên văn: “This Department has no information in regard to the ownership of the shoal other than that which appears in the file attached to the letter under reference. While the shoal appears outside the limits of the Philippine archipelago as described in Article III of the American-Spanish Treaty of Paris of December 10, 1898, it would seem that, in the absence of a valid claim by any other government, the shoal should be regarded as included among the islands ceded to the United States by the American-Spanish treaty of November 7, 1900 .”

[902] Francois-Xavier Bonnet, Geopolitics of Scarborough Shoal, Irasec’s Discussion Papers #14,2012, pp.9-10.

[903] David Hancox and Victor Prescott, Secret Hydrographic Surveys in the Spratly Islands, Ascan Academic Pr Ltd, 1999.

[904] Như trên.

[905] Shiz Serizawa: Bản đồ Đại Đông Á chuẩn mực, năm Thiệu Hòa 18.

[906] https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP85T00875R000600040012-5.pdf, p.12

[907] Sưu tập Điều ước luật, tr.69-71.

[908] https://www.loc.gov/law/help/us-treaties/bevans/b-ph-ust000011-0055.pdf

[909] Janus Bondoc, Scarborough is Phl, antique maps show, http://www.philstar.com.opinion/2014/10/29/1385631/scarborough-phl-antique-mapsshow-2. Tham khảo thêm, Justice Antonio T. Carpio, Historical Facts, Historical Lies, and Historical Rights in the West Philippine Sea. http://plj.upd.edu.ph/wpcontent/uploads/2015/03/88-03-G-Historical-Facts-Historical-Lies-and-Historical-Rights-in-the-West-PhiIippine-Sea.pdf

[910] http://www.imoa.ph/bajo-de-masinloc-scarborough-shoal-less-known-facts-vspublished-fiction/

[911] Francois-Xavier Bonnet, Geopolitics of Scarborough Shoal, Irasec's Discussion Papers #14,2012, p. 19.

[912] Francois-Xavier Bonnet, Geopolitics of Scarborough Shoal, Irasec's Discussion Papers #14,2012, p. 20.

[913] Quan điểm của Philippines về Bajo de Masinloc (Bãi cạn Scarborough) và các vùng biển lân cận, http://www.gov.ph/2012/04/18/philippine-position-on-bajo-de-masinlocand-the-waters-within-its-vicinity/

[914] D.V. Villadolid, Philippine Fisheries (1952). Bureau of Fisheries. Chapter 8, Principal Marine Fisheries, p.88 (bản đồ trang 81). Cũng có trong ấn bản năm 1953, p.121.

[915] Andres M Mane, Status, Problems and Prospects of the Philippine Fisheries Industry, Philippine Farmers' Journal, (1960 Dec), Volume II no.4, p.34.

[916] Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ pháp lí chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham, Nhân dân nhật báo, 9/5/2012, http://paper.people.com.cn/rmrb/html/2012/05/09/nw.D110000renmrb_20120509_1-03.htm

[917] Cách gọi chính thức là đảo Hoàng Nham (rạn Dân Chủ).

[918] Philippines position on Bajo de Masinloc (Scarborough Shoal) and the waters within its vicinity, http://www.gov.ph/2012/04/18/philippine-position-on-bajo-de-masinloc-andthe-waters-within-its-vicinity/