Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Một trăm câu chuyện – Hà Nội kể (6)

Ngô Nhật Đăng

CHUYỆN HÀ LỒI

Cao Sơn, Tử Vi có cách “Nhạn quá cao sơn” – con nhạn không lượng sức mình bay qua đỉnh núi cao, rơi xuống đầm lầy sống cùng ếch nhái – bố nó dặn phải luôn nhớ để răn mình. Tôi cũng hay được nhờ đặt tên, ơn trời, những đứa bé mang tên tôi đặt cũng không đến nỗi.

Bà Cả Tề là vợ bác sỹ Đặng Vũ Lạc người xây nhà thương tư nhân đầu tiên ở Hà Nội. Sau năm 54, “Nhà thương Đặng Vũ Lạc” thành “Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba”, từ “nhà thương” thành “bệnh viện” nhưng người Hà Nội cũ vẫn gọi “nhà thương Phủ Doãn”, “nhà thương Khách” (của người Hoa) chứ không gọi “bệnh viện Việt Đức” hay “bệnh viện Hòe Nhai” nhưng bây giờ chẳng mấy người biết “Nhà thương Khách” ở đâu. Quá khứ đã bị cắt lìa, lịch sử thành phố cũng vì thế mà bị méo mó không còn là dòng chảy liên tục. Cái gì mà “cộng” thì cũng hỏng, người Hà Nội có câu “Vào Cu Ba ra nhà xác”, cái nhà thương tư lừng lẫy ngày xưa trở nên thê thảm khi được cộng với Cu Ba mà thành bệnh viện.

Một lần, từ sân bay về nhà, anh tài xế taxi nói: “Nhà anh ở phố Ba hàng cây”, làm tôi bồi hồi, cái tên Pháp thì không ai muốn gọi, dành cho các nhà nghiên cứu hoặc ai sính ngoại, tên mới Phan Đình Phùng cũng không gợi cảm xúc như Ba Hàng Cây, nhắc đến là ai cũng thấy hiện lên ba hàng cây sấu cổ thụ trồng trên con đường đẹp nhất nhì Hà Nội ấy. Mỗi mùa sấu, con gái tôi mua sấu gửi vào Nam cho bố, bao giờ cũng là: “Sấu Ba hàng cây đấy bố ạ” – sấu ở đây giá cao hơn, chẳng phải là ngon hơn nơi khác, giá trị của nó là cái mà bây giờ bọn cuồng chữ gọi “văn hóa phi vật thể” Thầy tôi thì bảo “bọn ưa nói mỹ tự”.

Sau khi khởi nghĩa Yên Bái bị “dìm trong biển máu”, Việt Nam Quốc Dân đảng suy yếu, bác sỹ Đặng Vũ Lạc thành lập đảng Đại Việt trong giới trí thức, nhiều nhất là bác sỹ và luật sư (ông nội tôi trước là Việt Nam Quốc dân đảng, sau cũng tham gia Đại Việt). Bà Tề như là Cục trưởng Cục Hậu cần cho đảng, khi chồng và con trai bị Việt Minh thủ tiêu (dòng họ Đặng Vũ có tám người bị giết trong thời gian này) bà lại tiếp tục công việc của chồng và được gọi là Cả Tề – người chị cả của các anh em đồng chí hướng. Năm 54 bà vào Sài Gòn, một người bạn tôi được bà nhận làm con nuôi kể, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thường mời bà vào dinh Độc Lập. Bà là một “Hà Nội Thật”. Một người con gái của bà ở lại, sau này mở một hàng cơm thuần Việt trong ngôi biệt thự nhỏ, rất ngon và có không khí rất riêng Hà Nội, ai cũng công nhận bà đúng là tiểu thư của Hà Nội một thời nhưng không phải ai cũng biết bà là con gái bà Cả Tề.

