Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Đêm giữa ban ngày (kỳ 15)

Năm 1962, hoặc 1963, tôi không còn nhớ rõ, Nguyễn Đình Thi cho ra vở kịch Con Nai Đen có chất ngụ ngôn nói bóng gió chuyện những người thành đạt quay lưng lại với bè bạn thời gian khổ. Sự bóng gió trong vở kịch, theo anh em cầm bút đánh giá, nhẹ tới mức bằng không, thế nhưng những nhà lãnh đạo vẫn không hài lòng và vở kịch bị đánh[1]. Cùng trong khoảng thời gian ấy, hoặc sau đó ít lâu, Kim Lân viết Con Chó Xấu Xí và Vũ Tú Nam cho ra đời Văn Ngan Tướng Công. Cả hai con vật này cũng bị đánh nốt. Người ta giải thích rằng Kim Lân ví Đảng như ông chủ, còn trí thức như con chó. Ông chủ hắt hủi con chó khi nó ghẻ lở gày còm, ông chỉ quan tâm tới nó khi thấy nó hứa hẹn những đĩa luộc, đĩa dồi và nồi nhựa mận bốc mùi ngào ngạt. Con chó khốn khổ thì cứ một mực trung thành với chủ cho đến chết. Miêu tả thân phận con chó còi cọc đói khổ trên nền xám của nông thôn Việt Nam Kim Lân có ngòi bút cực hay. Còn Văn Ngan Tướng Công thì bị buộc tội ám chỉ Đảng “bay không biết bay, bơi không biết bơi, chỉ nỏ mồm cạc cạc”.

- Chớ có viết về những con vật! - Kim Lân nói - Không hiểu sao cứ nói chuyện súc vật là y như rằng có người động lòng. Mà nhiều, mới chết chứ!

Không rõ các nhà văn tác giả bôi nhọ Đảng bao nhiêu, nhưng chính các nhà phê bình mới là người có công vạch ra những cái xấu của Đảng. Không có các nhà phê bình thì người đọc bình thường chưa chắc đã hiểu nhà văn định móc máy cái gì. Bên Trung Quốc vào thời gian này cũng có những nhà văn kỳ tài trong chuyện nói xỏ Đảng như Đặng Thác, Ngô Hàm, Liêu Mạt Sa[2] của Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh. Những chuyện ngụ ngôn kiểu mới dưới đề mục Yên Sơn Dạ Thoại ("Chuyện canh khuya dưới chân núi Yên") và Tam Gia Thôn ("Thôn ba nhà") là những áng văn rất thú vị. Đọc họ hay thì thấy hay, nhưng không hiểu hết ý họ muốn nói, nếu như không có những nhà phê bình chỉ ra những ý ngầm cho mình thấy. Thí dụ như câu chuyện sau. Một anh chàng bị bệnh mất trí nhớ, vợ bắt đi đến nhà thày lang chữa bệnh. Giữa đường, mót đại tiện, anh ta mới cột ngựa lại, lủi vào sau bụi cây, đặt nón xuống, cắm mũi tên toan bắn chim cắm bên cạnh. Xong việc, anh ta đứng lên, thấy mũi tên cắm đấy, hoảng quá: có kẻ định ám hại mình, may nó bắn không trúng. Lại thấy giữa nón có bãi phân, ngó kỹ càng sợ hãi: thích khách vừa ở đây, phân nó thải ra còn nóng. Đến khi yên tâm vì thích khách không còn đấy, anh ta thấy con ngựa đứng đấy thì reo mừng: bắt được con ngựa. Trèo lên lưng nó rồi, anh ta cũng chẳng biết đi đâu bây giờ. Ngựa quen đường cũ, chở anh ta về nhà. Mụ vợ thấy chồng trở về không nón, không cung tên, bèn túm lấy anh ta mà chửi té tát. Còn anh chàng mất trí nhớ thì ngẩn người ra: Ô hay, mụ là ai, với ta không quen không thuộc, cớ sao dám chửi bới ta như thế? Kết luận, tác giả nói người bị bệnh này, theo các sách thuốc cổ, chỉ có thể chữa khỏi nếu lấy máu chó mà giội lên đầu. Nhà phê bình liền chỉ ra rằng tác giả nói xấu Đảng, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, mũi tên mình cắm thì tưởng địch bắn, mình ỉa ra đấy thì bảo kẻ khác, con ngựa vốn của mình, thấy nó thì reo vang thắng lợi, còn kẻ nuôi nấng mình (ý nói nhân dân) thì không nhận ra; cái giống ấy là giống chó, nên phải lấy máu chó mà trị. Người Tàu thâm thật.

