Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Giới thiệu tập truyện Người câm biết nói (Nxb. Hội Nhà Văn, 2021)

Sưu tập những tác phẩm của nhà văn Nam Cao (1915-1951) bị quên lãng 70 năm, mới được tìm lại

Lại Nguyên Ân

image

TRONG MÙA LOCKDOWN NGỒI KIỂM LẠI…

Trong những tuần những tháng thuộc hai năm 2020, 2021, khi khu vực tôi cư trú trong thành phố Hà Nội bị phong tỏa vì đại dịch Covid-19, ngày ngày ngồi trước chiếc laptop để mở, tôi bỗng nhận ra rằng, tính đến cuối năm 2021, cụ thể là ngày 28.11.2021 (theo gia đình Nam Cao là ngày 30/11), sẽ là tròn 70 năm ngày nhà văn Nam Cao (1915-1951) hy sinh trên đường công tác.

Nên làm gì nhân mốc thời gian chẵn này? Tôi bỗng nảy ra nhu cầu tìm hiểu lại xem, di sản ngòi bút của nhà văn Nam Cao đã được chúng ta thu nhận, đưa vào các sưu tập, tuyển tập, in ra, giới thiệu với công chúng ra sao? Liệu tất cả những gì từng nảy sinh dưới ngòi bút nhà văn quá cố đã được bọn hậu thế chúng ta thu lượm, tái công bố cho công chúng hết cả chưa?

Kinh nghiệm làm nghiên cứu cho tôi thấy, ở Việt Nam ta, công việc sưu tầm di sản sáng tác của các tác gia đã quá cố, rất ít khi được thực hiện chu đáo. Ấy là chưa kể đến những thiếu hụt rất lớn về tư liệu sách báo lưu trữ.

Người ta biết: Cuối 1951 Nam Cao hy sinh. Năm 1956 truyện dài Sống mòn (viết 1944, bản thảo viết tay của Nam Cao do Tô Hoài cung cấp) được đưa in. (Thật ra, đây là thực hiện một việc đã trù định từ trước kháng chiến, chứng cứ là trên bìa 4 tạp chí Tiên phong của Hội VHCQ số 21, ngày 16.10.1946, đã quảng cáo sắp in tiểu thuyết “Sống mòn” của Nam Cao).

Tôi nhớ một việc. Không rõ bản thảo Sống mòn được quản lý ra sao mà ngay những năm 1960s, một chuyên gia Liên Xô là N. Nikulin đến Hà Nội, muốn làm rõ một số từ ngữ dị bản mà ông xem thấy trên bản in so với trang bản thảo được chụp ảnh in ở ngay đầu sách Sống mòn ấy. Đã không ai trong giới nhà văn ở Hà Nội có thể giúp được học giả Nga! (tức là sau khi in sách lần đầu, bản thảo Sống mòn đã bị thất lạc đâu đó, mà đây là bản viết tay của chính tác giả!).

Rồi cuốn nhật ký ở Việt Bắc của Nam Cao, do bạn văn ông là Tô Hoài giữ, nghe nói sau đó đưa cho ai đó trong giới phê bình nghiên cứu mượn, rồi nghe nói cũng đã bị thất lạc (?).

Về việc làm tuyển tập, Nam Cao thuộc trong số tác gia đầu tiên tham gia cách mạng và kháng chiến được hưởng quy chế làm tuyển tập tác phẩm, ngay trong thời bao cấp. Lần lượt đã có những tuyển tập Nam Cao, được biên soạn bởi Hà Minh Đức (1975), Phong Lê (1987); các bộ tuyển này sau đó được in lại nhiều lần.

Năm 1988 tập chí “Tác phẩm văn học” của Hội nhà văn VN và nhà xuất bản Tác Phẩm mới của Hội cho in sưu tập Những cánh hoa tàn gồm trên dưới một chục truyện ngắn Nam Cao, chưa từng có trong hai bộ tuyển tập kể trên; đây vốn là những truyện Nam Cao do nhà giáo Nguyễn Hoành Khung sưu tầm dùng làm tài liệu giảng dạy trong nhiều năm; lời bạt sưu tập Những cánh hoa tàn do nhà giáo Hà Minh Đức viết.(1)

Đầu thế kỷ XXI lại xuất hiện bộ Toàn tập tác phẩm Nam Cao (Hà Minh Đức biên soạn, Nxb. Công an nhân dân, T1: 2002, T.2: 2004).

Thế nhưng trong các bộ “tuyển tập”, “toàn tập” kể trên vẫn thiếu vắng khá nhiều tác phẩm mà Nam Cao lúc sinh thời từng viết và đăng báo!

Ngay truyện dài "Truyện người hàng xóm" của Nam Cao, đăng tuần san Trung Bắc chủ nhật (từ s. 197, ngày 2.4.1944 đến s. 220, ngày 17.9.1944), đã là đối tượng của một luận án sau đại học hồi những năm 1990s, nhưng dù chờ đợi cũng không thấy truyện này tái bản thành sách riêng; chỉ có một vài đoạn trích được đưa vào một vài bộ tuyển. Chưa kể 4 cuốn truyện dài (Cái bát; Một đời người; Cái miếu; Ngày lụt) được biết, Nam Cao đã bán đứt bản thảo cho (một vài?) chủ xuất bản, và mất hẳn bản thảo!

Rốt cuộc, đối với tên tuổi Nam Cao, người ta sẵn sàng truy phong các danh hiệu, sẵn sàng truy tặng các giải thưởng, sẵn sàng cho lập nhà lưu niệm; nhưng tác phẩm thì phó mặc! Phó mặc cho ai? Có lẽ cho giới nhà văn, giới nghiên cứu? Đến lượt mình, giới nhà văn, giới nghiên cứu chừng như đều “cầm lòng vậy” trước tình trạng dở dang về di sản chữ nghĩa của tác gia này.

Nghĩa là, những tác phẩm mà hậu thế đã nắm được văn bản, đã đưa vào các bộ tuyển kể trên, là tạm đủ rồi! Không một khuyến nghị nào được đề xuất, ví dụ yêu cầu lục lọi các nguồn, tìm cho ra những tác phẩm được cho là đã biết tên nhưng không còn văn bản!

Một số nỗ lực kiểm kê trong các cuốn Nghĩ tiếp về Nam Cao (nhiều tác giả, Viện Văn học và Hội VHNT Nam Hà đồng chủ trì biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn, H., 1992), Nam Cao, - Về tác gia và tác phẩm (Viện Văn học chủ trì, Nguyễn Bích Thu biên soạn, sách in 1998) thường chỉ có thư mục nghiên cứu, không có thư mục tác phẩm Nam Cao. Hai công trình này đều chưa vượt được những kê biên và dẫn giải của nhóm soạn giả Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30A (Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Dung, Trần Hữu Tá) hồi những năm 1980s, dù những kê biên trong đó chưa đầy đủ, thậm chí bỏ qua những thứ chỉ được ghi chung chung “và một số truyện thiếu nhi”.

