Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Vị Xuyên & thế sự Việt Trung (Trích, kỳ 3)

NGÀY 15/2/1979, VÌ SAO TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG VĂN TIẾN DŨNG HẠ BÁO ĐỘNG XUỐNG CẤP 2?

Phạm Viết Đào

Đại tá Quách Hải Lượng tham gia quân đội năm 13 tuổi, đã qua nhiều trường lớp quân sự; Từng là Tiểu đoàn trưởng Bộ đội tên lửa; Từng là Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh (1981-1986, thời điểm Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh làm Đại sứ…).

Những năm cuối cùng trong quân ngũ, Đại tá Quách Hải Lượng về Viện chiến lược, trở thành một chuyên gia về Trung Quốc... Sau đây xin đưa cuộc trò chuyện với ông được ghi lại vào thời điểm tháng 6/2012; Một năm sau thì ông qua đời vì bạo bệnh…

Đại tá Quách Hải Lượng:

Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc bắt đầu từ lúc nào? Nói như Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyên Cơ Thạch: Cuộc chiến tranh này bắt đầu từ khi Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến tranh phá hoại toàn diện đối với Việt Nam... Khi họ đang bắt tay với mình thì họ đã coi Liên Xô là đại bá và Việt Nam là tiểu bá...

Vào năm 1967, một tác giả người Ấn Độ viết: Les amis inamicals (Những người bạn thù địch) chứ không phải bạn trăm phần trăm...

Trước khi bước qua cuộc chiến tranh nóng từ năm 1979, Trung Quốc đã dùng quân đội Pol Pot đánh ta ở mặt trận Tây Nam từ 1/5/1975; chiến tranh qua tay người khác...

Trung Quốc đã đưa nhiều sĩ quan chỉ huy điều khiển những loại pháo hạng nặng; Trung Quốc đã nhúng tay vào cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam. Ta đánh thắng Pol Pot tức ta đã đánh thắng Trung Quốc... Ta đã đánh bại mô hình XHCN kiểu Pol Pot, mô hình Maoist thí điểm ở Campuchia. Ta đã phá tan được bàn đạp chiến lược của Trung Quốc định dùng bàn đạp Campuchia để đi vào Đông Nam Á.

Trung Quốc thất bại tại Cămpuchia nên phát động chiến tranh biên giới phía bắc nước ta. Trong Nghị quyết của Quân ủy TW về Trung Quốc đã ghi: “Đây là một cuộc chiến tranh hạn chế”. Hạn chế là thế nào? Hạn chế về thời gian hay hạn chế về lãnh thổ, không gian chiến tranh điều này nói cũng chưa rõ lắm? Nhưng mục tiêu chính đã được Tướng Lưu Á Châu vạch rõ sau này: Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam để bắt tay với Mỹ...

Sau khi đánh Việt Nam năm 1979, Trung Quốc đã có được 20 năm "trăng mật" và sự giúp đỡ ào ạt của Mỹ giúp Trung Quốc tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa. Tất cả vì lợi ích của Trung Quốc...

Trở về thời gian xa nữa, Trung Quốc đã có âm mưu này từ lâu; Ngay từ Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phải thốt lên rằng: Trung Quốc có mặt tại hội nghị này là một mối hiểm họa cho chúng tôi; Trung Quốc đã phản bội chúng tôi một cách đê tiện...

Thời điểm đó chúng ta cần cả Liên Xô và Trung Quốc nên đành phải làm xiếc trên dây... Sự phản bội rõ ràng nhất là Tuyên bố Thượng Hải... Trung Quốc phát động chiến tranh thật đánh ta từ 1984-1988 ở khu vực Vị Xuyên Hà Giang; 2 bên đã có những cuộc đấu pháo lớn. Thời điểm đó, tôi làm tùy viên quân sự ở Bắc Kinh, một tùy viên quân sự của Mỹ, Phó đô đốc Hạm đội 7 hỏi tôi: Trung Quốc có dạy Việt Nam bài học thứ 2 không?

- Tôi nghĩ rằng câu này đáng ra tôi phải hỏi ông mới đúng! Trung Quốc có dạy Việt Nam bài học thứ 2 hay không họ phải thỏa thuận với Mỹ trước... Mỹ phải biết trước chúng tôi.

Tôi xin lỗi ông, ông là Phó đô đốc Hạm đội 7, bây giờ ông là Tùy viên quân sự tại Trung Quốc, ông thừa biết người Việt Nam đã chiến đấu như thế nào... Chúng tôi đã sẵn sàng như thế nào để đánh lại mọi quân đội xâm lược. Tùy viên quân sự Mỹ đã im... Ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói: Trung Quốc mở một cuộc chiến tranh phá hoại toàn diện, mọi mặt với Việt Nam cho đến tận bây giờ.

P.V.Đ: Ông là Trưởng Phòng tác chiến của Quân chủng Phòng không, Trước khi Trung Quốc đánh ta, ông đã có được những thông tìn gì và đã có những phương án đối phó với cuộc chiến tranh với Trung Quốc?

