Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

Xóm Trại làng Phí là chỗ của dân ngụ cư. So với các họ Cao, họ Vũ, họ Phạm trong làng, dân họ Ngô chỉ là thứ tép riu. Thời cụ nội của ông Như, tức kỵ nội ông Nhãn, còn bị cấm không được ngồi chiếu việc làng. Đến đời bố ông Như, do nghề bốc thuốc có phúc, có lộc, họ Ngô mới có tí máu mặt, xây được cái nhà thờ họ trên thửa đất hai sào, nơi bố con ông Nhãn đang ở bây giờ. Khi xây nhà thờ họ cũng là lúc họ Ngô làng Phí truy tìm cội nguồn và lập gia phả. Nghe nói gốc tích ở Tả Thanh Oai, bèn tìm về kết nối. Thì ra đây là chi thứ dòng họ Ngô Thì, mà thượng tổ là Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ, cha đẻ của danh nhân Ngô Thì Nhậm và là người thứ hai trong Ngô Gia Văn phái. Hồi làm Đốc trấn Lạng Sơn, cụ Ngô Thì Sỹ có một người thiếp, sinh hạ một người con trai. Sau đó Ngô Thì Sỹ bị mất đột ngột, lại gặp thời tao loạn vua Lê chúa Trịnh với nạn kiêu binh, mẹ con người thiếp lưu tán nhiều nơi, cuối cùng trôi dạt về làng Phí.

Từ ngày tìm được gia phả và xây nhà thờ họ, dân xóm Trại phất lên trông thấy. Đến khi Ngô Viễn đoạt được học hàm tiến sĩ văn chương thì ông Nhãn giật mình, bởi điềm báo từ thời ông nội đã hoàn toàn ứng nghiệm. Có thế chứ”.Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu”. Cứ vào Văn miếu Quốc Tử Giám mà xem. Tiến sĩ họ Ngô có cả một bồ, chứ họ Cao có bói cả tháng cũng không thấy một mống. Ý ông Nhãn muốn ám chỉ họ Cao làng Phí. Cả họ đi làm công an. Họ Cao lại toàn thông gia với họ Vũ, họ Phạm, thế nên cả làng Phí, trừ xóm Trại, đều đi làm công an. Sự học không có gì xuất sắc, nhưng tướng tá công an làng Phí đông như quân Nguyên.

Về dòng họ Cao làng Phí, từ thời lập làng đã là một trong ba họ khai mở, nhưng lép vế hơn hai họ Vũ, họ Phạm, bởi số đinh cứ teo tóp dần. Đến đời ông Cao Văn Cộc, do có chuyện đồi bại em trai rình ngủ với chị dâu, chuyện bại lộ, anh em đánh lộn nhau, dẫn đến trọng thương. Ông em Cao Văn Cù phóng hỏa đốt nhà, rồi bỏ làng đi lang bạt. Đến đời chút chít ông Cao Văn Cộc, tức là đời thứ năm, ông Cao Văn Ịch là trưởng họ, làm nghề cắt tóc dạo. La cà đây đó, ông Ịch được tổ chức cộng sản gây dựng thành cơ sở liên lạc. Phong trào Việt Minh nổi lên, ông về làng lập chi bộ cộng sản đầu tiên trong vùng. Rồi ông thoát ly lên Việt Bắc, đổi là Cao Thiện Lịch. Cuộc đổi tên này, ngang như việc đổi niên đại, quốc tính với các triều vua ngày xưa. Từ đây, tất cả con trai họ Cao làng Phí, khi sinh ra đều lấy tên khai sinh Cao Thiện. Hòa bình lập lại, ông Cao Thiện Lịch vì tính tình thật thà, mẫn cán, được cấp trên tin cậy, nên thăng tiến vù vù. Rồi ông lên Trung ương, nắm những chức vụ then chốt.

Riêng chi họ Cao bỏ làng ra đi, tức ông Cao Văn Cù, năm đời sau bỗng dò tìm về làng. Ấy là ông Nhân Đức Khánh, hậu duệ đời thứ năm của cụ Cao Văn Cù. Thì ra, ông Cù sau khi đốt nhà bỏ làng ra đi, lên tít miền thượng du, làm con nuôi một gia đình người Mán Đỏ, tức người Dao Đỏ. Người Dao vốn hiếm con, nên rất quý người. Họ Cao cắm một nhánh ở chân phía tây dãy Tam Đảo, đổi họ theo bố nuôi người Dao và có họ tên là Bàn Ích Cù. Đến khi Việt Minh nổi lên, ông Bàn Sinh Cần, con ông Bàn Tiến Cận, cháu ông Bàn Tài Cung, chắt ông Bàn Ích Cù… trở thành đội viên Cứu quốc quân, được tổ chức đặt cho tên mới là Nhân Đức Khánh. Rồi cách mạng thành công, nhớ về cội nguồn, ông Nhân Đức Khánh trở về tìm gốc gác ở làng Phí. Rất may, gia phả họ Cao vẫn còn giữ tên Cao Văn Cù. Và Bàn Sinh Cần, tức Nhân Đức Khánh lấy lại họ cũ, là Cao Đức Khánh. Họ Cao trở thành họ có truyền thống cách mạng, có chiến công, vai vế nhất trong làng, có hai ông họ Cao là Cao Thiện Lịch và Cao Đức Khánh đều làm quan to cách mạng. Từ đây, họ Cao làng Phí chia ra hai chi, chi trưởng Cao Thiện và chi thứ Cao Đức.

Dường như họ Cao đã đến thời kỳ phát, kịch phát chứ không phải phát thường. Do có hai vị tiền bối dẫn dắt, cả họ Cao đều vào ngành công an, cả hai chi trưởng, chi thứ đều phát tích về ngành công an.

