Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Tản mạn văn hoá văn nghệ và… văn gừng (26): Nhân một nhận xét rất “hay” mà khá “cay” của nhà văn Diêm Liên Khoa về thân phận văn học

Nguyễn Thanh Văn

Nhận định văn học hôm nay đang trong tình trạng YẾU ĐUỐI, CÔ ĐỘC và BẤT LỰC có thể chỉ là một cách nói “khiêu khích” của tác giả Diêm Liên Khoa[*]. Chắc chắn đấy là một gợi ý thú vị và cần thiết cho công chúng, bạn đọc và trước tiên cho người cầm bút. Thiết tưởng chúng ta cứ thử bàn tới, dù người nói có gợi ý ngầm gì khác hay thật tình nghĩ đúng theo nghĩa đen từng từ đi nữa.

Thật ra, từ lâu không chỉ có nhiều ý kiến đề cập các dấu hiệu bệnh tật của văn học (với nghĩa chính là văn chương hay thơ văn) mà chúng ta hẳn đã từng nghe cáo phó về cái chết của nó. Ngay cả khi không hay chưa có giấy báo tử đã khối người không cần khách khí dài dòng đặt thẳng câu hỏi liệu văn học có còn cần thiết cho xã hội không? Bài viết của tôi dĩ nhiên không phải là một bài trao đổi trực tiếp với nhà văn Trung Quốc mà chỉ là “Nhân một nhận xét…”, nên tôi xin phép tuỳ tiện mà hướng thẳng vào ý liệu văn học đã chết thật chưa hay nếu sắc diện đã YẾU ĐUỐI - CÔ ĐỘC - BẤT LỰC thật rồi thì cho chết luôn, nôm na như cách người ta hát đùa theo ca khúc Mùa thu chết của Phạm Duy (ý thơ Apollinaire) “mùa thu đã chết em biết không – mùa thu đã chết, đã chết rồi… cho chết luôn”.

Văn học – gồm trước tác thơ văn (văn chương) và khoa học về văn chương (lý luận, lịch sử văn học…) – đã đánh mất vị trí to lớn, sang trọng suốt ít nhất hai thế kỷ qua (tính ngược lại từ khoảng những năm 70 thế kỷ trước) là điều khỏi phải bàn cãi.

Văn nghệ sĩ vốn quen với thanh vọng “thượng lưu, đài các” bấy lâu không khỏi ngỡ ngàng và chính họ là nhóm có tâm trạng và phát ngôn ngậm ngùi đệ nhất. Thực hư thế nào?!

 

***

Trước hết để tránh dài dòng, xin nêu ngay đâu là lợi thế của văn học các thời kì trước – lùi xa hơn mốc hai thế kỷ – và tất nhiên kèm bất lợi của của nó trong khoảng tròm trèm nửa thế kỷ lại đây (tạm dựa vào gợi ý của Diêm Liên Khoa) dưới dạng liệt kê vắn tắt.

Khi L. Tolstoi cho xuất bản Chiến tranh và hoà bình, độc giả say mê thiên tài của ông và yêu mến các nhân vật Natasha, Maria, Kutuzov, Pierre, Andrei… không bị phân tâm bởi các show truyền hình (một thời người Anh sắp hàng cả hai cây số chờ mua tiểu thuyết của Charles Dickens), không nghe tin Hollywood sắp chuyển thể nó thành phim xem trong vài giờ liền là xong – khỏi vật vã đọc hàng tháng liền sưng cả mắt (dù điều này thực tế là hạnh phúc của không ít người) mà còn tận mắt kiểm tra xem Natasha có đẹp, khả ái tới mức như mình tưởng tượng hay không và đáng cho cuộc đời công tước Andrei kiêu hãnh phải lao đao, biến dạng hay không? Điện ảnh và truyền hình là “kẻ thù” của văn học – ai đó từng nói.

Đã đành ở các đô thành châu Âu (và châu Á của Trung Hoa và Ấn Độ cũng tương tự) sớm có (các dạng) nhà hát, kịch tuồng và diễn viên và kịch tác gia được hâm mộ, văn chương dưới dạng “kể tuồng tích” có phổ biến, nhưng người thưởng thức có giới hạn, không có tác dụng ngăn trở khâu in ấn, lưu hành các tác phẩm văn học và ảnh hưởng chi tăm tiếng các văn tài, ít ra trong giới độc giả thượng lưu có chữ nghĩa.

Văn chương được giai cấp trên thưởng ngoạn và ảnh hưởng ra xã hội có hơi hướm và gốc gác sang trọng của văn học trước đây là thế.

Gốc văn-sử, văn-triết, văn tôn giáo (kinh là văn, là thể hiện của Ngôi Lời) của ngày xưa đã thay đổi! Thực tế, khi dần dà có cuộc chia ly giữa văn và sử, giữa triết và sử… thì văn học đã một mặt, bớt vai trò độc tôn và quá nhiều gánh nặng của thời kì đầu, nhưng mặt khác, lại đi sâu hơn để tự mình thành chính mình, phát sáng nhiều thế kỷ dài trước khi từ từ mờ dần.

Không bàn thời kì khắc chữ trên đá, chép chữ trên da thú, lá bối mà ngay cả khi có phát minh ra giấy và kỹ thuật in ấn, ưu tiên vẫn thuộc các văn bản hành chính và tôn giáo. Giấy, chữ viết mang tính thiêng liêng, một dạng “taboo”. Thời tôi còn ở làng quê (1954-1964), giẫm chân lên một mẫu giấy có chữ Hán hay chữ Nôm là “có tội”, thậm chí trẻ con dám xé sách chữ Quốc ngữ bị phụ huynh đánh đòn tại chỗ. Nếu ai hiểu biết chứng minh tập sách chữ Hán là một dâm thư hoặc là tập quảng cáo thuốc trị xơ gan hay bệnh trĩ e không ai tin – chữ là chữ thánh hiền kia mà! Văn thi sĩ quả nhiên có hưởng lợi từ truyền thống và thái độ trân trọng và phần nào kinh sợ chữ nghĩa này. Khác với ngày nay, dưới tác dụng của các phương tiện in ấn, giới thiệu mới, yêu cầu tiêu chí từ cao tới thấp và cực thấp cho phép người cầm bút làng nhàng trong vài năm khoe trên Facebook vài chục tác phẩm đầy đặn, có cổ có gáy đàng hoàng! (Điều không quá khó hiểu là khi hàng loạt cây viết công khai chuyện chỉ ít năm có dăm tiểu thuyết và nửa tá tập thơ thì uy tín văn chương có vẻ đi theo hướng lùi lại).

Quần chúng có tạm đủ ăn, dư sống may ra mới nói chuyện triết học sâu xa. Văn học viết trước hết là trò chữ nghĩa thâm cứu của giai cấp trên. Còn thực tế, cái lõi của ham mê văn nghệ trong quần chúng (và cũng là yếu tố không thể thiếu trong chính giới thượng lưu) vẫn là giải trí – bất chấp các thức giả, thánh nhân quyết sứ mạng văn chương phải là (và chỉ là) “tải đạo”. Vị trí văn chương to lớn một thời và nhiều thời là đáp ứng nhu cầu này. Nhà thầu hàng giải trí đã thay đổi từ khuya. Tại sao thư giãn bằng bộ Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust) hay dễ đọc hơn nhiều với Liêu Trai chí dị (Bồ Tùng Linh) khi chỉ có một tiếng đồng hồ là phải trở lại cơ quan? Tại sao không bấm chương trình bóng đá quốc tế, boléro hay Tài năng nước Mỹ khi lê mình trở về nhà sau tám tiếng? Đó là thời điểm đến Jane Eyre (Charlotte Brontë) hay The Thorn Birds (C. McCullough) rất dễ ngốn, cũng phải bye-bye. Chưa nói lục cho ra cuốn sách yêu thích vả cả mồ hôi, trong khi chỉ vật người xuống nệm, lại không phải mở mắt (đọc thì phải mở mắt) – nghĩa là cứ thoải mái nhắm mắt, vẫn relax ngon lành. Tóm lại, văn chương bị xử thua ngay trên sân giải trí, ngay cả khi cá nhân trọng tài có là fan cuồng của văn học.

