Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (14)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phạm Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史

黎蝸藤

CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM

ĐÀI BẮC-2017

IV.9. Hải chiến Trung-Việt ở Hoàng Sa và hậu quả của nó

Trước năm 1974, Trung Quốc và Nam Việt Nam nói chung đều giữ thái độ kiềm chế ở Hoàng Sa, không có xung đột quân sự trực tiếp. Như trình bày ở phần trước, điều này phần lớn có liên quan đến sự có mặt của quân Mĩ ở biển Đông, Nhưng sau khi bước vào những năm 1970, đã xuất hiện hai thay đổi lớn. Thứ nhất, năm 1971 Tổng thống Mĩ Nixon thăm Trung Quốc, phá bỏ thành công tảng băng giữa Mĩ và Trung Hoa cộng sản. Hai nước đều dựa vào nhu cầu của mình để điều chỉnh lập trường, cùng chống Liên Xô. Lợi dụng thời kì trăng mật này, Trung Quốc đã có thể mở rộng địa bàn ở biển Đông. Thứ hai, và quan trọng hơn, do chiến sự Việt Nam bất lợi và phong trào phản chiến trong nước lên cao, tháng 11/1968 Mĩ tuyên bố ngừng ném bom Bắc Việt Nam, kết thúc “Chiến tranh Cục bộ”. Sau đó, các bên bắt đầu vừa đánh vừa đàm. Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Nixon công bố chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, từng bước rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Ngày 27/1/1973, bốn bên (Bắc Việt, Mĩ, Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) kí hiệp định hòa bình tại Paris. Mĩ chính thức rút khỏi Việt Nam, để lại mớ hỗn độn cho chính phủ Nguyễn Văn Thiệu của Nam Việt, và cũng không còn nghĩa vụ bảo vệ Hoàng Sa. Đối với Mĩ, tăng cường quan hệ với Trung Quốc phù hợp lợi ích chiến lược là giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh hơn là duy trì một chính quyền Nam Việt đã làm họ thất vọng và mệt mỏi.

Dù Nam Việt đã tiếp nhận một số tàu chiến khi quân Mĩ rút đi nhưng những tàu chiến này đều là tàu tuần duyên cũ của Mĩ, hỏa lực mạnh nhất sử dụng trong Hải chiến Hoàng Sa (HQ-16) không ngoài một khẩu pháo nòng 127 ly.[573] Hơn nữa, với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên quân sự, không được huấn luyện đầy đủ, khó có khả năng trong thời gian rất ngắn có thể thực sự hình thành sức chiến đấu. Trên thực tế, do thiếu quân, Nam Việt đang dần giảm bớt quân trú đóng ở các đảo phía Tây của Hoàng Sa. Cuối năm 1973, chỉ để lại quân đóng trên đảo Hoàng Sa (San Hô), quân trên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền) và đảo Quang Ảnh (Kim Ngân) đều được rút hết, chỉ duy trì sự kiểm soát phía Tây của Hoàng Sa qua các cuộc tuần tra theo lệ. Việc thiếu vắng binh lực Nam Việt trở thành điều kiện có lợi để Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa.

Bắc Việt thời gian này ở vào tình thế chính trị rất tế nhị. Trong chiến tranh Việt Nam, Bắc Việt được hai nước Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ. Nhưng Liên Xô và Trung Quốc bất hòa trong một thời gian dài, việc chọn bên của Bắc Việt Nam rất quan trọng. Sau khi Hồ Chí Minh thuộc phe có truyền thống thân Trung Quốc qua đời, phe thân Liên Xô của Lê Duẩn lên nắm quyền, đã bằng mặt không bằng lòng với Trung Quốc. Nhưng thời gian này, Bắc Việt vẫn công nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, hơn nữa trong chiến tranh Việt Nam cũng vẫn dựa vào sự giúp đỡ của Trung Quốc, và không áp dụng hành động thực chất nào ở Hoàng Sa. Còn Liên Xô khi đó không có binh lực ở biển Đông vốn đã bị Mĩ kiểm soát, cũng không tạo thành trở ngại đối với việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa. Những nhân tố này đã tạo thành thời cơ ngắn ngủi hiếm hoi để Trung Quốc đánh chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1973, lợi dụng cơ hội ngừng bắn, Nam Việt đã tăng cường khai thác biển Đông, liên tiếp kí hợp đồng với các công ti dầu khí của Âu, Mĩ để khai thác dầu khí ở biển Đông. Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nam Việt Lê Công Chất công bố lệnh: theo quyết định của Nội các ngày 1/9, điều chỉnh đưa các đảo ở Trường Sa vào xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.[574]

Đối với Nam Việt, quần đảo Trường Sa từ lâu đã được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy, lần này chỉ là một điều chỉnh nhỏ về hành chính, nhưng việc này lại đúng dịp trở thành thời cơ để Trung Quốc thực hiện hành động. Trung Quốc không ứng ngay lập tức, nhưng trên thực tế đã chuẩn bị cho cuộc chiến ở Hoàng Sa. Quyết định chiếm lấy Hoàng Sa là từ lãnh đạo tối cao Mao Trạch Đông, và được lãnh đạo tối cao sau này là Đặng Tiểu Bình đích thân chủ trì. Theo hồ sơ giải mật của cơ quan tình báo Mĩ, công việc chuẩn bí mật đánh chiếm Hoàng Sa đã bắt đầu từ tháng 9. Vào trung tuần tháng 12/1973, mỗi ngày đều có mấy trăm binh sĩ Trung Quốc đóng ở Bắc Hải, Quảng Tây, buổi sáng ra đi trên 6 tàu cá, buổi chiều quay về, kiểu thao luyện này kéo dài liên tục 10 ngày.[575] Nhìn trở lại, việc này rõ ràng là để chuẩn bị cho đổ bộ tác chiến. Nam Việt không biết gì về việc này. Sau ngừng bắn vài tháng, ngày 4/1/1974 Nam Việt Nam tuyên bố mở lại chiến sự Việt Nam, phần lớn hải quân đóng ở khu vực sông Mekong để chống lại quân Giải phóng Nam Việt Nam.