Thời kỳ đầu hòa bình, khi đất nước cần người trấn giữ những nơi đầu sóng ngọn gió, đảm trách những nhiệm vụ bí mật, hiểm nguy, canh cho giấc ngủ của dân, giữ cho địa bàn trong sạch, yên lành, quyền rơm vạ đá, mà chẳng có chút đãi đằng đặc biệt, chẳng chút màu mỡ riêu cua gì, việc tuyền người vào ngành công an rất khó khăn. Để làm gương, ông Cao Thiện Lịch phải về quê vận động con cháu, họ hàng nội ngoại đầu quân theo ông, gánh vác công việc với ông. Nhiều người đi làm quản giáo ở các trại tù chốn rừng xanh núi đỏ, được dăm bữa nửa tháng, chê nghề cai tù coi ngục thất đức, kéo nhau bỏ về quê hết. Ông Lịch lại về làng thuyết phục, dỗ dành mãi, họ mới trở về nhiệm sở.

Nhưng rồi thế gian biến cải. Những năm gần đây, sắc phục áo vàng, áo xanh lá cây càng nhiều hấp dẫn. Đại học chuyên ngành Công an từ chỗ cử tuyển, giờ phải qua thi tuyển quốc gia, điểm số đầu vào cao hơn cả Y khoa, Bách khoa, Ngoại thương… Con cháu họ Cao hầu hết theo nghề ông Lịch, rồi các họ khác ở làng Phí, có quan hệ nội ngoại, thông gia với họ Cao cũng tới tấp xin vào ngành, thi vào các trường đại học của ngành, làm các việc thuộc ngành: lái xe, cảnh vệ, trại giam, hộ khẩu, an ninh, cảnh sát, chữa cháy, điều tra, môi trường, báo chí, truyền hình, văn công… từ Nam chí Bắc, từ miền núi đến miền xuôi, nơi nào cũng là con em họ hàng tướng Lịch. Chạy quá tốc độ, uống rượu bia gây va quệt, nhấc điện thoại lên, lập tức có người làng Phí ứng cứu. Đâm xe trên đường, dù chết người, một cú điện thoại cho anh em họ hàng là giải quyết êm ru. Hồi tướng Cao Thiện Lịch từ trần, riêng hoa viếng của con em làng Phí đã lên tới gần sáu trăm vòng. Họ Cao đề xuất với các cụ cao niên đúc tượng tướng Cao Thiện Lịch đặt tại khám thờ trong đình, phối thờ cùng Thành hoàng làng. Tết vừa rồi, họp đồng hương họ Cao làng Phí tại thành phố, thống kê sơ bộ, tướng quân đội có hai vị, tướng công an có chín vị, thiếu tướng Chủ tịch thành phố một vị, nếu kể trung tướng Huỳnh Thi Ka và thiếu tướng Đào Nguyên San con rể họ Cao, thì tổng số là mười một. Hàng tá thì vô thiên lủng. Riêng số đại tá hưởng lương tướng cũng hai mươi tám vị.

Nói thêm về chi thứ ông Cao Đức Khánh. Tuy không phát triển rầm rộ như chi trưởng, nhưng cũng có nhiều người giữ những chức vụ vai vế trong ngành. Cho đến đời Cao Đức Chuông, con trung tá Cao Đức Kha, cháu nội đại tá Cao Đức Khánh, thì bỗng nhiên làng Phí có một nhân vật kiệt hiệt, tuổi trẻ tài cao.

Ông Cao Đức Kha đặt tên con là Chuông để nhớ công lao bố mình là Khánh. Có Khánh thì phải có Chuông. Chuông khánh còn chẳng ăn ai… Dân gian thường nói thế. Thì nay thử xem chuông khánh họ Cao làng Phí có ăn ai không? Ông Cao Đức Kha ngầm kỳ vọng vào thằng con trai rạch trời rơi xuống của mình.

Cao Đức Chuông trưởng thành từ đội trọng án cảnh sát hình sự thành phố. Dường như tất cả tinh hoa bản lĩnh phẩm chất của ngành công an cách mạng của cả họ Cao làng Phí đã được tập trung và nhân lên ở con người trẻ tuổi này. Trong vòng mười năm, từ một trinh sát phá án đầy bản lĩnh, gai góc và thần diệu, Cao Đức Chuông được phong vượt cấp hai lần, được phong anh hùng lực lượng võ trang, được tặng nhiều huân chương chiến công, được phong hàm thiếu tướng. Và thật thần kỳ, chưa ngồi nóng ghế giám đốc công an hai năm, Chuông đã nhảy vượt cấp lên chủ tịch thành phố.

Cả làng Phí, từ thượng cổ, chưa ai có bước phát triển công danh sự nghiệp thần kỳ ngoạn mục như vậy.

***

Trái ngược hẳn với làng Phí, làng Động bên cạnh, bói mãi mới có một ông trung tá chống Mỹ về hưu là Nguyễn Hải Trung. Chẳng phải làng Động ít người đi bộ đội. Kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ làng Động “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Liệt sỹ cũng chiếm nửa nghĩa trang xã. Nhưng làng Động không có mả làm quan. Hết động vi binh lại tĩnh vi dân, buông cây súng lại về đi cày. Xưa làng Động có nghề thợ xẻ, con trai mười lăm tuổi, vừa vỡ giọng đã lên rừng xanh núi đỏ cút kít cả năm, đàn bà con gái ở nhà cày bừa cấy gặt, leo nóc nhà nhoay nhoáy để dọi chỗ dột, lợp mái gianh… Rồi dạy con, hầu bố mẹ chồng, tất tật. Ngày ba tháng tám nhàn rỗi thì vào Đanh Xuyên, Chợ Vài, xa hơn thì ngược Chồng Mâm, Chợ Giời, mua nứa, mua dang về làm thừng, lấy mo tre, nứa bán cho làng Chuông làm nón. Sau này, nghề cưa xẻ được cơ khí hóa, hạ cây, cưa ngang cưa dọc đều bằng máy, đàn ông thất nghiệp. Cả làng Động lại kéo nhau ra Hà Nội làm nghề cốp pha và chạy xe ôm. Mười người xe ôm ở Hà Nội có một người làng Động. Từ ngày nảy sinh ra hãng Grab, cứ thấy mũ bảo hiểm màu xanh nõn chuối chạy trên phố y rằng một nửa là dân làng Động.

