Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Đôi tất ngoại

Vũ Thư Hiên

 

Trong một bữa ăn tối với bè bạn, nhà văn Nga Anton Tchekhov nói:

“Các ông kêu viết văn khó ư? Không hề! Nếu có cái khó thì đó là khi ngồi trước trang giấy anh định viết cái gì, viết để làm gì? Tôi ấy à, tôi có thể viết ngay một truyện ngắn về lọ mực trên bàn kia, nếu tôi muốn. Vâng, về cái lọ mực ở trước mặt các vị kia kìa”.

Tôi thuật lại không đúng câu chữ, nhưng tôi rất thú giai thoại ấy. Lọ mực, hay bất cứ vật nào khác, chẳng qua chỉ là cái cớ cho sự sáng tạo vốn nằm sẵn trong đầu nhà văn. Tchekhov viết dễ là vì ông có vốn sống phong phú và trí tưởng tượng dồi dào.

Chuyện lọ mực của Tchekhov làm tôi nhớ tới những đồ vật tầm thường từng ở với tôi một thời gian rồi biệt tăm, nhưng kỷ niệm về chúng thì còn. Chúng nhắc ta nhớ đến một khúc nhôi nào đó trong đời.

Thí dụ, tôi có kỷ niệm về một đôi tất. Nó là vật tầm thường. Nhưng với tôi, nó nằm vào trí nhớ. Như một biểu tượng của một thời.

Đầu đuôi là thế này:

Năm 1963, ngành đóng tàu Ba Lan cho hạ thuỷ một con tàu có độ dãn nước 15.000 tấn, tức một tàu chở hàng loại nhỏ có khả năng cập các bến cảng nông.

Không biết ông Gomulka, Tổng bí thư Đảng cộng sản Ba Lan hồi ấy, hay là ban giám đốc nhà máy đóng tàu ở thành phố Gdansk, đã nảy ra ý nghĩ đặt tên cho con tàu mới đóng là Hà Nội.

Sự kiện này lập tức được các báo lớn báo nhỏ của ta nhất tề cho chạy trên trang nhất, bằng chữ to với bức hình một cô gái Việt bé nhỏ mặc áo dài đập chai sâm banh vào mạn tàu trong nghi lễ xuống đà.

Báo ảnh Việt Nam, nơi tôi làm việc, không thể kém các đồng nghiệp. Nó là tờ báo duy nhất xuất bản bằng vài thứ tiếng nước ngoài, lại là tờ báo được nguyên tổng bí thư đảng khai sinh. Ông chú mục theo dõi nó ngay cả khi đã mất chức vì một tội ác chết nhiều người được gọi là một sai lầm.

Chủ nhiệm gọi tôi vào phòng. Ông trịnh trọng trao cho tôi làm phóng sự về sự kiện trọng đại này.

- Phải hết sức cẩn thận trong giao tiếp. “Tỏ tình thân, giữ khoảng cách” – ông nghiêm trang dặn tôi bằng một phương châm ngắn gọn kiểu Tàu – Liệu đấy, kẻo rắc rối.

Rắc rối nghĩa là thế nào thì chỉ người nào sống ở thời kỳ đó mới hiểu. Xểnh chân xểnh tay không sao, chứ xểnh miệng là lôi thôi lắm. Nhẹ thì phê bình kiểm thảo, hạ tầng công tác. Nặng, có thể đi tù.

Vào thời gian ấy, những năm 60 thế kỷ trước, nội bộ cái gọi là phe xã hội chủ nghĩa rất lủng củng. Trung Quốc xa xả chửi Liên Xô là “đồ xét lại”, Liên Xô day tay mắm miệng nhiếc Trung Quốc là “lũ giáo điều”. Trong từ vựng cộng sản, “giáo điều” và “xét lại” đều xấu đen xấu đủi, kiểu như hai bệnh tim la và lậu.

Vì cớ gì hai nước lớn bỗng đùng đùng ném cứt vào mặt nhau như thế thì chỉ có “trên”, tức các vị cầm cân nảy mực trong đảng mới biết, chứ dân chúng thì mù tịt. Thậm chí cánh nhà báo cũng chỉ biết lơ tơ mơ rằng hai bên có mâu thuẫn chi đó về lý thuyết, chứ dưới tấm chăn lý thuyết ấy còn có cái gì nữa thì cũng chỉ là đoán mò.

