Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Chuyện đời của Bôn Tây

Truyện ký Vũ Ngọc Tiến
Khoảng giữa năm 1990, cơ quan tôi triển khai đề tài thử nghiệm trồng cây thanh hao hoa vàng làm nguyên liệu chiết suất hoạt chất Artermisinin dùng sản xuất thuốc chữa bệnh sốt rét. Nơi thử nghiệm được chọn là trại giam Tân Lập thuộc tỉnh Phú Thọ vì thổ nhưỡng ở đó thuận lợi cho cây phát triển tốt, hàm lượng Artermisinin trong lá cao hơn nơi khác. Những ngày làm việc ở trại, tôi được ông giám thị cử Bôn Tây, một “tù tự giác” thuộc phân trại A đi theo giúp đỡ trong việc hướng dẫn các trại viên quy cách gieo trồng, chăm sóc và sơ chế lá cây thanh hao. Thường trong các trại giam đều có một số “tù tự giác” là những đối tượng cải tạo tốt, sắp mãn hạn tù và có uy tín với các trại viên. Hình thức là vậy, nhưng thực tế đa phần chỉ có các đại ca trong giới giang hồ vào trại một thời gian ngắn đã sớm được làm “tù tự giác”.


Bôn Tây đã cứng tuổi nhưng thân hình to cao, cơ bắp săn chắc, tóc quăn mũi lõ, cằm bạnh để râu quai nón nom khá dữ dằn. Trong con người anh ta ẩn chứa một thứ uy lực ghê gớm khiến hàng trăm tù nhân trong phân trại A răm rắp nghe lời, kể cả những tù đầu gấu nhất cũng không dám trái lệnh hay cự cãi một lời nào. Có lẽ vì thế nên công việc của tôi với sự giúp đỡ của Bôn Tây diễn ra thuận lợi, hiệu quả rõ rệt. Năm ấy năng suất và sản lượng thanh hao đều bội thu, hàm lượng Artermisinin trong lá cao gấp đôi những nơi do Viện Dược liệu của Bộ Y tế trồng.
Thú thực, lần đầu cùng Bôn Tây ra ruộng hướng dẫn kỹ thuật cho phạm nhân, thấy bộ dạng khúm núm sợ sệt, ánh mắt ngây dại thất thần của họ nhìn anh ta như bầy cừu trước cọp dữ tôi cũng chợn rợn, e ngại. Đã thế, nghe những lời đồn thổi về các ngón nghề tra tấn, thủ đoạn làm tiền của anh ta với tù kinh tế hay tù nhà giàu, tôi lại càng thêm ghê sợ và ác cảm. Mỗi lần phân trại A có tù mới “nhập kho” đều phải qua tay Bôn Tây khám xét và nhắc nhở nội quy của trại. Với tù rận rệp hay dân cày cuốc anh ta quát lác đe nẹt, hỏi han sơ sài, tặng vài cái bạt tai rồi cho qua thủ tục. Với tù kinh tê hay tù nhà giàu thủ tục “nhập kho” của Bôn Tây dành cho họ bề ngoài rất ân cần, nhẹ nhàng và tình cảm cùng cảnh bạn tù thương xót nhau. Sau đó, anh ta cùng quản giáo dẫn phạm nhân đến cửa buồng giam, gọi buồng trưởng lại với lời dặn dò: “Đây là đối tượng ưu tiên, cấm chúng mày gây sự hay đánh đập... Rõ chửa?...”. Hai tiếng cuối cùng nghe rất to và gằn. Ngôn ngữ tù nghe vậy phải hiểu ngược lại: “Thằng này giàu. Mày cho nó lãnh đủ hai chục gót chân thật lực rồi bắt nó viết thư về nhà nả tiền. Hiểu chưa, thằng em?”.
Tối hôm đó, sau bữa cơm chiều, nền xi măng buồng giam rung lên bởi những tiếng gót chân của một đầu gấu to con nhất giã lên lưng, dọc xương sống của tù mới nhập buồng đang nằm sấp giữa sàn, úp mặt vào đống chăn màn để không kêu la thành tiếng được. Kẻ bị tra tấn đau đớn quằn quại nhưng không để lại bất kỳ dấu vết bầm tím nào trên thân thể. Sau trận đòn khủng khiếp ấy, họ chỉ còn biết ngoan ngoãn viết thư về nhà theo mẫu thư đã soạn sẵn của Bôn Tây, số tiền tùy theo mức giàu của gia đình cũng đã được điền sẵn vào đó. Nếu còn cứng đầu không chịu viết thư xin tiền, họ sẽ bị trận đòn hiểm ác hơn vào đêm hôm sau. Kẻ bị đánh phải quỳ trên sàn, hai tay bị bẻ quặt ra phía sau do tù đầu gấu giữ chặt. Đích thân buồng trưởng ra tay xử phạt tội bướng bỉnh. Y kê ghế ngồi trước mặt, hai tay lồng vào đôi dép xốp, vỗ mạnh vào mang tai khiến kẻ bị tra tấn đau buốt đến lộng óc cho đến khi máu mồm máu mũi ộc ra mới thôi. Cách tra tấn này cũng không để lại dấu vết nên quản giáo muốn kiểm tra cũng không thể phát hiện được.
Số tiền thu về được Bôn Tây phân chia sòng phẳng làm ba phần, một chia cho buồng trưởng và lũ đàn em, một dùng vào việc tế nhị. Anh ta chỉ giữ cho mình một phần ba gọi là chút “váng lộc giời” mà thôi…
Nghĩ cũng lạ! Suốt một năm làm việc ở trại giam, gần gũi với Bôn Tây, tôi thấy anh ta là người từng trải, hiểu đời biết việc lại rất thông minh, đa tài và dễ mến. Khi đã đủ thân để chuyện trò tâm sự, tôi biết Bôn Tây là con nuôi của người bà con họ Nguyễn Quý ở làng Đại Mỗ. Nơi đó vốn là quê bà nội nên tôi thêm cảm mến, thường lựa lời động viên, khuyên anh hoàn lương. Bôn Tây nghe vậy chỉ cười buồn chua chát nói: “Số tôi nó thế. Nói cho nó nhanh! Ngoài xã hội tôi muốn làm người tử tế không được, kiếm một nghề đàng hoàng để sống cũng bị đời gạt phắt ra ngoài. Bởi thế tôi đã chọn cho mình nghề đi tù. Chỉ có nghề này tôi mới có đủ cả quyền lẫn tiền. Không đâu dễ làm vua như trong xã hội người tù, chỉ cần đủ mạnh để trấn áp, đủ ác để răn đe, đủ gian để nghĩ mưu và lừa mị đám người ngu đần là có thể làm vua tù, bố tù. Nói cho nó nhanh!...”.
Dẫu thế, tôi để ý theo dõi thấy càng gần ngày đặc xá Bôn Tây càng lầm lỳ ít nói, đăm chiêu suy nghĩ nên kém ăn biếng ngủ, dáng người phờ phạc, gầy và già đi rất nhiều. Hôm được ra tù, anh đến tìm tôi chia tay, kín đáo dúi vào túi áo bông của tôi một tập giấy đủ loại, trên đó dày đặc những dòng chữ nhỏ li ti. Anh viết tự truyện về cuộc đời của mình và những dự định cho tương lai trong nửa tháng chờ đặc xá. Trân trọng nỗi niềm của một người tù muốn hoàn lương, tôi trung thành chép lại không thêm bớt một lời nào, chỉ sửa lỗi chính tả, nắn câu cho mềm và dễ đọc…
VNT
*** 
Tôi là giọt máu lai Việt- Pháp. Đứa trẻ lai nào sinh ra cũng kháu khỉnh dễ thương. Nghe cha nuôi kể, lúc tôi chào đời ở bệnh viện Xanh Pôn, các bà xơ làm hộ lý tranh nhau bế bồng, khen tôi xinh đẹp, quý tướng. Cha tôi là con một chủ đồn điền trồng nho giàu có ở miền Nam nước Pháp. Mẹ tôi là con gái họ Ngô ở làng La Khê, một trong tứ quý địa ở ven kinh thành Thăng Long xưa. Ông ngoại tôi đi lính sang Pháp đánh trận từ hồi thế chiến lần thứ nhất (1914- 1918). Sau khi giải ngũ, cụ được Chính phủ Pháp trợ cấp một khoản tiền về quê tậu ruộng, xây nhà mái ngói hiên tây, vườn sau ao trước, sống đời thanh sạch được dân làng nể trọng. Nhờ thế, mẹ tôi được ra Hà Nội học trường Tây rồi làm việc ở tòa Công sứ. Cha mẹ gặp và yêu nhau say đắm nên tôi là kết quả cuộc tình lãng mạn khác màu da ấy.
Cuối năm 1953, khi tôi vừa đầy tháng thì cha nhận lệnh phải về Pháp, hẹn sẽ quay lại đón hai mẹ con sang đó. Thế rồi chiến tranh kết thúc. Hà Nội được giải phóng, mẹ tôi có nhà ở phố Sinh Từ bị tịch thu phải mang con trai về quê sống với ông ngoại. Năm 1955, trong cuộc cải cách ruộng đất, ông ngoại bị quy kết thành phần địa chủ, biết mình không qua khỏi kiếp nạn, cụ khuyên mẹ tôi cải trang thành kẻ ăn mày bỏ trốn khỏi làng, tìm đường ra Hải Phòng lên chuyến tàu vét di cư vào Nam.
