Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

“Trải qua một cuộc bể dâu” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 131)

Tương Lai

clip_image002“Cuộc bể dâu” mà đất nước thân yêu của chúng ta đã trải qua trong gần một thế kỷ nay thì “những điều trông thấy” làm sao mà kể cho xuể. Ngọn bút của một cá nhân bé mọn này thì viết sao đặng khi đã có biết bao những sử gia, những nhà nghiên cứu với những công trình công phu. Rồi những chính trị gia được tiền hô hậu ủng của cả một bộ máy ăn lương nhà nước miệt mài sưu tầm, ghi chép để cho ra những sản phẩm được in bởi những nhà xuất bản sang trọng với những câu chữ có cái “uy” của những lời “phán bảo”. Vậy thì xin đành kể chuyện mình, những mong trong đó có ít nhiều dư âm của cuộc bể dâu trong những câu chữ chẳng có cái “uy” nào ngoài sự trung thực.

Bỗng bồi hồi nhớ lại áng văn xưa của Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tuỳ bút”: “Năm Giáp Thìn, Ất tị đời Cảnh Hưng, ngày 1, ngày 15 bình văn ở Văn Miếu. Có một người đàn bà muốn vào xem bị đuổi, lạy từ cửa mà than: Chẳng hay khi xưa thánh nhân lập giáo thế nào, mà nay các quan hễ hạ ngòi bút phán đoán một lời là không kêu vào đâu được”. Người đàn bà khóc mà đi”. Giờ đây, ai khóc?

Đọc chuyện “lạy từ cửa” của ngòi bút Phạm Đình Hổ mà vụt nghĩ đến chuyện “Phùng Quán lạy dưa” trong tuỳ bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường – “có rất nhiều ánh lửa” – như lời bình của cụ Nguyễn Tuân. Nhà văn người Huế ấy viết về một kỷ niệm với Phùng Quán, người bạn đồng hương – một cốt cách nghĩa khí suốt đời không thay đổi. Chuyện rằng “Năm xưa Phùng Quán cùng tôi lang thang qua miền đất đỏ Vĩnh Linh. Trời nắng đổ lửa, đất ba dan bát ngát không một giếng nước, cơn khát hành hạ đến rát bỏng cả cổ họng. Bèn tìm đến đám ruộng trồng dưa hấu... Phùng Quán phát hiện ra trong đám cỏ úa, một quả dưa tròn lẳn, vỏ đen huyền, cuống còn dính trên dây dưa vẫn lay lất sống... Phùng Quán dùng dao găm bổ đôi quả dưa hấu: ruột dưa đỏ tươi như son, nước ngọt chảy ròng ròng... Phùng Quán la to: “Chỉ có mấy cái rễ cắm nông trong đất khô, làm sao cây dưa hấu lại có thể làm ra cả một bầu nước đầy ứ, ngọt lành đến thế này”... (Bình sinh Phùng Quán vẫn thích nhắc câu thơ của thi sĩ Mỹ Robert Cummings: “Bọn thi sĩ vớ vẩn chúng tôi chỉ làm được những câu thơ, chỉ Thượng đế mới làm ra cây”)... Và hoàn toàn bất ngờ đối với tôi, Phùng Quán sụp xuống lạy quả dưa, lạy chí thành, ba lần dập đầu, đến nỗi khi đứng lên, đất đỏ dính cả lên trán lên môi.

Trong văn chương, tôi biết có ba người sống trên đời không biết cúi đầu bao giờ, thế nhưng lại lạy những vật vô tri. Thứ nhất là Cao Bá Quát, lạy hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Người thứ hai là Phan Bội Châu lạy đá (Bái thạch vi huynh). Và bây giờ, đến lượt Phùng Quán lạy dưa hấu...

Thơ Phùng Quán có lần đưa ra lời thỉnh cầu, xin cây dứa dạy cho mình cách lọc ra chất ngọt lành từ đất đai cằn cỗi:

Để từ cuộc sống gian lao bất trắc khôn lường

Tôi vẫn viết được

Dâng tặng đời

Những trang văn đầy ắp mật[1]

clip_image004Thật may mắn được quen biết và hàn huyên với tác giả và nhân vật của anh, cả hai đều là đồng hương của tôi. Tôi vẫn nhớ Phùng Quán “câu cá trộm” để đỡ đần cho đồng lương giáo viên còm cõi của vợ, chị Trâm, cùng dạy ở trường Chu Văn An nằm cạnh Hồ Tây hồi những năm 1955-56, tôi thường sáng sớm đứng trên ban công nhìn ra mù sương phủ kín mặt hồ nên không biết được nhà thơ nghĩa khí ấy ngồi câu cá ở đâu. Đây là câu cá có lưỡi câu mấu sắt để kiếm sống, chứ không phải lưỡi câu không uốn cong của Lã Vọng ngồi câu bên sông Vị để đợi thời gây nghiệp lớn. Ấy thế nhưng “người câu cá trộm” này lại có phong thái ung dung tự tại của một người có bản lĩnh sống và biết sống như một con người, đêm đêm ngồi đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe:

Ngoài trời trăng như tuyết

Trắng lạnh đến thấu xương

Trong nhà vách trống toang

Gió ra vào thoả thích..

Tựa lưng ghế cành ổi

Vai khoác áo bông sờn

Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ

Vợ vừa nghe vừa đan...

