Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Văn học Miền Nam 54-75 (716): Phạm Thiên Thư (kỳ 7)

Chàng lãng tử và nhà thơ thiền

Trương Văn Dân

Cứ mỗi lần nhìn thấy chiếc xe máy chở hai người đến tham dự buổi ra mắt Quán Văn, khi người lái dừng xe, quàng chiếc ba lô lên vai, người ngồi sau ngậm pip, mắt mơ màng bước xuống là tự dưng tôi nhớ đến tên một tác phẩm “Nhà khổ hạnh và gã lang thang” của Hermann Hesse.

Đó là câu chuyện về hai người bạn có tính cách và số phận rất đỗi khác nhau. Trong khi Narcissus là một thanh niên duy lý, coi trọng tri thức, sống trong tu viện và có ít quan hệ với đời thường nên ít hiểu ý nghĩa thực của cuộc sống; còn Goldmund thì được người cha gà trống nuôi con muốn nó phải hiến dâng cuộc đời cho Chúa để bù đắp tội lỗi của người mẹ Di-gan hoang đàng. Hai nhân vật là đôi bạn nhưng có hai lối sống trái ngược và bổ sung nhau như hai phần đen trắng trong một con người. Một bên nghiêm túc, kỷ luật, bên còn lại buông thả, lãng mạn đậm chất nghệ sĩ.

Chính Narcissus đã giúp Goldmund nhận ra rằng cuộc sống của nhà tu không phải dành cho anh và sau đó Goldmund trốn khỏi tu viện.

Nhớ và tự nhiên liên tưởng đến tác phẩm của Hesse vậy thôi chứ hai người đi trên xe máy này không ai khổ hạnh và cũng chẳng lang thang. Vì, nếu nói cho đúng thì có lẽ đây là một gã lãng tử, và nhà thơ thiền, một nhà tu hoàn tục. Gã lãng tử hở cứ vác ba lô lên vai là đi, một mẫu “Típ-phờ-nờ”[1] đã từng làm biết bao nhiêu trái tim loạn nhịp còn nhà thơ thì cũng một thời đa đoan.

Hai người đó là Lê Viết Yên và Phạm Thiên Thư.

Hình như định mệnh chỉ vận vào Lê Viết Yên có một nửa: Trong tên anh có chữ “Viết”, nhưng tính thích rày đây mai đó, khoái… “Lê”… la, nên không thể ngồi “Yên”. “Viết” là phải kiên nhẫn ngồi hằng giờ trước trang giấy thế mà đôi chân cứ ngọ nguậy, hễ nghe tiếng máy xe gầm gừ cám dỗ thì chữ nghĩa khó mà tuôn chảy. Thế nên định mệnh chỉ vận vào anh theo một hệ luỵ gián tiếp: Đó là sách. Có thể nói hiếm người yêu sách như Lê Viết Yên. Trong chiếc ba lô cuả anh, ngoài bộ ấm trà lúc nào cũng có sách, sách để cho, ba lô để nhận. Anh được rất nhiều bạn bè tặng sách, mà đáp lại anh cũng thường mua sách mới in của bạn bè để giới thiệu hay phát hành giúp. Ai trả tiền thì lấy, “quên” cũng chẳng sao. Hễ nhìn thấy sách quý hiếm là anh hỏi “xin”, không thì mượn, photocopy lại, cưng như của quý nhưng ít khi giữ được lâu, ai hỏi cũng lắc đầu “em chả, em chả” nhưng phụ nữ hỏi xin, mủi lòng, cho tuốt.

Lê Viết Yên quảng giao, thích kết nối bạn bè trong Nam ngoài Bắc, vùng thấp miền cao, tạo cơ duyên gặp gỡ để mọi người quen nhau, nối vòng tay lớn. Trên mạng xã hội anh vô tư chia sẻ các bài viết hay, từ văn học nghệ thuật đến triết học tôn giáo, nhưng đề tài yêu thích vẫn là… “tdh”[2].