Trên đường đi trốn, theo chỉ dẫn của ông ngoại, mẹ tôi ghé sang chợ làng Đại Mỗ. Bà chờ tới nửa đêm cho tôi uống viên thuốc ngủ rồi đặt con vào cái thúng rách cùng chiếc chăn nhỏ và ít quần áo vứt trước cửa nhà ông Ba Khản, một người bạn thân của ông ngoại, nhờ nuôi tôi khôn lớn. Bố mẹ nuôi của tôi sinh con một bề toàn gái nên yêu quý tôi như con đẻ, cho tôi mang họ Nguyễn Quý chứ thực ra trên ve áo và chiếc chăn nhỏ của tôi khi ấy đều có thêu hai chữ D.Pôn. Bố nuôi tôi sau này giải thích chữ D là họ của bố bên Pháp, còn chữ Pôn là nơi mẹ sinh tôi ở bệnh viện Xanh Pôn. Ông cụ đặt tên Bôn cho tôi nghe lơ lớ chữ Pôn cũng vì lẽ ấy. Cụ dặn tôi đây là manh mối duy nhất để may ra sau này cha mẹ đẻ của tôi có thể tìm về nhận lại được đứa con dứt ruột của mình.
Năm tháng qua đi, tôi lớn lên trong sự đùm bọc của cha mẹ nuôi nhân từ đức độ. Dù phải ăn đói mặc rách nhưng tôi vẫn có một gia đình êm ấm. Năm mười sáu tuổi, học hết cấp hai, tôi phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ nuôi làm việc đồng áng. Nhờ dòng máu lai, tôi cao lớn khỏe mạnh như trai mười tám đôi mươi, làm khỏe như trâu điên nhưng công điểm chẳng được bao nhiêu, chỉ tổ góp phần nuôi béo mấy ông bà đội trưởng và ban chủ nhiệm hợp tác xã.
Đời thật bất công, tôi trở nên ương ngạnh tranh đấu với họ nên bị liệt vào phần tử bất hảo trong làng. Chán đời, tôi chỉ muốn rời khỏi nhà, đi đâu cũng được, làm gì cũng tốt, miễn là công việc đàng hoàng để thoát cảnh tù túng trong cái làng quê nghèo, kiếm tiền gửi về giúp đỡ cha mẹ nuôi, đền đáp công ơn dưỡng dục. Tôi âm thầm mò cua bắt ốc hay câu trộm cá ở ao của hợp tác xã, bắt ếch vào những đêm mưa rào đầu hạ… đem ra chợ bán lấy tiền làm vốn đợi ngày ra đi. Nhiều đêm tôi thơ thẩn trèo lên nóc cây rơm trước hiên nhà, mắt đăm đăm nhìn về quầng sáng trong nội thành mường tượng cảnh phố phường tấp nập, khao khát được tự do bay nhảy…
***
Vào một đêm tối trăng, tôi viết mấy dòng thư từ biệt cha mẹ nuôi, hứa sẽ ra Hà Nội tìm việc hay học lấy một nghề kiếm sống, không làm điều gì tổn hại đến truyền thống gia phong danh giáo của dòng họ Nguyễn Quý làng Đại Mỗ. Lúc ấy đã là năm 1969, người Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc nên các xí nghiệp, hợp tác xã thủ công đều rậm rịch bỏ nơi sơ tán về nội thành khôi phục sản xuất rất thiếu người làm. Tôi khai tăng tuổi lên mười tám, đi khắp nơi tìm việc hay xin học nghề nhưng không được, phần vì hộ khẩu nông thôn ngoại thành, phần khác nhìn bộ dạng lai Tây của tôi họ sinh ngờ vực, xua đuổi từ chối thẳng thừng.
Ngày lại qua ngày, tôi lang thang ngơ ngác giữa ba sáu phố phường vẫn không nản chí. Tiền dành dụm ở quê mang theo đã gần cạn, mỗi ngày tôi chỉ dám ăn vài hào khoai sượng, thứ khoai lang ngập nước phải dỡ sớm, củ chỉ bằng ngón tay cái; khát thì uống nước máy ở vòi công cộng; đêm ngủ ngoài nhà ga hay ghế đá công viên. Dẫu thế, tôi nhớ lời răn dạy của cha nuôi, quyết không theo đám bụi đời làm việc phi pháp. Cuối cùng dịp may cũng đến với tôi một cách tình cờ.
Hôm ấy vào giữa trưa nắng gắt, tôi đang thất thểu lê bước trên con đường dốc gần chợ Ngọc Hà chợt gặp một ông lão kéo xe bò chở than quả bàng ì ạch leo dốc. Hồi đó ở Hà Nội chưa có lệ dùng than tổ ong, đa phần đun nấu bằng bếp dầu hôi. Nhiều nhà kỹ tính và có điều kiện thì bán phiếu mua dầu, dùng lò than quả bàng mới ngon cơm và tiện việc đun nấu suốt ngày.
Chiếc xe bò đã cũ nát, hai bánh khấp khiểng như răng bà lão bất chợt trượt bánh làm ông lão ngã khụyu xuống mặt đường. Tôi vội chạy lại nâng càng xe đỡ ông lão dậy rồi chạy vào tiệm sửa xe đạp gần đó mượn cờ lê, mỏ lết tháo hai bánh xe ra sửa lại ổ bi và tự mình kéo xe, còn ông lão gò lưng đẩy đằng sau. Giao hết thùng than cuối cùng thì ông lão kiệt sức. Tôi phải bế ông ngồi vào lòng xe, kéo về nhà ở gầm cầu, gần ngõ Hàng Hương là nơi dân vô gia cư trong phố chiếm dụng mỗi người một hốc gầm cầu cạn dẫn xe lửa từ cầu Long Biên vào ga, lâu dần thành xóm lao động nghèo làm đủ mọi nghề cực nhọc nhưng lương thiện để kiếm sống.
Kể từ bữa đó, tôi may mắn có nhà lại có nghề độ nhật, cùng ông lão gắn bó với chiếc xe bò xộc xệch chở than quả bàng đi khắp nơi trong phố cổ Hà Thành, thoát cảnh cù bơ cù bất. Có thêm tôi giúp việc, ông lão hăm hở nhận thêm than quả bàng giao hàng cho vài con phố nữa. Ngày nắng bù ngày mưa, hai ông cháu cũng kiếm được dăm ba đồng mỗi ngày đủ sống; ông lão có rượu uống với lạc rang hay vó bò chấm tương gừng; còn tôi cũng tích cóp tiền dự định gửi về quê cho cha mẹ nuôi hàng tháng.
Ông lão tên Thọ, tuổi chỉ mới xấp xỉ năm mươi, nhưng để râu ba chòm, tóc tai bờm xờm, da mặt nhăn nheo. áo quần nhếch nhác nên nom già như ông lão bảy mươi. Hồi trẻ, ông là nghệ sĩ toàn năng, làm thuê cho các sàn nhảy, lúc chơi ghi ta, lúc thổi kèn hay gõ trống đều được cả. Là người độc thân, ông sống lập dị và khép kín trong căn gác nhỏ trong ngõ Phất Lộc, chơi đàn và sáng tác những ca khúc cho riêng mình tự hát chứ không phổ biến rộng ra ngoài đời.
Năm 1950 ông bị bắt lính, nhờ biết nhạc nên được biên chế vào đội lính kèn của quân đội viễn chinh Pháp, không phải ra trận. Tuy chỉ là lính kèn không có nợ máu, nhưng năm 1960, khi nhà nước có lệnh tập trung các đối tượng ngụy quân ngụy quyền đem đi cải tạo, ông Thọ cũng bị giam năm năm ở Phú Thọ. Ra tù ông mất nhà, phải sống tại gầm cầu làm nghề kéo xe bò chở than quả bàng kiếm sống. Giờ có thêm tôi cùng sống và làm việc, ông Thọ mừng lắm! Gặp ngày mưa, hai ông cháu ngồi nhà uống rượu suông, chuyện trò rôm rả, lúc cao hứng ông mang đàn ghi ta ra gảy và dạy tôi học nhạc, học chơi đàn. Cái tổ ấm nơi gầm cầu tối tăm, hôi hám ấy với tôi lúc đó là cả một thiên đường mới lạ, ngập tràn niềm vui trong từng nốt nhạc. tiếng đàn…
Có lẽ cho đến hết đời tôi cũng không thể quên cái ngày ba mươi tháng tám năm ấy. Cả thành phố treo đèn kết hoa, chăng khẩu hiệu đón mừng ngày quốc khánh và chuẩn bị kỷ niệm mười lăm năm năm giải phóng thủ đô. Tiếng trống ếch của thiếu niên tập nghi thức đội rộn ràng khắp các sân trường. Đường phố tấp nập người và xe đạp. Riêng tôi cặm cụi một mình kéo xe lên phố Bà Triệu giao than quả bàng cho các nhà đã đặt hàng từ mấy hôm trước. Số lượng than gấp đôi ngày thường vì nhà nào cũng gọi thêm phòng bị cho ngày lễ. Vậy mà ông Thọ đêm trước uống say quá chén bị cảm lạnh nên tôi đành để ông nằm nghỉ ở nhà.
Không có người đẩy, tôi lặc lè kéo xe một mình, tới cổng một biệt thự xinh đẹp người đã mệt lả. Nghe ông Thọ nói, chủ nhân biệt thự là bà Liên cũng lấy chồng Tây như mẹ tôi, nhưng nhờ có ông anh họ ở chiến khu về bảo lãnh, bao bọc nên không bị thu nhà. Hàng tháng chồng bà gửi hơn một ngàn quan tiền Pháp cho hai mẹ con tiêu xài và mua quà cáp biếu xén ông anh họ hoặc những nơi cần nhờ cậy. Đây là lần giao than đầu tiên cho nhà ấy vì ông Thọ mới nhận việc thêm ở Phố Bà Triệu và dăm con phố lân cận từ một ông bạn đã bỏ nghề đi làm việc khác.