Đại tá Quách Hải Lượng:

Cái đầu tiên để nói việc phát hiện Trung Quốc có đánh ta không, tôi hết sức cảm ơn đồng chí Lê Duẩn, một con người sắc sảo, phát hiện sớm vấn đề này? Khoảng tháng 8/1978, lúc đó tôi đã làm Trưởng phòng tác chiến, được lên nghe tại Học viện Quân sự cấp cao, bây giờ gọi là Học viện quốc phòng. Lúc đó tôi đeo lon Trung tá.

Tôi đến đó nghe đ/c Lê Duẩn nói chuyện. Tháng 8/1978 là lúc bế mạc lớp đào tạo cán bộ cao cấp. Đến nơi thì đ/c Lê Duẩn bắt đóng tất cả các cửa sổ lại; mọi thứ không được để trên mặt bàn; Không một ai được ghi âm...

Đ/c Lê Duẩn cầm một tập giấy và nói: Tôi rất buồn định trả lời câu hỏi của các đồng chí đây. Tại sao các đ/c là cán bộ quân sự cao cấp mà không hỏi TBT về vấn đề quân sự, toàn hỏi tôi về kinh tế. Đành rằng các đ/c có quyền góp ý kiến với TBT về kinh tế, nhưng cán bộ quân sự phải hỏi về vấn đề quân sự, trong đây không có ai hỏi. Hôm nay tôi không trả lời những câu hỏi của các đ/c trong này... Nói xong ông vứt tập giấy ra một bên.

Chúng ta chuẩn bị đánh nhau với 1,5 triệu quân Trung Quốc xâm lược ta. Tất cả đều sững sờ. Sau khi ra về, Quân chủng Phòng không đã chấp hành lệnh đó, chuẩn bị các phương án tác chiến theo hướng chống không quân Trung Quốc.

Sau buổi nói chuyện của ông Lê Duẩn, tôi được phân công viết bài cho đồng chí Văn Tiến Dũng đến nói chuyện với Quân chủng Phòng không về mô hình tác chiến của quân chủng Phòng không. Đồng chí xem bài chuẩn bị của tôi, phút cuối đồng chí nói: Tại sao đồng chí lại bố trí như vậy? Các đồng chí không nghĩ Trung Quốc sẽ tốt với mình ư ? Tôi giật bắn mình? Như vậy là đ/c Ba Duẩn không trao đổi với đồng chí Tổng tham mưu trưởng?

Tháng 2/1979 sau tết, chúng ta chuẩn bị chiến đấu hết sức căng thẳng; quân ta trên biên giới hết sức mệt mỏi, đồng chí Văn Tiến Dũng hạ lệnh rút báo động xuống cấp 2. Đối với Quân chủng Phòng Không, về cấp 2 tức được đi phép, không sẵn sàng chiến đấu nữa...

Hôm 16/2/1979 tôi được giao phổ biến phương án tác chiến cho các đồng chí Sư đoàn trưởng và lãnh đạo quân đoàn; tôi nhận được lệnh của Đại tướng Văn Tiến Dũng hạ lệnh báo động xuống cấp 2.

Đồng chí Nguyễn Xuân Mậu, Chính ủy Quân chủng lúc bấy giờ bảo tôi: Phổ biến cho anh em để anh em chấp hành. Tôi trả lời: Nhân danh Trưởng Phóng tác chiến Quân chủng phòng không, tôi không phổ biến, không chấp hành lệnh này của Đại tướng Văn Tiến Dũng...

Lệnh của Đại tướng anh không chấp hành không được. Anh phải làm thế nào chứ! Tôi trả lời đồng chí Nguyễn Xuân Mậu: Báo cáo anh, những sân bay của Trung Quốc cách ta có 7 phút bay, nếu ta cho Quân chủng hạ cấp báo động thì không chống kịp Trung Quốc. Với tư cách Trưởng Phòng tác chiến quân chủng, tôi không chấp hành.

Đồng chí Mậu bảo tôi hỏi lên Cục Tác chiến, mấy anh em trực ban trên đó đều là bạn cũ...nói: Mày có chấp hành lệnh của Đại tướng không? Tôi trả lời không chấp hành. Tôi đề nghị cho gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng...

Tôi được báo lại: Đại tướng hạ lệnh xong đi Campuchia rồi. Tôi sững sờ! Tại sao hạ một cái lệnh ghê gớm như thế xong bỏ đi Campuchia? Tôi không gặp được ai để khiếu nại...

Anh Phạm Hồng Liên, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng sang gặp tôi, bảo: Ông Lượng ơi, ông phải viết cái lệnh cho anh em nghỉ ngơi chứ, để tôi cho anh em đi phép. Bên kia anh Đào Đình Luyện đã cho anh em phi công đi phép rồi.

Tôi trả lời: Kệ anh Luyện... Ta không về cấp 2, phải sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Xuân Mậu là một người chín chắn, kín kẽ nói: Thôi, Lượng nói miệng với anh em không được viết thành lệnh, tình hình như thế nên cho anh em nghỉ ngơi tại trận địa...

