Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Đi!

Truyện Ngô Nguyên Dũng


Con đê dài như vết sẹo khô quắm vắt ngang làng quê nghèo khó. Đêm nhả lưỡi trăng sừng trâu, phun lấm tấm những giọt sao vằng vặc đỉnh trời. Tôi nằm đấy, trong lún đất ven đường sắt mấp mô đá vụn. Chờ. Chỉ với túi vải con cuộn mớ tư trang ít ỏi. Bộ quần áo lành lặn nhất. Mảnh bằng Thành Chung gấp tư. Vài tấm giấy tuỳ thân. Bức thư ghi địa chỉ của người thân trong Nam. Bình nhôm móp méo đựng nước giếng. Và sản nghiệp lớn lao: tờ giấy bạc Đông Dương lận kỹ trong cạp quần.


Bức “Đi chợ”.

"Đi chợ", Joseph Inguimberty (1896-1971)

Tôi nằm đấy, từ khi đêm tháng chạp úp lòng tay, dập tắt ánh ngày. Chờ. Khuya nay, không giờ giấc nhất định, sẽ có chuyến tàu băng ngang đây. Đã từ lâu, ai trong làng này đều rõ, đấy là chuyến hoả xa xuyên Việt chở hàng hoá của thực dân. Mỗi đầu tháng một lần, ra vào sáng sớm, về vào khoảng đầu khuya. Con tàu đêm không toa khách với những ô kính rực đèn như tôi vẫn thường thấy, mà lê thê dài ngoẵng những toa kín bưng bít, và sau rốt là dăm ba toa trần chất gỗ hoặc những đồ vật kềnh càng phủ vải dù lục sẫm. Dân làng rỉ tai nhau, cà-nông đại pháo của quân đội Pháp chở ra trang bị cho vài cứ điểm quan trọng. Chuyến tàu rầm rập, rầm rập băng ngang. Tháng này qua tháng nọ. Năm này nối năm kia. Cứ vậy, không một lần thiếu vắng. Chúng đâu biết rằng, chúng đã gieo rắc vào tâm tư tôi từ tấm bé những mơ tưởng lang bạt. Tiếng còi tàu loang loang trong sương sớm, trong những khuya khoắt tịch mịch quê Bắc, gợi thức biết bao viễn ảnh phóng đãng trong tôi. Như tôi đã nhiều lần, với ánh mắt khát vọng trẻ thơ trông ra vách cửa hé. Ðầu tàu, độc nhất một vệt đèn tù mù, lê thê. Những đêm tiết trời trở rét cuối năm, luồng sáng di động nhoè nhoẹt như ánh ma trơi. Tháng ba trời trong, trăng sao văng vắt không cùng, thấy rõ luồng khói thốc tháo ứa ra, ràn rạt nghiêng theo tốc độ già nua của con tàu, như mệt lả, như soát lại xem có quên thứ gì. Có, nó đã bao phen bỏ quên tôi, một cậu bé với nhiều ước vọng nơi đất Bắc trầm mặc sử tích, phong phanh tờ lý lịch quan liêu, nhăn nhúm.

Bố tôi lều chõng ra Phú Xuân ba lần đều trượt. Mộng quan văn tan tành. Suốt đời ông bị cái dấu phất cỏn con quên bỏ trên một chữ Nôm tránh phạm huý ám ảnh. Về làng, ông mở lớp dạy trẻ ê a "Thiên trời, địa đất, ...". Cụ đồ nho nghiêm túc ôm khư khư chặt chịa mấy pho Tứ thư, Ngũ kinh, mù điếc không nhận ra quốc ngữ đã thay đổi. Tới tuổi đi học, tôi đến trường ngơ ngác với bảng chữ cái abc. Tôi bất lực chứng kiến những biến dạng tâm lý của bố tôi. Lớp học tư gia đóng cửa. Bố tôi xoay qua kẻ chữ Nho, viết liễn đối ngoài chợ làng. Những tinh sương chủ nhật, tôi loắt choắt bước ngắn theo chân bố ra chợ. Con đường làng xa tắp. Sáng rét líu lưỡi. Trưa nóng sém da. Tôi hớn hở quấn quýt theo chân bố, mơ tưởng tới nắm cốm Vòng lá sen làm quà điểm tâm hay viên kẹo vừng thơm lừng, bố mua cho lúc tan chợ. Cô hàng chè xanh nước vối tên Bích chuyên bán dăm ba món gia truyền: kẹo vừng, kẹo lạc, bánh đậu xanh, bánh lá gai. Cô xinh xắn, nói chuyện đáo để có duyên, nên nhiều khách phái nam ghé ngang. Cách phục sức của cô Bích không giống gái làng. Tóc cô cắt ngắn, uốn ba đào. Cô mặc áo dài màu nhu nhã, không thấy đeo nữ trang chi. Đặc biệt nhất, răng cô không nhuộm. Bố tôi có lần buột miệng vu vơ, cái ngữ phụ nữ tóc quăn răng trắng ấy chỉ giỏi dạng chân! Tôi không hiểu ý bố tôi, nhưng ngại ngần không hỏi, vì nhận thấy vầng mặt bố lúc ấy lãng đãng kỳ quặc. Tia mắt ông nhuốm sắc vàng bỏi, như tia nắng chiều rực lên trước khi tắt ngúm.

