Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

Đà Lạt, những mùi hương cũ

Vũ Thành Sơn

Ngày đầu tiên đặt chân trở lại Đà Lạt đã khiến chúng tôi phải đối mặt với những đổi thay chóng mặt của thành phố cao nguyên này. Cái cảm giác tức thì của tôi lúc ấy, tôi còn nhớ, là một sự ngỡ ngàng đến mức gần như thất vọng. Đà Lạt thay đổi nhiều quá, diêm dúa quá tôi không còn nhận ra một Đà Lạt đồi núi, thông ngàn mộc mạc, gần gũi của mình ngày nào. Đà Lạt bây giở trông đã giống như bất kỳ một thành phố, tỉnh lỵ nào trên khắp cả nước, cũng nhà nối nhà cao thấp nhấp nhô lộn xộn, cũng đường sá chật chội chen chúc, xô bồ, cũng khách sạn, nhà nghỉ mở cửa 24/24. Đêm nằm trong phòng tôi cứ ngỡ mình vẫn đang còn ở Sài Gòn bởi tiếng xe gắn máy chạy ngoài đường không một giây phút nào dừng. Có lẽ Đà Lạt chỉ còn khác Sài Gòn duy nhất ở cái không khí lạnh về đêm. Sự ngu dốt, thói hám lợi du nhập từ những miền đất nào đã đổ xô đến đây bức tử Đà Lạt. Ác cảm về ngành du lịch Việt Nam trong tôi vốn đã có sẵn nay càng kiên cố hơn bao giờ hết.

Đà Lạt hiện thời đã chẳng còn gì, có lẽ chỉ còn mỗi cái tên. Mấy ngày ngắn ngủi ấy chúng tôi chỉ muốn đi tìm lại một Đà Lạt cũ.

Đà Lạt cũ bây giờ chỉ còn ở những cái ngõ nhỏ, những con đường liêu xiêu, những cuộc đời cố cựu. Buổi sáng đầu tiên sau khi nếm mùi vị thất bại từ một bữa điểm tâm trên con phố lớn, buổi sáng hôm sau chúng tôi tìm đến gánh hàng bánh ướt thịt nướng ở trong cái ngõ có những bậc thang nhỏ dẫn lên chợ Hòa Bình. Ngõ nhỏ, cái gánh bánh ướt khiêm tốn và người bán hàng, một chị phụ nữ ngoài năm mươi, người nhỏ bé ít nói nhưng có nụ cười thật hiền. Chị là người Đà Lạt gốc, ngồi bán với gánh hàng ấy từ năm 1977, tính ra cũng đã ngoài bốn mươi năm. Chúng tôi ngồi ăn trên chiếc ghế nhựa thấp, xì xụp cùng với mọi người trong không khí tươi mát của một buổi sáng sớm se lạnh. Tôi vừa ăn vừa nhẩm tính, khi ra ngồi ở cái góc này bán hàng, chị chỉ khoảng chừng mười ba, mười bốn tuổi. Hẳn vào cái năm 1975 với số tuổi ấy chị cũng đủ ý thức để ít nhiều cảm nhận được những biến động kinh hoàng mà cả dân tộc phải oằn mình cam chịu. Sau mấy lần khẩn khoản đề nghị, chị vẫn không cho chúng tôi biết tên mà chỉ đồng ý cho chụp tấm ảnh lưu niệm. Anh bạn tôi đã bấm nhiều lần ở những góc khác nhau. Trước khi đi, nhìn quanh một lượt, tôi thấy khách đến ăn đều là những thanh niên còn rất trẻ. Có lẽ họ chẳng hề biết gì về một Đà Lạt cũ để có thể hiểu được câu chuyện của chúng tôi và chia sẻ nỗi niềm của những con người phải lưu lạc trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Chúng tôi còn gặp một vài người nữa, những phụ nữ bán hàng ăn ở Bùi Thị Xuân, ở Đoàn Thị Điểm. Ai nấy cũng đều có thâm niên bán hàng hơn ba mươi năm. Hơn ba mươi năm, có người những năm mươi năm, mà vẫn quẩn quanh với một gánh hàng còm cõi giữa một thành phố bỗng chốc giàu có lên một cách hoang dại, bất thường. Đến đâu, gặp ai cũng đều nghe bàn tán về chuyện đất đai, nhà cửa. Cơn sốt đất ở Đà Lạt cũng sôi sục từng ngày. Quảng cáo rao bán nhà, bán đất được nhìn thấy khắp nơi, từ trung tâm Đà Lạt ra đến Phi Nôm. Những người ở tận đâu đâu đến Đà Lạt thu gom đất đai, nhà cửa và đẩy những người Đà Lạt trôi dạt. Cơn sốt làm giàu nhanh chóng bằng mọi giá đã giết chết Đà Lạt, giết chết chính con người.