Trong nhà thơ lớn Chế Lan Viên[3] sự lủng củng giữa cái tôi bản năng, cái tôi tự nhiên, với cái tôi được Đảng nhào nặn, được nhà thơ tự ép mình mà thành, kéo dài không chỉ vài năm mà cả cuộc đời. Tôi quý Chế Lan Viên thông minh và tôi thích thơ anh. Nhưng những bài thơ chính trị của Chế Lan Viên thì tôi chịu không nổi. Tôi đánh giá cao bao nhiêu những lời thơ tâm tình: "Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua mà lòng chẳng yêu thương/ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn", thì tôi ngán bấy nhiêu những lời ngợi ca chiến tranh của anh: "Hỡi những con thỏ hòa bình đang tìm nơi gặm cỏ/ Súng ta nổ cũng là vì ngươi đó!"[4]

Mùa thu năm 1965, tôi gặp Chế Lan Viên ở Đồng Hới. Hồi ấy, khi mặt trời lặn rồi, cả khu 4 chìm trong bóng tối mịt mùng, duy nhất có thị xã này còn điện. Vượt qua những khúc sông trước kia có cầu Bùng, cầu Phủ, Chánh Hòa, Lý Hòa... tôi đạp mải miết về phía vòm sáng trên nền trời đêm. Vừa thở ra khoan khoái khi đi vào vùng sáng của nó thì lại giật nẩy mình vì một tiếng thét lớn:

"Đứng lại!". Tưởng gặp trạm gác dân quân, tôi xuống xe. Đã thò tay vào túi để lấy thẻ nhà báo thì một người đội mũ lá sùm sụp từ một ụ chiến đấu to đùng bước ra:

- Vũ Thư Hiên hử?

Đó là Chế Lan Viên. Anh cười hà hà, mặt rạng rỡ:

- Nửa tháng nay mình phục ở đây mà chẳng gặp ma nào trong cánh ta cả. Nhìn thấy Vũ Thư Hiên mình mừng quá. Mới quát lên một tiếng cho vui.

Anh lôi tuột tôi về nhà khách tỉnh ủy. Nhà khách xây lưng ra sông Nhật Lệ xa xa, phong cảnh hữu tình, nhưng vắng tanh vắng ngắt. Ngoài Chế Lan Viên và tôi chẳng còn ma nào khác. Mờ đất nhà bếp đã nấu xong cơm trưa, úp lồng bàn để đấy cho chúng tôi, rồi ba lô lên vai, mọi người kéo nhau đi sơ tán. Cơm chiều chúng tôi tự nấu. Chế Lan Viên làm thơ hay, nhưng nấu ăn rất dở. Tôi nấu, anh rửa bát. Buổi sáng, chúng tôi hì hục xách nước tưới cho những chậu cảnh xơ xác thay cho bài tập thể dục rồi mò tới quán bánh bèo duy nhất còn lại trong thành phố. Chủ quán, một bà già hom hem, khô xác và đen nhẻm, vừa dọn bàn vừa than phiền bánh bèo bây giờ thiếu tôm bông và không có nước mắm Ô Long. Có hôm thiếu bột hay thiếu cái gì khác bà chủ dọn món cháo sườn băm thay cho bánh bèo rồi tự động bớt tiền cho chúng tôi.

Buổi tối, chúng tôi nằm mỗi người một giường gần nhau, vừa vỗ muỗi vừa chuyện vãn. Một hôm tôi hỏi Chế Lan Viên:

- Này, anh Chế, theo anh, thơ và từ của Mao Trạch Đông có hay lắm không mà thiên hạ tán tụng om xòm đến thế?

Chế Lan Viên cười hức hức:

- Thơ phú gì cái thằng cha ấy?! Vũ Thư Hiên thấy hay à?

Anh bao giờ cũng gọi tôi đủ tên họ.

- Thơ phú tôi mù tịt, mới phải hỏi anh.

Chế Lan Viên hạ một câu xanh rờn:

- Làm đến hoàng đế nước Tàu rồi thì cục cứt của hắn thiên hạ cũng khen thơm.

Tôi ngẩn người. Chẳng lẽ đó là tác giả của câu thơ ca ngợi hai lãnh tụ vĩ đại: "Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!"?

Mãi cho tới khi các di cảo của Chế Lan Viên được xuất bản tôi mới hiểu được tâm trạng nhà thơ mà tôi yêu mến. Anh có nội tâm bị giằng xé bởi nhiều mâu thuẫn: là đảng viên, anh muốn trở thành người tuyên truyền đắc lực cho Đảng của anh, là con người, anh muốn cái khác. Bằng trái tim nhà thơ anh bất bình với những bất công, phi lý, anh đồng cảm với nỗi đau của nhân dân không có tự do, nhưng người cộng sản trong anh ngăn lại, không cho anh nói ra.

Cuốn Di Cảo thơ Chế Lan Viên đã vớt vát lại cho anh rất nhiều – tiếng tăm của anh, tình cảm của bạn đọc dành cho anh.

Trong những câu chuyện không đề với tôi, người đối thoại độc nhất của anh trong nhà giao tế Đồng Hới năm ấy, Chế Lan Viên nói rằng anh rất thích Nazim Hikmet[5], nhưng tôi biết anh tin tôi mới nói thế chứ với người khác anh không dám vì Hikmet đã cả gan chửi Stalin vĩ đại: "Đĩa súp của ta ria hắn cũng thọc vào".