Thơ ai như thơ ông

Lặng im mà gầm thét

Trang trang đều xé lòng

Câu câu đều đẫm huyết...

Giữa tuyết trong đò con

Đỗ Phủ nằm chết đói

Đắp mặt áo bông sờn

Kéo hoài không kín gối...

Ngàn năm nay sông Tương

Sóng còn nức nở mãi

Khóc chuyện áo bông sờn

Đắp mặt thơ chết đói!..

Đã đi với nhân dânThì thơ không thể khác

Dân máu lệ khốn cùng

Thơ chết áo đắp mặt![2]

Trải qua cuộc bể dâu với nhữnggian lao bất trắc khôn lường ấy”, ngòi bút vẫn còn vụng dại của tôi cho dù đã 87 tuổi đời làm sao viết được, kể được những “điều trông thấy” khả dĩ có thể “dâng tặng đời” mà không phải hổ thẹn đây? 

“Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác”, vậy thì ngòi bút của tôi cũng “không thể khác cho đã bị treo bút đã hơn 15 năm nay kể từ ngày tôi từ chối không ra Hà Nội nhận Giải thưởng đặc biệt của báo “Người Đại biểu Nhân dân” do Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Chủ tịch Quốc hội trao tặng. Đây là cụm bài viết về “nhà nước pháp quyền” trên mục “Đàm luận sáng thứ Hai” đăng đều kỳ hàng tuần trên báo này (nay là tờ “Đại biểu Nhân dân” tiếng nói của Quốc hội) do sáng kiến của Tổng Biên tập Hồ Anh Tài mở ra. Cùng được trao tặng là nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Hoà thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội.

Viết thư cho Hồ Anh Tài tôi nói rõ lý do không ra Hà Nội, vì tôi không muốn chìa tay nhận giải thưởng từ một nhân vật mà tôi khinh, đang thao túng quyền lực của một thể chế toàn trị phản dân chủ trong khi mà bài viết về “Nhà nước pháp quyền” của tôi lại nhằm lên án một cách kín đáo thể chế toàn trị phản dân chủ đó. Nếu phải chấp nhận điều này thì với tôi, đó là sự xúc phạm nhân cách trí thức cầm bút. Rồi, thay vì nhận giải thưởng, tôi nhận được sự “rút phép thông công” – chữ của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nói về ông sau khi đọc bài tham luận nảy lửa về dân chủ – không được xuất hiện trên báo “Người Đại biểu Nhân dân” cùng với quyết định xoá bỏ mục “Đàm luận sáng thứ hai”. Và, như phản ứng dây chuyền, mục “Thời luận” trên báo “Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh” mà tôi viết đều đặn trong cả năm liền cũng bị xoá bỏ. Tiếp đó, các tờ báo chính thống trong Nam ngoài Bắc lần lượt lẳng lặng gỡ bỏ bài viết của tôi. Có tổng biên tập một vài tờ báo vẫn cho gửi báo biếu rồi nhẹ nhàng nhắn gửi: “Chú thông cảm, chúng cháu không thể đăng bài của chú”!

Phải thông cảm quá đi chứ, tôi rất biết đó là “thế chẳng đặng đừng” của các bạn, “gặp thời thế, thế thời phải thế”! Và thế là tôi xoay sang viết “Mênh mông thế sự” đều kỳ hàng tuần tung lên mạng cho bạn bè thân quen, như một cầu nối của những người đồng chí hướng, đồng điệu và đồng tình. Cái đề từ “Mênh mông thế sự” này hình thành tại nhà anh Việt Phương khi tôi bay ra Hà Nội bàn chuyện thành lập “Viện Nghiên cứu Phát triển” (Institute of Development Studies – IDS) theo sáng kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải hình thành một tổ chức nghiên cứu ngoài Nhà nước để làm đối tác với một Think Tank của nhóm trí thức Việt Nam ở Mỹ do giáo sư Lê Xuân Khoa đề xuất nhằm thực hiện đề án nghiên cứu phát triển “Việt Nam thế kỷ XXI”.

Hai anh em chụm đầu bên chén trà, và anh Việt Phương gật gù với cái tên tôi đưa ra “Mình thích cái tên mênh mông thế sự này. Cứ viết đi, sau một thời gian tập hợp lại, chỉnh sửa rồi đưa in”. Tôi cười: “Anh lạc quan quá đấy, đến ông Sáu Dân mà chúng nó còn rút lại bài khi đã lên khuôn in vì chúng sợ cái tư tưởng lớn về hoà giải hoà hợp dân tộc: “Một sự kiện khi nhắc lại có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu””! Thoáng một nỗi buồn, Việt Phương trầm lặng không trả lời. Sau một thời gian tôi thêm vào bốn từ “để gió cuốn đi” – mượn của ca từ Trịnh Công Sơn – nhằm diễn đạt sự đồng điệu với người nghệ sĩ mà tôi yêu mến: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Đồng thời, cũng để cái mênh mông của thế sự thêm phần phóng khoáng, gió cuốn đi bốn phương, đậu lại trên cành cây bụi cỏ, ai tình cờ nhặt được, thích thì đọc không thì vứt đi, chẳng phiền ai, chẳng luỵ ai. Kể từ đấy, hàng ngày ngồi trước bàn phím máy tính gõ chậm chạp theo lối “mổ cò”, tôi nghĩ về sự mênh mông của thế sự qua “cuộc bể dâu” của đất nước, của những thân phận người, trong đó có thân phận mình.