Chân lý được phát hành theo đại lý. Bộ Chính trị phổ biến tin tức có giới hạn cho Trung ương, Trung ương cắt bớt rồi phát xuống tỉnh, tỉnh cắt thêm rồi mới cho xuống huyện. Càng xuống thấp sự thật càng teo tóp. Những người thọc mạch nhất nếu có biết gì hơn khẩu phần tinh thần được phân phối cũng chỉ dám xì xào về một mảnh nào đó mà thôi. Chẳng ai dại mà đến gần đám cháy.

Ở Hải Phòng, Bùi Ngọc Tấn nghiêm trang dặn tôi:

- Này, ông nhớ là phải lấy giấy giới thiệu công tác của thành uỷ, của uỷ ban, của cả công an nữa. Cho nó chắc! Cảng là cảng, mà cũng là biên giới, lên tàu nước ngoài dễ rách việc lắm đấy.

Nhà văn thổ công đất cảng nổi tiếng là người siêu thận trọng. Anh rất biết cách né những gì nguy hiểm.

Cùng đi với tôi có Văn Sinh, phóng viên nhiếp ảnh. Tôi xin ông chủ nhiệm cho Văn Sinh đi cùng. Lên tàu Ba Lan, đồng nghĩa với bước chân vào lãnh thổ một nước xã hội chủ nghĩa nhưng là nước không được coi là “mác-xít-lê-nin-nít chân chính”. Có Văn Sinh đi cùng, tôi yên tâm. Anh là nhân chứng có giá khi hữu sự. Xuất thân thợ ảnh phố huyện, là công nhân theo cách hiểu của các chính trị gia nội hoá, anh thuộc giai cấp lãnh đạo cách mạng. Ngoài chức phó bí thư chi bộ, phó chủ tịch công đoàn, anh còn là chiến sĩ thi đua toàn ngành văn hoá.

Đảng không tin anh còn tin ai?

Trời nắng như đổ lửa. Phố xá râm ran tiếng ve sầu.

Chúng tôi trình giấy tờ ở cổng cảng. Vào. Đi bộ một lát, thấy con tàu Hà Nội chình ình trước mặt. Bên trên, mấy thuỷ thủ cởi trần trùng trục, đỏ như tôm luộc, đi đi lại lại.

Đã tưởng qua cổng cảng rồi, trình giấy rồi, thì cứ thế lên tàu, hoá không phải. Ở bốt gác đặt ngay dưới cầu tàu, chúng tôi phải trình giấy lần nữa. Anh lính gác lật ngang lật dọc hai cái thẻ nhà báo và mấy tờ giấy giới thiệu rồi đủng đỉnh gõ kẻng. Đốc gác đủng đỉnh bước ra, cầm giấy mang đi.

Chúng tôi khô cong dưới trời nắng. Cuối cùng, sau một lúc lâu đốc gác mới xuất hiện, phẩy tay:

“Cho lên. Khi ra nhận lại giấy tờ”.

Thuyền trưởng Kazimierz, ắt là một tên “xét lại” trăm phần trăm, vồn vã đón chúng tôi. Cao lộc ngộc, mặt tươi bưởi, sau cái bắt tay chặt, anh gọi nhà bếp mang vodka và cá khô vobla lên đãi. Cùng tiếp khách với thuyền trưởng còn có vài sĩ quan trên tàu.

Cuộc tiếp xúc xem ra không có mòi căng thẳng giữa hai bên xét lại và mác-xít lê-nin-nít chân chính. Văn Sinh lúc đầu còn nghiêm trang đúng cách, nhất nhất tuân theo lời cấp trên dặn dò, nhưng bia và vodka đã nhanh chóng xoá đi rào cản vô hình của cuộc đấu tranh một mất một còn giữa hai đường lối cộng sản.

Tối hôm ấy chúng tôi được một bữa thịnh soạn. Bữa này có đông đủ các sĩ quan, thuỷ thủ. Ngoài hai đứa tôi ra, khách lên tàu hôm ấy còn có các quan chức trung ương và địa phương.

Bếp trưởng tiếp khách bằng những món Ba Lan truyền thống. Trên bàn có đủ loại rượu không phải xã hội chủ nghĩa, chắc chắn được mua ở các cảng không xã hội chủ nghĩa.

