Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

“Nexus: Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ Nhân tạo” của Yuval Noah Harari

Lê Hồng Lâm

 

 

Ông Yuval Noah Harari này quả thật là bậc thầy kể chuyện, không kém gì nàng “Scheherazade” của “Nghìn lẻ một đêm” trong thế giới của non-fiction.

Từ cuốn sách Sapiens: Lược sử loài người ra mắt năm 2016 đã bán được tổng cộng 25 triệu bản trên toàn thế giới, biến ông trở thành tác giả viết non-fiction ăn khách nhất hiện nay, mỗi tác phẩm của Harari đều được độc giả đón đợi, nhờ tài năng dẫn dắt, phân tích và thậm chí “thao túng” của ông.

Nexus: Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ Nhân tạo, cuốn sách vừa mới xuất bản của Harari cũng ngay lập tức trở thành một hiện tượng. Bản dịch tiếng Việt ra mắt gần như đồng thời với Mỹ, đến nay sau hơn một tháng cũng đã bán được hơn 20.000 bản và vẫn tiếp tục được nối bản. Chứng tỏ số lượng fan của ông ở Việt Nam cũng thật đáng nể.

Tôi đọc cuốn này trong mấy buổi sáng cà phê liền, từ quán cà phê bình dân gần nhà cho đến cái view thần thánh trên tầng 62 của khách sạn Vinpearl Landmark 81 Autograph Collection, quả thực đọc “cuốn” không buông xuống được, dù đôi lúc cũng hoa mắt chóng mặt trước lượng thông tin đồ sộ và có cảm giác bị ông tác giả này “dắt mũi” và thao túng.

Khả năng dẫn dắt độc giả của Harari có được là nhờ khối lượng kiến thức đồ sộ của ông từ lịch sử cho đến triết học, từ những thiên sử thi cổ xưa dài hàng ngàn trang cho đến những tác phẩm văn chương, phim ảnh kinh điển phản ánh lịch sử tiến hóa của loài người…

Nexus – nói một cách ngắn gọn là câu chuyện về cách mà những mạng lưới thông tin đã kiến tạo và đồng thời cũng phá hủy thế giới này, trải qua 100.000 năm của loài Sapiens.

Nexus nhìn lịch sử loài người qua lăng kính dài để xem xét dòng chảy thông tin đã đưa chúng ta đến ngày nay như thế nào. Ông đã xem xét mối quan hệ phức tạp giữa thông tin và sự thật, quan liêu và huyền thoại, trí tuệ và quyền lực. Ông cũng đề cập đến những lựa chọn cấp bách mà chúng ta phải đối mặt khi AI xuất hiện.

Harari cho rằng, với các thế hệ gần đây, nhân loại đang trải qua quá trình gia tăng số lượng và tốc độ sản xuất thông tin lớn nhất từ trước đến nay. Một chiếc điện thoại thông minh chứa nhiều thông tin hơn toàn bộ Thư viện Alexandria cổ đại và cho phép người sở hữu chúng kết nối ngay tức thì với hàng tỉ người khác trên thế giới. Nhưng với tất cả lượng thông tin đang được lưu hành ở một tốc độ ngoạn mục, nhân loại cũng đang tiến gần hơn bao giờ hết đến điểm tự hủy diệt.

Vậy sở hữu nhiều thông tin hơn giúp mọi thứ tốt hơn hay tồi tệ đi? Ông cho rằng chúng ta sẽ sớm biết câu trả lời. Nhiều tập đoàn và chính phủ đang chạy đua để phát triển thứ công nghệ thông tin vĩ đại nhất trong lịch sử: AI. Đây cũng là chủ đề chính và chiếm nhiều đất nhất trong cuốn sách tầm vóc này.

Một vài doanh nhân hàng đầu hiện nay, như nhà đầu tư người Mỹ Marc Andreesson tin rằng AI cuối cùng sẽ giải quyết mọi vấn đề của nhân loại và đưa ra tuyên bố táo bạo như, “Tôi ở đây để mang lại tin tốt lành: AI sẽ không hủy diệt thế giới và trên thực tế sẽ cứu rỗi thế giới và “AI có thể biến mọi thứ chúng ta quan tâm trở nên tốt đẹp hơn”.