Có lần ngồi tán gẫu với Trịnh Công Sơn tại nhà Thái Bá Vân nhân dịp Sơn ra Hà Nội, Thái Bá Vân nói bâng quơ: “Đang thú vị với một câu tuyệt hay thì cứ bực mình với một câu quá xoàng”. Tôi hỏi câu gì thế. “Thì đó, “tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này”. Đang ngỡ ngàng với “Tôi là ai mà còn trần gian thế” vì nó hay quá, độc đáo và thâm trầm. Thì lại rất cũ kỹ, héo mòn với “Tôi là ai mà còn khi giấu lệ””.[3] Tôi đợi một câu giải thích, nhưng Sơn chỉ cười hiền lành: “Thì có câu được câu không, chứ câu nào cũng hay cả thì có mà là thánh à”. Được dịp, tôi thêm vào một câu đã nhiều lần băn khoăn: Sơn này, mình vẫn thầm hát câu:

Ôi tiếng buồn rơi đều

Nhìn lại mình

Đời đã xanh rêu[4]

rồi vẫn cứ muốn hỏi “Sơn nghĩ gì mà viết như thế”. Vẫn nụ cười hiền lành, anh trả lời: “Thì nó thế nên viết thế, vậy thôi”.

Tôi vẫn hiểu rằng, trong cảm thụ nghệ thuật nhiều khi hỏi người sáng tác tại sao họ viết như vậy là ngớ ngẩn, hãy tự soi vào cảm xúc của mình xem đã cảm thụ nó ra sao thì hơn. Biết vậy, nhưng khi Thái Bá Vân, người bạn chí cốt mà tôi rất trân trọng về sự uyên bác và rất tinh tế trong phê bình nghệ thuật khó có người thứ hai tôi biết, đã tỏ ra không thích về câu “tôi là ai mà còn khi giấu lệ” thì trong tôi, biểu cảm của câu ấy lại có sức lay động khó nói nên lời vì nó gắn với hình ảnh “nhìn lại mình, đời đã xanh rêu”! Đó là một “ám ảnh nghệ thuật”[5] từng chìm sâu trong tôi.

Nhất là trong những khoảnh khắc tĩnh lặng không ngủ được, ra ngồi ngoài ban công ngước nhìn trời lấp lánh sao, nhìn dòng sông đang trôi trong mờ sương trước mặt, mà nghĩ về mình, nghĩ về “cuộc bể dâu” của đất nước, trong đó có thân phận mình. Đặc biệt là những năm gần đây khi sức làm việc sút kém vì sức khoẻ đang tụt dốc, bài viết cứ trục trặc, ngón tay gõ phím chuệch choạc vì thị lực giảm sút vì dòng tư duy lủng củng, đứt đoạn. Nghĩ đến câu trả lời của Trịnh “nó thế nên viết thế” để vận vào tâm thế của mình liệu rêu đã xanh đến cỡ nào trong bộ não!

Ở đây không phải là “mỗi lời là một vận vào khó nghe[6] mà là một suy ngẫm nghiêm cẩn và sâu lắng, đúng hơn, một phản tư, day dứt tự vấn khi nhìn lại những chặng đường, những trải nghiệm của thân phận mình trong “cuộc bể dâu” của đất nước khi “lực bất tòng tâm”. Nhìn lại những năm đi dạy học từ phổ thông cho đến đại học, tự học và tự nghiên cứu rồi chuyển hẳn sang nghiên cứu để có điều kiện đi khắp đất nước từ đỉnh Lũng Cú, Hà Giang đến tít tắp Mũi Cà Mau. Muốn làm nhiều điều, nhưng điểm lại, thành tựu thì rất ít mà hẫng hụt thì lại quá nhiều.

Xem ra, những trang viết đọc được và có chút ít thành tựu là những trang viết về những chuyến đi khảo sát đã in vào sách, trong đó có “Báo cáo Khảo sát Xã hội về Sự kiện Thái Bình năm 1979” để rồi sau đó từ chức Viện trưởng để chỉ chuyên chú vào một số công việc của Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt. Có lẽ quãng thời gian đó là chặng đường để lại được nhiều trang viết phóng khoáng và giàu cảm xúc nhất, vì đầu óc được chuyên chú vào điều mình thích, hào hứng với công việc tự thấy là đáng làm, cần làm, chẳng ai kiềm toả, chẳng ai ràng buộc được ý chí và cảm xúc của chính mình. May mắn là khi nghiêm túc nhìn lại, lương tâm tôi thanh thản với sự hết mình trong mọi công việc, thành bại là lẽ thường tình, dù sao thì cũng đã

Vào vòng cương toả chân không vướng,

Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen[7]

thế cũng gọi là tạm được. Bon chen ham hố, quá nhiều tham vọng chẳng để làm gì.