Bố tôi ra chợ kẻ chữ thường mặc áo quần bông vải kiểu ta, đi giày mõm bít. Chỉ những dịp trước Tết, ông mới xênh xang áo dài the đen chữ hỷ. Có điều lạ, ông cạo nhẵn râu cằm, để râu mép thẳng băng một vạch chữ nhất đen nhánh, tương phản đậm nét với búi tóc củ hành cổ điển. Có lẽ nhờ vậy, trông bố không thật sự nghiêm chỉnh như một cụ đồ Nho chính tông.

Gần gũi bố trong những ngày họp chợ, tôi nhận rõ con người thứ hai trong ông. Nếu với những người trong gia đình, đặc biệt với mẹ tôi, bố hành xử khắc nghiệt, nói năng bẳn gắt bao nhiêu, thì với kẻ ngoài đường trong chợ ông đối đãi hào phóng, chuyện trò hoạt kê bấy nhiêu. Lẽ nào chỉ vì mẹ tôi là một người quê mùa, răng đen, mù chữ? Mẹ tôi kém nhan sắc. Cặp mắt mi cặm nhổ trụi, khiến tia nhìn của bà nhơn nhơn, trợn tráo. Hai gò má lờ nhờ mấy đốm sẹo đậu mùa. Sống mũi thấp, chỉ nhờ nụ cười cắn chỉ lúm hạt đậu và nước da trắng hồng làm duyên. Kiểu cười của bố tôi ở nhà cũng khác hẳn ngoài chợ. Một đằng dè xẻn, nghiệt ngạng; một đằng thống khoái, bông lung. Vì thế, tôi bỡ ngỡ không ít khi thấy ông cải lốt gần như toàn diện những khi tiếp xúc với đám đông người lạ. Như diễn viên chỉ mon mỏn đóng được hai tuồng chèo trong nhà và ngoài chợ. Với hai vai nữ chính là mẹ tôi và cô Bích.

Chợ làng Thồi chùm nhúm ven con nước rộng vài sải tay, một nhánh từ sông Hồng nứt ra, lềnh bềnh rác rưởi. Dòng nước đục lờ, không phải phù sa, mà như từ cây lá mục, rác ủng, xác thú thối rữa, phân người và những thứ phế thải không thể định nghĩa ối ra. Cả cái tên, sông Thồi, cũng không hiểu từ đâu mà có. Chỉ nghe kể, sông tuy nhỏ nhưng dài, dài ngút, và mất hút đâu đó dưới chân Hoàng Liên Sơn. Đứa con vô thừa nhận của sông Hồng, tật nguyền và bẩn thỉu, đã cưu mang tưới tẩm vô số làng quê rải rác ven bờ. Những sáng nhóm chợ ngày chủ nhật, bến sông tấp nập thuyền đò từ làng quê lân cận đổ về. Quang đất trống thường ngày, bất chợt, mọc lên một buổi chợ phiên ra rả tiếng động, ngập ngụa mùi hương. Của thú và người. Của rau trái và bùn đất. Của hương liệu và thức ăn. Của gió mùa trở hướng thổi phần phật từ cánh đồng lúa chín sang con nước xám ngoét, lở lói.

Chợ được chia ô minh bạch. Ô bán thịt cá, khô mắm vung vít ruồi trâu. Ô hàng quà, bún riêu bún ốc bún chả thơm khói mỡ hành. Ô bán rau quả chất bó xanh mướt rau muống đầm Chuồi, rau đay chùa Láng, cà pháo mụ Phái, và cải cúc, kinh giới, tía tô còn mọng nước trong rổ mẹt. Hàng hương nến và gia vị kề cận nhau trông như miễu thờ thổ thần dựng sát vách bếp nhà phú hộ đang sửa soạn mâm cỗ thịnh soạn. Ô kẹo bánh, xôi chè ngầy ngật hương đường cháy kẹo vừng kẹo lạc, bánh cốm thơm lừng nước hoa bưởi, bánh khúc, xôi gấc xôi vò, chè kho chè đậu đen đậu ván, và gánh chè mè đen của bá Lìu còn thắt bím, đội mũ mu rùa. Độc nhất một hàng giò chả bánh dày bánh giò bà cả Bạch Tạng trắng nhỡn một nửa mặt như vôi tạt. Ô hàng xén tươm tất kim chỉ, vải vóc, khăn thêu khăn choàng, nhiễu đà nhiễu đen, phất phơ áo quần trẻ con còn nồng phẩm nhuộm. Mỗi năm, bắt đầu từ tháng chạp, có thêm hàng hoa làng Khánh góp hương thêm sắc.