Văn Sinh quên bẵng tinh thần cảnh giác. Đây là lần đầu tiên anh được dự một bữa ăn với người nước ngoài. Những buổi chiêu đãi quốc tế ở Hà Nội chỉ có các bậc chức sắc trong toà soạn đi dự, Văn Sinh không bao giờ có mặt. Anh thuộc loại người ra đời để được sai phái.

Sau vài ly vodka Văn Sinh đã chân nam đá chân chiêu, nhưng vẫn bấm máy liên tục. Anh không buồn theo dõi tôi theo nhiệm vụ được giao nữa. Anh lại không biết bất cứ thứ tiếng nào ngoài tiếng mẹ đẻ. Khi người ta uống rượu và cười nói ầm ầm thì chắc chắn không phải chuyện chính trị rồi. Anh chỉ nghe những lời chúc tụng ngoại giao qua lời tôi dịch. Rượu ngon, anh uống tì tì. Rốt cuộc, anh say đứ đừ. Anh ợ to, cười ngớ ngẩn, thiếu nước nôn oẹ ngay bàn tiệc, mấy thuyền viên phải xốc nách dìu anh đi nằm.

Tàn cuộc, thuyền phó Woicek kéo tôi về ca-bin của anh. Là người mê văn chương, tốt nghiệp đại học báo chí xong, Woicek thi tiếp vào đại học hàng hải để có cơ hội lang thang thế giới. Cả buổi tối và gần hết đêm chúng tôi say sưa nói chuyện với nhau về các văn gia Ba Lan mà tôi có đọc: Mickiewicz, Miloscz, Senkiewicz…

Tôi hỏi anh về đời sống của dân Ba Lan.

- Chúng ta cùng một lò – Woicek thở dài – Đâu thì cũng thế. Tuy nhiên, cuộc sống của dân Đông Âu xem ra dễ chịu hơn ở đây, ông bạn ạ!

- Âu và Á là hai thứ khác nhau. Rudyard Kipling nói thế. Và không sai.

- Nhưng cũng không hẳn đúng. Hai nước Âu Á của chúng ta ở vào thời không phải của Kipling. Chúng là con cùng một mẹ, chỉ khác nhau ở cấp độ – Vocicek phản bác – Chúng giống hệt nhau ở chỗ con người cả hai nơi đều không có quyền lựa chọn cách mình muốn sống.

- Đồng chí tinh thật, dù mới chỉ thấy Hải Phòng.

- Hải Phòng không giống bến cảng – anh kết luận – Nó giống nhà trừng giới. Dân ở đây lảng tránh chúng tôi. Tôi hiểu: họ không được phép tiếp xúc với người nước ngoài. Nhưng việc gì họ phải sợ chúng tôi đến thế?

Dân chúng thực hiện nghiêm chỉnh mệnh lệnh của ông thủ tướng vĩnh cửu: tuyệt đối cấm giao thiệp với người nước ngoài. Ông không ra văn bản chính thức, nó bất tiện, mà bằng chỉ thị miệng, được các cấp dưới phổ biến cho nhau.

Chúng tôi trò chuyện tới gần sáng.

Lúc chia tay Woicek mở tủ bắt tôi lấy bằng được một thứ gì đó của anh làm kỷ niệm, dù tôi khăng khăng từ chối.

Chiều lòng anh, tôi chọn đôi tất. Tôi không thể mang ra khỏi tàu bất cứ vật gì khác cái tôi có. Nếu tôi bị phát hiện mang vật gì không phải của tôi ra khỏi đây thì phiền lắm lắm. Nhẹ thì bị buộc tội buôn lậu, nặng thì… có trời biết sẽ là cái gì – tội liên hệ với gián điệp của bọn xét lại cũng nên.

Các bạn đừng cười nhé. Thật thế, tôi không phóng đại.

Để cẩn thận, tôi đi đôi tất mới ra ngoài đôi đang dùng, nhưng đi cả hai vào giày thì chật. Đành tháo đôi cũ ra, quẳng nó qua cửa húp-lô xuống cửa sông Đông Đình Vũ. Quẳng đi tôi tiếc hùi hụi – đôi tất mới nguyên, sản phẩm của nhà máy dệt kim Đông Xuân tôi vừa mua được trong lần bắt thăm hàng phân phối ở cơ quan.

Tôi quên chưa tả đôi tất Woicek cho. Nó là sự hoà trộn tuyệt vời những đường nét mang hai màu đen và xanh lam, rất trang nhã.