Bây giờ, người ta quen gọi làng Phí là làng Công An, làng Động là làng Xe Ôm.

Xóm Trại kẹt giữa làng Động và làng Phí. Giống như cái miếng thịt thừa kẹp giữa hai đùi non mỹ nữ, đấy là cách ví von đầy hình tượng của ông nhà văn người trong xóm. Không làm công an, cũng chẳng xe ôm, người họ Ngô chỉ lo học gạo. Thì may nảy nòi được ông tiến sĩ folklore Ngô Viễn và hai đứa em trong họ, một đang làm master ở Đại học Paris VII, một đứa đang là chuyên gia phần mềm ở thung lũng Silicon, Hoa Kỳ. Đặc biệt, họ Ngô xóm Trại có một nhà văn, tầm cỡ Trung ương hẳn hoi. Cuốn tiểu thuyết “Vùng gió quẩn” của ông được giải thưởng “Văn học Ức Trai”, được chuyển thể thành phim truyền hình 38 tập. Đó là nhà văn Ngô Thời Bá, ông chú họ của Viễn, giáo viên Sử trường cấp ba Thượng Sơn.

Thành tích đột khởi về văn hóa này khiến ông trưởng họ Ngô Nhãn ngầm dương dương tự đắc. Cho nên, sau mấy vụ mô hình vườn ao chuồng của ông thắng lớn, khi nghe tin thượng tá Cao Thiện Nghệ giao bán ngôi nhà giả cổ giữa làng vừa khánh thành với giá rẻ đến bất ngờ, ông liền xoắn lấy ngay. Ai cũng bảo Cao Thiện Nghệ vừa bán vừa cho mới có giá ấy. Năm gian nhà gỗ lim Nghệ An đỏ au, lại thêm căn nhà ngang hai tầng, tầng trên hai phòng ngủ, tầng dưới phòng khách, phòng ăn, bếp, toilet hiện đại như khách sạn, trên tổng diện tích ba trăm mét vuông, mà giá chỉ bằng cái xe ô tô cà tàng bẩy chỗ. Thì ra người bán vừa có lộc lớn. Cao Thiện Nghệ mới được thăng hàm đại tá, lại được bổ nhiệm giám thị khu trại giam T17, một đại nông - công trường vùng Bình Nguyên, được cấp hẳn một căn biệt thự do tù nhân làm tặng giám thị tiền nhiệm, được quyền đưa cả gia đình bố mẹ, vợ con vào. Lộc lớn thế, nên ngài tân đại tá vừa bán vừa cho, cũng phải. Vả lại, làng Phí giờ khối nhà bỏ hoang. Biết vậy, ông Nhãn liền tỏ vẻ chê ỏng chê eo, để Cao Thiện Nghệ phải bớt cho ông năm mươi triệu. Mua căn nhà giữa làng này, ông Nhãn muốn tỏ cho họ Cao biết họ Ngô của ông giờ cũng chẳng phải tép riu. Ông nhường căn nhà xóm Trại cho Ngô Viễn, con trai trưởng, sau này thờ phụng dòng tộc. Vợ chồng ông và cô con gái út tật nguyền vào ở nhà mới, để giữ phần cho anh thứ hai Ngô Việt đang làm ăn trong Sài Gòn.

Nhưng sự đời, của rẻ là của ôi. Từ ngày dọn về ngôi nhà mới, ông Nhãn như cua chui vào rọ. Hệt như cái cứ điểm Điện Biên Phủ giữa lòng Mường Thanh, quay phải họ Cao, rẽ trái họ Cao, “tứ bề thọ địch”. Nhất cử nhất động của vợ chồng ông đều bị kiểm soát, bởi xung quanh nhà ông san sát những ngôi nhà cao tầng của những tướng tá về hưu, dẫu đang có biệt thự ở Hà Nội và khắp các tỉnh thành cả nước, nhưng vẫn xây nhà ở quê cho bố mẹ, ông bà và để làm nơi về giỗ chạp, tết nhất. Từ khi Ngô Viễn mở trang mạng Blog Annamite, nhà ông Nhãn khác nào cái ống nhổ giữa làng hứng trọn những lời chửi rủa.

Buổi chiều liên hoan Hội cựu chiến binh, cũng là lúc nước đổ tràn ly. Ông Nhãn gục ngã trên bục hội trường khi chỉ kịp nói: “Các người đừng đổ oan cho thằng con tôi…”

***

Qua ba ngày cấp cứu, ông Ngô Nhãn tắt thở tại bệnh viện.

Blog Annamite đăng thông báo tin buồn, k‎ý tên trưởng nam Ngô Viễn và xin cáo lỗi đóng cửa trang mạng cho tới khi thích hợp.

Y là thằng bạn học đầu tiên gặp Ngô Viễn khi hắn đang ôm đầu ngồi gục trước nhà xác. Viễn suy sụp thảm hại. Trên vầng trán bướng bỉnh của hắn bỗng xuất hiện một mớ tóc bạc. Vừa chạm tay vào vai Viễn, hắn bỗng chồm dậy, nhìn y xa lạ, rồi túm lấy hai vai y, rung lắc mãi:

- Mày nói đi, thầy tao có tội gì?

