Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 183): Lưu Na - Ai hay giếng cạn

Khi máy bay chạm đất cửa phi cơ mở ra, thì một lò lửa ập vào mặt Mây. Cả lũ leo lên xe bus cũ, chạy băng qua sân xi măng cũng cũ kỹ nứt rạn để vào phi trường. Mồ hôi vắn dài, Mây theo thủ tục mới vừa học được kẹp tiền vào sổ thông hành. Lêu vêu đẩy xe ra, Mây muốn thối lui, dội ngược lại. Cả một rừng người, những khuôn mặt hốc hác nâu xám hằn nét phong sương. Cả một rừng quần áo, sơ mi cháo lòng bỏ vào quần xanh dương xám bạc, áo thung ngắn tay quần tây đen, lác đác quần jean áo bó chẽn… Tất cả, đều xao xác hớn hở, cái hớn hở hằn nét ưu phiền. Mây tưởng tượng?

Ba Má túm được Mây rồi, Mây cười toe. Ba gầy choắt lại, khô và cứng nhưng vẫn khỏe khoắn. Má và các anh chị em ai cũng sạm phong sương. Chiếc xe minivan chở Mây hướng về ngõ cũ. Mây bồi hồi. Vậy là Mây đi đã 14 năm.

Gia đình Mây về ở xóm này năm 1976. Những ngày đầu, Mây thường buột miệng nói mùi sình đáy sông hôi quá và chị Chi bảo đừng nói vậy Má buồn. Mây sực nhớ tới sự vô ý của mình năm trước mà chị cũng đã nhắc. Mây là đứa vô tình?

Xóm thực ra rất lớn, ngõ hẻm bắt ngang qua xóm khác, qua đường khác, chằng chịt. Mây ở lâu vẫn không thuộc lối trừ 1 lối chính đi về nhà mình. Xóm còn bắt ngang ngã ba đi đến cuối có một nhà thờ, đền Tuần phủ Trịnh Giang, và đầu ngõ chính ngự một cái chùa khá lớn. Nhưng Mây ở tận cuối xóm, đi qua 800 cặp mắt và 1000 cái cọ quẹt sẽ tới cuối ngõ yên bình. Ngõ Mây ở rất phong phú. Ngang qua cột đèn, chặng cuối ngăn thế giới xô bồ bên ngoài là vào góc bình yên.

Bên trái mở hàng với thằng cu Luận nhà giàu, mấy tuổi đầu (hình như hơn Mây 1, 2 tuổi) đã tỏ vẻ công tử, lúc nào cũng xuê xoa quần áo và ra dáng trí thức, chỉ chơi với các cô Huế nhà giàu trường Tây ở xế mé trong. Bên tay phải, nhà bà Nam, công giáo, chuyên buôn bán. Bà vẫn vấn khăn, răng vẫn đen, và bà rất hiền dù là người buôn bán. Khi Mây tới ở ông Nam vẫn còn sống, nhưng qua đời ngay sau đó. Hình như ông thích uống rượu, không làm chi cả, và hình như ông thích chữ. Các con của ông toàn tên đẹp đẽ: Hoài Nam, Hoài Việt, Hồ Điệp, Hoàng Diệu, Quang Đoan, và cái gì đó (không phải Văn) Dân!!! Mây chưa kịp đối diện và rồi chỉ còn nhớ nét mặt ông qua ảnh thờ và khuôn mặt chị Nam, chị rất giống bố, còn chị Việt trắng nõn, hiền hòa tươi thắm, và luôn mặc bộ đồ lụa đen. Cu Sen hình như trạc tuổi Mây, cu Đoan sau này qua Mỹ ở chung nhà Mây.

Rồi là đến nhà Cu Anh, Cu Em, gia đình Huế trường Tây, với Bê Chị có duyên và tếu, Bê Em đẹp gái khó tính. Anh Cu Nhân bồ với Bê Chị rước đay nghiến của Mẹ.

Nhà Mây ở có 4 “hộ.” Nghèo tới nỗi mỗi gia đình thuê một căn phòng trong cái nhà dài thượt đó, và bác chủ nhà sống bằng lợi tức cho thuê bớt những căn phòng dư. Không “hộ” nào trong căn nhà này có “Cu” dù có con trai, một sự tình cờ.