Nhưng đấy là chuyện thơ phú. Giới cầm bút kêu ca nhiều về cách hành xử của Chế Lan Viên trong đời thường. Người ta nói anh thích những mưu mô chính trị, anh là tên cơ hội. Chẳng hạn như trường hợp anh khuyên Nguyên Ngọc đến đầu thú Tố Hữu sau khi bị nhà thơ của chế độ đập tơi bời bản Đề Dẫn[6] do Nguyên Ngọc dự thảo để làm báo cáo chủ chốt trong Đại hội nhà văn lần thứ ba. Trả lời Chế Lan Viên, Nguyên Ngọc nói: "Tôi không thấy có gì để phải nhận lỗi với ông Tố Hữu. Nếu cần gặp ông Tố Hữu tự tôi sẽ đi, không khiến ông phải dẫn". Trong quá trình chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ tư người ta lại bắt gặp một bức thư đánh máy ký tên Chế Lan Viên nói lại chuyện cũ "Nguyên Ngọc khóc lóc nhận khuyết điểm với anh Tố Hữu"[7].

Cuộc đời Chế Lan Viên, một tài năng lớn của thi ca Việt Nam, cho ta thấy nhà văn hay nhà thơ không thể cứ đưa tay cho người khác dắt mà đi đến bờ đến bến được. Không những thế, cái sự đưa tay cho người khác dắt dễ làm hỏng mình lắm, dễ đánh mất mình lắm, nhất là khi trót dại trao thân gửi phận cho một thằng vừa mù vừa ngu dắt dẫn. Người nghệ sĩ cảm nhiều hơn biết, nhìn bằng tim nhiều hơn bằng mắt. Thay thế sự mẫn cảm của nghệ sĩ bằng bộ óc duy lý, chủ quan, hơn nữa lại là bộ óc đi mượn, thì tránh sao khỏi bị mù lòa.

Nói đến Chế Lan Viên tôi lại nhớ tới số phận một nhà thơ Việt Nam khác, một nhà thơ của quần chúng, Hữu Loan[8]. Không ai trong thế hệ chúng tôi không biết bài Màu Tím Hoa Sim của anh. Mặc dầu bài thơ trong kháng chiến chống Pháp không được in, nhưng trong sổ tay của người lính nào cũng có bài thơ bất hủ ấy. Lần đầu tiên bài Màu Tím Hoa Sim được in là trong tờ Trăm Hoa. Hồi ấy Hữu Loan đang giữ một chức vụ cao trong Bộ Văn hoá, tất nhiên lương cũng cao tương xứng. Nhìn thấy tính chất bẩn thỉu của vụ án, Hữu Loan thôi việc. Anh không muốn dây vào những việc làm đốn mạt không xứng với kẻ sĩ, mà còn ở lại triều đình dù muốn dù không anh sẽ bị dây vào. Việc treo ấn từ quan làm anh trở thành một kẻ bất hợp tác, đối với con mắt chính quyền anh gần như một tên phản động. Ngay cả cuộc sống dân thường anh chọn cũng không phải là cuộc sống bình yên. Nhà cầm quyền không tha cho anh tội không theo họ. Anh bị sách nhiễu đủ đường, kể cả khi anh chỉ còn là một người đánh giậm, một người làm xe thồ, một nông dân, ở Thanh Hóa.

Gặp nhau ở Sài Gòn năm 1988, Hữu Loan buồn phiền bảo tôi: "Khổng tử đúng mới buồn chứ: "Đời đục ta trong làm sao được! " Thân mình, thôi chẳng nói làm gì, vì muốn lương tâm trong sạch nên mình mới chọn con đường làm dân, nghèo mà thanh thản. Nhưng các con mình vì thế mà không được học hành, thì mình sai mất rồi". Cũng năm ấy anh cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự làm một chuyến ngao du xuyên Việt để vận động trí thức, văn nghệ sĩ đấu tranh cho dân chủ.

Tôi im lặng. Tôi cũng lúng túng trong cách hành xử chẳng kém gì anh - sống thế nào bây giờ?

Sau vụ Nhân văn - Giai phẩm nhiều trí thức chọn cách tu tại triều đình, nhưng cách này xem ra cũng không ổn. Người ta không cho phép anh được đứng giữa các xung đột, hoặc lảng ra ngoài. Người ta kéo anh vào bằng được, buộc anh phải có lập trường rõ rệt.

Cho nên tôi không lấy làm lạ khi thấy trong vụ đánh Nhân văn - Giai phẩm có cả những tên tuổi đáng kính của nền văn nghệ như Tú Mỡ[9], Thế Lữ[10]..., có cả một bức thư của 304 văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lên án nhóm Nhân văn - Giai phẩm chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, chống Đảng và chống nhân dân. Cái sự đánh hội đồng, đánh hôi bị người đời phỉ nhổ hồi ấy trở thành chuyện thường tình. Đảng đã giúp văn nghệ sĩ cắt bỏ cảm giác xấu hổ như cắt khúc ruột thừa. Tôi không loại trừ tình cảm kính yêu thật sự đối với Đảng, nỗi bất bình thấy Đảng bị xúc phạm, nhưng sau này tôi được biết trong đại đa số trường hợp đó là sự bảo vệ nồi cơm.

