Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Nhớ Mẹ (Viết trong mùa Báo Hiếu)

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

IMG_4933

(Quê hương - Tranh của họa sĩ Nguyễn Quảng)

Mấy hôm trước, trong khi Mẹ thở hắt từng hồi, mắt Mẹ chợt ứa ra một giọt lệ, bởi đứa con gái út chưa bay ra kịp. Và Mẹ đã thanh thản ra đi trong tiếng cầu kinh của cô út và sự quây quần của đàn con lũ cháu – những sinh linh mà Mẹ yêu thương nhất trên cõi đời phù du này…

Con nhẹ vuốt đôi bàn tay Mẹ vẫn còn hơi ấm chưa vội bay đi từ thân hình co quắp suốt hai tháng nay trải qua những cơn đau đớn tê dại… Thôi, thế là Mẹ hết đau rồi… Nhưng Mẹ để lại nỗi trống vắng và nhớ thương trong ngôi nhà này biết đến bao giờ mới nguôi ngoai!

Không gian bé nhỏ luôn tràn đầy ấm cúng này từ đây chẳng bao giờ còn được nghe tiếng đàn dịu êm của Mẹ, lời bà kể chuyện cho các cháu, lời Mẹ trách con vì quần áo sách vở thường để lộn xộn và hay thức khuya…

Hà Nội bắt đầu cơn mưa dầm tháng Bảy như thay lời ru của Mẹ đưa con về với những ngôi nhà xưa ở phố Tô Hiến Thành, ngõ Huy Văn, phố Hàng Bột, ngõ Yên Thế – những nơi tuổi thơ chúng con lớn lên trong âm nhạc của Schubert, Schumann, Mozart qua tiếng đàn của Mẹ và những câu chuyện Mẹ kể từ ngụ ngôn La Fontaine, tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, v.v. Trong những ngày tháng gian khổ nhất, dường như đôi vai mảnh mai của Mẹ đã gánh hết cả sự thiếu đói, nguy nan cho chúng con!

Có bao giờ chúng con quên được cảnh một cô giáo nhỏ bé đạp xe đường trường đêm tối, vượt qua mấy cầu treo sông quê dập dềnh đèo gạo lên nơi sơ tán cho lũ con thơ… Có lần ở nơi sơ tán của Khoa Văn về nhà, thấy Mẹ ngồi thần ra lo lắng vì không xếp hàng nổi mua nước mắm, gạo, thực phẩm bằng tem phiếu lên nơi sơ tán cho các em con, con đã gạt thầm nước mắt vì thương Mẹ, và vì bất lực…

Ngày con tốt nghiệp đại học, tình nguyện lên Tây Bắc, Mẹ đã đưa con ra bến xe đi Sơn La vào buổi sớm còn đèn đường, Mẹ không dặn dò điều gì ngoài ánh mắt động viên, tin tưởng đối với thằng con trưởng cũng là học trò cũ của mẹ…

Sau này, có mấy lần con đèo Mẹ tới những nơi bố gửi bán tranh ở Hà Nội, Sài Gòn để đòi tiền tranh còn nợ, con có dịp hiểu thêm sự mềm mỏng, tinh tế, song cương quyết của Mẹ trước nguy cơ công sức lao động sáng tạo của bố bị đe dọa lừa đảo, cướp đoạt… Công lý luôn bênh vực Mẹ, có lẽ chủ yếu bởi Tình yêu thương luôn tràn đầy trong lòng Mẹ…

Mẹ chỉ là một cô giáo dạy nhạc trường phổ thông, nhưng tình yêu với âm nhạc, với văn chương, với hội họa của Mẹ lại là kho tàng quý báu nhất truyền lại cho chúng con.