Phong phú nhất là nhà cuối xóm. Nhà ông Bàng có Cu Lớn, Cu Con, Cu Trà, Cu Tẹo, Cu Châu, và bé Mai.

Mới tới ở thì ngoài cái mùi sình khó chịu Mây còn rất lúng túng để gọi tên các bạn trong xóm. Vài tháng sau bắt đầu mùa học, Mây vào lớp 11 và xóm nhỏ lúc đó mới chào đón người mới bằng một trận mưa như thác mà người trong xóm bảo chưa từng có. Vì cuối xóm thấp, nước sông dâng ngập trước, và tràn trụa chứa chan, tới nỗi buổi sáng đi học Mây phải vắt 2 tà áo dài lên vai, kẹp cặp sách vào nách để rảnh 2 tay nắm 2 ống quần kéo lên tới đùi cho khỏi ướt. Ai cũng lúng túng cũng loay hoay ướt át tới đỗi không ai nhìn ai thấy ai để ghẹo ai… Kế tiếp trận mưa là một cơn lạnh. Áo lạnh Sài Gòn chỉ mong mỏng thưa thưa, Mây nhớ năm đó đi học phải mặc 4 lớp áo, nỗi ngạc nhiên theo Mây mãi tới bây giờ. Năm học qua đi xen kẽ với họp tổ thanh niên vài buổi tối mỗi tuần. Mây đã véo von gọi tên các bạn mới và trước khi dọn ra ngõ ngoài thì xóm nhỏ đã lấy của Mây rất nhiều nước mắt phân ly.

Khởi đầu với anh Cu Lớn. Nhà ông Bàng nghèo rớt, nên anh càng ráng học, anh đang là sinh viên Luật khoa hay Văn Khoa gì đó thì cúp điện. Hôm anh đứng dưới cây bươm bướm nhà Mây ở, anh mặc xà lỏn ở trần và đang ba hoa nói cho Mây nghe về Nieztch, Freud, mấy cái tên thật là oách vì khó đọc. Bỗng anh hớt hải, dặn có ai hỏi thì nói chờ anh ở đây. Vài phút sau, một cô PC trờ tới hỏi anh Định, à, thì ra anh là sinh viên Đặng Xuân Định. Anh trở ra với sơ mi quần tây, Mây cười thích thú. Nhưng anh uống rượu, đánh nhau, và bị thẩy vào Xuyên Mộc cải tạo. Mây không bao giờ gặp lại anh.

Rồi Kiệt ghi ta phải đi Thanh Niên Xung Phong, đêm về không còn nghe tiếng đàn buồn dịu vợi. Thằng Cu Sen, mắt to như hồ nước trong veo miệng luôn cười cợt nửa vô tư nửa coi thường thế sự, lên rẫy của gia đình ở Cái sắn. Để làm gì lúc đó Mây không nghĩ ra. Lâu lâu Hồ Điệp công tử, nó có tên và mắt đẹp như con gái, về xóm, mang cho Mây chiếc lông công xanh biêng biếc để cắm ở lọ mực, và uống đế với anh Cư nhà đối diện. Có lần thách nhau, nó ngửa cổ uống 1 hơi 1 xị, không lật.

Những khi xe đạp Mây bị hư, Cu Sen thường sửa giúp. Nó có cái vẻ đàn ông âm thầm quả quyết những khi làm việc, đằng sau nụ cười vô tư và coi thường thế sự. Khi Mây dắt xe đạp qua nhà cho nó sửa, nó đi ra, gạt tay Mây túm lấy cái xe và dẫn Mây vào bếp. Mây thích thú trầm trồ mấy con heo trắng bóc. Sao nó sạch sẽ vậy? Heo nó sạch chứ không dơ đâu nha, cu Sen cười cười, dạy dỗ, tự tại đứng 1 góc nhìn bọn Mây tập hát.

Bếp nhà Cu Sen là nơi bọn Mây thường tụ tập để dợt nhạc, với anh Hiền ở ngã tư Bẩy Hiền mang đàn xuống tập. Anh mặc quần jean, thắt lưng to bản và áo sơ mi xanh turquoise_coi cũng ngầu nhưng răng hô. Thấy anh đi tập tễnh Mây hỏi sao, anh bị tật hay đau chân. Anh bảo, anh đang bước xuống từ xe bus thì cái đế giày rơi ra, móc trong túi sau ra một cục gỗ vuông vuông, nên anh đi cà thọt tới đây. Bọn Mây cười đã đời.