Làng Khánh cách chợ phiên khoảng nửa ngày chèo, thoai thoải dựa sườn núi Vạn chít mây mù, một bướu đất lạc lõng của HoàngLiên Sơn. Thuỷ thổ nơi đó mát dịu trổ ra hướng đông hứng nắng sáng, là đất lành trồng hoa. Nghe kể, tên làng là tục danh của một nhà sư còn nặng lòng trần mà ra. Núi Vạn còn được gọi Vạn Đào Sơn. Lúc tiết trời cuối năm trở rét hanh hanh, cỏ cây se sắt tinh tuý càn khôn. Rồi như một hỷ tín trời ban, chỉ sau vài hôm nắng xổi, núi Vạn thay áo hoa đào. Sáng sương tan, thấy vách núi ửng hồng đẫm nắng vàng tằm. Sắc hoa sẫm theo tuổi ngày. Rực lên, phóng đãng phơi phới. Trách sao nhà sư tên Khánh, mỗi mùa rừng đào thắm nụ, tâm cảm không khỏi dấy động hoang mang. Khẽ thôi. Chỉ đủ khuấy lên dăm hạt bụi trần. Những hạt bụi từ bấy lâu nay, nhà sư dày công tu tập, nén chúng nơi đáy tiềm thức tận cùng. Ngắm hoa lơi lả cùng nắng gió, thốt nhiên những tờ kinh bay hết chữ. Giấy trắng không đủ sức nhốt bụi, hoá nhẹ tênh, thốc lên. Ngũ quan của nhà sư cũng rộn ràng xôn xao. Ông nuối tiếc những tháng năm kiên trì tịnh độ, muốn chọc thủng mắt mình để khỏi thấy sắc, muốn đâm rách màng nhĩ để tránh vọng âm, muốn cắt bỏ dương vật để không động tà tâm, ... Nhưng làm sao ông xoá tan được hương vị màu sắc của trời đất, cũng như không thể lóc da xẻ thịt để khỏi cảm nhận những dục vọng ngất ngây thường tình ấy? Sau nhiều ngày toan tính, ông hoàn lại kinh y cho chùa, xuống núi cất nhà, tiếp tục sống đời dân giả.

Ông vẫn đinh ninh rằng, người con gái tên Đào tình cờ hạnh ngộ trong một buổi ông vào rừng nhặt củi chính là tinh chất của vạn mùa hoa tích tụ. Nàng đến và ở lại như một cơ duyên định sẵn. Như tên gọi, Đào có nước da hồng non mịn màng, dòng tóc óng ả đen nhánh, chuôi mắt tre trúc đông phương có sức hút của tâm lốc xoáy. Đào ngỏ ý xin được ở lại giúp việc trong ngoài. Ông Khánh chấp thuận ngay, chỉ vì lý do độc nhất: cô đơn. Lần đầu tiên ông nhận rõ bản chất của quạnh quẽ sau khi giũ sạch mọi thiền pháp. Có khi nó là móng sắc của ngạ quỷ chực chờ xoi móc ruột gan ông, nhai tươi nuốt sống. Lúc khác nó là hai con ngươi bừng lửa si muội, rình rập chui lòn những khe hở thể xác ông, thiêu rụi. Nhưng ghê rợn hơn cả, nó là riềng mối của trống rỗng tuyệt đối. Hẳn đó không phải là tính không, ông đã nhiều năm tĩnh tâm tìm kiếm, mà là thứ rỗng rang cần được lấp đầy bằng những mê ám dung tục. Rõ rệt nhất, vào những khuya trăng no ứ một mảnh vàng cháy, hương hoa bừng lên ngập ngụa khứu giác ông. Cảm quan ông mọc gai dục vọng. Ông ngỡ ngàng thấy ra căn tính giống đực còn khắc khoải, ray rứt tâm khảm. Nó bắt ông thèm thuồng một hơi ấm, một ve vuốt mềm mại, một chấn động tới tấp, một buông thả xối xả, một rã rượi buông xuôi.

Ông cần một giống cái.

