Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Cây roi

Lê Học Lãnh Vân

Giữa thập niên 1960s. Vương học lớp Nhất tại trường Bàn Cờ với thầy giáo tên Thảo. Lớp Nhất tức lớp Năm bây giờ.

Thầy giáo Thảo cầm cây thước gỗ lớn thiệt lớn mà thầy gọi là cây “thiết bảng”, vừa đi tới đi lui giảng bài vừa nhịp nhịp. Thỉnh thoảng đi ngang một trò phá phách, Thầy gõ mạnh trên bàn làm trò đó giựt mình, xanh mặt, tim đập thình thịch. Lúc đó, năm 1966, lính Mỹ mới đổ bộ vào Đà Nẵng, Miền Nam Việt Nam, dân Việt bắt đầu làm quen với đô la, thầy cầm cây “thiết bảng” quơ quơ nói em nào ngang bướng không chịu học tui tặng mấy “đô la”. Biết tại sao gọi là đô la không? Bởi vì cây này mà khẽ vô tay là đau quá phải la lên, la một tiếng là một đô la, la hai tiếng là hai đô la. Cho nên các em đừng có ham vật chất, ham tiền mà bị đòn nghe không! Không biết các bạn khác hiểu không, nhưng thằng nhỏ Vương thường nghe người lớn trong nhà luận chuyện thời sự nên cũng thấm ý của thầy.

Thầy Thảo cầm cây thiết bảng mà hiền khô, chỉ doạ chớ không đánh. Lớp kế bên do cô Hiền dạy, cô có cây roi mây thứ thiệt, bề bảng tròn nhỏ bằng chiếc đũa, dài gấp hai chiếc đũa, mấy đứa bị cô khẻ tay đau điếng. Bà Trọng cũng dạy tại trường Bàn Cờ, về nhà kể chuyện cho biết cô Hiền hay giúp học trò nghèo. Xóm Bàn Cờ thời đó đông dân lao động, cô Hiền hay mua bánh, tập tặng học trò con nhà nghèo.

Tới bây giờ, năm mươi lăm năm sau, Vương vẫn còn nhớ cây thước bảng giơ lên giơ xuống như là hình ảnh một người thầy thân thương. Một người thầy mà Vương, dù lúc đó còn nhỏ tuổi, luôn cảm nhận mình và các bạn được Thầy theo dõi, dẫn dắt bằng tình thương yêu.

Thầy cô bây giờ không còn cầm roi. Mùa Covid-19, thầy cô còn dùng phương tiện tân tiến như laptop, iPad dạy online. Bài được soạn trên PowerPoint, chia thành các slides có chữ và có hình minh hoạ. Giảng hết ý một slide, bấm chuyển qua slide tiếp theo. Thầy cô ngồi tại nhà thầy cô, học trò cũng mỗi em tại nhà mình, cùng ngó vô một slide trên màn hình và cùng nghe thầy cô giảng…

Ông Vương quan sát vài buổi dạy online để biết con cháu thời nay học thế nào. Quan tâm tới giáo dục, ông đã theo dõi môi trường giáo dục mấy chục năm nay. Năm tháng đổi thay, ông Vương vẫn không hiểu được hết các thay đổi cho dù ông là người xông xáo ngoài xã hội, vẫn còn nằm trong dòng cuộc sống.

Trước hết là ngôn ngữ, cách nói chuyện. Thầy cô bây giờ dùng tiếng lóng nhiều quá, tiếng lóng thô tục nữa chứ không phải tiếng lóng dùng cho vui để giới thiệu dòng chảy thời thượng của ngôn ngữ. Mà thầy cô cũng nói tục quá, đâu phải không có thầy cô mở miệng ra là có tiếng “mẹ” đầu câu. Rồi thầy cô cũng phát âm không chuẩn nữa, thậm chí có không ít thầy cô còn nói ngọng. Hơn thế nữa, không ít thầy cô còn hay nạt nộ, cãi tay đôi với học trò thay vì từ tốn giảng giải, thảo luận kiến thức.

Ông Vương cũng không hiểu cách thầy trò bây giờ đối đãi nhau. Thầy cô nhất quyết bắt học trò học thêm. Thằng nhỏ lớp ba lớp bốn, ba mẹ nó tốt nghiệp đại học, dư sức kềm cặp, giải đáp thắc mắc nếu có, nó vẫn phải đi học thêm. Ba mẹ dù muốn con có thì giờ thể thao, đi chơi, đọc sách vẫn phải cho nó đi học thêm ngoài giờ học chính. Không học thì không có cách nào đạt điểm cao được dù làm bài đúng, đứa nhỏ về nhà khóc đòi đi học.

