Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

"Bên trong vỏ kén vàng": Đấu tranh nội tâm tìm lại linh hồn, phá vỡ vỏ bọc của xã hội

Chi Phương

Ba năm sau khi đoạt giải Illy dành cho phim ngắn hay nhất với Stay Awake, Be Ready (Hãy tỉnh thức và sẵn sàng), đạo diễn trẻ Việt Nam Phạm Thiên Ân trở lại Liên hoan Điện ảnh Cannes lần thứ 76 với bộ phim dài đầu tay Bên trong vỏ kén vàng. Bộ phim dài 3 tiếng được trình chiếu tại Cannes ngày 24/05/2023 trong hạng mục La Quinzaine des cinéastes (Hai tuần lễ đạo diễn).

Với những góc máy ấn tượng, ẩn sau những cảnh sương giăng bao phủ núi đồi, phim của Phạm Thiên Ân nói về một tuổi trẻ lạc lõng, đi tìm lẽ sống trong cơn mơ, tăm tối.

Thế nào là cuộc sống vĩnh hằng và làm sao để tỉnh thức, bước vào hành trình đi tìm chân lý cuộc sống? Một chủ đề mà có lẽ đáng ra được đề cập đến khi cầm trong tay ly trà, đàm đạo về đời, nhưng lại được chọn là những câu thoại mở đầu, ngay trong một quán nhậu nhộn nhịp tấp nập tại Sài Gòn và cảnh lộn xộn do tai nạn xe máy.

Nhân vật Thiện, dẫn dắt khán giả vào hành trình đi tìm lẽ sống, tìm lại linh hồn bị đánh mất, bắt đầu từ việc đưa thi thể người chị dâu về quê an táng, đi cùng với đứa cháu vừa mất mẹ, cha thì đã bỏ nhà ra đi, ngây ngô hỏi về thiên đàng. Làm sao để giải thích cái chết cho trẻ nhỏ? Đạo diễn Phạm Thiên Ân đã chọn một cách tiếp cận rất nhẹ nhàng mà nhân văn, qua hình ảnh của một chú chim thoi thóp, lạc đàn, được cứu sống, nhưng rồi lại chết đi, để cho chính đứa trẻ đó tự tay chôn cất. 

Nhân vật Thiện quyết định lên đường tìm anh trai, Tâm, đã bỏ nhà ra đi. Với những cuộc gặp bất ngờ, hành trình ấy gặp đầy mưa, gió, bùn lầy nhem nhuốc, đôi lúc không rõ đâu là thực đâu là mơ, như là để nhân vật đối diện với chính linh hồn của mình, đang trôi dạt trong làn sương.

Nhân dịp này RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với đạo diễn Phạm Thiên Ân tại Cannes.

Đọc thêm : Phạm Thiên Ân, tài năng trẻ được phát hiện tại Cannes

Trước tiên, xin cảm ơn đạo diễn đã dành thời gian trả lời RFI. Anh đã giành được giải phim bộ phim ngắn xuất sắc nhất tại Cannes vào năm 2019 qua phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, điều này đã tạo ra thay đổi gì với anh và hoạt động nghệ thuật của anh hay không?

Phạm Thiên Ân: Qua bộ phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, tôi đã có cơ hội để thử nghiệm khả năng đạo diễn về việc thể hiện mình, trong sự nghiệp đạo diễn, cũng như cách dàn cảnh. Bộ phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng là bước đệm lớn để tôi gặp được những chuyên gia trong ngành công nghiệp điện ảnh tại Cannes năm 2019. Quan trọng nhất là, với bộ phim đó, tôi đã xin được nhiều quỹ điện ảnh để thực hiện bộ phim dài đầu tay. Những quỹ điện ảnh mà tôi xin được trong quá trình trong vòng hai năm đã hỗ trợ nhiều về tiền kỳ, kịch bản…, quỹ lớn nhất mà tôi nhận được là quỹ của Singapore, giúp tôi khoảng 30% kinh phí của bộ phim, 30% nữa từ những quỹ khác như của Hà Lan Rotterdam… và 40% là kinh phí đến từ Việt Nam. 