Bởi thế, khi đội thùng than lên đầu bước vào sàn nhà lát gạch hoa bóng láng, tôi thoáng gai người vì một cảm giác khó tả. Trước mắt tôi là thiếu phụ chừng ngoài bốn mươi tuổi, nước da trắng mịn, bộ ngực căng tròn dưới lớp áo cánh mỏng bằng vải phin nõn màu cốm non. Bà ngồi đan len, làn tóc mới gội buông xõa còn thơm mùi dầu sả. Bên cạnh bà, cô con gái ngồi đọc sách cũng trạc tuổi tôi. Nàng ngước cặp mắt đen láy nhìn như hớp cả hồn tôi vào trong khóe mắt. Tôi vừa mệt, vừa choáng ngợp nên lúng túng lảo đảo bước đi, khiến thùng than buột khỏi bờ vai rơi ụp xuống sàn nhà, vung vãi khắp nơi. Quần áo, mặt mũi tôi cũng lem luốc dính đầy bụi than hòa trong mồ hôi nhễ nhại.
Bà chủ vội giục con gái lấy chổi rơm, xẻng hót rác giúp tôi thu dọn đống than và xách xô nước cho tôi lau chùi sàn nhà như cũ. Xong xuôi bà nhìn tôi quan sát hồi lâu với ánh nhìn thương cảm, chép miệng thở dài bảo con gái mang bộ pijama cũ của chồng để tôi vào nhà tắm rửa ráy, thay quần áo. Lần đầu tiên trong đời tôi được thỏa thê tắm mát dưới vòi hoa sen. Từ phòng tắm bước ra trong bộ pijama của ông chồng người Pháp, tôi như vừa thoát xác thành con người khác làm mẹ con bà chủ sững sờ ngước nhìn trong giây lát, cùng ồ lên kinh ngạc.
Bà vẫy tôi lại ngồi ghế đối diện, hỏi han ân cần mọi nhẽ rồi lại chép miệng thở dài, nhỏ nhẹ nói: “Tôi nom cậu khỏe mạnh, lanh lợi mà sao khổ thế! Nhà tôi vừa cho u em nghỉ hẳn nên cũng đang thiếu người giúp việc. Nếu cậu không chê thì đến đây làm thay u em đó, tôi sẽ trả công gấp đôi kéo xe than, lại đỡ vất vả. Ở đây lúc rảnh rỗi cậu có thể mượn sách vở của em Kim Thanh tự học lên cấp ba, có gì không hiểu nó chỉ bảo cho. Qua vài năm nếu ngoan ngoãn chịu khó, tôi sẽ nhờ ông anh họ xin việc làm tử tế cho cậu thành người trong biên chế mở mặt với làng nước dưới quê, bố mẹ nuôi của cậu cũng có phần hãnh diện…”.
Bà nói rất lâu, giọng thánh thót dỗ dành, khích lệ. Tôi mừng rơn trong bụng vẫn phải kiềm chế, khất bà ít ngày mới trả lời vì còn phải thưa chuyện với ông Thọ. Quả thực trên đường về tôi thấy lòng bứt rứt khôn nguôi vì nếu vắng tôi, ông Thọ sẽ lại vất vả cô độc trong xó gầm cầu, biết lấy ai chăm sóc đỡ đần lúc ốm đau. Tôi tạt qua phố Hàng Buồm mua miếng thịt quay giá cao về tẩm bổ cho ông. Cơm tối xong, hai ông cháu ngồi uống nước, tôi cứ ngập ngừng đắn đo mãi mới dám mở lời. Nghe chuyện, ông Thọ trừng mắt nhìn tôi, mắng té tát bắt phải đi ngay vì lỡ bà Liên đổi ý thuê người khác. Ông bảo: “Đời ta chịu khổ đã quen, bao năm không có con bên cạnh vẫn sống ổn đấy thôi. Con còn ít tuổi, gặp dịp may như thế âu cũng là phúc phận chưa đến nỗi nào, phải mau chớp lấy thời cơ mà đổi đời con ạ! Đi ngay đi con, nếu không ta sẽ ân hận suốt đời…”. Tôi ứa lệ ôm chầm lấy ông năn nỉ xin ở lại vài ngày, đợi ông khỏe lại mới dứt lòng đi được.
Mấy ngày sau đó, tôi xin với chủ xưởng ép than quả bàng bớt việc, dành thời gian chăm sóc ông Thọ. Hàng ngày tôi tranh thủ giao hàng nhanh để về sớm ghé qua chợ Hòe Nhai hay chợ Hàng Da mua thức ăn giá cao bồi bổ cho ông mau khỏe. Đêm về hai ông cháu thì thầm to nhỏ, nói chuyện tới khuya. Hôm chia tay, tôi ôm chầm lấy ông Thọ òa lên nức nở, nước mắt ướt đầm ngực áo vị ân nhân, người cha tinh thần, người thầy dạy nhạc, dạy đàn và dạy cả lẽ sống ở đời của mình. Hồi lâu ông lấy cuốn sách dạy nhạc và cây đàn ghi ta đem tặng đứa trò yêu, nhưng tôi chỉ dám nhận sách, còn cây đàn một mực xin trả lại vì nó là vật bất ly thân giúp ông Thọ giải tỏa nỗi lòng những ngày mưa hay giữa đêm thanh vắng…
Tôi đến ngôi biệt thự trên phố Bà Triệu nhận việc với thân phận thằng nhỏ giúp việc mà sao lòng cứ lâng lâng sung sướng như bắt được vàng hay như người được đi du học nước ngoài, bởi chừng ấy thôi, tôi cũng đã thấy đời mình bước sang trang mới theo lời hứa hẹn tốt đẹp của bà Liên.
Tôi chăm chỉ cần mẫn làm mọi việc trong nhà rất chu đáo. Thi thoảng tôi còn đi xếp hàng từ mờ sáng mua thực phẩm theo tem phiếu cho những gia đình bạn bè của bà Liên nên ai cũng khen ngợi, quý mến. Việc tự học chương trình phổ thông lớp tám của tôi cũng diễn ra thuận lợi. Kim Thanh và bạn bè của nàng đang học lớp chín nên dễ dàng hướng dẫn tôi học và làm bài tập các môn tự nhiên, còn các môn xã hội tôi đủ sức tự học rất nhanh, học đâu nhớ đấy.
Chỉ trong vòng nửa năm tôi tiến bộ trông thấy trước sự ngỡ ngàng của Kim Thanh và các bạn của nàng. Ai cũng khen tôi cần cù lại sáng dạ nếu được đi học chính quy sẽ không thua bạn kém bè cùng lớp. Có một điều khiến tôi khó xử, thậm chí có lúc lo sợ. Chuyện là Kim Thanh đi học buổi sáng đến tận giữa trưa mới về. Mỗi lần vào bếp nấu cơm trưa cho cả nhà, tôi thường được bà Liên xuống bếp, ân cần quá mức khi hướng dẫn nấu các món ăn.
Quả thực ở nhà quê quen chém to kho mặn, tôi không hề biết người Hà Nội nấu các món ăn cầu kỳ phức tạp đến vậy nên lúc đầu tôi rất cảm động biết ơn bà. Tuy nhiên có những lần bà nhiệt tình đứng đằng sau tôi cầm tay, áp má dạy cách nấu nướng hoặc cho gia vị, nhưng bầu ngực đồ sộ nóng hổi của bà cứ tì vào lưng tôi nhay đi nhay lại theo nhịp tay hướng dẫn của bà, có lần vô tình tuột cả bàn tay xuống đũng quần làm tôi đê mê bởi sự động chạm xác thịt giữa đàn ông đàn bà. Cái sự thèm muốn của chàng trai lực điền mới lớn trong tôi bị khuấy động mời gọi đến mức khó cưỡng. Và tôi đã xoay người lại, đè bà xuống sàn nhà làm chuyện ấy, ngấu nghiến cuồng loạn một cách vô thức.
Sau lần dại dột ấy, tôi như thằng phát cuồng, nửa điên loạn thèm khát mùi vị ái ân với bà Liên, nửa hoang mang sợ hãi vì tội lỗi tày đình, nhất là khi giáp mặt Kim Thanh. Dẫu thế, tôi không sao tự chủ được, vẫn lén lút làm tình với bà Liên trên giường, trong phòng tắm hay cả dưới sàn bếp mỗi khi nhà vắng vẻ chỉ có hai người. Kim Thanh không hề hay biết, vẫn hồn nhiên kèm tôi học tập vào buổi tối, chuyện trò vui vẻ như đôi bạn cùng lứa.
Thật lạ, khi đã phát ngấy bà Liên, chỉ đáp ứng đòi hỏi của bà thuần túy như một con đực cũng là lúc thời gian gần gũi trò chuyện với Kim Thanh đủ để tôi thầm yêu nàng. Một thứ tình yêu trẻ con bồng bột, ngây thơ đến dại khờ. Tôi ghen với tất cả bạn trai của nàng đến chơi nhà. Nghe họ đàm luận văn chương, nhắc tên những tác phẩm, tác giả Tây- Tầu- Anh- Pháp, tôi như vịt nghe sấm, nhưng cũng sinh lòng tự ái, chờ lúc nàng đi học lén vào phòng mượn sách, ngấu nghiến đọc thâu đêm. Tôi thuộc lòng nhiều đoạn văn hay, nhiều tên tác giả đợi khi bạn bè nàng tụ họp cũng chen vào bàn ngang đôi câu để khoe mẽ với người đẹp.
