Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

Thiền trôi (kỳ 4)

Truyện Phạm Lưu Vũ

pham luu vu (2)

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Phía trước là thành Phượng Hoàng. Trong thành có một trưởng giả họ Nguyễn, có cô con gái tuổi ngoại đôi mươi, xinh đẹp tuyệt trần, nhưng phải cái tội chỉ nằm một chỗ. Mọi cử động, ăn uống đều bình thường, nhưng từ lúc sinh ra cho đến nay tuyệt không cười, không nói, y như người không có hồn vía vậy.

Họ Nguyễn đã mất công tìm thầy khắp nơi, cầu cúng hết lượt các đền miếu, chùa chiền… song cô nàng vẫn một mực vô tri vô giác. Mấy hôm trước, có một hòa thượng mặc quần áo rách lua tua, mặt tươi roi rói, cổ đeo toòng teng chiếc hồ lô, tay cầm cây gậy trúc đến gõ cửa xin vào thăm. Họ Nguyễn đón vào, thấy hòa thượng có vẻ hơi kì dị thì trong bụng cũng thầm hy vọng. Sau một tuần trà rồi vào ngó cô tiểu thư một lát, hòa thượng hỏi:

“Ông chưa đặt tên cho con gái đấy chứ?”.

Họ Nguyễn hơi ngạc nhiên, bởi chưa gặp ông thầy nào hỏi một câu như vậy, mà quả đúng thật, cô con gái còn chưa được đặt tên, bèn cung kính trả lời:

“Bạch thầy, lúc sinh nó ra, tôi định đợi đến khi nó tập nói thì mới đặt tên. Ai ngờ nay đã hai mươi bốn tuổi, mà nó chưa hề nói một tiếng nào, thành ra vẫn chưa có tên…”.

Hòa thượng bảo:

“Thế hóa ra lại may đấy. Chưa có tên thì vẫn còn hy vọng chữa được. Nếu đã đặt tên rồi thì vô phương”.

Họ Nguyễn mừng thầm, linh cảm vị hòa thượng này chắc chắn biết nguyên nhân thì mới nói như thế, tất có thể chữa được. Bèn hỏi ngay:

“Cái tên thì có liên quan gì, thưa sư phụ?”.

Hòa thượng trả lời:

“Vì danh tức là tâm. Ông chỉ sinh ra cái thân, tức là sắc thân mà thôi, còn tâm của con gái ông thì vẫn ở chỗ khác. Nếu đã giả định một cái danh cho nó, thì cái tâm thật sẽ không còn chỗ để mà trở về”.

“Vậy phải làm thế nào? Muôn sự nhờ sư phụ từ bi cứu giúp…” – Họ Nguyễn năn nỉ, chắp tay vái lia lịa.

Hòa thượng bảo:

“Con gái ông mắc phải một loại độc dược của bọn tà ma ngoại đạo, có thể theo nghiệp mà luân hồi cho nên tựa như bẩm sinh, gọi là “Du hồn tán”. Muốn giải được nó thì phải bổ dương thật lực, kèm theo một món đặc dược, gọi là “hồi tâm hoàn” thì mới có công hiệu.

Họ Nguyễn liền hỏi ngay:

“Hồi tâm hoàn là món gì vậy, thưa sư phụ?”.

Hòa thượng ghé tai nói nhỏ:

“Là… cặp ngọc hoàn của đàn ông. Nhưng phải của người có duyên thì mới được”.

Họ Nguyễn xem chừng đã lờ mờ hiểu ý của hòa thượng, bèn hỏi:

“Đàn ông trong thành Phượng Hoàng này thì chẳng thiếu gì. Nhưng phải chọn như thế nào mới là người có duyên?”.

Hòa thượng trả lời:

“Phải chọn một anh chàng cường dương, đến nỗi mặt đỏ như tôm luộc, lại phải đầu trọc, nhưng không phải hòa thượng, thì mới đúng là người có duyên”.

Họ Nguyễn nhanh nhảu:

“Tìm được người ấy rồi thì tác thành cho đôi lứa, có phải không sư phụ?”.

Hòa thượng lắc đầu, đoạn ghé tai họ Nguyễn nói nhỏ, nét mặt rất tinh quái:

“Không phải cho chúng nó lấy nhau, mà lấy bộ ngọc hoàn của người ấy, đem hầm với ngũ vị bổ dương, cho cô con gái ăn thì thân mới gọi tâm về được”.

Họ Nguyễn nghe nói thì giật mình, trợn mắt kinh hãi. Gương mặt đang hân hoan vụt trở nên khổ sở, nhăn nhó nói:

“Ôi, nghĩa là phải hoạn người ấy để cướp lấy bộ ngọc hoàn hay sao? Thế thì có khác nào bọn người Tàu chuyên mổ cướp nội tạng. Chẳng giấu gì sư phụ, nhà tôi gia thế như thế này, mà chỉ có mỗi mụn con gái, lại bị rơi vào hoàn cảnh oái oăm ấy, thì điều gì có thể khiến cho cháu nó trở lại bình thường, để lấy chồng rồi sinh con đẻ cái thì tôi cũng dám làm lắm. Nhưng, ai người ta tình nguyện cho mình làm cái việc tày trời như thế thưa sư phụ?”.

Hòa thượng dường như đã tính trước chuyện này, liền giơ lên một cái túi nhỏ, đựng một thứ bột màu đỏ mà bảo:

“Không lo chi điều ấy. Cứ phục thuốc mê rồi hành sự, xong xuôi đem rắc thứ bột này lên vết mổ, thì chỉ sau ba canh giờ, vết mổ lại liền lại như cũ, anh ta sẽ không hề cảm thấy gì…”.

Họ Nguyễn lại lóe lên chút hy vọng, liền hỏi ngay:

“Thuốc gì mà thần diệu vậy, thưa sư phụ”.

“Thuốc này gọi là “Cung sa”, là tro của rễ cỏ thiến thảo, chuyên dùng cho những người phạm tội cung hình, hoặc hoạn những trai tráng để đưa vào cung làm hoạn quan ngày trước. Về sau ở ta có ông Hoạn Tổ cũng chuyên dùng thứ này để hoạn lợn…”.

“Thế còn ngũ vị bổ dương là những vị gì, thưa sư phụ?” – Họ Nguyễn hỏi tiếp.

Hòa thượng bảo lấy giấy bút ra để đọc cho chép, gồm: Cẩu tích, Cáp giới, Tục Đoạn, Đỗ Trọng, Lộc nhung. Rồi căn dặn thêm:

“Có được người ấy rồi, thì phải tìm cách giữ lại quanh quẩn ở đây, không cho đi đâu xa, phải tạo cơ hội, sao cho anh ta không cảm thấy kinh sợ thì mới hành sự được”.

“Nếu anh ta kinh sợ thì sao?” – Họ Nguyễn hỏi.

“Thì bộ ngọc hoàn của anh ta, dẫu có lấy ra được, cũng không còn công hiệu nữa. Giống như lấy mật chuột ấy, nếu làm con chuột hoảng sợ, thì mật sẽ tan ra hết, không lấy được nữa” – Hòa thượng trả lời.

Họ Nguyễn lại băn khoăn:

“Nhưng nếu họ không chịu ở đây, mà cứ đòi ra khách sạn ở thì làm thế nào?”.

Hòa thượng bảo:

“Thì ông cứ nói với họ, rằng có một ông hòa thượng như thế, như thế… đã từng ghé đây, và hẹn mấy hôm nữa sẽ quay trở lại, thì họ tất sẽ ở đây để chờ…”.

Họ Nguyễn mừng lắm, nhất nhất vâng lời. Nhưng vẫn còn băn khoăn:

“Nhưng tôi phải tìm người như thế ở đâu bây giờ?”.