Về thông tin và thông tin chính trị nói riêng thì quá rõ. Nga xâm lăng Ukraina – xin lỗi bỏ qua lý luận “đánh trước phòng xa”, “chiến dịch đặc biệt”, hễ vượt biên giới không ai mời hay leo rào phá cửa nhà người ta thì cứ gọi chính xác là “xâm lăng”, còn chi tiết bàn sau – chưa tới nửa giờ hoặc ít hơn là cả thế giới đều biết. Những và nhiều thế kỷ trước, một tác phẩm văn học đề cập, khen chê, đánh giá một cuộc chiến tranh chính hay phi nghĩa thì có khi toàn bộ mồ mả người tham chiến ở cả hai phe – chết trên chiến trường hay trên giường vợ – đã đồng loạt xanh cỏ! Bốn năm sau vụ Dreyfus, E. Zola mới công bố Tôi tố cáo, bây giờ một Facebooker chỉ trong một thời gian tối thiểu có thể nêu chính kiến, quan điểm riêng ra toàn thế giới. Còn tham vọng chuyển tải thông tin học thuật, khoa học các ngành qua văn chương thì thôi, khỏi bàn – mấy ai cần và còn tin kiến thức trong lĩnh vực này của giới văn nghệ sĩ.

Một thời vai trò một nhà văn lớn gần như vai trò người thầy hay người phát ngôn của dân tộc như vị trí của L. Tolstoi, Victor Hugo, Lỗ Tấn, Voltaire, R. Tagore… Một lý do giải thích là trong văn chương của họ có những tổng kết tư tưởng của cả một thời đại (chí ít phản ánh tinh thần độc đáo của dân tộc mình) được các thành viên của chính thời đại đón nhận. Đây là điều bất khả đối với các nhà văn lớp sau. Đã có các nhà tư tưởng, triết gia, nhà văn hoá đi chuyên sâu làm thay họ. Ngay giới báo chí phổ thông cũng có khả năng cung cấp đều đều các món chế biến trong lĩnh vực này cho bạn đọc cũng “phổ thông” như họ.

Tóm lại, đúng như ý Diêm Liên Khoa, có thể nói nhà văn hiện nay đã bị tước bỏ một loạt thuận lợi, là sở trường nhiều thế kỷ của họ. Mất vị trí (ít ra là chủ yếu) trong lĩnh vực giải trí, cung cấp thông tin, rao giảng tư tưởng, khích động chính kiến, thị hiếu thẩm mỹ và đặc biệt mất hẳn vai trò đa năng, đa dạng, một thành hai (Văn kiêm Sử), thành ba (Văn kiêm Sử và Triết) đầy sang cả trong quá khứ.

Một khía cạnh khác có trong lịch sử nhân loại và lịch sử văn học là uy tín văn học ăn theo các thế lực tôn giáo và chính trị khi thực tế văn chương nhận sự đỡ đầu của các thế lực tăng lữ và vua chúa để truyền bá và minh hoạ các tín điều và chủ trương của các thế lực này. Nhiều thế kỷ liền – đời nhà Hán ở Trung Hoa và đậm nét hơn thời Trung Cổ ở châu Âu – chứng minh nhận xét của người viết. Trong trường hợp này quy hết danh giá cho văn giới là không thuyết phục. Họ có văn tài – dĩ nhiên – và thậm chí có ý thức nương theo thời để giới thiệu trước tác có giá trị, nhưng mặt khác, như các học giả phương Tây nhận xét rằng trong nhiều thế kỷ còn một dạng văn chương văn học được cổ vũ đã đóng vai trò tì thiếp cho kẻ mạnh! – khái niệm “tì thiếp” trước tiên được được công khai dùng chỉ địa vị của triết học đối với thần học Thiên Chúa Giáo ở châu Âu một thời. Sự “lừng lẫy” của văn học ở các thời kì này – theo thực tế nào đó – là con dao hai lưỡi bởi nó đánh lừa giới trước tác về thành công và tự do của một nền văn học di dịch trong không gian đàn hồi mà sợi thòng lọng cho phép – màn trói, mở trói và trói lại ta nghe đã quen, áp dụng cho văn nghệ sĩ Việt Nam nội địa là một gợi ý hay và bi thiết.

Trở lại sát với đề tài hơn, vậy văn thi sĩ đã về hưu hay thất nghiệp rồi chăng! Vấn đề có lẽ là ở đây. Hạ giọng một cấp, thì văn học còn lay lắt – chưa chết hẳn – với bộ dạng Yếu Đuối, Cô Độc và Bất Lực như Diêm Liên Khoa bình luận. Nhưng có thật nhân dạng hoàn toàn minh nhiên và đầy tội nghiệp này là bộ mặt chụp cận cảnh, sắc nét nhất của văn học trong thời đại ta đang sống sờ sờ đây hay không?

***

Tạm lấy mốc 1954 (dù có thoi thóp ngay trên đất Bắc đôi năm nữa), tình hình văn chương chữ Quốc ngữ đang trên đường phát triển khá tốt đẹp đã chuyển qua bước ngoặt mới. Sau đó dù có các đặc điểm phức tạp, văn học miền Nam được nhiều nhà nghiên cứu và công luận xem là sự tiếp nối văn học Việt trước 1954. Ở miền Bắc với sự chọn lựa vừa do thời cuộc và vừa phát xuất từ giáo điều chính trị triết học của Đảng Cộng sản, hoạt động văn nghệ bị giới hạn và định hướng – cùng phản ứng của nhóm Nhân văn Giai phẩm và lác đác một số trí thức văn nghệ khác – thế nào cả nước đều đã rõ. Và bài viết không bàn gì thêm về thời kì này.

Vậy có gì liên quan giữa thời kì 1975 tới nay giữa tình hình văn học Việt (cho phép tôi chỉ tạm đề cập văn chương “nội địa” là chủ yếu, không bàn bộ phận quan trọng khác của văn học Việt ở hải ngoại mà các bạn nào không theo dõi được – như đại đa số bạn đọc người Bắc sau 1975 và giới trẻ đủ hai miền – có thể đọc phần trước tác đặc thù trên mạng Văn Việt hoặc các sưu tập của Trần Hoài Thư, Võ Phiến, Nguyễn Vy Khanh từ hải ngoại…) và tình hình yếu đuối, cô độc và bất lực của văn chương. Trong phần này, lần nữa, tôi dùng ghi chú tóm tắt để tránh rườm rà, phiền bạn đọc.

Nếu văn học Việt dù từ nguồn nào cũng không tránh khỏi tác động thời đại như Diêm Liên Khoa bàn, thì riêng văn chương Việt sau 1975 được bổ sung nhiều bất lợi hơn hẳn (chính xác cũng y như ở quê hương Trung Hoa của Diêm tiên sinh đấy thôi! – trong bài viết của họ Diêm không nêu bật cái bóng ám ảnh đầy tiêu cực và phản động của đường lối văn hoá văn nghệ của Mao và kiểu Mao thì ta có thêm một minh hoạ vì sao văn học trở nên yếu đuối và bạc nhược tới mức như chính Diêm quân đã than vãn, nghĩa là ngay các nhà văn liêm chính Trung Quốc cũng không hoàn tự do chỉ trích và đào mồ chôn tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông!).

Quan điểm chính trị – thực chất là quyền lực chính trị của đảng và chính quyền – cho phép sự áp đặt tiêu chí, phương hướng và phương pháp sáng tác từ thời kì chiến tranh cho anh chị em văn nghệ sĩ kháng chiến, bưng biền được tiếp tục. Viện lý do an ninh, loá mắt vì thành quả trong chiến tranh, chính quyền xã hội chủ nghĩa vận dụng nguyên xi chính sách văn nghệ “một chiều” cho một giai đoạn mới hẳn, đối với một đối tượng cầm bút đa nguồn và cấu trúc dân cư - độc giả đa tạp, đa văn hoá và đa chính kiến. Nghệ sĩ là một thành viên, một người lính trong mặt trận văn hoá nhận chỉ đạo sít sao của “mặt trận chính trị” mà còn phải kèm điều kiện chịu thề thốt. Hệ quả là văn nghệ sĩ người bỏ bút, kẻ pha mực lạt bớt, người bẻ cong bút cho hợp thời và an toàn và thiếu chi người ngậm bút bên án thư cho tới ngày lìa đời.

Tự bản thân tình hình đặc thù xã hội chủ nghĩa này đã đủ tội nghiệp, cần chi diễn dịch thành cô độc và yếu đuối, đã tuyệt vọng rồi cần chi khái niệm bất lực.