Ngày 11/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản đối hành động điều chỉnh phân chia hành chính quần đảo Trường Sa của Nam Việt, tuyên bố hành động này làm dấy lên “sự phẫn nộ của nhân dân Trung Quốc”. Trung Quốc đột ngột đưa ra tuyên bố nhiều tháng sau sự việc, thực sự là một tín hiệu, nhưng Nam Việt không chút cảnh giác với điều này mà lại chuyên chú vào việc đấu võ mồm với Bắc Kinh. Ngày 12/1, phía Nam Việt Nam nhận được tin báo có tình hình bất thường ở Hoàng Sa, nên đã cử một tàu chiến tiến hành trinh sát. Ngày 14 phát hiện “ngư dân” Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền) không có người đóng giữ (nhưng có công trình của Nam Việt để lại). Ngày 15, hải quân Nam Việt Nam tấn công đảo Hữu Nhật, xua đuổi tàu cá 402 gần đó, đồng thời bắt sống “ngư dân” trên đảo đưa về. Mặc dù tình huống bất ngờ, nhưng vì sự kiện “ngư dân” đổ bộ từng xảy ra trước đó (xem IV.5), Nam Việt không loại trừ đây là chính sách quấy rối của Trung Quốc để phối hợp với cuộc tấn công của Bắc Việt. Nhưng lúc này, Nam Việt đã đề cao sự cảnh giác.

Ngày 15, Tổng thống Nam Việt thăm Đà Nẵng và phái tàu HQ-16 đến Hoàng Sa. Trên tàu còn có sĩ quan liên lạc người Mĩ Gerald Emil Kosh, đi cùng tàu theo yêu cầu của tòa Tổng Lãnh sự Mĩ tại Đà Nẵng.[576] Nhưng khi họ đến Hoàng Sa, phát hiện tình hình còn nghiêm trọng hơn so với họ tưởng tượng. Ngày 16, một tốp “ngư dân” Trung Quốc khác lại lần nữa đổ bộ lên đảo Hữu Nhật dưới sự yểm trợ của tàu chiến. Đồng thời, Trung Quốc đã phái người chiếm đóng đảo Quang Hòa (Sâm Hàng) và đảo Duy Mộng (Tấn Khanh).

Ngày 17, hải quân Nam Việt Nam lại lần nữa đánh chiếm đảo Hữu Nhật và đổ bộ lên đảo Quang Ảnh (Kim Ngân). Nhưng Trung Quốc đã phái 4 ca nô, 2 tàu chiến và một số “tàu cá” hợp thành hạm đội đến nhóm đảo Lưỡi Liềm (Vĩnh Lạc) để đối đầu với tàu chiến Nam Việt trên biển. Ngày 18, tàu Trung Quốc đã ngăn cản kế hoạch đánh chiếm đảo Quang Hòa của Nam Việt. Hai bên chẳng chịu nhường nhau, có lúc các tàu xảy ra va chạm nhưng chưa tạo thành xung đột quân sự trực tiếp. Lúc này, ở nhóm Lưỡi Liềm, Nam Việt chiếm giữ 3 đảo, Trung Quốc chiếm 2 đảo.

Tối ngày 18, Bộ Tổng tư lệnh Nam Việt đưa cho hạm đội lệnh khó thể thi hành: “thu hồi đảo Quang Hòa một cách hòa bình”. Hải quân chỉ có thể tuân theo. Vì vậy, khoảng 8:30 sáng ngày hôm sau, 20 lính hải quân đổ bộ lên đảo Quang Hòa, định kêu gọi quân Trung Quốc rời khỏi đảo. Nhưng trong lúc họ vừa lội lên bờ thì quân Trung Quốc nổ súng bắn chết 2 lính Nam Việt.[577] Đối với sự kiện này phía Trung Quốc có cách tường thuật khác: lính Nam Việt nổ súng trước khiến nhiều “ngư dân” Trung Quốc bị thương, “ngư dân” tiến hành phản công, vì vậy phía Việt Nam khiêu khích trước.[578]

Bất kể như thế nào, sự kiện nổ súng lần này khiến tình hình lập tức leo thang. Sĩ quan chỉ huy quân Nam Việt ở Hoàng Sa Hà Văn Ngạc xin chỉ thị của Sài Gòn, nhưng không có cách nào liên lạc được với hai quan chức chỉ huy tối cao của hải quân Nam Việt.

Một người đang ngồi trên máy bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, còn người kia thì đến sân bay đón tiếp ông ta. Bấy giờ, sĩ quan chỉ huy thứ ba là Đỗ Kiếm ra lệnh nổ súng đánh trả. Đồng thời ông cũng yêu cầu Hạm đội 7 Mĩ trợ giúp, nhưng không được phản hồi. Theo lệnh của Kiếm, 4 tàu chiến Việt Nam đã mở cuộc tấn công vào 6 tàu chiến Trung Quốc. Tuy nhiên, năng lực tác chiến của hải quân Nam Việt thấp một cách đáng ngạc nhiên. Một khẩu pháo trên một tàu không hoạt động được, nhanh chóng bị phía Trung Quốc bắn trúng mất đi khả năng chiến đấu; một chiếc tuy bắn trúng một tàu chiến Trung Quốc nhưng khẩu pháo trên tàu lập tức bị nổ, trong lúc hoảng loạn đã bắn vào tàu HQ-16 khiến tàu này bị mất lực đẩy, cũng mất khả năng tác chiến; chiếc tàu cuối cùng bị tàu chiến Trung Quốc bắn trúng boong tàu, thuyền trưởng chết tại chỗ, tàu cũng bắt đầu chìm. Chỉ trong vài chục phút ngắn ngủi, 4 tàu chiến của Nam Việt Nam đã bị phía Trung Quốc đánh bại. 3 tàu rút lui về Việt Nam, được đón tiếp như những anh hùng, việc bắn chìm 2 tàu chiến Trung Quốc thì được tuyên truyền là một chiến thắng lớn.

Ngày 20, quân đội Trung Quốc tập kết dưới sự yểm trợ của máy bay Mig 21 và Mig 23 mở cuộc tổng tấn công vào ba đảo do quân Nam Việt chiếm đóng, 500 lính bộ binh đổ bộ lên 3 đảo. Chỉ hơn 20 phút đã kiểm soát toàn bộ tình hình 3 đảo. Trận chiến đấu ở đảo Hữu Nhật là quyết liệt nhất, nhưng quân Nam Việt ở vào tình thế bất lợi không thể chống lại quân Trung Quốc đông hơn khoảng 10 lần, bị hỏa lực của Trung Quốc áp chế hoàn toàn, chỉ có thể bó tay chịu chết; quân Nam Việt Nam trên đảo Quang Ảnh thậm chí lén rút chạy bằng tàu trước khi quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo. Cuối cùng, quân Nam Việt thảm bại, hơn 100 người tử trận, hơn 40 người bị thương, nhân viên trên đảo kể cả Kosh đều bị bắt. Trung Quốc có hai tàu chiến bị bắn chìm, tình hình thương vong cụ thể đến nay vẫn chưa được công bố.[579]