Hòa thượng thản nhiên bảo:

“Bất tất phải tìm, người ấy khắc sẽ tự tìm tới đây, không phải một, mà là hai người, một anh mặt đỏ, một anh mặt xanh, song nhất thiết phải hoạn anh mặt đỏ…”.

Ngừng một lát như để cân nhắc, hòa thượng nói tiếp:

“Một khi cái tâm của con gái ông nó đã muốn trở về nhập vào xác thân này, thì cũng ví như chim biết reo, như hoa biết nở, đến mèo cũng phải gào lên, phú quý nhà ông sau này sẽ không biết đâu mà lường…”.

Họ Nguyễn nghe hòa thượng nói đến đâu thì mừng rỡ đến đó, trong lòng nghĩ lão hòa thượng này chắc là người đã biết rõ thiên cơ, thông cả tam giới thì còn nghi ngờ điều gì nữa, bèn thở phào nhẹ nhõm, trong lòng hết sức sung sướng, liền đưa hai tay ra nhận lấy cái túi đựng bột cung sa rồi vái lấy vái để.

Hòa thượng lại móc trong bụng ra một túi gấm nhỏ mà bảo:

“Còn đây là tên gọi. Khi nào tiểu thư nhà ta cất tiếng nói thì hãy mở ra, rồi cứ theo đó mà đặt tên cho con gái…”.

Câu chuyện trên diễn ra trong biệt thự của trưởng giả nhà họ Nguyễn, chỉ hai người biết với nhau. Vậy mà tai vách mạch rừng, không hiểu sao mấy hôm sau, tin đồn về chuyện trộm ngọc hoàn của anh chàng trọc đầu trọc, mặt đỏ để chữa bệnh vô tri vô giác cho con gái nhà họ Nguyễn đã loang ra khắp thành Phượng Hoàng.

Lại nói chuyện hai chàng đầu trọc. Chiều hôm ấy cứu được đôi chim sẻ từ tay thằng Tẫu, hai chàng chia tay gã Trần Trang mặt trắng rồi rời khỏi Phủ Diễn. Đến tối hẳn mới vào đến thành Phượng Hoàng, lại đúng vào dịp cuối tuần, hai chàng bàn nhau đến chợ đêm Cao Thắng để hưởng cái thú vui náo nhiệt, lộng lẫy sắc màu như tiên giới cái đã, nhân tiện kiếm cái gì đánh chén, rồi hãy tìm khách sạn sau.

Chợ đêm Cao Thắng nằm trên một quảng trường rộng lớn, gần tổ đình chợ Phượng Hoàng, bốn phía là phố xá, không hổ là một góc chơi đêm đệ nhất thành Phượng Hoàng. Đủ các loại ánh đèn rực rỡ, càng khuya càng lộng lẫy, đến nỗi từ xa nom tới tưởng như phương ấy có rạng đông, chính là chỗ này.

Đó là nơi hò hẹn của các kiểu trai gái, những nhóm bạn bè nhậu nhẹt, những đồng đảng làm ăn, và cả những thằng bài bạc, những đứa hút xách. Mê ly đến nỗi, không chỉ hấp dẫn mỗi người trần mắt thịt, mà cả chư thiên trên các tầng trời cũng ghé xuống, các thổ địa, thành hoàng trong tổ đình cũng phải mò ra, quyến rũ cả quỷ thần ở bốn phương cũng tìm đến để hưởng lạc.

Tuy không nhìn thấy họ bằng mắt thường, nhưng cảm thấy sự có mặt của các loài nhân và phi nhân ấy bằng tâm nhãn. Nếu không có họ, thì sao có sắc ấy, hương ấy, và những sự ngất ngây khôn tả ấy? Hai chàng đầu trọc gửi xe bên ngoài, rồi nhanh chóng hòa vào không khí tưng bừng náo nhiệt của cái chợ, chọn một chỗ ngồi gần giữa, bên cạnh bày la liệt các chậu cây cảnh để ngắm nghía, nhâm nhi…

Có người đã lập tức nhận ra sự có mặt của hai chàng đầu trọc ở chợ đêm. Người quen chăng? Không phải. Nhận ra bởi cái tin đồn từ nhà trưởng giả họ Nguyễn kia. Đó là một tay anh chị tầm tuổi lục tuần, có tiếng trong đám giang hồ ở thành Phượng Hoàng, đang ngồi cùng một đám đàn em ở một bàn gần đấy. Tay anh chị trỏ về phía hai chàng, cúi xuống thì thầm với đàn em:

“Kia có phải đúng hai thằng đầu trọc, một thằng mặt đỏ, một thằng mặt xanh như lời đồn đại mấy hôm nay không? Nếu quả vậy thì hôm nay ta vớ món hời rồi…”.

Bọn giang hồ, xã hội bí mật quan sát một lúc rồi tất cả đều công nhận, đúng như tin đồn, không sai tẹo nào. Trong đầu gã đại ca nhanh chóng vạch ra một kế hoạch, sẽ sang bàn ấy để giao lưu, tìm cách kết thân, rủ hai chàng về nhà, cho ăn chơi thả cửa, vỗ béo vài hôm rồi lừa cơ hội xẻo quách cặp ngọc hoàn của thằng mặt đỏ, đem ngâm vào cồn 90 độ hoặc để trong tủ lạnh. Nhà họ Nguyễn đang cần nó làm thang dẫn thuốc để chữa chứng vô hồn cho cô con gái rượu, thì hét giá cao mấy cũng phải mua.

Nghĩ thế rồi gã chọn mấy thằng đàn em mồm mép, xách một chai Uýt ki mới toanh, cùng một hộp xì gà xịn sang bàn hai anh trọc.

Trong một không gian ồn ào náo nhiệt, vừa có vị của bồng lai tiên giới, lại vừa có mùi của ma quỷ thập phương như thế này thì người ta rất dễ mở lòng. Huống hồ Tiến trọc mặt đỏ nom thấy rượu Uýt ki và xì gà thì mắt đã sáng lên. Cao Đại Ca – tên của gã đại ca vừa tự giới thiệu cùng mấy tên đàn em đã nhanh chóng kết giao và giả lả chén chú chén anh với hai chàng mặt xanh, mặt đỏ…

Nhưng lúc ấy, trong chợ không chỉ có mỗi bọn Cao Đại Ca nhận ra hai chàng. Một cô bé chạy bàn, vốn là hàng xóm của nhà họ Nguyễn, có thằng anh trai ngót ba mươi tuổi không nghề ngỗng, chưa chịu lấy vợ, chỉ vì say mê nhan sắc của cô con gái nhà họ Nguyễn, bất kể cô gái bị chứng vô hồn. Thằng ấy họ Phan, tên Văn Quyền, vì cái chứng tương tư quái dị ấy mà gần như cả thành Phượng Hoàng ai cũng biết, nên vẫn gọi là Quyền Tương Tư. Cô em chạy bàn cũng nhận ra hai chàng đầu trọc đúng hệt như tin đồn. Liền móc điện thoại ra, gọi Quyền Tương Tư đến chợ đêm gấp.

Quyền Tương Tư lập tức có mặt, cũng nhanh chóng nhận ra hai chàng đầu trọc. Trong bụng ao ước, giá có được bộ ngọc hoàn của anh mặt đỏ kia, để tặng cho con gái nhà họ Nguyễn, thì cô ấy sẽ là của mình, còn ai giành được nữa. Nhưng, hai chàng hiện đang nằm trong tay bọn Cao Đại Ca, nhóm giang hồ khét tiếng thành Phượng Hoàng này, thì làm sao giành lại nổi đây?

