Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Từ Bùi Giáng đến Tuệ Sỹ – Chuyện làm thơ

Phạm Hiền Mây

I/ BÙI GIÁNG

1.

Hoàng Phủ Ngọc Tường từng phải bàng hoàng trước Bùi Giáng; ông khắng định: “[T]ên tuổi Bùi Giáng thuộc lớp thi sĩ hàng đầu của hậu bán thế kỷ XX”.[1]

Vậy thì hãy nghe Bùi Giáng nhận định về thơ:[2]

Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới một bài thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác.

Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chớ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời này trái lại. Họ buộc phải luận thơ cho có mạch lạc luận lý, không được “bốc đồng” (!) vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu sy đó là điều bất khả tư nghị vậy.

Sự ngu si đã tràn lan khắp chốn, thì kẻ hiểu thơ đành phải tuân theo khắp chốn để mở trận ngu sy.

Từ đó nảy ra không biết bao nhiêu trận luận về thơ theo lối bửa củi, dịch thơ theo lối gặm xương gà (gặm được chút da, nhưng không hút được cái tủy)”.

******

2.

Bùi Giáng cũng tự nhận xét về thơ của mình: “Thơ tôi làm […] trong mấy cuốn thơ của tôi, chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão giông một lúc, thì lập tức xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian, cho chuồn chuồn mang trên hai cánh tay mỏng bay đi. Bay từ Tử Trúc Lâm bay về Sương Hy Lạp. Ghé Calvaire, viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng rộng, làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng, khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô, cho phép con chuồn chuồn của tôi, cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi, thì tôi ra bờ sông nằm ngủ, khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao thơ về lãng đãng, thì từ đó, vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao.”[3]

******

3.

Về người làm thơ thì Bùi Giáng viết:

Con chim thì ta biết nó bay Con cá thì ta biết nó lội

Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ Nhưng thơ là gì Thì đó là điều

Ta không biết[4]

Ông diễn giải thêm như thế này: “Thằng thi sỹ có cái cảm tưởng cắc cớ rằng: nếu từ bỏ cái cuộc cặm cụi loay hoay bắt bóng nọ, đã đành là trách được một cuộc đáng tiếc, nhưng vì lẽ gì, hỡi ôi! Chính cái sự tình tránh được cuộc đáng tiếc, lại chính đó là điều đáng tiếc khôn hàn, gay cấn trong mọi sự đáng tiếc ở đời.

Do đó, dù biết rằng đuổi đeo là đáng tiếc, là mòn thân mỏi thể, thân tàn ma dại, v.v. vẫn cứ ù lỳ đuổi theo mãi mãi suốt một bình sinh.

Thì cũng chẳng khác chi ông già Heidegger suốt một bình sinh cố công nhọc sức chạy đi kiếm tìm hư vô, để nắm lấy cái hư vô mà dắt dìu dẫn nó về cho Tại Thể đem nó ra mà thiết lập căn cơ cho Siêu Hình Học!!! Một hai lận đận nói mãi rằng Tồn Lưu chỉ có thể nhận diện mình là lúc Tồn Lưu chịu soi bóng mình trong tấm gương vô dạng của Hư Vô![5]

******

II/ TUỆ SỸ

1.

Với Tuệ Sỹ, thơ là một cuộc hội thoại trong cõi hằng thể tịch nhiên, vang dội những âm hưởng nguyên sơ, hiện hình giữa dòng lịch sử, và vang dội với một câu hỏi ngân dài bất tận, “‘và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?” (M. Heidegger, Wozu Dichter; Sương Bình Nguyên của Bùi Giáng)’”[6].

Từ việc cho rằng, thơ là một cuộc hội thoại trong hằng thể, Tuệ Sỹ giải thích thêm: “[G]iữa lòng của Hằng thể Tịch nhiên, phơi mở một cuộc Hội thoại của Thiên nhiên và Lịch sử trong Thi ca. Cho đến lúc, Lịch sử trở thành thời buổi điêu linh thống khổ, thì bấy giờ lại là một cuộc Hội thoại của Thi ca và Tư tưởng. Nhưng kỳ cùng, phải thấy rằng, chúng ta đang từ một cõi Thơ này mà xắn tay bước tới một cõi Thơ khác, trong cách điệu tương ứng song trùng.”[7]

******

2.

Tuệ Sỹ tiếp tục phân tích: “Vậy, đường đi vào thơ, đi từ tương ứng synousia, đi thẳng vào Ngôi nhà Hằng thể, và ở đó, đang có thịnh triệu của Nguyên ngôn Logos. Đó là đi ngược, đi trong cách điệu trang trọng của tư tưởng. Nhưng cũng có thể đi xuôi, theo cách điệu phiêu bồng của thi ca.”[8]

Ông giải thích: “Bởi vì cách điệu của thi ca vốn dĩ phiêu hốt, khơi vơi, lãng đãng, nên bờ biếc bích ngạn chiêu hoa như một nơi chốn thong dong thánh thót. Thảm kịch khốn cùng dù có đổ ào lên Thi ca đến mấy đi nữa, Thi ca vẫn như điềm nhiên, ngao du theo ngày tháng, trong ngày tháng ngao du. Có thể nói đó là ẩn ngữ song trùng của Thi ca. Với cách điệu song trùng đó, cho nên khi Thi ca trở gót về trong ngày tháng ngao du, trời đất bỗng dậy lên những niềm tư lự, ưu tư. Nhưng khi Thi ca đi vòng trong không gian quỹ đạo của tuế nguyệt xoay vần, vòng quỹ đạo chật hẹp vỡ tung ra cho một cõi trời lồng lộng.”[9]