Tuổi trẻ chúng con yêu nghệ thuật

Vì đã mang ơn một tiếng đàn…

Những năm qua, hầu như tình thương và sự chăm sóc của Mẹ lại chuyển hết cho các cháu nội, cháu ngoại. Câu chuyện cũ về bé Cosette bị hành hạ trong tổ quỷ Thénardier và được bàn tay ông Jean Valjean nhân từ cứu giúp giữa rừng Montfermeil, giờ Mẹ lại khiến cho các cháu mê mải không kém chúng con trước kia… Nhưng đứa cháu gái gần gũi nhất, được bà chăm lo nhiều nhất suốt thời học mầm non tới năm cuối cấp Phổ thông Trung học, cái đứa cháu gái muộn mằn nhiều năm giành được ngủ với Bà nội, lúc đạt kết quả thi thì không thể báo cáo được với Mẹ nữa rồi…

Lúc đưa Mẹ ra khỏi nhà, trời mưa rả rích từ đêm trước đã hóa thành sập sùi và lênh láng cả không gian… “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Đó là câu trong đoạn thơ Kiều Mẹ phổ nhạc ngày nào dành riêng cho thằng con làm phim vốn lạc lõng giữa chợ trời phim ảnh… Con không nỡ cầm máy quay, theo thói quen, để ghi lại cảnh Mẹ được trùm kín người nằm trên băng ca sắt đưa từ nhà lên chiếc xe dịch vụ nhà Tang lễ…

Mẹ đang rời xa mãi mãi ngôi nhà và con ngõ nhỏ Mẹ từng thân thuộc bao năm tháng…

Mẹ đang đi qua ngôi trường Mầm non Linh Linh đã bị dỡ bỏ làm siêu thị, nơi mấy năm ròng Mẹ đưa đón cháu gái và trở thành “phụ huynh gương mẫu” nhất trường…

Mẹ đang đi qua những đoạn đường nát vá trồi sụt đang sửa ống nước, nơi Mẹ vẫn bách bộ sớm sớm chiều chiều, thả hồn theo những nốt nhạc mới, giai điệu mới và không quên mỉm cười chào hỏi trước những người quen biết gặp trên đường…

Còn lúc này đây, Mẹ đang lặng lẽ đi tới phòng Lạnh…

Giây phút Mẹ được đưa vào phòng Lạnh, con có cảm giác toàn thân con cũng chợt lạnh toát. Và sau những ngày cùng các con các cháu Mẹ túc trực bên hơi thở cuối cùng của Mẹ, giờ đây con mới dám bật khóc thầm, nước mắt lặng chảy không thể và không cần kìm giữ nữa…

Lúc này, Mẹ đang bơ vơ buốt lạnh giữa những thi thể xa lạ. Mẹ chỉ cách con cháu thân yêu có vài bước chân và một tấm cửa sắt vô tri, vậy mà đôi bên đã cách biệt muôn trùng, vĩnh viễn. Thế là từ nay chúng con chỉ được gặp Mẹ trong giấc mộng nhớ thương…

Khi con trở về nhà, trời đã hửng, song có lẽ vì thế mà sự trống trải càng tăng thêm trong ngôi nhà từ nay vắng bóng Mẹ… Lần đầu tiên trong đời con, ở tuổi xế chiều, con mới thấm hiểu hết thế nào là sự trống trải…

Hai chữ Mồ Côi Mẹ, giờ đây con mới được trải nghiệm tận đáy hồn bằng sự trống trải tràn ngập ngôi nhà. Những kỷ vật của Mẹ và gắn với Mẹ dường như lại khắc hằn lên dấu vết cho sự trống trải…

Tiếng đàn của Mẹ dường còn vương vấn đâu đây, trên chiếc đồng hồ bình dân mà con trang trí bằng hình vẽ mô phỏng hai cháu gái khiến Mẹ khen là tươi vui và sang trọng, trên chiếc đàn của Mẹ phủ kín suốt một năm qua, trên mỗi con búp bê bà mua cho cháu, trên từng giá sách của con…

Những cuốn sách giấy đen sì ngày xưa Mẹ từng đọc, từng kể cho chúng con, lâu nay con cất trong xó kín phủ bụi, giờ đây lại trở thành kỷ vật vô giá đối với con và các cháu gái của Mẹ, bởi chúng từng in dấu tay Mẹ và có những câu chuyện về các bà Tiên mà các cháu thường ngầm liên hệ với người Bà yêu quý của mình…