Trong khoảnh khắc ấy, y như thể đại diện cho những thế lực, những mưu mô dẫn đến cái chết của bố Viễn. Không tự dưng mà ông Nhãn đột quỵ. Đạn bom, chết chóc suốt hai cuộc chiến tranh chống Mỹ, chống Tàu đâu có giết nổi ông. Đến như chất độc da cam len lỏi vào người ông, buộc ông sinh ra đứa con gái tật nguyền để đeo bám vợ chồng ông cho tới chết, nhưng ông vẫn vượt qua được. Vậy mà bây giờ ông chết vì lời khích bác, phỉ nhổ của người làng Phí… Hu hu…Viễn đổ gục vào người y, khóc như một đứa trẻ. Chưa bao giờ y thấy thương Viễn như lúc ấy. Y như thấy mình có lỗi. Nếu y có mặt trong cái buổi chiều nghiệt ngã vừa rồi, giữa hàng chục cựu binh làng Phí mặt tím tái vì rượu, hừng hực như chảo lửa, tai âm âm những tiếng nói “Công an nhân dân còn Đảng còn mình”, “Hãy giữ lấy chế độ, giữ lấy cái sổ hưu”…, thì y cũng không buông tha ông Nhãn. Tội của ông Nhãn là không dạy được thằng con trai. Nó đang rắp tâm làm một cuộc tạo phản.

Lỗi của y là không khuyên can được bạn. Để có được cái bằng tiến sĩ, để giành được một xuất viện sỹ tại một Viện nghiên cứu hàng đầu quốc gia, đâu phải chuyện dễ như đứng dưới gốc khế cầm sẵn túi ba gang hứng vàng của chim đại bàng? Y học hành có kém gì Viễn, mà còn trầy trật mong kiếm cái bằng thạc sĩ báo chí cũng không xong. Hắn có phúc, có mả ông tổ táng hàm rồng thì phải biết giữ mình, làm rạng danh cho dòng tộc chứ. Bậc tiền bối của Viễn, Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, nếu không theo Tây Sơn, chắc hẳn sự nghiệp ngoại giao, quân sự, văn chương của ông không thể hùng vĩ đến vậy. Cái thói ngông nghênh ta đây kẻ sỹ, theo voi ăn bã mía của Viễn, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cha hắn. Giỏi giang như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, kiêu ngạo như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh mà cuối cùng cũng phải vào nhà đá bóc lịch. Đến như tướng Trần Độ, văn võ song toàn, đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng quý‎ mến, cảm phục mà còn ra bã, thì lũ tép mại như hắn là cái thá gì? Lịch sử đã an bài rồi. Chủ nghĩa Xã hội là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Đảng Cộng Sản là đại diện duy nhất lãnh đạo đất nước, không thế lực nào có thể thay thế. Trứng chọi đá, ích gì? Đã không dưới một lần y nói với Viễn những điều gan ruột ấy, mà lần nào hắn cũng phát khùng, mắng y té tát. Và cho đến bây giờ, hắn vẫn không chịu hiểu. Thầy tao có tội gì? Chừng nào hắn còn chưa vứt câu hỏi lố bịch và ngu xuẩn ấy ra khỏi đầu thì căn bệnh vĩ cuồng của hắn vẫn hết thuốc chữa.

- Thôi, đừng dằn vặt nữa - Y an ủi bạn - Không ai thay được số phận. Bây giờ là lúc mày phải tỉnh táo để lo hậu sự cho ông cụ. Tao không hiểu mày nghĩ thế nào mà không tổ chức tang lễ tại bệnh viện. Ở đó dịch vụ hoàn hảo, lại thuận tiện khi đưa cụ ra đài hoàn vũ.

Mai Thy, như một cái bóng, đứng cạnh hai đứa tự lúc nào. Nàng‎ ý tứ dúi vào tay y một mẩu giấy. Y biết nàng đang muốn giấu chồng một điều gì.

- Em cũng bàn với anh Viễn thế, nhưng nhà em không nghe…

Viễn trừng mắt dữ tợn:

- Không bàn bạc gì nữa. Chờ xe dịch vụ đưa ông cụ về nhà. Em về trước đi. Nói với chú Bá và mọi người lo thu xếp để chiều nay liệm thầy…

Vậy là kế hoạch lại thay đổi. Anh Chín K quả quyết tang lễ phải tổ chức tại bệnh viện. Đích thân anh đã điện cho lãnh đạo Tỉnh và giám đốc bệnh viện, giao nhiệm vụ. Nhưng giờ đành phải thực hiện phương án hai như y đã đề xuất, tức là tổ chức tang lễ tại xóm Trại. Đây là kế hoạch đột xuất mà đích thân tướng Huỳnh Thi Ka vừa chủ trì cuộc họp gấp để lên phương án triển khai. Y là người trực tiếp chỉ đạo và phải chịu toàn bộ trách nhiệm giữ gìn an ninh tuyệt đối cho đám tang. Anh Chín nhấn mạnh: Đám tang bố Viễn sẽ là cơ hội cho bọn Rận chủ tập hợp, là cái cớ để các thế lực thù địch tìm cách chống phá. Không được để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động. Không được để xảy ra bất cứ hành động quá khích hoặc tuyên truyền xuyên tạc nào.

Có một trục trặc ngoài dự kiến của y. Khi xe của bệnh viện đưa thi hài ông Ngô Nhãn về làng, một toán các ông già, không phải người họ Cao, mà người các họ Phạm, họ Vũ, họ Nguyễn, họ Bùi, chắn ngang đường. Họ tuyên bố xanh rờn: Không được đưa người chết về nhà, mà phải đưa về cầu quán ở cuối làng, nơi đặt tạm thi thể những người chết đường chết chợ, chết vì tai nạn, chết ở bệnh viện. Tục lệ của làng từ cổ xưa vẫn vậy.

Người già họ Ngô, rồi cả nhà văn Ngô Thời Bá, cả đích thân trưởng nam Ngô Viễn chỉ thiếu nước quỳ lạy mà vẫn không xoay chuyển được các ông già. Đến lúc này thì y phải xuất chưởng. Y gặp bí thư và chủ tịch xã đề nghị giải cứu, rằng đây là chủ trương của lãnh đạo từ Trung ương, hãy để gia đình đưa ông Ngô Nhãn về nhà để làm tang lễ, như nguyện vọng của họ.

