Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Bài thơ Tương biệt dạ và thời điểm lần đầu tiên Nhất Linh rời Hà Nội sang Trung Quốc (Trao đổi về một vài chi tiết trong bài viết của Thuỵ Khuê)

Cao Quang Nghiệp

Tương biệt dạ là bài thơ nổi tiếng của Huyền Kiêu được Nhất Linh cho công bố lại trên Giai phẩm Văn hoá Ngày nay, số 5, tháng 7.1958, trang 85, với tên tác giả viết tắt H.K. (hình 1).

 

clip_image002[4]

Hình 1: Bài Tương biệt dạ và bức tranh Trăng xưa trên Giai phẩm Văn hoá Ngày nay.

Trong bài Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (kỳ 41) đăng trên Văn Việt ngày 12/10/2021, nhà nghiên cứu Thụy Khuê dẫn lời Quốc Nam về hoàn cảnh sáng tác Tương biệt dạ. Theo Quốc Nam, nhà thơ Đinh Hùng kể rằng bài này được Huyền Kiêu viết vào một đêm “cuối hè sang thu” năm Canh Thìn-1940 tại nhà Thạch Lam, trong một lần họp mặt Khái Hưng và Nhất Linh “tiễn đưa nhau”. Từ đó, Thụy Khuê xác định thời điểm “bữa cơm ly biệt, ở nhà Thạch Lam, chắc phải vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10-1940, sau khi Nhật chiếm Hà Nội”.

1. Để biết hoàn cảnh sáng tác và tác giả Tương biệt dạ, có nên dựa vào tư liệu của Quốc Nam không?

Theo Quốc Nam, toàn bộ thông tin về Tương biệt dạ mà ông viết đều là do Đinh Hùng kể trực tiếp cho ông. Do đó, thông tin của Quốc Nam chỉ nên sử dụng nếu quả như Thụy Khuê viết, Đinh Hùng chỉ “kể lại cho người bạn trẻ là Quốc Nam nghe”, và cho dẫu như thế, cũng cần phải phối kiểm qua nhiều nguồn tư liệu khác.[1]

Thụy Khuê không làm như vậy. Chị tin vào Quốc Nam nên không kiểm tra lại hồi ký Đốt lò hương cũ do chính Đinh Hùng viết[2]. Trong hồi ký này, Đinh Hùng hai lần nhắc đến bài Tương biệt dạ, chứ không phải “không viết gì về sự kiện này trên sách, báo” như Thụy Khuê tưởng. Và tuy có nói rõ “Nhất Linh, sau một đêm “hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề” họp mặt lần cuối cùng với chúng tôi bên bàn rượu kề gốc liễu, tảng sáng bỗng ra đi biệt tích” nhưng tuyệt nhiên Đinh Hùng không cho biết cụ thể thời điểm lần họp mặt cuối cùng ấy là cuối hè sang thu năm 1940 như Quốc Nam ghi. Thêm nữa, Quốc Nam kể, theo Đinh Hùng thì bài Tương biệt dạ câu đầu Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề là của Thạch Lam, còn những câu sau mới là của Huyền Kiêu, trong khi chính Đinh Hùng (sđd, tr. 69-70) khẳng định trong Tương biệt dạ có sáu câu sau đây là của Thạch Lam: Ngậm ngùi ngùi [sic!] chén rượu ánh vầng giăng, Đã tắt lò hương, lạnh phím đàn, Trời cao, mây nhạt, ngàn sao rụng, Một giải sương theo vạn dặm buồn, Trăng mùa xuân đó, ai tâm sự, Anh đã xa rồi, anh biết đâu?. Trong sáu câu này, không có câu đầu!

Tin vào tư liệu của Quốc Nam, chị quên mất tính cẩn trọng của nhà nghiên cứu: Thụy Khuê làm như thể là bài viết này do chính Đinh Hùng thực hiện, khi chị viết: “Những chữ giăng trong bản Đinh Hùng”, “Bản Đinh Hùng có hai chữ khác với bản Nhất Linh”, “Lưu luyến người đi với kẻ về (bản Đinh Hùng)”, “Đinh Hùng ‘tưởng’ Nhất Linh vẽ bức tranh ‘minh họa’” hay “Theo Đinh Hùng, thì bài Tương biệt dạ được đăng trên Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1941. Lẽ ra, nên viết là “theo Quốc Nam” hay “theo lời kể của Đinh Hùng qua ký ức của Quốc Nam” thì hợp lý hơn.