Sau Hải chiến Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liền ra tuyên bố nói rằng từ ngày 15/1 đến nay nhà cầm quyền Sài Gòn Nam Việt ngang nhiên xâm nhập cụm đảo Vĩnh Lạc (Lưỡi Liềm), đâm hỏng tàu cá Trung Quốc, cưỡng chiếm đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật) và đảo Kim Ngân (Quang Ảnh), tấn công vũ trang vào đảo Sâm Hàng (Quang Hòa), làm chết và bị thương nhiều ngư dân và dân quân Trung Quốc, còn nổ súng tấn công trước vào tàu Trung Quốc đang làm nhiệm vụ tuần tra. Trong tình thế “không thể nhịn được nữa” Trung Quốc đã tiến hành “phản kích tự vệ” anh dũng.[580] Còn phía Việt Nam thì muốn thông qua quan sát viên tại LHQ đưa sự việc cho Hội đồng bảo an để họp khẩn cấp. Tuy nhiên, vì Trung Quốc đã giành được ghế ở LHQ và có quyền phủ quyết, Mĩ không có phản ứng tích cực, còn Nam Việt không phải là thành viên LHQ nên cuối cùng sự việc không thể tới Hội đồng bảo an được.

Mĩ thể hiện lập trường trung lập đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mĩ tuyên bố: “Không quan tâm đến quần đảo này hoặc ủng hộ đòi hỏi chủ quyền đặc thù của bất cứ bên nào tại đây. Mĩ hi vọng sự việc có thể giải quyết thông qua đàm phán hòa bình”.[581] Điều Mĩ quan tâm nhất khi đó là việc Kosh bị bắt. Ngày 23/1, Ngoại trưởng Mĩ Kissinger đã đàm phán với đại biểu Trung Quốc về sự kiện quần đảo này, chủ đề đàm phán đầu tiên là yêu cầu trả tự do cho Kosh. Một tuần sau Kosh và 3 sĩ quan cao cấp của Nam Việt đã được đưa đến Hồng Kông.

Tóm lại, trong cuộc chiến bùng nổ ở Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên đều tuyên bố đối phương khiêu chiến trước, kết quả là Trung Quốc đã đánh bại Nam Việt và giành được quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Từ đó quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và quản lí liên tục cho đến hiện nay.

Sau thất bại ở Hoàng Sa, Nam Việt tăng cường nhanh chóng sự hiện diện quân sự ở Trường Sa. Ngoài việc Nam Việt luôn luôn coi Trường Sa là lãnh thổ của mình, một ý nghĩa quan trọng khác của Trường Sa đối với Nam Việt ở chỗ: Việt Nam là một nước nghèo dầu mỏ, việc phát hiện dầu khí ở biển Đông có sức thu hút đối với Nam Việt. Nam Việt rất quan tâm đến lợi ích dầu mỏ ở biển Đông. Ngày 7/9/1967, Nam Việt tuyên bố thềm lục địa và tài nguyên thềm lục địa đều thuộc sự quản lí độc quyền của Việt Nam Cộng hòa.[582] Ngày 1/12/1970, Nam Việt ban hành “Luật Dầu khí”, xác định các thủ tục và quy định cấp phép cho các công ti nước ngoài quyền thăm dò, lắp đặt đường ống và các khu vực khai thác khoáng sản.[583] Ngày 16/7/1973, Nam Việt chia vùng biển phía Đông Vũng Tàu thành 8 khu vực khai thác mỏ, và cấp quyền khai thác khoáng sản cho các công ti Shell, Pegasus, Esso (của Mĩ), và Sunningdale (của Canada).[584] Ngày 6/9, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải (Phước Hải Commune);[585] ngày 28/9, tuyên bố đóng quân và xây dựng trạm Radar trên đảo Trường Sa Lớn (Nam Uy), đồng thời nhấn mạnh rằng điều này “rất quan trọng đối với việc thăm dò dầu khí sắp bắt đầu dưới thềm lục địa”.[586]

Ngày 31/1/1974, Nguyễn Văn Thiệu phái một đội đặc nhiệm do mấy trăm binh sĩ hợp thành do “Đỗ Xuân Hồng” dẫn đầu, chỉ huy hạm đội gồm các tàu hộ vệ, tàu khu trục và tàu đổ bộ hợp thành lên đường đến quần đảo Trường Sa. Ngày 1/2 đã chiếm cồn cồn cát Southwest [Cay] (Nam Tử, đặt tên là đảo Song Tử Tây); ngày 3 chiếm bãi Sand [Cay] (Đôn Khiêm, đặt tên là đảo Sơn Ca); ngày 5, chiếm đảo Sin Cowe (Cảnh Hồng, đặt tên là đảo Sinh Tồn); ngày 14, chiếm đảo Nam Yết (đảo Hồng Hưu); ngày 17, chiếm đảo Trường Sa (Nam Uy); ngày 20, chiếm bãi Amboyna (An Ba, đặt tên là đảo An Bang).[587] Đội đặc nhiệm dựng cột mốc ranh giới trên các đảo đồng thời để lại người đóng giữ, xây dựng công sự phòng ngự. Đây là lần đầu tiên Nam Việt phái quân đội đóng giữ quần đảo Trường Sa.

Trong đó, quá trình Nam Việt chiếm đá Song Tử Tây có phần kịch tính. Đá Song Tử Tây sớm đã bị Philippines chiếm vào năm 1971 (một nguồn tin khác là vào năm 1968) và có quân lính thường trú. Tuy Nam Việt rất muốn chiếm các đảo ở Trường Sa ngay, nhưng không muốn có xung đột trực tiếp với Philippines vốn cũng là một bên trong liên minh chống cộng. Một hôm, đúng dịp sinh nhật một sĩ quan Philippines đóng tại đá Song Tử Đông cách đó 3 km, toàn thể sĩ quan binh lính trên đảo Song Tử Tây đều đến đá Song Tử Đông tham gia tiệc sinh nhật. Nam Việt lấy danh nghĩa tăng cường liên hệ giữa hai quân đội bạn đã cử một số gái mại dâm đến dùng sắc đẹp quyến rũ quân đóng trên đảo Song Tử Đông, và kéo dài thời gian họ ở lại trên đảo này [vụ này có vẻ wikipedia thêm thắt cho thêm phần kịch tính vì tàu hải quân VNCH lúc đó không được phép chở theo phụ nữ khi hành quân - ND]. Vì tin tưởng vào đồng minh, người Philippines không có sự nghi ngờ về điều này. Sau khi vui vẻ xong, lúc quay về đá Song Tử Tây, quân lính Philippines bất ngờ phát hiện trên đảo đã đổi màu cờ, quân Nam Việt Nam đã ở đó bày trận chờ sẵn. Người Philippines vội vàng quay về đá Song Tử Đông và báo cáo cấp trên. Cấp trên sau khi cân nhắc nhân tố quân sự và ngoại giao, quyết định rằng nên giữ vững đá Song Tử Đông là hơn, tránh xung đột với Nam Việt đang phẫn nộ. Từ đó, đá Song Tử Tây đã rơi vào tay Việt Nam.[588]