Quả thật, quanh tên tuổi Nam Cao, người ta thấy đã có sẵn mấy cái tên sáng giá: Tô Hoài, Hà Minh Đức, Phong Lê. Vậy nên, hễ cần biết gì đó liên quan tiểu sử Nam Cao, các nhà báo bèn đến hỏi người bạn văn của ông là Tô Hoài; hễ cần biết gì đó liên quan tác phẩm Nam Cao, các nhà báo bèn hỏi Hà Minh Đức, tác giả cuốn nghiên cứu đầu tiên về Nam Cao (1961) hoặc Phong Lê, là một trong số những chuyên gia hàng đầu của Viện Văn học về Nam Cao! Rút lại, độc giả chỉ được những dữ liệu ngày càng chung chung.

Thế nên, trong thực chất, chúng ta đang bỏ quên Nam Cao! Nếu chưa quên hoàn toàn thì ít nhất cũng quên rằng hậu thế chúng ta chỉ mới biết được một phần cái thế giới ngôn từ chữ nghĩa mà nhà văn này sáng tạo ra. Người ta nhặt ra vài đoạn tác phẩm Nam Cao để dạy học trò phổ thông. Chỉ thế rồi thôi!

Vậy thì, các tác phẩm mà Nam Cao viết ra và đã từng đưa in báo hoặc in sách trong sinh thời nhà văn, đã được tìm ra và đưa hết vào các bộ Tuyển tập, Toàn tập tác phẩm của nhà văn này chưa?

Chắc hẳn phải khảo sát lại rồi mới có thể trả lời.

THỬ DÒ THEO MẤY NGUỒN ẤN PHẨM

Trong số các dạng ấn phẩm được in ra và phát hành ở Việt Nam thời kỳ thực dân (trước 1945), không chỉ có sách (thuần túy) và báo (thuần túy). Còn có loại nửa sách nửa báo; – đây có thể coi là những sản phẩm của việc doanh nghiệp làm sách đối phó với quy chế quản lý báo chí xuất bản của nhà cầm quyền.

Nhà cầm quyền (thực dân) định giá giấy để in báo, tạp chí rẻ hơn giấy để in sách, đồng thời định mức thuế đánh vào ấn phẩm sách cao hơn ấn phẩm báo chí; các chủ xuất bản bèn làm ra loại ấn phẩm theo nghi thức tờ báo, nhưng thực chất là những cuốn sách.

Những series của nhà sách Tân Dân như "Phổ thông bán nguyệt san", "Phổ thông chuyên san", "Truyền bá", "Phổ thông tuổi trẻ", là như thế.

Theo cách này, hàng trăm tác phẩm, nhiều nhất là truyện dài, truyện vừa, chùm truyện ngắn của nhiều tác giả Việt Nam đã được in ra với giá bán phổ thông.

Đến những năm 1939-1940, lại xuất hiện quy chế mới: in sách thì phải đưa bản thảo kiểm duyệt trước; in báo, tạp chí thì in xong mới trình kiểm duyệt; do đấy, càng thêm nhiều chủ nhà sách khác làm theo cách của Tân Dân.

Nhà sách Hàn Thuyên ra tạp chí "Văn mới" để in một loạt nhiều cuốn sách nghiên cứu, cả một ít sách truyện. Nhà sách Cộng Lực ở số 9 rue de Takou (Hàng Cót), Hà Nội ra "Sách Hoa Mai", nói là theo kiểu Livre Rose của Pháp. Một tư nhân ở 40 Hàng Đồng là Phùng Văn Hợp, ra loại Sách Bọ Ngựa, hướng tới độc giả thanh thiếu nhi. Nhà sách Kiến Thiết, ở số 4bis, Borgnis Desbordes (Tràng Thi) Hà Nội, ra loại "Nhi đồng họa bản", v.v.

Ấy là chỉ kể theo tầm hiểu biết ngẫu nhiên.

Hầu hết các ấn phẩm này xuất bản theo dạng bán nguyệt san (2 kỳ/tháng); mỗi kỳ thường gồm 36 trang khổ nhỏ (19x13 cm), với 32 trang ruột, tức là 2 tay sách in, cộng với 4 trang bìa (gọi là bìa, thực ra cùng loại giấy in các trang ruột sách); giá bán mỗi số chừng 0$10 (một hào), đến những năm 1944-1945, giá giấy được coi là đắt hơn, giá bán mỗi cuốn lên 0$20 (hai hào), có lúc tăng lên đến 0$50 (năm hào).

Cần lưu ý rằng, đối với loại ấn phẩm này (là sách nhưng gắn với nhau trong dạng thức báo chí), hầu hết các kho sách, các thư viện chỉ ghi nhận chúng như những cuốn sách đơn (single book) theo tên (titre) tác phẩm, và thường bỏ qua dấu hiệu séries sách, tức đơn vị “báo chí” xét về hình thức.

Rất hiếm khi tìm thấy trong các bảng thư mục của các thư viện những đơn vị ấn phẩm như “Truyền bá”, “Phổ thông bán nguyệt san”, “Hoa mai”, v.v.

Các nhà quản trị thư viện có lý của họ, nhưng cách thức biên mục như vậy lại đã bỏ sót một loại từ khóa đáng kể, nhờ đó có thể lần tìm đến những cuốn sách vốn được kết dính nhau (một cách hờ hững, ngẫu nhiên) bởi dấu hiệu này, trong các kho sách cũ!

Tôi nhắc tới loại ấn phẩm kể trên ở thị trường sách báo Việt, trước hết là thị trường sách báo Hà Nội, thời 1930-1945, là vì loại sách séries, vừa là sách vừa là tạp chí này lại liên quan khá rõ với việc công bố, đăng tải tác phẩm của nhà văn Nam Cao hồi sinh thời, một mảng mà các nhà nghiên cứu về văn nghiệp Nam Cao còn bỏ sót (chính nhóm soạn giả tập 30A Tổng tập văn học Việt Nam đã bỏ qua không kê biên các tác phẩm Nam Cao trong các séries sách báo).

***

Có lẽ Nam Cao bắt đầu viết văn khi đang làm thư ký hiệu may Ba Lễ ở Sài Gòn. Trên một số kỳ của tờ Sài Gòn tiểu thuyết tùng thư (của nhóm Hoàng Trọng Miên; bộ sưu tập tờ này hiện còn một ít số tại Thư viện Tổng hợp Tp.HCM.) năm 1936, thấy có chỗ thông báo trong hộp thư tòa soạn: “Ông Thúy Rư: có được 2 bài của ông, cần phải xem lại”! (2) Có lẽ Thúy Rư này chính là Trần Hữu Trí, tức Nam Cao.

Tuy nhiên, những trang viết của Nam Cao được đăng báo lần đầu, có lẽ không phải trên một tờ báo nào tại Sài Gòn, mà chính là trên báo chí ngoài Bắc, tại Hà Nội.

Theo những dữ liệu của nhóm soạn giả tập 30A Tổng tập văn học Việt Nam dẫn trên, thì những năm 1936-1940, Trần Hữu Trí dưới các bút danh Thúy Rư, Nguyệt, Xuân Du, đã có thơ, truyện ngắn, kịch ngắn đăng trên những ấn phẩm ra hàng tuần như Tiểu thuyết thứ Bảy Ích hữu của nhà sách Tân Dân (chủ nhiệm Vũ Đình Long, trụ sở 93 Hàng Bông, Hà Nội); đôi khi đưa đăng tuần báo Hà Nội tân văn (sáng lập: Vũ Đình Dy, chủ bút: Vũ Ngọc Phan).

