Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Bộ máy quan liêu (1)

Ludwig von Mises, 1944. Bureaucracy. New Haven: Yale University Press.

Phạm Nguyên Trường dịch

Lời giới thiệu

Vấn đề chính của các cuộc xung đột chính trị và xã hội hiện nay là con người có nên vứt bỏ tự do, sáng kiến ​​cá nhân, và trách nhiệm cá nhân và đầu hàng trước sự chỉ đạo của một bộ máy cưỡng bách và áp bức của nhà nước xã hội chủ nghĩa? Có nên sử dụng chế độ toàn trị thay cho chủ nghĩa cá nhân và chế độ dân chủ? Có nên biến người công dân thành thần dân, một kẻ chấp hành trong đội quân lao động cưỡng bách bao trùm lên mọi lĩnh vực, buộc phải tuân theo một cách vô điều kiện mệnh lệnh của cấp trên? Có nên tước đoạt đặc quyền quý giá nhất của người dân trong việc lựa chọn phương tiện và mục đích cũng như tạo lập đời sống của chính mình?

Thời đại chúng ta đã và đang chứng kiến bước tiến hùng dũng của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Cách đây nửa thế kỉ, một chính khách nổi tiếng người Anh, Sir William Harcourt, khẳng định: “Hiên nay tất cả chúng ta đều là những người xã hội chủ nghĩa”[1]. Lúc đó, nếu chỉ nói về Vương quốc Anh thì lời tuyên bố này là quá sớm, nhưng ngày nay, nó gần đúng theo nghĩa đen với một đất nước từng là cái nôi của nền tự do hiện đại. Cũng gần đúng đối với lục địa châu Âu. Chỉ có một mình nước Mĩ là vẫn còn được tự do lựa chọn mà thôi. Và quyết định của người dân Mĩ sẽ định hướng kết quả cho toàn thể nhân loại.

Có thể tấn công những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản từ nhiều quan điểm khác nhau. Ngay lúc này, dường như việc nghiên cứu về quá trình bành trướng của bộ máy quan liêu là biện pháp tiếp cận thích hợp nhất. Công trình phân tích chế độ quan liêu cung cấp cho chúng ta cơ hội tuyệt vời, giúp chúng ta nhận ra những vấn đề cơ bản của cuộc tranh cãi.

Mặc dù trong mấy năm gần đây, chế độ quan liêu đã tiến hóa rất nhanh chóng, nhưng so với phần còn lại của thế giới, nước Mĩ vẫn mới chỉ bị ảnh hưởng không đáng kể. Nước này mới cho thấy vài đặc điểm của bộ máy quản lý quan liêu mà thôi. Do đó, nghiên cứu một cách kĩ lưỡng chế độ quan liêu ở đất nước này sẽ là không đầy đủ nếu không xem xét một số khía cạnh và kết quả của phong trào chỉ có ở những nước có truyền thống quan liêu lâu đời. Công trình nghiên cứu như thế phải phân tích kinh nghiệm của các nước có chế độ quan liêu kinh điển – Pháp, Đức và Nga.

Tuy đây không phải là đối tượng của các tài liệu tham khảo có nhắc tới những điều kiện của châu Âu nhằm che dấu sự khác biệt căn bản – về khía cạnh chế độ quan liêu – giữa tư duy chính trị và tâm trạng xã hội của Mĩ và châu Âu. Người Mĩ chưa từng biết và hiện chưa biết khái niệm về Obrigkeit (nhà chức trách – tiếng Đức), họ chưa từng biết và hiện không biết chính phủ mà thẩm quyền của nó không xuất phát từ nhân dân. Rất khó giải thích cho một người mà các tác phẩm của Milton và Paine, Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp và Bài diễn văn Gettysburg là cội nguồn của giáo dục chính trị, thuật ngữ Obrigkeit tiếng Đức có ý nghĩa gì và Obrigkeits-Staat (quyền lực nhà nước – tiếng Đức) là gì. Có thể hai đoạn trích dẫn sau đây sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề.

Ngày 15 tháng 1 năm 1838, Bộ trưởng Nội vụ Phổ, G. A. R. von Rochow, khi trả lời kiến nghị của các công dân một thành phố Phổ đã tuyên bố: “Dường như thần dân không được áp dụng tiêu chuẩn của trí tuệ tồi tệ của mình để xét đoán việc làm của người đứng đầu nhà nước và gán cho chính mình, với thái độ xấc xược, những ý kiến của công chúng về sự công bằng của những việc làm đó”. Đấy là trong những ngày mà chủ nghĩa tự do Đức đang thách thức chế độ chuyên chế và dư luận kịch liệt phẫn nộ với đòi hỏi hống hách này của chế độ quan liêu.

Nửa thế kỉ sau, chủ nghĩa tự do Đức đã chết hẳn. Sozialpolitik (chính sách xã hội – tiếng Đức) của Kaiser (hoàng đế Đức – ND), hệ thống của chính phủ can thiệp vào lĩnh vực kinh doanh và chủ nghĩa dân tộc hung hăng đã thay thế cho chủ nghĩa tự do. Không người nào còn bận tâm khi Hiệu trưởng Đại học Hoàng gia Strassburg bình thản nêu ra đặc trưng của hệ thống chính phủ Đức như sau: “Các quan chức của chúng ta... sẽ không bao giờ dung túng cho bất cứ người nào tìm cách giành quyền lực từ tay họ, chắc chắn là không dung thứ cho đa số trong nghị viện mà chúng ta biết rõ cách xử lí. Người ta chấp nhận với lòng biết ơn và chịu đựng một cách dễ dàng các công chức có trình độ cao và có tâm hồn cao thượng hơn bất kì loại luật lệ nào khác. Nhà nước Đức là nhà nước mà bộ máy quan liêu có uy quyền cao nhất – chúng ta hi vọng rằng sẽ mãi như vậy”[2].

Không một người Mĩ nào có thể nói những câu như thế. Chuyện đó không thể xảy ra ở đất nước này.


[1] Mời đọc G. M. Trevelyan, A Shortened History of England [Lịch sử nước Anh rút gọn] (London, 1942 ), tr. 510.

[2] Georg Friedrich Knapp trong diễn văn nhậm chức, đọc ngày 1 tháng 5 năm 1891. Bài phát biểu này đã được in đi in lại nhiều lần. Đoạn trích này trên tr. 86 của ấn bản năm 1909 của Die Landarbeiter in Knechtschaft und Freiheit.