Một lần trong số bạn trai đến chơi có người mang theo cây đàn ghi ta cùng các bạn đàn hát vui vẻ rồi bỏ quên cây dàn trong phòng khách. Đêm ấy, tôi mang đàn ra dạo một bản nhạc tiền chiến của Văn Cao mà ông Thọ thường khen tôi chơi bài này hay nhất. Kim Thanh chưa ngủ, nàng bị tiếng đàn của tôi mê hoặc vội chạy xuống phòng khách thốt lên kinh ngạc, trầm trồ thán phục. Ngay hôm sau nàng xin tiền mẹ ra phố Hàng Gai mua về một cây đàn ghi ta loại xịn và mượn bạn bè nhiều sách nhạc để tôi luyện tập, đêm đêm cùng nhau say sưa đàn hát. Vô tình văn chương và âm nhạc bắc cầu tình yêu cho hai đứa lúc nào không biết.
Tôi tôn thờ nàng như thần tượng của cái đẹp chứ không hề có cử chỉ nào sàm sỡ nhưng vẫn không qua được cặp mắt tinh tường của bà Liên. Mỗi lần dụ tôi lên giường với mình, bà tìm cách đe nẹt làm tôi nổi cáu, cự cãi đến cùng rằng tôi nghèo nhưng biết tự trọng còn hơn chán vạn kẻ giàu có khác. Bà Liên thấy vậy vội làm lành nhưng vẫn nơm nớp canh chừng.
Mùa thu năm 1971 xảy ra trận bão lụt khủng khiếp hàng trăm năm chưa từng có, nhiều nơi vỡ đê nước ngập mênh mông trắng xóa. Giao thông các tỉnh về Hà Nội tắc nghẽn. Bà Liên đi Hải Phòng nhận chiếc xe đạp Peugeot do chồng gửi từ Pháp về, thình lình gặp mưa bão phải ở lại đó chờ đợi mất ba ngày. Tôi và Kim Thanh ở nhà tự do chuyện trò, đàn hát thâu đêm suốt sáng, không bị bà Liên canh chừng nhắc nhở.
Ngày thứ nhất chúng tôi chỉ ôm nhau, trao những nụ hôn say đắm. Sang đến ngày thứ hai mọi rào cản đều trở nên vô nghĩa, chúng tôi khỏa thân trên giường đi sâu vào trong nhau cuồng nhiệt, ngất ngây hạnh phúc quên trời quên đất, chỉ có hai thân xác quấn chặt vào nhau đi đến tận cùng của sự yêu hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Nằm bên nhau, chúng tôi rủ rỉ tâm sự, bàn định kế hoạch cho tương lai. Kim Thanh đã học năm cuối cấp, sắp thi tốt nghiệp lớp mười rồi vào đại học; còn tôi cũng đã học xong chương trình lớp chín, sẽ cố gắng tự học thêm cho hết lớp mười rồi đăng ký dự thị theo quy chế thí sinh tự do. Tôi sẽ tốt nghiệp phổ thông vào năm sau rồi sẽ nhờ ông bác họ của nàng xin đi làm công nhân ở một nhà máy lớn, đợi cơ hội học tiếp đại học tại chức. Hai đứa sẽ làm lễ cưới đàng hoàng như bao cặp tinh nhân khác, sống hạnh phúc bên nhau suốt đời.
Nếu với bà Liên tôi chỉ là thằng đĩ đực thì với Kim Thanh tôi thật lòng tha thiết yêu nàng. Tôi sẵn sàng chết vì nàng, sẵn sàng đánh đổi cả thế giới này để có nàng. Nhưng ngày ấy hai chúng tôi còn quá non nớt. Sự việc đã lỡ xảy ra nếu Kim thanh có thai không biết kết cục sẽ thế nào. Cả hai chợt nghĩ đến điều ấy, bàng hoàng lo sợ.
Bà Liên từ Hải Phòng trở về, linh tính người mẹ mách bảo có việc chẳng lành. Bà gặp riêng từng đứa tra khảo, căn vặn đủ điều, nhưng cả hai đều thản nhiên chối phăng không có chuyện gì xảy ra. Càng lo sợ con gái dính vào cuộc tình tay ba với mẹ, bà càng ra sức chiều chuộng, mơn trớn vuốt ve tôi, ngon ngọt gạ gẫm, hứa hẹn nhiều thứ, nhưng tôi vẫn cố tình lảng tránh. Sự đòi hỏi nhục dục của người đàn bà hồi xuân sống trong nhung lụa làm bà Liên sôi sục khát thèm.
Một hôm vào ngày thứ năm, lớp học của Kim Thanh có sinh hoạt ngoại khóa buổi nhiều nên nàng báo với mẹ trưa sẽ không về. Khi tôi đang cởi trần trùng trục nấu nướng bữa trưa, chợt bà Liên khỏa thân đi vào bếp nài ép tôi làm tình. Vì không chịu nổi sự mơn trớn vuốt ve quá thô bạo sỗ sàng, tôi đành tặc lưỡi đè bà xuống sàn làm chuyện ấy ngấu nghiến cho xong chuyện. Nào ngờ đúng lúc đó Kim Thanh ghé về nhà lấy đạo cụ phục vụ cho buỗi diễn tập văn nghệ. Nàng mở khóa cửa bước vào nhà, tân mắt nhìn thấy tất cả, liền trợn mắt rú lên rồi ngã vật như cây chuối đổ giữa nhà.
Tôi và bà Liên hốt hoảng mặc quần áo đưa nàng đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã muộn. Kim Thanh vốn đã có bệnh về tim mạch, vì quá chấn động tinh thần bị nhồi máu cơ tim đột tử trong giây lát. Người ta khám nghiệm tử thi phát hiện nàng đang mang thai. Để giữ thể diện cho gia đình, bịt miệng thiên hạ, ông anh họ làm to trên thành phố của bà Liên bàn mưu vu cáo tôi hãm hiếp Kim Thanh làm nàng có thai nên đã uất ức tự tử. Công an đến nhà đọc lệnh bắt khẩn cấp, tống giam tôi vào Hỏa Lò chờ điều tra xét xử. Ra tòa tôi bị kết án mười hai năm tù giam. Đời tôi khốn khổ thế nào cũng cam chịu, chỉ ân hận đã vô tình giết chết nàng và đứa hài nhi trong bụng. Kể từ đó tôi phiêu bạt giang hồ trôi dạt qua hết trai giam này sang trại giam khác.
***
Nửa năm đầu ở trong trại giam Lam Sơn- Thanh Hóa tôi như thằng mất trí. Quãng đời hạnh phúc qua ngắn ngủi, trước mắt tôi là mười năm tù đầy. Nỗi ám ảnh về cái chết của Kim Thanh, sự nuối tiếc chuỗi ngày hạnh phúc ngắn ngủi đã khiến tôi suốt ngày câm lặng, ngơ ngơ ngác ngác.
Năm ấy chiến tranh trên cả hai miền Nam - Bắc đều ác liệt trở lại. Ngoài xã hội người dân còn cực khổ, đói rét huống chi kiếp thằng tù. Một vỏ chuối do tù đầu gấu hay tù nhà giàu ăn xong vứt ra sàn có tới mười thằng tù rận rệp tranh nhau vồ lấy nuốt chửng. Đối với thằng tù chỉ trừ có bọ hung và nước điếu, còn tất tật đều có thể ăn, có thể uống. Một nắm cỏ non hồi đó thằng tù vặt được nhét vào mồm cũng ngon hơn bất cứ đĩa sa lát trong nhà hàng đặc sản bây giờ.
Nói cho nó nhanh! Càng đói khổ, quan hệ giữa tù với tù càng tàn bạo, khốc liệt. Đã vào tù sẽ không tính tuổi đời mà là tuổi tù. Sáu mươi tuổi mới vào trại vẫn chỉ là cu con, chưa đến tuổi ăn, tuổi hút, tuổi nói. Nếu ai đó muốn thoát khỏi cơ chế ấy chỉ có hai cách: Một là tiền nộp cho tù buồng trưởng càng nhiều càng ít. Nói cho nó nhanh! Hai là phải kiên cường chiến đấu đến cùng. Một trận huyết chiến sẽ xảy ra và anh ta chắc chắn sẽ là kẻ bại trân. Xung quanh tù buồng trưởng có hàng tá tù đầu gấu đàn em quen nghề dao búa. Đã thế, sau cuộc huyết chiến anh ta còn phải chịu kỷ luật của trại và bị giam riêng. Nghịch lý ở chỗ khi ra khỏi buồng giam kỷ luật, anh ta sẽ là anh hùng được chính tù buồng trưởng làm thân, nể trọng. Lâu dần anh ta sẽ có chỗ đứng trong xã hội người tù. Chỗ đứng ấy cao hay thấp, lâu hay chóng còn tùy thuộc vào tài của anh ta và sự tôn sùng của các tù đàn em. Anh phải độc ác nhưng đồng thời phải rất quân tử. Nói cho nó nhanh!...
Thời gian đầu, tôi thường xuyên bị ăn đòn rất tàn nhẫn vì không có tiền cống nạp, lại lúc nào cũng như thằng mất hồn. Được cái tôi rất lì. Đòn tù phang kiểu gì tôi cũng trơ như khúc gỗ. không hề kêu khóc hay van xin nửa lời. Vài tháng trôi qua, tôi quen dần với thân phận tù rận rệp. Tận mắt tôi chứng kiến những sự việc khốc liệt, tàn nhẫn xảy ra xung quanh mình để duy trì miếng ăn, sự sống. Đó là lúc mớ kiến thức hốn độn trong sách vở mà tôi đọc được ở nhà Kim Thanh phát huy tác dụng, khơi dậy trong tôi những suy tư, tính toán. Nếu tiếp tục sống như cũ hoặc là tôi sẽ phải bỏ xác trong tù hoặc là tôi phải cam phận chấp nhận cuộn sống như con vật suốt mười năm thụ án.
