Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Về làng

Nguyễn Thị Hiền

 

Một hôm bố tôi nói với mẹ tôi:

- Mình sắp xếp ít quần áo, chuẩn bị ít quà, ngày mai đưa các con về làng, thăm quê.

Nghe bố nói vậy chúng tôi háo hức lắm. Bố mẹ tôi sinh tôi ở làng, nhưng chưa được một tuổi mẹ đã gánh tôi và "con chó xấu xí" rời làng đi tản cư theo kháng chiến, còn các em tôi Chương, Hạnh, Đức sinh ở trên Đồi Cháy nên chưa về làng bao giờ.

Hôm sau cả nhà ra ga lên tàu hỏa về quê. Quê tôi cách Hà Nội 17, 18 cây số nên đi cũng nhanh.

Xuống tàu đi bộ một đoạn trên đường quốc lộ 1, bố tôi chỉ:

- Cổng làng quê mình kia kìa.

Chúng tôi không ai bảo ai, bố cõng em Đức, mẹ cõng em Hạnh, xách túi, xách bị, tôi và Chương cùng bố mẹ, cả nhà cùng rảo bước đi nhanh.

Từ quốc lộ rẽ vào hai bên đường là ruộng, thấy cổng làng cao sừng sững, có một cây đa to ở bên đường vào làng. Bước chân qua cổng làng là con đường đá xanh, những viên đá to xanh hình chữ nhật được lát khít vào nhau, bên cạnh hai bên đường đá xanh được lát gạch đỏ, tôi nói:

- Thầy ơi, sao đường làng mình đẹp thế?

Thầy nói: Đúng rồi, đường đá xanh làng mình có từ năm 1933, do làng có tục lệ quỹ dân làm công đức đóng góp xây nên. Thầy đã đi bao nhiêu làng, nhưng chưa thấy làng nào mà đường trong làng lại lót đá xanh đẹp như làng mình đâu con ạ.

Đi một đoạn đường đá xanh là đến nhà của ông nội tôi, bố nói:

- Nhà ông nội kia rồi.

Lần đầu tiên tôi quay lại ngôi nhà nơi bố mẹ đã sinh ra tôi ở đây. Nhà gạch ngay mặt phố, có hai tầng. Đi vào cổng, vào bên trong nhà có một sân gạch tàu đỏ sậm rất lớn; bên phải là một nhà cổ năm gian to rộng, một nhà bếp, một bể chứa nước mưa, bên cạnh có cây cau cao vút, và một giàn trầu không; bên trái là một nhà cổ ba gian xinh xắn. Bố tôi nói với tôi:

- Bố mẹ đã sinh ra con ở làng và sống ở ngôi nhà này.

Mà người đưa mẹ tôi đi nhà hộ sinh ra tôi là bố và bác Nguyên Hồng.

Ngôi nhà của ông nội tôi, bây giờ bác cả Diễm ở. Bác có hai người con: anh Thành và chị Tâm. Chị Tâm rất xinh, cao dong dỏng, da trắng, tiếng nói nhẹ nhàng, sau này bố tôi xin cho chị về làm diễn viên ở đoàn múa rối.

Bác cả Diễm người béo tốt, ăn trầu, môi lúc nào cũng đỏ màu đỏ sậm của người nghiện ăn trầu. Bác ở nhà tầng trên, mấy gian nhà dưới chắng còn ai ở vì ông nội tôi đã mất từ lâu. Còn bà nội tôi, bố tôi và cô tôi đều bỏ làng đi kháng chiến.

Rồi bố mẹ dắt chúng tôi đi thăm họ hàng, chỉ cho tôi biết nhà bác Tham Lai, nhà cao mấy tầng, bác trai là ông Tham Lục Lộ, bác gái người cao gầy là con bà cả. Bác rất đẹp, da trắng nõn, tóc đen nhánh, môi son đỏ hồng, áo phin nõn trắng tinh thêu bô đê gấu, quần sa tanh cũng bô đê gấu. Bác có nhiều con, tôi không nhớ có bao nhiêu người, chỉ nhớ bác có một con gái, còn toàn con trai. Sau này tôi gặp các anh, anh nào cũng cao lớn, đẹp trai, đi bộ đội cụ Hồ. Tôi nhớ có anh Đại cao lớn, râu quai nón ở trong đội bóng rổ của quân đội nữa; sau này anh lấy vợ là chị Phúc cũng người trông quân đội. Anh chị đã ở nhờ nhà bố mẹ tôi ở 6 Hạ Hồi một thời gian.

Ông nội tôi có ba vợ, bà cả sinh ra bác Cả Diễm, bác Tham Lai, bác Năm.

Bà hai không có con. Bà nội tôi là bà ba thì sinh ra bố tôi và cô Uyên tôi. Vì bà hai không có con nên năm nào bố tôi cũng làm giỗ cho bà, lúc nào bố cũng nhắc:

- Các con phải nhớ bà là người không có con, suốt đời bà là người chăm lo cho các con của ông là thầy và cô Uyên, nên nhà mình phải làm giỗ cho bà.

Tối hôm đó chúng tôi được đi xem hát tuồng ở sân đình, vở tuồng "Mộc Quế Anh dâng cây".

Cô Thanh vợ chú Phúc đứng trên sân khấu hát, đến giờ bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ câu hát của cô:

- Bớ này nâu na kia, còn nương ư... hay nà hết a...

Cô Thanh tôi vung thanh đao có ngù đỏ, mũi đồng nhọn hoắt, một chân quặp lên, mắt sáng quắc, ngù bông xanh đỏ trên mũ rung rung, tiếng trống tùng, tùng,tùng... tiếng phèng cheng, cheng, cheng...

