Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

Các lý thuyết về học tập cho tuổi thơ*

Hiếu Tân

Sách Khai Minh

Cuốn sách giới thiệu khái quát các lý thuyết nghiên cứu về việc học của trẻ em (chủ yếu mới xuất hiện từ đầu thế kỉ 20), các tác giả cố gắng tìm hiểu những tư tưởng triết học dẫn đường cho chúng, nhưng tiếc thay, triết học dù có cả một ngành (Nhận thức luận) trả lời cho câu hỏi “Con người đạt được tri thức như thế nào ?” thế nhưng “trong suốt 2500 năm lịch sử của triết học, các triết gia hiếm khi đề cập đến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, gia đình, cha mẹ, và chỉ 04 lần đề cập đến trẻ em”. Hai triết gia được coi là có những tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến giáo dục là J. Locke triết gia duy nghiệm Anh, (1632-1704) và J. J. Rousseau, nhà nhân văn Pháp, (1712-1778). Điều thú vị là cống hiến vĩ đại nhất về tư tưởng của hai ông lại là trong lĩnh vực chính trị: họ là ngọn đuốc soi đường và nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các cuộc cách mạng Hoa Kỳ (Locke), và Pháp (Rousseau).

Đầu thế kỉ 20, dưới ảnh hưởng của thuyết “Phản xạ có điều kiện“ của Pavlov (Nga, 1849-1936) thuyết Hành vi tìm kiếm các biện pháp tác động đến hành vi của trẻ em (trong học tập). Với những thí nghiệm ghê rợn của mình, Watson (Mỹ, 1878-1958) đã chứng minh khả năng điều khiển hành vi của trẻ. Trẻ em là những vật thí nghiệm, và trong cái nhìn của các ‘nhà hành vi’, kết quả tác động của thí nghiệm lên con người và con vật là như nhau. Thuyết Hành vi có thể cho ta những công cụ đắc dụng, nhưng như đã thấy, nó thiếu tính nhân văn.

Cũng khoảng thời gian ấy, một ý tưởng nổi lên trong những người quan tâm đến việc học của trẻ em: LẤY TRẺ EM LÀM TRUNG TÂM, được chia sẻ bởi Froebel (Đức,1782-1852), Montessori (Italy, 1870-1952) và đặc biệt là Dewey (Hoa Kỳ, 1859-1952). Ngày nay mọi người đều quen thuộc với phương châm này, nhưng nó thật sự là một bước tiến cách mạng, nếu xét đến bối cảnh thời ấy. Cho đến lúc đó, lối dạy và học truyền thống (hầu như mọi truyền thống) là truyền giảng một chiều, không ai quan tâm trẻ em muốn gì, chúng suy nghĩ như thế nào, việc học có ý nghĩa gì với chúng. Cho đến lúc đó, trong nhiều xã hội, có một tình trạng phổ biến là thông qua học, trẻ em bị hành hạ, bị ngược đãi, và, đúng thế, bị áp bức.

LẤY TRẺ EM LÀM TRUNG TÂM kich thích những tìm tòi mới. Nó gợi ý rằng để cho giáo dục có hiệu năng cao, phải coi trẻ em là những chủ thể tích cực, phải tìm hiểu thế giới bên trong và tiềm năng phát triển của trẻ, chứ không coi chúng là những đối tượng chịu sự rèn dập, uốn nắn, nhồi nặn... của giáo dục. Ta sẽ thấy tinh thần này thể hiện xuyên suốt các lí thuyết học tập từ đó đến nay.

Những tiến bộ và đổi mới trong cách nhìn nhận trẻ em

Các nhà lí thuyết Dewey, Montessori, Froebel và Piaget (Thụy Sĩ, 1896-1980) nhấn mạnh tầm quan trọng của những năm đầu đời, trong việc học của trẻ em. Những yếu tố của năng lực nhận thức của trẻ cần được theo dõi từ khi trẻ ra đời, thậm chí, từ những tuần đầu của thai nhi. Nghiên cứu tập trung vào cấu trúc tâm trí bên trong của đứa trẻ (Piaget, Vygotsky), Steiner (Austria,1861-1925), Vygotsky (Nga, 1896-1934) đặc biệt chú ý đến sự phát triển tiềm năng. Hầu hết các nhà lí thuyết đồng thuận với nhận định về tính tích cực của trẻ em. Đạt được tri thức và kỹ năng là mục đích của việc học, nhưng chính đứa trẻ là tác nhân tích cực trong việc tiếp nhận tri thức và hình thành kỹ năng, chứ không phải tiếp thu một cách thụ động, hay chịu sự điều khiển máy móc qua cơ chế “kích thích - đáp ứng” của điều kiện hóa. Mặc dù tuân theo những quy luật chung, nhưng mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc nhất (Steiner, Vygotsky). Vygotsky cho rằng hai đứa trẻ cùng tuổi và có cùng trình độ có thể có những tiềm năng khác nhau về phát triển. Ông đưa ra khái niệm “Vùng phát triển gần nhất [ZPD]” biểu hiện sức vươn của cá nhân trước khi có sự trợ giúp từ bên ngoài. Piaget là nhà lý thuyết đầu tiên giải thích quá trình bên trong của tư duy. Ông coi đứa trẻ như một “nhà khoa học cô độc”. Piaget phát hiện rằng trẻ có những hình thức phát triển tư duy theo các giai đoạn nhất định (tuy nhiên đây chỉ nên là một mô hình tham khảo, giới nghiên cứu không công nhận tính phổ biến của hiện tượng này)