Tôi nhớ trong cuốn sách mình đã đọc lúc còn làm thằng nhỏ trong căn biệt thự phố Bà Triệu, có ông nhà văn Nga tên là Gorky kể lại rằng ông ngoại mình từng dạy: “Mày đừng có lành. Ở đời người ta dẫm lên lưng nhưng thằng lành để sống và hưởng lợi. Phải sống cho gai góc vì đó là lẽ sinh tồn”. Tôi quyết định sẽ đối đầu với hội đầu gấu. Để làm điều này tôi phải có vây cánh và dùng bạo lực. Sức khỏe tôi dư thừa nhừng cần có võ thuật. Cùng buồng giam với tôi có anh Tư Tuất là học trò cưng của võ sư Lại Dương nổi tiếng khắp ba Kỳ ngày xưa. Tư Tuất hơn tôi gần hai giáp, xấp xỉ với tuổi ông Thọ nhưng nhờ tập khí công nom còn rất trẻ nên tôi gọi bằng anh. Hồi cải cách ruộng đất gia đình anh bị quy oan thành phần địa chủ nên bị mất việc ở tòa báo “Thời Mới”. Anh trở về nhà ở làng Ngọc Hà làm nghề thợ cắt tóc kiếm sống. Thời Pháp tạm chiếm Hà Nội, anh là ký giả của báo “Tia Sáng” do ông nhà văn Lương Ngọc làm chủ bút. Ký giả Tư Tuất thường xông xáo viết bài bênh vực người ngay kẻ yếu và có tinh thần ủng hộ chính phủ kháng chiến nên thường bị phòng nhì Pháp sai người đóng giả lưu manh đón đường gây sự đánh lộn. Vì vậy anh phải lên xóm Nghè, làng Nghĩa Đô thuộc tổng Bưởi theo hoc lò võ của cụ Lại Dương, trở thành võ sinh xuất sắc, thường cầm đầu đội múa lân của lò võ đi biểu diễn và phi thân lên trời “cướp” tiền thưởng treo cao trước cửa các hiệu buôn trong tết Trung Thu. Một trò chơi thú vị và náo nhiệt ở Hà Nội những năm năm mươi giàu tinh thần thượng võ. Từ khi về làm xã viên tổ hợp tác cắt tóc Tô Xuân ở bến tàu điện Bưởi, anh cũng rất nổi tiếng về tay kéo tài hoa lại rất khéo nói chuyện văn thơ, chữ nghĩa với khách. Tính anh rất hiền nên nghe tin anh bị bắt vì đánh lộn với nhân viên nhà nước đang thi hành công vụ, dân quanh vùng không ai muốn tin.
Thực ra hôm đó là ngày phiên chợ, Tư Tuất đang cắt tóc cho khách chợt nhìn thấy tay cán bộ quản lý thị trường hùng hổ đá thúng lạc và trứng gà của bà lão xuống rãnh nước, anh vội ra can thiệp. Ngày ấy nông dân ngoại thành có vừng, lạc, đỗ tương hay trứng gà… không được tự do đem ra chợ bán. Lạc nhân là mặt hàng phải bán cho mậu dịch thu mua với giá rẻ mạt để xuất khẩu lấy ngoại tệ. Lúc đầu anh chỉ muốn góp ý cán bộ nên tử tế, lễ độ với dân, không nên thô bạo với người già bằng tuổi mẹ mình, nhưng tay cán bộ kia nổi máu côn đồ, túm ngực anh quát lác, chửi bậy. Tư Tuất nóng mắt tung chân tặng cho hắn một cú “phi thiên cước” vào quai hàm, gẫy ba chiếc răng cửa. Vì đang dở cạo mặt cho khách nên trong tay anh vẫn cầm con dao cạo. Hắn mượn cớ ấy vu cáo anh hành hung định giết người đang thi hành công vụ. Tư Tuất bị bắt và khi ra tòa lĩnh án tám năm tù giam.
Ngồi tù trong trại đã hơn ba năm không ai biết anh có võ thuật cao cường. Anh sống ôn hòa, khiêm nhường với phạm nhân, chưa từng cãi lộn hay đánh nhau, được các tù đồng phạm gọi chệch tên anh thành Tư Đất, ý nói anh hiền như đất. Tôi phát hiện ra anh có võ thuật cũng rất tình cờ. Lần ấy, tôi nhận được quà thăm nuôi của ông Thọ. Giấy gói quà là tờ báo Quân đội Nhân dân có đăng tin “Võ sư Lại Dương nổi tiếng toàn xứ Đông Dương thời thuộc Pháp, người thầy dạy võ xuất chúng của binh chủng đặc công đã qua đời, hưởng thọ 68 tuổi”. Tư Tuất mượn tờ báo ấy của tôi, đọc thấy tin ấy lặng đi hồi lâu, mặt tái nhợt, tròng mắt đỏ hoe. Đêm tôi nằm ngủ bên cạnh thấy anh úp mặt vào chiếc chăn chiên thổn thức khóc ròng, miệng lẩm bẩm: “Thầy ơi! Con đắc tội với thày nhiều lắm. Ngày thày qua đời con không được về thắp nén nhang tiễn biệt…”.
Từ đó đêm nào tôi cũng năn nỉ xin anh bí mật dạy võ cho mình. Lúc đầu anh từ chối thẳng thừng, sau thấy tôi kiên trì khẩn thiết van nài anh cũng xiêu lòng nhận lời. Anh hỏi: “Cậu học võ để làm gì?”. Tôi mừng quýnh, run run đáp: “Để tự bảo vệ mình và bênh vực kẻ yếu”. Anh nằm yên lặng hồi lâu rồi quay sang tôi nói nhỏ: “Thế thì được… Cậu nên nhớ kỹ điều này, dùng võ tôi dạy để làm điều thất đức nếu tôi không bóp chết cậu thì đời cũng tất có người mạnh hơn giết cậu như giết con chó ghẻ”. Tôi nhoài người sang ôm ghì lấy Tư Tuất, sung sướng gọi anh một tiếng “Thầy” với niềm tôn kính vô hạn…
Việc học võ trong tù thật không đơn giản. cùng một lúc thầy trò chúng tôi phải giữ bí mật với các phạm nhân lại không được để quản giáo phát hiện. Đêm, tôi luyện công hoặc nghe thầy giảng giải lý thuyết; còn ban ngày đi lao động trong rừng, tôi chỉ có thể tranh thủ thực hành các chiêu thức của thầy vào lúc giải lao giữa giờ hoặc sau bữa ăn trưa nhưng cũng phải tìm nơi vắng vẻ.
Tôi kiên trì tập luyện trong một năm đã nhập tâm nhiều miếng võ sở trường độc đáo của thầy Tư Tuất. Tôi mê nhất là miếng võ chân bước xéo, lảo đảo như người say mà khi bất thần ra chiêu lại cực hiểm. Tập bài “trường xà quyển địa” tôi ra đòn vũ bão, đảo người liên tục tới mức cỏ dưới chân nát nhầu như bãi chọi trâu. Thày còn dạy tôi cách vận nội công sao cho “chính tâm linh hiển” mới thu nạp vào người nhiều năng lượng và linh khí của trời đất, đả thông các kinh mạch làm tiêu tán hết các mầm bệnh ủ lâu trong cơ thể.
Tiếc là đương lúc học hành tấn tới thì thày được lệnh ra tù đột xuất trước thời hạn. Nghe nói sau cái chết của cụ Lại Dương, thầy đã viết đơn cho ban giám thị nhận mình là học trò của cụ, tình nguyện tham gia một đơn vị đặc công đi B và đã hy sinh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Xa thầy Tư Tuất, lúc đầu tôi còn giữ được tỉnh táo ghi nhớ nằm lòng lời hứa với thầy chỉ dùng võ thuật tự bảo vệ mình và bênh vực kẻ yếu. Khi tiếng tăm đã nổi như cồn khắp trại giam, xung quanh có kẻ hầu người hạ, tôi bỗng trở nên một thằng người hoàn toàn khác xưa. Tôi đã bội ước với thầy Tư Tuất. Thế mới biết khi đã nắm trong tay quyền lực, con người ta dễ mất dần tỉnh táo, ngộ nhận và tàn ác. Cơn say khát quyền lực còn hơn cả người nghiện thuốc phiện làm tôi mù quáng dẫm đạp lên đồng loại để có thêm quyền và tiền. Nếu còn thầy Tư Tuất tôi đâu dám vậy. Quyền lực phải được canh chừng, giám sát bằng quyền lực. Nói cho nó nhanh!.
Chức tù buồng trưởng với tôi lúc này quá nhỏ, tôi tìm cách được ra ngoài làm tù tự giác rồi nhanh chóng leo lên chức trưởng “Ban thi đua” của mấy ngàn tù nhân trong trại, một chức vụ được coi là vua tù, bố tù. Chỉ cần một tiếng hô của tôi cả ngàn tù nhân đang ồn ào nhốn nháo phải câm như thóc. Đứa nào trái ý hay mở mồm cự cãi, thậm chí chỉ cần một cái nhìn đểu cũng lập tức đêm ấy bị om xương trong buồng giam.
Tôi sống trong tù mà sướng như ông hoàng. Càng được nịnh hót, bợ đỡ, tôi càng khệnh khạng rởm đời. Sáng ra có kẻ bưng nước cho tôi rửa mặt đánh răng. Cơm xong có đứa dâng tăm, đứa bổ trái cây hay mang bánh kẹo đút tận mồm. Chuẩn bị hút thuốc có đứa mang điếu cày, đứa vê thuốc, đứa châm lửa.