Đào đến như được gọi. Nàng mang lại cho ông Khánh chiếc bóng của chính ông tưởng đã đánh mất. Năm cô con gái ra đời sau đó, được đặt toàn tên hoa. Bắt đầu từ đấy, ông Khánh có sở thích vun trồng thược dược. Hạt giống đầu tiên do Đào mang đến, trổ hoa trắng ngứu. Nàng nói, hoa thược dược mang nhiều màu sắc khác nhau, nhưng em chỉ có giống Bạch vân này. Ông Khánh nẩy ra sáng kiến độc đáo. Khi năm cô con gái lần lượt đến tuổi xuân thì, ông rao truyền kén rể trong những buổi chợ phiên. Chợ khởi sự đông đúc từ dạo ấy. Mảnh đất con của gia đình ông Khánh bắt đầu có người lui tới. Luống đất trồng hoa càng lúc càng thắm tươi hương sắc. Ông chọn cho nó cái tên "Hoa viên Đào Khánh". Nhiều mẩu chuyện trà dư tửu hậu được truyền tụng. Rằng, ông Khánh là hoá thân của vượn trắng chùa núi Vạn. Rằng, cốt bà Đào là linh miêu, khéo luyện đào hoa tinh pháp, hoá kiếp mỹ nhân. Rằng, thuỷ thổ nơi ấy nằm ngay hậu môn ông rồng thiêng, nhờ phân và nước tiểu thải ra, nên đất không cần bón xới vẫn tốt lành. Thiên hạ dần dà rủ nhau đến đấy, xin ông Khánh cho phép phát rừng, cất nhà, cuốc rẫy trồng hoa làm kế sinh nhai. Ông Khánh ra luật bất thành văn, cấm không được đốn đào cũng như tất cả đại thụ có thân lớn hơn vòng ôm đứa trẻ lên năm. Làng có tên Khánh từ dạo đó. Dân làng chuyên nghề trồng hoa, đặc biệt là thược dược, nhiều loại không thấy đâu có. Đỏ choé như tiết gà. Vàng khứu như bột nghệ. Tím sảnh như cánh rầy. Hồng xoan như phấn nụ. Vài loại còn dặm sắc đôi. Ngoài trắng trong tím khảnh, hay rìa vàng trong đỏ lựu, ...

Thật vậy, hàng hoa tháng chạp của gái làng Khánh là tâm điểm thu hút khách gần xa. Đa số là thanh niên trai trẻ tìm đến, trước để ngắm người và trêu ghẹo, sau để xem hoa. Thiên hạ rỉ tai nhau, gái làng Khánh có làn da mịn mởn trắng hồng nhờ tắm nước hoa đào.

Bố tôi, những dịp ấy, cũng lượn vờn tới lui, xuýt xoa khen tặng. Tia mắt ông lại loé lên, bén ngót như muốn cứa đứt dây yếm lụa cánh gián một sợi mỏng manh thắt sau gáy cô hàng hoa. Mỗi khi bán được chữ, ông mua về một cành hoa đào hay một cặp thược dược cùng màu. Tối tối, ông chong đèn ngồi uống trà, ngắm hoa, ăn kẹo vừng cô Bích. Một mình. Không ai được phép quấy rầy. Mọi cử động đều rón rén. Chúng tôi trở thành những bóng ma chập chờn trong ngôi nhà u tịch, lạnh lẽo phong kiến. Bố tôi, một cụ đồ nho thất chí, không bắt kịp tốc độ của văn tự. Con rùa ấy còn chất nặng trên lưng những bia miếu trăm năm rêu bám.

Truyền thuyết làng Khánh không phải do bố, mà do cu Nhẵn kể tôi nghe. Gọi "cu" vì quen mồm chứ Nhẵn đã trổ mã, vỡ giọng ồ ề, mép cằm đã phun phún râu non. Nhẵn là đứa chạy việc trong chợ. Ai cần sai bảo gì, cứ ới một tiếng là Nhẵn xoắn chân chạy đến. Một bát nước vối cho mụ Phái cà pháo. Nhẵn này, giúp cụ đây khuân thúng nếp xuống thuyền, rồi tao cho tiền ăn xôi. Canh hàng cho bà cả Bạch Tạng đi giải. Nhẵn ơi, đuổi chó hộ tao, dải nhớt gớm ghiếc thế này, có là chó điên. Nhẵn có diện mạo là lạ, bên to bên nhỏ lệch lạc. Nó nói, vì nó có thói ngủ nghiêng bẩm sinh. Cụ Lý xem tướng, bảo Nhẵn nửa sang nửa hèn, nửa vua nửa dân, nửa Phật nửa ma. Đến mười tám tuổi, bên nào lấn lướt, sẽ định đoạt phần số Nhẵn sau này. Nhẵn nghe vậy, lộ vẻ thích, vui vẻ hoàn tất việc làng việc chợ. Thấy tôi ngơ ngác, ủ dột bên cạnh bố tôi trịnh trọng gò lưng kẻ chữ trên manh chiếu lát, trong bóng râm tàn cổ thụ già cỗi, gốc chè hẽ lỗ nẻ, trẻ con chui lọt; cạnh đó ai đặt một miễu thờ, lúc nào cũng phất phơ hương khói, hoa đèn túm tụm sơ sịa; Nhẵn mở lời làm quen. Tôi thường để mắt dõi xem Nhẵn khập khễnh thoăn thoắt bến sông cuối chợ như thoi đưa. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn thấy nó rỗi tay quay con vụ hay đánh đáo với mấy đứa khác. Mùa nóng cũng như mùa rét, lúc nào cũng thấy nó sơ sịa mỗi cái quần xồi nâu tưa gấu ngang bắp chuối, buộc dây lưng đen đủi sợi ngắn sợi dài tới đáy. Rõ ràng cái quần người lớn, không biết của ai cho. Thế mà dường như chưa lần nào tôi thấy Nhẵn bệnh hoạn gì.