Dẫu tuyệt vọng, nhưng Quyền Tương Tư vẫn quyết không bỏ cuộc. Cứ ngồi lì từ xa, chăm chú theo dõi cuộc hàn huyên của hai chàng đầu trọc cùng bọn Cao Đại Ca. Đến quá nửa đêm, cả bọn đã bắt đầu nghiêng ngả, nói cười sằng sặc như gặp được bạn tri âm tri kỉ. Tuấn trọc thì ít nói, nhưng Tiến trọc thì bất kể. Thế rồi cả bọn cũng lục tục đứng lên, bá vai bá cổ nhau, dìu nhau ra chỗ đậu xe. Cao Đại Ca đích thân cầm lái, chở hai chàng đầu trọc nhằm hướng biệt phủ của gã nằm ở phía bắc thành Phượng Hoàng.

Thế là xong đời rồi. Quyền Tương Tư phóng xe máy, vừa bám theo vừa nghĩ thầm. Y còn lạ gì sự tàn độc và vây cánh khủng của gã Cao Đại Ca. Trước sau gì thì anh trọc đầu mặt đỏ cũng bị xẻo mất dái thôi, rồi gã Cao Đại Ca sẽ đem bán với giá trên trời cho nhà họ Nguyễn. Và một khi cô gái đã khỏi chứng vô hồn, thì khi ấy, với thân phận một thằng vô nghề nghiệp như mình thì còn ăn thua gì nữa.

Tuy nghĩ tuyệt vọng đến như thế, nhưng Quyền Tương Tư vẫn không chịu bỏ cuộc, quyết bám theo chiếc xe chở hai chàng đầu trọc đến tận biệt phủ của Cao Đại Ca rồi mới quay trở lại, để ngày mai sẽ tìm cách cướp lại hai chàng từ tay Cao Đại Ca cho bằng được, rồi sẽ tính sau.

Thật là:

Tâm hỷ vị tri thường vô tín

Thân lạc giai phùng nghệ bất an

Đại ý: trong lòng vui mà chưa biết ai để tin, thì tấm thân dẫu sướng mấy cũng dễ gặp phải sự bất an. Tiến trọc mải vui chăng? Câu trên có chữ thường, chữ tín, Thường Tín là quê hương của Tiến trọc, câu dưới có chữ nghệ, chữ an, Nghệ An chính là chốn này. Ấy là lời sấm chăng? Âu cũng là cái duyên trời định từ hơn bảy trăm năm trước vậy

Biệt phủ của Cao Đại Ca nằm giữa xóm Kim Thượng, phía bắc thành Phượng Hoàng. Một khuôn viên bề thế kín cổng cao tường hình chữ “điền”, cổng quay hướng Nam. Ngôi nhà ba tầng hình chữ “đinh” nằm ở phía Đông Bắc của khu đất, thuộc cung “Cấn”. Xe dừng, hai cánh cổng sắt mạ vàng từ từ mở ra. Bọn lâu la nhanh chóng chạy tới mở cửa, dìu Cao Đại Ca cùng hai anh đầu trọc bước xuống và hộ tống vào sân. Vừa bước qua cánh cổng thì có hai con chó Nhật xồ ra, đuôi vẫy mừng chủ, mõm sủa chào khách, rối rít không bút nào tả xiết.

Tiến trọc nổi hứng văn chương bèn dừng lại, mồm ứng khẩu mấy câu để đáp lễ hai con chó:

“Em gâu gâu, chào ta bằng tiếng sủa!

Ta thằng người, chỉ biết dịch “đâu đâu?”

Thì tất cả, đấy chứ còn đâu nữa?

Nước non này, huynh đệ gối vào nhau…”.

Cả bọn xã hội đen ồ lên, vỗ tay bôm bốp. Riêng Cao Đại Ca thấy giọng thơ có khí chất của giang hồ thì càng mừng lắm, xuýt xoa thán phục:

“Không ngờ huynh còn hiểu được cả tiếng chó sủa. Đúng, đúng lắm. Huynh đệ ta phải gối vào nhau thì mới tồn tại, mới hùng mạnh được giữa cuộc đời này. Vậy thì phải nhậu tiếp mới được, để mừng bài thơ của huynh…”.

Rồi gã ra lệnh cho mấy tên đàn em chuẩn bị sẵn sàng một tiệc rượu trên tầng ba. Tiến trọc được khen thì phổng mũi, gương mặt càng đỏ rực lên. Riêng Tuấn trọc im lặng không nói gì, vì cũng đang mải nghĩ một bài thơ để tiếp nối thi hứng, gương mặt lạnh ngắt, xanh như da đồng.

Bóng trăng hạ tuần nhòm qua song cửa, soi vào chiếu rượu, la liệt những chai rỗng, chén tràn, bát đĩa đổ ngổn ngang… Tuấn trọc bỗng cất giọng ngâm nga:

“Có một ngày ta về tìm nhau

Nỏ chộ đâu! Con đường xưa vẫn thế

Nỏ chộ đâu! Vầng trăng nay vẫn thế

lung linh lung linh

như đêm nay

ta hẹn hò nhau

Ai buộc chúng mình

yêu nhau nhiều đến thế…”.

Cả bọn lại vỗ tay, rồi bò ra tán thưởng. Tuấn trọc quả không hổ là người từng đứng trong gánh hát Thượng Đình. Một hồn thơ ân tình nghĩa khí đến thế, trọng đến thế, từ bi đến thế… Vậy mà vẫn không quên mấy chữ “đâu, đâu”…

Cuộc nhậu từng bừng kéo dài đến gần sáng thì cả hai cu đầu trọc đã say mèm. Mặt xanh nằm cong người ngủ khì, riêng mặt đỏ nằm ngửa, mồm vẫn lảm nhảm. Cao Đại Ca cũng giả cách say, xoay người nằm gối đầu lên bụng Tiến trọc, rồi nhích dần, nhích dần xuống phía hạ bộ. cảm thấy bộ tam sự của Tiến trọc đội quần lên cồm cộm dưới gáy thì mừng lắm, trong bụng nghĩ tới câu: “huynh đệ gối vào nhau” của Tiến trọc thì lại càng thích thú, không ngờ đó là câu thơ “thần”.

Đợi hai chàng cùng ngủ say, Cao Đại Ca mới vùng dậy, gọi cả bọn đàn em xuống tầng dưới để bàn kế hoạch hành sự. Có thằng bàn để thư thư vài hôm, có thằng bảo phải làm ngay, làm ngay, kẻo để lâu, tin đồn kia lọt vào tai hai thằng đầu trọc này thì hỏng bét.

Cao Đại Ca dứt khoát:

“Làm ngay trong chiều mai. Trưa mai lại tổ chức tiệc nhậu, phục thuốc ngủ cho hai đứa ngủ say rồi xẻo lấy hai hòn dái của thằng mặt đỏ. Xong việc rồi thì bỏ chúng lên xe, chở đến cổng bệnh viện rồi bỏ ở đó. Tỉnh lại, chúng sẽ tự biết phải vào nhờ bác sĩ khâu dái lại rồi chuồn, sẽ không dám quay đầu lại cho mà xem…”.

Rồi gã phân công đứa mài dao, đứa lo thuốc ngủ, đứa lo thuốc tím, bông gạc để cầm máu tạm thời. Mọi kế hoạch đâu vào đấy rồi, cả bọn mới khóa cổng đi ngủ.

Lại nói chuyện Quyền Tương Tư. Đêm hôm ấy quay về nhà, gã trằn trọc không sao ngủ được. Nghĩ mãi không tìm ra cách nào để cướp lại hai anh đầu trọc từ tay bọn Cao Đại Ca. Mãi gần sáng gã mới chợt nhớ ra ông chú ruột của mình. Đó là một nhân vật cũng có tiếng tăm ở thành Phượng Hoàng, cũng một thời hoạt động trong lĩnh vực nghe nhìn, được nhiều người kiêng nể vì tính tình ngay thẳng, sẵn sàng ăn vạ, lại biết nhiều, quan hệ rộng và đa mưu túc trí.

Ông chú cũng họ Phan, tên Văn Thắng, tuổi đã ngoại lục tuần. Thế là ngay sáng sớm hôm sau, Quyền Tương Tư đã vùng dậy, chạy ngay đến nhà ông chú.