Nhưng một số khác vẫn còn nhiều hoài nghi. Không chỉ giới triết gia và các nhà khoa học xã hội mà nhiều chuyên gia và doanh nhân AI hàng đầu như Yoshua Bengio, Geoffrey Hinton, Sam Altman, Elon Must và Mustafa Suleyman đã cảnh báo công chúng rằng AI có thể phá hủy nền văn minh nhân loại. Một bài báo năm 2024 do Bengio, Hinton và nhiều chuyên gia khác đồng tác giả nhắc rằng những tiến bộ AI không được kiểm soát có thể dẫn đến hậu quả tột điểm là sự mất mát quy mô lớn về sinh mạng và sinh quyển, khi nhân loại bị gạt ra ngoài lề hay thậm chí đối mặt với nguy cơ tuyệt diệt.

Trong một cuộc khảo sát với 2.778 nhà nghiên cứu AI trong năm 2023, hơn một phần ba số người đã ghi nhận ít nhất 10% khả năng các hệ thống AI tiên tiến sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ như sự tuyệt chủng của con người. Vào năm 2023, gần 30 chính phủ, bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Anh, đã ký Tuyên bố chung Bletchley về AI, trong đó thừa nhận “có khả năng xảy ra tổn hại nghiêm trọng, thậm chí là thảm khốc, dù cố ý hay vô ý, xuất phát từ năng lực tiềm tàng trọng yếu của các mô hình AI”. Dù sử dụng các thuật ngữ mạt thế, các chuyên gia và chính phủ không hề muốn gợi lên một viễn tưởng điện ảnh Hollywood với những robot sát nhân chạy trên đường phố và bắn phá lung tung. Một kịch bản như vậy là bất khả thi, và nó chỉ làm mọi người phân tâm khỏi những mối nguy hiểm thực sự.

Thay vào đó, các chuyên gia cảnh tỉnh về hai kịch bản khác nhau như sau:

Kịch bản đầu tiên là quyền năng của AI sẽ gia tăng mọi xung đột hiện có của con người, chia rẽ nhân loại chống lại chính mình. Cũng như trong thế kỷ 20, khi Bức màn sắt phân rẽ các cường quốc đối địch trong Chiến tranh Lạnh, thế kỷ 21 là câu chuyện của Bức màn Silic – tạo thành từ những vi mạch silic và mã máy tính thay vì dây thép gai – có thể sẽ chia rẽ các cường quốc trong một cuộc xung đột toàn cầu mới. Vì cuộc chạy đua vũ trang AI sẽ sản sinh ra những thứ vũ khí có sức hủy diệt hơn bao giờ hết, ngay cả một tia lửa nhỏ cũng có thể châm ngòi cho một trận hỏa hoạn ác nghiệt.

Kịch bản thứ hai là Bức màn Silic không chỉ chia rẽ những nhóm người với nhau mà chia rẽ chính con người với những bá vương AI mới. Dù sống ở đâu, chúng ta sẽ nhận ra mình đang bị bao khỏa trong một mạng lưới những thuật toán không thể hiểu thấu, song lại quản lý cuộc đời của chúng ta, định hình lại chính trị và văn hóa của chúng ta và thậm chí tái cấu trúc cơ thể và tâm trí của chúng ta – tất cả diễn ra khi chúng ta còn không thể lĩnh hội thế lực đang điều khiển chúng ta là gì, chứ đừng nói đến việc ngăn cản chúng. Một mạng lưới chuyên chế phiên bản thế kỷ 21 chinh phạt thế giới thành công, mạng lưới này sẽ do một trí tuệ phi nhân vận hành chứ không phải một nhà độc tài bằng xương bằng thịt. Những người chỉ đích danh Trung Quốc, Nga hoặc một nhà nước hậu dân chủ như là gốc gác của cơn ác mộng chuyên chế của họ đang hiểu sai về hiểm họa rình rập. Thực tế là người Trung Quốc, người Nga hay người Mỹ, và tất cả nhân loại đang bị đe dọa bởi tiềm năng chuyên chế của một trí tuệ phi nhân.