(Xin lưu ý không phải người cầm bút nào cũng chịu bất lực – những nhân cách và văn tài lương thiện và bất khuất! – mà các bạn đã biết và tôi sẽ bàn qua ở phần cuối).

Hệ quả kèm là văn chương nghiệp dư nổi lên, văn nghệ sĩ tài tử nở như lá mùa xuân, nội dung và vấn đề loanh quanh, tủn mủn thay đề tài hay vấn đề bạn đọc đang đối mặt – không ngạc nhiên họ không đối mặt mà ngoảnh mặt với nền văn học nhợt nhạt tới mức này! Vấn đề không phải là (và không chỉ là) chuyện văn học mà là chuyện chính trị! Tránh trách nhiệm xã hội và cố quên thiên chức văn chương để… sống sót. Nghệ thuật, một nỗ lực để sống và sống xứng đáng, nay chỉ loay hoay mong được… sống sót thì còn bàn làm chi cho rách việc!

Thế nhưng người cầm bút giữa đoạn thác nước xiết, sóng ngầm mà mong hai chữ bình an có đúng là đối tượng (chính) để lên án hay không?

Xin nói chi tiết hơn một tí về tình hình và thân phận người sáng tác trong nước từ 75 tới nay. Viết sau khi lách qua bao nhiêu đề tài cấm kị, đối tượng dè chừng là kinh nghiệm phòng thân đầu tiên và mất thời gian, tâm lực nhất. Bỏ qua các vấn đề người đọc hôm nay quan tâm thì thu hút họ bỏ tiền túi đọc sách ta thế nào? Và còn đâu hứng thú cao cả của người sáng tạo kia chứ! Không tính chuyện bỏ công ăn việc làm để viết – thích thì chớ phàn nàn – nguyên chuyện bỏ tiền cho khâu biên tập, “duyệt” sách và riêng chi phí phát hành sách tròm trèm 50% giá bìa, đã là một gánh nặng. Tác phẩm có tí giá trị, được ai đó điểm qua còn ngờ ngợ hòn sỏi mình vừa ném xuống mặt hồ có lăn tăn tí sóng. Không ai chú ý – văn chương lách và né thì ai quan tâm mần chi – thì kết luận về chữ nghĩa của mình được chưa?! Đến các anh sợ chính trị tới độ đái dầm ngay giữa ban ngày ban mặt cũng biết trước tác mà không dính chuyện xã hội chính trị là ảo vọng, là bị bịp, tự bịp và bịp người đọc đấy thôi. Chút an ủi của giới phi chính trị là còn khá hơn thứ chính trị xem mình là bố dân tộc và chủ nhân của bọn cầm bút. Nhưng thiên chức chủ yếu của văn chương là né tránh chuyện đời và tránh né lãnh tụ hay chăng!

Đấy là chuyện mà phải cần vài chục trang mới luận cho đầy đủ, rằng một khi người cầm bút nhất loạt tự bào chữa cho việc “lách” thay vì viết, công khai cho rằng chỉ một thằng ngu, con khùng mới để chính quyền kiếm chuyện, “tai bay vạ gió” vì trang viết trung thực của mình thì… miễn bàn. Đấy là trường phái chắc chắn được mẹ và vợ nhà hết lòng hoan nghênh. Trong danh sách nguyên nhân gây ra cái chết của văn học đừng quên điền tên trường phái này vào. Nó có hơi hướm bà con và phong vị thâm thuý với một bậc danh nhân vĩ đại cùng quê với Mao Chủ tịch: đức Khổng Phu Tử, người có một lời khuyên đại ý bậc quân tử lúc gặp nguy hiểm cho bản thân, rắc rối với kẻ nghịch thì thượng sách là chọn co giò chạy ngay lập tức để bảo vệ “thân này” do cha mẹ sinh ra (thật may các cụ Ngô Quyền và Lê Lợi, nghe đồn vốn ít chữ nghĩa và có lẽ chưa tham khảo lời khuyên của đức Vạn Thế Sư Biểu nên không rút chạy khi quân Nam Hán và quân Minh tràn vào nước ta!).

Chuyện bàn qua trong đoạn văn trên không nên kéo dài vì không có chi khó hiểu quá, ngay với người không suy nghĩ sâu xa cho lắm. Hoá ra nói riêng về phía người cầm bút, cái bất tài là nguyên nhân thứ nhất (và chủ yếu), lại không là nguyên nhân duy nhất – trực tiếp và gián tiếp – đẻ ra cái chết của văn học như lời đồn, mà còn còn do một sự khác: sự hèn! (Đã đành “không hèn” không thể là phẩm chất duy nhất để đương nhiên trở thành một nhà văn có tài!)

***

Dáng khép nép của văn nghệ sĩ, tiếng nói của văn thơ loãng đi giữa tiếng đại bác và tên lửa đối không không khó nhìn nhận. Thậm chí ngay trong các ngành nghệ thuật với nhau, có vẻ như văn chương đang nằm khoèo chờ điện ảnh cứu số phận vô danh của mình, thay vì ngược lại (lối nói “có tính văn học cao” khi khen giá trị một bộ phim không rõ còn nhiều người nhớ hay không). Cho rằng sự phát triển, phổ biến của khoa học kỹ thuật, mạng xã hội góp phần đánh mất vai trò của văn học tuồng như hợp lý và là một thực tế mà nhiều người sẵn sàng làm chứng. Cho dù lấn sân, đẩy ra bìa sân không đồng nghĩa với tiêu diệt (ý của Diêm Liên Khoa chỉ nói văn học trở thành “diễn viên phụ”) được văn học!

Dù gì nghệ thuật, nói riêng cái tạm gọi là nghệ thuật ngôn từ, có những chức năng mà không phải chỉ khoa học, mà cả những ngành nghệ thuật tinh tế khác cũng không thay thế được. Và kỹ thuật – nhấn mạnh kỹ thuật truyền thông, giải trí – có chạm tới đáy nhu cầu tâm tình, tâm hồn u uẩn, đa đoan và phức tạp của mỗi cá nhân con người ta hay không. Một bộ môn nghệ thuật – văn chương cũng là nghệ thuật – không trụ nổi trên và bằng đặc trưng và lý do nó sinh ra và tồn tại thì cái chết của nó có lẽ không nhất thiết phải khóc than! Dù đã mòn sáo thì vẫn phải lặp lại: vấn đề là tài năng, trước khi văn học giãy chết thì cáo phó trước đó phải dành cho một thứ cực hiếm hoi mang tên TÀI NĂNG. Tiện xin lưu ý không phải vì văn chương nhập niết bàn mà các tài năng tạ thế theo, mà ngược lại thì phải hơn.

Vấn đề là trong rừng rú nhân sinh tài năng là loài thú hiếm, ít xuất hiện và khi ta bắt gặp xác chết của nó, chín mươi phần trăm xác suất thân thể thú hiếm có dấu vết sát thương. Tài năng văn nghệ không thể thiếu môi trường tự do và không khí để thở – cho dù đó là thứ phúc lợi dành cho cả đồng loại thiếu tài năng (hoặc có tài năng trong lĩnh vực khác) – nên sự xuất hiện và hiện hữu và cả cái chết của nó không chỉ thuần tuý là chuyện riêng, chuyện vặt mà hệ quả kiểu dư luận này là những gã thợ săn phi pháp lại tiếp tục được xử trắng án.

***

Ý Diêm Liên Khoa trong văn cảnh khá rõ, văn học hiện nay sinh nhầm thế kỷ – thế kỷ mạng xã hội và khoa học kỹ thuật đóng vai trò chính –, chỗ lưu ý mà ta hiểu được.

Nhưng tôi muốn – xin lỗi tất cả – cố tình hiểu chệch ra nghĩa tài năng văn học chỉ xuất hiện trong cái gọi là “thời đại vĩ đại” để có chuyện mà luận. Có thể hiểu cụ thể là giai đoạn lịch sử nào có tác phẩm lớn là “thời đại vĩ đại” hay không? Các nhà chính trị rất sính gọi thời đại họ sống và lãnh đạo là vĩ đại. Lý do ai cũng hiểu. Có lẽ không chỉ có ý thời đại lớn sinh lãnh đạo lớn mà cả nghĩa lãnh đạo lớn đẻ ra thời đại lớn! Đành rằng cái Diêm Liên Khoa muốn nói – và tôi đã ghi nhận – chỉ là (thời đại) “phù hợp”, nghĩa là có điều kiện thuận tiện và bất tiện (cho văn học) mà thôi!