Nhẵn đứng thẳng, cao hơn tôi cả cái đầu. Có lần tôi hỏi Nhẵn, bao nhiêu tuổi, nó đáp gọn, không biết. Tôi ngơ ngác. Phải sống lâu như rùa như gỗ đá mới không nhớ nổi tuổi mình, đằng này Nhẵn... Tôi đoán, nó lớn hơn tôi độ chừng năm hay sáu tuổi. Cũng có thể nhiều hơn, vì Nhẵn chuyện trò ra vẻ sõi đời như người lớn. Những dịp chỉ có hai đứa tôi, nó thường nhỏ giọng tục tằn chuyện trai gái.

Trưa ấy nắng gắt, chợ tan, bố không về nhà ngay mà dặn tôi chờ ông đi lấy vài lạng kẹo vừng, kẹo lạc đặt từ tuần trước. Bố cho phép tôi theo Nhẵn chơi đùa, không quên dúi vào tay tôi cái bánh giò còn ấm. Bánh giò bà cả Bạch Tạng ngon có tiếng. Bột trắng mịn, thơm dịu hương lá chuối, nhân thịt lợn băm, mộc nhĩ thái chỉ giòn khấc, gia vị tiêu hành không thừa không thiếu. Ánh mắt Nhẵn loé lên thèm thuồng khi thấy tôi tẩn mẩn bóc lá. Rồi, không nén được, nó nuốt nước bọt đánh "ực". Tôi xót lòng, bẻ cho nó một góc bánh không nhân. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trước chòi lá nhỏ bằng cái chuồng trâu nhà phú hộ. Nhẵn ngấc mặt tự hào, nhà tao đấy. Nhẵn còn chỉ tôi xem chỗ nó nằm ngủ, trông như ổ rơm lợn nái ở cữ, đùm đụp bện trên tấm vải rách vá lỗ chỗ. Nhà không bàn ghế, không cửa sổ. Một hoả lò ba chân đất nặn, hỏn hon vài thanh gỗ cháy nám. Bên cạnh, một nồi không quai, một ấm đen xỉn, và một cái bát đôi đũa vơ vất trên đất. Tôi chưa từng thấy căn nhà nào thô sơ đến thế. Nhưng chẳng hiểu sao, cảnh tượng ấy kích thích tâm hồn trẻ thơ trong tôi mạnh mẽ đến nỗi bắt tôi khao khát có một cuộc sống như Nhẵn. Không phải đến trường mỗi ngày. Không bị gò bó trong khuôn tấc dạy dỗ cổ điển nghiêm ngặt của cha tôi. Từ đó tôi sẽ tháo bỏ chiếc bóng lẽo đẽo hiu quạnh bên mình. Tôi sạch. Tôi vô sắc như gió, thảnh thơi như sâu bọ, vô tư như cào cào châu chấu, tự do như cánh chim vui thì hót, chán thì chắp cánh bay đi.

Có lẽ Nhẵn nhận ra vẻ mặt rực lên khác lạ của tôi, nên ra giọng ít nhiều tự hào:

- Không phải ai trong làng này cũng được như tao.