Bên trong vỏ kén vàng là phần tiếp nối của bộ phim ngắn đó, cả hai đều được mở ra từ một quán nhậu. Theo anh, quán nhậu có vị trí như thế nào trong xã hội Việt Nam?

Phạm Thiên Ân: Nhậu là văn hoá của người Việt, là nơi mọi người có thể kết bạn, giao lưu, tạo mối quan hệ. Thực ra tôi thấy quán nhậu là nơi mà mọi người có thể bày tỏ tâm sự mà không sợ bị người khác lên án và là nơi mà người ta có thể thấy được lát cắt của cuộc sống, nhiều hoàn cảnh của các con người khác nhau hội tụ tại đây. Bên cạnh đó, trong phim của tôi, sử dụng hình ảnh quán nhậu ở Sài Gòn là để thể hiện sự tương phản giữa con người, thành thị và nông thôn.

Hành trình của nhân vật cũng là hành trình tìm kiếm linh hồn của anh ấy. Về tỉnh thức thì ngay từ đầu phim, tôi muốn đưa câu chuyện này vào, để nhấn mạnh thông điệp của bộ phim, sau đó tạo ra sự đối lập, bình thường những điều mang tính giáo huấn về con người, thường rất nghiêm trang, nhưng mình thử đưa vào một bối cảnh lộn xộn, xô bồ, tạo ra sự giữa đối lập, tương phản.

Mưa, gió, tối tăm, sương mù và bùn lầy, không có một cảnh ánh nắng nào, nhân vật Thiện như bước trong cơn mơ dài, không rõ đâu là thực đâu là hư. Ánh sáng duy nhất đến từ đèn xe máy ở cuối con đường, phủ kín màn hình, ngụ ý của đạo diễn là gì? Phải chăng thế giới, tâm hồn của những người trẻ lại được chiếu sáng từ một loại ánh sáng nhân tạo?

Phạm Thiên Ân: Tôi muốn sử dụng thời tiết thiên nhiên để khắc hoạ tâm hồn của nhân vật chính, một tâm hồn khá là u tối, bế tắc. Thời tiết ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của người xem. Tiếp theo, hình ảnh về hình ảnh nguồn ánh sáng cuối con đường, thì nhân vật chính trải nghiệm nó, dường như là một giấc mơ. Nó là một sự báo trước, anh ta sẽ được tự do và sẽ tìm thấy con người thật của mình sẽ biến đổi, giống như bên trong vỏ kén, mình phá vỡ vỏ kén thì sẽ trở thành con ngài, giống như những con bướm được nhìn thấy được trong đêm u tối.

Bộ phim giống như là một bức tranh tổng thể với xã hội, nhân vật chính là người kết nối để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh hơn về xã hội và con người, giống như nhịp sống về thành thị và nông thôn, do đó, trong bộ phim, nhân vật chính khá là ít thoại, gần như là một người đàn ông khá là suy tư, kết nối những câu chuyện khác nhau. Bộ phim dựa trên trải nghiệm của tôi về ơn gọi. Tôi tin rằng ơn gọi sẽ xuất hiện ở mọi thời điểm nào trong cuộc đời của họ. Dựa vào ơn gọi, tôi muốn khắc họa nhân vật và phần nhiều phản ánh đến bản thân tôi hiện tại và quá khứ. Trong bộ phim của tôi, những nhân vật của tôi tạo ra đều có ơn gọi, tức là sống một cuộc đời cống hiến. Họ đang cố gắng trở thành một con người mới. 

Đạo diễn Việt Nam Phạm Thiên Ân có mặt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, ngày 21/05/2023, Cannes, Pháp.Đạo diễn Việt Nam Phạm Thiên Ân có mặt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, ngày 21/05/2023, Cannes, Pháp.image

Khi làm phim này, anh có gặp những khó khăn nào hay không?