Ông chú Phan Văn Thắng vừa nghe thằng cháu kể lể, đã vội vàng xua tay:

“Ôi giời, nỏ được, nỏ được mô. Chớ có dại mà dây vào bọn Cao Đại Ca. Mất mạng như chơi đấy…”

Quyền Tương Tư nghe ông chú nói thế, lập tức lăn đùng ra, gào khóc thảm thiết, một mực đòi ông chú phải nghĩ cách cho bằng được, nếu không, y thà chết ngay tại đây…

Ông chú Phan Văn Thắng dỗ mãi không được, khuyên cũng không được. Bụng nghĩ chưa biết tên mặt đỏ kia có bị mất bộ dái vào tay Cao Đại Ca hay không thì mình đã mất thằng cháu trước. Đành phải bảo thì mày nín đi, để yên cho tau nghĩ…

Quyền Tương Tư nín thở chờ đợi. Lát sau, ông chú Phan Văn Thắng nghĩ ra, bảo:

“Hai cậu trọc đầu ấy tao cũng có biết, vốn là người đàng hoàng, có chữ nghĩa hẳn hoi. Chỉ vì không biết bọn Cao Đại Ca là thành phần bất hảo, nên mới bị chúng nó lừa vào tròng đấy thôi. Giờ nếu gây được một vụ lộn xộn ở cái biệt phủ ấy, khiến Cao Đại Ca lộ mặt giang hồ, thì tất hai cu cậu sẽ chuồn nhanh ra khỏi đó…”.

Thằng cháu nghe chú nói mà đôi mắt sáng ra. Vội vàng hỏi tiếp:

“Vậy làm thế nào để tạo ra vụ lộn xộn ấy?”.

Phan Văn Thắng nghĩ thêm một lát rồi bảo thằng cháu:

“Tao có biết anh em lão Phờ, Phạc, ngày trước có gửi một khoản tiền lớn, nhờ Cao Đại Ca mua đất, xây nhà… Giờ muốn đòi lại, nhưng Cao Đại Ca lấy cớ thằng con rể lão Phờ còn nợ nó, nên lờ đi, âm mưu chiếm đoạt. Nhùng nhằng mãi không giải quyết được, anh em nhà Phờ, Phạc uất lắm. Nay ta bí mật báo cho họ biết, rằng Cao Đại Ca vừa vớ được món hời, thì thế nào nhà ấy cũng kéo đến nói chuyện. Mày còn lạ gì bản chất côn đồ của thằng Cao Đại Ca nữa. Nó đang vui mà có kẻ đến phá đám, thì tất sẽ sinh sự lôi thôi…”.

Quyền Tương Tư nghe thấy thế thì mừng lắm. Liền hỏi dồn:

“Rồi tiếp theo mình phải làm gì hả chú?

Ông chú Phan Văn Thắng không hổ là người đa mưu túc trí. Ngay lập tức trong đầu vạch ra một kế hoạch:

“Mày chuẩn bị thuê một chiếc xe, chờ sẵn ở cổng sau biệt phủ của Cao Đại Ca. Nếu ở bên trong có biến, hai cu đầu trọc tất sẽ chuồn ra lối ấy. Chỉ việc đón thẳng về đây, cứ bảo mày là cháu tao thì họ tất sẽ yên tâm”.

“Rồi sao nữa hả chú? Cướp được họ mang về rồi thì mình có hạ thủ ngay không?” – Quyền Tương Tư trong lòng chỉ nhăm nhăm nghĩ đến món quà ra mắt cô con gái nhà họ Nguyễn, nên càng tỏ ra sốt ruột.

Phan Văn Thắng nghe hỏi, liền nghiêm nét mặt trả lời:

“Mày có muốn hoạn lấy bộ dái của anh mặt đỏ, thì cũng phải có văn hóa, phép tắc chứ? Không thể bắt chước theo kiểu thảo khấu của thằng Cao Đại Ca được. Huống hồ họ vừa mới thoát ra khỏi chỗ đó. Hừm. Ngữ ấy anh hùng hảo hán ở chỗ nào, chứ gặp cảnh mấy thằng giang hồ thanh toán nhau thì có mà sợ thọt dái lên cổ, nó còn nằm ở chỗ ấy để cho mày hoạn chắc? Phải qua vài hôm cho cu cậu hoàn hồn cái đã, thì hai hòn dái mới trở về chỗ cũ, bấy giờ ta mới hoạn được”.

Quyền Tương Tư nghe ra, phục ông chú mình quả là vẹn toàn. Song vẫn băn khoăn:

“Để họ ở vài hôm trong thành Phượng Hoàng, ngộ nhỡ họ cũng nghe được cái tin đồn kia, mà chuồn mất thì sao?”

Ông chú Phan Văn Thắng bảo:

“Lo gì chuyện ấy. Thì chú cháu ta rủ họ lên rừng chơi một chuyến, xong lại xuống biển… Trong lúc đó thì chuẩn bị sẵn kịch bản, rồi bày binh bố trận… Xong đâu đấy cả rồi, bấy giờ sẽ ra tay cũng chưa muộn”.

Chú cháu Quyền Tương Tư bàn định xong xuôi, liền lập tức thi hành từng việc một. Ông chú Phan Văn Thắng bắt đầu giở danh mục điện thoại để tìm số của lão Phờ. Riêng thằng cháu Quyền Tương Tư còn rủ thêm một thằng bạn nữa, chuẩn bị sẵn một cái thang cho chắc ăn…

Ở biệt phủ nhà Cao Đại Ca, trưa hôm sau lại diễn ra một trận nhậu tưng bừng trên tầng ba để chiêu đãi hai chàng đầu trọc. Mọi thứ dao, kéo, bông băng, thuốc tím, cồn… đã chuẩn bị sẵn ở phòng bên cạnh. Cao Đại Ca có ý chờ cho hai chàng ngà ngà đã, rồi mới phục thuốc ngủ rồi hành sự theo kế hoạch. Đang giữa lúc ấy, bỗng chiếc điện thoại rung lên. Cao Đại Ca ngó vào màn hình điện thoại, thấy lão Phờ đang gọi, gã liền tắt máy, không thèm nghe…

Nguyên sáng hôm đó, nghe Phan Văn Thắng mật báo rằng Cao Đại Ca đang có món hời to, thì anh em nhà Phờ Phạc mừng lắm, nghĩ đây là cơ hội để đến nói chuyện về món nợ cũ. Liền mượn một chiếc xe đít vuông bụi bặm, rủ thêm một thằng lêu lổng làm lái xe, nhằm hướng biệt phủ Cao Đại Ca.

Đứng ngoài cổng, lão Phờ rút điện thoại gọi mãi, Cao Đại Ca vẫn không thèm nghe máy. Biết gã đang nhậu trên tầng ba, vốn đã quen ra vào căn biệt phủ, lão Phờ bèn thò tay qua lỗ cửa, rút chốt lên rồi đẩy cửa bước vào…

Ở trên tầng ba, Cao Đại Ca đang bực mình vì cuộc địện thoại không đúng lúc, nghe lâu la báo lão Phờ đã tự ý mở cổng thì cơn giận bốc lên, gã đùng đùng đứng dậy, ra ngăn kéo lấy khẩu súng lục rồi chạy ra ban công ngó xuống. Thấy lão Phờ đã bước hẳn vào trong, còn ngẩng mặt lên cười nhăn nhở. Cao Đại Ca đang say, chẳng kịp suy nghĩ gì nữa, nhằm thẳng vào cái mặt ấy mà bóp cò, hai tiếng nổ chát chúa váng tai. Lão Phờ ngã lăn quay, chết không kịp ngáp. Lão Phạc còn đứng ngoài cổng thấy thế, liền lao vào ôm lấy xác ông anh. Ở trên ban công, Cao Đại Ca lại nhằm vào lão Phạc, nổ thêm hai phát nữa…