Trong giai đoạn có "cuộc đấu tranh giữa hai đường lối", một hôm chúng tôi đang tụ tập tại nhà Thanh Châu, Kim Lân bỗng nháy tôi ra ngoài sân nói khẽ: "Này, ông cẩn thận cái mồm đấy nhá. Trong cuộc họp vừa rồi ở Hội (Văn Nghệ) Đỗ Nhuận[11] nói hiện nay có một số văn nghệ sĩ trắng trợn tuyên truyền cho chủ nghĩa xét lại đấy. Rồi dẫn tên ông, Phan Kế An với vài người nữa ra làm ví dụ. Nguy chứ chẳng phải chơi đâu". Tôi ngạc nhiên quá. Tính lại ngày giờ thì đúng, ngay sau cuộc họp mà Kim Lân nói, Đỗ Nhuận đến tòa soạn rủ tôi đi uống cà phê để bàn chuyện tôi viết bài giới thiệu nhạc kịch Cô Sao. Trước đó tôi đã được anh mời xem nháp vở nhạc kịch anh mới viết. Tôi không thích vở này. Nó không nhuyễn. Nó là thứ hàng nhái vụng về. Nhưng tôi vẫn nhận lời giới thiệu nó - dù sao cũng là một cố gắng của nhạc sĩ trong một loại hình sân khấu chưa quen với khán giả Việt Nam. Chúng tôi ngồi cả giờ với nhau ở cà phê Lâm. Hoàn toàn không có gì chứng tỏ Đỗ Nhuận đang ngồi với một kẻ thù của cách mạng cả. Sau tôi kiểm tra lại thấy đúng thật, quả Đỗ Nhuận có nói như vậy. Mà anh là nghệ sĩ đàn anh của chúng tôi, tham gia cách mạng từ trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, từng bị tù đầy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, người để lại những bài hát hằn sâu trong trí nhớ chúng tôi: Chiều Tù, Hận Sơn La, Côn Đảo...

Trong không khí tù hãm của nền văn nghệ bị trói ai cũng phải tìm cách thích nghi với cách sống gò bó. Đỗ Nhuận chỉ quá nhiệt tình trong sự thích nghi ấy. Trong một Đại hội Nhà văn Nguyễn Tuân khéo léo chê lối viết văn lê thê, rồi dẫn thí dụ tiền nhân viết văn ngắn mà hay như thế nào để chửi bọn xu nịnh. Ông kể chuyện Cái Rắm. Rằng một hôm nhà vua đang ngự triều bỗng đánh rắm, tả quan lắng tai rồi tâu: "Muôn tâu bệ hạ, nghe như tiếng đàn tiếng sáo", hữu quan hít hà rồi tâu: "Muôn tâu bệ hạ, ngửi như mùi huệ mùi lan". Nhà vua nghe tâu sướng tai lắm, nhưng rồi đâm lo: "Phàm thiên hạ đánh rắm thời phải thối, nay trẫm đánh rắm lại không thế, e trẫm băng đến nơi". Tả hữu mặt chảy dài. May sao nhà vua lại phát ra một cái tiếp. Tả quan vươn cổ ra tâu: "Muôn tâu bệ hạ, thối ạ!" Hữu quan cũng không kém: "Muôn tâu bệ hạ, không những thối mà còn thối lắm ạ!". Tố Hữu mặt đỏ bừng. Hoài Thanh[12] giận lắm, từ đó không thèm giàn mặt Nguyễn Tuân nữa.

Văn Cao đặt cho Hoài Thanh biệt hiệu chef des claqueurs[13]. Mỗi lần lãnh tụ nói chuyện, Hoài Thanh ngồi ở hàng đầu, chực sẵn để khi lãnh tụ xuống giọng chấm câu hoặc hết đoạn thì đứng lên vỗ tay làm gương cho cử tọa vỗ theo. Tôi không hiểu tác giả Thi Nhân Việt Nam. Ông hiển nhiên có một chỗ trên chiếu dành cho bậc lão làng văn chương, ông còn muốn gì nữa?

Một lần tôi đến nhà Hoài Thanh để xin ông một bài viết về thơ Tố Hữu.

- Thưa bác, - tôi nói - bình thơ Tố Hữu không ai qua mặt được bác. Có thể nói bác là chuyên gia độc nhất vô nhị về thơ Tố Hữu, tòa soạn chúng tôi muốn xin bác một bài...

- Anh nói đúng lắm! - Hoài Thanh cười vui vẻ - Không một ai dày công nghiên cứu để có quyền nói về thơ Tố Hữu như tôi. Thơ Tố Hữu mở ra không phải một dòng thơ, mà một biển thơ, một thời đại thơ... Từ Tố Hữu thơ Việt Nam bước vào một chân trời mới... Mênh mông lắm!

