Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (26)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

 

38. NGUYỄN VIẾT LÃM

Góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc: Những nhược điểm của tập thơ Việt Bắc



Bên cạnh những ưu điểm lớn của tập thơ Việt Bắc chúng tôi đã trình bày trong hai bài trước, tập thơ còn mắc phải một số nhược điểm đã làm giảm bớt tác dụng của nó.
Bài “Bao giờ hết giặc” đã giới thiệu cho chúng ta một bà mẹ chưa đúng với nét điển hình dũng cảm của các bà mẹ Việt Nam khác đang chiến đấu. Trong lúc bài “Bầm ơi” cho chúng ta cảm động với tình mẹ con của bà mẹ chiến sĩ và người lính, một thứ tình cảm mới xây dựng trong gian khổ và hy sinh, đẩy chúng ta đi lên, thì bà mẹ trong bài “Bao giờ hết giặc” chỉ thấy đau thương và buồn nản. Toàn bài không hề có câu nào đỡ khí thơ cho vượng dậy, một không khí cô quạnh hắt hiu bao trùm, trong ấy bà bủ ngậm ngùi than khóc. Cố nhiên là nỗi nhớ thương của bà mẹ thật là vô cùng, nhưng ở đây, Tố Hữu đã thủ tiêu mất sự đấu tranh trong lòng nhân vật, đó là điểm khác nhau giữa con người cũ và con người mới. Ðáng lẽ phải chuyển nỗi xót xa kia thành căm thù và tin tưởng, phải thấy bên cạnh sự khổ cực của đứa con bộ đội, có cả nguồn vui của tập thể, Tố Hữu chỉ cho ta thấy những nét tiêu cực, đơn chiếc của bà Bủ mà thôi.
Tính chất buồn, ngậm ngùi ấy còn rơi rớt ở những nơi khác của tập thơ. Bài “Việt Bắc” đã có những câu khêu gợi nỗi "sầu xứ" héo hon của cảnh chia biệt. Việt Bắc quê hương cách mạng của chúng ta đôi lúc đã trở nên một cô gái tương tư:
Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già
chỉ ngồi nghiền ngẫm nỗi nhớ thương da diết trong lòng, không còn muốn đấu tranh gì nữa. Xét trên toàn bộ bài thơ “Việt Bắc” chúng ta tìm được rất nhiều ưu điểm, nổi nhất là mối tình thắm thiết đối với căn cứ địa, nhưng tác giả đôi lúc đã dễ dãi với cảm tính của mình, nên đã đưa vào bài thơ, ở những vị trí quan trọng đầu tiên của bố cục, "những mây cùng mù… hắt hiu lau xám… áo chàm đưa buổi phân ly…"
Những nét buồn tiểu tư sản ấy đã làm giảm bớt rất nhiều chiến đấu tính của tập thơ.
Trong một số bài khác, tác giả còn rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Tuy "thành phố trụi" sau cùng vẫn có sáng lên một thắng lợi tương lai, tuy chí căm thù đã thâm nhập được vào những vật vô tri vô giác, nhưng "thành phố trụi" ấy không phải chỉ còn gạch tàn vôi rụng, sấu, gạo, di lăng, mà thực tế sự sống vẫn tiềm tàng trong lòng cảnh tiêu thổ, càng lắng xuống càng sâu sắc dũng cảm hơn. Bài thơ thiếu sinh khí, không có một tiếng nói, một hơi người, cảnh sao mà chết lặng đến thế!
Chất sống thực tế trong thơ còn ít, nên Tố Hữu đã dựng lên những hình ảnh thiếu khía cạnh sắc bén, sự vật trong tập thơ đi giữa một không khí hiền hòa, đôi khi trừu tượng. Ưu điểm về phương diện tổng hợp của tập thơ tuy rất rõ, nhưng khi đi sâu vào chi tiết của tình cảm và hành động, tác giả không đáp lại được sự mong mỏi của quần chúng. Do đó, tập thơ Việt Bắc chưa tránh khỏi rải rác những điểm công thức và khái niệm. Tác giả cũng chỉ mới giới thiệu lên những nét đại cương của tình cảm, của những con người thời đại, nhưng chưa nói lên được những băn khoăn, những nguyện vọng cụ thể, những khó khăn hàng ngày trong cuộc sống của quần chúng hiện nay.
