Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình

Nguyễn Duy

Ông Tường đi rồi.

Thế là thoát.

Thoát nghèo.

Thoát khổ.

Thoát đau

Thoát buồn...

Tôi gặp ông Tường lần đầu vào tháng Tư 1973 tại Đông Hà, Quảng Trị – bãi chiến trường vừa im tiếng súng, "cối xay thịt" khổng lồ vừa ngưng vòng quay cuối cùng sau Hiệp định Paris 27.1.1973. Ông nhỏ thó như một con tắc kè ngâm rượu rồi nhưng mang một chức trách to đùng, Trưởng ty Văn hoá tỉnh Quảng Trị thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Một đơn vị hành chính cấp tỉnh (sau này Ty đổi thành Sở) duy nhất ở miền Nam lúc bấy giờ. Trong ngôi biệt thự hai tầng cũ kỹ chi chít vết đạn, ông đãi nhóm nhà văn chúng tôi đi thăm lại mặt trận (gồm Minh Giang, Hồng Duệ, Bùi Bình Thi, Nguyễn Duy) bữa cơm dã chiến nhớ đời, có cơm trắng, cá nục kho, rau muống luộc với nước mắm dầm ớt xanh cay mà thơm. Ông chững chạc, hoạt bát, ngôn từ giao đãi lịch lãm, sang trọng, thêm giọng Huế diễn cảm, ngược hẳn với hình hài không "tốt mã" của ông. Hiếm có, nếu không nói là không có, một trường Ty Văn hoá như thế ở nước ta hồi đó. Sau này, khi đã gần gũi nhau tôi mới biết thêm, ông từng được học hành chu đáo, bài bản cả Việt văn, Hán văn, Pháp văn, tốt nghiệp khoá 1 ban Việt-Hán trường Đại học Sư phạm Sài Gòn (1960), nhận bằng cử nhân triết tại Đại học Văn khoa Huế (1964) và từng dạy tại trường trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế (1960-1966). Từ 1966 ông "nhảy núi", lên chiến khu hoạt động trong lĩnh vực văn hoá-văn nghệ cách mạng, trở về Huế sau 30.4.75. "Ông hoàng bút ký" này quả là có vốn tri thức đáng nể, thuộc loại hàng đầu trong đội ngũ các nhà văn Việt Nam.

Trở lại câu chuyện 1973, sau khi gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Đông Hà, nhóm chúng tôi về Cộn, thăm anh em hội Văn Nghệ Quảng Bình sơ tán, những Xuân Hoàng, Trần Công Tấn, Hải Bằng, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ. Dạ hỏi nhỏ, bí mật nghe, anh Tường ngỏ lời cầu hôn em, anh thấy sao? Hơi bị đột ngột, tôi bảo tốt, chúc mừng, nhưng phải xem ông ấy có vợ đàn con đống gì chưa, sức em không đỡ nổi đòn đánh ghen đâu đấy...

Mùa thu năm ấy, tôi với Dạ đồng giải nhất cuộc thi Thơ của tuần báo Văn Nghệ (cùng Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Đức Mậu). Dạ ra Hà Nội lĩnh giải thưởng, gặp tôi mời luôn dự tiệc cưới. Đám cưới Tường-Dạ là đám cưới to nhất làng văn nghệ mà tôi được biết, làm tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Hầu như hội đủ những "cây đa cây đề" văn chương Việt: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Anh Thơ, Hoàng Trung Thông, v.v. cùng nhiều tác giả trẻ nổi tiếng lúc bấy giờ. Mối tình Bình Trị Thiên khói lửa này còn mang ý nghĩa biểu tượng Bắc-Nam sum họp, nên đã đông lại càng vui, xin kể thêm vào một dịp khác.

*

Bẵng mấy năm xa cách, lần tôi gặp lại cặp chồng Văn-vợ Thơ ấy là gặp tại Huế, tháng Mười năm 1975. Dịp đó, tôi được bám theo đoàn chuyên viên kỹ thuật quân sự của Bộ Tư lệnh Thông Tin từ Hà Nội vào tiếp quản mấy trạm viễn thông lớn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở khu vực Sài Gòn - Vũng Tàu, có nhà thơ Phạm Tiến Duật đi nhờ xe. Đến Huế lúc xẩm tối, Duật rủ tôi tới 26 Lê Lợi thăm Tường-Dạ và Tô Nhuận Vỹ. Tình cờ gặp cả một nhóm anh em văn nghệ Huế: Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Lê Khắc Cầm... Vui quá trời! Thế là bỗng nhiên tự phát một cuộc "Thơ-Nhạc Bắc Nam sum họp", có thể đây là một sinh hoạt thuần văn hoá đầu tiên mang ý nghĩa thống nhất, ngay tại 26 Lê Lợi, trụ sở Hội Văn nghệ Bình-Trị-Thiên vừa được thành lập. Trịnh Công Sơn và Bửu Chỉ búng ghi ta hát tình ca, rồi song ca Nối vòng tay lớn. Phạm Tiến Duật đọc thơ Trường Sơn. Mỹ Dạ đọc Khoảng trời và hố bom. Tôi đọc Tre Việt Nam. Lê Khắc Cầm đọc Mưa Nguồn của Bùi Giáng: ...Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi / Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn / Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại / Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn… (Phụng hiến)

Và, bất ngờ Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc thơ. Ám ảnh mãi trong tôi cái thần thái liêu trai của thơ ông.