Vậy văn học có cần một thứ “thời đại vĩ đại” cho riêng mình không? Tôi lấy làm ngờ vực. Có thời cho khoa học đột phá, có giai đoạn bước ngoặt cho kinh tế nhảy vọt, nhưng một “bộ môn” liên quan số phận và tâm hồn con người, lên tiếng cho hạnh phúc, bất hạnh và thăm dò những độ sâu, độ hiểm của biển nhân sinh, nhân loại vô lường vô chung có cần và chờ đăng kí thế kỷ riêng cho trước tác của mình hay không! Ở trong thời mà các nhà lập thuyết, lãnh tụ chính trị và đám thư lại “chỉ đạo” nghệ thuật kêu gọi viết cho xứng tầm và nội dung thời đại vĩ đại có khi là sự đại bất hạnh cho giới cầm bút. Sáng tạo sớm muộn trở thành kỹ năng trang điểm (cái mà Nguyễn Minh Châu gọi là văn chương minh hoạ và Hoàng Ngọc Hiến chê là “phải đạo”) cho một ý đồ không hề là của mình – nghĩa là viết gần với hành động tự sát, chống lại chính ý niệm sáng tạo. Và trên hết là sự huyễn hoặc: không có thế kỷ nào, thậm chí không có thập kỷ nào, mà văn chương có quyền kêu gọi văn hữu và cho phép mình thất nghiệp hay lãng công. Thực phẩm, tư liệu của văn học là sự bất hạnh, tiếng khóc và hy vọng của con người (và tất nhiên cả ngôn ngữ, tiếng nói vốn là phương tiện cốt tử), những thứ chưa từng khiếm diện trên mặt đất. Thở than nhầm thế kỷ hay rơi nước mắt vui mừng nghe đức vua hiệu triệu, định hướng mùa văn học phục hưng mới đều là thứ bệnh nhẹ dạ, ban sưởi vĩnh cửu của giới văn nghệ đó thôi!

Khi nụ cười còn nở trên môi bé thơ và người đẹp, khi bông hoa ven suối, cuối vườn sang mùa lại nở và khi máu còn thấm đất, nước mắt còn lăn trên gò má những đồng bào, đồng loại bất hạnh thì văn chương cất tiếng. Nó không tự hỏi đã đúng thế kỷ và tới thời phù hợp để lên tiếng chưa và bận tâm cho cái giá nó phải trả! Và nếu như ai đó có nói là trong những bước ngoặt của lịch sử kẻ tiền phong bao giờ cũng phải chấp nhận thân phận cô đơn thì một nền văn nghệ tiền phong cần ưỡn ngực nhận trách vụ của mình cả khi sàn sân khấu lờ mờ phản chiếu độc chiếc bóng đơn chiếc của mình! Vấn đề là cái linh hồn cô độc có ý thức đó giữ được tinh thần phản kháng như thiên chức và nghiệp dĩ tự chọn, và dù miêu tả hay cảm nhận những bước chân có khi xiêu vẹo và thấm mệt của chính bản thân, quyết không chia sẻ và thưởng thức cái model (cũng là một dạng thú đau thương) lê mình trên sàn diễn chỉ để “chờ giờ hạ màn”.

Nhà đấu tranh xã hội phải sống đời lưu vong Lương Khải Siêu từng nói lời khẳng khái: “Muốn đổi mới dân tộc một nước không thể không đổi mới tiểu thuyết nước đó. Vì muốn đổi mới nền đạo đức thì phải đổi mới tiểu thuyết. Muốn đổi mới chính trị phải đổi mới tiểu thuyết. Muốn đổi mới phong tục phải đổi mới tiểu thuyết. Muốn đổi mới học thuật phải đổi mới tiểu thuyết. Và muốn đổi mới lòng người, đổi mới tư cách con người cũng phải đổi mới tiểu thuyết. Tại sao vậy? Vì tiểu thuyết có sức chi phối con người mạnh không hiểu nổi.” (Luận tiểu thuyết dữ quần trị chi quan hệ). Chữ “tiểu thuyết” trong lời Lương Khải Siêu có thể hiểu rộng là văn học. Tinh thần phản bác chủ trương “chính trị lãnh đạo văn nghệ” ở miền Bắc giữa thế kỷ trước, chủ trương đổi mới tuần báo Văn Nghệ của nhà văn - nhà văn hoá Nguyên Ngọc và nỗ lực đi về hướng một nền văn nghệ “Tự Do và Nhân Bản” của Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam (người viết chưa tiện nêu thêm và cụ thể tên tuổi những người cầm bút trong cũng như ngoài nước, đăng trước tác trên mạng, in ở nước ngoài và các trước tác có giá trị và bản lĩnh in ngay trong nước) – theo tôi hiểu – hẳn có lúc, có đoạn đơn độc và thậm chí “tội nghiệp” thiệt tình theo một lối nhìn nào đó (chấp nhận làm một người cầm bút trung thực với cái giá đắt về nhiều mặt, lắm nông nỗi ê chề, gọi hẳn là bất hạnh, là “ma đưa lối, quỷ đưa đường” cũng chẳng sai nữa là!). Nhưng sự dũng cảm và đúng đắn của những tiếng nói và trang viết của những Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp… ai dám phủ định và không có gì bất nhã khi dán nhãn hiệu chung “yếu đuối” – và thậm chí “bất lực” – cho những hero thật sự của thời đại chúng ta! Cái dáng dấp khắc kỉ, trầm lắng đến mức có khi đúng là đơn độc, khổ sở, lủi thủi. Vâng, chính kẻ hèn này đôi khi cũng nhận ra mường tượng hành trạng, bộ dạng đi lại của lớp người đau đời, sầu nhân thế hôm nay – và ngày xưa – đúng y như thế. Chỉ trong ba nhân vật tôi nhắc qua (chưa đầy đủ và theo đề tài mà chỉ nêu tên tuổi trong giới trước tác, trí thức văn nghệ), anh Nguyên Ngọc vượt tuổi 90, Nguyễn Huy Thiệp đã ra người thiên cổ. Và nhà thơ Nguyễn Duy là minh chứng cho sự thật chua chát rằng người sống trung thực, hiến dâng, không toan tính cá nhân không tránh được điều bất công, bất hạnh cho mình và xưa nay trong những đấng tài hoa không thiếu những người buộc ta ngờ trời cao kia cầm bằng không có mắt. Nhỡ “đụng” tới trời, xin cho nói lại một lời. Nghe đồn trời xanh không cho ai tất cả. Phải bớt chút lộc của con người uy phong lẫm lẫm, dám đưa ra lời nhận định như gươm (dám) chém đá “chế độ cộng sản trước sau cũng sụp đổ, vấn đề là theo kịch bản nào!” (Nguyên Ngọc). Phải cho con người trong một phút của thi hứng, bật ra được ý thơ “Nghĩ cho cùng/ Mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...” (Nguyễn Duy) nếm qua cặn rượu đắng nghét và bất nhẫn của sự đời và thời cuộc. Có một điều mà tôi tin chắc là đồng bào hôm nay và mai sau sẽ làm chứng chân lý trong những phát ngôn có tính tiên tri và tầm phổ quát của những người con có trách nhiệm và tài năng nhất của mình và cất lời tán thán, kể cả khi đấng trời xanh chót vót trên cao kia có lộ ý bất bằng!