Năm 1941, tập truyện Đôi lứa xứng đôi, ký tên tác giả là Nam Cao, được in thành sách riêng tại Nxb. Đời mới (48-62, Hàng Cót, Hà Nội); đây là cuốn sách in đầu tiên của tác giả này.

Từ đấy bút danh Nam Cao được sử dụng như bút danh chủ yếu của Trần Hữu Trí.

Hàng mấy chục truyện ngắn đăng Tiểu thuyết thứ Bảy, liền trong các năm 1941 đến 1944, khiến uy tín ngòi bút Nam Cao tăng lên. Một vài tay bút đàn anh như Lê Văn Trương, Vũ Bằng đã sớm nhận ra và đánh giá cao tài năng của nhà văn trẻ này, nhưng dư luận xã hội khi ấy đang ngợp trong những âu lo dồn dập theo diễn biến của chiến tranh thế giới thứ hai; các thông tin dư luận văn nghệ cố nhiên bị chìm đi.

Phần lớn các truyện ngắn Nam Cao mà hiện nay đã rất phổ biến, là có nguồn từ Tiểu thuyết thứ Bảy. Đây là một ấn phẩm văn học in dấu nhiều tên tuổi, nhiều đoạn đường văn học sử, khởi đầu từ 1934 (s. 1 ra ngày 2.6.1934), chưa rõ kết thúc lúc nào (Thư viện quốc gia đưa lên mạng số sớm nhất, s. 266, ra ngày 8.7.1939, muộn nhất là số 11 /loại mới/, ra 13.5.1950; song có người cho biết, đến 1955 tờ này còn hoạt động?).

Các ghi chép thống kê tác phẩm Nam Cao ở Tổng tập văn học Việt Nam tập 30A, chủ yếu cũng là từ Tiểu thuyết thứ Bảy. Song, chính các sưu tập "Tiểu thuyết thứ Bảy" tại các kho lưu trữ, thư viện, hiện đều ở tình trạng thiếu thốn.

Về série Truyền bá (cũng được gọi là tuần báo) của nhà sách Tân Dân, theo một bản kê sơ bộ (3), từ 25.8.1941 đến 20.9.1945, loại ấn phẩm này ra được 190 kỳ, trong đó tác phẩm Nam Cao mà tôi mới tìm lại được, là: – Người đàn bà nuôi rắn (Tr.B., s. 153, ngày 9.11.1944); – Áo vải (Tr.B., s. 170, ngày 29.3.1945); – Người câm biết nói (Tr.B., s. 184, ngày 9.8.1945).

Hiện vẫn còn những tác phẩm Nam Cao trong serie này chưa tìm thấy văn bản: – Hoàng hậu Yết-Tê (Tr.B., s. 157, ngày 7.12.1944); –Thằng khờ (Tr.B., s. 163, ngày 25.1.1945); – Anh cóc kệu (Tr.B., s. 179, ngày 5.7.1945); – Người Mường (Tr.B., s. 189, ngày 13.9.1945).

Loại "Sách Hoa Mai" của nhà xuất bản Cộng Lực thì hiện chưa thấy ai khảo sát thống kê. Căn cứ vào các trang quảng cáo in trong các tập Sách Hoa Mai hiện còn, ta có thể biết rằng series sách này bắt đầu xuất bản trong tháng 9/1941, mỗi tháng ra 2 cuốn, thường là vào các ngày 1 và 15.

Những tác phẩm Nam Cao in trong loại này đã tìm thấy và đưa vào sưu tập "Những cánh hoa tàn" (Nxb. Tác phẩm mới, 1988) là: – Nụ cười (HM. 6; ra ngày 1.12.1941);

Người thợ rèn (HM. 23; ngày 1.10.1942);

Những tác phẩm Nam Cao in trong loại "Sách Hoa Mai" tôi mới tìm thấy (2021) là: – Con mèo mắt ngọc (HM. 10; ngày 1.2.1942); – Ba người bạn (HM. 13; ngày 1.5.1942); – Những trẻ khốn nạn (HM. 17; ngày 1.7.1942, và HM. 18; ngày 15.7.1942); – Bảy bông lúa lép (HM. 40; ngày 1.2.1944).

Một số tác phẩm của Nam Cao in sách Hoa Mai nhưng hiện chưa tìn thấy văn bản là: – Đầu đường xó chợ (HM. 27; khoảng tháng 11.1942; đây là phần truyện tiếp theo Những trẻ khốn nạn); – Phiêu lưu (HM. 34; ngày 15.12.1942).

Tập truyện Nửa đêm của Nam Cao cũng do nhà Cộng Lực xuất bản (1943) nhưng không nằm trong loại sách Hoa Mai.

Một tư nhân làm xuất bản khác là Phùng Văn Hợp ở số 40 Hàng Đồng, Hà Nội, đã dựa vào tác phẩm của Nam Cao để mở đầu loại "Sách Bọ Ngựa" của mình.

Cuốn truyện Đảo Hang Cọp của Nam Cao được ghi tên thể loại là “truyện phiêu lưu” (bìa 1 có tên nhà xuất bản: Éditions Bách Việt; và bìa 4 ghi giấy phép in số 268 ký ngày 2.10.1942) dường như mở đầu cho loại sách này. Hiện không có tư liệu để biết hoạt động tiếp theo của série sách này ra sao.

Một loại ấn phẩm tương tự nữa mà Nam Cao tham dự, là "Nhi đồng họa bản" của nhà sách Kiến Thiết, ở số 4bis, Borgnis Desbordes (Tràng Thi) Hà Nội. Chưa có tư liệu để biết chừng trên 10 kỳ đầu của série "Nhi đồng họa bản" này ra sao; chỉ biết số 12 và số 13 in truyện "Thám hiểm châu Phi" của Nam Cao, dường như in và phát hành cùng lúc cả hai tập (bút tích nộp lưu chiểu ghi cùng ngày 28.10.1942).

Chủ xuất bản dàn trang theo hình thức báo chí: ở mỗi cuốn, trang 2 (bìa 2) và khoảng 3-4 trang cuối là một truyện rất ngắn của tác giả khác, và một vài trang tranh đố và giải đố tranh ở kỳ trước; còn lại, hầu hết các trang ruột đều dành cho "Thám hiểm châu Phi" của Nam Cao.

Trên đây là khảo sát và mô tả xuất xứ những tác phẩm của Nam Cao vừa tìm lại được văn bản.

Tiện thể nói thêm, những văn bản tác phẩm này được lưu giữ từ nguồn sách nộp lưu chiểu mà chính quyền thực dân Pháp đưa thành quy chế thi hành tại Đông Dương từ năm 1922. Ngoài số bản lưu tại Thư viện trung ương ở Hà Nội (nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam), mỗi tên (titre) sách báo nộp lưu chiểu đều được gửi ít nhất 1 bản (exemplaire) sang Thư viện quốc gia Pháp tại Paris.

Những năm 1950-1960s, ở hệ thống thư viện Âu Mỹ, hầu hết các văn bản in giấy đang lưu trữ đều được chụp rửa ảnh dương bản để tập hợp thành kho tư liệu microfic (kho phim dương bản), phục vụ độc giả tại những phòng đọc có trang bị máy đọc và máy in phóng ảnh (photocopy), thay cho đọc trực tiếp sách giấy.