Tiếng tăm của tôi theo chân bọn đàn em nhanh chóng lan truyền đi các trại giam khác trong cả nước. Một lần ở trại giam Thái Nguyên có thằng tù tự giác dám cả gan đánh gãy xương đứa đàn em của tôi mới chuyển đến trại của nó. Lập tức tôi sai nhóm tù trong tổ thợ mộc của trại đóng sẵn một chiếc quan tài rồi bắn tin sang đó. Khi thằng tù tự giác nọ nghe tin sắp bị điều chuyển sang trại của tôi, nó khóc như cha chết xin được ở lại, bảo với cán bộ quản giáo rằng thà chịu án tử hình còn hơn phải sang trại của tôi. Từ đó nó tìm cách liên lạc, biếu xén tiền nong quà cáp để tôi nguôi giận. Tôi cũng đánh tin cho nó phải xin lỗi đàn em trước mặt các phạm nhân và phải thuốc thang bồi bổ chăm sóc đàn em của mình. Sau lần ấy, bọn đàn em hả hê lắm, tôn sùng tôi còn hơn cha đẻ. Tôi có thêm bài học, muốn củng cố mở rộng quyền uy phải bênh vực, chăm sóc đàn em trung thành và xử thật tàn ác với kẻ phản bội. Nói cho nó nhanh! Nhờ có quyền và tiền tôi được giảm án ra tù sớm trước thời hạn. Thế mới biết trong xã hội người tù thì bạo lực là chìa khóa mở vận may.
***
Ra khỏi cổng trại giam, tôi đi bộ như chạy tới ngã ba đường lớn, vẫy được chiếc xe tải đi nhờ về Hà Nội. Xe về tới cầu Long Biên, tôi nói với bác tài cho xuống xe ở đầu Ô Quan Chưởng, hớn hở đi dọc phố Hàng Chiếu, tìm về ngõ Hàng Hương mong gặp lại ông Thọ trong cái tổ ấm gầm cầu ẩm mốc, hôi hám thủơ nào. Tiền, vàng kiếm được trong trại đủ để tôi phụng dưỡng ông nhiều năm, đền đáp công ơn trời biển, nhất là gói quà thăm nuôi mà nhờ đó tôi được thầy Tư Tuất truyền dạy võ nghệ.
Đến nơi, tôi bàng hoàng đau xót biết tin ông Thọ vừa mới qua đời vì lao lực, gầm cầu đã có chủ mới. Tôi lảo đảo bước đi như người say, tìm về làng Đại Mỗ thăm cha mẹ nuôi. Hai cụ đều đã qua đời, bà chị cả và hai cô em gái cũng đã yên bề gia thất, con cái đầy đàn. Họ ngại ngùng, lạnh nhạt tiếp đón tôi, một thằng tù mới ra trại. Chỉ có cô em gái út là còn chút tình thương, an ủi, động viên tôi những lúc vắng mặt các chị.
Sau mấy ngày ở nhờ nhà cô em gái út, tôi cắn răng nhẫn nhục nghe những lời bóng gió xua đuổi của các bà chị lắm lời, mang tiền ra chợ mua vài thứ làm mâm cơm tươm tất, thắp nhang tạ tội trước vong linh cha mẹ nuôi rồi từ biệt mọi người lang thang khắp nơi tìm gặp những đứa đàn em được ra tù trước mình. Ở đâu tôi cũng được chúng đón tiếp nồng nhiệt, cung phụng đủ thứ rượu ngon, gái gú giải sầu. Ăn chơi đú đởn mãi cũng chán, nhớ lời răn dạy của cha mẹ nuôi, của ông Thọ và thày Tư Tuất tôi quay lại Hà Nội tìm một việc làm tử tế, sống nốt quãng đời còn lại.
Rời nhà một đứa đàn em ở làng Đông Mý, huyện Thanh Trì, tôi bước đi dưới bầu trời cuối đông xám xịt, lòng thấy mông lung, lạnh lẽo cô đơn vô cùng tận. Từng đám mây đen lang thang trên cánh đồng như những tà áo rách của người hành khất. Tiễn chân tôi chỉ có tiếng côn trùng râm ran trong đêm tối trăng, chập chờn ánh đom đóm lập lòe, nhợt nhạt…
Lúc này ở Hà Nội vừa diễn ra phiên tòa xét xử một giám đốc xí nghiệp cao su ngành đường sắt, ông Tạ Đình Đề rất nổi tiếng thời chống Pháp. Nghe nói một trong những tội bị quy chụp của ông là dám thu nạp rất đông những thằng tù đã mãn hạn vào làm công nhân trong xí nghiệp. Bối cảnh éo le ấy làm sao khiến các xí nghiệp hay hợp tác xã thủ công nghiệp dám nhận tôi vào làm việc. Nói cho nó nhanh! Đọc qua lý lịch, họ xua đuổi tôi như thằng hủi.
Chán đời lại sẵn máu đại ca giang hồ, tôi trở thành tướng cướp nhà ga sau một trận kịch chiến với bon Lân sẹo. Trước đó khắp ga mới, ga cũ, ga Đầu Cầu, sang tận ga Yên Viên, dân mõi, dân dao búa đều thần phục Lân Sẹo, suy tôn hắn làm thủ lĩnh bang nhà ga. Các đàn anh ở bang khác cũng phải gờm vì máu liều của Lân sẹo. Đồn rằng có lần bị đâm lòi ruột hắn vẫn lồng lên rượt đuổi, đâm chém tơi bời kẻ địch. Xong việc hắn mới điềm nhiên nhét ruột vào bụng, sai đàn em đi tìm bác sĩ chữa chạy, không chịu vào bệnh viện.
Tối hôm ấy, tôi định đi Ninh Bình xin làm việc ở một hợp tác xã có mấy lò nung vôi gần cầu Gián Khuất là cơ sở do ông chú một đứa đàn em trong trại đã ra tù phụ trách. Ông ta hứa sẽ thu nạp cả hai anh em cùng vào làm xã viên mới. Bước vào cửa nhà ga cũ để mua vé tầu, tôi bị một thằng nhãi ngáng chân ngã, cướp giật tiền và hành lý. Điên tiết, tôi vùng dậy đuổi theo nó đang chạy qua phố Khâm Thiên về phía Hàng Bột, rẽ vào ngõ Thịnh Hào có mấy ruộng trồng rau muống thì dừng lại.
Thì ra Lân sẹo vốn biết tiếng tôi ở các trại giam trước đây, nhưng không phục, muốn thử tài cao thấp để khoe mẽ với lũ đàn em. Lân sẹo chưa thèm ra tay, cho lũ đàn em quần thảo tôi trước, còn hắn ngồi chễm trệ trên ghế đẩu, phanh bụng ngồi uống rượu, hai bên có hai ả làng chơi, đứa cầm quạt nan phe phẩy, đứa đứng bóp vai cho hắn. Trước mặt tôi là năm đứa to con, tay cầm gậy tre, đứng thành hình vòng cung đằng đằng sát khí. Tôi chỉ cười nhạt, bình tĩnh xuống tấn, huơ tay như các đô vật diễu võ dương oai khi bước vào xới vât để làm hiệu gọi chúng xông tới.
Cuộc hỗn chiến xảy ra, tôi chỉ nhảy qua nhảy lại tránh đòn là chính, đợi khi chúng thấm mệt mới ra chiêu phi người lên cao, đá trúng ngực thằng to con nhất rồi đoạt lấy cây gậy tre của nó. Có vũ khí trong tay nên tôi chủ động tấn công như vũ bão, chẳng mấy chốc cả năm đứa gục ngã. Liền đó, tôi chống cây gậy tre xuống đất lấy đà tung người lên cao, nhằm phía Lân sẹo nhảy tới. Hắn chưa kịp trở tay đã bị tôi đá văng cả người lẫn ghế. Hai ả làng chơi rú lên kinh hãi, còn Lân sẹo dính cú đòn đau cũng cay cú lao vào tôi đánh trả.
Công bằng mà nói hắn cũng biết võ vẽ vài miếng đòn hiểm nhưng tôi lanh mắt tránh được. Đôi bên quần nhau khá lâu, bất ngờ tôi dùng bài võ của thầy Tư Tuất đá liên tiếp vào bụng, vào mặt cho hắn hoa mắt mới dùng độc chiêu đảo người theo thế “đại bàng vồ mồi”, dùng hai bàn tay bấu chặt vào bể kinh lạc trên lưng đối thủ. Những ngón tay tôi như móng vuốt đại bàng xoáy vào da thịt ở bể kinh lạc của Lân sẹo làm hắn chỉ kịp a lên một tiếng, người nhũn mềm như sợi bún ngã xuống, mắt vẫn còn trợn ngược.
Tôi điềm nhiên ngồi hút thuốc, còn lũ đàn em của Lân sẹo bu lại chắp tay vái lạy như tế sao. Hồi lâu tôi ôn tồn nói: “Nó không chết đâu mà phải sợ. Thầy tao trong trại không dạy võ đánh chết người. Tao chỉ ra đòn điểm huyệt nó hơi ác một chút để biết thế nào là Bôn Tây vua tù ở các trại giam thôi. Chúng mày mau kiếm nhanh một bát nước đái gừng cho nó uống rồi thư thả tao sẽ giải huyệt cho nó tỉnh lại”. Lũ đàn em vâng dạ liên hồi, hớt hải làm ngay.
Phải thừa nhận Lân sẹo cũng là đứa hảo hán anh hùng nghĩa khí trong giới giang hồ. Sau trận thư hùng ấy, nó sai đàn em tìm tôi mời uống rượu ở quán bia lưỡi lợn gần Văn Miếu, xin kết tình huynh đệ, suy tôn tôi làm thủ lĩnh còn nó làm phó tướng cùng chăn dắt bang đầu gấu nhà ga. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó thay, tôi cũng quên béng việc đi làm thợ đốt lò nung vôi ở Gián Khuất, ở lại gian nhà ổ chuột của Lân sẹo trong phố Trần Quý Cáp củng cố uy quyền bằng thứ kỷ luật thép. Tôi vẫn tế nhị để Lân sẹo toàn quyền cai quản lũ đàn em, chỉ giấu mặt ở nhà kiểm kê “chiến lợi phẩm”, phân phối cho đám đàn em và bàn mưu với nó làm thêm những phi vụ lớn.