Đúng rồi. Chẳng biết từ đâu, những lúc sau này, nhác thấy nhiều khuôn mặt lạ về đây. Có người là thân quyến của dân trong làng. Có kẻ không quen biết ai, như bộ xương trăm năm đội mồ vất vưởng trở lại dương trần, gầy rạc, rách rưới, đói khát. Họ sùi bọt mép thuật lại những vụ đói hoành hành, những chứng bệnh kỳ dị lan tràn, những mùa màng bị chuột đồng toa rập cùng châu chấu phá hoại. Và cuộc chiến kháng Pháp dai dẳng nhiều thập niên qua. Rồi đột ngột Pháp đi, Nhật đến, gieo rắc cái đói lớn. Hai lá phổi đồng bằng sông Hồng bị vi khuẩn thực dân da vàng gặm mòn. Mặt đất suy dinh dưỡng, không đủ sức làm đầy ngần ấy triệu dạ dày. Những phong trào cách mạng, chủ nghĩa xã hội nổi lên như những đám cháy mùa nắng hạn. Có khuya, tôi ra nhà sau đi tiểu, sật sừ nom thấy viền trời núi Vạn lấp loé đỏ ngời. Tôi tưởng ra nơi đó có ánh sao trời vĩ đại vừa giáng xuống, phực lửa, làm chấn động một góc trời. Sáng hôm sau nghe người lớn rủ rỉ kể nhau, đêm qua có đoàn du kích về ngang núi Vạn, tiến công đánh phá đồn Nhật. Đánh lớn. Nhiều người tử vong. Xong, tiêu thổ kháng chiến. Phá sạch. Đốt trụi. Tôi không hiểu tại sao, chỉ đọc được qua ánh mắt mẹ tôi trĩu nặng những âu lo, lâu lâu lại thở dài rười rượi.

Tháng mười, có hôm tôi hân hoan theo chân mẹ ra thăm mấy thửa đất sắp gặt. Lúa nghiêng rạp, đơm hạt vàng lườm. Gió bấc phất phơ vành khăn mỏ quạ vấn đầu mẹ. Tôi nắm chặt tay mẹ, tâm tư dấy lên nỗi rung động lần đầu tôi cảm nhận theo tiếng thở dài khẽ khàng của mẹ. Hay đó chỉ là hơi gió chuyển mùa trở về thăm hỏi những đất đai sông núi đã bấy lâu đoạn lìa? Xúc cảm ấy lạ lùng lắm. Như ẩn sâu trong kén sắc, nôn nao chờ khắc điểm hoá bướm, điểm chút bàng bạc tuyệt vọng của lá chờ tuổi rụng.

Me bất chợt gập người quì xuống, cặp mắt mi cặm nhoèn nhoẹt nhìn tôi không chớp:

- Hoàng, nhớn lên, con phải đi thôi!

Tôi chớp mắt, hoang mang không hiểu.

- Đi Hà Nội, vào Nam, đâu cũng được, nhưng phải đi!

Mẹ nói nhanh, như để lấp liếm hai hàng lệ lăn trên má. Tôi không biết phải nói gì, cũng không hỏi tại sao, chỉ chơm chớm hiểu ra câu trả lời, sau đó. Có lẽ mẹ muốn dặn dò, vì chỉ ở những chốn ấy, sâu sẽ có cơ hội hoá thân rực rỡ, lá sẽ không rơi rụng thuở còn xanh tươi. Nhưng tôi không cảm thấy phấn khởi, mà buồn bã thắc mắc vì sao mẹ tôi nỡ thốt ra những lời đành đoạn ấy. Tôi nghĩ mình đã tìm được câu giải đáp qua những bộ xương người từ chốn nào lạc về đây nương náu, qua nhiều lời oán than của người lớn, qua những cuộc nổi dậy vũ trang chống thực dân càng lúc càng loang rộng như cánh rừng bén lửa...

***

Nhẵn chỉ tôi con chim đậu trên hàng rào bìm bìm nghiêng vẹo, nói:

- Sáo đấy. Khôn lắm, dạy nó nói được tiếng người. Mày thích không, hôm nào tao bắt cho một con?

Tôi sáng mắt, nhưng cương quyết lắc đầu, nghĩ nhanh tới ánh mắt mẹ tôi hôm nào:

- Thích chứ. Nhưng làm thế, chim mẹ nó buồn.

- Buồn gì. Nó đẻ xoành xoạch, đít trơn như bôi mỡ ấy mà.

Tôi buột miệng vu vơ:

- Làm chim, thích nhỉ, muốn bay đi đâu cũng được.

Nhẵn reo lên:

- Đúng đấy. Nhưng tao không thích làm chim sẻ, chim sáo đâu, xoàng lắm. Làm diều, làm quạ oai hơn.

Tôi không nói gì, tưởng ra những cánh diều, cánh quạ liệng lờ trên không trung những trưa nắng, rình bắt gà con.

- Làm người dù sao vẫn thích nhất.

Nhẵn lên giọng sành sõi. Tôi nhỏ nhẻ:

- Tao ước gì được như mày, có nhà riêng, có việc làm, không sợ đói. Làm gì, đi đâu không phải xin phép ai.