Cả hai vợ chồng Ngô Viễn cùng đến trước y nói lời cảm tạ. Viễn vừa nói vừa khóc: “Hãy cho vợ chồng tôi lạy sống ông một lạy”. Y nắm tay hai vợ chồng, nghẹn ngào: “Hãy cho tao được làm con của thầy, ít ra là trong hôm nay”.

Rồi y nói riêng với Mai Thy: “Đọc mảnh giấy, anh nhận ngay ra ý muốn của Quỳnh Thy. Anh coi như một mệnh lệnh. Ngày mai Ngô Việt sẽ về đến nhà, kịp chịu tang bố. Em nói để anh Viễn yên tâm nhé”.

Lễ viếng ông Ngô Nhãn tại nhà riêng ở xóm Trại làng Phí sẽ bắt đầu từ tám giờ sáng đến hai giờ chiều. Lễ tang sẽ tổ chức ngay sau đó, cho đến khi hạ huyệt tại nghĩa trang của làng. Điều khó khăn và trớ trêu nhất của y là cùng lúc đóng hai vai: vừa là bạn chí thân của Viễn, giúp hắn tiếp khách và tổ chức tang lễ, vừa là đặc phái viên của Bộ, trưởng ban an ninh tang lễ, có mật hiệu là Ban TL2. Y xin với họ Ngô cho y được chứt khăn trắng chở ông Nhãn. Ban đầu, Ngô Viễn không nhận, nhưng sau đành phải chiều y.

Hội đồng họ Ngô định quàn ông Nhãn tại nhà ba ngày để chờ anh con thứ hai Ngô Việt, chờ họ hàng nội ngoại, anh em bạn bè tề tựu đông đủ trước khi tiễn đưa ông Nhãn ra đồng, nhưng trước sức ép của chính quyền địa phương, lí‎ do để đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ gìn phong tục truyền thống, Ngô Viễn phải chấp nhận tổ chức đám ma nhanh gọn trong một ngày. Vậy là cho đến trước giờ viếng ông Ngô Nhãn, y chỉ có vỏn vẹn mười tám giờ đồng hồ để triển khai toàn bộ phương án an ninh. Theo nhận định của Ban TL2, đây là cơ hội để Ngô Viễn tập hợp bọn Việt Tân, các trí thức dân chủ bạn bè hắn, các tù nhân lương tâm và đám quần chúng lâu nay vẫn theo Viễn xuống đường biểu tình. Rất có thể, nhiều nhân vật cộm cán, nhiều phần tử chống đối sẽ kéo nhau tụ tập để biểu dương lực lượng, tuyên truyền xuyên tạc. Sẽ xuất hiện băng rôn khẩu hiệu, băng tang với những thông tin chống phá Đảng và Nhà nước.

Tại Hà Nội, đội quân canh me, tiếng lóng gọi là “bánh canh” được lệnh khẩn cấp mật phục trước nhà hơn sáu mươi phần tử trong danh sách sổ đen. Không để bất cứ ai thân thiết với Ngô Viễn rời khỏi nhà trong ngày diễn ra tang lễ bố Viễn. Liên lạc với các tỉnh, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, xem có cá nhân, tổ chức nào bay ra dự đám tang thì tìm mọi cách ngăn chặn.

Về phía địa phương, lực lượng tăng cường của Bộ, của tỉnh phối hợp với huyện và xã chốt chặn các ngả đường về xóm Trại. Các quầy bán hoa, khi thấy có người mua hoa tang khả nghi phải báo ngay với lực lượng an ninh. Không viết băng tang có dòng chữ “Vô cùng thương tiếc”. Tốt nhất là vận động các quầy bán hoa ở thị trấn phố huyện và chợ Phí nghỉ bán hàng một ngày.

Tướng Huỳnh Thi Ka điện cho y: “Đây là dịp mở đường nhân ái để kéo Ngô Viễn trở về với chúng ta, cũng là dịp không cho các thế lực thù địch ngóc đầu dậy. Đồng chí phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về an ninh đám tang này. Thành phố đã điều hai xe bus và một xe cứu thương túc trực để hỗ trợ. Phần tử nào chống đối hoặc gây rối, phải xử lí ngay”.

***

Đám tang thuê dịch vụ trọn gói từ A đến Z, bao gồm phông bạt, bàn ghế, phường bát âm, đội tiêu binh, kiệu phú y, kiệu nhà đòn, quần áo xô, khăn chở, cờ phướn, hương hoa, vv… Bạt lớn căng kín khoảng sân rộng. Linh cữu quàn ở giữa nhà, bài vị đặt trên chiếc kiệu ngoài hiên, phía trên căng tấm băng đen, hàng chữ trắng: “Vô cùng thương tiếc cụ Ngô Nhãn”. Cạnh bàn bài vị, một chiếc gậy tre, một mũ rơm và bộ áo xô, phần của anh con trai thứ Ngô Việt vẫn để sẵn chờ chủ. Người làng Phí lâu nay vẫn tưởng Ngô Việt vào làm ăn trong Sài Gòn, chỉ duy nhất vợ chồng Viễn và ông Nhãn khi sống, biết Ngô Việt đã dính vào đường dây vận chuyển ma túy và đang bị giam giữ cải tạo. Việc giải quyết cho Việt về chịu tang bố là bất khả thi, nhưng nếu có ý‎ kiến của tướng Huỳnh Thi Ka thì vẫn có hy vọng.

Khi đội bát âm mười hai người, đồng phục trắng có dây tua, ngù vai vàng, mũ kê-pi như đội quân nhạc, tấu lên khúc lưu thủy ai oán, thì đột ngột có mấy người, quần áo xanh bộ đội, mặt mũi phừng phừng hùng hổ tiến vào.

- Gia chủ đâu rồi, anh Ngô Viễn đâu rồi?

Nhà văn Ngô Thời Bá, đầu quấn khăn trắng đang cùng đứa cháu buộc hai cây chuối non trước kiệu, vội quay lại.