2. Bài Tương biệt dạ được công bố lần đầu tiên khi nào và sáng tác năm nào?

Dựa vào bài viết của Quốc Nam, Thuỵ Khuê viết rằng “Theo Đinh Hùng, thì bài Tương biệt dạ được đăng trên Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1941 cùng với bài thơ Khúc ca man dại của Đinh Hùng (sau Đinh Hùng sửa thành Bài ca man rợ). Chúng tôi không có số báo này. Nhưng một tư liệu trên Internet ghi là in trong Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1942.

Thật ra cuốn giai phẩm đó không phải là Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1941 hay Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1942, mà chính là cuốn Giai phẩm (hình 2) do nhà Đời Nay in xong ngày 20.4.1943. Để cho dễ phân biệt, trong bài viết này chúng tôi tạm gọi là Giai phẩm Đời Nay năm 1943.

clip_image004[4]

Hình 2: Giai phẩm của nhà xuất bản Đời Nay năm 1943

Bài thơ Tương biệt dạ lần đầu tiên được công bố là trong Giai phẩm Đời Nay năm 1943 này (hình 3).[3]

clip_image006[4]

Hình 3. Bài Tương biệt dạ trên Giai phẩm Đời Nay năm 1943 (tr. 86)[4]

(Đúng như Thụy Khuê viết, Bài ca man rợ của Đinh Hùng được đăng trên cùng một giai phẩm (tr. 81) với Tương biệt dạ của Huyền Kiêu. Tuy thế bài thơ của Đinh Hùng ngay từ trang đầu đã có tựa đề là Bài ca man rợ chứ không phải là Khúc ca man dại như Quốc Nam đã nhớ lầm và Thuỵ Khuê đoán sai là do chính Đinh Hùng sau này sửa lại.)[5]

Nhất Linh khi cho in lại Tương biệt dạ trên Giai phẩm Văn hoá Ngày nay năm 1958 không cung cấp thông tin về năm nhà thơ Huyền Kiêu sáng tác bài thơ Tương biệt dạ. Còn Thuỵ Khuê, vì quá tin vào ký ức của Quốc Nam, quả quyết rằng thời điểm bài thơ bài thơ Tương biệt dạ ra đời “Không thể là mùa thu năm 1941, vì tháng 9 năm 1941, cả ba người: Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và Khái Hưng đều đã bị bắt […]. Vậy bài thơ phải được làm vào mùa thu năm 1940, theo lời Đinh Hùng nói với Quốc Nam”. Nhận định này của Thuỵ Khuê hiển nhiên không đúng, vì chiếu theo thông tin trong Giai phẩm Đời Nay năm 1943 thì bài Tương biệt dạ được Huyền Kiêu sáng tác năm 1941 (hình 3). Điều này rất hợp lý nếu đối chiếu với thời gian Nguyễn Tường Tam lần đầu rời khỏi Việt Nam, như chúng tôi sẽ trình bày sau đây.