Chúng tôi thông đồng với thủ kho ga Yên Viên đánh cắp những lô hàng viện trợ của Liên Xô tập kết ngổn ngang ở đó đem ra Chợ Giời trong phố cổ bán lấy tiền chia nhau mỗi lần cả đống tiền. Suốt hai năm liền tôi sống phè phỡn bằng tiền phi pháp mà vẫn có thể cùng Lân sẹo diện quần áo rất mốt, đi xe Phượng hoàng xích hộp màu rêu, ung dung lượn phố như những công tử Hà Thành trong phố cổ.
Thỉnh thoảng tôi gửi tiền về làng Đại Mỗ cho cô em út nuôi con ăn học và thay tôi nhang khói, cúng giỗ bố mẹ nuôi của mình. Đôi lúc trong tôi cũng nhen lên ý muốn hoàn lương, lấy vợ rồi sinh con đẻ cái như bao người bình thường khác. Có lần tôi còn cao hứng chơi trội, bạo gan xin tham gia đội văn nghệ của cụm khu phố Văn Miếu- Quốc Tử Giám, cùng họ đàn hát vui vẻ, dự cả hội diễn thanh niên toàn thành phố, giúp đội văn nghệ của mình đoạt giải khuyến khích.
Có lẽ máu nghệ sĩ của ông Thọ ngày xưa đã lây sang tôi chăng? Nếu biết kiềm chế, không ham hố quyền lực, chắc tôi cũng không đến nỗi phải xộ khám lần thứ hai. Nhưng sự đời khi đã có chút quyền sẽ say khát thêm quyền lực đến u mê như kẻ nghiện thuốc phiện. Sau lần chơi ngông dự hội diễn thành công, tôi bàn với Lân sẹo mở rộng quyền uy ra toàn thành phố, tiêu diệt các băng nhóm lẻ ở chợ và bến xe. Nhiều cuộc hỗn chiến ác liệt xảy ra liên miên, kết cục Lân sẹo bị tử thương còn tôi bị bắt, ra tòa lĩnh thêm một án tù mười hai năm nữa. Lần này tôi bị đưa đi thụ án ở trại giam Tân Lập.
Khác với lần đi tù trước, sẵn có tiếng tăm trong giới giang hồ, vừa vào trại tôi đã chễm trệ ngồi mâm “sĩ quan” trong buồng giam. Đám tù buồng trưởng từ khắp các phân trại đều tranh nhau phái “lính” của mình mò đến hỏi thăm khi tôi ra ngoài lao động, biếu xén quà cáp để làm thân.
Xưa nay một nước không thể có hai vua thì trong xã hội người tù cũng vây. Được một thời gian buồng trưởng của tôi được điều đi trại khác. Tôi tổ chức bữa liên hoan tiễn chân nó và lên thay chức. Tôi bây giờ ngồi tù hóa ra lại phởn phơ yêu đời hơn cả lúc làm tướng cướp nhà ga ẩn danh trá hình làm dân lương thiên, còn ở đây ngôi vua công khai tự đến, chẳng cần tranh đoạt. Trấn áp, đe nẹt đứa nào trong đám tù xung quanh là quyền của tôi.
Mỗi lần ăn no rửng mỡ, tôi quát đàn em mang đàn ra cho mình vừa gẩy vừa hát những ca khúc mùi mẫn trong băng cối từ trong Sài Gòn chuyển ra sau ngày giải phóng, chẳng bị bắt tội hát nhạc vàng như nhóm Toán Xồm ngày xưa. Chất giọng bariton trầm ấm và tiếng đàn điệu nghệ do ông Thọ truyền dạy khi xưa như ru lũ đàn em vào cõi mộng mơ, có đứa nghe mà ứa nước mắt. Chúng đâm ra vừa sợ uy lại vừa si mê tiếng hát của đại ca buồng trưởng, đêm đến thường hay nài nỉ tôi hát hay kể chuyện cho chúng nghe. Kho tàng văn học của nhân loại mà tôi đọc được khi ở nhà Kim Thanh được dịp phô bày với tất cả sự uyên bác so với lũ đàn em và sự từng trải suốt mười mấy năm phiêu bạt giang hồ. Tôi trở thành thần tượng sống của hơn hai ngàn tù nhân trong trại.
Tôi ở phân trại A, chị em phụ nữ ở phân trại C, cách nhau hàng cây số cũng háo hức chờ dịp may được gặp mặt hay xem tôi biểu diễn văn nghệ ngày lễ tết. Khối em mê tôi, viết nhật ký hoặc gửi thư bằng giấy gói quà rồi lúc đi lao động nhờ người chuyển tận tay, chẳng hề e thẹn hay mắc cỡ. Lạ thay, chính vào thời điểm huy hoàng đó, tôi bỗng nhớ Kim Thanh da diết. Nhiều đêm tôi mơ thấy nàng hiện về khi mờ khi tỏ. Chúng tôi cùng nhau đàn hát, chuyện trò, làm tình trong căn biệt thự trên phố Bà Triệu hay có lần dắt tay nhau đi vào xóm Hạ Hồi tìm nhà bạn gái của nàng, vẳng nghe tiếng đàn piano thánh thót dưới ánh trăng soi chiếu xuống giàn hoa thiên lý. Lúc tỉnh dậy, tôi sờ soạng quanh mình tìm kiếm chẳng thấy nàng đâu, thất vọng và đau đớn tràn trề, nước mắt cứ trào ra.
Tình yêu với Kim Thanh hiện về trong giấc mộng với bao kỷ niệm đẹp đã thoa nhẹ lên trái tim cằn cỗi vì độc ác của tôi. Nó khiến tôi có tính người hơn, bớt hành hạ tù rận rệp, xao nhãng việc nã tiền cống nạp với tù nhà giàu. Bởi thế tiền nộp ra bên ngoài cho “tù tự giác” và “Ban thi đua” của tù nhân toàn trại giảm sút, ngôi vị buồng trưởng của tôi lung lay là cái chắc. Quy luật nghiệt ngã trong tù buộc tôi phải tỉnh cơn mê. Nói cho nó nhanh!
Có lẽ lòng ích kỷ, máu hiếu thắng và những lời đe dọa bóng gió từ phía ngoài buồng giam đã thúc ép tôi phải tàn nhẫn, độc ác trở lại. Đơn giản vì loại tù đại ca có thể thay tôi làm buồng trưởng không thiếu, nhưng thiếu tiền nộp cho tù “tự giác” thì không thể được. Nhưng sự độc ác của tôi bây giờ đã đi vào chiều sâu. Những mưu cao kế hiểm trong sách “Đông chu liệt quốc”, “Tam quốc diễn nghĩa” mà tôi đã đọc ở nhà Kim Thanh lại được hun đúc thêm bằng sự từng trải trong trại giam ngần ấy năm giúp tôi khôn lên.
Tôi tra tấn thằng tù choai choai con nhà giàu nghiện hút bằng cách nhử nó hút lại vài tép bột trắng rồi khi cơn nghiện đã ăn vào não tủy mới hạ lệnh cắt nguồn cung. Lập tức chẳng cần tra tấn nó cũng vật vã, miệng nôn trôn tháo, khắp người như có dòi đục trong xương tủy thì nó chỉ còn nước cuống cuồng ký vào mẫu thư đã soạn sẵn để xin tiền bố mẹ ở nhà, thậm chí có đứa còn viết thêm mấy chữ: “Tiền, tiền, không tiền là tôi chết!”.
Riêng đối với loại tù kinh tế có máu mặt mới nhập buồng lại có chiêu khác, ngay bữa cơm tù đầu tiên tôi đã ngọt nhạt mời ngồi mâm “sĩ quan”. Ngày đi lao động được tôi cho làm việc nhẹ; còn khi đêm xuống rủ rê gần như bắt ép nó ngồi cạnh tôi hút thuốc hay đánh bài tá lả, có người hầu quạt mát, xua muỗi để vừa chơi bài vừa chứng kiến cảnh hành hạ tàn nhẫn một thằng tù rận rệp. Liên tục như thế vài hôm, tôi mới gợi ý nó gửi tiền, vàng vào cống nạp nếu không sẽ bị đổi ngôi thành tù rận rệp như đã chứng kiến. Bọn này là mỏ vàng nên tôi sai đàn em thi thoảng đơm điều đặt tội, bắt chúng phải cống nạp liên tục và đều đặn theo chu kỳ thăm nuôi, cho đến lúc mãn hạn tù hay đổi đi trại khác.
Tiền, vàng, thậm chí cả đô la thu được tôi giữ kín bưng mức phân phối cho tù đầu gấu đàn em để chúng nghi ngờ lẫn nhau, ganh đua thể hiện sự trung thành với mình. Khoản nộp ra ngoài cho “tù tự giác”, tù ở “Ban thi đua” cũng vậy, tôi nộp nhỏ giọt nay đưa người này, mai gửi người khác cứ hư hư thực thực để chúng không biết đâu mà lần, ngấm ngầm mâu thuẫn với nhau thì tôi mới có cơ hội hạ bệ lên thay chân một đứa trong bọn nó.