Mặc dù có những điều khó chịu này, quan hệ giữa Nam Việt và Philippines không bị ảnh hưởng nhiều. Năm 1975, khi hải quân Bắc Việt đánh chiếm đá Song Tử Tây, quân lính Nam Việt chạy đến đá Song Tử Đông do Philippines kiểm soát để tránh bị Bắc Việt bắt giữ. Sau này, Philippines từng nghĩ đến việc dùng vũ lực để “thu hồi” đá Song Tử Tây đang bị cộng sản kiểm soát, nhưng phát hiện ra rằng trong thời gian ngắn Bắc Việt đã xây dựng công sự trên đảo nên đã bỏ cuộc.[589]

Đồng thời với việc đưa quân đến Trường Sa, ngày 14/2 Nam Việt ra tuyên bố với lời lẽ cứng rắn: “Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải long trọng tuyên bố trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần đất bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chánh đáng của mình.[590]

Có người dự liệu Trung Quốc sẽ thừa thắng xông lên, tiến quân thẳng xuống Trường Sa. Nhưng Trung Quốc không hề có hành động quân sự nào ngoài việc đưa ra phản đối như trước đây. Nguyên nhân hiện thực nhất là ngoài tầm với: Trường Sa suy cho cùng cách đất liền Trung Quốc xa hơn rất nhiều so với Hoàng Sa, máy bay chiến đấu của Trung Quốc không có cách nào tác chiến ở cự ly dài, còn hải quân so với Nam Việt không có ưu thế mang tính áp đảo, một khi chiến sự kéo dài, việc tiếp tế sẽ khó theo kịp. Hơn nữa, một khi tấn công vào biển Đông, sẽ không chỉ đối mặt với một kẻ địch là Nam Việt mà Philippines thậm chí Đài Loan đều có thể tham gia vào nữa. Vì Mĩ đều có quan hệ đồng minh quân sự với họ, nên cũng khả năng không thể không tham gia. Vì vậy, Trung Quốc sẽ ở vào tình thế không thuận lợi, cả về quân sự lẫn ngoại giao. Hơn nữa, lúc đó Trung Quốc còn muốn lôi kéo Philippines, do đó không có ý kích động Philippines trong vấn đề biển Đông.

Hành động của Nam Việt ở Trường Sa khiến Đài Loan và Philippines lo lắng. Đài Loan điều động 4 tàu chiến đến phòng thủ khu vực xung quanh đảo Ba Bình, đồng thời tái khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa với phía Nam Việt. Đảo Sơn Ca (bãi Đôn Khiêm) cách đảo Ba Bình chỉ có 6 hải lí, nghe nói khi có báo động bão, quân trú đóng Nam Việt hai lần sang đảo Ba Bình tạm lánh, họ được cho cơ hội. Tuy nhiên, Đài Loan không muốn đổ thêm dầu vào lửa khi Việt Nam đang tức giận vì thất bại ở Hoàng Sa, mà chỉ muốn giữ vững đảo Ba Bình, nên tuyên bố “nếu quân Nam Việt Nam muốn đổ bộ lên đảo Thái Bình sẽ cố gắng khuyên họ rời đi, để hai bên giảm thiệt hại xuống mức nhỏ nhất”.[591] Ngày 1/2 Tưởng Kinh Quốc chỉ thị nghiên cứu trục xuất quân chiếm đóng Nam Việt và Philippines khỏi đảo Trường Sa, nhưng bị huỷ bỏ do có sự phản đối mạnh mẽ của Bộ Quốc phòng [592]

Trong khi phản đối, Philippines cũng kêu gọi giải quyết hòa bình vấn đề thông qua tham vấn trực tiếp và hữu nghị với các nước liên quan. Mĩ cũng khuyến cáo Nam Việt không nên mở rộng hành động quân sự quá mức mà phải hành động có chừng mực.

Vì vậy, sau khi Nam Việt chiếm bãi An Bang, đã tuyên bố trên Hãng Thông tấn Nam Việt vào ngày 22/2 rằng họ đã hoàn thành kế hoạch củng cố chủ quyền ở Trường Sa, và đã chiếm 4 đảo.[593] Do đó, dù tình hình Trường Sa từng căng thẳng trong một thời gian nhưng cuối cùng không xảy ra xung đột. Từ đó, Nam Việt và Đài Loan cùng với Philippines chia nhau quần đảo Trường Sa. Ngày 14/2/1975, nhân dịp tròn 1 năm ngày chiếm đóng 6 đảo ở Trường Sa, Nam Việt công bố “Bạch thư về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” dài hơn 100 trang, là bản văn trình bày và phân tích lịch sử và pháp lí về Hoàng Sa và Trường Sa hoàn chỉnh nhất của phía Nam Việt từ trước tới lúc đó. Không rõ thái độ của Đài Loan đối với Hải chiến Hoàng Sa. Nghe nói năm đó, khi được biết tàu chiến của Quân Giải phóng đi qua Eo biển Đài Loan, Tưởng Giới Thạch đã hạ lệnh cho phép qua, còn nói “chiến sự Hoàng Sa khẩn cấp”.[594] Tường thuật kiểu này được cho là hư cấu,[595] nhưng cũng có nhận định rằng đúng là có sự đồng ý ngầm nhất định.[596] Trên thực tế, Hải chiến Hoàng Sa năm đó diễn ra trong thời gian rất ngắn, quy mô cũng rất nhỏ, hoàn toàn không có chuyện điều động tàu chiến qua Eo biển Đài Loan. Cái gọi là tăng quân chỉ là 3 tàu ở biển Hoa Đông đến biển Đông ngày 21/2, khi đi qua Eo biển Đài Loan đúng là không gặp bất cứ sự cản trở nào. Nhưng khi đó Hải chiến Hoàng Sa đã kết thúc, đương nhiên không có nhu cầu tăng viện. Lập trường của Đài Loan cũng được phân tích ở tiết trước là rất mâu thuẫn, do đó có thể việc Đài Loan không trợ giúp trong vấn đề Hoàng Sa là lựa chọn bất đắc dĩ. Nhưng trong vấn đề Trường Sa, do Đài Loan bản thân tự mình đã chiếm đóng đảo, nên thái độ đã rõ ràng hơn nhiều.