Những phân tích, những giải thích của ông, không chỉ cặn kẽ, tỉ mỉ, mà còn rất phiêu hốt, tiêu diêu, thực tại mà vẫn chín tầng bay bổng: “Cách điệu tương ứng song trùng, như là ba cõi miền riêng biệt của ngôn ngữ trong trình tự lập ngôn cho Thi ca. Nhưng cả ba cùng đi và về trong và trên cái Một; là cái Một của Hội thoại. Trong Một Hội thoại, Thi ca sẽ dư sức đánh gục ngã mọi công trình to lớn của triết học, dựng trên cái Một Lý tính, cái Một của Đồng nhất tính. Một Lý tính đẩy Lịch sử xuống giếng khơi; tỉnh oa khúc sĩ; chúng ta sẽ như con ếch ngồi đáy giếng trông lên vòm trời, nhưng không đủ sức làm rách quần của quỹ đạo vòm trời đó. Rách quần quỹ đạo, cho nên Một đích thị là cái Như. Thi ca tái dựng lập ngôn trong Như Lai Tu Bồ Đề, cho nên mới có Duy Ma Cật nương uy lực của Thần thông du hí tam muội, rong chơi trong cõi bờ Vô tận của Hoa Nghiêm. Thi ca đã đi bằng những ‘bước dã man sầu xé lá gieo vàng’”.

******

3.

Với người làm thơ, ông đặt vấn đề:

Thi ca là tiếng nói gì, nói lên từ tâm nguyện gì, của Tại thể chúng ta trong cuộc Tồn sinh đầy hiểm họa?

Có thể không có vấn đề nào như thế hết. Nhưng chắc chắn, điều khó mà chối cãi cho trôi, là độc giả hẳn đã thấy bài báo đi vòng quanh những nỗ lực cho một cuộc Hội thoại. Thời đại chúng ta đang khao khát một cuộc Hội thoại như thế, trước những thảm họa lịch sử đang giày xéo khôn cùng ở đây. Nhưng cõi Tư tưởng đã bị khống chế bởi những tri thức cuồng dại; thảm họa đen tối của nó không còn là một viễn tượng xa xôi, mà đã trở thành những hiện tượng, những quái tượng. Trong khi đó, Thi ca cũng đang bị dồn vào những cuộc đầu cơ lịch sử. Cảnh tượng như thế, chúng ta chịu khó mở mắt mà nhìn là thấy. Cho nên, thay vì nói đủ thứ chuyện, ở đây chúng ta có thể mượn một kết luận như thế này (M. Heidegger, Wozu Dichter): “Trong thời đại của đêm tối cõi đời, cái vực sâu không đáy kia của cõi đời phải được thể nghiệm và được kiệt tận miên bạc bình sinh. Mà muốn vậy, thì điều cần thiết là phải có vài kẻ đạt tới cái chỗ cùng tận của cái đáy vực sâu không đáy.”[10]

******

III/ TÁC THI SỰ

Hôm nay, tôi giới thiệu đến các bạn một bài thơ chữ Hán nữa của ngài Tuệ Sỹ, cũng trong tập Ngục trung mị ngữ. Bài thơ ấy như sau:

TÁC THI SỰ

Tự tâm tự cảnh tự thành chương

Tự đối bi hoan diệc tự thường

Tha nhật Nhan Hồi tọa táng ngẫu

Tàm ty cát đoạn tán thương thương

**

Từ bài thơ chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt trên của ngài Tuệ Sỹ, tôi diễn lại bằng thể thơ lục bát:

CHUYỆN LÀM THƠ

Tự tâm tự cảnh thành thơ

Buồn vui tự đối cho mơ ngọt bùi

Nhan Hồi[11] tự táng lúc ngồi

Trời xanh rải xuống bồi hồi nhúm tơ

(Phạm Hiền Mây)

Sài Gòn 08.11.2024


[1] Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Bùi Giáng trong tôi”. Tuyển tập, tập 3. Nà xuất bản Trẻ, 2023. [2] Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn, 1969. [3] Bùi Giáng, sđd. [4] Bùi Giáng, Sa mạc trường ca. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn, 1970. [5] Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn, 1969. [6] Tuệ Sỹ, “Thi ca và Tư tưởng”. Giai phẩm Văn, số đặc biệt về nhà thơ Bùi Giáng, tháng 5, 1973. [7] Tuệ Sỹ, bđd. [8] Tuệ Sỹ, bđd. [9] Tuệ Sỹ, bđd. [10] Tuệ Sỹ, bđd. [11] Nhan Hồi là học trò giỏi nhất của Khổng Tử. Ông thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến lần hai, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người này thì không giận lây người kia, đứng đầu đức hạnh trong cửa Khổng. Nhan Hồi nhà nghèo, nếu là người khác thì không chịu được mà lo buồn, Nhan Hồi khác, ông tự nhiên vui vẻ học hành, được Khổng Tử hết lời ngợi khen: “Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi giả, bất cải kỳ lạc. Hiền tai Hồi giả!” Nghĩa là: Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, người khác mà ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay, Nhan Hồi! Năm hai mươi chín tuổi, tóc Hồi bạc trắng. Năm ba mươi mốt tuổi, Nhan Hồi mất, Khổng Tử buồn tiếc, mà than: Trời hại ta! Trời hại ta!