Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

“Chu du thiên hạ để học rùng mình” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 49)

Tương Lai

Anh bạn thân đến chơi. Sau khi nhấm nháp ly cà phê, bên chén trà đặc anh kể cho tôi nghe chuyến đi dạy học ở Đức rồi sau đó chuyện tai nghe mắt thấy tại mấy nước châu Âu khác trong chuyến đi của anh, những nơi tôi đã có dịp đến cách đây ngót nghét cũng gần 20 năm rồi. Thú vị về những câu chuyện còn nóng hổi của bạn mà không tránh khỏi mặc cảm về sự lạc hậu của mình. Chẳng hiểu tại sao lại cắc cớ nghĩ đến cái tên của một truyện cổ Grimm “Chu du thiên hạ để học rùng mình”! Cũng có thể do câu chuyện bạn tôi kể liên quan nhiều đến nước Đức, quê hương của các giả truyện cổ tích có cái tên kia. Cái tên thì nhớ, song nội dung câu chuyện thì chỉ lờ mờ một vài chi tiết, còn lại thì quên.


Nhớ cái tên vì đã và đang “rùng mình” về sự lạc hậu đáng xấu hổ của đất nước mình. Mà một trong những điều đáng xấu hổ đã nhắc đến trong “Mênh mông thế sự” số 48 “Nhớ người bạn ở Praha” viết tuần trước: “Việt Nam đã trở thành một mối nguy an ninh trong lĩnh vực xuất khẩu tội phạm có tổ chức như ông Bộ trưởng Nội vụ Czech Jan Hamacek tuyên bố. Tiếp đó là “bản tuyên án, kết tội Nguyễn Hải Long trong đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và cô Đỗ Thị Minh Phương của Tòa thượng thẩm Berlin hôm 25.7.2018. Bản luận tội với trên 20 trang, được tòa đọc sau đó gần 90 phút đã miêu tả rất chi tiết về tình hình chính trị Việt Nam sau Đại hội đảng cộng sản lần thứ 12… Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 6.7.2017 tại khách sạn Atlantic ở Hamburg. Tòa thượng thẩm Berlin cho rằng lệnh bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh được người đứng đầu đảng cộng sản VN đưa ra. Ngay sau đó Chính phủ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh “như thời chiến tranh lạnh””!

Chao ôi! Nhớ lại cảm giác “rùng mình” xấu hổ chạy dọc sống lưng dạo nào khi tại sân bay Stockholm-Arlanda đọc thấy tấm biển có in hình một cô gái Việt Nam với lời chú thích tội ăn cắp của cô ta để hành khách cảnh giác! Cho đến tận bây giờ, cho dù vẫn lòng tự nhủ lòng cần khoan dung độ lượng với người phạm lỗi, vả chăng nghe nói có thể đó là một “bệnh lý”, tôi vẫn không tránh được cảm giác chờn chợn khi thấy cô ta xuất hiện trên màn hình để quảng bá về “văn hóa Việt Nam” (!) và cứ thầm mong ai đó có trách nhiệm của VTV sẽ thông minh thêm một chút, nhạy cảm hơn một chút. Để gì? Để cùng với những cố gắng cải tiến cách chuyển tải hình ảnh trên màn hình khiến người xem khỏi tắt tivi, không phải ê chệ buông ra những lời chửi rủa trước mặt các cháu nhỏ cùng ngồi xem về sự xuất hiện quá nhiều những gương mặt lì lợm, ngỏ hầu vẫn khai thác năng lực của cô MC kia mà không phải phơi mặt cô ta trên màn hình! Thiếu gì những việc chẳng kém quan trọng để cô ta làm mà không nhất thiết phải chường ra diện mạo phản cảm trước cái nhìn của triệu triệu con người, trong đó có thể có người Thụy Điển hoặc người từng đến và đi từ sân bay từng trương hình cô ta!

Nhưng nói cho công bằng, thì hành vi làm nhục đất nước của cô ta chưa cấu thành tội phạm, tuy bản mặt đã bị phơi ra trước bàn dân thiên hạ song chưa bị đưa ra tòa án, so với những điều mà ông Bộ trưởng Jan Hamacek của Bộ Nội vụ Czech tuyên bố và lời “luận tội” ngày 25.7.2018 của “Tòa thượng thẩm Berlin” về “đại án bắt cóc như thời chiến tranh lạnh”, do “người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra” rồi “ngay sau đó Chính phủ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc” thì tội của cô ta, cho dù có nhục nhã thế nào đối với người Việt Nam, cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhục quốc thểhình ảnh của dân tộc Việt Nam đang bị bôi nhọ đến cỡ nào với những gì vừa kể ra?