- Dạ, chúng tôi đây, ôi, xin có lời chào ông Hiều, ông Ngũ, ông Ruyện, ông Vạn…Quý‎ hóa quá. Mời các ông vào trong nhà xơi nước, chúng tôi sẵn sàng được hầu chuyện.

- Ông là chú họ tá ơ, nhà văn thơ Ngô Thời Bá, chúng tôi còn lạ gì - Ông Hiều cao gầy, râu tóc lơ phơ mặc bộ đồ lính nhàu nhĩ đeo huân chương đầy ngực, gạt tay - Bảo anh Viễn trai trưởng ra đây, hội cựu chiến binh chúng tôi có vấn đề cần trao đổi.

Ngô Viễn, đầu đội nùn rơm, áo xô, dây chuối thắt ngang lưng, cùng Mai Thy chân đất áo xô, đầu úp bồ đài, từ phía linh cữu đi ra.

- Dạ, chào các cụ. Chúng cháu xin nghe đây ạ.

Ông Vạn phủi tay khi có người kéo chiếc ghế nhôm mời ngồi:

- Hội cựu chiến binh chúng tôi đề nghị gia đình thay băng khẩu hiệu kia. Không thể để “Vô cùng thương tiếc” được. Ông Nhãn chết vì bệnh chứ có chết ở chiến trường đâu mà bắt chúng tôi thương tiếc. Mà ai vô cùng, hử? Làng xóm thương tình cho mang quan tài vào nhà là đã trái tục lệ lắm rồi. Giờ lại nống lên, bắt chúng tôi thương tiếc. Hớ hớ… Lạ đời.

Ông Ruyện thấp lùn hùa theo:

- Phải bỏ cái băng tang kia xuống. Ngứa mắt lắm.

Ông Ngũ cụt, phất cái ống tay áo dặt dẹo.

- Chỉ đề: “Đám tang ông Ngô Nhãn” là đủ. Không cần vô cùng thương tiếc. Hồi đám tang ông Trần Độ ở Hà Nội cũng làm như thế. Đến vòng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn đề vô cùng thương tiếc cũng phải gỡ bỏ nữa là. So với tướng Trần Độ thì ông thượng úy về hưu Ngô Nhãn không là cái thá gì nhé. Ông Trần Độ phản bội Đảng, không được ai thương tiếc. Ông Nhãn không dạy nổi con, cũng hùa theo phản bội Đảng, làm sao còn được chúng tôi thương tiếc.

Mai Thy liếc thấy người Viễn run bắn lên, mặt Viễn tím đen, mắt đỏ đọc như con trâu đực sắp vào cuộc chọi, vội bấm mạnh tay chồng, ‎ không cho hắn nói.

Nhà văn Ngô Thời Bá nhoẻn cười:

- Cám ơn các ông đã dạy bảo. Gia chủ xin ghi nhận thịnh tình. Giờ thì mời các ông lại nhà - Đoạn ông nhà văn hai tay chống nạnh, hất hàm, rồi dõng dạc ra lệnh - Con cháu họ Ngô đâu, tiễn khách!

Đám thanh niên lực lưỡng, khăn trắng ngang đầu, ngoan ngoãn nhưng kiên quyết thực thi nhiệm vụ. Chỉ thiếu lấy lá chuối lót tay. Mấy ông cựu binh chẳng còn cơn cớ gì để gây gổ, bực bội rút lui.

Kèn trống lại tấu lên. Lần lượt con cháu, họ hàng, thông gia, bạn hữu mang vòng hoa, đồ lễ vào viếng.

Bỗng ngoài đường có tiếng cãi cọ, xô xát. Hình như có cuộc ẩu đả. Y biết, đội an ninh bắt đầu làm nhiệm vụ. Máy điện thoại cùng lúc réo liên hồi. Tiếng đại úy Thắng: “Báo cáo anh, bọn dân chủ đến rất đông. Các vòng hoa đều đeo băng rôn”. Liền đó là tin nhắn của Tuẫn Chiết da: “Cậu cho người dẹp ngay bọn Việt Tân”. Vậy là Tuẫn Chiết da đang trà trộn trong mấy đoàn khách từ chiếc xe mười sáu chỗ và năm chiếc xe con, vừa bị ách lại.

Từ các ngõ xóm, đội quân xe ôm làng Động túa ra. Khiển Trọc cầm đầu, tay khua khoắng chỉ huy và luôn mồm quát tháo vào điện thoại. Hai hôm nay, cánh xe ôm làng Động nghỉ việc, kéo nhau về làng hết. Đám tang người xóm Trại làng Phí, nhưng cánh xe ôm làng Động lại coi như người làng mình. Phía các ngõ đối diện, đội quân “bánh canh” làng Phí ngoài Hà Nội, “lực lượng 47” làng Phí ở các nơi cũng kéo cả về làng. Hai đội quân giáp mặt nhau dọc trục ngõ vào nhà tang lễ. Đội quân xe ôm lao đến, đón các vòng hoa tang từ những chiếc xe của khách. Một loạt vòng hoa đeo băng rôn đen, chữ trắng: Hội Lương tâm, Hội anh em dân chủ, Văn bút độc lập, Hội nhà báo độc lập, Hội nông dân đòi ruộng đất, Hội anh em Kitô hữu, Hội phản đối đường lưỡi bò, Vì môi trường xanh, Hội phản đối Formosa, Hội cựu binh chống bành trướng, Những người bạn của Blog Annamite, Nông dân Văn Giang, Đại diện nông dân Đồng Tâm… Trời ơi, thoáng nhìn y đã vã hết mồ hôi. Không gỡ bỏ các băng chữ kia thì y sẽ bị gỡ bỏ hết sao vạch, bị tống vào tù. Đời y sẽ đi tong. Y dằn giọng vào máy bộ đàm. Tổng huy động các mũi tiến công. Cuộc giằng co quyết liệt giữa lực lượng an ninh và đám khách đến viếng, thực chất là cuộc giằng co giữa hai làng Động và Phí. Cánh xe ôm làng Động làm sao đọ sức được với đám “bánh canh”, “lực lượng 47”? Vài vòng hoa bị văng tung tóe. Cuối cùng thì các băng chữ cũng phải gỡ bỏ.

