Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Đọc tiểu thuyết

Phan Thị Hà Dương

 

Sáng tinh mơ, ngồi trên một bờ biển vắng lặng, đọc một cuốn tiểu thuyết chưa bao giờ nghe.

Như bao lần khác, rất nhiều khi tôi gấp sách lại và nghĩ, vì sao đọc tiểu thuyết lại làm mình thích. Và có điều lạ là mỗi lần như thế, tôi lại có những ý nghĩa mới, đến nỗi dù đã nhiều khi trả lời câu hỏi này, nhưng hôm nay, tôi vẫn muốn viết.

Đi vào một cuốn tiểu thuyết sẽ như dò dẫm trong một lâu đài tranh sáng tranh tối của tâm hồn con người. Và khám phá tâm hồn con người là điều kỳ diệu trong cuộc sống này.

Điều này nghe quen thuộc? Nhưng hôm nay tôi ngẫm thật kỹ về nó.

1. Vì sao không phải là khám phá một bông hoa, một dòng sông, một khu rừng? Mà lại là một tâm hồn?

Bởi với chẳng có gì thăm thẳm hơn, bất ngờ hơn, vi tế hơn tâm hồn con người. Bởi với dẫu ta có khắc lên các vì sao những khám phá về tâm hồn con người thì cả vũ trụ này cũng là chưa đủ.

Tôi đã đọc rằng ta có thể ngắm một bông hoa và ngẫm về thế giới. Điều đó đúng, bởi vì bông hoa đâu cần là bông hoa, nếu thay bông hoa bằng bất cứ cái gì cũng được cả, vì các ý nghĩ khởi nguồn từ các tưởng tượng. Vì vậy, bông hoa chỉ là ước lệ. Và vì vậy câu nói đó chỉ là ước lệ, một ẩn dụ cho việc suy tư dựa trên tưởng tượng.

Nhưng ở đây, tôi không nói về ẩn dụ, tôi nói về sự thật. Sự khám phá tâm hồn bằng những ý nghĩ thật, bằng những phân tích, những suy tư, những trăn trở thật; không bằng tưởng tượng. Tâm hồn ấy có thương đau, có mất mát, có hồi sinh hay có gục ngã, tất cả là những điều ta đang đọc, đang thấm vào trí não ta, làm chảy tràn những dòng cảm xúc hay làm rung lên những sợi suy tư. Tất cả là một quá trình có thật trong tâm trí ta.

2. Vậy vì sao không phải là khám phá tâm hồn của một con người thật mà lại là con người trong tiểu thuyết?

Hai câu hỏi sẽ đặt ra ở đây.

Một con người ngoài đời thật: ta có quyền gì khám phá tâm hồn họ? Họ là ai, thế giới riêng tư của họ là lãnh địa mà ở đó họ làm chủ, ta có quyền gì bước chân vào? Tất cả những gì mà họ bày ra cho cuộc đời này là quyền của họ, cái hình ảnh mà họ muốn thế giới này nhìn thấy. Ta có quyền gì vén bức màn bí mật để làm phát lộ ra một nội tâm ẩn dấu sau bức màn kia?

Và điều thứ hai, ngay cả khi họ cho phép ta, mong muốn ta khám phá tâm hồn họ, thì điều đó có đáng không? Điều khác biệt cơ bản giữa việc khám phá một tâm hồn hiện hữu sống động với khám phá một tâm hồn trong trang sách đó là ta phải có trách nhiệm với tâm hồn ấy. Ta sẽ không thể khám phá một thế giới nếu không bước chân vào đó, và ngay khi đặt chân lên bậc cửa đầu tiên thi ta đã tác động đến nó và sống trong lòng nó. Nó tổn thương dữ dội, ta dửng dưng được sao? Nó tàn phá sám hối, ta chiêm ngưỡng vô tư được sao? Và khi bỏ đi, để lại sau lưng một thế giới tan hoang, ta không có trách nhiệm gì sao?

3) Nhưng nếu đó là tâm hồn của một tác giả – người có khoảng cách xa vời với ta, nhưng lại đã bày ra cho ta thấy tác phẩm của họ – mà phần nhiều phản ánh cuộc đời của họ?

Không, lại một lần nữa ở đây, câu trả lời là không.

Khi lắng nghe những lời bao la và êm đềm như thái bình dương của hai tâm hồn trong mùa thu cuối cùng, ta nhìn thấy Zhivago chứ không phải Pasternak; khi hoan ca tuôn từng dòng chữ ta nhớ đêm tuyết trắng Zhivago làm thơ; khi chìm sâu u uẩn ta nhớ lời chàng nói với Lara: còn điều gì mà tôi không sẵn sàng làm để xua đi nỗi buồn trong đôi mắt cô.

Khi ấy, tất cả những khi ấy, ta nhớ về Zhivago, chứ không phải Pasternak. Dẫu ta biết rằng tác giả đã có một cuộc đời như thế, một tình yêu như thế, và còn hơn thế, chắc hẳn những trải nghiệm đau thương hay vinh quang của ông còn đầy hơn nhân vật mà ông viết.

Nhưng không, ta lựa chọn Zhivago, chứ không phải Pasternak. Vì Zhivago là của ta, trọn vẹn. Ta có thể cùng chàng ngỡ ngàng đi qua những tháng năm của tuổi hai mươi, ta có thể cùng chàng lặng bước trên những con đường mòn như cổ thi ca tụng, một nửa vùi dưới lớp cỏ hoang trong mùa thu Paris ngày trở lại, ta có thể cảm nhận dòng điện xuyên suốt khi chạm đến một tâm hồn, như chàng. Với Pasternak, ta không thể, ta không thể để mình yêu thương một con người hiện hữu như vậy.

Vậy đấy, vậy là với tiểu thuyết, và chỉ tiểu thuyết thôi, ta mới được đến với thế giới sâu thẳm và kỳ bí đó. Và mỗi bước ta bước đi trong những thế giới đó lại là một bậc thang ta bước lên trong lâu đài tâm hồn của chính mình. Bởi vì tâm hồn ta, một tâm hồn hiện hữu có thực nơi đây, chính là tâm hồn hiện hữu thật nhất mà ta muốn khám phá.