Sang thời kỳ có internet, kho tư liệu microfic ấy lại dần dần được chuyển đổi thành bản pdf để có thể đưa lên mạng, có thể mở đọc trên computer.

Tôi được biết, từ những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Thư viện quốc gia Pháp đã gửi tặng Thư viện quốc gia Việt Nam một số lượng khá lớn bản microfilm sách tiếng Việt xuất bản ở Việt Nam trước 1945 hoặc trước 1954. Nhưng do thư viện ở ta có khá ít máy đọc microfilm nên bạn đọc và người nghiên cứu hơi khó tiếp cận khai thác kho tài liệu trên đây.

Vài năm gần đây, Thư viện quốc gia Pháp đã đưa lên mạng internet các bản pdf sách chữ Việt nộp lưu chiểu trước 1954 hoặc trước 1945 kể trên. Việc này tạo thuận lợi đáng kể cho giới nghiên cứu và những bạn đọc có quan tâm.

Toàn bộ 9 tác phẩm của Nam Cao mới tìm lại được văn bản kể trên, đều lấy từ nguồn của Thư viện quốc gia Pháp (trang Gallica.bnf.fr).

Trong số ấn phẩm thuộc hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (1943-1947), lưu trữ tại Thư viện quốc gia ở Hà Nội, có một số cuốn in tác phẩm Nam Cao.

– Cuốn "Năm anh hàng thịt" (1945) thuộc tủ sách “Gương chiến đấu”; – cuốn "Căm hờn" (của nhiều tác giả trong hội Văn hóa cứu quốc), có bài “Một cuộc đốt làng” của Nam Cao. Đây là hai tác phẩm chưa từng được in lại, cũng chưa từng được đưa vào cuốn tuyển nào.

Tôi thực hiện việc kiểm đếm này với giả định rằng, những tác phẩm Nam Cao viết, đưa đăng báo, in sách trong kháng chiến (từ 1947 đến khi Nam Cao hy sinh, 28.11.1951), đều đã được các soạn giả đưa vào các bộ Tuyển tập hoặc Toàn tập đã kể ở phần đầu bài viết. Bởi vậy, tạm thời chưa kiểm đếm lại mảng tác phẩm này.

Song có lẽ vẫn nên để ngỏ câu hỏi: mấy tờ báo địa phương của tỉnh Hà Nam thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp 1946-1948 liệu có còn? Liệu có thể tìm thấy những bài viết của Nam Cao trên mấy tờ báo này?

Nhân đây, cần nói thêm rằng: tra nguồn sách lưu trữ tại Thư viện quốc gia, 31 Tràng Thi, Hà Nội (http://nlv.gov.vn), vẫn có thể thấy Nam Cao có chừng dăm cuốn “Địa dư” nữa: – "Địa dư Việt Nam", thuộc “Loại sách tìm biết” do Cứu Quốc trung ương xuất bản tại Việt Bắc (107 tr. 18cm) do Văn Tân và Nam Cao soạn (hiện còn bản in lần thứ hai, 1949, và bản in lần thứ ba, 1950).

Cũng thuộc loại sách này và của hai soạn giả này còn thấy: – "Địa dư các nước châu Âu" (bản in lần 4: 86 tr. 19cm); – "Địa dư các nước châu Á" (bản in lần 4: 55 tr. 19cm); – "Địa dư các nước châu Úc và châu Phi" (bản in lần 3: 78 tr. 18cm).

Tôi nhớ, trong các thống kê danh mục bài nghiên cứu về tác gia Nam Cao, chưa thấy ai nhắc tới các trứ tác này.

Như vậy, có thể nói, mặc dù các tác phẩm đã được làm thành Tuyển tập, Toàn tập một vài lần, song tác gia Nam Cao vẫn còn khá nhiều tác phẩm đã từng đăng báo trong sinh thời ông, nhưng đến nay vẫn chưa được tìm lại, chưa được đưa vào các sưu tập.

Những kết quả khảo sát trên đây, tôi đã thông báo với các bạn đang làm việc tại nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Các bạn ủng hộ ý định của tôi là soạn thành một sưu tập những tác phẩm mới phát hiện lại được kể trên của Nam Cao. Tôi và biên tập nhà xuất bản lấy tên một truyện trong số này là Người câm biết nói để gọi tên sưu tập.

***

MẤY NHẬN XÉT VỀ CÁC TÁC PHẨM

Ngay trong lúc tôi đang tìm tòi thực hiện sưu tập này, có những bạn quen đã hỏi: liệu những văn bản tác phẩm mới tìm lại này có giá trị ra sao? Có được như những tác phẩm đã biết của Nam Cao?

Tôi có thể đáp ngắn gọn: những gì thuộc ngòi bút Nam Cao luôn luôn mang đặc trưng của lối viết Nam Cao.

Tôi cũng quê Hà Nam, cùng tỉnh với Nam Cao. Lần này đọc lại văn ông, tôi càng nhận rõ là Nam Cao đưa khá nhiều phương ngữ Hà Nam, – hay rộng hơn, phương ngữ vùng Sơn Nam hạ, tức vùng cư dân phía nam đồng bằng sông Hồng – vào lời văn kể chuyện, thậm chí cả văn tùy bút, bút ký. Đây chính là một đặc điểm về lời văn của những nhà văn có xu hướng miêu tả phong tục. Không chỉ mô tả ngoại hình, hành vi nhân vật, nhà văn kiểu này còn chú ý lắng nghe giọng nói của nhân vật, và trong lối viết, gắng làm cho công chúng, chừng nào đó, cũng nghe ra sắc thái giọng nói các nhân vật, nhất là khi họ nói tiếng Việt – như Nam Cao –, và cây bút ông thì cũng miêu tả họ bằng tiếng Việt.

Chợt nhớ một luận điểm của học giả M. M. Bakhtin (1895-1975): Trong tiểu thuyết, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện miêu tả mà còn là đối tượng miêu tả.(4) Chính đây là điều còn ít được đề cập trong phê bình nghiên cứu.

Nếu so sánh với những truyện ngắn đã phổ biến, tức là hầu hết những truyện ngắn Nam Cao đăng Tiểu thuyết thứ Bảy, thì các tác phẩm mới tìm lại là “truyện” (với hàm nghĩa “truyện vừa” chứ không phải “truyện ngắn”), dung lượng mỗi truyện khoảng 5 - 7 ngàn từ hoặc dài hơn; thường in vừa vặn trong hai tay sách khổ 13x19cm, gọn trong một kỳ; nếu dài hơn sẽ đăng thành vài ba kỳ.

Các dấu hiệu tôn chỉ của mỗi séries sách có chi phối các tác phẩm hay không?

Dường như là có.

Nhà sách Tân Dân chủ trương sách đăng tuần san Truyền bá là sách cho thanh thiếu nhi, “giáo dục, nhưng giáo dục một cách vui-vẻ, chứ không khắc-khổ, khô-khan”(5). Nhà Cộng Lực nói rõ “Chúng tôi ra loại sách Hoa Mai phỏng theo loại sách Livre Rose của nước Pháp, sách đẹp, giá rẻ, có tính cách luân lý hoặc lịch sử, hoặc khoa học, do những nhà văn có chân tài viết” (6).