Tất cả bọn đàn em nhốn nháo, biết sắp đụng phải chính quyền, nên mạnh thằng nào thằng nấy chạy, mặc kệ đại ca. Riêng hai chàng đầu trọc bỗng dưng phải chứng kiến cảnh súng nổ, chết người thì kinh hoàng đến đờ đẫn, một lúc sau mới tạm hoàn hồn. Bấy giờ mới biết mình đã vô tình lọt vào hang ổ của xã hội đen thì hãi quá. Liền ra hiệu cho nhau, bảo nhau phải chuồn khỏi đây ngay, rồi cuống quýt lao ra phía cầu thang…

Bọn đàn em của Cao Đại Ca cứ nhất tề lao bừa ra cổng, đạp qua xác của anh em nhà Phờ Phạc mà chạy. Hai anh đầu trọc nhà ta thấy thế thì khựng lại, vài giây lưỡng lự rồi quay đầu, hộc tốc chạy về phía cổng sau, nằm ở góc Tây Bắc, thuộc về cung Càn. Cổng sau của khu biệt phủ vẫn đóng kín, có khóa ở bên trong. Hai chàng hoảng hốt nhìn lên, tường rào khu biệt phủ cao quá tầm với. Đang luống cuống, chưa biết làm thế nào thì từ trên đỉnh tường, một cái thang thò xuống…

Hai chàng không kịp suy nghĩ, liền hối hả túm lấy thang trèo lên. Xuống tới bên kia, dưới chân tường rào Quyền Tương Tư đã đợi sẵn, cung kính mời hai chàng lên xe, chạy một mạch về nhà ông chú Phan Văn Thắng.

Còn trơ lại một mình trong biệt phủ, Cao Đại Ca đóng cửa cố thủ. Nhưng rốt cuộc cũng phải đầu hàng trước chính quyền. Gã tạm rời khỏi biệt phủ của mình, mồm ngậm điếu xì gà, mắt đeo cặp kính đen, bước ngạo nghễ giữa hai hàng quyền lực, có tả hữu hộ hộ vệ hẳn hoi, song không phải các đàn em như trước đó, mà là mấy anh… đàn anh. Chuyện giữa đời thực cũng linh diệu như thế đấy, cứ gì phải thần tiên, ma quỷ… Cuộc đời này, cái không thể chấp nhận được với cái không thể tin được thì có gì khác nhau?

Việc của gã giang hồ thôi không nói nữa. Giờ nói tiếp chuyện hai chàng đầu trọc. Vừa qua cơn chấn động ở biệt phủ của Cao Đại Ca, lại gặp Phan Văn Thắng cũng cùng là chỗ nghe nhìn với nhau cả thì mừng lắm, chuyện ấy ở xứ này bao nhiêu gương mặt, ngần nấy nỗi niềm, kể sao cho xiết.

Cơn chấn động dần dần nguôi ngoai, Phan Văn Thắng quả là người có quan hệ rộng, ngay chiều hôm ấy, đã nhờ người lấy được chiếc xe của Tuấn trọc ra khỏi ngôi biệt phủ, nơi đang bị niêm phong. Trong bữa cơm chiều, họ Phan rủ hai chàng đầu trọc đi lên rừng chơi một chuyến cho hoàn hồn. Tiến trọc hỏi “Trên rừng có gì hay?” thì Phan Văn Thắng bảo “Lên rừng xem Mục nhân”. Hỏi Mục nhân là người như thế nào? Họ Phan bảo “Là người làm ra văn đô”.

Tuấn trọc nghe nói đến từ “văn đô” thì cười ngất, bảo:

“Xưa nay hai chúng tôi chỉ nghe nói xem văn công, chưa thấy ai nói xem “văn đô” bao giờ. Vậy “văn đô” là cái gì?”.

Họ Phan trả lời:

“Các ông vốn làm nghề nghe nhìn, xưa nay tiếp xúc chắc cũng khá nhiều, nhưng về tướng thì chỉ toàn những hạng to bằng con ong, cái kiến, gọi là “văn kiến”. Về giá thì chỉ đáng hào bạc, gọi là “văn hào”. Văn của Mục nhân phải tính bằng đô, nên gọi “văn đô”.

Thì ra là thế. Hai anh đầu trọc nghe nói thì lắc đầu lè lưỡi, háo hức muốn xem ngay. Sáng hôm sau liền cùng chú cháu Phan Văn Thắng dậy sớm lên đường, mang theo đồ ăn, nước uống... Nhằm hướng Tây Bắc, qua ngã ba sông Lam, sông Hiếu đến núi Con Cua, men theo nẻo Hàm Linh, đến động Kì Cùng thì trời đã quá trưa.

Trỏ một lều trúc khuất trong rừng, họ Phan bảo:

“Mục nhân ở trong kia”.

Cả bọn dừng xe, chui qua mấy bụi rậm, có chỗ phải bò rạp người thì ngôi lều hiện ra. Bốn người bước vào trong, nhìn mãi mới thấy trên giường có một người nằm, nom như khúc gỗ mục. Phan Văn Thắng sai thằng cháu Quyền Tương Tư giở đồ ăn mang theo, bày xuống đất để ăn trưa. Tuấn trọc trỏ khúc gỗ mục trên giường hỏi:

“Sao không đánh thức chủ nhân dậy mời ăn luôn thể?”

Phan Văn Thắng ra vẻ thành thạo, bảo:

“Không cần. Đêm qua lão không ngủ, ngày nay lão ngủ bù, lão ngủ từ giờ hợi, cuối giờ mùi mới xong. Ta cứ việc đánh chén cái đã”.

Tiến trọc đang đói mờ mắt, liền ăn ngay ba ổ bánh mì, uống hai chai nước lọc thì mắt sáng ra, đầu óc minh mẫn. Bấy giờ mới nom kĩ khúc gỗ mục nằm trên giường, liền ớ người:

“Tôi trông ông kia quen quen, y như hình vẽ bằng bút sắt trong sách giáo khoa tôi học hồi còn bé. Đúng rồi, ông ấy là nhà thơ, nghe nói chết lâu rồi kia mà?”.

Phan Văn Thắng cười lớn:

“Đấy đấy. Ai cũng tưởng ông ấy đã chết, nhưng thực ra vẫn sống nhăn, nhưng phải trốn biệt trong rừng, làm một mục nhân suốt từ đó đến nay…”.

Rồi họ Phan kể cho hai anh đầu trọc nghe về xuất xứ của vị mục nhân này.

Nhà thơ người Phủ Diễn, lớn lên từng làm anh chủ nhiệm, lại biết làm thơ, những lúc đi đo phân chuồng của các xã viên, thường ước thơ mình sau này cũng phải đo bằng mét khối như thế. Bài thơ mà Tiến trọc thuộc lòng từ hồi đi học là bài này:

“Anh giơ tay vẽ một bức tranh

Vẽ cả ngày mai thành chiếu manh

Kìa loài lươn chạch đầu cao thấp

Vàng vện tranh nhau, nồi cám hấp

Đây là rắn rết nhà ông nuôi

Bò đã no nê mũi xỏ rồi…”.

Thơ ấy làm giáo khoa, coi như kinh điển, có hình làm minh họa, có họa sĩ từ Kinh thành vào vẽ chân dung…, thì nhà thơ oách quá rồi còn gì, nghĩ mình có thể biến sỏi đá thành cơm, thì sắp trở thành bậc Hóa công, thông thiên triệt địa đến nơi. Không ngờ đất Phủ Diễn còn một ông nữa, thường rung đùi tự ví mình với… con Tạo.

Thật là:

“Đời đã có Hóa Công

Sao còn sinh Con Tạo?”.