Vợ tôi thích đôi tất ấy lắm. Nó không những đẹp mà còn bền. Những đêm đông có nó đi vào chân thật tuyệt. Đến khi mậu dịch có bán giày da Mông Cổ, tôi mua được một đôi, vợ tôi không cho tôi dùng thường xuyên đôi tất tư bản, sợ nó rách.

Tôi bị bắt cóc giữa đường để tống vào tù vào một buổi sáng mùa đông năm 1967. Trời hôm ấy rét ngọt. May, trên người có áo bông, dưới chân có đôi tất Woicek cho.

Ở Hoả Lò, trước khi đưa tôi vào xà lim, người ta khám xét rất kỹ: bắt tôi cởi trần truồng, bắt há mồm, chổng mông, nhòm vào mọi chỗ, cả đôi tất cũng phải lột ra để họ nắn xem bên trong có gì.

Viên cán bộ chấp pháp, một người đàn ông gày còm trong bộ nỉ Tôn Trung Sơn đã sờn ở cổ và tay áo chỉ sực nhớ đến đôi tất lạ mắt nhiều ngày sau.

Một hôm, khi được mở cửa xà lim ra cái sân bé tí tẹo lấy quần áo phơi, tôi thấy mất đôi tất. Hỏi thì viên quản giáo trông khu Xà lim Một, tức Xà lim Án Chém, nơi tôi cư ngụ, nói:

- Không mất đâu mà sợ!

Mất là không thấy nó nữa, nhưng sợ thì không sợ. Cái thân mình còn chẳng giữ được, nữa là đồ vật.

Hai hôm sau, người ta áp giải tôi ra “đi cung”, tôi thấy đôi tất nằm chình ình trên bàn.

Sau các câu hỏi bao giờ cũng vô duyên, cũng lãng xẹt, viên chấp pháp chỉ đôi tất:

- Tất ni là của anh, hỉ?

- Vâng, của tôi. Tôi nghĩ nó đã mất.

- Không, nó đây.

Thì ra viên chấp pháp sực nhớ ra thứ y đã không chú ý đến là đôi tất trong khi khám xét.

- Anh mua cấy ni ở mô hè?

- Tôi không nhớ cửa hàng – tôi thản nhiên – Cũng chẳng bao giờ nhớ mình mua cái gì ở đâu.

Viên chấp pháp nhấc đôi tất lên, chăm chú ngắm nghía. Y cận thị, phải đưa nó vào sát mặt để nhìn ngó, tôi nghĩ y muốn ngửi nó.

- Đôi tất đẹp thiệt, tui chưa thấy một đôi như rứa bao giờ.

- Tôi cũng ưng cái cách phối màu – tôi nói – Tươi, mà không sặc sỡ.

- Tui không hỏi anh nó đẹp hay không đẹp – y đổi giọng – Tui là tui muốn hỏi anh mua cấy ni ở mô?

- Tôi đã nói là tôi không nhớ các cửa hàng mà. Nhất là ở chợ trời. Có cửa hàng mậu dịch nào bán của này? – tôi hiểu y muốn dẫn câu chuyện tới đâu – Tất không phải hàng bán theo phiếu, mà phân phối cho các cơ quan. Còn phải bắt thăm nữa đấy.

- Dzậy tui mới hỏi. Tui cũng như anh, tôi biết thứ nào bán theo tem, thứ nào bán phân phối – y ngó chòng chọc vào mắt tôi – Tui ngờ cấy ni là quà của bọn xét lại Liên Xô tặng anh…

Tôi bật cười:

- Bọn xét lại Liên Xô có tặng tôi thì cũng phải tặng cái gì cho ra hồn chứ. Ai lại tặng một đôi tất? Mà tôi đã ở Liên Xô, tất bên ấy tốt, rất bền, nhưng cách phối màu thì dở, không được như thế này đâu.

- Chừ tui mới nghe một câu chê Liên Xô từ miệng anh đó.

Vào thời gian đó, nếu muốn đổ cho ai một cái tội gì đó thì tội xét lại là hợp mốt nhất. Trong cơn cuồng mác xít theo đàn anh Trung Quốc, người ta bỏ tù cả một anh chàng sinh viên du học Ukraina vì dám yêu gái bản địa, một anh cán bộ ngoại giao dám chè chén ở nhà một nhân viên lãnh sự quán Ai Cập. Trong sự phô trương tinh thần bảo hoàng hơn vua, chính quyền các địa phương bủa lưới hốt cả những công dân vô tội. Nhiều người trong số này rồi nằm lại trong bãi tha ma bên cạnh trại tù.