Vẫn theo hướng miêu tả phong tục, song nếu ở các truyện ngắn đăng Tiểu thuyết thứ Bảy, Nam Cao có không ít trang nhấn vào những cảnh ngộ đói khổ, những thói tật của con người, nhất là tật xấu của “người nhà quê”, thì ở các truyện đưa đăng các loại sách serie Hoa mai hay Truyền bá, ông hướng tới những nét tính cách lạ, hay, đáng khen của con người, đôi lúc như để nêu gương, tuy không quá khiên cưỡng. Ngòi bút Nam Cao như không ngại kiểu truyện luận đề, bởi biết thuyết phục bằng những trải nghiệm thực. Ta sẽ thấy rõ điều này qua truyện Áo vải (tuần san Truyền bá, s. 170, ngày 29.3.1945).

Truyện Ba người bạn (Sách Hoa mai, s. 13, tháng 5.1942) cũng vậy. Ở truyện này dường như có dấu vết kỷ niệm thời tác giả từ làng quê Đại Hoàng ra Nam Định học cao đẳng tiểu học. Ba người bạn cùng lớp, ở đầu truyện xung đột nhau đến mức tàn tệ, vậy mà đến cuối truyện lại thành một bộ ba gắn bó thân thiết, biết giúp nhau trên đường học hành tu nghiệp.

Trên đề tài nông thôn, ở loạt tác phẩm mới tìm lại được này, tôi đặc biệt đánh giá cao hai tác phẩm. Một là truyện Những trẻ khốn nạn (Sách Hoa mai s. 17 và s. 18, tháng 7.1942) và hai là truyện Áo vải (Truyền bá, tháng 3.1945).

Từng có ai đó viết tạt ngang rằng Những trẻ khốn nạn là phóng tác truyện “Sans famille” (1878, “Không gia đình”) của nhà văn Pháp Hertor Malot (1830-1907). Tôi nghĩ nhận định ấy thiếu căn cứ. Có thể thấy ở Nam Cao dự kiến sơ đồ một loạt truyện trải dài theo không gian và thời gian, nối một làng quê Bắc Kỳ (như làng Đại Hoàng quê tác giả) với các đô thị Nam Định, Sài Gòn, những năm 1930-1940, dù mỗi lần chỉ đưa ra khá ít nhân vật. Đây là chuyện một gia đình nghèo, chồng phải vào tận Sài Gòn làm ăn; một ngày kia người vợ được tin chồng ốm nặng, có thể chết. Chị phải bán hết thửa đất và ngôi nhà, bán cả đứa con trai lớn cho một điền chủ hiếm con trong làng, được một số tiền, rồi bế đứa con mới đẻ ra ga lên tàu hỏa vào Sài Gòn thăm nuôi chồng đang nằm một nhà thương nào đó. Câu chuyện được kể từ cảm nhận của Tích, nhân vật chính của truyện, cậu bé chừng sáu, bảy tuổi. Bị bán làm con nuôi bà lý, Tích phải chịu đựng những trò chơi quái ác của thằng Ấu, con bà chủ. Không chỉ Tích, một đứa con nuôi khác, cái Mơ, cũng bị bán từ nhỏ vào nhà này; hàng ngày, cứ buổi tối, thằng Ấu lại mách mẹ các thứ “tội” của bọn con nuôi và đầy tớ; bà chủ sẽ mắng chửi, đánh đập kẻ này đứa nọ để vừa lòng thằng con hiếm vốn được nuông chiều của bà ta. Bị thêm trận đòn vì bà chủ nhận thấy một cây mía bị bẻ trộm, Tích và Mơ rình và nhân đó biết đến nỗi đau khổ của Nghinh, một trẻ con nhà nghèo hàng xóm, thiếu sữa cho đứa em mới đẻ vì mẹ ốm nặng, phải chui sang vườn bà lý bẻ trộm mía lấy nước mía mớm cho em nhỏ, nhưng cũng không cứu được đứa em. Bọn trẻ nghèo này chơi với nhau, cùng nhau đối phó với thằng Ấu, khiến nó chọc tổ ong, bị đốt sưng mặt; nhưng hai đứa lại bị thêm trận đòn nữa. May cho Tích, một ngày kia có người được bố mẹ nó từ Sài Gòn nhờ đem tiền về chuộc nó ra khỏi nhà chủ, đưa vô Sài Gòn với bố mẹ. Truyện Những trẻ khốn nạn chấm dứt ở đấy, nhưng tiếp theo, ở cuốn Đầu đường xó chợ (Sách Hoa mai s. 27, hiện chưa tìm thấy văn bản), Tích vô Sài Gòn với bố mẹ, rồi phải sống với những trẻ khốn khổ của phố phường, dưới bàn tay chỉ huy tàn nhẫn của một tên ăn mày có tiền cho vay nợ lãi (theo thông tin quảng cáo cuối sách).

Đọc Những trẻ khốn nạn có thể cảm nhận một lòng thương vô hạn Nam Cao dành cho những đứa trẻ nhà nghèo; chúng không chỉ mất cha mẹ, thất học, ăn đói mặc rách, mà còn bị bắt làm việc quá sức, bị hành hạ, đánh đập. Ông cũng cho thấy những nết tốt ở các em: sự trung thực, tình thương bạn trẻ cùng cảnh ngộ, lòng căm ghét những kẻ áp chế người khác. Có thể tìm thấy ở truyện này những đoạn văn tuyệt tác về tình mẫu tử, ví dụ đoạn ba mẹ con trong đêm ly biệt, một cảnh “vừa êm đềm vừa đau đớn”. Đoạn văn này dưới tay bút Nam Cao chắc chắn là xuất sắc hơn hẳn đoạn văn tả chị Dậu với đứa con bị bán cùng đàn chó, dưới tay bút Ngô Tất Tố trong Tắt đèn. Thiết nghĩ, đoạn văn này rất xứng đáng được sử dụng làm bài giảng văn cho học trò.