Còn nhớ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Việt Nam đã đánh thức lương tri của thế giới, Thủ tướng của Thụy Điển Olof Palme đã là chính khách đầu tiên trên thế giới xuống đường biểu tình chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ năm 1968 khi còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thụy Điển, và 4 năm sau tuyên bố trước thế giới lên án cuộc ném bom B52 xuống Hà Nội, gọi chiến dịch đó của Mỹ là tội ác lịch sử cho dù Mỹ là nước bạn thân thiết của Thụy Điển để rồi giữa Giáng sinh, quan hệ Thụy Điển - Mỹ bị đóng băng trong hơn một năm.

Ấy thế mà ngày 22.12.2010 Chính phủ Thụy Điển quyết định đóng cửa Đại sứ quán ở Việt Nam cùng với 4 nước khác “do những khó khăn về ngân sách”. Đương nhiên có lý do đó khi Quốc hội Thụy Điển cắt giảm kinh phí cho các văn phòng thuộc chính phủ với mức 300 triệu SEK, tức là hơn 43 triệu USD. “Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định đó” như lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao dạo ấy, nhưng cùng với sự tiếc đó thì cũng nên thông minh mà hiểu thêm rằng hình ảnh Việt Nam ra sao để được “lọt” vào trong diện phải đóng cửa Đại sứ quán của họ.

Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969, mở Đại sứ quán tại Hà Nội năm 1970, dành viện trợ không hoàn lại sớm nhất và lớn nhất cho Việt Nam. Nhưng cùng với những cái đó, có lẽ cần nhớ rằng Thụy Điển là nước có chỉ số tự do báo chí đứng vào tốp đầu sau Na Uy, cũng là quốc gia tốt nhất dành cho phụ nữ và nhân quyền qua khảo sát về nhân quyền, bình đẳng giới, bình đẳng thu nhập, sự an toàn và thái độ tiến bộ toàn diện của một quốc gia… Nếu đặt cạnh những “thành tích” về nhân quyền, về tự do báo chí, về sự an toàn và thái độ tiến bộ toàn diện của một quốc gia” tại Việt Nam ra sao sẽ hiểu sâu về “quyết định” của Thụy Điển năm 2010 cho dù khi mở lại Đại sứ quán năm 2014 bà Đại sứ đã đọc những lời lẽ ngoại giao có cánh. Thế rồi báo chí chính thống đua nhau giật những cái tít đậm về những lời có cánh đó, đồng thời lờ tịt những lý do khác cũng như gần đây đã lờ tịt lời của ông Lubomir Zaoralek, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech (đã thôi giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao) từng tuyên bố “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu” của nước ông.

Nếu như trước đây, hình ảnh Việt Nam kiên cường chống xâm lược đã đánh thức lương tri của thế giới, thì bây giờ hình ảnh Việt Nam thời Nguyễn Phú Trọng sẽ đánh thức cái gì đây trước con mắt của thế giới? Thôi thì điều vừa kể là chuyện nước ngoài lên án “tội phạm có tổ chức và trở thành mối an ninh quốc gia” của họ, còn ở Việt Nam thì “mối an ninh quốc gia” do những tội phạm nào gây ra đây?

Xin dẫn ý kiến của một quan chức, ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu trong tọa đàm bàn tròn của đài BBC 6.8.2018: “Tại sao khi thẩm định hồ sơ thì bảo là ông này không có vấn đề gì? Kết luận thế, thì đưa ra Đại hội người ta mới bầu. Còn nếu mà kết luận là có những vụ án như thế này, như thế kia thì làm sao người ta bầu được? Đó là cái mà cần phải đánh giá thực chất. Hiện bây giờ đó là cái mà người ta đang rất lo lắng. Người ta mong muốn 'đốt lò' thì phải làm công khai và làm công khai thì phải làm sao tạo điều kiện cho báo chí và nhất là nhân dân phải tham gia vào, cho nên nhân dân phải có quyền phản biện, có quyền giám sát… Tại Quốc hội thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi báo chí hỏi, ông bảo rằng vấn đề này 99 năm đặc khu thì không đặt ra được. Còn lòng dân mà như thế đó thì làm gì mà sợ mất nước. … tham gia biểu tình, lòng dân mà như thế thì làm gì mà sợ mất nước? Nhưng sau đó Tổng bí thư khi tiếp xúc cử tri thì bảo rằng giờ chúng ta thấy… luật ba đặc khu thì đã bàn rồi, lâu rồi, những người biểu tình gây rối là ai thì bây giờ chúng ta cũng biết rồi"….Lôi ra một số người có tiền sử tiền án gì đó thì đưa ra, bị quy kết thì rõ ràng phải cưỡng chế, bên Quốc hội thì phải tiếp thu ý kiến… Rõ ràng có ý kiến bảo rằng những người phát biểu hình như là muốn gây rối, thành phần đó là thế này thế kia. Nhưng rồi có ý kiến thì phát biểu“đó là lòng dân, đó là sự nhạy cảm yêu nước, có những người dân yêu nước”... Cho nên nhìn nhận đánh giá thực sự vào xã hội Việt Nam, nhìn nhận người dân thì rõ ràng có độ vênh giữa những người lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước này”.