Cho nên một chủ trương sắt thép và bộ máy toàn trị nhân danh một lý tưởng chính trị đầy cảm hứng sử thi không ngăn được tiếng nói và tiếng hát dù “đơn thân” của một Hoàng Cầm, Trần Dần, Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường… Trong cái di sản tư duy tân phong kiến thời chiến vẫn có Không có vua, vẫn có thơ Bùi Minh Quốc, vẫn có cách nhìn riêng của Nỗi buồn chiến tranh, vẫn có phát ngôn và hành động bất khuất của một Nguyễn Hữu Đang, một Nguyên Ngọc, có phản ứng “không giống ai” của Hữu Loan (“Nó kết án địa chủ thì tôi cưới con địa chủ, nó chủ trương một thiếu hai vừa, ba lạc hậu” thì tôi đẻ một loạt mười một đứa con” – phát biểu của nhà thơ Hữu Loan). Vẫn có dòng thơ thế sự và chính sự mang tên Quảng Độ, Tuệ Sĩ… và quán tính từ lò tư duy máy móc, thiếu sinh khí đang chiếm lĩnh dòng chính lại xuất hiện Hà Sĩ Phu, Chu Hảo, Nguyễn Quang A… có văn chương của Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Hưng… Và cho phép tôi (nhân đây mà) liên tưởng hai ca đặc biệt khác cho thấy văn học tìm lối đi theo cách riêng – kiêu hãnh và độc lập – của mình. Dòng văn thơ “nổi loạn” mang tên những nữ sĩ trước 75 (Tuý Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng…) trực tiếp và gián tiếp – theo nghĩa trước tác của các chị xuất hiện đầu tiên ở hay sau thời gian trưởng thành ở Huế – lại đột ngột xuất hiện trong một môi trường thâm nghiêm kín cổng cao tường, chuyên điệu công dung ngôn hạnh của một thời cố đô. Thật ra từ một cái nhìn thông thoáng nó không hề mâu thuẫn với tiếng ca hiên ngang thời ly loạn của những tài hoa Ngô Kha, Trần Quang Long, Thái Ngọc San… và mặt khác trên vùng đất phụ nữ sẵn tiếng về nhan sắc, thế hệ “nổi loạn” – tôi để trong ngoặc kép, mong không bị hiểu nhầm – đã thực sự làm đẹp chính mình và thực sự làm đẹp cho vùng đất văn hoá quê hương trước khi để lại dấu ấn trong văn chương Việt (còn quê hương là chùm khế ngọt hay là chùm khế chua loét nhả chưa nỡ, nuốt không xong là trải nghiệm cá nhân cần được tôn trọng!). Văn chương phải là tiếng nói mạnh mẽ và tiếng nói mới mẻ, khi “mạnh mẽ” nó dũng cảm phát ngôn thay cho công chúng, khi “mới mẻ” nó tiếp cận với nhiệm vụ “lạ hoá” của nghệ thuật và chữ nghĩa. Tưởng không cần phải nói mỗi nhà văn xứng đáng và lớn trong khung trời mình chọn lựa, đừng buộc họ một mình chiếm lĩnh cả bầu trời.

Ta lại bắt gặp không chỉ tâm trạng và tình trạng kiếm sống căng thẳng, sự trăn trở chính trị của thời cuộc – điều khá dễ hiểu – từ lớp người mang cây thập tự giá lưu vong bên kia đại dương mà kèm cả những trang viết với những câu hỏi bức thiết cho một dân tộc, với những trằn trọc văn hoá từ xa xôi vẫn đêm đêm vọng về và theo chủ quan của tôi, quý giá nhất là tiếng nói, ngôn ngữ viết thiết tha, sâu lắng, vẫn rất Việt, vẫn đủ thần hồn, âm sắc vượt lên phương tiện giao tiếp mà có sức nặng của cái ta gọi là giá trị, là tinh thần, là hồn văn hoá. Văn chương Nguyễn Mộng Giác, Tô Thuỳ Yên, Du Tử Lê… vẫn tiếp tục sống và nở hoa, ta vẫn có tiếng nói mới hơn của thế hệ Trần Vũ, Hồ Đình Nghiêm,…, vẫn có những trang nghiên cứu rất có giá trị và đầy sức gợi ý của Nguyễn Hưng Quốc đấy thôi. Người lưu vong viết về đề tài và vấn đề cố hương không thiếu tiền lệ – Heine, Turgenev, Cao Hành Kiện… nhưng tôi ngờ một cộng đồng hải ngoại “sản xuất” nổi một nền văn học phong phú và thuỷ chung như văn chương hải ngoại của bà con Việt ta hiện nay là cực hiếm. Có một cái tâm thế khắc khoải, sầu xứ và tinh thần trách nhiệm mà không phải ai cũng đánh giá và khẳng định đúng đắn (trong bài này tôi không bàn chỗ phức tạp hay chỗ cực đoan mà các nguồn văn học vẫn có, nhất là những dị biệt và cực đoan có thể có mang nặng tính “tình thế” chỉ tiếp cận và thảo luận qua không gian của một cuốn sách dài hơi – chỉ ghi nhận một cuốn văn học sử của dân tộc mà phủ nhận sự đa dạng, đưa nội dung hoan hô đả đảo lên thành tiêu chí hạng nhất, chuyển tài năng thành tiêu chuẩn hạng ba, thì chỉ là một nỗ lực ám sát văn học!). Trong đoạn văn này, tôi xem trước tác của Linda Lê, Thuận, Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương… dù rất được quý trọng trong nước, thuộc văn học Pháp và Mỹ.

Vai trò của cá nhân, cá tính và cuộc hành trình của những “đứa con hoang” đơn độc ngay trên quê hương hay lưu vong quê người như thế vẫn góp phần nuôi sống dòng hải lưu văn chương tiếp tục chảy – khi ngầm, khi xiết – làm nên lịch sử văn hoá và văn học của quê hương Việt.

Nếu thực sự văn học đang giãy chết, hãy tập trung ngay vào chủ đề và câu hỏi mới: Một nhân loại từ chối văn học, không lắng nghe nhịp tim của người chung quanh và chính tiếng nói thầm thì của mình với chính mình, có và sẽ có bộ mặt và nhân dạng thế nào!

“Bút giấy tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” (Phùng Quán), câu thơ có đặc thù của các vương quốc còn duy trì trò giật bút. Hình ảnh không hẳn phổ quát, nhưng là một “đóng góp” cho chủ đề văn học, ít ra nói riêng được khía cạnh “cô độc” của nghệ sĩ – cô độc và đơn độc không đồng nghĩa với yếu đuối và đầu hàng! Với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương trưng thêm một cái “cô” khác – cô phẫn! Những người thích cầu an không chuộng tiếng nói cô phẫn, nhưng họ không có tư thế để tội nghiệp tiếng nói của văn chương đích thực và văn chương tranh đấu theo cách nhìn một người yếu đuối, bất lực.

Văn chương có thể ra quân thất bại nhưng văn chương không thể bị tiêu diệt, tạm láy cách nói của Hemingway. Hãy đọc con người không quen mùi mẫn, ve vuốt sân khấu đời như màn diễn vĩnh cửu của “Âm thanh và cuồng nộ”, người mang tên W. Faulkner, cũng một gã chất ngất bi quan, bi cảm nhưng trong tư cách người cầm bút chưa bao giờ mang tâm thức đầu hàng! (Đọc diễn từ nhận giải Nobel Văn học năm 1949).

Thế về nhận định của nhà văn Diêm Liên Khoa rằng văn học hấp hối vì “NHỮNG GÌ ĐÁNG VIẾT THÌ CƠ HỒ TIỀN NHÂN ĐÃ VIẾT CẢ RỒI”. Một ý kiến cần thẳng thắn tranh luận.

Ý “những gì đáng viết” mà không phải là và không kèm theo “cách viết” – nói gì thì nói – có hơi hướm chủ nghĩa nội dung khá rõ. Nói kỹ hơn, văn chương như thế được hình dung như một nguồn tri thức, nếu không nói là kiến thức – cách tóm tắt không đủ tinh tế, nên không thuyết phục. Ít nhất nó cũng vô tình gợi ý văn học như một liệt kê các đề tài qua các thời đại văn chương. Xin không đi vào chi tiết, phân tích nhân sinh diễn tiến vô chung, vô lường và nghệ thuật văn chương như một chân trời mở, luôn luôn mở. Hay nhấn mạnh ái tình, tình người, thân phận… trong văn chương có một triệu cách tiếp cận (nghệ thuật), không bao giờ có điểm kết thúc. Vâng, con đường có lẽ có một khởi điểm, nhưng chắc chắn không có kết thúc. Nên tiền nhân chưa nói hết và ngay cách kể – tạm gọi như thế – của các cụ, mà theo quan điểm hiện đại là yếu tố quyết định để văn chương là một ngành của nghệ thuật, dù tạo ấn tượng một kỷ lục đáng chiêm ngưỡng, không thể quyết là kỷ lục không thể thách đố. Nghệ thuật và riêng văn chương là cõi giới và đấu trường của Tự Do, nơi có thể là đấu trường bền bỉ cuối cùng cho nguyên tắc không thiên vị, không đẳng cấp, quyết không răn đe về một cột mốc không vượt nổi.