*

Tháng Tư 1976, tôi trút bộ quân phục, chuyển ngành ra làm dân. Trên đường vào Sài Gòn nhậm chức biên tập viên ban Thơ báo Văn nghệ Giải phóng, tôi dừng lại Huế ít ngày.

Tối 24 tháng Tư, tôi nhập nhóm các ông Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Bửu Chỉ, ghé chơi nhà Nguyễn Khoa Điềm ở Vỹ Dạ, uống trà và ca hát dưới trăng. Khuya lạnh, chúng tôi rút về nhà Trịnh Công Sơn, 11 Nguyễn Trường Tộ, mua nem Bến Ngự nhắm rượu. Gần nửa đêm, giờ giới nghiêm, ai về nhà nấy. Tôi ngủ lại với ông Sơn. Quá nửa đêm, công an đi kiếm tra hành chính nhà dân. Hình như hôm ấy, 25 tháng Tư, khai mạc phiên họp Quốc hội thống nhất đầu tiên tại Sài Gòn, an ninh siết chặt đặc biệt. Tôi không có giấy tờ tùy thân, vì để trong ba lô gửi nhà Tô Nhuận Vỹ, bị áp giải ra đồn công an Phủ Cam. Ông Sơn lẽo đẽo đi cùng. Hai chúng tôi ngồi chung băng ghế suốt đêm lạnh với mấy chị bán hoa dưới đò sông Hương bị hốt lên và mấy anh chôm chĩa được gom từ ga Huế. Trong cái rét nàng Bân càng rạng sáng càng cẳt da cắt thịt, tôi lẩm bẩm một ý thơ nhức nhói, ở Huế có lệ xét nhà/ ai không có giái (giấy) thi ra bốt ngồi. Mờ sáng, hết giờ giới nghiêm, ông Sơn được phép đi lấy giấy tờ giải cứu cho tôi. Ông chở tôi bằng chiếc xe đạp cao kều chạy vòng qua bờ sông An Cựu. Chợt thấy câu khẩu hiệu nhớ đời, chữ đỏ choé trên tường vôi trắng toát:

Dù cho bão táp mưa sa

khách lạ đến nhà phải báo công an.

Chẳng lẽ thơ về Huế chỉ gom lại có thế?

Huế vang danh là đẹp và thơ kia mà.

Làm sao tóm được cái hồn Huế đây?...

May thay, sáng hôm ấy, 25 tháng Tư, ông Trần Công Tấn mượn được con xe La Dalat cà tàng, lại xin được cả một can xăng vài chục lít, tự cầm lái đưa tôi cùng ông Sơn, ông Tường đi vãn cảnh.

Ông Tường làm hướng dẫn viên, giới thiệu và giảng giải cho tôi mọi điều về Huế. Bái phục ông có cái đầu bách khoa toàn thư, trí nhớ kỳ nhân, cách diễn đạt thuyết khách, khúc chiết và hấp dẫn lạ lùng. Chính ông Tưởng đã thổi vào thơ tôi cái thần hồn của Huế. Chùm thơ Gửi Huế tôi viết đợt ấy có bài Nhớ Bạn tặng riêng ông. Đọc xong, ông đắc ý, ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình... thì đúng là mình rồi!

Hôm nay, con chữ rưng rưng, ngồi trên giường bệnh viết đôi dòng nhớ thương Hoàng Phủ Ngọc Tường, xin chép lại bài thơ này thay cho nén nhang tiễn biệt.

NHỚ BẠN

Với Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tôi về xứ Huế mưa sa

em ơi Đồng Khánh (*) đã là ngày xưa

tôi về xứ Huế chiều mưa

em ơi áo trắng bây giờ ở đâu

Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu

em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi

lối mòn đá cuội rong chơi

lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ

Lan báo hỉ (**) nở tình cờ

bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương Giang

chợ chiều Bến Ngự chưa tan

ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình.

Huế, tháng Tư 1976.

ND.

- - - - - - - - - - - - - - - -

(*) Đồng Khánh: tên một trường nữ học nổi tiếng.

(**) Lan báo hỉ và ngô đồng là những loại cây hiếm, còn thấy ở cố đô Huế.

Bệnh viện Thống Nhất-Sài Gòn, 25.7.2023

------------------------------------

NÉN NHANG CHO MỘT NỤ CƯỜI

Bái biệt Mỹ Dạ

Dẫu cay đắng dẫu ngọt bùi

Gặp em là gặp nụ cười...

nhẹ không

Chấp bao nhiêu trĩu nặng lòng

chấp bao nhiêu búi bòng bong rối đường

Từ đây trút gánh đoạn trường

lấp trong huyền ảo khói sương... vẫn cười.

Đằng sau bóng nụ cười tươi

bao nhiêu giọt nước mắt rơi

âm thầm.

Sài Gòn, 7.7.2023.

ND.