Giờ đây, chúng con đang chuẩn bị đưa Mẹ về Xứ Đoài mây trắng, quê Mẹ – cũng là quê hương của các thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Quang Dũng, các nhạc sĩ thế hệ Tân nhạc đầu tiên Lê Yên, Lê Lôi (anh trai Mẹ), các họa sĩ Sĩ Tốt, Phan Kế An (thông gia của Mẹ), nhà giáo - chuyên gia văn học Pháp Lê Hồng Sâm (cô họ của Mẹ), nhà sử học Đinh Công Vỹ (mà con vinh dự được ông coi là “bạn vong niên”)…

Quê Mẹ, quê hương của hai vị vua Phùng Hưng, Ngô Quyền và các danh sĩ như Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Thượng thư Nguyễn Bá Lân, sứ thần Giang Văn Minh, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan…

Chúng con sẽ đưa Mẹ trở về theo lời hò hẹn nhắn gửi của thi nhân xứ Đoài mà Mẹ hằng yêu quý, trân trọng:

Bao giờ trở lại đồng Bương - Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng…

Quê Mẹ, nơi con từng thả hồn bên chùa Thầy, cảm động với công nghiệp của một trong “Tam thánh” là Từ Đạo Hạnh, ông tổ múa rối nước Việt cổ, say mê với văn chương sách sử của các danh sĩ Phan Huy Ích, Phan Huy Chú thuộc chi họ Phan Huy nổi tiếng ở Sài Sơn. Cũng bên chân dãy núi thiêng này, một học trò của bố con là họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ đã lập Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, trong đó có sưu tầm hàng chục bức tranh lụa của bố con – cố họa sĩ Nguyễn Quảng…

Quê Mẹ, nơi Mẹ cùng các bác con từng là “cậu Ấm cô Chiêu” song khiêm nhường, hiếu học, đặc biệt là thương dân và yêu nước theo gương cụ ngoại con, “Cụ Án xứ Đồi” – theo cách gọi kính trọng của người dân vùng Đông Yên - Phủ Quốc xưa, và lòng kính trọng đó vẫn còn nguyên vẹn truyền lại qua các thế hệ con cháu hôm nay…

Quê Mẹ, chứa đựng bao trầm tích văn hóa - lịch sử thiêng liêng tạo nguồn văn hóa Việt mà con ấp ủ với dự án phim “Ký sự Xứ Đoài” gồm 50 tập. Lúc sinh thời, biết được nội dung các bộ phim này, Mẹ vui lắm và bảo: “Nếu không chê nhạc của Mẹ, Mẹ sẽ tham gia làm nhạc phim vài tập nhé?”. Thưa Mẹ, tấm lòng của Mẹ đối với quê hương Xứ Đoài mãi mãi là nguồn cảm hứng đẹp và vô tận cho chúng con!…

Trong mùa Báo Hiếu, con xin gửi anh linh Mẹ đôi dòng xúc cảm của con về quê Mẹ:

 

QUÊ NGOẠI

(Kính tặng mẹ và hai bác Lê Yên, Lê Lôi)

 

Chiều nay con về quê ngoại

Vẫn cây đa, bến nước, cầu tre

Vẫn dáng núi Ba Vì phủ sương huyền thoại

Mái đình chùa rêu phong bàng bạc nắng hè

Sông Đáy lặng lờ, ủ rũ điếm canh đê

Cánh cò ngày xửa ngày xưa bay mải miết

Khói rơm rạ vẩn vơ nóc bếp

Tiếng võng đưa kẽo kẹt lẫn ru hời…

 

Bài hát năm xưa nảy mầm trên giọt mồ hôi

Lúa tháng Năm kén tằm vàng óng (1)

Cả châu thổ oằn mình qua lửa bỏng

Theo bước chân gánh thóc qua cầu

Những cô gái xinh giòn tươi như nắng

Quê hương có những mẹ già bịn rịn áo nâu

Lớp lớp đàn em hớn hở

Và những người con ở rừng sâu mới về (2)

 

Con lưu lạc phương xa

Chiều nay trở về

Thơ thẩn tìm lại một dòng sông

Dòng sông pha bát nước chè xanh

Trộn nước giếng đá ong

Nuốt gọn tiếng chuông chùa thu không

Và mắc cạn nỗi dịu buồn

Cái nghèo muôn thuở…

______________________

1. Lời trong một bài hát của nhạc sĩ Lê Lôi

2. Lời trong một bài hát của nhạc sĩ Lê Yên