Nhưng rồi, suy gẫm về tác giả của câu thơ thất ngôn đĩnh đạc và phóng túng vừa dẫn thì lòng lại thấy bồi hồi xao xuyến xen lẫn với xốn xang tủi hổ: “Nguyễn Công Trứ thọ tám mươi tuổi, làm quan trong ba chục năm, mà sao Cụ làm được nhiều việc đến thế, tưởng chừng đời cụ dài gấp hai, ba kiếp người. Dẹp cường khấu ở Lạng Sơn, bắt Phiên tặc ở thành Trấn Tây, trừ hải tặc ngoài Đông Hải, lấn biển mở đất ở Kim Sơn Tiền Hải, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương, khơi sông Mê kông ở Long Xuyên, rồi còn xoá nạn mù chữ ở vùng kinh tế mới, chống tham nhũng ở chốn triều đình... Cầm quân đến tài danh tướng, làm thơ đến bậc văn hào, mà tay chơi cũng tới độ... thế mà cụ còn chép miệng than rằng “chẳng bao lăm, ba vạn sáu ngàn ngày”... Công huân đến thế mà đời làm quan của cụ Nguyễn bị cách chức, giáng chức tới năm lần, có lần lãnh án “trảm giam hậu” và lần khác bị cách tuột chức tước, chỉ còn lại một chân lính trơn đi đày... Những chuyện oái oăm như thế trong đời Nguyễn Công Trứ thật dài dài, kể không hết... Về hưu năm bảy mươi với hai bàn tay sạch đến không chỗ nương thân, Cụ phải sống nhờ ở chùa trong núi Hồng Lĩnh, sau đó về làng dựng ba gian nhà tre nghèo xác... Trước khi chết, cụ lập di chúc để lại, từ chối mọi nghi lễ chính sách của triều đình dành cho công thần, dặn chôn ngay nơi huyệt đã đào sẵn dưới chõng tre, trồng bên mộ một cây thông.Trước mộ, một tấm bia không chữ”.[8] Vâng, cây thông đứng giữa trời mà reo!

clip_image006Tôi từng đứng lặng bên cây thông trên đường lên Yên Tử. Những cây thông non có màu lá xanh thẫm bên những gốc thông già sần sùi rễ cắm sâu vào đất sỏi cát rắn như đá, xuyên qua đá mà đứng giữa phong ba. Gió reo trên sườn núi, gió quấn theo chân người đang gắng sức đi tới. Nhớ đến cây thông trên mộ Nguyễn Công Trứ, tưởng như tiếng thông reo ở đây hoà điệu với tiếng reo của cây thông ấy đang dội vào lòng tôi những lời tự vấn về cuộc sống. Nhớ câu “Vũ trụ chi gian giai phận sự[9] mà bồi hồi nghĩ đến người viết câu ấy đã đi qua một cuộc đời phóng túng, một sự nghiệp lẫy lừng, một thân phận bi tráng! Để gì? Để mà soi lại đời mình với những gập ghềnh đã trải, những gian lao bất trắc đã từng, mà học theo cái bản lĩnh của tiền nhân.

Học theo để biết và dám gánh trên vai mình phận sự làm người, ung dung tự tại đứng giữa trời đất khi đã trút bỏ mọi ràng buộc, mà ý thức được rằng, cái phận sự ấy đè trên đôi vai, ngày đêm tự phải lo toan gánh vác. Chẳng cần ai khiến, chẳng cần ai trao vì mình tự biết mình, tự tin vào bản lĩnh, khí phách và trách nhiệm của mình:

Đôi gương nhật nguyệt treo ngang mắt

Cặp đãy càn khôn vắt cạnh vai[10]

Nhớ lại cái đại nạn của tôi năm nao mà Nguyễn Duy Quý khôn ngoan hiểu được cái gốc gác từ “thâm công bí sử” nên đẩy cho Đỗ Hoài Nam xử lý “vụ án gián điệp của CIA” mà Viện trưởng Viện Xã hội học là “chính danh thủ phạm”. Đỗ Hoài Nam vừa nhận trách nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) hứa với tôi: “Bác cứ yên tâm, thằng Nguyễn Ngọc Hải láo, em sẽ xử lý ngay để bác vui vẻ ăn Tết”. Đó là cái Tết năm Đinh Sửu. Nhưng khi được biết về lý do dựng lên vụ án thì ngày 23 tháng Chạp, anh ta gặp tôi ở cầu thang: “Xin lỗi bác, án tại hồ sơ, em bó tay”. Thì ra, tôi chỉ là con tốt đen trên bàn cờ chính trị, nhân vật chóp bu lúc bấy giờ nhắm vào ông Sáu Dân để bằng mọi cách triệt con đường có thể được bầu làm Tổng Bí thư. Có lẽ biết được điều ấy nên cụ Phạm Văn Đồng tuyên bố: “Cùng chịu trách nhiệm với Tương Lai về Báo cáo Thái Bình” và bản án lẳng lặng bị huỷ bỏ, một học trò tôi giữ trọng trách bên an ninh cho tôi biết trong dịp tôi ra viếng tang bác Tô. Chuyện này tôi đã có dịp kể trên Mênh mông thế sự. Ngay sau đó tôi tuyên bố từ chức Viện trưởng và bay vào Sài Gòn cuối năm 1979.