Nhà thơ bèn tìm đến chất vấn: “Tôi tài hơn ông, có thể sánh với Hóa công, hay ông tài hơn tôi, mà đòi làm Con Tạo?”. Con Tạo nghe xong, liền lấy giấy bút, viết bốn câu đề tặng:

“Phải làm nửa dặm thơ

Mới chớm là thi sĩ

Đã nghĩ chuyện ngẩn ngơ

Thì dễ thành con đĩ”

Đọc thấy uất quá, nhà thơ bèn ra cầu Bùng, nhảy xuống sông trẫm mình. “Sông Bùng nước chảy long bong, nửa dòng Phủ Diễn nửa dòng bể dâu”.

Nhà thơ rơi đúng chỗ cái nửa dòng bể dâu ấy. Trẫm mình mà cứ nổi lềnh phềnh như miếng phổi gà, thành ra không chết được. Trôi một đoạn, lại bò lên bờ. Mấy hôm sau, tin tức nhà thơ trẫm mình loang ra khắp nơi, cả nước tiếc thương, báo chí đen đặc một màu cáo phó, sách giáo khoa héo như tàu lá…

Trên cử một đoàn quan lớn, quan bé về cầu Bùng làm lễ chiêu hồn nhà thơ, dân kéo đến xem đông nghịt. Đồ cúng toàn rượu thịt, xôi, chè…. Thầy cúng mãi chả triệu được hồn về. May lúc ấy có một người đàn bà mang bánh gio buộc chỉ đỏ đến, bảo phải cúng bằng thứ này. Cúng thứ ấy quả nhiên hiệu nghiệm. Hồn vong vía lạc ở đâu bay về như muỗi mát, phủ kín mặt sông, uốn lượn đủ các vũ điệu…

Lúc đó nhà thơ cũng đến, cải trang đứng lẫn trong đám người xem. Đang định gào lên cho mọi người biết, rằng tôi chưa chết. Nhưng thấy người ta làm đám to quá, thương tiếc quá, thì không nỡ lòng nào sống lại, bèn không gào, mà quay đầu bỏ vào trong núi, mất tăm mất tích, thành Mục nhân từ đó đến nay…

Họ Phan vừa kể tới đây, thì bất ngờ từ phía chiếc giường, khúc gỗ mục bỗng trở mình, cất tiếng ngâm mấy câu nghe được từ miệng một con bò:

“Ba mươi năm đời ta có chủ

Hôm nay nhai lại miếng cỏ này…”.

Mọi người giật mình. Mục nhân dậy rồi đấy, họ Phan bảo. Xem đồng hồ thì vừa cuối giờ Mùi. Mục nhân ngồi dậy, trỏ vào họ Phan nói:

“Anh chỉ biết một mà chưa biết hai. Câu chuyện anh vừa kể mới đúng một nửa…”.

“Thì ông kể tiếp đi” – Tuấn trọc vốn là nhà báo, nên cảm thấy có hứng, liền đề nghị.

Mục nhân “E hèm…” một cái rồi bắt đầu kể:

“Ta nhảy xuống sông Bùng, trôi mấy dặm thì vướng vó bè nên dừng lại. Lóp ngóp bò lên bờ, gặp chủ vó bè, ta hỏi:

“Anh nom ta thế nào”.

Chủ vó bè ngắm một lát rồi bảo:

“Nom như con quỷ”.

Ta càng uất. Mình đường đường là nhà thơ, ấn xuống cũng không chìm, trẫm mình cũng không chết, sao nó lại nhìn ra là con quỷ. Đang tính gây sự, nhưng đói bụng quá, kiếm gì ăn cái đã. Bèn thất thểu đi vào trong làng. Bấy giờ trời đã tối.

Ta nấp ngoài cửa sổ một nhà nọ, thấy trong nhà có mụ đàn bà, con nó quấy khóc, nó trỏ ra cửa sổ mà bảo:

“Suỵt, nín đi, ngoài kia có con ma kìa”.

Thằng bé nhìn theo tay mẹ nó, rồi nín bặt. Ta giật nảy người. Hay mình là ma thật? Thằng chủ vó bè vừa nhìn ra mình là con quỷ, giờ thằng bé này lại nhìn ra con ma. Nghĩa là ta đã thành ma quỷ? Ta mò xuống bếp, thấy có mấy chiếc bánh gio bọc lá chuối, bên ngoài buộc chỉ đỏ, bèn bóc ra ăn vụng…

Mục nhân kể đến đó ngừng lại. Mọi người hiểu đoạn sau thì đúng như họ Phan đã kể, nhưng vẫn muốn nghe chính Mục nhân kể tiếp nên im lặng chờ đợi. Duy thằng cháu Quyền Tương Tư thì chả hứng thú gì với câu chuyện ấy, nó chỉ nghĩ cách làm sao cướp cho được bộ ngọc hành của anh mặt đỏ, tức là Tiến trọc để làm quà ra mắt giai nhân nhà họ Nguyễn mà thôi. Nó bèn đứng dậy, nằng nặc đòi ông chú Phan Văn Thắng kéo hai anh đầu trọc trở về thành Phượng Hoàng.

Tối mịt thì về đến nhà. Quyền Tương Tư liền kéo ông chú ra ngoài sân, hỏi ngay:

“Đêm nay làm được chứ chú?”.

Phan Văn Thắng lắc đầu:

“Chưa được. Nó đang nằm trong tay mình, thì làm lúc nào mà chả được? Tao đã bảo phải cho họ lên rừng, xuống biển chơi đã, rồi mới hoạn kia mà? Hôm nay vừa lên rừng rồi, ngày mai sẽ xuống biển…”.

Quyền Tương Tư phụng phịu:

“Làm gì mà phải kì công đến như thế?”.

Phan Văn Thắng trỏ thằng cháu mắng:

“Mày ngu lắm, cứ làm như thiến gà, thiến lợn không bằng. Người ta đường đường là một con người, thì muốn hoạn dái người ta, cũng phải có tay nghề của một cung thủ chứ?”.

Quyền Tương Tư hỏi:

“Cung thủ là ai?”.

Phan Văn Thắng trả lời:

“Là một tay bác sĩ ngoại khoa. Tao đã hẹn sẵn với hắn rồi. Đưa họ xuống biển chơi, trên đường trở về sẽ dàn dựng một vụ va quệt, sao cho hai thằng đầu trọc chỉ ngất đi, chứ không ảnh hưởng đến tính mạng. Khi đó tao với mày sẽ xuất hiện, chở hai thằng vào bệnh viện cấp cứu, tiêm thuốc mê, rồi cung thủ ra tay… Khi thằng mặt đỏ tỉnh dậy, biết mình thành hoạn quan thì mọi sự đã an bài… Phải cẩn thận, chu toàn và coi trọng tính mạng của người ta như thế mới được”.

Quyền Tương Tư vẫn còn lo lắng:

“Thế nhỡ họ không muốn xuống biển thì làm thế nào?”.

Phan Văn Thắng bảo:

“Mày cứ yên tâm, tao đã có cách”.

Quyền Tương Tư xưa nay vẫn phục ông chú sát đất, mưu kế như thần nên cũng yên tâm. Bàn định xong xuôi rồi, hai chú cháu liền vào trong nhà, bảo với hai chàng:

“Ngày mai xuống Cửa Lò chơi chuyến nhé?”.

Tiến trọc tỏ ra băn khoăn:

“Sóng biển to lắm, phép thiền trôi của tôi không thi triển được...”.

Họ Phan đã lường trước điều này, nên bảo ngay:

“Ông tưởng cả thiên hạ chỉ mình ông có phép thiền trôi là độc đáo hay sao? Dưới Cửa Lò còn có một nhân vật đặc biệt, có phép ngồi thiền độc nhất vô nhị…”.

“Đó là phép thiền gì?” – Tiến trọc hỏi ngay.

“Là thiền… mắm” – Họ Phan trả lời.