Mâu thuẫn giống như vậy còn có Bắc Việt. Trong sự kiện Hoàng Sa, phản ứng của Bắc Việt và “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” rất mù mờ. Bắc Việt không hề tuyên bố Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc giống như trước đây. Quan chức Bắc Việt cơ bản giữ im lặng, chỉ tuyên bố hi vọng rằng sự kiện được giải quyết hòa bình. Hãng AP của Pháp viện dẫn “nhân sĩ có uy tín” của Bắc Việt nói: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là sự nghiệp thiêng liêng của mỗi dân tộc, tranh chấp lãnh thổ cần phải xử lí cẩn thận, cần phải dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng hòa thuận hữu nghị để bàn bạc giải quyết.[597] Ngày 26/1, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam được Trung Quốc công nhận công bố lập trường 3 điểm: (1) Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là sứ mệnh thiêng liêng của mỗi một dân tộc; (2) Trong vấn đề biên giới và lãnh thổ, giữa các nước láng giềng thường xuyên xảy ra tranh chấp do lịch sử để lại, có lúc rất phức tạp, cần phải nghiên cứu tỉ mỉ; (3) Các nước có liên quan cần phải dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng hòa thuận để nghiên cứu những vấn đề này, đồng thời giải quyết thông qua thương lượng.[598]

Trần Bình, đại diện tại Bắc Kinh, trong cuộc họp báo vài ngày sau dịp kỉ niệm tròn một năm ngày kí kết Hiệp định Hòa bình Paris tuyên bố: vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với mỗi một dân tộc đều là một sự nghiệp thiêng liêng. Đối với những vấn đề phức tạp kiểu như tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại cần phải xử lí cẩn thận, vấn đề Hoàng Sa cần phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hữu nghị.[599] Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn gửi cho phía Trung Quốc một bức “Thư cảm ơn”, bày tỏ sự biết ơn đối với các đồng chí Trung Quốc đã đánh đuổi quân Ngụy, giải phóng Hoàng Sa giúp họ. Điều này đương nhiên ngụ ý rằng Trung Quốc phải trao trả phần phía Tây Hoàng Sa cho Chính phủ miền Nam Việt Nam. Hành động này rõ ràng làm Trung Quốc tức giận đến mức trả lại bức thư còn nguyên, đồng thời trao trả tất cả tù binh cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu chứ không phải là Chính phủ miền Nam Việt Nam được Trung Quốc công nhận.[600] Điều này đánh dấu bước khởi đầu thời Trung Quốc tách rời Bắc Việt và Chính phủ miền Nam Việt Nam.

IV.10. Việt Nam thống nhất và cuộc đấu lí Trung-Việt về Hoàng Sa, Trường Sa

Là một nước thuộc phe cộng sản, trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất Bắc Việt nhận được sự giúp đỡ của hai phía Liên Xô và Trung Quốc. Cuối những năm 1950, Liên Xô và Trung Quốc bất hòa, Bắc Việt bị buộc phải chọn bên. Hồ Chí Minh thuộc phe truyền thống thân Trung Quốc đứng về phía Trung Quốc, và nhận được sự giúp đỡ toàn lực của Trung Quốc cho Bắc Việt trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Lê Duẩn của phe thân Liên Xô lên nắm quyền. Năm 1971, Trung Quốc lại kết thân với “Đế quốc Mĩ” để cùng chống lại Liên Xô, trở thành “kẻ phản bội chủ nghĩa cộng sản”. Dựa trên ý thức hệ, Bắc Việt đã bằng mặt không bằng lòng với Trung Quốc, chỉ duy trì sự hữu nghị bên ngoài. Năm 1974, Bắc Việt và Trung Quốc triển khai đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ. Bắc Việt tuyên bố rằng Công ước Pháp Thanh năm 1887 đã quy định đường phân giới là kinh tuyến 108° 3’ E; nhưng Trung Quốc lại cho rằng đường phân giới này chỉ nói đến các đảo trong vịnh Bắc Bộ mà thôi, không phải là đường phân giới biển (xem V.5). Hai bên ra về chẳng vui, giữa Bắc Việt và Trung Quốc đã xuất hiện rạn nứt khác. Sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, dù Bắc Việt không bày tỏ phản đối, nhưng thái độ mơ hồ khiến Trung Quốc rất bất mãn, tạo tiền đề cho tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Tháng 1/1974, Chiến tranh Việt Nam tiếp tục lại. Sau một năm giao tranh ác liệt, năm 1975 quân đội của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đột nhiên thảm bại, quân đội chính quy tan rã sụp đổ, các thành phố lớn lần lượt thất thủ. Ngày 30/4/1975, Sài Gòn thất thủ. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ Lâm thời, thành lập “nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Ngày 2/1/1976, Nam và Bắc Việt Nam chính thức thống nhất, thành lập “nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (nước Việt Nam mới).

Vào đêm trước lúc Sài Gòn sắp thất thủ, Phó Tổng tư lệnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Lê Trọng Tấn được lệnh “giải phóng” quần đảo Trường Sa. Trong thời gian từ 14 đến 19/4, hải quân từ căn cứ ở Đà Nẵng đã chiếm được 6 đảo ở Trường Sa do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.[601] Để làm yên lòng các công ti dầu mỏ đã kí hợp đồng khai thác với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, ngày 6/5, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố trên đài phát thanh rằng miền Nam tiếp tục tiến hành thăm dò dầu khí đồng thời chuẩn bị “cùng tất cả chính phủ và công ti dầu khí nước ngoài tiến hành đàm phán để cùng tiến hành thăm dò trên cơ sở tôn trọng chủ quyền độc lập”.[602] Ngày 7/5, Hãng Thông tấn miền Nam Việt Nam đưa tin “trong tháng 4 Quân Giải phóng đã giải phóng các đảo ở ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, ở quần đảo Trường Sa, Quân Giải phóng tấn công và đã giải phóng đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa và đảo An Bang do quân Ngụy chiếm giữ”.[603] Điều này cho thấy: (1) Chính quyền miền Nam Việt Nam là chính quyền quản lí 6 đảo; (2) Chính quyền miền Nam Việt Nam đã kế thừa yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Còn Bắc Việt, “báo Nhân Dân” và “Báo Quân đội Nhân dân” đã đăng trên toàn trang bản đồ toàn quốc Việt Nam trong cùng ngày 15/5, cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa đều xuất hiện trên bản đồ này.