Nhưng rồi thằng cu Diệu mất. Chín bum về nói với Mây thằng Diệu bị sốt phải vô nhà thương, chưa kịp hỏi tới thì nó chết vì sưng màng óc. Cả xóm bàng hoàng. Đám ma thằng Diệu mọi người vào nhà thờ dù có đạo hay không, được nửa buổi lễ thì cu Sen từ Cái sắn về tới. Nó đứng một mình lặng lẽ cuối nhà thờ, và khóc, hai vai rung lên, những giọt nước mắt lã chã rơi xuống như một cơn mưa thương tiếc đứa em nó yêu mến. Có phải nó yêu mến cu Diệu nhất hay không thì không thể biết chắc, nhưng cái khóc dõng dạc đàn ông của nó làm cho sự mất mát thêm rõ nét và lớn lao.

Năm cuối cùng ở xóm trong, Mây 18 tuổi. Không biết dịp gì, mà cả lũ được hô lên là ăn khao ở nhà anh Thanh, ai khao có ai biết? Lẩu lươn với bún, và một vài món lặt vặt. Rượu để trong thau với cái ca múc lên, bọn con trai thanh toán với nhau. Cu Sen vẫn là đứa tỉnh táo cuối cùng. Cuối bữa, cả bọn bốc thăm và Mây trúng một món quà, cuốn lưu bút có hình và lời của mỗi đứa trong xóm trừ Mây, dĩ nhiên, nhưng lúc đó Mây không thấy lý do tại sao không ai rủ Mây góp hình góp chữ. Khi Mây nhận được lá thư Kiệt ghi ta gửi về, thăm hỏi kể chuyện đã là bộ đội ở Xuyên Mộc, trời ơi là buồn. Lá thư không nói gì, nhưng chính nó là một lời tỏ tình. Cả xóm đã tỏ tình cùng Mây, Mây đã có một birthday party đầu tiên và quí giá nhất trong cõi đời, và nó vô giá khi Mây chợt hiểu ra…

Sau khi Cu Anh Cu Em vượt biên đến Pháp thì Mây lên đại học, dọn ra ngõ ngoài, và đi tuốt một mạch mười mấy năm.

Bây giờ xe van đã vào ngõ, ngang qua chùa và dừng ở hẻm Bạch Tuyết (đen thùi). Cả nhà dẫn độ Mây vào hẻm gập ghềnh về lại căn nhà xưa Mây đã sống. Mây gieo người xuống chiếc ghế ny lông tròn vạnh, con Tô ngoắt đuôi ngồi kế như 14 năm trước, không khác. Mây đã về. Mây đã nhìn lại được mảnh trời xưa, ngồi lại dưới mái nhà cũ, đã cúi xuống cái rễ đứt lìa. Nhưng, Mây không còn là Mây năm cũ.

Má nói sao Việt kiều tụi bay hay mặc áo thung ba lỗ quần xà lỏn ra đường, cư xử ăn nói thật nhố nhăng. Má nói Việt kiều nhiều lũ thất học, không biết văn chương nghệ thuật phòng trà gì cả. Một lũ quỷnh không biết nhảy đầm không biết gặp gỡ bàn bạc văn chương, nói tiếng Anh bồi. GRRRR… Tự dưng Mây nóng máu thấy mình bị miệt thị như bây giờ Mây đã là dân một chủng tộc kém văn hóa bị khinh thị, như Mây không còn huyết thống buộc ràng với mái nhà này. Mây là dân Việt kiều, Việt kiều 93.

Cu Sen tới cứu Mây. Nó ngồi giữa nhà, cặp mắt to và trong như nước hồ thu vẫn sáng và nụ cười vẫn vô tư. Cu Sen chăm chú nhìn Mây, nói trỏng, vẫn như xưa, lạ thiệt !!!! Mây bồi hồi. Cu Sen vẫn có một cách làm cho Mây thấy riêng mình đặc biệt trong mắt hắn. Cu Sen nhắc những điều nhỏ nhặt về Mây mà chính Mây cũng không ngờ mình có những tính tình sở thích như vậy. Nó thấy hồi nào, Mây ngẫm nghĩ? Cu Sen hẹn mai qua dắt Mây vào nhà cũ gặp Mai, vợ Cu Sen.