Truyên Áo vải (tuần báo Truyền bá, s. 170, ngày 29.3.1945) lại bộc lộ cái nhìn thiện cảm đầy trân trọng của Nam Cao đối với “người nhà quê”. Không khí chiến tranh thế giới lan đến xứ này, các thành phố lớn như Hải Phòng, bị ném bom, dân thành phố chia nhỏ gia đình, tản cư về các vùng quê. Bà Hoan Ký từ Hải Phòng đưa hai con về gửi nhà chị cu Thiêm ở một làng quê xa. Xưa kia chị là vú em nhà bà, đã có lòng thương, giúp bà, khi ấy là cô gái mồ côi, ở với gia đình người anh cùng cha khác mẹ, thường bị chị dâu và các cháu hất hủi; có lần bà ốm nặng, được người vú em ấy bỏ tiền riêng mua thuốc cho nên khỏi bệnh. Tình thân giữa hai người còn tiếp tục khi chị vú về quê lấy chồng, còn cô em ông chủ lấy được người chồng tháo vát, mau chóng thành nhà buôn giàu. Nhưng bà Hoan Ký và hai con ở quê chị cu Thiêm chưa bao lâu thì nghe tin nhà bà ở Hải Phòng trúng bom; bà gửi hai con, Châu và Hải, lại nhà anh chị cu Thiêm, ra tàu hỏa về Hải Phòng. Hai đứa Châu và Hải đi học trường làng với con chị cu Thiêm, quen dần với cuộc sống làng quê. Nhưng rồi ông Hoan Ký tìm về, báo tin bà Hoan bị bom chết, cơ nghiệp nhà ông đã tan, nhưng ông tin sẽ làm lại được; ông lại đưa hai con lên tỉnh ở nhà ông bà tham là cậu mợ chúng, vì ở tỉnh sạch hơn ở quê, học trường tỉnh có thầy dạy tiếng Pháp. Ít lâu sau bố con anh cu Thiêm đi bộ ra tỉnh thăm Châu và Hải, nhưng lại bị con cái nhà ông tham chế giễu là nhà quê, hai đứa Châu và Hải cũng ngượng không dám tiếp chuyện; hai bố con bực tức trở về, cảm thấy như bị phản bội. Rồi có tin ông Hoan chết, vợ chồng ông tham bị thiệt hại nặng, vì trót đưa ông Hoan một số vốn lớn cho một vụ làm ăn gì đó, nay ông chết nên họ mất hết. Bà tham đổ bực bội lên đầu hai cháu: bà buộc hai đứa nghỉ học, tự tìm việc nuôi thân. Hai đứa đến làm thuê kéo sợi ở một xưởng dệt, ở tạm ngay trong xưởng, cảnh ngộ rất đáng ngại. Một ngày kia, chị cu Thiêm ra tỉnh mua mấy cân bông và sợi, vào một xưởng nọ, bỗng bắt gặp hai đứa trẻ hao hao như Châu và Hải. Chị đến tận nơi, đúng là hai đứa trẻ ấy, đang ở cảnh khó khăn; chị quyết định đón hai đứa về nhà mình, đi học và làm việc cùng các con chị, trở thành con cái nhà anh chị. Những lời này của bà Hoan Ký, chứa đựng sự khẳng định của tác giả: “Tôi cho chúng nó về đây, là để chúng nó nếm qua cái vị nhà quê, kẻo chúng nó quen ăn ngon mặc lành mãi, không biết rằng còn có những người ăn đói mặc rách, khổ sở như thế nào. Với lại cũng để cho chúng nó được gần gũi một ân nhân của mẹ chúng nó xưa, một con mẹ nhà quê chỉ mặc áo vải suốt đời, nhưng còn đáng trọng bằng mười kẻ mặc lụa là gấm vóc”. Truyện Áo vải của Nam Cao còn như báo trước sự trải nghiệm của những “thị dân xã hội chủ nghĩa” sơ tán về các vùng thôn quê hợp tác xã ở miền Bắc, những năm 1964-1975!

***

Như đã nói trên, sách trong các series Hoa mai, Bọ ngựa, Truyền bá, Nhi đồng họa bản, đều nhắm đến độc giả niên thiếu. Can dự sách văn học ở khu vực thể tài ấy, ngòi bút Nam Cao không chỉ mô tả, thể hiện đời sống đương thời ở làng quê, mà còn mở rộng khả năng sáng tác của mình sang các phạm vi khác: viết mới truyện cổ tích, viết truyện phiêu lưu, truyện hình sự, v.v.

"Con mèo mắt ngọc" (Sách Hoa mai, s. 10, Tết 1942) là một sáng tác cổ tích đặc sắc, một kiểu truyện Tấm Cám được viết mới lại.

Ở truyện này, Nam Cao tự chứng tỏ không chỉ nắm vững và giỏi vận dụng các motif truyện cổ tích, mà còn dám và biết đưa vào tác phẩm những yếu tố của tự sự kiểu tiểu thuyết.

Cổ tích vốn chỉ có lời kể, không có những mô tả cận cảnh kiểu kịch. Ở "Con mèo mắt ngọc" vẫn có đôi đoạn cận cảnh, ví dụ đoạn Lan luộc miếng thịt lợn, thái ra rồi dọn lên nhà trên cho mẹ con Huệ; dì ghẻ nhón tay bốc đưa lên miệng nhai, không dấu nổi khoái cảm, nhưng lại vờ trách mắng đứa con chồng vụng nấu nướng. – Một chi tiết kiểu tiểu thuyết, vốn không có trong lời kể kiểu truyện cổ tích!

Các truyện "Đảo Hang Cọp" (Sách Bọ Ngựa, tháng 10.1942), "Thám hiểm châu Phi" (Nhi đồng họa bản, s. 12 và 13, tháng 10.1942) đều là truyện phiêu lưu, tuy Đảo Hang Cọp là truyện hư cấu, còn "Thám hiểm châu Phi" lại là chuyện thực về các nhà thám hiểm Anh Mỹ.

Nam Cao đã dùng nhân vật thiếu niên làm điểm tựa trần thuật cho câu chuyện một viên thủ lĩnh toán quân “phản Thanh phục Minh” thất bại, phải làm cướp biển để kiếm sống. Y nhớ lại lởi cha mẹ từ xưa, và cảm thấy có tội. Do gặp cậu bé này, y đã đã thay đổi thái độ, dần dà đi đến quyết định chuyển biến đội quân cướp biển của mình trở thành những người khai khẩn đảo hoang và đánh cá!

Truyện "Thám hiểm châu Phi" miêu tả chuyến thám hiểm vùng hồ Victoria ở đông Phi vào năm 1875 của Henry Morton Stanley (1841-1904), cho thấy hiểu biết sâu rộng, chi tiết của nhà văn Nam Cao về địa lý lịch sử.

Đọc tác phẩm này của Nam Cao, ta sẽ khỏi ngạc nhiên khi được thấy, về sau, trong mấy năm làm báo "Cứu quốc" ở chiến khu Việt Bắc, Nam Cao đã dành thời gian cùng một số người khác, biên soạn một loạt cuốn sách giáo khoa địa lý (châu Âu, châu Á, châu Phi, địa lý Việt Nam), được in lại nhiều lần.

Truyện "Người đàn bà nuôi rắn" (tuần san Truyền bá s. 153, ngày 9.11.1944), tuy nhan đề gợi đến chuyện lạ đường rừng, song câu chuyện lại nhấn vào hoạt động điều tra của một thám tử là hướng đạo sinh. Đằng sau vụ thả rắn giết người giữa thành phố là chuyện một thiếu nữ thiểu số bị ông phán quyến rũ đến có con, rồi ông và gia đình ông lừa dối, lìa bỏ, bắt mất đứa con, khiến cô ta phải báo thù. Cô phạm tội, nhưng chính cái gia đình viên chức ở thành phố kia cũng phạm tội: họ đã làm tan nát cuộc đời cô.

Cuốn "Bảy bông lúa lép" (Sách Hoa mai, s. 40, tháng 2.1944) chỉ gồm ba đoạn rút từ Kinh Thánh (Bible) đạo Thiên Chúa (Christianity).