“Thiền mắm? nghe lạ tai nhỉ - thế nào là thiền mắm?” – Tiến trọc lại hỏi.

“Cứ xuống đó sẽ biết” – Họ Phan trả lời.

Sáng hôm sau cả bọn lại lên đường. Ngồi trên xe, anh mặt đỏ cứ háo hức muốn biết thiền mắm là loại thiền gì, còn anh mặt xanh thì lẩm bẩm, đưa ra một nhận định:

“Lên rừng gặp tượng gỗ mục, như một xác chết biết cử động, mới biết câu “Hành thi tẩu nhục” (cái xác biết đi, tảng thịt biết chạy) trong Kinh Thi, té ra câu ấy là tả cái tử thi. Không biết xuống biển sẽ chứng kiến cái gì nữa đây?”.

Họ Phan bảo:

“Ông chỉ biết một mà chưa biết hai. Câu ấy không chỉ tả cái tử thi, mà tả cả người đến viếng…”..

Anh mặt xanh cãi:

“Tả ở chỗ nào?”.

Họ Phan giảng:

“Ngồi thuyền trôi thì thấy bờ chạy, nhìn mây bay lại ngỡ trăng trôi. Nom người đến viếng đi vòng quanh cái tử thi, thì lại tưởng cái tử thi chuyển động. Thế là nhân cái tử thi, mà tả người đến viếng đấy chứ?”.

Tiến trọc cười khoái chí, tán thán lý sự của họ Phan:

“Nếu lão ta là cái tử thi, thì chúng ta là người đến viếng. Đều có mặt trong bốn chữ ấy cả. Nom thịt đi tựa như thấy xác chuyển động. Kinh Thi quả nhiên ghê thật”.

Rồi lại hỏi:

“Vậy xuống biển ta sẽ gặp ai đây?”.

Họ Phan bảo:

“Người dưới đồng lên rừng thành mục nhân, thì người trên rừng xuống biển thành hải củ đấy”.

Hai anh đầu trọc hỏi là ai, tên gì? họ Phan trả lời:

“Là nhân vật thiền mắm mà các ông sắp gặp ấy. Người ấy không biết bố là ai, vốn xuất thân là một tay tiều phu, được thiên hạ tôn là Nguyên Tiêu Hải Củ”.

Xe dừng trước một biệt phủ trông thẳng ra biển, nom nguy nga như cung điện, trên cổng đề ba chữ to tướng: “KHÁN TRÌ PHỦ”, nét rất rồng bay phượng múa.

Tiến trọc cũng có chút nho nhe, thấy vậy thắc mắc:

“Trông ra biển thì phải Khán Hải chứ? Biển chứ có phải cái ao đâu mà Khán Trì?”.

Họ Phan giải thích:

“Phàm con người ta, cái tâm đến đâu thì cái kiến nó vươn đến đấy. Hải Củ từ ao làng mà đi, thì nhìn biển cả cũng tưởng ao làng mà thôi”.

Tuấn trọc hỏi:

“Vậy ai viết cho mấy chữ này?”.

Họ Phan trả lời:

“Một gã lang băm hiệu là Chu Giang Phong, hay chữ nhất Kinh thành đấy. Biệt phủ xây xong, Hải Củ tìm đến xin chữ, Chu Giang Phong hỏi: “Phủ trông ra đâu?”, trả lời “trông ra ao”, bèn ngoáy cho ba chữ ấy”.

Hai cánh cổng gỗ lim từ từ mở ra, tiếng nghiến kèn kẹt. Gia nô dẫn mọi người vào. Cung thất lộng lẫy, tráng lệ đến lạnh người, như dát toàn bằng bảy báu. Hải Củ ngồi trên một cái ghế bọc nhung đỏ như máu, trạm trổ dát vàng, hai chỗ để tay là “thủ long nha đầu” nhe răng trợn mắt, lưng dựa vào “nhật đội tam tinh”, hai bên vai thò lên “nhị khúc đoạn trường”, nom như hai cột thu lôi.

Nghe Tuấn trọc hỏi vì cớ gì, mà từ một tiều phu, biến thành ông chủ lớn đến thế này? Hải Củ giơ tay khoát một vòng rồi bảo:

“Vì ta có mả đấy, mả tổ táng đúng chỗ. Tiếc là lập mả hơi sớm nên mới chỉ được như thế này. Nếu không thì sẽ không biết thế nào”.

Mọi người nghe thấy ai cũng nổi trí tò mò. Riêng Tuấn trọc thắc mắc:

“Nghe nói ông còn không biết bố mình là ai, sao lại có mả tổ?”.

Hải Củ nghe hỏi thì cười ngất, phô ra hàm răng trắng hình vòng cung, đủ 34 cái đều tăm tắp như hạt lựu. Liền nổi hứng khoe lai lịch về cái “mả tổ” của mình:

“Mùa đông năm ấy ta lên núi hái củi, bắt gặp một lão già người phương Bắc, mặt tròn như cái mâm, râu dài đến rốn đang hí húi đẽo một cái sọ người bằng gốc cây. Hỏi đẽo làm gì? Ông ta bảo để lập mả gió. Hỏi mả gió là gì? thì lão già bảo:

“Là cái mả hữu danh, vô thực nhưng linh ứng không thể tả. Có ba nhân duyên có thể lập mả gió. Một – gặp được gốc lựu đủ 300 tuổi. Hai – gặp hang thông thiên. Ta tình cờ gặp được hai nhân duyên này, nên đào gốc lựu lên, đẽo sẵn một cái sọ”.

Lại hỏi thế còn nhân duyên thứ ba – Lão già bảo nhân duyên thứ ba là phải gặp được người hai hàm răng có đủ 34 cái để làm chủ nhân của mả gió thì mới phất lên được. Ta mừng quá, bảo chính tôi có 34 cái răng đây. Liền há mồm cho lão già đếm. Lão già đếm xong thì phục quá, bảo người có 34 cái răng là tướng đại tiện, nhưng có thể biến thành đại quý, tìm trong muôn người may ra mới có một…”.

Nghe Hải Củ kể đến đây, bốn người ngồi nghe không ai bảo ai, đều tự thò tay vào trong mồm mình để đếm răng.

Chờ mọi người đếm xong, thấy không ai nói gì, Hải Củ mới kể tiếp:

“Muốn biến thành đại quý thì phải lập mả gió mới được, tức là lấy cái trung tiện để khắc cái đại tiện. Thấy ta quả ứng vào cái nhân duyên thứ 3, lão già bèn cho ta lạy cái sọ bằng gốc lựu ấy ba lạy, nhận nó là cha, truyền khẩu quyết rồi dặn ta phải dưỡng bằng nước tiểu, hàng ngày đến đái vào giờ mão, hạ thổ vào giờ thìn, đọc khẩu quyết vào giờ tỵ, giờ ngọ lại đào lên phơi nắng… Cứ như thế cho đến tiết Nguyên Tiêu, chờ đúng giờ ấy… thì đem chôn vào trong hang thông thiên, lập thành mả gió.

Từ đó, hàng ngày ta rất chăm chỉ tới làm cái việc dưỡng sọ ấy. Một hôm, gần đến tiết Nguyên Tiêu, trước giờ mão, ta vừa tới nơi thì phát hiện có hai con quỷ đang chơi trò đá banh, chúng dùng chính cái sọ ấy của ta làm quả bóng. Một con quỷ đứng đằng Đông mặt nhẵn như đít ếch, một con đứng đằng Tây lông đầu bù xù, chúng cứ đá qua đá lại mãi như thế. Ta hét lên một tiếng, hai con quỷ giật mình biến mất, ta bèn đem cái sọ ấy vào trong hang, nhằm đúng chỗ thông thiên, moi đá thành lỗ, lót kính thành quan rồi chôn xuống, lập bia, khắc chữ… đàng hoàng…”.