Để tránh lạm bàn dài dòng xin đưa một ví dụ cụ thể. Cùng một điệu Tình ca (Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…) bất tử hay kém điêu luyện hơn như Sang ngang, một bản nhạc tình khác của Đỗ Lễ (Nếu biết rằng yêu là đau khổ thà dương gian đừng có chúng mình…) thì thưởng thức qua một giọng nghiệp dư, một ca sĩ chuyên nghiệp, thậm chí một danh ca và qua giọng Thái Thanh là (hoàn toàn) khác biệt. “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!” thì không bàn thêm, riêng chỗ ca từ của nhạc sĩ họ Đỗ tôi nhắc trên thì thú nhận lúc trai trẻ tôi nghe qua – không nhớ ai hát – thấy sên sến thế nào. Chỉ với sắc giọng thiên thần và nghệ thuật nhả chữ, diễn tả tài hoa và tài tình của Thái Thanh giúp tôi như khám phá ra đúng nỗi lòng kẻ thất tình Đỗ Lễ và thấy ra chỗ chủ quan “sến và không sến” đáng ghét của mình. Vậy là cũng ca từ, nội dung đó mà giá trị cho và nhận được còn do tài năng nghệ thuật (biểu diễn và trình diễn) quyết định. Các nhà nghiên cứu nói tới việc khám phá lại Hamlet hay Othello là như thế. Nếu ái tình là một nội dung lớn, lặp lại của nghệ thuật và nói riêng của văn chương thì làm thế nào giải thích cao kiến mọi sự cơ hồ tiền nhân đã nói sạch cả rồi. Chỉ một mùi hương gửi lại, không kịp thấy mặt người đã và vẫn còn khuấy động bao thế hệ thi sĩ!

Liên quan – thật ra cũng chỉ là một ví dụ và cách nói khi chatting – những thứ văn học bị tước mất làm nó bị suy yếu cũng có thể ví với việc thiếu trang phục thể thao thích hợp, thiếu phương tiện hỗ trợ hiệu quả, ví dụ giày thể thao tương thích, hiện đại không có nghĩa là các động viên Kenya hay Ethiopia chạy với chân trần đương nhiên thất bại. Nói họ chạy trên đường đua Marathon chỉ với ý chí và tình yêu có quá quắt không. Có lẽ không. Cây bút và cây dao trong thơ Phùng Quán dù là biểu tượng gợi tới hai cẳng chân thoăn thoắt của các vận động viên châu Phi và đôi bàn chân rướm máu. Một bên giá rẻ, thứ bên kia là trời cho, cha mẹ sinh ra đã có sẵn – kể cả máu mặn và đỏ!

Có khi thử chi tiết một tí, văn chương các cụ không nêu chủ đề phân biệt sắc tộc, nữ quyền, hôn nhân đồng tính… thành trọng tâm và lý tưởng tranh đấu công khai. Nỗi cô đơn không thiếu trong thi văn cổ điển, nhưng cái cô đơn của người đô thị (thị dân), thân phận lưu vong, tù nhân lương tâm… xuất hiện trễ hơn nhưng chưa hề là đề tài cũ. Ai dám bảo sự bảo vệ con người khỏi bóng ma của tôn giáo cuồng tín và chính trị cực đoan, thối nát đã mất tính thời sự! Và ai dám bảo qua thiên kỷ thứ ba và tiếp nữa, mọi sự kiện sẽ xảy y chang hai thiên kỷ trước và tất thảy nội dung cơ hồ đã được “tiền nhân giải quyết cả rồi”!

Về một chuyện nho nhỏ khác, thế hệ Hoàng Cầm và thậm chí môi trường miền Nam thuận lợi hơn với Võ Phiến, Võ Hồng, Dương Nghiễm Mậu, Du Tử Lê… nếu không sử dụng máy chữ thì chỉ bút máy, bút bi là cái chắc. Nhưng thế hệ 8X thì chắc trước tác trên máy vi tính từ đầu. Những phương tiện và tiện nghi hiện đại chi phối nhưng khó nói là quyết định tài năng văn học. Và khác với điều kiện cần cho một dương cầm thủ hay hoạ sĩ sơn dầu, cây bút và cây dao của Phùng Quán – xin hiểu nghĩa tượng trưng – là đòi hỏi đơn giản, dễ kiếm của nhà văn bên án thư, ngoài quán cà phê cóc, trong xó nhà và có lẽ cả trong… nhà tù! (bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của cụ Phan Châu Trinh, Nhật ký trong tù của cụ Hồ Chí Minh, thơ của các thi sĩ trong trại cải tạo…). Thực tế so với các ngành nghệ thuật khác, “công cụ trước tác” đơn giản, dễ kiếm của giới văn thi sĩ giải thích tình trạng “không dễ chết” của văn chương! Máu không làm nên một nhạc phẩm hay công trình điêu khắc, nhưng đã có ví dụ một bài thơ (ngắn, dạng khẩu khí) in trên vách xà lim trại tù truyền tới người đọc thơ ngoài cửa song tù.

Văn chương toàn thế giới thỉnh thoảng xuất hiện trên cáo phó, có người quyết nó đã chết. Ngay người yêu và luôn mong điều tốt đẹp cho nó cũng rõ sức khoẻ văn chương đúng là đang hồi suy sụp. Có thể đêm đêm văn chương đang viết dở chừng tiểu thuyết nhiều tập “Tôi đang chết như thế nào!”.

Dù sao đi nữa, cầm chắc cái chết theo nghĩa đen của chính chúng ta và cả người từng viết cáo phó cho văn học sẽ tới trước cái chết của văn học đang mắc một ca bệnh đặc biệt khó chữa, tạm gọi ở trên là bệnh “chết không dễ”! Nó lay lắt sống. Nó không chết. Ca bệnh đặc biệt vì không có thầy thuốc và chế độ đặc trị và người bệnh phải tự cứu mình, không chờ thời đại – hay Chúa Trời – cứu rỗi. Sự tồn tại của văn nghệ sĩ trên trái đất có thể và có khi không quá quan trọng với nhiều người– ít ra không như người cầm bút và fan văn chương vẫn nghĩ –, hàng năm ta vẫn chứng kiến và ghi nhận sự biến mất của hàng chục ngôn ngữ và nghề (nghiệp). Có lẽ việc văn học có thể bốc hơi một ngày nào đó cũng mang máng như khi ngang qua một thế giới vắng bặt tiếng chim mà ban đầu chúng ta không để ý. Và sau đó là việc nhận ra trên vùng đất không có tiếng chim, nơi bồ câu, hoạ mi và cả phượng hoàng đều chết sạch, hoá ra loài người ta vẫn sống!

Liệu có khi nào đó nhân loại từ bỏ hoặc không kham nổi thực phẩm tươi? Không có câu trả lời cho câu hỏi ngớ ngẩn và thực sự buồn thảm này, chỉ biết không dùng thực phẩm tươi – fresh food, loài người vẫn sống nhăn răng với fastfood! Còn chuyện cái regime toàn fastfood ngầm dẫn tới bệnh gì thì đáng tiếc người viết không nghiên cứu, xin tham vấn giới y khoa thôi.

Thực tế hơn và tránh điệu bi ai thì đấy chỉ là cái chết của riêng một loài chim vào loại quý hiếm nhất, mang theo một nội lực thiên thần từng giúp người nghe chữa trị bệnh quặt què đâu đó trong tâm hồn trong thời lưu trú trên một cõi giới hình như vốn cũng không thiếu dấu vết què quặt! Có thể một lúc nào đó văn chương vẫn còn thì thào, loay hoay có mặt nhưng thực sự đã qua đời. Và thực tế con người thời kì tương ứng tự chứng minh mình còn hiện hữu, vẫn tồn tại mà không còn và không cần văn chương; hình như chỉ có một cái gì đó (hệ trọng hay không tuỳ người) trong nội tâm con người và có thể nói mà không ngại từ ngữ màu mè, nằm ngay trong chính “tinh thần thế giới” đang… giãy chết!

Hoặc rất có thể trên hành tinh mà cái gì cũng có thể xảy hoặc từng xảy, nhóm những người hâm mộ văn học cuối cùng sẽ đẻ ra một hình thức sáng tác văn chương cực ngắn trưng trên bandrole và treo ngay các ngã tư, hay ghi ngoằn ngoèo trên tường hang động dành riêng cho các văn sĩ - đạo sĩ chưa cai được bệnh thơ văn (đại khái như người chưa nhịn được thuốc lá và bị cộng đồng non-smokers lên án) như cách dân bộ lạc thời tiền sử vẫn nhí nhố vẽ tranh hay chăng!