3. Nhất Linh rời Hà Nội sang Trung Hoa lần đầu tiên khi nào?

Hiện giờ tại Thư Khố Quốc Gia Hải Ngoại ở Aix-en-Provence (Archives Nationales d’Outre-Mer, ANOM) còn lưu trữ một hồ sơ về Đại Việt Dân Chính Đảng khoảng chừng 96 trang. Trong đó có một tài liệu của Sở Mật thám Bắc Kỳ, đóng dấu mật, báo cáo về việc hỏi cung nhà văn Khái Hưng, sau khi ông bị bắt với nội dung như sau (xem chính văn bằng tiếng Pháp hình 4): “Ngày 31.10, cảnh sát đặc biệt Hà Nội đã bắt nhà báo Trần Khánh Giư, tại trụ sở trước kia của báo “Ngày Nay”, số 80 Quan Thánh, là cựu cộng tác viên của tờ báo này và là lãnh đạo của “Đảng Đại Việt Dân Chính”. Y không gặp khó khăn gì trong việc thừa nhận mình là đảng viên [của Đảng Đại Việt Dân Chính]. Lời thú nhận của y xác nhận những thông tin đã thu thập trước đây về hoạt động của y, đặc biệt là về chuyến đi mà y đã thực hiện cùng với Nguyễn Tường Tam đến Quảng Đông và Đài Loan, trên một chiếc máy bay quân sự của Nhật Bản vào tháng 4 vừa qua để gặp Trần Văn An, tức Shibata.”[6] Vì Khái Hưng bị bắt ngày 31.10.1941 nên “tháng 4 vừa qua” trong bản báo cáo này được hiểu là tháng 4.1941. Tài liệu này cũng được Thuỵ Khuê trích dẫn lại hai lần (trích dẫn số 19 và 25) từ quyển sách của François Guillemot trong bài viết của mình. Nhưng không hiểu tại sao chị vẫn cho rằng “Nhất Linh sang Tàu mùa thu năm 1940; đến tháng 4 năm 1941, Khái Hưng cũng sang Tàu.” Nhận định này của Thuỵ Khuê hoàn toàn mâu thuẫn với lời khai của Khái Hưng ở Sở Mật thám như đã trích dẫn trên.

Sự thật thì mùa thu 1940 Nguyễn Tường Tam chưa sang Trung Hoa. Nhận định của chúng tôi dựa vào lời khai của ông Trần Văn Lư (lưu trữ tại Thư Khố Quốc Gia Hải Ngoại ở Aix-en-Provence)[7], một thành viên của Đại Việt Dân Chính, bị mật thám Pháp ở Hà Nội bắt vào ngày 17.9.1941. Trong lời khai của mình ở Sở Mật thám Pháp ngày 17.9.1941, ngoài việc ông cho biết rằng chính Nguyễn Gia Trí là người đã tiếp xúc với ông thì ông còn khai rằng ông có quen biết sơ Nguyễn Tường Tam và có gặp Nguyễn Tường Tam một lần vào khoảng cuối năm 1940 tại văn phòng báo Ngày Nay (xem phần chính văn bằng tiếng Pháp hình 5, phần đóng khung đỏ).[8] Như vậy, theo chúng tôi thông tin Khái Hưng và Nhất Linh cùng rời Hà Nội vào tháng 4.1941 để ghé Đài Loan rồi sau đó đến Quảng Đông là đúng sự thật. Và điều này mới lý giải vì sao trong bài Tương biệt dạ có câu: “Giăng mùa Xuân đó ai tâm sự?” Đó là vì Nhất Linh lên đường vào tháng 4.1941 nên Huyền Kiêu mới sáng tác bài thơ cũng trong năm này.

Như vậy, kết hợp từ báo cáo về lời khai của Khái Hưng ngày 31.10.1941, cùng lời khai của Trần Văn Lư ở Sở Mật thám Bắc Kỳ ngày 17.9.1941, và thông tin về năm ra đời của bài thơ do Huyền Kiêu đề cuối bài Tương biệt dạ cũng như thông tin từ câu thơ “Giăng mùa Xuân đó ai tâm sự?” trong bài thơ này mà chúng tôi có thể kết luận rằng Nhất Linh thật sự đã rời Hà Nội vào mùa xuân, tháng 4.1941, chứ không phải là vào mùa thu năm 1940, như Thụy Khuê đã suy luận sai.

Hamburg, ngày 20.10.2021

clip_image007[4]

Hình 4: Báo cáo của Sở Mật thám về lời khai của Khái Hưng[9]

clip_image009

Hình 5: Lời khai của Trần Văn Lư ở Sở Mật thám Bắc Kỳ, trang 4[10]


[1] Đó là chưa kể bài của Quốc Nam có nhiều chi tiết thiên về cảm xúc theo kiểu hư cấu của nhà văn, hơn là tư liệu chính xác, khó hình dung đó là lời kể của Đinh Hùng. Chẳng hạn mấy câu sau đây (dẫn theo bài của Thụy Khuê): “Ba đứa tôi cùng kéo nhau ra vườn, ngồi nghe cá quẫy, nhìn trăng vời vợi.”, “Chúng tôi uống trà. Trăng vừa lặn. Gà rền tiếng gáy phiá xa. Sao dần rơi… dần rơi và tôi chợt thấy lành lạnh.”, “Vẫn không thấy chút động tĩnh gì nơi Khái Hưng và Nhất Linh ở trên nhà. Tôi cảm nghĩ trong giờ phút thiêng liêng ấy, ta không nên vọng động. Cũng đừng hỏi han gì cả. Trời sắp sáng rồi.”