Ngày 28/5, “báo Quân đội Nhân dân” đăng bài viết tuyên bố “từ nay những hòn đảo xa xôi này mãi mãi quay trở về trong vòng tay của nhân dân nước ta”.[604] Thông tấn xã Bắc Việt (NVA) đưa tin: Quân đội Việt Nam đã “giải phóng 6 hòn đảo yêu quý của Tổ quốc”.[605] Sự thay đổi thái độ đối với Trường Sa và Hoàng Sa của Bắc Việt lộ ra hoàn toàn.

Tháng 9/1975, Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm Trung Quốc, chính thức đề xuất yêu sách lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa với phía Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình chỉ rõ với Lê Duẩn rằng:“Về vấn đề quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa giữa chúng ta tồn tại bất đồng. Trong vấn đề này, lập trường của hai Đảng cũng đều rõ ràng. Lập trường của chúng tôi là chúng tôi có đầy đủ bằng chứng cho thấy quần đảo Tây Sa và Nam Sa từ xưa đến nay đã thuộc về Trung Quốc... Vấn đề này có thể tạm gác lại để sau này thảo luận”.[606] Còn phía Việt Nam thì ghi chép lại lời của Đặng Tiểu Bình đã nói: “Hai nước có tranh chấp trong vấn đề hai quần đảo, hai bên có thể thảo luận.” [607]

Thời gian này, Bắc Việt vừa giành được thắng lợi, việc thống nhất hai miền vẫn chưa được thực hiện. Bắc Việt cũng tạm thời không đủ sức cuốn hút vào vấn đề này, nên giữ thái độ nhúng nhường. Năm 1976, sau khi Nam Bắc thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã loại bỏ phe thân Trung Quốc do Hoàng Văn Hoan đứng đầu, đã gạt bỏ các chướng ngại nội bộ. Nước Việt Nam mới bắt đầu khẳng định rõ ràng lập trường của mình đối với các đảo ở biển Đông. Ngày 12/5/1977, Việt Nam ra “Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Có lẽ do cân nhắc đến phản ứng của Trung Quốc, Tuyên bố này không trực tiếp nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ đề cập trong Điều 5 rằng: “Các đảo và quần đảo thuộc Lãnh thổ Việt Nam ngoài vùng lãnh thổ nói ở khoản 1 nêu trên có lãnh hải, vùng tiếp giáp; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong khoản 1, 2, 3, 4 của Tuyên bố này.”[608] Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng trong Tuyên bố này Việt Nam đưa ra yêu sách rộng lớn đối với vùng biển Đông, đặc biệt đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, và Việt Nam có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng ở đó. Họ chỉ trích hành động này của Việt Nam là sẽ ngấm ngầm công khai hóa tranh chấp.[609] Nhưng sự thực là khi đó Việt Nam vẫn muốn giải quyết vấn đề êm thấm thông qua đàm phán hai bên.

Tháng 6/1977, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng thăm Trung Quốc, gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lí Tiên Niệm. Hai bên tranh cãi về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Lí Tiên Niệm nói: “Các đồng chí Việt Nam trước đây cũng thừa nhận hai quần đảo này là lãnh thổ Trung Quốc... Thế nhưng từ năm 1974 về sau, lập trường của các đồng chí Việt Nam đã có sự thay đổi, đặc biệt là năm 1975 phía Việt Nam nhân cơ hội giải phóng miền Nam đã xâm chiếm 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của chúng tôi, tiếp đó chính thức đề xuất với chúng tôi yêu sách lãnh thổ đối với quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa. Hơn nữa, còn tạo dư luận trong nước Việt Nam và trên thế giới, tuyên truyền quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.” Đồng thời ông cũng chỉ ra rằng trong công hàm năm 1958 gửi cho Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. Phạm Văn Đồng phản bác rằng: “Trong kháng chiến, đương nhiên chúng tôi phải đặt việc chống đế quốc Mĩ lên vị trí cao hơn tất cả... Chúng ta nên lí giải các tuyên bố của mình như thế nào, kể cả những gì nói trong công hàm tôi gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai? Cần phải được hiểu theo bối cảnh lịch sử khi đó.” Lí Tiên Niệm lập tức phản bác rằng lối giải thích như vậy không thể khiến người ta tin phục được. Với tư cách quốc gia, xử lí vấn đề lãnh thổ cần phải nghiêm túc hẳn hoi, không thể vì nhân tố chiến tranh mà giải thích kiểu như vậy. Hơn nữa, khi Phạm Văn Đồng gửi công hàm ngày 14/9/1958, chiến tranh chưa nẩy ra ở Việt Nam.[610]

Kể từ đó, tranh chấp về chủ quyền hai quần đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được mọi người biết đến. Năm 1978, đúng lúc Philippines đẩy nhanh việc chiếm đóng Trường Sa, vào ngày 29/12 Trung Quốc ra tuyên bố, nhắc lại chủ quyền đối với các đảo biển Đông.[611] Việt Nam lập tức phản bác rằng “hoàn toàn bác bỏ luận điệu ngang ngược trong tuyên bố về vấn đề quần đảo Trường Sa của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29/12/1978.Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam[612]

Tuyên bố gay gắt tương đối hiếm có này trở thành sự khởi đầu của cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa, cũng trở thành ngòi nổ khiến quan hệ Trung-Việt nhanh chóng xấu đi.