Con yểng lại kêu: “Nhật Đan ơi…”, con nhóc nhà tôi chạy ra quát: “Mày nhé yểng, tao mang mày sang nhà số 3 bây giờ”. Nó ngửa cổ cười “khành… khạch” làm tôi cũng phải ra ngó. Anh Tuấn “đầu to” hôm nay treo cái lồng ngoài ban công tầng ba, thế là con yểng chĩa thẳng vào cửa sổ nhà tôi trêu chọc con nhóc, nó bắt chước giọng lũ bạn con tôi đứng dưới sân gọi với lên rủ nó đi học, hệt như tiếng người. Phố cũ tôi ở ngày bé có ông Châu, ông nuôi rất nhiều chim, họa mi, hoàng yến, bốn con cu gáy đủ bộ “nhất, nhị, tam, tứ” nhưng danh bất hư truyền, tiếng tăm lừng lẫy là “con yểng ông Châu”, buổi trưa ông thường treo cái lồng của nó dưới hiên sát vỉa hè. Nó ăn chuối, uống nước rồi ngửa cổ hét lanh lảnh vang dọc phố: “Nhà… nhà… nhà… nhà ông Châu – giàu nhất tiểu khu” ai cũng bò ra cười. Một hôm, anh công an hộ tịch tiểu khu đi qua, ghé vào lấy cái que chọc cho nó hót (lần nào cũng thế), nhưng lần này con yểng kêu: “Đ.M, thằng công an hộ tịch” rõ từng chữ, không ngọng nghịu, chắc thằng mất dạy nào trong phố dạy nó. Ông Châu nước mắt ròng ròng, bỏ con yểng vào bao, đạp xe đi, ông nói ông đem nó ra chôn ở Bãi Giữa sông Hồng, không còn yểng buổi trưa ở phố tôi cũng vắng đi nhiều.

Có một thời, cái tên Tuấn của con trai và tên Hương của con gái rất phổ biến. Ba người con gái của Thầy tôi đều tên Hương, ông chọn những chữ có ý nghĩa đặt tên lót, người ngoài gọi cả hai tên, nhưng trong nhà thì dùng tên lót. Nhà văn “Hà Nội Thật” Nguyễn Vỹ cũng lấy tên Tuấn đặt cho nhân vật chính của mình “Tuấn chàng trai nước Việt”. Xóm tôi có đến chục tên Tuấn, nên mọi người từ già đến trẻ đều gọi tên gắn với nickname, vì thế con gái tôi mới nói “bác Tuấn Đầu to” chứ không phải hỗn láo, vô lễ “cá đối bằng đầu”, “cá mè một lứa”. Không phải họ hàng gọi theo thứ bậc, bên ngoài cứ hơn một tuổi trở lên là gọi anh xưng em, bọn nhóc Hà Nội ghi nhớ điều này, để người lớn thấy “cá mè một lứa” thì coi chừng. Năm ấy, nhà nước cho phép dân được mắc điện thoại cố định, vì nhu cầu làm ăn nên tôi là một trong những nhà kéo điện thoại đầu tiên, nhà tôi thành tụ điểm liên lạc để hẹn hò của mấy thằng đang yêu đương trong xóm, một hôm, chuông điện thoại reo: “Anh ơi, anh làm ơn cho em gặp anh Tuấn…”. Tôi trả lời: “Em muốn gặp Tuấn nào? Tuấn mọi, Tuấn ốc bươu, Tuấn kều, Tuấn kính, Tuấn đầu to….”. Tôi đang kể lể và cố nhớ xem có sót Tuấn nào không thì cô gái nói: “Thôi không cần nữa đâu ạ. Em cám ơn anh”, rồi cúp máy.

Khi tôi về ở, cả xóm không còn một mẩu đất trống, khuôn viên của sáu căn biệt thự và khu vườn rộng mênh mông giờ chật kín nhà, vẫn còn cả nhà cấp 4 lợp lá, khi người dân được phép làm nhà thì xóm bỗng thay đổi bộ mặt nhanh như chớp, những ngôi nhà hiện đại mọc lên. Anh Tuấn “đầu to” trước ở phố Ba hàng cây về mua cái nhà lá xây thành nhà năm tầng. Bộ mặt thay đổi, xóm đã thành phố nhưng mọi người vẫn gọi là xóm – “xóm tôi có thằng…”, “xóm tôi hôm nay có chuyện…”.