Bà Nam đã về ở Cái Sắn. Chị Nam chị Việt thì cũng ở quanh đây với chồng. Mây bước vào căn nhà xưa ấy, thấy thắt lồng ngực. Sàn xi măng đen láng vẫn còn đó, nhưng chuồng heo ngó ra mặt sông nay là chỗ để Cu Sen làm việc. Về sau khi đã khá giả không còn phải lo cái ăn, Cu Sen túm được cái thú điêu khắc, chạm trổ trên gỗ. Từ thú vui giải trí thành một nghệ sĩ lúc nào không hay. Mây tới, Mai đang ngồi trên võng xem chồng làm việc. Mây chưa hề quen Mai, nhưng cũng dễ bắt chuyện vì Mai thực ra là con gái tỉnh thành và đơn sơ dễ mến.

Mây ngắm những bức tượng gỗ trên kệ. Bức cô gái ngồi chống tay lên gối mắt ngó xa xăm thật nghệ thuật trong mắt Mây. Cô ngồi, tóc chẻ sợi buông xuống chạm đầu gối nhấc cao trên chồng sách, một tấm khăn phủ ngang đùi chạy xuông xuống gót, tràn qua chân kia. Mường tượng như Mây lúc ngồi trên sân thượng học bài mà lại buông sách ngắm sao một tối nào năm xưa, lúc phải thi ra trường trung học. Mây cúi đầu ngẫm nghĩ. Có tiếng lao xao. Con Nhung bước vào. Lúc Cu Sen về Cái Sắn, nhiều lúc trở lên Sài Gòn thì con Nhung theo lên để phụ giúp Cu Sen chuyển hàng họ. Gia đình nó cũng là chỗ thân quen làm chung rẫy với nhà bà Nam. Nó đã lớn, ra dáng yểu điệu đảm đang, và ngoan. Nhung chào Mây, lôi từ trong giỏ ra một mớ hộp thức ăn rồi loay hoay sắp bàn ăn như nó là người trong nhà. Mai cũng đứng lên phụ giúp, như thể cái bộ ba này quen với sự có mặt của nhau. Nhưng Mây cảm thấy chút gì lấn cấn.

Mặc kệ, Cu Sen vẫn chăm chú làm và chăm chú nói cùng Mây, như 15, 16 năm trước, không gì có thể làm Cu Sen bận tâm. Như thể cái gì đó không nói năm xưa là một vùng không khí trong suốt bao bọc hai đứa ngăn cách hai đứa với thế giới bên ngoài. Trong lúc ăn cơm, Nhung luôn chăm sóc cho Mai, như thể thay Cu Sen bù đắp cho Mai những ngày tháng Cu Sen phải xuống rẫy. Nhung đằm thắm và hiền lành như một con chiên trước mặt linh mục_kính cẩn, mến thương và tôn sùng. Tám giờ tối, Nhung từ giã về bên chị Gái ở đối diện ngủ. Cu Sen đứng lên đưa ra cửa, Mây liếc thấy Cu Sen vuốt tóc Nhung. Tưởng chỉ mình thấy, Mây cụp mắt xuống, nhưng tự dưng dáng ngồi của Mai cứng lại, nét mặt chợt phủ một làn sáp trong như mặt búp bê bằng sứ. Trong ánh mắt hiền lành chợt ánh chút ẩn nhẫn chút ngượng ngùng. Mai biết? Mai phải biết. Và Mai ngượng vì cái ẩn nhẫn của mình phải lộ ra trước mặt Mây. Mây buồn bã ra về. Thấy mình có tội, cả với Mai lẫn Nhung.