Điều Y thực sự bất ngờ là trong đám đi ô tô, có nhiều nhân vật trong sổ đen, bị giám sát không được đi khỏi nơi cư trú. Với những phần tử này, thành phố đã lập các tổ chốt chặn, nhân viên an ninh mặc thường phục, được hưởng thêm phụ cấp, canh giữ 24/24 giờ. Thanh niên họ Cao làng Phí được tuyển dụng vào lực lượng này khá đông, ngoài nhiệm vụ “bánh canh” còn có thêm nhiệm vụ dư luận viên (lực lượng 47), hằng ngày lên mạng phản bác lại các luận điểm xuyên tạc. Những ngày dự đoán có biểu tình, thì nhanh chóng triển khai quanh tượng đài Vua Lý‎ Thái Tổ, tượng đài Lê Nin, trước Nhà Hát Lớn… để phá người tụ tập và giúp lực lượng cảnh sát hốt họ lên trại Lộc Hà. Chỉ huy lực lượng 47 là đại úy Cao Thiện Hùng, em sinh đôi với trung tá Cao Thiện Huân. Chính Hùng đã có sáng kiến vận động một số người trong câu lạc bộ nhảy đầm ra chiếm lĩnh không gian trước tượng Vua Lý mỗi khi thấy có dấu hiệu biểu tình để cản các “thế lực thù địch” tụ tập. Sáng kiến “văn hóa” này đã được tướng Chín K đánh giá rất cao, được biểu dương và Hùng được thăng hàm thiếu tá vượt thời hạn một năm. Rồi chính Hùng lại được phân công đặc trách lực lượng “canh me” toàn thành phố. Mấy nhân vật cộm cán kia đã được lực lượng “canh me” của Hùng chăm sóc từ hôm trước, mà sao lại có thể lọt lưới về đây? Cái bọn Rận chủ này như có phép biến hóa của Tôn Ngộ Không, như có ba đầu sáu tay, canh me đến thế mà chúng vẫn kéo về đây được. Y điện ngay cho Chín K. “Dạ thưa anh, các phần tử có mặt trong buổi giới thiệu sách Đường về nô lệ đều xuất hiện tại đây. Dạ, có cả giáo sư Ngô Đức Thọ, Chu Hảo, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A, Nguyễn Thanh Giang, Dương Danh Dy, Phạm Toàn, Nguyễn Đăng Quang và một loạt các chủ trang mạng Bà Đầm Xòe, Tễu Blog, Bauxite, Anh Ba Sàm… Dạ, rất khó kiểm soát ạ. Tuy nhiên tất cả các vòng hoa có ghi tên các đoàn thể, cá nhân… đều đã bị thu lại hết ạ”.

Qua điện thoại, y biết anh Chín rất thất vọng về y. Hãy tống hết bọn chúng lên xe bus đưa về trại Lộc Hà. Nhưng y không thể làm theo lệnh anh được. Đám tang tướng Trần Độ ở tầm quốc gia, trong khuôn viên nhà tang lễ quốc gia với sự tham dự của hàng trăm tướng lĩnh về hưu, hàng trăm trí thức tên tuổi và hàng nghìn người mến mộ, phải làm quyết liệt để răn đe, để ngăn chặn bạo loạn. Thậm chí vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng phải xử lí. Nhưng đây là một vùng quê. Đám tang ông Ngô Nhãn cũng chỉ bó hẹp mấy thôn trong xã. Xưa nay không chỉ “hôn nhân, điền thổ” mà cả “tang gia, điền thổ” cũng “vạn cổ chi thù”. Làm căng quá, án mạng như chơi.

- Gay rồi anh ơi, bọn xe ôm làng Động ra tay rồi - Tiếng cậu Thắng phụ trách an ninh huyện thở hổn hển trong máy.

Y tức tốc rẽ đám đông ngoài cổng để vào sân tang lễ.

Hầu như tất cả dân xe ôm và cốp pha làng Động đang làm ăn ngoài Hà Nội, người nào cũng mặc quần áo xanh công nhân, đầu chít khăn tang trắng, đứng thành ba hàng ngang trước bài vị ông Nhãn, do Khiển Trọc dẫn đầu. Có mấy người mà y nhẵn mặt trong những cuộc biểu tình ở Hồ Gươm, hôm nay mặc cả áo phông phản đối đường lưỡi bò, phản đối Formosa đến viếng. Ôi, gì thế kia? Y không tin ở mắt mình. Hầu như tất cả băng tang trên những vòng hoa viếng mà đội quân của y đã bóc khỏi các vòng hoa, thì như có phép lạ, bỗng được những người xe ôm làng Động gom hết lại, giang hai tay căng ra trước linh cữu. Sau này y mới hay, đó là nhờ sự ranh ma của đám trẻ con xóm Trại. Chúng đã đánh cắp những dải băng tang trao hết cho Khiển Trọc. Vô hình chung, giữa xóm Trại, làng Phí, bỗng có một màn trình diễn ấn tượng của các lực lượng dân chủ…

Màn trình diễn này nhanh chóng được các máy điện thoại, các máy ghi hình chớp lấy.

Y hoảng hốt như chính mình vừa làm một điều gì khủng khiếp, định rút điện thoại gọi cho Chín K, nhưng chợt nghĩ lại, đành phó mặc.