***

Bạn đọc xem như bài trao đổi đã xong. Nếu có đoạn nào nghe “to tát” quá, tôi phải xin lỗi. Thật tình người viết xem bài viết là một nội dung bè bạn chatting cho qua mùa COVID. Nếu những dòng viết thêm – mà tôi thích diễn là “nói thêm” – so với ý nào đó ở trên có chênh vênh thì càng đúng là không khí tán gẫu. Ở quán cà phê tôi ngồi gần như hàng ngày cả 30 năm qua, giữa bè bạn nào hiểu nhau thực sự, sau khi gọi thêm một ly cà phê – hoặc bình trà – nữa, tụi tôi thậm chí đổi vai để khai thác thêm góc cạnh vấn đề. Nhìn cho ra chuyện hơn là xác định bản quyền của ai, hay tệ hơn ngỡ có thắng thua trong một đề tài vẫn tiếp tục mở, khó nói chuyện kết luận.

Vậy tôi bắt đầu… nói thêm!

Nếu về phần cá nhân, thử nói một lời tạm gọi là kết luận thì thế nào nhỉ! Thưa rằng, văn chương nên tự nhắc nhở mình rời xa những khu vực vốn là và đã được thấy là sở trường hay mặt mạnh của các “ban, ngành” khác để đầu tiên nhận dạng ta là ai! Đừng tiếp tục líu lo, lè nhè cho giống âm nhạc. Đừng vay mượn dăm thuật ngữ triết học, tôn giáo và chêm vào văn chương không đúng chỗ, sai liều lượng cho ra dáng trí thức văn nghệ. Đừng to giọng, viết vì hứng cảm cổ động mà văn còn chưa ra văn, ý chưa thành tư tưởng. Đừng mơ màng với địa vị đặc quyền của văn học ngày xửa ngày xưa. Đấy là chỗ độc giả đủ sức phát hiện và tìm cách xa lánh. Đừng buộc người đọc chỉ nghe những khẩu hiệu đả đảo, hoan hô và theo dõi chính kiến của mình như cách bắt học trò thuộc tiểu sử và sự nghiệp các danh nhân và anh hùng dân tộc. Văn học tự biết mình chưa chết một khi trải nghiệm sự từ bỏ và vứt bỏ những vòng hoa héo mang nhầm, dám tồn tại với sự thật. TỒN TẠI VỚI VÀ TRÊN MẶT MẠNH VÀ SỞ TRƯỜNG CỦA CHÍNH VĂN CHƯƠNG – những thứ không ai, không loại hình nghệ thuật nào xâm lăng được và không thế lực nào áp chế khi văn chương từ chối đầu hàng và thoả hiệp!

Không cần nói nhớ phân biệt với quyền sử dụng mọi kỹ thuật sử dụng được của nhà văn từ mọi nguồn, ở mặt này tất nhiên cả vũ trụ là kho nguyên liệu của người cầm bút.

Riêng nội dung quan trọng và cũng là câu hỏi đâu là mặt mạnh và sở trường của văn học có lẽ tôi muốn là người nghe, nếu không nói là nên dành cho một cuộc thảo luận khác. Nhưng chắc chắn, lối thoát của văn học, chính xác là văn chương – như tôi vừa nhắc – không nên đi tìm trong các pha uốn éo, cắt mặt, tháo tứ chi, làm xiếc chữ (xưa và không còn thuyết phục nữa rồi), văn chương như ai từng nói phạm tội tự sát khi nói (toạc) ra tất cả, nhưng con đường và niềm tin sự rối rắm và tối tăm và lù mù của ngôn ngữ sẽ cứu rỗi được sự bế tắc của nó lại là cách tự sát nhanh hơn nhiều! Đúng là “thi trung hữu hoạ”, yếu tố hoạ làm sang đẹp thêm cho thi ca, nhưng một dạng thơ đêm đêm ao ước giải phóng giới tính để trở thành một thứ hội hoạ hay âm nhạc hạng hai thì hỏng! (Không bàn pháp môn tự tử là văn chương tuyên huấn hoá, hồng tám chuyên hai).

Một số tìm tòi của giới văn nghệ nhằm khai mở những lối đi mới là tích cực và một số đề xuất nhiệt huyết khác lại chỉ làm được một việc là chứng tỏ văn chương đang loay hoay trong cơn bối rối, mất định hướng của mình – có lẽ càng tô đậm cái phẩm hạnh mà Diêm Liên Khoa gọi thẳng là bất lực. Trong các chế độ mà văn chương được định hướng và dạy dỗ đêm ngày sao cho phù hợp với cái lý tưởng chính trị cổ lỗ sĩ mấy đời mất rồi, khi văn nghệ sĩ được xếp vào đối tượng theo dõi mà mà các nhà thơ nhà văn chỉ ham tỉ mẩn bẻ đôi câu thơ, vô cớ và tuỳ hứng gọi thơ tự do là kẻ thù của thi ca, ai có tứ có ý minh nhiên ti tí thì buộc tội “nội dung chủ nghĩa”, là không đủ phẩm chất làm nghệ thuật thuần tuý thì khác chi dâng quà tặng cho đám độc tài. Điều ghi nhận này dành cho những nhà cải cách do nhiệt huyết cách tân nghệ thuật – một hướng cải cách đáng tán thán, thậm chí làm cách mạng được trong hình thức văn chương cứ làm – đừng sính nhấn mạnh thiên hướng của mình mà vô tình phát minh ra một nền văn chương và nói riêng thi ca chỉ còn vướng bận chuyện hình thức “thuần khiết”. Ít ra trong tình hình văn học trong nước, đó là một thứ hoang tưởng chỉ có lợi cho đám độc tài và bọn thư lại văn nghệ ngỡ một thời phục hưng văn nghệ đã tới, không cần cách mạng xã hội mà chỉ cần “cách mạng” văn nghệ (với nghĩa chỉ cách mạng thi pháp và thể loại văn chương).

Xin lưu ý dù cảm thông sâu sắc và tán thán khía cạnh tích cực trong những tìm tòi câu chữ, lao động từ, lao động chữ… của thế hệ Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng… cũng đừng quên cuộc thí nghiệm có hơi hướm bi hùng này không thuần tuý văn chương mà mang một thông điệp tinh tế của hoàn cảnh: không tuyên bố chính trị được thì ra tuyên ngôn văn nghệ mới – cốt cho anh biết là tôi cóc phục anh! – và anh thuyết pháp phương pháp văn nghệ của anh (phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa) thì tôi cổ động công khai phương pháp trước tác và thi pháp văn chương (riêng) của tôi. Chỗ hay và chưa hay cũng là chỗ bất khuất và khía cạnh cực đoan của họ.

Tình hình và tư liệu lịch sử hôm nay có khác không? Đổi mới nghệ thuật, thi pháp, hình thức luôn là yêu cầu kim cổ của văn nghệ, nhưng đó có phải là còn nói tới cách tân nghệ thuật và riêng văn học như một cách hờn lẫy chỉ cốt cho bọn chính trị “nó biết tay ta” hay chăng? Có thật bức xúc của độc giả hiện nay nằm giữa chọn lựa “nội dung chủ nghĩa” hoặc “hình thức chủ nghĩa” hay chăng? – một câu hỏi tầm thường, nếu không nói vô duyên với trình độ và tâm trạng của độc giả hiện đại. Tôi hy vọng người đọc không hiểu nhầm người viết cổ động cho lối viết coi nhẹ hình thức và phản đối thể nghiệm cách tân nghệ thuật – một con đường chết thứ hai và rất chắc chắn dành cho văn nghệ sĩ.

Và xin nhấn mạnh lần nữa, VĂN CHƯƠNG TỒN TẠI QUA SỰ CÓ MẶT CỦA TÀI NĂNG. Sự vắng bóng của tài năng là định nghĩa tốt nhất cho cái gọi là cái chết của văn học. Và từ “cái chết” mà tôi cố ý dùng không chỉ một lần có đủ các đặc tính YẾU ĐUỐI, CÔ ĐỘC và BẤT LỰC mà nhà văn họ Diêm lưu ý – vốn cũng là những dấu hiệu của bệnh nhân đang cơn nặng, bao gồm cả đối tượng hấp hối.