Trong các cuốn Văn tuyển người ta đưa cả thơ Sóng Hồng vào, có những bài chỉ trên mức vè thôn xóm một chút, chỉ vì nhà thơ Sóng Hồng chính là ông nguyên tổng bí thư Trường Chinh đáng kính. Nhiều nhất vẫn là thơ Tố Hữu. Đến nỗi trong một buổi Tố Hữu đến giảng tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa, kịch sĩ Bửu Tiến phải đứng lên xin hỏi:

- Thưa anh Tố Hữu, theo anh thì thơ anh hay hay thơ cụ Nguyễn Du hay?

Nhà thơ khiêm tốn trả lời:

- Tôi không dám so sánh tôi với cụ Tiên Điền. Thơ của tôi chưa được kiểm chứng qua thời gian, nó là thơ thời hiện tại. Cần phải có một khoảng cách mới đánh giá được...

- Vậy tại sao trong các kỳ thi tuyển, thi tốt nghiệp học sinh không học thơ Nguyễn Du mà chỉ học thơ anh mới có hi vọng đỗ? - Bửu Tiến hỏi tiếp - Lâu nay đề thi nào cũng là thơ Tố Hữu cả, trò nào không học thơ Tố Hữu tất trượt.

- Cái này không phải lỗi tại tôi. Các đồng chí phải đấu tranh với Bộ Giáo dục.

Bửu Tiến cười nhạt:

- Bộ Giáo dục chúng tôi không ngại. Nhưng cái chính là muốn “đấu tranh” chúng tôi phải biết “tránh đâu”...

Có vẻ Hoàng không ác cảm với tôi. Y không có ý muốn hạ nhục tôi bằng thái độ kênh kiệu như Huỳnh Ngự. Mỗi buổi làm việc bao giờ Hoàng cũng chiêu đãi tôi dăm ba câu chuyện phiếm. Đại loại Hoàng kể cho tôi biết ở ngoài kia rạp nào chiếu phim gì, có vở kịch nào mới, xem được hay không xem được. Hoàng sắc sảo trong cách nhận định tác phẩm, chứng tỏ một trình độ học vấn khá. Tôi thích làm việc với Hoàng, nhưng cũng cảnh giác với cái thích của mình. Không phải ngẫu nhiên người ta cử Hoàng làm việc với tôi.

Mà cảnh giác là phải. Hoàng dễ dàng đồng ý với tôi trong cách nhìn nhận vấn đề này hay vấn đề khác, nếu có tranh cãi thì cũng theo cách bình đẳng, tôn trọng người đối thoại. Ngoài công việc hàng ngày anh ta phải hỏi và tôi phải viết, chúng tôi còn thời gian cho những câu chuyện vãn, chẳng hạn về những sự kiện lịch sử không mấy dính dáng tới thời hiện tại.

- Anh nghĩ thế nào về chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn? Tôi thì tôi không tán thành ý kiến cho rằng đó là một hành động quân sự được thực hiện trong tinh thần quốc tế vô sản. - một hôm nhân nói tới anh Hoàng Thế Dũng, Hoàng đột ngột rẽ sang chuyện thời kháng chiến chống Pháp - Xét cho cùng, chẳng qua cách mạng Việt Nam cần bảo vệ lưng mình. Một động cơ nói thẳng ra là bản vị. Anh không đồng ý à? Anh thử nghĩ xem: lúc ấy Hồng quân Trung Hoa chưa xuống tới Hoa Nam, quân đội Tưởng lại ở sát nách, cho nên ta phải đánh gấp Thập Vạn Đại Sơn để ngăn bọn này tràn sang một khi Hồng quân từ phía Bắc tấn xuống. Bọn Pháp đang yếu thế, còn đang phải chống đỡ những cuộc tấn công của ta, cho nên chúng sẵn sàng cho quân Tưởng tràn vào Việt Nam...

Hoàng có lý. Nhưng sự kiện Quân đội Nhân dân Việt Nam giải phóng một phần đất Trung Quốc vẫn cứ là niềm hãnh diện của quân đội Việt Nam. Người Trung Quốc không muốn nói tới Thập Vạn Đại Sơn thì ta lại càng phải nhắc cho họ nhớ trong công cuộc chiếm lại lục địa có sự đóng góp xương máu của các chiến sĩ Việt Nam. Đáng tiếc, do sự nể nang đối với Trung Quốc, cho tới nay chưa có một tác phẩm nào nói tới chiến dịch Thập vạn đại sơn cho xứng đáng, ngoài vài bài báo do chính Hoàng Thế Dũng viết sau khi ra tù.

Do cách hỏi khôn khéo, nhiều lần Hoàng đưa tôi vào ngõ cụt. Một cán bộ công an lành nghề như Hoàng thì chắc chắn phải biết tôi không chịu nói thật những điều tôi biết.