Mặt Nhẵn vênh váo:

- Cụ Lý tướng số bảo, khi nào tao mười tám tuổi, sẽ phát.

- Thế còn mấy năm nữa?

Nhẵn ngần ngừ, nửa mặt to nghệch ra, nửa mặt nhỏ vẫn trơ trơ đần độn. Bất ngờ nó đứng phắt dậy, vừa nói vừa giật bung gút lưng quần.

- Sắp rồi. Xem này, mọc lông rồi đấy!

Tôi ngẩn mặt, luống cuống nhìn cái giống của Nhẵn bày trước mặt. Đen quắn như một con sâu róm lơ thơ lông xoắn. Tôi thẹn đỏ mặt, chưa biết phản ứng ra sao thì Nhẵn đã dạng chân, xoè ngón cái ngón trỏ kẹp lấy, động tác sục sạo, miệng lảm nhảm:

- Này, mười tám nhanh lên mày! Phát tướng nhanh lên! Này, này...

Tôi sửng sốt chứng kiến cảnh thằng con trai như bị đồng nhập, hai mắt khép rãnh đờ đẫn, gương mặt thoắt chợt biến dạng. Chiếc mặt nạ lúc người lúc ma phù phép luân phiên tháo gắn. Con sâu róm ngâng ngấc phát tướng theo lệnh Nhẵn. Nửa phần teo tóp của Nhẵn đỏ sần như vết bỏng tấy máu. Nó cong lưng, bụm tay túm lấy cái giống sưng sịa, cổ họng ư ử nấc nghẹn, gấp gáp kéo quần che lại. Nhẵn gập người vật ra đất, bần bật như động kinh. Rồi rũ rượi một nhúm, co quắp.

Tôi nhận ra nhịp thở Nhẵn xộc xệch như kẻ vừa băng đồng, vẫn chưa ý thức rõ rệt sự việc. Tất cả xảy đến bất ngờ và nhanh chóng. Lồng ngực tôi bấn loạn từng cơn. Tôi muốn bước đến nâng Nhẵn dậy, hỏi han cớ sự, nhưng lo sợ đánh động thần sắc ma ám còn ứa vệt sống sượng khắp thân thể Nhẵn. Lần đầu tiên tôi thấy rõ nửa phần quỉ lộng táo tợn trong người thằng con trai. Thêm vào đấy là nỗi gì lãng đãng như thú vị. Tôi còn điếng người phân vân thì Nhẵn đã nhấc lưng ngồi dậy, cười hềnh hệch:

- Thấy chưa, mày? Lớn là như thế đấy.

Tôi lắp bắp:

- Mày, mày... làm thấy... sợ.

- Sợ đíu gì? Đàn ông, đàn bà làm thế với nhau, thích lắm!

Tôi không rõ ý Nhẵn, nhưng không hỏi vì biết thế nào nó cũng kể cho nghe bằng thứ ngôn ngữ chợ búa tục tằn, với đầy đủ chi tiết. Lúc ấy chúng tôi đã vào nằm gác tay sau gáy, trong ổ rơm lợn nái, cửa trước cửa sau bỏ ngỏ, gió hoang đàng vào ra. Nhẵn hỏi tôi, có ngửi thấy không, mùi gió sông Hồng. Tôi mở rộng hai cánh mũi, hít lấy, chỉ loáng thoáng bắt được chút gay gắt của rác chợ sót lại. Tôi bảo, không. Nhẵn khép mắt ví von:

- Gió sông Hồng thơm như đít cà cuống ấy.

Tôi bật cười, nhắm mắt tưởng ra bát nước mắm thô thơm ngậy nửa giọt cà cuống. Mẹ tôi xoắn đôi nan tre gấp tấm bánh bột gạo trắng phau phập phều mặt vải căng trên miệng nồi tuôn khói, nhấc nhanh ra đĩa. Mẹ giục, ăn đi con, kẻo nguội mất ngon! Vị giác tôi tham lam siết chặt khứu giác, cuống lưỡi hấp tấp hứng lấy hợp khúc của thiên nhiên và con người. Quê hương tôi sau những ngàn năm nô lệ dai dẳng, còn lại chỉ ngần ấy. Những miếng ăn ám ảnh triền miên, chủ động đời sống. Những sở học từ chương, truyền nặng vai thế hệ. Hậu duệ của rồng tiên hoá thành lũ rùa đá ngơ ngác hai hàng văn miếu. Đi, con phải đi thôi, giọng mẹ tôi giục giã với hai hàng nước mắt lông cặm nhoà nhạt trên má. Gió tháng mười loang loáng đồng lúa sương mù. Tiếng mẹ thở dài tan theo gió mùa phơ phất vạt áo mỏng. Tôi chập chờn chìm vào không gian của đất và người bị mùa màng ruồng bỏ trong thời kháng chiến đỏ ngầu khẩu hiệu. Những bộ xương đói chỉ biết phân bua cùng chấy rận. Những người lính du kích về làng trong đêm, hứa hẹn một tương lai độc lập huy hoàng dưới ánh sáng lãnh đạo của chủ nghĩa cờ đỏ, mỗi người mỗi ngày hai bữa cơm no.