Có lẽ có chút ân hận nào đó nên nhân dịp kỷ niệm 30 tháng Tư hai hay ba năm sau tôi không còn nhớ rõ, Đỗ Hoài Nam vào Sài Gòn trao tặng cho tôi huân chương Lao động Hạng nhất! Bữa tiệc liên hoan được bày tại Hội trường Viện Khoa học Xã hội thành phố HCM với nhiều quan khách. Tôi ra ngồi mâm bày ngoài sân nhâm nhi tán gẫu với với mấy anh bạn. Bảy Nam thật thà nói: “Anh xứng đáng được tặng Huân chương hạng nhất”. Tôi cười: “Nên nói là xứng đáng đi tù hạng nhất thì hay hơn”. Trầm ngâm, các bạn tôi không nói và cũng chẳng cười. Thế rồi, vợ tôi cuốn Bằng ghi tặng và Huân chương Kháng chiến hạng nhất cùng Huân chương Lao động hạng nhất thành một bó, bọc ra ngoài một tờ báo cũ nhét xuống đáy tủ cho mối mọt “phê phán”. Tính đến hôm nay, sinh nhật thứ 87, cũng ngót nghét vượt ngưỡng U 90 được 7 bậc, xem ra như vậy nếu tính cuộc “vuông tròn” thì cũng đà có lãi.

Đúng ra, hình hài thì có có tàn tạ theo dần với “bóng tịch dương[11] như ngôn từ hoài cổ của người xưa, nhưng đầu óc thì vẫn chưa đến nỗi nào vì chưa đến nỗi lẩm cẩm và lú lẫn, vẫn còn ráng sức được để cố theo kịp với nhịp bước của thời đại, theo kịp với nhịp sống của đất nước, với những biến động bất ngờ của cuộc sống.

Trước mắt tôi là lẵng hoa hồng rất đẹp các con tôi mừng sinh nhật bố. Sắc hoa lộng lẫy cùng ánh mắt rạng rỡ của các cháu nội ngoại khiến tôi lâng lâng xúc động. Xốn xang nghĩ về những chặng đường đời đã đi qua với biết bao điều đáng nhớ, bồi hồi nhớ lại những dấu ấn sâu đậm trải dài trên những nẻo đường đất nước in dấu chân mình, đang hiện dần lên như những thước phim quay cận cảnh.

Thế là,

Trót sinh ra phải có chi chi

Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu

clip_image008Chưa đến ba vạn sáu thì cũng ngót nghét ba vạn mốt rồi. Nhìn lại cũng không đến nỗi phải quá ân hận vì đã phung phí tuổi đời một cách vô ích. Phải có chi chi ư? Thì cũng có đấy, mà cái “có” đáng ghi nhất là những chuyến đi trên những nẻo đường.

Nhớ lại một buổi chiều mờ sương trên đèo Mã Pí Lèng ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn bên dưới vực sâu. Xe đang đổ dốc, bỗng thấy một đám cháu nhỏ ngồi sưởi bên đống lửa nhóm bên vệ đường, tôi níu vai Việt: “Dừng xe lại một chút đi”. Bước xuống đến cạnh các cháu nhỏ vừa ngồi sưởi vừa trông chừng mấy con bò đang gặm cỏ trước khi đưa chúng về nhà “Các cháu định lúc nào mới lùa bò về”, tôi hỏi? Một bé trai nhanh nhẩu “bao giờ lửa tàn thì về”. Bỗng thoáng vọng từ đâu đó tiếng hát câu được câu chăng “Cụm rừng nào lá xác xơ bay, Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy[12]. Tôi che vành tai cố ngóng để nghe cho rõ. Chao ôi, nhạc Trịnh lên tận nơi hiu hắt này ư. “Các chú bộ đội ở đồn biên phòng đi kiếm củi về đang hát đấy”, một bé gái có ánh mắt hiền dịu sáng quắc ngước nhìn tôi trả lời. Bé trai trêu “Nó thuộc bài hát ấy đấy và thích các chú bộ đội lắm đấy. Nó học lớp sáu giỏi hơn tất cả tụi cháu. Nó ở cùng nhà với cô giáo dưới xuôi lên dưới kia kìa”. Vừa nói cháu vừa chỉ tay xuống dưới thung lũng thấp thoáng ánh đèn. Con sông Nho Quế chỉ còn là một vệt mờ. Bé gái đưa tay dứ dứ vào mặt bạn. Nghe tiếng còi ô tô Việt giục vì trời đã tối mà đoạn đường còn xa. Tôi đứng dậy, rút cây bút trên ngực áo đặt vào bàn tay bé gái, cháu dẫy nẩy: “Không lấy đâu, không lấy đâu”. Cả lũ trẻ cười vang, thích thú. Khi viết những dòng này, ngọn lửa đám trẻ nhóm lên dưới chân đèo Mã Pí Lèng như đan sưởi ấm tâm hồn tôi, tiếp thêm sức cho ngón tay bấm phím máy tính để viết về “cuộc bể dâu” của đất nước với những chặng đường đời đã trải của mình. clip_image010

Cùng với ánh lửa ấm lòng đó là câu chuyện của chú bé Đất Mũi đang lấm lem bùn đất từ dưới sình mò cá vừa trồi lên như một “Chữ Đồng Tử” thuở xa xưa tìm về đứng chụp hình với tôi bên tấm pano ghi rõ “Mũi Cà Mau”. Chú nhắc tôi nhớ gửi tấm hình vừa chụp cho chú ngay. Tôi hỏi: “Gửi về đâu”. Thản nhiên pha chút tự hào, chú vui vẻ và dõng dạc đáp: “Gửi về trường cháu. Thầy hiệu trưởng sẽ chuyển cho cháu. Đây, xâu cá vừa mò được này là để cháu mang về biếu thầy để nấu canh chua đó”. Tim đập mạnh, khó nói nên lời sự hồn nhiên ấm áp của chú bé Đất Mũi đọng lại trong tôi, cứ muốn ôm chặt cháu bé mặc cho bùn lấm bê bết.