Được cái những câu hỏi của Hoàng không vượt ra ngoài những địa hạt những câu hỏi của Huỳnh Ngự, phần lớn là hỏi thêm, hỏi bổ sung. Tôi phải căng óc ra để trả lời không bị tiền hậu bất nhất.

Với bạn bè có khả năng bị bắt, nhưng không biết liệu họ đã bị bắt chưa, hoặc không bị bắt mà chỉ bị thẩm vấn, tôi thận trọng. Nếu tôi sơ ý để lộ ra những chi tiết chỉ có chúng tôi biết với nhau, cho dù chúng vô thưởng vô phạt đối với vụ án, thì điều đó vẫn có haj như thường –bè bạn thấy công an biết cả những điều bí mật ấy, tưởng tôi đã khai ra, sẽ mất tinh thần, người không tỉnh táo sẽ mắc bẫy rồi khai lung tung.

Cần phải nhắc lại một lần không thừa rằng tôi chưa hề có một hành động chống chế độ nào hết. Các bạn tôi cũng vậy. Tội lớn nhất của chúng tôi là dám nói ngược giáo điều chính thống, dù chỉ nói khẽ. Tôi tin bọn chấp pháp thừa biết thế, nhưng chúng tin rằng Đảng đúng - cần phải đè bẹp bất kỳ biểu hiện chống đối nào, cho dù nhỏ bé nhất. Cách xử lý những người khác chính kiến kiểu Lênin đối với Berdyaev[14] không thể có ở Việt Nam.

Một hôm, nhân hỏi tôi về Hoàng Minh Chính, Hoàng đột nhiên ghé sát mặt tôi:

- Tôi khuyên anh đừng nhọc lòng bảo vệ Hoàng Minh Chính. Anh không biết đấy thôi, chứ Hoàng Minh Chính có mưu đồ lớn lắm, anh ta muốn lật đổ Trung ương bằng một Đại hội bất thường (Hoàng không nói đến đảo chính), trước hết bằng cách gây ảnh hưởng ngay trong Bộ Chính trị, vận động Trung ương chống lại Bộ Chính trị, bầu ra ban lãnh đạo mới... Anh thì chúng tôi biết, anh chỉ mải chuyện văn chương, anh không biết mưu đồ ấy đâu. Anh tưởng nếu rồi đây Hoàng Minh Chính làm tổng bí thư anh ta sẽ dành cho anh một chức bộ trưởng chăng? Đừng hòng. Với Hoàng Minh Chính anh chẳng là cái gì. Một con tốt trong nước cờ phiêu lưu, chấm hết. Tại sao anh nhất định không chịu nói về những điều anh biết? Hoàng Minh Chính có quan hệ mật thiết với đám cán bộ bất mãn trong quân đội, họ gặp gỡ nhau ở cả trong nhà anh, điều đó anh biết quá đi chứ, nhưng anh không chịu nói ra. Anh nói Hoàng Minh Chính không có liên lạc với Võ Nguyên Giáp nhưng mặt anh lại thú nhận rằng có rồi đó. Tại sao anh không thể thành thực với tôi, dù chỉ một lần?

Tôi cười:

- Hoàng Minh Chính làm gì là việc của anh ấy, tôi không có trách nhiệm phải quan tâm. Anh ta coi tôi là con tốt hay con xe cũng là việc của anh ấy. Tôi nghĩ anh hiểu tôi, còn nếu anh chưa hiểu thì tôi xin nhấn mạnh: tôi không thích làm con tốt hay con xe của bất cứ kẻ nào, trên bất cứ bàn cờ chính trị nào. Riêng với anh, tôi cũng muốn anh thành khẩn với tôi, dù chỉ một lần: anh cần gì ở tôi?

- Hãy trở lại với điều tôi vừa hỏi anh: có hay không?

- Không biết.

- Anh sẽ không nói lại chứ?

- Tôi sẽ nói y như thế. Với bất cứ ai, ở bất cứ đâu.

Hoàng nhìn chằm chằm vào mặt tôi:

- Anh toát mồ hôi rồi đó. Anh không thấy trên mặt anh mồ hôi rịn ra đó sao?

Tôi cười phá:

- Tôi đánh giá anh cao hơn đấy. Tôi lầm, đáng buồn. Vừa nãy, nhờ ơn nhà bếp tôi được ăn bát cháo nóng, vì thế trên mặt tôi có mồ hôi, đơn giản là vậy.

Hoàng ngượng ngùng quay đi:

- Anh vẫn chưa trả lời tôi - tôi nhắc - Nói đi: anh cần gì ở tôi?

- Tôi cần gì? Tôi chỉ muốn anh thành khẩn báo cáo những gì Đảng hỏi.