Cổ nhân nói: một mất mười ngờ. Nhưng với nhà cầm quyền thì không thế. Họ chẳng mất gì để mà ngờ, hoặc nói cho khách quan, họ chưa mất gì, nhưng ngờ thì vẫn cứ ngờ. Trong sự ngờ vực này, thói suy diễn được chạy lông nhông.

Khi không thể nặn ra được lời thú nhận nào ở tôi, viên chấp pháp mẫn cán đánh trống lảng bằng câu chuyện vui, rằng có tên gián điệp bị bắt vì mang một cái ví da không giống các thứ ví xã hội chủ nghĩa. Cái ví là ám hiệu để nhận nhau với một tên gián điệp khác trong một đường dây.

- Nhưng che mắt ai, chớ không thể che mắt công an Việt Nam ngàn mắt ngàn tay – y cười hích hích – Bọn ấy rồi bị bắt hớt, không sót đứa mô.

Tôi hiểu y ám chỉ gì. Y đã có tuổi, dù chưa già, nhưng vẫn giữ được những nét trẻ thơ. Mà anh ta đúng, ngành công an tự ví mình với đức Phật thông tuệ nghìn mắt nghìn tay, không bỏ sót một chi tiết nào.

- Ờ, thí dụ như cái đôi tất có màu lạ này, nó cũng có thể dùng làm ám hiệu đấy nhỉ? – tôi nói vui – Tôi dùng nó thường, chẳng có đứa nào ngó vào chân để nhận tôi.

- Là tui nói dzậy thôi. Cho anh cầm về.

Y đứng lên, chán ngán. Công việc mà y hình dung không diễn ra như y muốn. Dù sao thì cũng hết một buổi “làm việc”.

Đôi tất ở với tôi suốt mùa đông lạnh giá năm 1967. Những mùa đông sau tôi ít dám dùng, vì sợ nó rách.

Vào năm tù thứ 8, vợ tôi mang lên trại Phong Quang một đôi giày vải. Đôi giày da tôi đã “chác” (đổi chác) cho một anh tù được tha lấy đôi dép lốp.

Nhìn đôi chân nứt nẻ của ông bạn tù, người được mệnh danh là “Giăng Van-giăng gọi bằng Cụ” vì thành tích ở liền tù tì trong các nhà tù 30 năm, tôi biếu ông đôi giày vải. Nhân tiện, tôi biếu ông luôn đôi tất. Ông nhận giày, nhưng không nhận tất:

- Ông đã nhường giày cho tôi, tất thì giữ lấy tất mà dùng, phòng khi trời quá lạnh.

Muà đông năm ấy lạnh lắm, lạnh đến nỗi có hai người tù chết cóng, cán bộ vào thúc đi làm, đá cho mấy đá cũng không dậy, hoá ra hai anh này đã về với ông bà ông vải rồi.

Vậy mà “Giăng Van-giăng gọi bằng Cụ” vẫn không chịu đi giày, chỉ quấn xà-cạp chế tạo từ cái quần rách. Trách ông thì ông bảo:

- Để đến mùa đông nào khác, khi sức tôi không còn chịu được nữa thì tôi sẽ dùng. Mình án cao su, anh ơi. Biết bao giờ ra khỏi đây mà phí phạm!

Tôi ra tù một năm sau đó. “Giăng Van-giăng gọi bằng Cụ” vẫn còn đó. Không biết rồi khi nào ông mới chịu dùng đôi giày vải nọ.

Đôi tất tôi mang về nhà.

Vợ tôi trổ tài khâu vá, mạng lại những chỗ rách, nhưng nó đã quá cũ, nhiều chỗ đã mủn, sau khi làm xong thì nó bé hẳn lại, chỉ vừa chân vợ tôi thôi. Khi trời quá lạnh vợ tôi nhường cho con gái út. Nó đi hơi rộng, nhưng có còn hơn không.

Đôi tất ở trong nhà tôi nhiều năm.

Chuyện đôi tất đến đây là hết.

Ký ức về nó thì còn.

Kể lại câu chuyện vui vui này để các bạn cười thêm một tiếng.