Bản tính ham vui, thích chọc trời khuấy nước để… vui là chính nên có bạn khắp các vùng miền, và hễ bình xăng đầy mà bạn rủ, là đi. Hết lòng bênh vực và không bỏ rơi bạn trong những lúc khó khăn. Tính cương trực, không ưa thì nói thẳng, tuy vậy khi không vừa ý thì rất… dễ hờn, mà giận buổi sáng, chiều hôm đã cười xoà!

Những năm gần đây… số phận của chàng lãng tử Lê Viết Yên hình như gắn liền với nhà thơ Phạm Thiên Thư. Có nhiều chuyện không vui trong cõi trọ trần gian, sức khoẻ kém, lại bị mất ngôn ngữ nên nhà thơ hoàn toàn bị cô lập. Mỗi sáng ngồi dưới quán cà phê, ngậm ống điếu nhìn người qua kẻ lại với ánh mắt sâu hun hút… Chàng lãng tử, dù ở rất xa, vẫn chạy xe, băng từ đầu này qua đầu kia thành phố để ngồi với nhà thơ, để ông bớt cô đơn. Có khi đi một mình, có khi chàng nhắn tin hay gọi điện mời thêm nhiều bạn bè cho đông đủ.

Những khi trong thành phố có sự kiện văn nghệ chàng lãng tử chạy lên chở nhà thơ đến, xong lại đưa về. Tiêu pha nhiều thời gian và tiền bạc: chỉ để giúp nhà thơ bớt cô độc giữa cõi đời.

image

Bảy tám năm trước tôi và Elena cũng được hội ngộ lần đầu với nhà thơ Phạm Thiên Thư, cũng qua sự kết nối của Lê Viết Yên. Giới thiệu xong, ông như đang bận theo đuổi một ý nghĩ nào đó, lơ đãng quay nhìn vào khoảng không trước mặt. Tôi còn đang lúng túng thì bất ngờ thấy ông quay lại nhìn với nụ cười thật hiền và nói: "Tớ mất ngôn ngữ... nên cậu thông cảm... đừng buồn nhé !"

Sau những phút ngắm cõi hư không qua những vòng khói, nhà thơ bảo người nhà đem ra mấy tập thơ, bảo tôi viết tên lên một tờ giấy để ông chép lại cho đúng rồi ký tặng. Ngoài mấy tập thơ, ông còn tặng cho tôi các bài báo viết về ông như nhà văn hoá Unesco, về kỷ lục gia hay nói về trường sinh học, nhân điện và sách viết về các phương thuốc trị bệnh.

Những lần sau đến thăm tôi vẫn thấy nhà thơ ngồi bình dị như một nông dân, phì phèo ống píp, ngắm mây trời, bên cạnh lúc nào cũng có một chiếc túi vải màu nâu mà các nhà sư thường dùng, trong đó đựng sách, các tập thơ, thuốc xắt và các thứ linh tinh.

Tuy nhà thơ không nói chuyện nhiều nhưng ông rất thân tình, dễ mến. Đặc biệt là đôi mắt và nụ cười thật hiền. Những lần không gặp ông đều hỏi tin tức về vợ chồng tôi và nhờ Lê Viết Yên chuyển lời thăm.

Nhà thơ tự cho mình có khả năng ngoại cảm, có khi gặp ai, anh nheo mắt nhìn và phán một câu kèm một nụ cười bí hiểm: " Anh (chị)... hai, ba... ngày nữa sẽ có tiền…" hay “sẽ có tin vui…”.

Tôi thường ngồi nghe và không khi nào kiểm chứng, nhưng câu phán về nhà thơ Đoàn Văn Khánh lúc còn độc thân thì tin vui xảy ra thiệt: Hết cô đơn và có được vợ hiền Carol Kim chăm sóc!