Tôi cười nhạt:

- Anh nói dối. Giọng của anh không thật thà khi nói câu đó. Nhưng thôi, anh không muốn trả lời cũng được, tôi cũng chẳng có quyền đòi hỏi ở anh sự thực thà. Tôi mến anh, vì đối với tôi anh tỏ ra có chất người hơn. Anh không tự giới thiệu, nhưng tôi biết anh là cấp dưới của Huỳnh Ngự, lương của anh thấp hơn lương Huỳnh Ngự...

Hoàng chăm chú nhìn tôi:

- Anh nói thế có ý gì?

Tôi nhìn vào mắt anh ta:

- Đúng là lương anh thấp hơn chứ?

- Anh nói tới lương của tôi để làm gì?

- Để nói rằng tôi đánh giá anh cao hơn thủ trưởng của anh. Anh nói rằng ngành của anh là một ngành đặc biệt. Nhưng theo tôi, nó chỉ đặc biệt ở chỗ nó có quá nhiều quyền hành, phần còn lại nó giống ngành tuyên giáo mà tôi biết, trong ngành này chủ nghĩa thành phần cũng được đẩy tới đỉnh cao nhất, ở đó những người cấp dưới thường giỏi hơn cấp trên. Chúng ta đều là cán bộ cả. Trong cuộc sống được cào bằng, tình cảnh chúng ta chẳng khác nhau là bao. Tôi hình dung anh có một gia đình đông đúc. Chị chắc là giáo viên, ba cọc ba đồng. Các cháu ăn cơm phải nhìn nhau, không đứa nào dám gắp quá tiêu chuẩn, không đứa nào được phép ăn hơn đứa nào...

- ???

- Tôi đã thẳng thắn nói với anh rồi: tôi không biết nhiều về anh Hoàng Minh Chính. Đó là sự thật. Rất có thể anh Hoàng Minh Chính có nhiều chuyện giấu tôi, hoặc giả anh ấy thấy không cần nói với tôi. Vì thế mà tôi không biết. Ngoài ra, xin anh hiểu cho điều này: tôi không phải kẻ đưa chuyện, vì thế có những điều tôi biết nhưng tôi thấy chẳng cần nói lại với anh làm gì...

- Anh đánh giá anh hơi cao đấy. Anh không nói thì người khác nói. Và họ đã nói rồi.

Tôi cười khẩy:

- Tôi không cần biết ai nói. Tôi biết tôi không nói là đủ. Bởi vì tôi chẳng có gì để nói. Hoàng Minh Chính không rủ tôi vào một tổ chức nào. Anh ấy cũng không rủ tôi làm đảo chính. Nhưng tôi biết, các anh rất muốn tôi nói một cái gì tương tự cho anh Chính, đúng thế không? Cái ấy thì không được. Không bao giờ.

Hoàng nhếch mép cười.

- Có cái này thì được, tôi sẵn sàng nói: đó là tất cả những gì thuộc về tôi, thuộc về một mình tôi. Anh có thể đề đạt với tôi bất cứ điều gì có lợi cho anh. Chẳng hạn, tôi sẽ nhận tôi là Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt hay là cái gì đó mà anh muốn... Tôi sẽ ký, thật đấy. Giờ đây tôi chẳng còn gì để mất. Lịch sử không mù. Nó sẽ tìm ra sự thật, nó sẽ lên tiếng, không phải trong tương lai gần thì trong tương lai xa. Còn ngay bây giờ anh sẽ được lên lương, chị và các cháu sẽ bớt được một phần vất vả. Đây là việc tốt, có thể là việc tốt cuối cùng mà tôi có thể làm cho ai đó...

Hoàng gầm lên, đập mạnh tay xuống bàn:

- A, anh dám láo hả? Láo!

- Chính anh láo!

Tôi tức lắm rồi, tôi đập bàn còn mạnh hơn. Bộ đồ trà nảy lên, mấy cái chén rơi loảng xoảng xuống nền gạch, vỡ tan.

Hoàng chồm tới:

- Mày sẽ biết tay tao!

Nhìn bộ mặt đỏ gay của Hoàng, nhìn nắm đấm chực vung lên của anh ta, tôi nghĩ anh ta sẽ đánh tôi. Tôi lùi lại, tay nắm lấy cái ghế ba nan, vung lên.

- Này, tao báo trước cho mày biết, nếu mày tiến thêm một bước thì hối không kịp đấy! - tôi chẳng buồn giữ lịch sự nữa - Hãy nghĩ tới vợ con mà dừng lại! Nếu mày chết ở đây người bị thiệt sẽ không phải là Đảng của mày đâu, mà là vợ con mày đấy!

Không biết có phải tại ánh mắt của kẻ sẵn sàng liều mạng hay tại cái gì khác đã làm cho anh ta tỉnh ra, nhưng Hoàng dừng lại ngay tức khắc sau câu nói của tôi. Như một con rối hết cót, anh ta rũ ra, lẳng lặng bỏ đi. Tôi hạ cái ghế xuống.

Một lát sau Hoàng quay lại với bộ trà mới, chắc lấy từ một phòng khác. Anh ta cặm cụi thu dọn các mảnh vỡ mang đi rồi trở về, hí hoáy với cái tàu ngầm[15].