Văn chương Việt đã hạ giá từ thuở có lời than thở của Tản Đà (văn chương hạ giới rẻ như bèo!) nên người Việt có lẽ không quá ngạc nhiên. Họ từng nghe lời cay đắng hơn nhiều (“Nhà văn An Nam khổ như chó” – Nguyễn Vỹ). Nhưng người Việt hâm mộ văn chương ngày trước không thiếu idol để ái mộ. Họ có Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Nhất Linh… rồi sau đó miền Nam có Nguyên Sa, Du Tử Lê, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác… lúc miền Bắc có thế hệ Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Ý Nhi, Phạm Tiến Duật… Các cây viết sau 1975, thời ngỡ như của xáo trộn chính trị, xung đột xã hội, bi kịch kinh tế… lại có không ít thành công (Lưu Quang Vũ, Bảo Ninh, Ma Văn Kháng, Trần Thuỳ Mai…) và có cả đỉnh của nó mà tác giả Không có vua là một thí dụ. Tôi cho từ một số thành công của văn nghệ hải ngoại tới một số sự kiện văn học trong nước (báo Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc là một sự kiện làm ví dụ) có thể chứng minh ngay trong mấy chục năm gần đây, người đọc vẫn mộ văn chương và văn nghệ Việt vẫn có tài năng xuất hiện, mà như tôi vừa bình, khi tài năng còn thì văn học vẫn còn địa vị của nó và khi tên tuổi các văn tài bất cứ từ nguồn nào còn là nguồn tinh thần, an ủi số bạn đọc là fan của mình thì văn học vẫn chưa… chết. Nó không nhất thiết cần sự cổ vũ của truyền thông nhà nước, tự đồng hoá với một lập trường chính trị, không có liên hoan mừng công, bổng lộc…, nhưng những nhà hoạt động văn chương văn học với các trang viết giá trị là biểu tượng cho văn học. Nói đúng hơn nữa, họ chính là văn học.

Lời cuối với bạn đọc là văn chương là một cõi giới, một thế giới. Không phải là một căn hộ có thể tổng vệ sinh theo thiện ý. Cây xanh, hoa tươi không nhiều như cỏ. Bản thân cây, hoa cũng có khi thành rác và vẫn còn người xem rác là hoa, ngửi rác thấy thơm. Tri kỉ của văn học vốn nhiệt tình nhưng chắc phải kiên nhẫn. Nấu một nồi lẩu thiệt ngon không dễ, nhưng hẳn phải dễ hơn, ít ra là nhanh hơn sáng tạo một tác phẩm văn chương. Tài năng không lên kế hoạch sản xuất theo quý và năm được.

Đâu đó đang thành hình một tập thơ của một đời trăn trở, lận đận hiến tặng đời. Một tiểu thuyết gom vốn liếng công phu của người đánh đu cùng số phận sáng tạo. Chúng ta lờ mờ biết cái chết của văn chương có thể là tin Cá tháng Tư. Nhưng cái ta biết chắc hơn là cái chết lần lượt của những người làm nên văn học. Một tí kiên nhẫn với thứ nghiệp cô đơn đệ nhất trong thế giới thiếu độ lượng không làm ta trở thành người quá dễ dãi. Dưới cái nhân dạng yếu đuối, cô độc và bất lực, văn học qua những ngàn năm từ khi còn dưới dạng dân gian, câu hò, chuyện truyền khẩu vẫn ấp ủ cái điệu hồn và ngôn ngữ thanh lọc với bể dâu kim cổ, nuôi ý thức phản tỉnh, phản kháng để may ra con người vẫn còn có thêm một phương tiện nữa cho ra con người hơn chăng – ví dụ khi so với núi đồi, vi khuẩn các loại, cọp báo, kanguru – và khi thể xác hữu hạn dẫu đầy thương tích chợt mơ muốn bay lên, nó tìm được đôi cánh gìn giữ trong một góc hay tận đáy tâm hồn – cái chỗ cao quý, sống sót nhờ không ít nguồn trợ lực, mà một trong những ngọn nguồn lớn lao, thâm trầm nhất chính là dòng nước lung linh, mát lành, nhân bản mang tên Văn Chương Nghệ Thuật.

Văn học có thể mang hình thức mới, có cách chuyển tải mới, có ngôn ngữ mới – ngoài dự đoán của bạn đọc hôm nay – nhưng câu chuyện về cái chết của nó là một hư cấu mang âm sắc khoa học viễn tưởng của chính nó tạo ra nhằm đùa cợt bạn đọc và chính mình trong một phút trầm cảm, đánh mất lòng tự tín. Trong sự khẳng định giá trị văn chương, sẽ nhầm lẫn khi chứng minh và quá nhấn mạnh chuyện văn chương sinh ra ý thức, đời sống tinh thần của con người; sự thực chính đời sống và nhu cầu tinh thần và cụ thể nữa, chính cảm xúc và suy tư của nhân loại đẻ ra văn chương văn học. Vậy cái chết của văn học chỉ có thể là hệ quả của chính cái chết trước đó của đời sống tinh thần, khi con người ngưng cảm, nghĩ, thắc mắc, mơ mộng và nhu cầu thổ lộ yêu ghét, thương hận với đồng loại – và đôi khi chỉ với chính mình (chỗ văn chương và nhật ký gặp gỡ nhau mà chỗ phân loại duy nhất giữa nhật ký cá nhân và văn học chỉ ở chỗ tác phẩm văn chương là nhật ký tập thể của nhân loại). Trong ca phức tạp này, chủ đề hấp hối của văn chương trở thành đề tài nhẹ kí, nhường cho vấn nạn lớn lao và trầm thống hơn nhiều – vốn là lời báo động của nhiều thế kỷ – cái chết của đời sống tinh thần hay sự vong thân dần của con người cô đơn và nhỏ bé trong vòng xoáy khốc liệt của văn minh kỹ thuật hiện đại, xã hội tiêu thụ đầy não trạng phân biệt, nạn tăng dân số và chiến tranh định lại thị trường và biên giới. Những dòng sông tâm linh cũng cạn dần như những nguồn nước mà ta quan sát được bằng mắt thường và như thế – hay nếu như thế – tôn giáo, triết học… cũng đang chia sẻ chính dạng thân phận hẩm hiu văn học đang đối mặt hay chăng.

Mùa COVID trên quy mô toàn cầu đem lại một trải nghiệm khốc liệt, sinh tử cho toàn nhân loại khi hình ảnh cơn đại hồng thuỷ trong Kinh Thánh có vẻ không hề là chuyện bịa đặt, và những khu nghĩa trang kéo dài uy hiếp các thành phố, bộ mặt con người biến mất sau mặt nạ (khẩu trang) lại không chỉ có trong phim kinh dị hay phim khoa học viễn tưởng. Có cái gì lại không xảy được kia chứ!

Nhưng nếu những tin tức tốt lành liên quan con vi rút thiên kỷ đang đem lại nhiều ánh sáng cuối đường hầm thì tốt nhất hãy bắt đầu lại bằng hy vọng. Hy vọng giúp ta nói không với những thông tin mang màu xám mà tin tức về vụ hấp hối của văn học là một thí dụ. Trong lịch sử con người không chỉ một lần trải qua thứ kinh nghiệm quái quỷ nhất: kinh nghiệm sống sót. Và khi nó sống sót thì tình yêu thương, sự hồi tâm, kỷ niệm, giá trị cuộc sống, ký ức, những bài học hạnh phúc và thương đau cũng là những thứ được… sống sót và được trân trọng.

Bản thân sắp tới mùa sinh nhật 70, những thập kỷ tham gia cái gọi là nghiệp sáng tác đang lùi dần và dẫu thành hay không thành không khỏi phảng phất tí ngậm ngùi – có điều là ngậm ngùi nhân sinh, không phải ngậm ngùi cho chọn lựa của mình. Gửi các cây bút trẻ một bàn tay vẫy thân thương, tri âm theo buổi lên đường không hề hứa hẹn vô sự, an toàn trên những dặm đường sáng tạo đang chờ đợi. Con người sinh ra ăn uống, chơi đùa, kiếm tiền, đẻ con, yêu thương, bao che, chửi bới nhau và… trước tác. Khách quan một tí thì cái vế cuối cùng đâu phải là cái vế tệ hại trong cuộc làm người!

Tháng 4 – tháng 6, 2022

[*] http://vanviet.info/van-de-hom-nay/doi-mat-voi-covid-19-su-yeu-duoi-c-doc-v-bat-luc-cua-van-hoc/