Khi ngồi với nhau thân tình hơn, những lúc cao hứng, ông nói về sự tương đồng của ông với Nguyễn Du: Cùng sống qua hai chế độ, mỗi người có bốn người con, nhưng trọng tâm vẫn là “Tớ có ba bà vợ, cụ Nguyễn Tiên Điền cũng chỉ có vậy, không hơn!...” Nói xong ông gõ gõ ống pip lên bàn, cười tít mắt làm ai nghe cũng phải bật cười.

Ông thích so sánh thế vì có lẽ là nhà thơ hậu bối dám viết “Đoạn trường vô thanh” một tác phẩm xem như hậu Truyện Kiều.

Khi các em tôi Đạo, Nguyệt từ Australia về, vì Đạo thường hát “Anh theo Nguyệt về…” nên tôi đưa hai em đến thăm ông, sau có bạn mang guitar đến nên mọi người ca hát rất vui. Từ quán cà phê vang vang lên giai điệu mượt mà: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về…” làm mọi người như đang nhìn thấy một con đường trải nắng có cậu học trò si tình lẽo đẽo theo sau cô nữ sinh mặc áo dài trắng, tay ôm cặp, tóc xoã ngang vai… và đêm về chàng viết lại những vần thơ lung linh như thấm vào lòng nhiều thế hệ:

Em tan trường về

Cuối đường mây đỏ

Anh tìm theo Ngọ

Dấu lau lách buồn…

…Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Trao vội chùm hoa

Ép vào cuối vở…

Có thể nói rằng, vào những năm của thập kỷ 70, bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc nên được nhiều người biết và yêu thích.

Ca hát xong chúng tôi cùng nhà thơ Tâm Nhiên đi đến quán cơm chay, nói tiếp chuyện thơ ca.

Mỗi lần “gặp nhau bên động hoa vàng” ngoài nhà thơ và Lê Viết Yên, thường có các bạn văn như Hoàng Kim Oanh, Nguyên Tâm, Tuệ Lãng, vợ chồng Đặng Châu Long, vợ chồng Nguyên Cẩn… bạn bè nói cười rôm rả… vẫn biết Phạm Thiên Thư như một hiền sĩ ngồi bên lề của đời sống ta bà, nhưng khi chia tay thường để lại trong lòng tôi một nỗi buồn man mác.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư sinh trong một gia đình bố mẹ làm nghề bốc thuốc nhưng từ nhỏ rất thích thơ văn. Lớn lên ông đi tu, làm thơ, hoàn tục và sống trong cội quán café Hoa Vàng.

Có người kể là năm 1964, nhà thơ đã xuống tóc, đi tu với Pháp danh là Thích Tuệ Không. Trong 9 năm tu hành (1964-1973), ông đã chứng kiến một cuộc tình giữa chú tiểu và một cô bé Phật tử. Chú tiểu và nàng đều rất trẻ và tình yêu của họ chớm nở tự nhiên như những bông hoa sau sân chùa. Trong những lời khấn nguyện, cô gái thường cầu xin cho hai người được bên nhau mãi mãi… Chiến tranh loạn lạc, cô bé chết trong lúc chạy tránh đạn bom trên đường di tản. Trong mưa bay và gió lạnh, chú tiểu gạt nước mắt đưa tiễn người đi trong một ngày thật buồn: Gia đình đưa xác cô an táng sau chùa, nơi có những cụm hoa đang nở. Mỗi buổi chiều, chú tiểu đến bên mộ, thắp hương và ngồi mãi cho đến khi hoàng hôn buông xuống…

Nhà thơ Phạm Thiên Thư xúc động và sáng tác bài thơ nổi tiếng “Thoáng hương qua”. Sau này, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm “Em lễ chùa này” và ca khúc đã đi vào lòng người cho mãi đến giờ.

Có người nói là Phạm Thiên Thư chứng kiến, nhưng cũng có ý cho rằng chú tiểu đa tình ấy chính là ông[3], không biết thực hư thế nào, hay chỉ là một giai thoại được dựng lên như nhiều chuyện viết trên báo mà không chính xác?