Lớp cư dân đông nhất của xóm tôi là những người từ khắp nơi kéo về Hà Nội sau sửa sai của “cải cách ruộng đất” làn sóng nhập cư ồ ạt và lớn nhất kể từ sau 54 đến thập niên cuối 80 và đầu 90. Đợt đầu đánh dấu bằng chính sách hộ tịch, ra đời để quản lý và giảm bớt áp lực nhập cư. Đợt sau là thay đổi chính sách hộ khẩu, ai cũng được phép về Hà Nội ở, được cấp hộ khẩu Hà Nội, miễn là có nhà. Nó đẩy giá nhà lên cao khủng khiếp, những ngôi nhà trên phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường… có giá trên trời, đắt hơn cả Tokyo hay New York, và cũng bổ sung cho thành phố một lớp cư dân mới, họ giàu hơn, tiêu tiền to, nét mặt đầy tự tin và thỏa mãn, đi đứng hiên ngang, ăn nói mạnh bạo, thậm chí nói ngọng, giọng cũng khác đi. Gặp tôi ở California, nhạc sỹ Trúc Hồ ngạc nhiên: “Cha nội này kỳ thiệt, ở Hà Nội mà lại nói giọng Bắc Kỳ 54”. Một lần nhậu ở Sài Gòn, một tay Bắc Kỳ nói: “Ông không phải là người Hà Nội, nghe giọng nói là biết. Tôi lạ gì, ngày xưa mỗi khi nghỉ hè tôi lại ra Hà Nội ở nhà họ hàng cả ba tháng, họ nói khác, dễ nghe chứ không khó nghe như ông”. Tôi hỏi lại “Quê ông ở đâu ?” – “Nghệ An”, anh ta trả lời. Bạn cãi đi, im mồm để khỏi làm hỏng bia, phí lắm. Hà Nội giải thích bằng câu hát “Ước mơ lớn của người Nghệ An? Ra Hà Nội để được gần lăng Bác”. Chẳng ai tự ái, bởi thằng nào mà chẳng được hát, ví như Thanh Hóa quê tôi: “Ước mơ lớn của người Thanh Hóa? Lá rau má to bằng lá sen”, v.v.

Hồi cải cách ruộng đất, những người bị “quy thành phần” là địa chủ, sợ bị làm nhục và hành quyết trốn ra Hà Nội với họ hàng. Nhánh nhà tôi còn ai cũng trốn hết. Cụ trưởng của chi nhà tôi từ Thăng Long vào Thanh Hóa theo lệnh triều đình mộ dân đi khai hoang lập làng sau khi triều đình đào xong con sông dẫn nước ngọt gọi là “Kênh nhà Lê” đến tôi là đời thứ 11. Họ nhà tôi ở Thăng Long đông lắm thành một khu, khi Chúa Trịnh lấy đất xây phủ Chúa thì phải chạy ra xung quanh, nhiều nhất ở làng Yên Phụ, Quảng Bá và Quan Thổ, Thổ Quan (Khâm Thiên). Trong họ quy định, cứ năm đời thì các nhánh được tách ra, lập nhà thờ cho ông trưởng nhánh thành chi họ mới. Hai ông trưởng hai nhánh của chi họ nhà tôi ở Hà Nội phải lo chỗ ăn ở, mua nhà, tìm chỗ học cho con trẻ, tìm việc làm cho người lớn, cả họ ai cũng kính trọng hai ông. Ngày bé cứ chiều thứ 7 là bố tôi đèo xe đạp chở tôi xuống nhà hai ông bác, ở nhà này xong thì đến nhà kia. Một ông được gọi là “Quan Đốc học”, một ông là “Thầy ký ga Hàng Cỏ”. Bố tôi kể: “Năm lên 8 tuổi là ông nội bắt bố “đến nhà anh Đốc”, học và ở luôn”. Con lớn bác ấy bằng tuổi bố tôi, anh được sang Liên Xô học lái máy bay lứa đầu tiên nhưng là phi công dân dụng, cũng coi như bán thất nghiệp khi về nước phải tìm việc khác vì miền Bắc làm gì có máy bay dân dụng, ngoài cái chở lãnh tụ đi Trung Quốc, nhưng đi máy bay không an toàn, nên khoảng năm 57, 58 (tôi không nhớ chính xác) bác Mao tặng bác Hồ một đoàn tàu hỏa năm toa sang trọng để đi lại. Trong Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử của nxb Sự thật Hà Nội có chép lại, đủ cả ngày tháng.