Tại sao có độ vênh đó? Phải chăng vì cuộc đấu đá nội bộ trong cuộc tranh giành quyền lực đã đến hồi gay cấn. Xin dẫn ra ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển IDS tại cuộc tọa đàm nói trên: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta chỉ xét theo bề nổi và cái mà người ta nói đây là một vụ chống tham nhũng không trừ ai cả, thì chúng ta sẽ rất dễ bị lạc vào một mê hồn trận mà không biết đâu mà lần. Nhưng nếu xét từ quan điểm là có những phe phái khác nhau, các phe phái này tranh giành với nhau, triệt hạ lẫn nhau, để củng cố quyền lực của phe đó, thì lúc ấy chúng ta có thể hiểu, có thể giải thích một cách dễ hơn những hiện tượng xảy ra liên quan cái gọi là chống tham nhũng, cũng như là 'đốt lò', hay là các vụ án vừa rồi. Nó theo một khung khổ tương đối là nhất quán.

Ông Quang A giải thích: Các nhóm ấy tranh giành quyền lực với nhau và ông Nguyễn Phú Trọng cùng với nhóm của ông ấy đã rất tích cực để củng cố quyền lực của nhóm ông ấy bằng cách triệt hạ các phe cánh khác. Nếu chúng ta để ‎ý theo một khung khổ như thế thì chúng ta sẽ thấy rất nhất quán toàn bộ những sự diễn tiến mà gọi là chống tham nhũng, hay gọi là 'Đốt lò' từ suốt cả ba, bốn năm nay. Có thể giải thích được dễ dàng kể từ những chuyện ông Đinh La Thăng, rồi cho đến chuyện Trịnh Xuân Thanh, cho đến chuyện Út Trọc và Vũ Nhôm, nó đều nằm trong một luồng như thế. Tức là tất cả những nhân vật ấy, trừ ông Đinh La Thăng là một người tương đối là to, việc xử ông Đinh La Thăng theo những tội như được nêu ra ở Tòa án, thì chẳng có ‎nghĩa lý gì cả. Bởi vì nếu chỉ đúng những tội danh đã được nêu ở tại phiên tòa thì ông Đinh La Thăng phải được tha bổng ngay tại Tòa. Và tôi nghĩ, thí dụ chuyện của ông Út Trọc chẳng hạn, nếu chúng ta nhìn thấy 12 năm tù của ông ấy, với những tội thực sự là lãng xẹt, nào là cố ý làm trái thế này, thế kia, rồi thì bằng cấp. Tất cả những cái ấy chỉ là bề nổi và nó có thể đánh lừa chúng ta, đánh lừa dư luận”.

Chính những “bề nổi”, “bề chìm” ấy đang đẩy đất nước rơi vào tình thế bị “đe dọa an ninh quốc gia” trầm trọng nhất khi mà Trung Quốc đang ngang nhiên hoành hành trên Biển Đông, cướp đảo, cướp tàu thuyền, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam hành nghề trên biển, chui sâu leo cao trong thủ đoạn cài cắm, mua chuộc, lũng đoạn bộ máy quyền lực về chính trị, về kinh tế từ chóp bu xuống tận cơ sở.