Harari đưa ra lời cảnh báo rằng AI là thứ công nghệ đầu tiên trong lịch sử có thể tự quyết và kiến tạo ý tưởng mới. Các phát minh trước đây chỉ trao quyền năng cho con người, bởi dẫu công cụ có mạnh mẽ tới đâu đi nữa thì quyết định sử dụng chúng ra sao luôn nằm trong tay chúng ta. Dao kéo và tạc đạn không tự giết được ai. Chúng là thứ công cụ câm lặng, thiếu thốn trí tuệ cần thiết để xử lý thông tin và quyết định độc lập. Ngược lại, AI sở hữu trí tuệ cần thiết để làm những điều đó, vậy nên hoàn toàn có thể thay thế con người để ra quyết định. AI không phải là một công cụ, nó là một tác tử (agent).

Ông viết: “Sự tinh thông về thông tin AI cũng khiến chúng có thể sáng tạo ra những ý tưởng độc lập, trong nhiều lĩnh vực dàn trải từ âm nhạc cho đến y học. Máy hát đĩa có thể chơi âm nhạc của chúng ta, và kính hiển vi có thể tiết lộ những bí mật về tế bào của chúng ta, nhưng máy hát đĩa không sáng tạo ra các bản giao hưởng mới, và kính hiển vi thì không thể tổng hợp các loại thuốc mới. Song AI thì có năng lực sáng tạo nghệ thuật và tự đưa ra các khám phá khoa học. Vài thập niên nữa thôi, chúng thậm chí có khả năng tạo ra thể dạng sinh linh mới, dù bằng cách tự viết mã di truyền hay phát kiến ra các loại mã vô cơ để thổi sinh khí cho những thực thể vô cơ.

Và không chỉ có đời sống con người chúng ta đang bị đánh cược. AI sẽ không chỉ thay đổi tiến trình lịch sử của loài người, mà còn thay đổi cả sự tiến hóa của mọi sinh thể khác”.

*

Trong đoạn cuối sách, có tiêu đề là “Sự tuyệt chủng của những kẻ thông minh nhất”, Harari viết:

“Giờ hãy trở lại câu hỏi tôi đã đặt ra ở đầu cuốn sách này: Nếu tinh khôn đến thế, hà cớ gì chúng ta lại “tự hủy” đến thế? Chúng ta vừa là loài thông minh nhất, vừa là loài ngu ngốc nhất trên Trái đất. Chúng ta thông minh đến mức có thể làm ra tên lửa hạt nhân và các thuật toán trí tuệ. Chúng ta ngu ngốc đến mức tiếp tục tạo ra những sản phẩm này trong khi không biết chắc rằng mình có thể kiểm soát được chúng hay không và việc không thể kiểm soát được chúng có thể hủy hoại chúng ta. Tại sao chúng ta làm như vậy? Có phải có điều gì đó trong bản tính của con người buộc chúng ta phải đi vào con đường tự hủy diệt?”.

Ông chốt lại rằng, qua hơn bốn tỉ năm, những cơ chế đột biến và tự điều chỉnh phức tạp hơn bao giờ hết đã dẫn đến sự tiến hóa của cây cối, khủng long, những khu rừng rậm và cuối cùng là con người. Bây giờ chúng ta lại triệu hồi một thứ trí tuệ vô cơ khác lạ, có khả năng thoát khỏi sự kiểm soát của chính chúng ta và gây nguy hiểm không chỉ cho chính loài người mà còn vô số thể dạng sống khác. Những quyết định mà tất cả chúng ta đưa ra trong những năm tới đây sẽ định đoạt liệu rằng việc triệu hồi thứ trí tuệ khác lạ này là một sai lầm vô cùng tận, hay là trang khởi đầu của một chương mới đầy hi vọng trong quá trình tiến hóa của sự sống.