Ngoài những con người chăm chút các món ăn truyền thống đã góp phần giữ lại một chân dung đặc sắc của Đà Lạt ấy, chuyến đi còn cho chúng tôi gặp gỡ một vài trong số có lẽ không còn nhiều những gương mặt của một Đà Lạt cố cựu khác, mà thời gian quá ngắn không thể gặp được hết, như ca sĩ Thu Minh và nhà thơ Nguyễn Dương Quang, những nghệ sĩ tận tụy giữ ngọn lửa tinh thần, cốt cách của một thời. Gặp gỡ để rồi lo lắng, không biết rồi những đốm lửa hát hiu ấy sẽ còn le lói được bao lâu trước cơn lốc hung bạo quét sạch mọi giá trị cao cả của văn minh nhân loại.

Thật may mắn, mấy ngày ở Đà Lạt đã không đến nỗi quá tang thương nhờ có chuyến lang thang ra đến Lạc Dương. Ở đó, vẫn đồi thông cao vút, vẫn con đường e ấp cong cong uốn lượn, vẫn gió ngàn đìu hiu. Buổi chiều sau cơn mưa rào, nắng trong veo, con đường bỗng duyên dáng và quyến rũ lạ thường. Chúng tôi đã không thể ngăn mình buột miệng thốt lên tiếng kêu vui mừng rỡ. Đà Lạt đây rồi! Giá như có một chòm mây lững thững hay một cuộn sương mù trôi lạc vào trong cửa xe lúc bấy giờ, có lẽ chúng tôi sẽ biến thành một Từ Thức lạc cõi thiên thai. Cả bọn đều đã lê la nhiều nơi chốn ở nước người nhưng thảy đều nhìn nhận chỉ có mỗi quê hương mình mới đẹp thật sự, đẹp hết lòng, đẹp thắt con tim, đẹp tận ruột gan.

Buổi sáng cuối cùng ở Đà Lạt chúng tôi đến Trại Mát bằng xe lửa. Chọn đi xe lửa là để có dịp trở lại thăm nhà ga Đà Lạt với con đường sắt răng cưa và một Trại Mát  quen thuộc. Chưa đi nhưng trong lòng đã đinh ninh sẽ không còn được thấy lại hình ảnh của hàng chục năm về trước nữa, bởi những hủy diệt tàn khốc do con người không ngừng gây ra cho thành phố này.

Quả thật, nhà ga xe lửa vẫn còn đó, nhưng chỉ là một cái xác ngơ ngác. Cái nhà ga của Pháp xây dựng từ năm 1932 trên tuyến đường sắt nối liền Phan Rang- Tháp Chàm dài trên 80 km để vận chuyển hành khách và hàng hóa một thời nhộn nhịp ấy, bây giờ chỉ để phục vụ khách du lịch trên đoạn đường ngắn 7 km đưa đến Trại Mát với cái đầu máy cổ. Tôi nhắm mắt hình dung lại một thời kỳ lịch sử không xa lắm của Đà Lạt, hẳn còn hoang sơ nhưng đầy thơ mộng, lãng mạn mà bâng khuâng, tiếc thương cho những cái đẹp đẽ nhất của đất nước này chỉ trong vòng bốn mươi năm đã bị tận diệt hoàn toàn.

Bên trong nhà ga người ta bày bán mấy bộ bàn ghế chế tác thô kệch, quê mùa bằng những súc gỗ lớn. Có lẽ cái bộ bàn ghế ấy nếu đặt trong khung cảnh gian nhà của một gã trọc phú nhà quê mới nổi thì sẽ thích hợp, còn ở nhà ga này nó chỉ có phô bày trước xã hội một cách thách thức, ngạo nghễ tội ác hủy hoại núi rừng. Nhưng không chỉ có mỗi bộ bàn ghế, người ta còn bày bán la liệt từ trong nhà ga ra đến sân ga nào túi xách, chai lọ cùng với những món đồ xanh xanh đỏ đỏ không dễ gọi tên. Giá như người ta biến không gian bên trong nhà ga thành một không gian bảo tàng trưng bày di tích, hiện vật giới thiệu cho khách du lịch về lịch sử đường sắt Đà Lạt thì địa điểm du lịch này sẽ có giá trị biết nhường nào. Nhưng biết làm sao được, cả nước Việt Nam bây giờ có khác nào một cái hàng xén khổng lồ.

Ở Trại Mát một người bạn cố gắng đi tìm lại tượng Phật Quan Âm nhỏ, nơi người vợ quá cố của anh đã đứng cạnh để anh chụp tấm ảnh cách đây hơn hai mươi bốn năm. Cái tấm ảnh ấy vẫn còn đặt trên bàn thờ nhưng tượng Phật thì không còn ở chỗ cũ nữa. Hỏi thăm, người ta cứ chỉ hết chỗ này lại đến chỗ khác. Chúng tôi theo chân anh đi tìm, qua những xóm nhỏ, qua những lối đi ngoằn ngoèo, cuối cùng chỉ để nhận lấy những ngậm ngùi, thất vọng.

Sắp đến giờ tàu chạy. Chúng tôi phải trở lại nhà ga.

Chúng tôi phải trở lại Sài Gòn.

Đà Lạt, c’est fini.