Tuy vậy bài thơ được phổ nhạc… là có thật:

Em vừa nằm xuống đất này

Vườn trong có bông đào nở

Con bướm chập chờn hương bay

Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ

Nắm đất nào vừa lấp mộ

Có con chim hót đầu cành

Tiếng tan trên giòng suối xanh

Nước ơi sao buồn nức nở.

Về câu chuyện “gã từ quan” coi thường danh lợi, chán ghét những tranh giành trong cõi đời để tìm về với thiên nhiên, nhà thơ đưa ta đến không gian siêu thực tựa cõi tiên của động hoa vàng. Bài thơ được sáng tác vào đầu thập niên 1970 trong giai đoạn quê hương đầy khói lửa nên xuất hiện như một giấc mơ thoát tục để hướng về một thuở thanh bình. Câu chuyện hoà quyện giữa Đời và Đạo “tu là cội phúc tình là dây oan” nhưng gã từ quan cứ vương vấn, chơi vơi giữa tình yêu và đạo pháp nên làm sao thoát khỏi nghiệp chướng đoạn trường:

Thì thôi tóc ấy phù vân

Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương

Thì thôi mù phố xe đường

Thì thôi thôi nhé đoạn trường thế thôi

Thơ Phạm Thiên Thư nặng tính tâm linh nên thường làm cho độc giả lãng đãng và ngẩn ngơ. Ông viết về tình yêu bằng ngôn từ thánh thiện, kín đáo, nhẹ nhàng trong một cõi thi ca trữ tình độc đáo. Nhà thơ Phạm Thiên Thư còn được biết đến như người đã thi hóa Kinh Phật, ông xuất hiện trong làng thơ như một người tu sĩ, rao giảng Phật Pháp bằng thi ca như Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ, Chiêu Hồn Ca, Đoạn Trường Vô Thanh,… ông sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm trong văn học Việt Nam... Thơ của ông được nhiều người có tên tuổi trong giới và rất nhiều bạn đọc mến mộ...

Thế nhưng cũng có người cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông đáp lại bằng một nụ cười:

"Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình" rồi ông viết chính con vạc cũng ghẹo tôi nữa là:

Hỏi con vạc đậu bờ kinh

Cớ sao lận đận cái hình không hư

Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư

Khoác chi cái áo thầy tu ỡm ờ

Trước 1975, Phạm Thiên Thư đã rất nổi tiếng nhờ những bài thơ của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, ngoài ra tác phẩm “Đoạn trường vô thanh” của ông còn được giải nhất văn chương MIỀN NAM.

Với một người nổi danh như thế thì khó mà có được một cuộc sống an lành: ganh ghét và đố kỵ, mượn danh và lợi dụng tất cả những sỏi đá đó thường vung vãi trên con đường ông đi, mang theo hệ luỵ là vinh quang và cay đắng.

Nếu có những người yêu thơ, tìm nhà tài trợ để tổ chức các đêm: Thơ Phạm Thiên Thư - Nhạc Phạm Duy, để gây quỹ từ thiện, có giới làm sách báo & phát hành những ấn phẩm của Phạm Thiên Thư… thì cũng có những bài báo kiểu Phạm Thiên Thư trả lời phỏng vấn, với lời lẽ tung hô, kỷ lục, phô trương… trong khi ông đang bị mất ngôn ngữ, mấy năm trước còn bị tai biến, phải vào chùa rồi rời xa quán Hoa Vàng… hiện chỉ nói được những câu ngăn ngắn; có người còn dùng tên tuổi Phạm Thiên Thư như một nhà tiên tri, thầy thuốc trị được bá bệnh… bao chuyện hư hư thực thực…

Có lẽ cái nghiệp của Phạm Thiên Thư là vậy. Chàng lãng tử Lê Viết Yên cho hay là khi có chuyện không vui ông chỉ cười trừ hay một đôi lần bộc bạch: “Hãy tha thứ! Tha thứ cho những người đã làm điều sai trái, tha thứ cho cả những người đã gây khổ đau cho mình”.