Nghe Hải Củ kể đến đây, Tuấn trọc nghĩ thầm, thì ra là mả gió. Thuật phong thủy của bọn người phương Bắc quả là kinh thật, không chừa ra cái gì, đến một cái gốc cây nó cũng có thể biến thành mả tổ được. Riêng Tiến trọc vì say mê chuyện thiền, nên chỉ sốt ruột, muốn biết thiền mắm là cái gì.

Bèn không muốn nghe tiếp chuyện mả gió nữa, hỏi:

“Còn môn thiền mắm của ông? Nó là cái gì vậy?”.

Hải Củ cười, mặt dương gdương tự đắc trả lời:

“Đó là cả một dòng thiền đấy, có truyền thừa hẳn hoi. Đến ta là đời thứ 12. Không thể giải thích được, phải xem tận mắt mới biết”.

Nói xong, Hải Củ đứng dậy rời khỏi ghế rồng, dẫn mọi người sang phòng bên cạnh.

Một căn phòng lớn, bốn bức tường xung quanh chất đầy sách, cuốn nào cũng dày cỡ gang tay, nặng như tấm thớt, cứ bốn cuốn xếp thành một bộ, bộ nào cũng y hệt bộ nào. Giữa phòng có một bể kính lớn chứa đầy nước, đáy bể xếp cá biển, dày đến nửa thước.

Tuấn trọc nom thấy thắc mắc:

“Một cái bể chượp đây mà, sao lại để ở đây nhỉ?”.

Còn Tiến trọc thì khịt mũi, đánh hơi thấy mùi nước mắm, bèn nói:

“Đây là bể làm mắm”.

Hải Củ không nói gì, chỉ cởi hết quần áo, bắc thang leo lên, trèo vào bể mắm, trong ấy đã có sẵn tấm bồ đoàn. Hải Củ ngồi xuống tấm bồ đoàn theo tư thế kiết già, nước mắm dâng đến chớm hai lỗ mũi, Hải Củ bắt đầu… thiền.

Tiến trọc trợn mắt kinh dị. Cứ tưởng phép thiền của mình, nằm ngửa trôi dưới mặt nước là độc nhất vô nhị rồi, ai ngờ còn lối ngồi thiền trong bể mắm như thế này nữa.

Chờ cho Hải Củ kết thúc cơn thiền, ra khỏi bể mắm rồi mới hỏi:

“Thiền mắm có gì hay?”.

Hải Củ quơ tay một vòng, trỏ bốn bức tường sách mà trả lời:

“Để làm ra những trước tác này đấy”.

Tuấn trọc hỏi:

“Viết như thế nào?”.

Hải Củ giảng:

“Phép thiền quan trọng nhất là phải bế lục căn. Nước mắm có tác dụng bế khí, bế quan nhất trong các loại chất lỏng. Cho nên ngồi trong bể mắm, ta mới dễ dàng nhập được vào một cái định, gọi là “Độc lực vương tam muội”, thì muốn viết gì mà chả được”.

Nom bộ dạng Tiến trọc có vẻ phục lắm, lại hỏi:

“Viết trong lúc định à?”.

Hải Củ lắc đầu:

“Trong lúc định chỉ sinh ra ý thôi. Sau khi xuất định, tiếp đến là thủ dâm thì ý mới biến ra thành giáo lý, kinh điển… được”.

Hai anh đầu trọc nghe nói giật nảy người, thốt lên:

“Té ra những bộ sách này được viết trong lúc… thủ dâm?”.

Hải Củ cả cười:

“Thủ dâm là tự đọc ra cái tâm của mình mà sướng. Không sướng thì sao rặn ra chữ? Thiên hạ ai chả viết trong những lúc thủ dâm? Bọn văn nghệ sĩ cũng đều như thế cả. Chỉ có điều chúng nó không biết phép thiền mắm, thì không có “Độc lực vương tam muội”, cho nên chữ của chúng nó không có sức mạnh…”.

“Và không có… mùi nước mắm” – Tuấn trọc nghe nói cũng ôm bụng cả cười, đế thêm.

“Trước tác của ta đem chất lên, có thể đè chết mấy con chó. Thế mà vẫn còn thua thằng hoạn lợn đấy. Món “Độc lực vương tam muội” của nó còn mạnh gấp mười ta, trước tác của nó mà chất lên, thì có thể đè chết cả voi...” – Hải củ tiếp tục.

Nãy giờ sở dĩ không thấy chú cháu Phan Văn Thắng lên tiếng là vì cả hai đã kéo nhau rời khỏi phòng trước tác thiền mắm của Hải Củ từ lúc nào. Chú cháu y đang lo bày binh bố trận, sắp đặt một cuộc va quệt nhẹ trên đường quay trở về thành Phượng Hoàng, đủ để đưa Tiến trọc vào bệnh viện, để “cung thủ” là một bác sĩ ngoại khoa ra tay thiến hai hòn dái.

Tiến trọc không hề hay biết nguy cơ sắp sửa bị hoạn của mình, chỉ chăm chú vào cái món “Độc lực vương tam muội” trong bể mắm của Hải Củ. Đang định cởi truồng nhảy vào bể chượp để thử phát xem sao, thì chú cháu Phan Văn Thắng quay trở vào, kiên quyết cắt ngang câu chuyện, kéo hai anh trọc ra nhà hàng ở bờ biển đánh chén, rượu say bét nhè rồi rời khỏi Cửa Lò, quay trở về thành Phượng Hoàng.

Không ngồi chung xe như lúc đi, họ Phan cố ý để hai anh đầu trọc đi xe trước, do Tuấn trọc cầm lái, chú cháu Phan Văn Thắng đi xe sau, dặn phải đi đúng đường ấy, đường ấy… Một chiếc xe tải đã phục sẵn ở một ngã ba, chỉ chờ hiệu lệnh của Phan Văn Thắng là bất ngờ phi ra…

Hai chàng đầu trọc không hề nghi ngờ, dọc đường cứ vui miệng nói mãi về chuyện thiền mắm. Rời khỏi Cửa Lò chừng chục cây số, bỗng Tiến trọc nhìn thấy phía trước kính chắn gió, xuất hiện một đôi chim sẻ bay là là liền reo lên: Chim sẻ, chim sẻ…

Tuấn trọc cũng giật mình mừng rỡ. Đúng đôi chim sẻ ấy đây rồi. Tưởng chúng đã bỏ đi đâu mất, sau cái nạn bị thằng Tẫu nó chụp ở Phủ Diễn, giờ chúng lại xuất hiện ở đây, như thể chúng muốn dẫn đường, đưa hai chàng đến gặp sư tổ… Câu chuyện về sư tổ Hoan Lạc Ca tôn giả và Tín Vân tự đã tưởng quên béng, giờ lại hiện về…

Thế là hai anh đầu trọc quyết định bỏ chú cháu Phan Văn Thắng, muốn đi đường nào thì đi, hai chàng quyết định sẽ chạy theo đôi chim sẻ này. Tới một đoạn đường vòng, bất ngờ có lối rẽ, đôi chim bay rẽ theo lối ấy, và Tuấn trọc cũng bẻ lái phóng theo.

Thật đáng thương cho chú cháu Phan Văn Thắng, đã mất bao nhiêu công sức, đưa hai anh đầu trọc lên rừng xuống biển, lại bày binh bố trận… mà rốt cuộc trở thành công cốc, Tiến trọc và cặp ngọc hoàn quý hóa của y vẫn vuột khỏi tay mình.

Chuyện chú cháu Phan Văn Thắng thôi không nói đến nữa. Thế là hú vía cho Tiến trọc, vì vô tình mà thoát khỏi tay “cung thủ” (thợ hoạn) kia. Nhưng y đâu có ngờ rằng, một tay cung thủ khác vẫn đang chờ ở phía trước, nghĩa là cái nguy cơ bị hoạn vẫn còn…

P. L. V

(Còn tiếp)