Khổ thay cho lũ tù rận rệp nhiều khi chẳng có tội tình gì cũng bị tôi biến thành bung xung hay hình nhân thế mạng để đe dọa moi tiền tù nhà giàu hay tù kinh tế mà không dám kêu than, oán trách nửa lời. Suy từ tôi ra mà xét, ở đời, những thằng có chút chữ nghĩa mà lưu manh còn tệ hại, bỉ ổi gấp trăm lần thằng vô học. Biết vậy tôi vẫn cứ phải làm vì quyền và tiền.
Thế mới biết, trong xã hội người tù, để duy trì, củng cố quyền lực không có cách gì khác là sự độc tài, khát máu, nhiều mưu gian kế hiểm. Con người tôi lúc làm Lưu Bị, lúc làm Tào Tháo. Quả tim tôi thường ngày đổ bê tông cốt thép, chỉ khi nỗi nềm riêng chợt ập đến nó mới trở lại đúng nghĩa quả tim của loài người. Lúc đó tôi và Kim Thanh đi mãi, đi hoài giữa cõi người dưới màn đêm huyền ảo, vượt qua núi cao rừng thẳm như quả đất này chỉ có hai người, nhưng sao những giây phút ấy thật quá ngắn ngủi!...
***
Năm tháng cứ vùn vut trôi nhanh, thoắt đã sáu năm trong trại Tân Lập, tôi leo dần từ buồng trưởng lên tù “tự giác” rồi “ban thi đua” của tù và nhờ có quyền, có tiền tôi được ra tù sớm hơn thời hạn.
Lẽ thường theo quy định, muốn được đặc xá phải thụ lý ít nhất hai phần ba mức án, nhưng tôi mới qua nửa án đã xong bởi có nhiều ‘thành tích đặc biêt”, thế thôi. Nói cho nó nhanh! Sáu năm ấy, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi tôi đã tích cóp được vô khối tiền, vàng, đô la đủ mua một căn hộ, lấy vợ xây đắp tổ ấm gia đình. Đó là năm 1987, cả nước đang hốn loạn vì chính sách “Giá – Lương - Tiền”, nhưng tôi ngồi tù lâu năm không hiểu hết mọi sự tréo ngoe của đời sống xã hội bên ngoài.
Tôi mua một ngôi nhà cấp bốn ở ngõ Thông Phong phố Hàng Bột chỉ mất bốn cây vàng, số còn lại đổi hết vàng và đô la sang tiền Việt. Nào ngờ tiền mất giá phi mã, nhưng tôi đâu có biết. Cũng vào lúc ấy tôi gặp rồi si mê cô Nhàn làm kế toán “Quỹ tín dụng Đồng Xuân” vừa mới thành lập, hy vọng sẽ cùng nàng xây bền tổ ấm làm lại cuộc đời.
Nghe lời dỗ dành ngon ngọt của cô nàng, tôi đem gửi hết tiền vào “Quỹ tín dụng Đồng Xuân” để được lãi suất cao. Khi đã ngộ ra cái sự ngu của mình, tôi đến văn phòng của Quỹ trên gác hai phố Hàng Đậu gặp Nhàn đòi quyết toán lấy lại toàn bộ số tiền đã gửi trong sổ đang mất giá, nhưng Nhàn lánh mặt; còn ban điều hành lại nhất quyết không cho rút hết, chỉ được rút nhỏ giọt.
Tôi bừng bừng tức giận, điên loạn gào thét, chửi bới và đập phá văn phòng. Đồn công an ở sát gần đó nên lập tức tôi bị bắt giam. Người ta truy vấn tôi mới ra tù làm sao có nhiều tiền như thế và tịch thu tiền hết, tống giam tôi rồi gửi trả về trại Tân Lập tiếp tục thụ án sáu năm cho đủ mức án mười hai năm như như cũ.
Vậy là của thiên lại trả địa, tù vẫn hoàn tù, số kiếp tôi như bãi cứt trâu nát. Nói cho nó nhanh!
***
Mai tôi lại được ra tù lần thứ ba theo lệnh đặc xá. Lần này rất đúng quy trình, hợp quy chế nhà nước đã ban hành vì tổng cộng thời gian tôi ở trại Tân Lập hai lần là chín năm, bằng ba phần tư mức án đã tuyên năm 1981.
Nhớ lại ba năm qua, lúc mới bị công an Hà Nội ký lệnh trả tôi về trại Tân Lập thật đau đớn, nhục nhã ê chề, mặc dù vẫn được ban giám thị chiếu cố cho làm “tù tự giác” ở phân trại A. Sau chuỗi ngày chán đời, nản chí không còn thiết sống nữa, tôi đã hồi tâm tĩnh trí, tiếp tục duy trì nền nếp trong trại tù như xưa.
Tôi vẫn là vua tù đầy quyền uy, vẫn hành hạ nã tiền tù nhân mới vào trại, vẫn sống phởn phơ sung sướng như ông hoàng giữa xã hội người tù. Tuy nhiên, lần này tôi chỉ tập trung hành hạ, nã tiền thật dã man tàn độc với đối tượng tù tham nhũng, tù nhà giàu làm ăn phi pháp. Đặc biệt với bọn tù thuộc ngành ngân hàng hay qũy tín dụng nhân nhân tôi càng đánh đập tàn nhẫn, nã tiền càng nhiều càng ít để trả thù món nợ mất trắng ở “Quỹ tín dụng Đồng Xuân”. Với đám tù rận rệp tôi bắt đầu cảm thấy thương họ nên nới tay rất nhiều.
Hóa ra nghề đi tù lại hợp với đời tôi. Ngoài xã hội, thân phận tôi cũng khốn khổ khốn nạn, muốn làm người tử tế cũng chẳng được, nói gì đến quyền uy và tiền bạc. Ở trong tù tôi mới thực có cả tiền lẫn quyền. Nhiều khi tôi nghĩ quẩn, từ nay mình sẽ hành nghề đi tù cho đến lúc chết. Vào tù kiếm bộn tiền rồi khi ra tù ăn chơi xả láng cho bõ tức, xả nỗi hận đời. Nếu hết tiền tiêu tôi chỉ cần vờ cướp giật hớ hênh hay uống say đập phá gây rối trật tự để được bắt lại, tống giam vào trại.
Quy trình ấy tự tôi nghĩ ra rồi tự sướng một mình, lấy làm đắc chí, vớ cây đàn chơi mấy bản nhạc Rock hay nhạc Jazz sôi động cho vơi đi nỗi niềm ẩn ức trong lòng. Đầu năm 1990, nghe tín “Quỹ tín dụng Đồng Xuân” sập tiệm khiến bao người nhẹ dạ cả tin khốn khổ, gia đình tan vỡ, tôi tự nhủ thầm giá bây giờ còn được tự do ở Hà Nội mình cũng mất trắng như họ cả thôi. Đời thật khốn nạn. Ngoài tường rào trại giam kia có khối thằng độc ác, lừa đảo, ăn cướp nào có hề hấn gì, thậm chí xênh xang áo mũ chốn quan trường hay làm đại gia giữa thương trường. Họ đâu có khác tôi làm vua tù trong này, nhưng số họ được làm quan, làm đại gia, còn số tôi chỉ có thể làm vua tù, bố tù. Điều ấy càng củng cố thêm ý định sẽ hành nghề đi tù cho đến khi chết của tôi đang ấp ủ trong đầu. Đã là nghề đi tù thì cũng như bao nghề khác, tôi phải kiếm tiền cho đầy túi tham. Nói cho nó nhanh!...
Thật lạ lùng, càng gần đến ngày được tha tù, tôi bỗng nhiền thấy buồn tênh, suy nghĩ mông lung. Nỗi ân hận về cái chết của Kim Thanh cứ ám ảnh, dày vò tâm can. Những lời răn dạy của cha mẹ nuôi, của ông Thọ hay của thầy Tư Tuất cứ văng vẳng bên tai, khiến tôi không sao ngủ được.
Tôi đã phản bội lại lời hứa với các vị ân nhân cao quý hằng chịu ơn sâu và ngưỡng mộ, sao mình không thử một lần cuối tu tâm tích đức làm người cho đáng mặt con người. Lần này ra tù tôi đã đầu hai thứ tóc không còn trẻ nữa, biết làm gì gây dựng sản nghiệp cho riêng mình? Tôi thơ thẩn vào ra lòng tự hỏi lòng.
Có lúc tôi lẻn vào rừng đào bới bọc ni lon cất giấu dưới gốc cây cổ thụ số tiền, vàng ba năm qua kiếm được từ bọn tù tham nhũng, lừa đảo, làm ăn phi pháp, ngồi nhẩm tính ước độ hai mươi cây vàng và bốn ngàn đô la. Với vốn tích cóp này tôi sẽ lên Ba Vì mua một khu đất làm trang trại nuôi lợn Mán và trồng cây ăn quả, đào ao thả cá. Tôi sẽ lấy một cô giáo quá lứa lỡ thì khoảng trên dưới bốn mươi, vẫn còn tuổi sinh đẻ. Hai vợ chồng sẽ có vài ba đứa con kháu khỉnh, khỏe mạnh. Chúng phải được chăm sóc đàng hoàng, học hành đến nơi đến chốn.
Đời tôi tới đây kể như đã chết, còn gì đâu nữa mà mơ ngoài một tổ ấm gia đình và những đứa con. Đời các con tôi phải khác, nhất định phải khác. Làm người ai chẳng muốn lắm quyền nhiều tiền nhưng cũng phải biết thế nào cho đủ. Quyền phải tương xứng với tài đức; còn tiền phải do bàn tay khối óc làm ra mới thanh thản, hạnh phúc. Tôi ngộ ra điều này tóc đã hoa râm, nửa đời làm vua chất chồng tội ác trong xã hội người tù…
Vĩnh biệt nghề đi tù đê tiện, khốc liệt và tàn ác nhưng cũng rất đế vương của tôi!...
HN 1994- 2020