Đó là buổi chiều 16/2/1979. Sáng hôm sau khi Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến, đồng chí Chính ủy Nguyễn Xuân Mậu và Tư lệnh Hoàng Văn Khánh đi khoe với toàn quân: Chỉ có Quân chủng Phòng không không về cấp 2...

Trong lòng tôi vẫn còn thắc mắc cho tới tận bây giờ: Tại sao đồng chí Văn Tiến Dũng hạ lệnh rút báo động xuống cấp 2 xong lại đi Campuchia ngay? Trước đó mấy tháng, tất cả súng ống phát cho quân du kích, bộ đội địa phương bị thu hồi về cất kho, cái đó tôi chưa được giải đáp?

- Bài học thứ nhất: Trước khi nổ súng 17/2/1979, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh về thông tin, một cuộc chiến tranh về tâm lý khiến cho chúng ta bị tê liệt trước khi nó đánh thật. Đó là bài học cao nhất.

- Bài học thứ 2: Ta đã chuẩn bị suốt từ năm 1978, làm tuyến phòng thủ Sông Cầu, theo lệnh của ông "Cố Duẩn". Bài học gì? Không được thống nhất trong Bộ Chỉ huy và lãnh đạo cao nhất.

Đồng chí Duẩn quyết tâm như thế nhưng tại sao đồng chí Văn Tiến Dũng không phát triển?'

- Bài học thứ 3: Trên mặt trận cụ thể, người ở cương vị cao nhất không bị bất ngờ; Thời điểm chiến thuật ta bị bất ngờ.

- Bài học thứ 4: Trung Quốc đã đánh ta ruỗng về tinh thần rồi mà lãnh đạo Bộ QP không hề biết. Đến nỗi hôm trước 16/2/1979, đ/c Thượng tướng Đàm Quang Trung, còn đứng ở xã Quang Long ở Cao Bằng tuyên bố: Có cho kẹo, Trung Quốc không dám đánh ta... Không đánh được ta đâu...

Tôi phải trực ban tác chiến sáng 17/2/1979, đến buổi trưa về nhà ăn cơm, bà vợ tôi đi nghe Tuyên giáo nói chuyện thời sự về muộn. Khi bà về, tôi hỏi đi đâu về đấy? Vợ tôi bảo đi nghe Tuyên giáo nói chuyện! Tôi hỏi: Tuyên giáo nói chuyện gì ? Tuyên giáo nói, cho kẹo Trung Quốc không dám đánh ta. Tôi cười nói: Thưa bà chị, Trung Quốc đánh bọn em từ sáng rồi đấy...

- Bài học thứ 5: Ta bị thiệt hại về tinh thần trước những thiệt hại về vật chất.

P.V.Đ: Thời điểm đó (1978-1979) Trung Quốc đã dùng kinh tế để khống chế chúng ta chưa ?

Quách Hải Lượng: Từ năm 1973 họ đã không viện trợ cho ta nữa; những dấu hiệu Trung Quốc bắt tay với Mỹ, coi Liên Xô là kẻ thù, Việt Nam là tiểu bá mà ta không cảnh giác... Khi Đặng Tiểu Bình gặp TT Mỹ Carter nói sẽ đánh Việt Nam; Carter đùa: “Trung Quốc đánh Việt Nam không sợ trời sập à?” Đặng Tiểu Bình trả lời: “Sợ gì, ông cao hơn tôi, trời sập ông chết trước”... Carter khuyên: “Ông nên tranh thủ sự đồng tình của Nhật Bản”... Đặng Tiểu Bình bay về Nhật ngay. Một ông Cục phó Cục 2 cấp trên có tài liệu này nhưng không cho tôi, thông tin này cho biết: Khi qua Nhật, tranh thủ sự đồng tình, Đặng Tiểu Bình cúi xuống hôn lá cờ Nhật... Đó là tư liệu lịch sử.

Trước khi xảy ra chiến tranh tôi thấy ở vùng biên giới đã bị ruỗng nát về tinh thần. Nhân dân không biết gì về chiến lược giữ nước của ta hàng ngày sử dụng đài do Trung Quốc cho và chỉ thấy nghe đồn: Vua Đặng sắp sang! Tôi về báo cáo rằng tình hình này nguy hiểm lắm rồi... Vào Huế gặp một số trí thức, họ đều nói với tôi: “Ông Thiệu quay về chúng tôi còn xem xét; Còn Trung Quốc sang nhất định phải đánh...”.

Qua câu trả lời toát lên 2 ý: Về lựa chọn chế độ chính trị thì chúng tôi có quyền lựa chọn; còn bảo vệ đất nước thì lòng người dân nhất định đánh quân xâm lược Trung Quốc. Tôi đã về báo cáo lên cấp trên cho thấy lòng dân như thế; cho đến nay lòng dân cũng vẫn vậy thôi…

Về những chuyện gây hấn trên Biển Đông, tôi có gặp một cháu sinh viên ở Sài Gòn cho biết: “Ngày xưa có bà Út Tịch còn cái lai quần cũng đánh; nếu Trung Quốc xâm lược thì chúng cháu cháu cũng sẵn sàng đánh đến còn cái lai quần…”

Lòng người dân quyết chống Trung Quốc xâm lược!

P.V.Đ.