Những chuyến đi khảo sát xã hội học trải dài trên những nẻo đường, các tỉnh biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh vòng lên Móng Cái, vượt qua những địa danh hào hùng Thất Khê, Đông Khê từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, đến ngắm Thác Bản Giốc thời còn nguyên vẹn chứ không chỉ một nửa với tủi hờn và căm giận như hôm nay. Đến đỉnh Lũng Cú của Hà Giang vượt qua Bát Xát của Lào Cai đến Phong Thổ của Lai Châu, vòng xuống Điện Biên lịch sử đến thăm hầm Đờ Cát rồi xuôi về Sơn La để đến Mộc Châu rồi về Hoà Bình ghé thuỷ điện chặn dòng sông Đà hung dữ “nước xô đá, đá xô sóng… dễ lật ngửa bụng thuyền ra” dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân...

clip_image012

Trên sông Đà

clip_image014

Tại Chùa Keo Thái Bình: Tương Lai, Hoàng Đốp, Phạm Xuân Đại, Xích Việt.

Người bạn tuyệt vời của tôi trên những cung đường nhiều kỷ niệm ấy là Xích Việt, người nắm tay lái luôn ngồi bên tôi trong chiếc Land Cruiser, quà tặng của UNDP cho một dự án nghiên cứu. Sở thích đơn giản của anh, người lính lái xe của đường 559 giữa mưa bom bão đạn sau 75 về hưu non với hàm thiếu tá, là mỗi chặng dừng xe giải lao bên đường ghé vào quán nước, gọi chén nước chè xanh kèm theo một đĩa nhỏ kẹo lạc, chúng tôi cùng thú vị nhấm nháp. Suốt 13 năm trời, sở thích ấy không thay đổi. Người thứ hai mà tôi muốn nhắc lại ở đây là người bạn đã quá cố Hoàng Đốp, biên tập viên của tạp chí Xã hội học, người thường có mặt trên những chuyến đi, bao giờ anh cũng là người lo toan chu đáo công việc hậu cần và hết lòng chăm sóc sức khoẻ cho tôi. Lần cuối cùng đứng cạnh anh bên giường bệnh, tôi đau đớn như đứt một bàn tay. Rồi Phạm Xuân Đại, Trịnh Hoà Bình, Bế Viết Hậu, Phạm Bích San... Mỗi người mỗi vẻ, sẻ chia những buồn vui. Cung đường Hà Nội-Nam Định-Thái Bình, Hà Nội-Phủ Lý-Ninh Bình đã khắc đậm vết bánh chiếc Land Cruiser của Xích Việt đi đi, về về với biết bao câu chuyện thú vị trên xe. Ngay cả khi tôi đã từ chức Viện trưởng, hàng năm tôi vẫn bay ra Hà Nội để về lại Nam Định, Thái Bình để cập nhật những thông tin nghiên cứu tại những địa bàn nghiên cứu cũ với những diễn biến mới làm tư liệu cho công trình nghiên cứu về nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Các bạn ở Viện Xã hội học vẫn ưu ái bố trí cho Xích Việt lái chiếc ô tô quen thuộc đưa tôi đi. Sung sướng nhất là bà con ở An Ninh, Quỳnh Phụ của Thái Bình vẫn nhớ đến tôi, tay bắt mặt mừng và cung cấp những thông tin rất quý báu cho công trình nghiên cứu về nông thôn Việt Nam của tôi. Những chuyến đi có tính chất cá nhân một nhà khoa học ấy đương nhiên là phải bỏ tiền túi ra khi mà đồng lương hưu của tôi trao cho vợ quản lý thì quá khiêm tốn, trước đây mọi tiêu pha ngoài lương đều từ nhuận bút. Cùng với việc “rút phép thông công” thì nguồn thu nhập cũng chấm dứt.

clip_image016Một điều đáng tiếc là Xích Việt không tham gia chuyến đi khảo sát mấy tỉnh Tây Nguyên để cho ra bản Báo cáo Khảo sát Xã hội học đã in trong cuốn sách “Tây Nguyên trên đường phát triển” do NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 1989 vì chúng tôi phải bay vào Đà Nẵng rồi mới đi ô tô lên Kon Tum, rồi Pleiku đến Dak Lak về Lâm Đồng. Đồng hành cùng chúng tôi là đoàn cán bộ của Viện Dân tộc học do người bạn chí thiết đã quá cố, giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, dẫn đầu. Đây là thời kỳ Fulro còn hoạt động, chúng tôi đi đâu cũng phải có du kích địa phương đi kèm. Thế nhưng, nhìn bề ngoài thật khó phân biệt đươc đâu là du kích sẵn sàng bảo vệ mình, đâu là Fulro có thể tấn công mình bất cứ lúc nào. Rồi cứ thế chúng tôi đi vào nhà dân, nếm trải phong tục tập quán của đồng bào Tây Nguyên để ghi chép, thu thập tư liệu, thực hiện những panel survey trong điều kiện có thể.