Trên thực tế, trong vài năm sau khi thành lập nước Việt Nam mới, bên cạnh những xung đột về chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông, những lí do khiến quan hệ Trung-Việt xấu đi nghiêm trọng là do: Việt Nam ngã về Liên Xô, kí “Hiệp ước hợp tác hữu nghị Xô-Việt” (ngày 3/11/1978), trong vấn đề các đảo ở biển Đông, Liên Xô cũng hoàn toàn đứng về phía Việt Nam, chỉ trích Trung Quốc “ngang ngược lộng hành”;[613] Việt Nam phát động “phong trào bài Hoa”; ở biên giới có xung đột quy mô nhỏ; việc phát động chiến tranh Việt Nam-Campuchia để tiêu diệt Khmer đỏ bị Trung Quốc xem là “bá quyền khu vực”... đều dẫn đến thái độ thù địch rất lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Để lấy lòng tin của Mĩ, Đặng Tiểu Bình nhân cơ hội chỉnh đốn quân đội, nắm lại binh quyền, nhân lúc quân tinh nhuệ Việt Nam đều ở Campuchia, ngày 17/2/1979 Trung Quốc đã phát động chiến tranh chống Việt Nam (Chiến tranh Đông Dương lần thứ 3), gọi đó là “Cuộc chiến phản công tự vệ”. Trong thời gian ngắn quân đội Trung Quốc đánh chiếm khu vực rộng lớn ở miền Bắc Việt Nam, nhưng với sự chống trả của du kích địa phương, quân đội Trung Quốc gánh chịu thương vong nặng nề. Việt Nam lại điều động quân tinh nhuệ dày dạn trận mạc từ Campuchia về đánh trả. Kết quả là Trung Quốc đã chủ động rút khỏi Việt Nam vào ngày 16/3 sau khi phá huỷ toàn bộ công trình và tư liệu sản xuất ở miền Bắc Việt Nam. Hai bên đều tuyên bố mình giành được thắng lợi. Cuộc chiến biên giới sau đó kéo dài 10 năm, mãi đến cuối những năm 1980 quan hệ hai bên mới hòa dịu.

Đồng thời, cuộc tranh cãi về lịch sử chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa giữa Trung Quốc với Việt Nam vẫn tiếp tục. Hai bên một mặt tiếp xúc đàm phán (nhưng trong vấn đề các đảo biển Đông thì không vui ra về), mặt khác ra văn bản luận chiến. Cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm vào năm 1979. Ngày 16/3/1979, “Báo Nhân Dân” của Việt Nam đăng “Bị vong lục của Bộ ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gay khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới”,[614] trong đó nói rằng “nhà cầm quyền Bắc Kinh ngang nhiên đưa quân dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa”. Còn Trung Quốc thì ngày 15/5 đăng bài “Nguồn gốc của tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” trên “Nhân dân nhật báo” để đáp trả.[615]

Tiếp đó, vào ngày 7/8/1979 Việt Nam ra “Tuyên bố của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”, tuyên bố:

1, Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước phong kiến Việt Nam chiếm lĩnh, tổ chức, kiểm soát và thăm dò những quần đảo này sớm nhất. Quyền sở hữu này là có hiệu lực, phù hợp luật quốc tế. Chúng tôi có đầy đủ tư liệu lịch sử và pháp lí chứng minh Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này.”[616] Trong Tuyên bố này Việt Nam cũng liệt kê việc Trung Quốc “xuyên tạc” những quan điểm của Việt Nam trong các điểm 2, 3 và 4, đồng thời chỉ trích Trung Quốc thông đồng với bọn xâm lược Mĩ âm mưu “phản bội nhân dân Việt Nam”’ năm 1972, “hành vi của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của Đông Nam Á, thể hiện rõ dã tâm bành trướng, chủ nghĩa sô vanh nước lớn, bản tính hiếu chiến, bản tính lật lọng và bội tín của nước này.”[617]

Tiếp đó, ngày 28/9/1979 Việt Nam công bố “Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Sách trắng 1979), đã bổ sung tư liệu mới trên cơ sở “Bạch thư về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Bạch thư 1975) do Việt Nam Cộng hòa công bố tháng 5/1975.[618] Còn phía Trung Quốc thì liên tiếp công bố 3 bài viết dài trên “Nhân dân nhật báo” để đáp trả: “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa” ngày 31/1/1980; “Bác bỏ lập luận sai trái của nhà đương cục Việt Nam đưa cái gọi là Hoàng Sa, Trường Sa gán cho quần đảo Tây Sa, Nam Sa của nước ta” ngày 31/1/1980; và “Quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc” ngày 7/4/1980.[619] Luận cứ lịch sử có liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc hiện nay về cơ bản đều được khai thác vào thời kì này, trong đó nhóm Hàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi và Ngô Phượng Bân... được Uỷ ban Ngoại sự quốc gia tổ chức, thành lập Tổ Nghiên cứu vấn đề các đảo biển Đông để tìm kiếm tư liệu và sắp xếp bằng chứng trong phạm vi cả nước.[620] Trong mấy chục năm sau đó, bằng chứng lịch sử của Trung Quốc về cơ bản không vượt qua phạm vi này. Còn Việt Nam tái bản sách “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa-lãnh thổ Việt Nam” (Sách trắng 1982) vào ngày 28/1/1982 để đáp lại.[621] Luận chiến Trung-Việt có đặc điểm phổ biến của luận chiến giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Tức là dốc hết sức để tiến hành trong việc tổ chức, luận chứng vì chính trị, tùy tiện phóng đại bằng chứng, thiếu phân tích lịch sử và pháp lí khách quan. Bằng chứng lịch sử thời cổ có liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, trong Chương I đã thảo luận sơ lược qua, có thể tham khảo cuốn sách “Lịch sử biển Đông bị bóp méo” của tác giả.

Ngày 12/11/1982, Việt Nam ra “Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam” (Hình 31), quy định 12 điểm cơ sở lãnh hải ở vùng biển Đông Nam. Đối với các điểm cơ sở khác, điều 3 quy định: Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh đã được quy định trong Công ước về hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp và nhà Thanh kí ngày 26 tháng 6 năm 1887. Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thuỷ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh sẽ được công bố sau khi vấn đề đường cửa vịnh được giải quyết; điều 4 quy định: Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể trong một văn kiện tiếp theo phù hợp với điểm 5 của bản Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[622]

Đáng để chỉ ra là đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở ven bờ biển Việt Nam dùng đường cơ sở thẳng, mà một số điểm cơ sở là đảo ở xa đất liền (điểm xa nhất hơn 70 hải lí), cách làm kiểu này đã mở rộng diện tích vùng nội thuỷ và lãnh hải lên rất nhiều, cũng gia tăng diện tích có thể đòi hỏi của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, cách làm kiểu này không phù hợp với tiêu chuẩn của Điều 7 “Công ước Luật biển”.[623]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-92.png

Hình 31: Đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam

Trong những năm 1980, Việt Nam tiếp tục chiếm các đảo và tăng cường đóng quân ở Trường Sa. Theo nghiên cứu của Đài Loan năm 1982, Việt Nam đã chiếm 6 đảo, đá là bãi Đôn Khiêm (đảo Sơn Ca), đảo Hồng Hưu (đảo Nam Yết), đảo Cảnh Hồng (đảo Sinh Tồn), đá Nam Tử (Song Tử Tây) và đảo Nam Uy (Trường Sa Lớn)... Ngoài đảo Sơn Ca, đảo đảo Nam Yết có một trung đội tăng cường đóng, các đảo khác, mỗi đảo có từ 20 đến 40 bộ đội địa phương và dân quân đóng giữ.[624] Đồng thời, Việt Nam cũng nâng cấp khu vực hành chính cho Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 9/12/1982, Việt Nam công bố pháp lệnh thành lập huyện Hoàng Sa ở Hoàng Sa, trực thuộc sự quản lí của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành lập huyện Trường Sa ở Trường Sa, trực thuộc sự quản lí của tỉnh Đồng Nai.