Rồi ông đọc:

Phật - Tôi nào khác chi nhiều

Một người đã ngộ ra điều sắc không

Một kẻ còn đang lông bông

Nhưng rồi sớm muộn cũng mong trở về.

Mấy năm trước cũng chính chàng lãng tử Lê Viết Yên đã đề nghị Tập san Quán Văn làm số 32 Tháng 8 năm 2015 Phạm Thiên Thư & Ngày xưa Hoàng thị… Chân dung văn học cho Phạm Thiên Thư, và ngày ra mắt sách, thân hữu, người hâm mộ, bạn bè đến chung vui, hát ca đông vui nhất.

Tuy không “viết” nhưng Lê Viết giúp tập san Quán Văn phát hành, không chỉ vài ba số mà nhiều khi trọn bộ 30, 40 số. Cũng chính Lê Viết Yên, theo mong muốn của nhà thơ Phạm Thiên Thư, đề nghị nhà thơ Nguyên Cẩn và vợ chồng tôi trích chuyển ngữ tập thơ Huyền Ngôn Xanh ra tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Pháp để in với số lượng hạn chế, giới thiệu với các bạn yêu thơ.

Rồi hôm nay cũng chính chàng lãng tử Lê Viết Yên đứng ra kêu gọi bạn bè hùn chữ, hùn giấy mực,để in một tập sách bạn bè viết về Phạm Thiên Thư, lấy tên là “Gặp nhau bên Động Hoa Vàng” nơi mà nhiều bè bạn quây quần bên ông để thăm hỏi, cùng về một nơi để trầm tư, thanh lọc tâm hồn sau những mệt mỏi về cuộc sống đầy bon chen, bụi bặm. Chàng lãng tử Lê Viết Yên nói một câu làm tôi xúc động:
“Phải làm sớm, ông Phạm Thiên Thư đã U.80, yếu dần theo thời gian, trễ nữa là không kịp!”

Thời gian, và tấm lòng! Dù vẫn biết, làm được hay không, đối với thiền thi Phạm Thiên Thư thì đâu có chi mà quan trọng!

Nhờ bản tánh hiền lành, khiêm tốn và dễ hòa đồng cho nên Phạm Thiên Thư được nhiều bạn bè và anh em văn nghệ sĩ mến thương.

Mỗi lần nhớ đến Phạm Thiên Thư, tôi thường hình dung đến những buổi sáng tinh mơ ông ra ngồi một mình dưới quán café Hoa Vàng mong chờ bạn đến. Ông mỉm cười khi thấy các bạn đến ngồi quanh, nheo mắt nhìn mọi người, gỡ ống píp khom khom gõ nhẹ xuống bàn, dáng dấp cong cong như con rùa mắc cạn đang mừng vui vì con nước tới:

Có con rùa nhỏ ngoài khe,

Từ lâu đợi suối trở về, nằm đây.

Ẩn mình dưới chiếc mai dày,

Ngó bờ rêu lục tưởng ngày xa xưa…

Những lúc ấy tuy chẳng nói nhưng tôi biết ông vui, lạ một cái là ánh mắt đang chiếu sáng niềm vui thì bất chợt khép lại, trầm tư: có thể là ông đang hồi tưởng lại thời con người biết mơ mộng, theo chân cô Ngọ, sống bình dị cùng thiên nhiên… hay thuở đi tu, hoàn tục, theo chân Từ Thức… đã trôi qua, không bao giờ trở lại. Một phản diện tích tắc đầy bí ẩn bên trong tâm thức một con người kỳ lạ: rất… Phạm Thiên Thư.

T.V.D

Mùa dịch Covid.19

Milano 10-2020

Nguồn: sách “Gặp nhau bên Động Hoa Vàng” do Lê Viết Yên chủ biên (NXB Hồng Đức 2021)


[1] TYPN - Tôi Yêu Phụ Nữ.

[2] Tình dục học.