Ở lớp lớn hơn lại có tình trạng thầy bù khú bia bọt với trò. Không phải buổi cơm thân mật trao đổi tâm tình, kiến thức mà là nhậu nhẹt, bia nổ và thầy nổ, trò nổ vang trời. Trong số anh chị đọc bài này, chắc có người từng chứng kiến cuộc nhậu loại đó như ông Vương đã từng. Điều này chưa phổ biến lắm, nhưng theo đà cuộc sống hiện tại, e rằng có lúc sẽ trở nên bình thường. Chẳng phải những việc đau lòng như thầy trò gạ tình đổi điểm, đổi bằng cấp, thầy trò đánh lộn, thậm chí đâm nhau đã xảy ra rồi sao, và xảy với tần số càng cao?

Trong quản lý có khái niệm “house keeping”, nghĩa là giữ nhà, chăm sóc nhà. Nếu tới gặp đối tác tiềm năng mà thấy văn phòng hay kho xưởng bê bối, sắp xếp không thứ tự, không ngăn nắp, mình có lý do nghi ngờ đối tác không chu đáo trong quan hệ hợp tác kinh doanh. Nếu gặp đối tác không chuẩn mực trong ăn nói, trong tác phong, sự nghi ngờ có thể ở mức độ cao hơn, bởi vì điều này có liên quan sâu sắc tới nền tảng của giá trị đạo đức cốt lõi, do đó cần sự thẩm tra kỹ càng hơn trước khi quyết định hợp tác. Đây là bài học thực hành khá kinh điển có thể áp dụng cho nhiều mặt cuộc sống, nếu nền giáo dục không cung cấp chuẩn mực sống cho học trò, học sinh thì sau này xã hội sẽ phát triển ra sao? Bạn bè quốc tế nhìn tư cách người Việt ra sao?

Đời nay, nhiều người chê bai cây thước, cây roi, cho rằng đó là biểu tượng của cách dạy học trò bằng bạo lực để ép vào khuôn phép. Nói vậy cũng có cơ sở, nhưng e chưa đi tới cùng đường. Cây thước, cây roi chỉ là phương tiện giáo dục của một thời, chỉ là “vật ngoại thân” của nền giáo dục đó. Điều sâu hơn bên trong, cái hồn của nền giáo dục chính là quan hệ thầy - trò, mục tiêu của mối quan hệ đó, tình nghĩa, tác phong của mối quan hệ đó, tính chất của chương trình giảng dạy.

Thời thằng nhỏ Vương học tiểu học nửa đầu thập niên 1960s, mục tiêu của mối quan hệ thầy - trò là đào tạo những công dân sau này “đứng lên đáp lời sông núi”. Sông núi, Tổ quốc là quan trọng hơn hết, tất cả các thành phần trong nó như hội đoàn, đảng phái, chính phủ phải phục vụ nó, phải nằm bên dưới nó. Sông núi, Tổ quốc thời đó hàm chứa ý nghĩa mở, sẵn sàng chấp nhận hội nhập với thế giới, chấp nhận mọi khía cạnh của tri thức, của nền văn minh nhân loại. Từ đó mới có triết lý giáo dục là Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng. Từ đó mới có chương trình giáo dục vươn tới những chân trời kiến thức mới, vì kiến thức của học sinh, vì cuộc đời ngày mai cho người học sinh. Từ đó mà dân trí được nâng cao, mà đạo đức được vững chắc. Mà tình nghĩa thầy - trò thấm đẫm hy sinh, thương yêu, kính trọng.

Cuối năm 2021 đầu năm 2022 trong vòng một tháng Việt Nam chứng kiến bao nhiêu là sự việc bát nháo rất lớn và ở tầm cao, trên nhiều lãnh vực khác nhau, cứ liên tiếp xảy ra như đèn cù. Nếu so sánh với cùng kỳ các năm trước, có phải Việt Nam đang chứng kiến một sự tăng trưởng ngày càng nhanh của suy thoái đạo đức? Đời nay lẽ ra phải hay hơn đời xưa mà thiệt ra cách đời nay “chăm sóc ngôi nhà Việt Nam” e rằng thua xa đời trước. sự suy thoái này chắc chắn bắt nguồn từ bản chất của nền giáo dục…

Ngày 12 tháng 01 năm 2022

L.H.L.V.