Trong chuyến đi này có một kỷ niệm đáng nhớ mà tôi đã có dịp thuật lại trên Mênh mông thế sự. Đó là khi từ Đà Lạt về Bảo Lộc, đến nhà thờ Bảo Lộc tôi bảo chiếc xe Jeep chở một toán dân quân đi kèm làm nhiệm vụ bảo vệ dừng lại cách xa nhà thờ, và bảo lái xe của tôi cứ cho xe chạy thẳng vào cổng nhà thờ trước sự ngạc nhiên và lúng túng của linh mục Hoàng Ngọc Giao.

Ngồi thưa chuyện với vị Linh mục còn trẻ, thẳng thắn trình bày lý do tôi đến thăm mà không báo trước, tôi biểu tỏ thái độ ân cần và kính trọng, trân trọng uống cạn ly rượu thánh trong khi mấy chàng xã hội học trẻ tuổi ngồi bên chiếc bàn riêng khúc khích nhìn sang và uống sạch chai Cognac vừa được bày ra không chút khách sáo. Từ ngạc nhiên và e dè vị Linh mục trẻ dần tỏ vẻ vui mừng, và chân thành trao đổi với tôi vì sao lại có phút ngỡ ngàng lúc ban đầu khi lạ lùng với sự xuất hiện không chút ngần ngại và “cảnh giác” của chúng tôi. Ông thành thật nói: “Nếu cán bộ mà ai cũng như ngài đây thì chúng tôi đã trút bỏ được một gánh nặng không đáng có cho cả hai bên kéo dài sự nghi kỵ lẫn nhau.h

Một bữa cơm trưa thịnh soạn được bày ra, trong đó có đĩa cá quả mà mấy chàng trai cùng đi với tôi vửa được phép nhảy xuống ao của nhà thờ tung lưới tóm được. Linh mục Hoàng Ngọc Giao và tôi trở thành bạn thân của nhau trong nhiều năm sau. Chúng tôi thường xuyên thư từ qua lại với nhau. Có dịp lên Đà Lạt, tôi lại ghé thăm nhà thờ, vị Linh mục luôn ân cần đón tiếp, thân mật chuyện trò. Chuyến đi Ý, đến tham quan Toà thánh Vatican, tôi có đem về tặng Linh mục Giao một cuốn sách ảnh về Toà Thánh và một dây chuyền có biểu tượng Thánh giá tặng cụ chủ nhà nơi tôi nghỉ lại trong mấy ngày khảo sát. Cụ vẫn giữ nguyên giọng Bắc và phong tục tập quán của một gia đình có nề nếp ở Nam Định. Cả Linh mục Giao và bà cụ chủ nhà đều hết sức xúc động (cụ ông đã qua đời). Cha Giao đã làm lễ Thánh khi bà cụ quỳ xuống nhận chiếc dây chuyền Tượng thánh mà tôi đã cẩn thận nhờ chị Tố Nga đem đến để Đức Cha ở Toà Thánh ban Thánh lễ. Đáng buồn là sau đó mấy năm Linh mục Giao đã từ trần vì một tai nạn giao thông để lại trong tôi một nỗi buồn sâu nặng. Có lẽ đây là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong những chuyến đi của tôi. Không những thế, nó đọng lại trong tôi hình ảnh sống động về hoà hợp dân tộc, trong đó có sự hoà hợp giữa các tôn giáo, tín ngưỡng.

clip_image018

Cuộc khảo sát tại Long An

Điều áy náy nhất đối với tôi là, với đồng bằng sông Cửu Long, tôi ít có điều kiện đi về ngoài dịp tiến hành một công trình nghiên cứu xã hội học về gia đình, hợp tác với trường Đại học Gothenburg của Thuỵ Điển qua giáo sư Rira Liljestrom, Chủ nhiệm Khoa Xã hội học do đại diện SAREC tài trợ để cho ra cuốn “Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam” do Rira Liljestrom và Tương Lai chủ biên. Dự định về một cuộc khảo sát nghiêm cẩn và có chiều sâu về “vựa lúa lớn nhất của cả nước” đã không thực hiện được khi tôi chỉ còn có phương tiện duy nhất là chiếc bàn phím máy tính! Đành vậy, biết làm sao giờ.

Hai mươi năm vào sống tại thành phố Sài Gòn niềm tự hào và không kém vui sướng của tôi là tôi có những người bạn mới từng vào sinh ra tử trong hoạt động nội thành cũng như từ R về, từ miền Bắc vào. Các anh chị đã dành cho tôi nhiều yêu thương và kính trọng trên cả mong đợi của mình qua những công việc sôi nổi, sống động với tính chất của những hoạt động “Xã hội Dân sự”. Chính trong những hoạt động mang tính bất bạo động đó, chúng tôi hiểu nhau, đến với nhau, gắn kết với nhau trong những cuộc tụ tập thắp hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần biểu thị lòng yêu nước theo gương tiền nhân, xuống đường tuần hành hoà bình hô khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược, chống cuộc thảm sát dã man cụ lão nông Lê Đình Kình 86 tuổi đời 55 tuổi đảng... Chúng tôi đi bên cạnh cụ Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu lão thành tiêu biểu cho phẩm cách người trí thức Sài Gòn đang phải ngồi xe lăn, bên cạnh là Huỳnh Tấn Mẫm từng là lãnh tụ phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn, Lê Công Giàu, người phó bí thư Thành đoàn Thanh niên từng hoạt động nội thành bị chết đi sống lại nhiều lần đã để lại di chứng tận hôm nay, Huỳnh Kim Báu, Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước TPHCM luôn xông lên đầu trong những xuống đường đấu tranh, đương đầu với lực lượng lăm le đàn áp. Cùng có mặt với chúng tôi là Linh mục Huỳnh Công Minh trong cuộc biểu tình, Giám mục Nguyễn Thái Hợp trong nhiều lần tưởng niệm làm tăng thêm sức mạnh của biểu tượng Đại đoàn kết và hoà hợp dân tộc.