***

Rồi cao trào của vở diễn cũng đến.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay sự nhắc lại trớ trêu giữa hai đám tang cách nhau hơn một thập kỷ. Dường như một phiên bản, nhỏ hơn, đã được lặp lại. Khác chăng là một đám tang tầm cỡ quốc gia tổ chức tại Hà Nội và một đám tang của một thường dân ở một vùng quê ít người biết tới. Y nhớ như in đám tang trung tướng Trần Độ mà y được tham dự với nhiệm vụ một sĩ quan an ninh khoác áo dân sự. Hôm ấy, y trà trộn vào đám trí thức máu mặt để nhận diện và nắm bắt tình hình.

Lách qua đám đông trùng trùng, qua tầng tầng quân phục xếp hàng tề chỉnh, y cố tìm một vị trí gần linh cữu nhất. Bản nhạc Hồn tử sĩ như từ những cánh rừng xa Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn vang lên. Cả ngàn người im phắc đứng tưởng niệm người quá cố. Y thấy vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp từng bị chặn lại ngoài cổng, bỗng được ai đó lén đặt bên quan tài, vẫn có dòng chữ Vô cùng thương tiếc không bị gỡ bỏ.

Ông Chánh văn phòng, nơi trung tướng Trần Độ từng làm Phó Chủ tịch Quốc hội, lên đọc điếu văn. Giọng ông trầm bổng, hùng hồn khi đọc công lao vị tướng tài ba, nhà văn hóa tiên phong… Nhưng càng về cuối, giọng ông càng nhỏ lại. Hình như hàng nghìn cặp mắt đồng chí đồng bào trong nhà tang lễ, hàng trăm máy ghi âm ghi hình đang chĩa vào ông với một năng lượng cộng hưởng nghìn độ, khiến mồ hôi ông tóa ra, đọng từng giọt lớn trên mặt. Và ở đoạn cuối, ông không giữ được bình tĩnh, giọng ông lắp bắp, như bị hụt hơi: “…Tiếc rằng cuối đời, đồng chí đã phạm những sai lầm…”

Ngay khi ông Chánh văn phòng vừa dứt lời, những âm thanh ầm ầm chuyển động trong dòng người từ ngoài khoảng sân rộng, dội vào phía trong nhà tang lễ. Những âm thanh lớn dần, rồi vỡ ra, tựa như tiếng gầm thét của một cơn địa chấn, một đợt sóng thần ập vào bờ: Kéo thằng Chánh văn phòng xuống. Đập chết nó đi. Ai cho phép nó xúc phạm tướng quân Trần Độ? Quân ăn cháo đái bát. Đồ gắp lửa bỏ tay người. Xé nát cái bản điếu văn chó má ấy đi… Những tiếng gào. Tiếng nức nở. Tiếng la hét. Chúng tao là lính đại đoàn 312 đây. Lính chiến Điện Biên Phủ thứ thiệt đây. Chúng mày đã gặp lính Mặt trận giải phóng của tướng Trần Độ chưa? Bọn tao bộ đội Tây Nguyên. Chúng tao ở chiến trường Lào và Campuchia. Còn đây là thế hệ thiếu úy viết văn, bạn lính và bạn văn chương của nhà văn Trần Độ…

Không khí nhà tang lễ như trước cuộc tạo sơn. Và rồi bão tố nổi lên khi con trai cả tướng Trần Độ giật lấy micro: “Chúng tôi không công nhận lời điếu văn vừa đọc…” Hàng loạt tướng tá, cựu chiến binh, huân chương đỏ trĩu hai thân áo phía trước, từng là đồng đội vào sinh ra tử của tướng Trần Độ khắp các chiến trường chống Pháp, chống Mỹ, chống Pol Pot, chống Trung cộng, cố chen lấn bao vây người vừa đọc điếu văn. Bỗng tiếng ai đó gầm lên, đanh sắc, như khẩu lệnh xung phong: “Các đồng chí, làm nhiệm vụ!”. Tiểu đoàn cảnh sát cơ động xuất hiện. Mũ phòng độc, khiên, giáp, roi điện, giày đinh… lừ lừ tiến như đội quân robot. Nếu không có sự can thiệp và giải thoát kịp thời của đơn vị tinh nhuệ này, ông chánh văn phòng rất có thể đã thành một đống rẻ rách bầy nhầy…

Đám tang ông Ngô Nhãn, với cấp độ nhỏ hơn nhiều, lại ở một xó làng khuất nẻo, vậy mà y thấy hầu như nó được sao chép nguyên xi từ đám tang của tướng Trần Độ hơn mười năm trước. Không hiểu ai đã chỉ đạo? Chắc anh Chín cũng không có thời giờ để nghĩ tới chuyện này. Nhưng rõ ràng là có bài bản, chứ không phải ngẫu nhiên. Ông trưởng thôn làng Phí có cho ngậm sâm cũng không dám tự tiện đọc điếu văn phê phán, kết tội người chết trước anh em họ hàng và bàn dân thiên hạ… Và lần này, tiến sĩ Ngô Viễn, con trai cả của ông Ngô Nhãn, cũng không còn giữ được bình tĩnh nữa. Đang ở tư thế hai tay chống gậy, đầu cúi gập, Viễn bỗng vung gậy, nhoài người cướp micro, gào lên nức nở: “Tôi phản đối, không công nhận lời điếu văn của ông trưởng thôn về thầy tôi. Các người đã gây ra cái chết này, giờ các người lại lên mặt dạy đời. Thầy ơi, con có tội với Thầy…”

Đám chú bác anh em họ Ngô xóm Trại nổi giận xung thiên. Mấy ông già râu tóc bạc trắng chỉ tay đòi bắt trói người vừa đọc điếu văn, dám bịa tạc bêu riếu người họ Ngô.

An ninh lập tức nhảy vào can thiệp. Người ta giải cứu ông trưởng thôn ra ngoài. Ông đại diện Hội người cao tuổi xã phải dàn hòa. Rằng đáng lẽ phải đọc cái điếu văn do các cụ soạn. Ông trưởng thôn chủ quan, tự ý soạn thảo, chưa thông qua chi bộ…

H.M.T.