Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Thơ “Tân hình thức” Lê Khánh Đồng – nhà tiền trạm Phong trào Thơ Mới (1930-1945)…

Nguyễn Hữu Sơn

Tác giả xuất hiện sớm nhất, giữ vai trò người đi tiền trạm, thế hệ khơi nguồn, cán bộ "Tiền Thơ mới" là Lê Khánh Đồng (1905-1976), đời thứ 20 Lê Thái Tổ, quê xã Sơn An, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ông học giỏi, thành thạo tiếng Pháp, Trung, Nhật, yêu thích sáng tác thơ văn và nhạc. Năm 1931, ông tốt nghiệp Trường Y khoa Đông Dương (Hà Nội), là bác sĩ, từng biệt phái sang Bệnh viện Xavanakhet (Lào) rồi về nước, làm việc ở các Bệnh viện Nam Định, Hà Nội. Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia Cách mạng, từng làm Giám đốc Bệnh viện Vinh và Giám đốc Sở Y tế Nghệ An (1953-1957), góp phần sáng lập khoa Y học cổ truyền của Trường Đại học Y Khoa Hà Nội và Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (1957), được tặng Huân Chương Kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ hạng Nhất… Tiếp nhận ảnh hưởng văn học Pháp và phương Tây nên khi còn là sinh viên, ông đã sớm sáng tác, dịch thơ và góp phần khởi động, mở đường phong trào Thơ mới. Những bài thơ ban đầu này được tập hợp lại trong tập Thơ buông (Nxb. Chân Phương, Hà Nội, 1928, 56 trang) cùng những bài thơ in báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn, 1928-1932) cho thấy rõ tín hiệu “mới”, mới từ nhan đề tập thơ đến nội dung và "Tân hình thức" các bài thơ. Có thể hình dung Lê Khánh Đồng như một người đi tiền trạm, cán bộ "tiền Thơ mới", xong việc rồi trở về, không đồng hành cùng đoàn quân Thơ mới nữa.

Mở đầu phần "Thơ buông" của Lê Khánh Đồng có lời dẫn nhấn mạnh quan niệm mới về hình thức nghệ thuật câu thơ: “Chữ Thơ đây nghĩa là tính tình thơ, cho nên bất cứ văn xuôi và văn vần tả tính tình thơ đều là Thơ. Buông nghĩa là buông trôi, buông thả, tự do vậy” (tr.9). Đúng tinh thần trong lời dẫn, Lê Khánh Đồng chủ ý sáng tạo, thử nghiệm, phá cách, mở ra những lối thơ mới, hình thức mới, "Tân Hình thức", tạo nên nét tân kỳ, mới mẻ, hấp dẫn. Đơn cử bài Hồ Tây với 23 câu thơ, số chữ mỗi câu tăng dần từ 1 đến 12 rồi lại giảm dần theo chiều ngược lại, tạo thành kiểu thơ hình quả trám, thể hiện một lối thưởng thơ, chơi thơ, “thả lá thơ chơi”, thiên về hình thức vị nghệ thuật:

Hồ

Tây Hồ,

Sóng nhấp nhô.

Chung quanh lặng lẽ,

Mấy hàng cây điểm tô.

Trên mặt nước bao nhiêu vẻ,

Mặt trời ánh chói, bóng giăng loè.

Giọt nước long lay, vàng xanh đẹp đẽ,

Như cái gương tròn của mỹ nữ buồng khuê.

Dội bao phong cảnh của giời đất vào một khoé,

Lại xung quanh bờ, khách tình nhân gắn bó nhời thề.

Có khi đôi lứa trầm luân, vì nỗi tơ duyên trắc trở,

Lại có kẻ trải đời gánh vác, trông đã nặng nề.

Đem thân đi gửi Từ bi để ngài che chở,

Cầu lấy hạnh phúc thoả kiếp muôn đời.

Đêm ngày bái lễ ở chùa Trấn Võ,

Lại có kẻ nghiên bút theo đòi.

Ấy học trò trường Bảo Hộ,

Nay buồn ra bờ trông,

Hỏi hồ có nhớ,

Tới lịch sử.

Anh hùng,

Không?

Ấn tượng về câu chữ những bài thơ khác lạ, cho đến khi tổng kết “Một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh - Hoài Chân (1942) còn nhắc nhớ, xác định vai trò và ý nghĩa văn học sử của trường hợp Lê Khánh Đồng: “Thực ra, từ trước, trên sách vở báo chương thỉnh thoảng thất ngôn luật cũng đã phải nhường chỗ cho lục bát, song thất lục bát, cổ phong, từ khúc, vân vân... Lác đác người ta còn thấy xuất hiện những bài không niêm, không luật, không hạn chữ, hạn câu (…). Ấy là những bài gọi là Thơ buông (Chân Phương, Hà Nội, 1928) của một sinh viên trường Cao đẳng, Ô. Lê Khánh Đồng, đã làm một trò cười cho chúng ta hồi nhỏ. Những bài như thế mà dám mạo danh là thơ, cứ thời bấy giờ thực đáng khép vào tội phạm thượng. Một sự biến cố dường ấy mà xẩy ra được, dầu không được công nhận, cũng đủ chứng rằng cái thời vận luật Đường đã cực kỳ suy vi” (Thi nhân Việt Nam, 1932-1941. Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942, tr.21-22)... Ở đây cần chú ý cách nói của Hoài Thanh - Hoài Chân khi cho rằng lối thơ buông “đã làm một trò cười cho chúng ta hồi nhỏ” không phải vì chất lượng thơ kém mà trước hết bởi lối thơ tiên phong, khởi nguồn này quá mới lạ, hình thức quá khác biệt, xa lạ, tân kỳ, "Tân Hình thức", lệch pha so với các thể thơ quen thuộc. Sự “cười” trước những khác biệt, tân kỳ sau này sẽ trở nên quen mắt quen tai hơn và trở thành dòng chủ lưu với đại chúng độc giả phong trào Thơ mới. Chẳng cứ việc tiễn đưa quá khứ bằng "tiếng cười vui vẻ", mọi tiến trình Đổi mới trong lịch sử cũng bắt đầu đều có vẻ như là "trò cười" vui vui như thế!... (Theo Lê Khánh Đồng - Nhà tiền trạm phong trào Thơ mới, 1932-1945, Hồng Lĩnh, số 187, tháng 3-2022, tr.82-88). Có thế thật đấy ạ.

Ngày mưa, 24/05/2022.

Nguồn: FB Nguyễn Hữu Sơn