Ngày 28/12 huyện Trường Sa lại được sáp nhập đặt dưới quyền của tỉnh Phú Khánh.[625] Việt Nam cũng tăng cường sự quản lí đối với Trường Sa. Ngày 21/6/1980 ở gần đảo Sinh Tồn, phía Việt Nam đã kiểm tra và bắt giữ tàu đi biển của thuyền trưởng Nghiêm Minh Đức và 14 thuyền viên Đài Loan. Cuối cùng họ bị cảnh cáo, tịch thu tàu và thả về nước.[626]

Việt Nam còn tích cực mời gọi Liên Xô cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở biển Đông để đối đầu lại với Trung Quốc. Ngày 3/7/1980, Việt Nam và Liên Xô kí Hiệp định cùng khai thác dầu khí ở biển Đông.[627]

Cùng thời gian với đó, phía Trung Quốc gấp rút xây dựng căn cứ ở Hải Nam và Hoàng Sa. Quan hệ Trung-Việt tiếp tục căng thẳng, trực tiếp dẫn đến xung đột trên biển năm 1988.


[573] SFPIA, p.74.

[574] Decision No.420, BNV/HCDP/26 of 1973/09/06, Vietnam Dossier II, p.30.

[575] SFPIA, p.73.

[576] SFPIA, p.74.

[577] SFPIA, p.75

[578] “biển Đông phong vân”, tr. 252.

[579] “biển Đông phong vân”, tr. 254.

[580] “biển Đông phong vân”, tr. 254.

[581] “biển Đông phong vân”, tr. 255.

[582] “Đại sự kí”, tr.15.

[583] “Đại sự kí”, tr.17.

[584] “Đại sự kí”, tr.24.

[585] Decision No.420, BNV/HCDP/26 of 1973/09/06, Vietnam Dossier II, p.30.

[586] “Đại sự kí”, tr. 24.

[587] “Đại sự kí”, tr.46.

[588] https://en.wikipedia.org/wiki/Southwest_Cay.

[589] https://en.wikipedia.org/wiki/Southwest_Cay.

[590] “Đại sự kí”, tr.43.

[591] biển Đông phong vân, tr. 265.

[592] Vương Ý Huy, Truyện lương bổng của Lục quân, Bộ Tư lệnh Thuỷ quân lục chiến, 2005, tr.159.

[593] Nam Hải phong vân, tr. 266.

[594] Dường như xuất xứ sớm nhất là bài viết “Tưởng Giới Thạch trong cuộc chiến Tây Sa” trên “Báo tin tức lịch sử Đảng” ngày 12/8/1988.

[595]Thiếu tướng Từ Diệm bác bỏ tin đồn: Không có chuyện Tưởng Giới Thạch để hải quân Đại lục ‘đi qua’”, Thời báo Học tập, bản in số 7 ngày 24/10/2011.

[596] http://view.news.qq.com/zt2012/jjsxs/index.htm

[597] “Khởi nguồn và phát triển”, tr.94.

[598] “Đại sự kí”, tr.36.

[599] “Khởi nguồn và phát triển”, tr.95.

[600] “Nam Hải phong vân”, tr. 256.

[601] “Đại sự kí”, tr. 48.

[602] “Đại sự kí”, tr. 48.

[603] “Đại sự kí”, tr. 49.

[604] “Đại sự kí”, tr. 49.

[605] “Khởi nguồn và phát triển tranh chấp Trường Sa”, tr. 95.

[606] “Khởi nguồn và phát triển tranh chấp Trường Sa”, tr. 95.

[607] Tháng 4/1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với luật quốc tế”, trích dẫn từ “Đại sự kí”, tr.50.

[608] “Tuyển tập điều ước pháp luật”, tr.239-241.

[609] “Khởi nguồn và phát triển tranh chấp Nam Sa”, tr. 96.

[610] “Đại sự kí”, tr.57-58.

[611] “Nhân dân nhật báo”, ngày 29/12/1978, “Đại sự kí”, tr. 64.

[612] “Đại sự kí”, tr.56.

[613] “Đại sự kí”, tr.66. Bài viết của bình luận viên Hãng ITAR-TASS “Tính toán nguy hiểm”, ngày 1/1/1979.

[614]Đại sự kí”, tr.66.

[615]Đại sự kí”, tr.68-70.

[616]Tuyển tập điều ước pháp luật”, tr.242.

[617]Tuyển tập điều ước pháp luật”, tr.243.

[618] Sách trắng có bản dịch tiếng Trung. Xem “Tuyển tập Việt Nam”, tr.1-97.

[619]Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa” ngày 31/1/191980; “Bác bỏ lập luận sai trái của nhà đương cục Việt Nam đưa cái gọi là Hoàng Sa, Trường Sa gán cho quần đảo Tây Sa, Nam Sa của nước ta” ngày 31/1/1980; và “Quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ xưa đến nay đã là lãnh thổ của Trung Quốc” ngày 7/4/1980. “Đại sự kí”, tr.75-82.

[620]Kiều bào Malaysia về nước Lâm Kim Chi: ý chí thư sinh sôi nổi phóng khoáng”, “Phúc Kiến kiều báo”, ngày 12/1/2012. http://www.chinanews.com/zgqj/2012/01-12/3599722.shtml

[621] Sách trắng có bản dịch tiếng Trung. Xem “Tuyển tập Việt Nam”, tr.1-97.

[622]Tuyển tập điều ước pháp luật”, tr.247-251.

[623]Tranh chấp biển Đông và luật biển quốc tế”, tr.66.

[624]Trả lời chất vấn có liên quan về quần đảo Nam Sa của Uỷ ban Lập pháp”, Thư Viện Hành chính gửi Viện Lập pháp, ngày 18/6 năm Dân quốc 71 (1982), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.964-966.

[625]Tuyển tập Việt Nam”, tr.176.

[626]Tuyển tập Việt Nam”, tr. 176.

[627]Đại sự kí”, tr.87.