Quan niệm mới về học tập của trẻ em

Froebel, Mc Millan, Vygotsky rất coi trọng vui chơi trong học tập. Vui chơi là một phần của cuộc sống, một quyền của trẻ em, để trẻ em được “sống đầy đủ ý nghĩa trong hiện tại và tránh biến học tập thành quá trình chuẩn bị đơn thuần cho cuộc sống tương lai” (Dewey). Với Vygotsky, vui chơi có tầm quan trọng cốt lõi, vui chơi có ý nghĩa lớn trong việc giúp phát triển trí tưởng tượng ở trẻ. Khả năng hiểu, nhớ, bắt chước là cần thiết, nhưng chính tưởng tượng mới là một phẩm chất đặc biệt, được phát triển thuận lợi nhất trong thời thơ ấu. Đây là điểm hoàn toàn khác với lối học giáo điều. Nó mở đường cho quan niệm học tập là khám phá của Bruner (Hoa Kỳ, 1915-2016), Piaget và Vygotsky, chống lại lối dạy-học “bảng đen phấn trắng”, lối “học vẹt” truyền thống.

Dewey và các nhà lý thuyết học tập khác hết sức quan tâm đến tác động của môi trường và bối cảnh xã hội đối với việc học của đứa trẻ. Bandura (Canada, 1925-2021) coi tương tác xã hội là trung tâm của học tập và phát triển. Theo Bronfenbrenner (Hoa Kỳ, gốc Nga, 1917-2005) đứa trẻ học tập trong sự tương tác hai chiều với môi trường. Ông đưa ra một mô hình Hệ sinh thái bao gồm 5 lớp môi trường bao bọc xung quanh đứa trẻ, từ lớp gần nhất những mối quan hệ gần gũi, đến lớp xa nhất bao gồm văn hóa, các giá trị xã hội, các cấu trúc pháp lí... Cả Piaget và Vygotsky đều coi phát triển của trẻ em là kết quả của sự tương tác giữa đứa trẻ và môi trường xã hội. Vygotsky thấy trẻ em “học trong ma trận xã hội". Piaget cũng như Dewey, coi trọng môi trường đến mức cho vai trò của thầy giáo chỉ là tổ chức môi trường hơn là chỉ dạy, trong khi Vygotsky dành cho giáo viên vai trò quan trọng, là người tạo điều kiện, người “bắc giàn” (một khái niệm rất được Bruner tán thưởng) và phát triển. Trong các mối tương tác thì ngoài tương tác với thầy và người lớn, tương tác giữa bè bạn cùng lứa (peer) được coi là thật sự hữu ích, nhất là giữa những trẻ chênh nhau về trình độ phát triển. Bandura, Bruner chú ý đến động cơ của đứa trẻ, động lực bên trong thay vì tác động bên ngoài. Montessori xây dựng ý thức tự chịu trách nhiệm ở trẻ nhỏ, còn Bandura đưa ra khái niệm “tự-lo” (self-efficacy), bồi dưỡng thái độ tự tin ở thành công của đứa trẻ. Bruner, Vygotsky nghiên cứu vai trò của ngôn ngữ trong sự phát triển tư duy; tuy nhiên, nhiều nhà lý thuyết không tán thành quan điểm “ngôn ngữ đi trước tư duy” của Vygotsky.

Phương pháp nghiên cứu của các nhà lý thuyết học tập “lấy cá nhân đứa trẻ làm tiêu điểm nghiên cứu”, là phương pháp định tính, chủ yếu dựa vào quan sát, thực nghiệm, phỏng vấn (nó trái ngược với các thí nghiệm trên trẻ nhỏ có vẻ như khoa học, khách quan, nhưng thực chất là vô cảm). Họ chú ý đến quá trình hơn kết quả, chú ý đến sự tìm tòi suy nghĩ của đứa trẻ hơn là đến câu trả lời. Nhiều ngành khoa học xã hội (xã hội học, nhân học, đặc biệt là tâm lí học) đóng góp vào nghiên cứu học tập của trẻ em. Nghiên cứu đòi hỏi sự tham gia của trẻ nhỏ, và sự tham gia ngày càng tăng. Gần đây trẻ em đã có những quyền trong nghiên cứu mà trước đây chưa từng có, trẻ em không còn bị coi là đối tượng của nghiên cứu, mà ngày càng tham gia tích cực và chính thức trở thành những cộng sự của quá trình nghiên cứu.

1 tháng 6, 2022

* Collete Gray và Sean Macblain, Hiếu Tân dịch. Tủ sách Tâm lý học Cánh Buồm, Nhà xuất bản Tri Thức, 2022