Nhãn quan của thi sĩ qua cuộc đời chưa đi vào nhiều mặt. Ðọc thơ Tố Hữu, chúng ta thấy nhiều về cái đẹp, cái vĩ đại của dân tộc ta, thấy được sự thắm thiết của tình yêu quê hương, yêu lãnh tụ, nhưng tập thơ chưa chĩa thẳng mũi nhọn vào quân thù. Tố Hữu nặng ca ngợi ta, nhẹ đả kích địch, tính chất chiến đấu do đó mà bị giảm sút.
Một thiếu sót lớn nữa của tập thơ Việt Bắc về nội dung đề tài là chưa nói đến nhiệm vụ phản phong. Sự quan trọng của cuộc cách mạng long trời lở đất này chưa được nhắc đến. Chủ trương phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất đã được Ðảng và Chính phủ đề ra hơn hai năm nay, Tố Hữu chưa có bài nào nói đến, tuy tập Việt Bắc có những bài viết trong thời gian gần đây. Nhà thơ của chúng ta thận trọng, vì chưa trực tiếp đi vào phát động quần chúng mà chưa viết chăng?
Về kỹ thuật, Tố Hữu đã có nhiều cố gắng dùng những tiết điệu dân tộc, những hình thức gần gũi với quần chúng để thơ dễ phổ cập. Nhưng thỉnh thoảng, trong tập thơ, vẫn ngân lên những nhịp điệu cũ. Thơ Tố Hữu không đều bước, cả hình thức lẫn nội dung. Ðọc thơ Tố Hữu chúng ta thấy ánh sáng tiến bộ chiếu sáng một khoảng đường dài, nhưng lại xen vào những khoảng nhỏ mờ tối của chất thơ cũ. Nhất là những bài viết gần đây (“Lại về” trong tập thơ Việt Bắc, bài “Quê mẹ” ở ngoài tập…) đã làm cho người đọc ít nhiều lo âu cho bước tiến triển của thơ Tố Hữu. Khi đọc:
Lòng ta như nước Hương Giang ấy
Chúng ta không khỏi nhớ những câu:
Lòng ta như nước Trường Giang ấy
Sớm tối theo chàng đến Phúc Châu…
đượm màu Ðường, Tống quá thời.
Hiện tượng không đều ấy trong thơ Tố Hữu đã biểu hiện một cuộc đấu tranh gay gắt trong người tác giả. Chúng ta tin rằng cuộc đấu tranh cuối cùng sẽ thắng lợi.
Chúng tôi đã trình bày những nét lớn về ưu điểm và nhược điểm của tập thơ Việt Bắc. Còn cần phải đi sâu hơn nữa vào thơ Tố Hữu, đồng thời kết hợp học tập thêm lý luận và công tác thực tế, chúng tôi mới có thể định dứt khoát giá trị của tập thơ. Nhưng một sự thực đầu tiên thấy rõ là thơ của Tố Hữu đã có một tác dụng lớn trong quần chúng vì đã nói lên được nỗi lòng của quần chúng. Ðặt tập thơ đúng vào bối cảnh lịch sử của nó chúng ta chắc sẽ đồng ý rằng tác phẩm của Tố Hữu đã một phần đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Thơ ca Việt Nam có một hiện tượng lớn phát sinh từ năm 1930 đến nay, từ lúc giai cấp công nhân tự đảm đương lấy trách nhiệm lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, đó là chủ nghĩa hiện thực, đó là ánh sáng của tư tưởng công nhân.
Tố Hữu là người đầu tiên đi theo con đường hiện thực trong thơ, cho đến tập thơ Việt Bắc, Tố Hữu vẫn là nhà thơ dẫn đầu phong trào, tuy còn mắc phải một số nhược điểm, tập thơ Việt Bắc vẫn là một tác phẩm lớn, góp phần nhất định vào việc giáo dục và động viên quần chúng.
Nghiên cứu thơ Tố Hữu chúng ta càng thấy vững lòng tin tưởng ở đường lối văn nghệ kháng chiến và cách mạng, đường lối duy nhất đúng để xây dựng những tác phẩm vĩ đại, thể hiện được con người mới và cuộc sống mới sinh động, phục vụ quần chúng đấu tranh.
Nguồn: Ðộc lập, số 99 (14.5.1955)