Đoạn đầu tiên kể vắn tắt truyền thuyết Thượng đế sinh ra loài người, rồi đại hồng thủy, tháp Babel. Đoạn thứ hai kể vắn tắt về Giô-sê, con trai Gia-cốp, thủy tổ của dân Israel. Đoạn thứ ba, kể về đức tin Chúa của Giốp, dù được giàu sang hay bị nghèo khó, dù được khỏe mạnh hay bị tật bệnh, vẫn một lòng tín cẩn kính sợ Chúa; do làm đẹp lòng Chúa nên cuối cùng Giốp lại được khỏe mạnh, giàu có.

Ta biết, gia đình Nam Cao vốn theo Công giáo (Catholicisme). Cuốn "Bảy bông lúa lép" cho thấy Nam Cao không chỉ là một giáo dân như mọi giáo dân, mà còn là một nhà văn, một trí thức Công giáo.

Một điểm đáng kể, ở cuốn này, sau ba đoạn ngắn rút từ kinh thánh, cuốn sách còn dành 10 trang cuối nói về “Nước Việt Nam về thời thượng cổ”, rút từ sách "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim. Cấu tạo một cuốn “sách Hoa mai” theo cách đó, có lẽ là ý chỉ của tác giả Nam Cao trước khi là của nhà xuất bản Cộng Lực. Như vậy, ta có thể nhận xét, Nam Cao đã đem ý thức về tôn giáo của mình và gia đình mình gắn với ý thức về dân tộc mình, tổ quốc mình.

Đoạn đầu sách, các nội dung phần đầu “Sách Sáng thế” trong Cựu ước, từ việc Tạo thành trời đất (đoạn 1), qua Vườn địa đàng (đoạn 2), tới Trận lụt lớn (đoạn 6), rồi tháp Ba-bel (đoạn 11), dừng lại ở việc Chúa chọn Abraham (đoạn 12), Nam Cao chỉ viết gọn trong gần 900 từ.

Thử đối chiếu nội dung các đoạn đầu “Sách Sáng thế” với hai bản mà tôi hiện có. Bản của Thánh kinh hội (Tin lành) Việt Nam (Kinh Thánh, Sài Gòn, in tại Hong Kong, 1973) 12 đoạn này chiếm 12 trang (11x17cm). Bản của Hồng y Trịnh Văn Căn (Kinh Thánh, Tòa Tổng giám mục Hà Nội xb., 1985), 12 đoạn này chiếm 14 trang (21x21cm).

Vậy là ta hình dung được mức độ hết sức vắn tắt của văn bản do Nam Cao thể hiện.

Cuốn "Bảy bông lúa lép" dường như chỉ được nhà Cộng Lực in như một cuốn truyện cổ dành cho thiếu nhi, song đây lại là tài liệu tương đối hiếm để nhà nghiên cứu và bạn đọc có thể hiểu thêm đôi nét về nhà văn Nam Cao, không chỉ như một nhà văn Việt Nam nói chung, mà còn như một giáo dân, một Ki-tô hữu.

Trong “bản đồ” văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến đương đại, sự tồn tại của bộ phận văn học Ki-tô giáo (hoặc Thiên Chúa giáo nói chung, cả Công giáo lẫn Tin lành) – là điều đã được thừa nhận.(7)

Tuy nhiên, điều được quan tâm thường khi không phải những tác giả làm việc chuyên sâu cho bộ phận văn học này, mà lại là khía cạnh niềm tin Thiên Chúa thấm nhuần ra sao nơi tâm hồn và thể hiện như thế nào trong tác phẩm của những tác giả văn học quen biết như Hàn Mặc Tử, Nguyên Hồng, Nam Cao.(8)

Đọc một số truyện trong sưu tập này, như “Người đàn bà nuôi rắn” kể trên, hay như “Ba người bạn”, ta sẽ thấy, dù ở chuyện dan díu rồi bỏ rơi nhau rồi làm chết đứa con chung, đi đến thù hận giữa những người lớn, hay chỉ trong chuyện đùa nghịch giận dỗi hàng ngày của học trò cao đẳng tiểu học, vấn đề về sự phạm lỗi và thú nhận tội lỗi luôn luôn được Nam Cao thể hiện một cách rất mực rạch ròi.

Có lẽ, nếu không có trải nghiệm trong tập quán xưng tội của một Ki-tô hữu, sẽ thật khó để nhà văn có thể diễn giải được như thế.

***

Ta biết, Nam Cao cùng bạn văn thân thiết là Tô Hoài, đã tham gia hội Văn hóa Cứu quốc hầu như ngay từ khi tổ chức này được thành lập (1943). Những hoạt động ban đầu của hội là truyền thụ, huấn luyện hội viên về tôn chỉ của Mặt trận Việt Minh, về các phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” trong phát triển văn hóa. Cố nhiên có thể hỏi: những tinh thần, tư tưởng của Việt Minh, của Văn hóa cứu quốc đã in dấu lên sáng tác của Nam Cao trước ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội (19.8.1945) hay chưa?

Ở truyện Áo vải (Truyền bá, s. 170, ngày 29.3.1945) đã có cảnh anh cu Thiêm ở nhà quê học viết chữ quốc ngữ theo lối đọc i-tờ của hội truyền bá quốc ngữ; ở câu chuyện với chị cu Thiêm, đã thấy bà Hoan Ký nhắc đến hoạt động của hội truyền bá quốc ngữ ở Hải Phòng mà chồng bà có tham gia, khiến chị cu Thiêm mong có những hoạt động ấy ở ngay làng mình.

Truyện Người câm biết nói (tuần san Truyền bá, s. 184, ngày 9.8.1945), một truyện giả-lịch-sử, kể việc các nghĩa sĩ phù Lê trừng trị một viên cường hào tay chân Mạc Đăng Dung tại một vùng đồi núi hẻo lánh. Nhưng câu chuyện thời Lê-Mạc này xem ra lại như phác họa hoạt động của các biệt đội do Việt Minh tổ chức, đi trấn áp các “phần tử Việt gian, phản quốc”, ngay thời tác giả sống và viết.

***

Nhân đây, nói thêm về những tác phẩm Nam Cao viết và in ngay sau những ngày cách mạng tháng tám 1945 cho đến ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946).

Như đã biết, những ngày tháng 8/1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, được cử làm chủ tịch xã của chính quyền mới tại địa phương. Vài tháng sau, ông ra Hà Nội, hoạt động trong hội Văn hóa cứu quốc, làm thư ký tòa soạn tạp chí Tiên phong của hội; rồi tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách phóng viên. Sau đó ông trở ra Bắc. Ít lâu trước ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), ông về quê rồi hoạt động ở ngành văn hóa thông tin của tỉnh Hà Nam, làm các báo Giữ nước, Cờ chiến thắng của tỉnh này. Giữa năm 1947, theo lời mời của Xuân Thủy, chủ nhiệm báo Cứu quốc, Nam Cao lên Việt Bắc làm báo Cứu quốc, đồng thời tham gia các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Nam Cao có cuốn sách mỏng Năm anh hàng thịt được hội Văn hóa cứu quốc in (1945) như cuốn mở đầu loại sách “Gương chiến đấu” của hội. Trong sự kiện “ngày kháng chiến” 5.11.1945 tại hội sở Văn hóa cứu quốc bên hồ Gươm, như đã hẹn nhau trước đó hai ngày, các thành viên có mặt góp bài cho tập sách Căm hờn hưởng ứng cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam chống quân Pháp trở lại gây hấn ở Nam Bộ; Nam Cao góp bài “Một cuộc đốt làng”.