Phạm Thiên Ân: Đối với Bên trong vỏ kén vàng, khó khăn lớn nhất vẫn đến từ kinh phí. Bình thường đối với một bộ phim, kinh phí thường được xin trước khi quá trình bấm máy. Trong phim của tôi thì quá trình đó diễn ra song song. Đôi lúc cũng phải xoay sở vấn đề về kinh phí, điều này giúp mình trưởng thành hơn sau bộ phim.

Tiếp theo, khó khăn thứ hai tôi nghĩ đến đó là kịch bản của bộ phim. Khi bắt đầu bấm máy thì kịch bản đó chưa hoàn chỉnh, với bản năng của mình, giống như hai bộ phim ngắn trước đó, kịch bản được hoàn thiện hơn trong quá trình tìm kiếm bối cảnh và trong quá trình làm việc với diễn viên. Và khó khăn lớn nhất đó là thời tiết của phim, được quay vào mùa mưa sương mù, chia làm ba thời điểm chính.

Vỏ kén vàng là hình ảnh tượng trưng cho điều gì, liệu anh có đang ở trong vỏ kén nào hay không?

Phạm Thiên Ân: Về tiêu đề của bộ phim, Bên trong vỏ kén vàng là từ mà tôi dùng để ẩn dụ cho vỏ bọc của xã hội, những thứ chi phối, kéo theo họ vào một vòng lặp của cuộc sống, khiến họ chạy vào một vòng lặp bất tận của tìm kiếm danh vọng và tiền bạc, thì bên trong vỏ kén là hình ảnh của con nhộng, tượng trưng cho linh hồn của con người.

Nói về bản thân của mình trong bộ phim, tôi cũng đã từng là một người như là nhân vật chính trong phim, cũng phải xoay quanh sự hối hả của cuộc sống để tìm kiếm con người thật của mình, bộ phim này giống như một sự phơi bày về những trăn trở của đức tin của cuộc sống, giống như rất nhiều người trẻ hiện đang phải đối mặt.

Bộ phim được hình thành dựa trên những trải nghiệm cá nhân, những điều mà tôi gọi là ơn gọi. Điện ảnh đến với tôi như là một ơn gọi vậy. Điện ảnh không có giới hạn. Người làm phim có quyền tạo ra thế giới của mình. Trong phim, tôi phải thành thật với bản thân mình, trong khi tôi tạo ra thế giới riêng của mình. Tôi phải tìm ra điều mà tôi tự tin, truyền đạt đến khán giả. Đó là những trăn trở về đức tin, cũng như về cuộc sống, những thứ ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân tôi trong hiện tại và quá khứ. Bộ phim cũng để trả lời cho câu hỏi: Mục đích sống của mình là gì?

 

Đạo diễn Phạm Thiên Ân

Phạm Thiên Ân, sinh ra tại Lâm Đồng. Từng theo học ngành công nghệ thông tin nhưng với đam mê với điện ảnh, anh đã tự học cách quay, dựng, chỉnh sửa phim. Bộ phim ngắn đầu tay Câm lặng đã nhận được nhiều giải ở các liên hoan phim như Palm Springs, Tampere, hay Uppsala. Gần đây nhất là bộ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (Stay Awake, Be Ready), Phạm Thiên Ân đã giành giải Illy cho phim ngắn xuất sắc nhất trong hạng mục La quizaine des cinéastes (Hai tuần lễ đạo diễn), thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes năm 2019. Phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng cũng đã được trình chiếu tại các liên hoan phim Clermont-Ferrand, Locarno Open Doors và Busan. Bên trong vỏ kén vàng (Inside the yellow cocoon Shell) là bộ phim dài đầu tay của đạo diễn, được lọt vào danh sách tranh giải trong hạng mục La quinzaine des cinéastes, tại Liên hoan điện ảnh Cannes 2023.

Nguồn: RFI