Để nhắc nhở nguồn, họ tôi quy định trong mỗi nhánh phải cử một người con trai ở làng lo chuyện thờ cúng, ông nội tôi đang ở bên Pháp phải về, gia nhập Đại Việt chống Pháp, trước là quân của lãnh tụ Nguyễn Thái Học, cùng lứa ông Đội Cấn (ông tôi không gọi tên cúng cơm mà gọi là Đội Trầu), ông Cấn đóng ở Thái Nguyên còn ông nội tôi ở Bắc Ninh, ông sang Pháp sau khi sinh bác cả tôi nên không bị giết trong khởi nghĩa Yên Bái, từ Pháp về ông về làng để lo việc thờ cúng và gia nhập đảng Đại Việt chống Pháp, sinh bố tôi cùng bốn người em nữa. Rồi ông bị thủ tiêu, sau đó bà nội tôi bị đấu tố và tự sát, con cái tan tác lạc bầy đùm bọc nhau. Bác cả tôi học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông nổi tiếng học giỏi được gọi là “Thần đồng” đứng nhất “xứ Bắc Kỳ” được quan Công sứ Pháp công kênh trên vai chụp ảnh, nhà nước vẫn sử dụng vì ông có tham gia kháng chiến ở Hà Nội trong 100 ngày "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” (Thầy tôi cũng là lính Trung đoàn Thủ đô cùng Quang Dũng tác giả bài thơ Tây Tiến) với điều kiện không được ở Hà Nội. Bác tôi về Thanh Hóa làm Hiệu trưởng một trường cấp 3, hiệu trưởng duy nhất toàn miền Bắc không là đảng viên, ông ngang ngạnh có tiếng, ông dứt khoát không nhận con trai ông quan đầu tỉnh vì thi trượt “phải dành chỗ cho con em nhân dân thi đậu, nó không đủ điểm tôi không nhận, nếu anh muốn nhận con mình vào học thì tôi trả lại anh chức hiệu trưởng”.

Ông lấy vợ, bà là con gái ông Nghị viên Bắc Kỳ, bị Việt Minh bắt ngay năm 1945, chết trong trại giam đến giờ vẫn chưa thấy xác, vợ con phải chạy về Thanh Hóa trốn. Con trai lớn của bác tôi đang học lớp 10 thì cùng người bạn thân rủ nhau viết đơn đi bộ đội, bác tôi buồn nhưng không ngăn cản “Trai thời loạn thì phải đi lính” như lời dạy của tổ tiên dòng họ. Anh tôi chết, người bạn bị thương, người này sau lên Tướng, cũng nổi tiếng ngang ngạnh nói thẳng, nói tên anh thì chắc nửa nước biết. Có lần ngồi uống bia, một người hỏi: “Sao anh không chờ đến lúc về hưu hãy nói”. Anh văng: “ĐM. Về hưu mới dám mở miệng thì còn đéo gì là lính”. Đến đời bố tôi, ông chú áp út đang làm trong ga Hàng Cỏ cũng phải về làng lấy vợ, nhưng con cái cứ thi xong đại học là đi, chẳng đứa nào chịu ở nhà, chi nhà tôi chỉ giỏi nhất là đi thi, cứ thi là đỗ.