Ấy thế nhưng, khi mà những toan tính thanh toán đối thủ bằng mọi cách, kể cả cách sử dụng luật rừng vốn quen áp dụng trong guồng máy vận hành đất nước lại liều lĩnh đem ra thực hiện cả với bên ngoài bất chấp danh dự quốc gia, đang chiếm lĩnh toàn bộ trí tuệ và sức lực, thì còn tâm huyết nào mà nghĩ đến dân, đến nước! Còn chỗ nào cho nỗi lo trước thực trạng gần 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó có 25% mắc trầm cảm, là nguyên nhân khiến 36.000-40.000 tự tử mỗi năm! Trong đó, như Vietnamnet ngày 6.2.2018 đưa tin, theo nghiên cứu của Unicef, 8-29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, 2,3% trẻ vị thành niên tự tử. VNExpress ngày 2.2.2018 cũng như nhiều báo khác đã nhắc đến những con số ấy.

Nhưng nếu rối loạn tâm thần là một bệnh lý thuộc về cơ thể con người, gắn liền với hệ thống y tế với những bê bối khởi đầu từ năng lực và phẩm chất tệ hại của người điều hành, thì sự suy thoái đang ngày một trầm trọng chưa có thuốc chữa của giáo dục đang là căn bệnh trầm kha của xã hội kéo dài trong nhiều thập kỷ, mà tệ nạn gian lận trong thi cử đang như một cơn bão tàn phá niềm tin của xã hội! Vì, không có một gia đình Việt Nam nào không có mối liên hệ với giáo dục. Chưa lúc nào bằng lúc này, người ta thấm thía lời cảnh báo của Nelson Mandela: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Xin kết thúc bằng một khái quát khá phũ phàng song có lẽ đã phơi bày chân thực một thực trạng đáng “rùng mình”: “Việt Nam đã thực sự là trung tâm sản xuất “đầu” gỗ lớn nhất toàn cầu. Chúng ta sản xuất ra hầu hết là các công dân đầu gỗ, quan chức cũng đầu gỗ, thế thì lấy đâu ra cơ sở để gây dựng đất nước cường thịnh và văn minh?. Đấy là lời bình của luật sư Lê Luân nhân có bài báo tường thuật về mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Việt Nam phải là trung tâm về sản xuất đồ gỗ của thế giới .

…Muốn có đầu tàu [ý tác giả muốn nhắc lại lời Thủ tướng: tỉnh nọ và thành phố kia phải là đầu tàu của cả nước] thì bộ máy vận hành nó, tức thể chế chính trị, phải cởi mở và đảm bảo một sự khoa học có tính hệ thống, trong đó phải coi con người là tài nguyên trung tâm và cốt lõi, mà khi đã coi đó là cơ sở thiết yếu thì cũng đồng nghĩa phải tôn trọng sự tự do, trong đó tự do tư tưởng, tự do tư duy, tự do kinh tế, tự do chính trị và tự do sở hữu là các vấn đề sống còn của quốc gia. Vì chúng ta đã trở nên bệ rạc và què quặt từ suốt gần nửa thế kỷ trôi qua rồi”.

Vâng, gần nửa thế kỷ “bệ rạc và què quặt”! Thật đáng rùng mình!

Mà xem ra, cũng chẳng phải chu du thiên hạ để “học rùng mình”. Chỉ cần nhìn thẳng vào thực trạng và nói đúng thực trạng cũng đã đủ “rùng mình”. Không ai khác, chính Lênin từng khuyến cáo: “Chúng ta cần có sự thông tin đầy đủ và đúng sự thật. Mà sự thật thì không thể tùy thuộc ở chỗ nó phải phục vụ cho ai” (Lênin Toàn tập. NXB Tiến bộ, Matxcơva. 1980. Tập 54, tr. 568). Những kẻ sính ca ngợi và sính trích dẫn Lênin rất sợ nhắc đến câu này vì nó phơi ra thói giáo điều, chỉ biết tụng niệm nhưng ít học, mà đó cũng là một trong những nguồn mạch của bịp bợm và tráo trở!

Còn tác giả của truyện cổ Grimm thì uyên bác một cách bình dị để kết thúc câu chuyện “Chu du thiên hạ để học rùng mình” bằng một chi tiết cứ tưởng như mộc mạc nhưng lại thấm đượm vị triết lý của thùng nước đầy cá bống được múc ngay trong mạch suối chảy qua vườn thượng uyển đã làm rùng mình chàng trai ngốc nghếch nọ! Một chi tiết còn đọng lại trong ký ức, khi nội dung của câu chuyện thì chỉ lờ mờ, không còn nhớ nổi.

Ngày 12.8.2018

T. L.