clip_image020

Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Lê Công Giàu

clip_image022

Với vợ chồng Trần Mạnh Tuấn tại nhà Trịnh Công Sơn hôm 1.4.22

clip_image024

Giám mục Nguyễn Thái Hợp đến dự lễ Tưởng niệm cụ Sáu Dân

Còn dài dài “những điều trông thấy” mà bài viết này chỉ có thể điểm lại một vài dấu ấn đọng lại trong tôi qua “những điều trông thấy” đây đó trên những dặm dài dọc theo đất nước mà vui, mà buồn, mà yêu thương và căm giận, mà trân trọng và coi khinh để cảm nhận hạnh phúc mình có được, bất hạnh mình phải gánh chịu để hiểu chính mình.

Tri ngã giả, bất tri ngã giả

Người có biết ta hay thì chớ,

Chẳng biết ta, ta vẫn là ta[13]

Đã hơn một lần, trong Mênh mông thế sự tôi nhắc đến nỗi nỗi niềm của Ngô Thì Nhậm người có một đời sống trần thế quyện lẫn với đời sống tâm linh cực kỳ phong phú thuộc vào bậc nhất trong những kẻ sĩ mà tôi đọc được thì trong “cái ta” ấy, vẫn khắc khoải một nỗi cô đơn “Mong Người-Tri-Kỷ chừ, một phương trời / Lòng ta chừ, tri âm ai người”. Mà đâu chỉ kẻ sĩ Việt Nam, Lý Bạch – nhà thơ số một của Trung Hoa – trong bài Nguyệt hạ độc chướcMột mình uống rượu dưới trăng” cũng khắc khoải nỗi cô đơn đó, khi tìm thấy trăng với bóng của mình thành ba người “Đối ảnh thành tam nhân”!

Cũng trong nỗi niềm đó, sáng sớm nay ra hiên ngồi tĩnh lặng nghĩ miên man. Sinh nhật tôi năm nay lại trùng khớp với ngày Giỗ cha tôi 18 tháng ba âm lịch. Bình sinh cha tôi luôn nhắc lời bà nội tôi dặn “Hãy biết giữ cái khí hạo nhiên”. Theo tôi hiểu, “hạo nhiên” hàm nghĩa mênh mông, như nước tràn bờ. Chắc là cha tôi muốn nhắc đến ý của Mạnh Tử, người quân tử sở dĩ hơn người thường là biết cách “thiện dưỡng hạo nhiên khí”, nếu mình sử dụng sự cương trực để bồi dưỡng nó mà dùng thì nó lan ra khắp trời đất”. Đương nhiên, sự cương trực ấy luôn đối diện với sự gian trá xảo quyệt của những thế lực bẩn thỉu và cơ hội như một vị “giáo sư” nọ mà tôi đã có dịp kể lại trên “Mênh mông thế sự” số 117.

Quả là giữ được sự cương trực ấy không dễ, nhưng lòng tự nhủ lòng phải học theo cho bằng được để giữ trọn đạo hiếu và để dạy cho con cháu biết sống và dám sống một cuộc đời đáng sống.

Ngày 18.4.2022

[1] Hoàng Phủ Ngọc Tường. “Miền gái đẹp. Nhàn đàm”. NXB Thuận Hoá 2001. trang 160, 161.

[2] Phùng Quán. “Đêm Nghi Tàm đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe”.

[3] Trịnh Công Sơn. “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”.

[4] Trịnh Công Sơn. “Tình nhớ”.

[5] Bùi Vĩnh Phúc. “Trịnh Công Sơn. Ngôn ngữ & Những ám ảnh nghệ thuật”. NXB Trẻ. 2012.

[6] Lời Vương Quan trách chị, khi Thuý Kiều cảm thương “Những đấng tài hoa, thác là thể phách còn là tinh anh” trong Truyện Kiều.

[7] Nguyễn Công Trứ. “Uống rượu tự vịnh”.

[8] Hoàng Phủ Ngọc Tường. “Người ham chơi. Nhàn đàm”. NXB Thuận Hoá. 1998, trang 150.

[9] Nguyễn Công Trứ. “Luận kẻ sĩ”. Việc trong trời đất là phận sự của mình.

[10] Nguyễn Công Trứ. “Cảnh già”; “gương nhật nguyệt” chỉ cái kính lão; “đãy càn khôn” chỉ túi đựng trầu thuốc vắt trên vai.

[11]Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Trong “Thăng Long thành hoài cổ”, thơ Bà huyện Thanh Quan.

[12] Trịnh Công Sơn. “Cát bụi”.

[13] Nguyễn Công Trứ. “Thích chí ngao du”.