[2] Đinh Hùng, Đốt lò hương cũ. Sài Gòn: Lửa Thiêng, 1971, bản in lại của Nhà xuất bản Xuân Thu, xuất bản ở Carlifornia, 1991, trang 56.

[3] Trong giai phẩm này còn có nhiều tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ và hoạ sĩ có tiếng như Trần Tiêu, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Thế Lữ, Tú Mỡ, Tường Bách, Vũ Hoàng Chương, Huyền Kiêu, Đinh Hùng và Tô Ngọc Vân. Ngoài ra còn có một phụ bản của Nguyễn Gia Trí và tranh bìa của Tô Ngọc Vân. Riêng Huyền Kiêu, ngoài bài thơ Tương biệt dạ thì thi sĩ còn có bài Mưa trên quán rượu với đề từ “Kính tặng anh Thạch Lam” (tr. 70).

[4] So sánh bức Trăng xưa trên Giai phẩm Đời Nay năm 1943Giai phẩm Văn hoá Ngày nay năm 1958, có thể thấy đó không phải là cùng một bản khắc gỗ. Nói rõ hơn, bức trên Giai phẩm Văn hoá Ngày nay năm 1958 chỉ là bản khắc lại (dễ hiểu, vì khó lòng tìm được bản khắc năm 1943), nên chi tiết không hoàn toàn trùng khít với bản năm 1943, dễ thấy nhất là chiều dài của bản năm 1958 ngắn hơn hẳn so với bản năm 1943.

[5] Thật ra thông tin chính xác về Bài ca man rợ, đã được nhà phê bình Đặng Tiến (trong bài “Thi giới Đinh Hùng” đăng trong tác phẩm Vũ trụ thơ – Sài Gòn: Giao điểm xuất bản, 1972), chỉ rõ: “Trong những tài liệu còn giữ được trên bước đường lưu lạc, tôi được thấy “Bài ca man rợ” đăng trên giai phẩm Đời Nay năm 1943…”. Trong bài viết này chúng tôi trích dẫn từ bản điện tử bài viết này được talawas thực hiện vào tháng 8 năm 2006: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8039&rb=08) [20.10.2021].

[6] M. F. Service de la Sûreté du Tonkin. Note Nº 23670, Hanoi, le 3 NOVEMRE 1941. A Messieurs le Résident Supérieur au Tonkin, Le Procureur Genéral près la Cour d’Appel, l’Inspecteur Général des Services de Police, HANOI. ACTIVITES NATIONALISTES ET ANTI-FRANÇAISES – ARRESTATION DU TRẦN KHANH GIU. ANOM: 6495 RST. N. F. n.c. –> 2001; RESIDENCE SUPERIEURE AU TONKIN, « Dai Viet Dan Chinh » (activités nationalistes) – 1941 – .

[7] Trần Văn Lư, sinh ngày 14.8.1914. Ông bị bắt cùng đợt lùng bắt các đảng viên đảng phái chí trị do Mật thám Pháp tiến hành từ lúc 1.30 giờ sáng, ngày 15.9.1941.

[8] “Je connais peu NGUYEN TUONG TAM. Je l’ai vu une fois au bureau du “NGAY NAY” en fin 1940.” M. F. Service de la Sûreté du Tonkin. INTERROGATOIRE. L’en mil neuf cent quarante et un et le dix sept du mois de Septembre. CAOM: 6495 RST. N. F. n.c. –> 2001; RESIDENCE SUPERIEURE AU TONKIN, « Dai Viet Dan Chinh » (activités nationalistes) – 1941 – .

[9] ANOM: 6495 RST. N. F. n.c. –> 2001; RESIDENCE SUPERIEURE AU TONKIN, « Dai Viet Dan Chinh » (activités nationalistes) – 1941 – .

[10] ANOM: 6495 RST. N. F. n.c. –> 2001; RESIDENCE SUPERIEURE AU TONKIN, « Dai Viet Dan Chinh » (activités nationalistes) – 1941 – .