Cô lại xoay một vòng, chân bước dài, áo thêu hoa kim tuyến sáng lấp lóa, chân đi hia thêu cườm bước hất lên cao, cô lại vung đoản đao giơ tay lên hát tiếp:

- Ngang tàng ư... non nước a... độc sơn vương ư...

- Chiếm mục ư... thanh gươm a... sức tự cường ư… ư… ư...

- Yên ngựa ư... thiên hạ a... tài thục nữ ứ… ự… ư...

- Anh hùng ư… thiên hạ a... mấy ai đương ư... a...

- Mộc cát trại ai a... vi vương ư… ử... Mộc Quế Anh là thiếp… ếp... e... a...

Lai giơ chân đi hia thêu cườm lóng lánh, bước cao xoay mấy vòng, thanh đoản đao ngù đỏ bay bay, tà áo thêu kim tuyến lấp loáng sáng. Mũ thêu cườm kim tuyến, ngù vàng, xanh, đỏ, hồng rung rung oai ơi là oai, lại đẹp ơi là đẹp, khiến tôi mê tít.

Hóa ra bây giờ tôi mới biết làng tôi có gốc tuồng những hơn 200 năm rồi. Đoàn tuồng đã đi biểu diễn khắp nơi, ra cả nước ngoài biểu diễn nữa. Thời kỳ đó ra nước ngoài biểu diễn phải đặc biệt lắm. Đoàn có lúc lên tới hàng trăm hội viên sinh hoạt.

Bây giờ thì tôi hiểu do mê tuồng mà bố tôi lấy tên Kim Lân và bác Bảy tôi lấy tên Linh Tá.

Chú Phúc tôi là chồng cô Thanh, lại là cố vấn của đội tuồng, hiện giờ chú đang giữ khám tổ hơn 200 năm của đoàn tuồng, để thờ ngay tại nhà chú ở làng.

Sáng hôm sau tôi nói với bố:

- Thầy ơi con muốn đi vẽ phong cảnh làng.

Bố tôi nói:

- Hay quá, thế con có mang theo giấy bút không?

- Có, con mang đầy đủ giấy, bút, màu, cả cặp vẽ nữa.

Thế là cắp cặp đi chọn cảnh, đi vòng quanh một hồi. Tôi đã vẽ làng tôi. Con đường đá xanh, có cây bàng xòe tán, hai bên là nhà và cổng cổ kính, tường gạch rêu phong, đôi chỗ tường bong ra một lớp để lộ ra những hàng gạch đỏ, tôi vẽ bên tay phải con đường là nhà ông nội tôi. Nơi tôi đã được sinh ra.

Bức tranh bột màu mà sau đó về Hà Nội, bố tôi gửi triển lãm thiếu nhi, tôi đã được giải nhất cho bức tranh này.

Rồi bố tôi cho tôi, chị Tâm con gái bác cả Diễm đi ra đầm sen, tôi ngồi trên thuyền thúng cùng chị bơi trên hồ, thuyền thúng đan bằng nan tre, tròn, nhỏ chòng chành trên mặt hồ, phải chèo giỏi lắm thuyền mới không bị lật.

Trong đầm sen mọc kín, hoa đỏ hồng, nhụy vàng, thơm thoang thoảng, mùi lá sen thơm ngai ngái, rung rinh trong gió. Vạch lá, vạch hoa, bơi len lỏi mãi trên hồ thì ra đến Đền Đầm.

Các cụ bô lão trong làng nói:

- Đầm sen này là mạch nước còn sót lại một khúc của sông Tiêu Tương, nơi đây Trương Chi đã hát những bài hát với giọng ca hay tuyệt vời làm động lòng công chúa.

Giữa hồ sen có Đền Đầm mà bà chúa Đền Đầm là "Thanh Thiên Tiên Nữ, Băng Ngọc Công Chúa". Chẳng biết đó có phải nàng công chúa xinh đẹp, giàu có, quyền uy, đã rung động trước chàng chèo thuyền nghèo khổ, xấu trai Trương Chi hay không? Phải chăng tiếng hát Trương Chi đã lay động cả trái tim công chúa, để công chúa xin phép vua cha cho được làm vợ chàng Trương Chi "ca sĩ" trên sông Tiêu Tương này hay không?

Để bây giờ làng tôi còn lại một khúc sông Tiêu Tương này, mà nay đã thành một đầm rộng cả 60 mẫu, bát ngát hương hoa sen thơm nức cả làng. Để ngay ở cổng làng tôi có câu: "Bảng loa lục thập mẫu hồ cư dân". Để dân làng tôi bao đời nay may mắn cư ngụ ngay bên cạnh đầm, rộng 60 mẫu, bốn mùa nước tinh khiết, ngọt ngào này.

Cho đến tận bây giờ, bao nhiêu năm đã qua đi, kể từ ngày còn bé, theo bố ngồi thuyền thúng, vạch lá, vạch hoa sen để ra Đền Đầm, hương thơm của hoa, của lá sen vẫn thoang thoảng quanh tôi, để cho tôi không dứt ra được.

Đâu đó trong tranh của tôi vẫn thấp thoáng những bông sen, những cô gái, chàng trai đi hái sen trên Đền Đầm làng tôi thủa nào.

Những "Thanh Thiên Tiên Nữ” và "Trương Chi" vẫn đội sen đi lễ, lá sen đội trên đầu che nắng, che mưa, có tôi nhỏ bé lấp ló đi theo, để tôi được trở về nguồn cội của mình.

Sài Gòn mùa hè 2019

Làng tôi. Sơn mài 90 × 80

 

Nắng trên làng tôi. Sơn mài 90 × 80

 

Cầu ao làng. Sơn mài 90 × 80

 

Ký ức về làng. Sơn dầu 100 × 100

 

Hát tuồng. Sơn dầu 70 × 90