Chờ cho nước sôi, Hoàng pha ấm trà mới. Nhìn thẳng vào mắt tôi, anh ta nói, giọng trầm hẳn xuống:

- Tôi thành thật xin lỗi anh. Vừa rồi tôi có nóng.

Hoàng dám nhìn thẳng vào mắt tôi, anh ta có vẻ xấu hổ, có nghĩa là anh ta thành thật.

Tôi lặng lẽ nâng chén trà lên miệng, chứng tỏ tôi cho qua chuyện vừa rồi.

Tôi cũng cảm thấy một chút xấu hổ. Cơn giận dữ trào lên, nguyên nhân không phải ở tôi, nhưng tôi đã không kiềm chế được nó.

- Tôi cũng lấy làm tiếc - tôi nói - Lẽ ra chúng ta có thể nói chuyện với nhau bình tĩnh hơn. Dù sao chúng ta cũng đã từng là đồng chí của nhau... một lúc nào đó, trước kia.

Tôi nói thật lòng. Trong câu nói của tôi không có bóng dáng của sự đạo đức giả, của mánh khóe chính trị. Tôi muốn được nhìn thấy ở Hoàng một con người. Người có đầu óc như Hoàng mà ở phía những tên lưu manh thì thật đáng tiếc.

(Còn tiếp)


[1] Khoảng đầu thập niên 80 Nguyễn Đình Thi còn bị đánh tiếp về vụ vở kịch "Nguyễn Trãi ở Đông Quan".

[2] Trong Đại Cách mạng Văn hoá Vô sản, những tác phẩm như Yến Sơn Dạ Thoại (tạp văn, Đặng Thác), Hải Thuỵ Bãi Quan (kịch, Ngô Hàm), Lý Tuệ Nương (truyện, Mạnh Siêu) vv… đều bị lên án là cỏ độc. Nhiều nhà văn như Triệu Thụ Lý, Lão Xá, Ngô Hàm, Đặng Thác… bị bức hại.

[3] Chế Lan Viên, tên thật: Phạm Ngọc Hoan (1920-1989), nhà thơ nổi tiếng từ trước Cách mạng Tháng Tám, một tiếng nói mới trong nền thơ Việt Nam. Đảng viên cộng sản.

[4] Chế Lan Viên lấy hứng từ một bài nói chuyện nội bộ của Lê Duẩn, trong đó Lê Duẩn nói: "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta... ". Nói chung, nhiều bài thơ của Chế Lan Viên đi sát một cách tuyệt vời các đường lối và chính sách của Đảng.

[5] Nazim Hikmet (1902-1963), nhà thơ lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, xu hướng cộng sản. Ông sống lưu vong một thời gian dài trước khi qua đời ở Moskva.

[6] Khi ấy nhà văn Nguyên Ngọc đang là bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn. Bản Đề Dẫn được viết ra như dự thảo báo cáo chính thức của ban lãnh đạo Hội trước Đại hội Nhà văn lần thứ III.

[7] Theo lời chứng của nhà thơ Bùi Minh Quốc.

[8] Hữu Loan, tên thật Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1915 tại Thanh Hoá, nhà thơ.

[9] Tú Mỡ, tên thật Hồ Trọng Hiếu (1900-1976), nhà thơ nổi tiếng với thể loại thơ hài hước.

[10] Thế Lữ, tên thật Nguyễn Thứ Lễ (1907-1989), biên kịch, đạo diễn, diễn viên, một gương mặt lớn trên kịch trường Việt Nam.

[11] Đỗ Nhuận (1922 - 1991), nhạc sĩ, Tổng thư ký đầu tiên của Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II từ 1958 đến 1983.

[12] Hoài Thanh, tên thật Nguyễn Đức Nguyên (1907-1982), các bút danh khác: Văn Thiên, Le Nhà Quê, nhà phê bình văn học nổi tiếng.

[13] Trưởng ban vỗ tay (tiếng Pháp).

[14] Nikolai Alexandrovich Berdyaev (1874-1948), triết gia của chủ nghĩa hiện sinh Cơ Đốc. Một thời theo chủ nghĩa Marx, năm 1898 bị chính quyền Nga hoàng bỏ tù hai năm và lưu đầy ba năm. Berdyaev ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, nhưng lại chỉ trích chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa bôn-sê-vích. Trong thời gian ngắn dạy tại trường Đại học Quốc gia Moskva ông truyền bá triết thuyết của mình bất chấp sự cấm đoán của chính quyền xô-viết. Lênin chỉ trục xuất ông khỏi nước Nga chứ không giết (1922). Vào thời ấy, thông tin chưa phát triển, tôi nghĩ không phải vì Lênin sợ dư luận quốc tế mà không giết Berdyaev. Là người đọc sách nhiều, có thể Lênin còn nể nang đôi chút với các triết gia chăng?

[15] Một kiểu đun nước bằng điện dùng hai lưỡi dao cạo làm hai điện cực, thay cho dây may-so.