Cả hai bài ngắn “Năm anh hàng thịt” và “Một cuộc đốt làng” đều chủ yếu nhằm phục vụ tuyên truyền, biểu dương tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, tố cáo tội ác của đội quân Pháp đang quay lại tái chiếm xứ này. Chỗ non yếu của hai bài viết mang tính chất báo chí này, là tác giả dường như đã dùng hư cấu để tạo ra một “gương chiến đấu”, hoặc để miêu tả một tội ác của quân Pháp; trong khi ở loại này lẽ ra phải đảm bảo tính xác thực sự kiện của cái được miêu tả! Đấy cũng là chỗ ấu trĩ, non yếu về tư duy nghệ thuật ở thời kỳ đầu của những nhà văn, muốn đạt mục tiêu tuyên truyền nhưng lại sử dụng văn hư cấu, hóa ra làm hại cho chính mục tiêu tuyên truyền!

Ngay sau đó, Nam Cao dường như cẩn trọng hơn. Các truyện “Mò sâm-banh” (Tiên phong, s. 2, ngày 1.12.1945), “Nỗi truân truyên của khách má hồng” (Tiên phong, s. 213 ngày 16.6.1946), dù vẫn nhắm mục tiêu vạch tội ác thực dân, châm biếm những cá nhân hoặc nhóm người Việt cộng tác với quân Pháp, nhưng cách viết thâm thúy hơn.

Thời gian này, dưới tay Nam Cao, văn tùy bút dường như lại hữu hiệu, nếu không hơn thì cũng ngang với truyện. Hai bài “Đường vô Nam” (Tiên phong, s. 10, ngày 1.5.1946), và “Cách mạng” (Tiên phong, s. 18, ngày 2.9.1946) cho thấy điều đó. Bài “Cách mạng” là truyện, nhưng cũng có thể xem như tùy bút, tác giả như nhập thân vào nhân vật chính, bao quát những điều Nam Cao cảm nhận về thời kỳ mà con người và các quan hệ xã hội đều chuyển biến hết sức nhanh chóng.

Mạch văn này ở Nam Cao, như ta đã biết, sẽ còn được ông tiếp tục trong những năm kháng chiến, cho đến tận khi ông bị quân địch bắt và giết hại trên đường công tác.

***

Trên đây là những dẫn giải của tôi, nhân tái công bố một số tác phẩm của Nam Cao mới tìm lại được.

Có thể thấy rõ, ở di sản sáng tác của Nam Cao, bên cạnh số truyện ngắn, tiểu thuyết đã và đang được lưu hành, vẫn còn một số lượng đáng kể những tác phẩm có nguy cơ mất hẳn, dù đã được công bố trên sách báo ngay lúc tác giả còn sống. Sưu tập này chỉ mới tìm lại thêm được một số sáng tác của Nam Cao, chủ yếu là những truyện ông đã viết và in trong các loại sách phổ thông dành cho tuổi học trò của một số nhà sách ở Hà Nội những năm 1940-1945. Những sáng tác này có thể bổ sung cho công chúng độc giả những nét chưa biết đến về phạm vi miêu tả, khả năng sáng tác của nhà văn Nam Cao, hoặc làm sâu sắc hơn những nét đã từng biểu lộ rõ ở những sáng tác đã biết.

Cũng có thể nói, ở Việt Nam hiện vẫn không hiếm những trường hợp tác gia văn học các giai đoạn khác nhau mà di sản sáng tác bị mai một, không còn đến được với công chúng độc giả và các giới sáng tác, phê bình. Những mất mát ấy không chỉ là tổn thất riêng của thân nhân các tác gia đã quá cố, mà còn là mất mát, thiệt thòi chung cho công chúng độc giả, cho tài sản văn học chung của dân tộc. Vì vậy, công việc tìm lại các di sản bị mất mát, vẫn là công việc nên làm, cần làm.

Hà Nội, tháng Ba 2021


(1) Sự việc các truyện Nam Cao trong sưu tập “Những cánh hoa tàn” (Nxb. Tác Phẩm Mới, 1988) là lấy từ tập tài liệu của nhà giáo Nguyễn Hoành Khung, – chỉ đến sau khi sách “Người câm biết nói” in ra, tôi đem tới tặng Gs. Khung (chiều 06/12/2021), tôi mới được ông kể lại, xem như một trong những nhầm lẫn rất đáng tiếc và đáng bực mình. Theo Gs. Khung, từ những năm 1960-70, ông đã thu thập được các truyện này của Nam Cao (11 truyện) trên một số ấn phẩm in trước 1945. Ông Khung đem nhờ ông Nguyễn Đăng Mạnh thuê đánh máy thành một tập, giữ bên mình như tài liệu dùng cho giảng dạy và nghiên cứu. Hồi năm 1987, khi tạp chí Tác phẩm văn học vừa thành lập (Tổng biên tập Nguyễn Đình Thi), nhà văn Kim Lân, là phó Tổng biên tập tạp chí này, nhân một lần gặp Gs. Khung và biết Gs có sưu tập mươi truyện Nam Cao chưa từng in lại, Kim Lân đề nghị Gs. Khung cho tạp chí Tác phẩm văn học sử dụng, đưa in để quảng bá cho tạp chí vừa xuất hiện này. Gs. Khung đưa tập tài liệu cho Kim Lân; ông Kim Lân mang về tạp chí, giao cho BTV Bùi Bình Thi. Tập tài liệu được đưa đánh máy, BTV Bùi Bình Thi lại tìm gặp Gs. Hà Minh Đức nhờ ông viết cho sưu tập này một lời bạt. Đáng tiếc là “Lời nói đầu” tập sách lại viết: “Những truyện này do nhà nghiên cứu Hà Minh Đức sưu tầm và từ trước đến nay chưa in lại”. Tuy giấy in xấu, nhưng sách được in tới 45.000 bản, nên lưu hành rộng. Gs. Khung có gửi lời trách đến ông Kim Lân và tạp chí “Tác phẩm Văn học” nhưng sự thể không có gì thay đổi; tác quyền người sưu tầm của Gs. Khung bị mất mà không hề được đính chính.

(2) Sài Gòn tiểu thuyết tùng thư, tập 3 (28 Aout 1936), tr. 20.

(3) Nguồn: trang “Quán sách dạo”: https://sachdao.wordpress.com

(4) M.M. Bakhtin (Phạm Vĩnh Cư dịch): “Ngôn ngữ tiểu thuyết”, trong cuốn Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du xb., H., 1992, tr. 82.

(5) Nguồn: trang “Quán sách dạo”, tư liệu đã dẫn.

(6) Nxb. Cộng Lực: “Mục đích của chúng tôi khi ra loại sách Hoa Mai”, Sách Hoa Mai, s. 6 (1.12.1941)

(7) Xem: Lê Đình Bảng (2010): Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường, Nxb. Từ điển bách khoa, H., 2010

(8) Xem: Lại Nguyên Ân (1991): Từ nguồn sáng lạ, Thể thao-Văn hóa, 1991.