Má cằn nhằn Mây đi đâu mà lâu. Má vẫn giữ thói quen kiểm soát mọi thứ trong đời con cái mình, nhưng đặc biệt nhất là với Mây, không biết vì tánh Mây hay cãi hay vì đầu óc Mây thường ở đâu đâu. Có thể vì cả hai. Anh Hòa ghé tới, đã tám giờ rưỡi tối, gọi Mây ra uống cà phê. Nói với mọi người Mây luôn nhắc tới anh bằng tên Cu Con, nhưng với anh Mây luôn xưng hô tên thật của anh. Má tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng Mây làm lơ làm liều đi tuốt. Má nghĩ anh muốn xin tiền Mây. Làm sao anh Cu Con lại dám làm điều đó. Khi Mây tới ở, anh là một du đãng vườn hết thời. Anh làm chi để giúp gia đình Mây cũng không rõ, nhưng anh chưa hề làm điều gì không phải với xóm giềng. Một buổi họp tổ về, anh kỳ kèo Kiệt ghi ta dậy anh đàn và hát một bài gì đó. Rồi một buổi sau này, lúc Mây ngồi xích đu dưới gốc cây bươm bướm, anh hì hụi mang đàn sang hát cho Mây bài Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi. Ngón đàn vụng về và giọng ễnh ương của anh như nghẹn ngào như lập cập. Một người chỉ biết đọc biết viết, ở một tầng lớp thấp… Mây nghĩ anh đã tặng cho Mây cả một tấm lòng. Nhưng anh không dừng ở đó. Mới lên đại học, 18 tuổi, Mây bị lùa vào trung tâm huấn luyện Quang Trung học quân sự 1 tháng. Lần đầu tiên xa nhà và cũng lần đầu tiên ở tập thể, nhưng tuổi trẻ ham vui, có gì mà sợ. Một ngày có loa báo gọi Mây ra có người nhà đến thăm. Anh lấp ló ở đầu B (?) cười toe toét. Anh mặc cái quần tây nâu và chiếc áo sơ mi, mầu gì Mây không nhớ rõ nhưng biết đó là bộ vía duy nhất anh có để “đi công chuyện.” Anh ngoắc Mây ra ngồi trên bãi cỏ dưới bóng mát, rồi mở cái gói giấy ra. Bên trong là một ly chè chuối chưng, mấy miếng bánh tráng kẹo đậu phộng tròn tròn. Anh cười cười nói ăn đi. Những món quà Mây thích. Anh nghèo lắm, mua được mấy món quà lặt vặt cho Mây và tiền xe lên đây thì cũng đủ chết, không biết lấy đâu ra. Lúc đó Mây ngồi ăn vui buồn lẫn lộn. Nhưng Mây biết rõ, chỉ có ăn hết mấy thứ đó mới đáp lại được tấm lòng của anh, và anh cũng như Mây cả hai ngầm hiểu Mây không nợ gì anh từ chân tơ sợi tóc cho tới trọn cả mối tình. Trong đó còn hàm chứa chút tình thân ái của người anh cho đứa em nữa. Bên cạnh anh Mây luôn thấy an tâm. Bây giờ, sau bao năm, anh vẫn chăm chú dẫn Mây đi ăn quà!!!! Anh chở Mây ra Nguyễn thiện Thuật, gọi cho Mây chén bò viên đủ thứ, đĩa bột chiên nhớ bỏ thêm trứng. Mây cự nự, anh nói em không ăn cũng cứ phải kêu không thôi chúng nói Việt kiều bần. Việt kiều, lại Việt kiều.

Khi anh chở Mây về Má vẫn còn thức. Má hỏi thẳng Mây, sao, chầu cà phê mất hết bao nhiêu. Mây làm thinh. Ma dấn tới, mày mất cho nó bao nhiêu tiền. Mây giận ứ ngang cổ, lần đầu tiên biết thế nào là cười nhạt. Má, Má, Má khinh người quá đáng, Má khinh cả con gái mình. Nhưng Mây chỉ nghĩ thầm và lẳng lặng lên gác.

Khác giờ giấc Mây chưa ngủ ngay được, lại nhớ tới Cu Sen, tới đôi mắt trong như nước hồ thu và ánh mắt biếc lên những khi nói chuyện cùng Mây. Nghĩ tới Nhung, tới cái quan hệ cũng không ra lời đó. Mây ngủ lúc nào không hay.

Đã thành thói quen, hôm nào không có “mối” ăn uống họp mặt cùng gia đình hay bạn học thì Mây đi bộ vào xóm cũ vào nhà Cu Sen. Sự có mặt của Mây bên Cu Sen dường như là một đương nhiên không có gì để thắc mắc, tựa như Mây là chủ ở xa về thăm thú tài sản của mình. Mây lại thấy ngượng nhưng chính Mây cũng không biết làm sao thoát ra khỏi mùi hương thầm năm cũ. Hình như Nhung qua thường hơn và Nhung chăm sóc Cu Sen kỹ hơn, như muốn xác nhận Cu Sen là của Nhung. Mặc kệ, vẫn mặc kệ, Cu Sen chỉ chăm chú cái điều hắn chăm chú, và rồi vẫn đưa Nhung ra cửa, vẫn vuốt tóc Nhung khẳng định một quan hệ. Mây lại ngẫm nghĩ. Mây vốn chậm phản ứng và thường lâu lắm mới vỡ ra một điều gì. Nhưng instinct thường không gạt Mây. Thật quá quắt, dưng không Mây bị đặt vào một chỗ không ra gì. Không thể chịu được, nhưng không thể chịu được cái gì? Mây ra về lòng bực tức.

Còn vài bữa nữa là hết, Mây sẽ về lại “xứ” của “dân Việt kiều,” Việt kiều 1993. Mây ghé từ giã Mai và Cu Sen. Cu Sen dặn dò qua quít rồi hai đứa ra khỏi nhà. Bước chầm chậm, Cu Sen không nói gì, chỉ cười cười mà như không cười, đáy mắt lấp lánh chút nghĩ suy. Hồi đó nếu Mây không đi thì hai đứa mình sao há, Cu Sen bâng quơ. Mây muốn trả lời, thì rồi Mây cũng sẽ ẩn nhẫn và ngượng ngùng như Mai, nhưng Mây chỉ im lặng. Như đoán biết tâm tư người bên cạnh, Cu Sen lắc đầu. Nhung thì chỉ là,… rồi bỏ lửng. Chợt Mây nổi giận, cái mơ hồ không gọi được tên làm Mây nổi giận? Không biết. Chỉ biết Mây muốn nói, Cu Sen có biết cái gì không nói khi xưa là một làn hương không phai trong gió sớm, là bông hoa e ấp hoài không tàn vì chưa nở bao giờ? Cu Sen có biết nó còn ngọt vì chưa ai nếm được? Mây không là ai không là gì cả, nhưng Mây không muốn cái trong trẻo vô hình đó mất đi, Mây không muốn cái bầu không khí trong veo vô hình đó phải mang một màu sắc một dạng hình. Mây không biết Mây có còn là Mây, nhưng Mây không muốn bị xếp vào hàng ngũ “thì chỉ là…” dù Mây biết Cu Sen cần có người tôn thờ hay chịu đựng với Cu Sen. Chúng ta đã thật gần nhau như hai hạt bụi, nhưng chúng ta chưa bao giờ có dịp và bây giờ thôi đành lỡ dịp thấm hòa. Hãy để nó như vậy, được không?

Mây đã về đến ngõ hẻm của mình. Gặp anh Hùng trên xe honda hướng ra đầu ngõ. Anh cười cười nhìn hai đứa nháy mắt. Cu Sen về há, Mây vô nhà nghen… Lên gác, Mây đứng yên trong bóng tối nhớ lại ánh mắt loáng trong bóng đêm vừa mới giã từ. Đột nhiên Mây nhớ cái giếng ở đầu hẻm hồi còn ở ngõ 365 Phan đình Phùng. Từ hẻm nhỏ ra ngõ lớn có cái giếng, anh Hùng thường căn dặn hăm he, Mây không được chơi ở chỗ cái giếng đó, rủi lom khom chúi đầu xuống thì chết, nghe chưa? Dạ nghe, nghe rồi. Cái giếng đó, anh Hùng ơi, anh không cần phải lo, và Mây cũng đừng tưởng nghĩ gì nữa cả. Nó đã cạn, không có hình bóng nào soi được trong đó, không còn hình bóng nào để tìm. Anh không lo tiếc sợi dây dài. ■

Nguồn: Gập ghềnh, Lưu Na. Tủ sách T.Vấn & Bạn hữu 2017