Tôi mở mắt, nghe tiếng tắc kè ngán ngẩm trên mái rơm. Cạnh tôi, Nhẵn còn say sưa trong giấc ngủ trưa. Vệt nước bọt rỉ trắng một đường bên mép, khuôn mặt dị dạng khó hiểu như mo cau khô. Tôi ngồi dậy, quay quắt nhớ tới lời bố dặn, đi chơi với Nhẵn một chốc rồi trở lại chờ bố bên gốc cổ thụ trong chợ làng. Tôi cuống chân chạy ra chỗ hẹn. Vắng hoe. Tôi ngồi bó gối bên miễu thờ lạnh tanh hương khói, dáo dác trơ trọi trong hoang vắng buổi chợ tan. Con chó ốm lẩn quẩn bên ô hàng thịt, ngoảnh mắt nhìn tôi dè dặt. Tôi nhớ lời bố dặn, bố đến nhà cô Bích lấy mấy lạng kẹo. Nhà cô cách chợ một khúc quanh tối ám bóng cây, đã có lần Nhẵn chỉ tôi xem, mái lá vách đất khoét hai ô cửa chấn song tre như đôi mắt trông ra núi Vạn chập chùng xa tắp. Một ao con xanh rờn rau muống. Giàn mướp đúng mùa rợp hoa vàng xập xoè bướm trắng. Bước chân tôi tần ngần dừng bên hiên nhà chếch bóng xế trưa, muốn cất tiếng gọi cô Bích, gọi bố, nhưng khung cảnh im vắng, cửa khép kín lặng khiến tôi e ngại. Tôi tưởng mình vừa lạc lối nhập vào bức thuỷ hoạ bố tôi mua ở phố Huế trong một dịp ra Hà Nội. Tấm tranh lụa màu nước nhu nhã vẽ cảnh sông núi khôi vĩ, chiếc cầu treo khỏng khảnh vắt ngang hai sườn đá cheo leo một cội sơn tùng, con nước loằng ngoằng bên dưới, lác đác dăm nóc nhà con, trông như những mạn thuyền úp lưng tuân phục thần lực thiên nhiên. Tôi đang thu mình bé lại, vén tranh lách vào. Ô cửa bên hông nhà cô Bích hé cánh hớ hênh. Nắng nhạt nhoè rón rén. Tia mắt tôi ghé lại, soi mói lướt nhìn diện tích chập hẹp nhá nhem bên trong. Mùi ẩm nồng lạ mũi. Dường như có cả hương đường cháy khen khét. Luồng sáng vàng rơm kẻ khung hình học lên nền đất chiếc sấp chiếc ngửa bừa bãi. Ngực tôi thắt nhịp. Đôi giày mõm bít của bố nằm úp ngửa trên đất. Người tôi nóng ran, hoa mắt chứng kiến trên mặt giường tre, sống lưng dài của ông dán sát thân thể trần trụi bên dưới. Bốn bàn tay xoắn nhau dang rộng. Đầu ông ngấc cao, búi tóc bung vãi, ngấn vai nhấp nhứ theo động tác dồn dập của gò mông trắng hếu giữa ngáng chân dạng ra rồi khoá lại chữ X. Chỉ cần một tiếng tru vọng kèm theo, lập tức ông hoá thành con sói ngẩng cổ hú trăng đỉnh núi đá trong tấm tranh lụa huyễn hoặc. Không, không phải tiếng chó rừng tru tréo mà là tiếng hổn hển của loài dã thú đang vật vã cấy nọc nhau. Dạ dày tôi tiết ra dịch vị chua loét dâng lên cổ, rón rén bỏ đi, không ngoảnh mặt.

Tôi thất thểu trở lại góc đa chợ làng, mắt cay xè. Tôi trống rỗng như con lợn bị vét sạch bộ lòng. Nhưng khối óc vẫn minh mẫn nguyên vẹn. Giọng bố tôi bóng gió hôm nào lại vang lên, cái ngữ gái ấy chỉ giỏi dạng chân... Cùng lúc là cặp chân của người nằm dưới rập rượn quắp lấy đáy lưng bố ấn dấu sắc nét trong trí tôi, một con lợn bị thọc tiết với khối óc biết suy nghĩ.

Bố trở lại, hỏi tôi đi đâu, làm gì. Tôi mếu máo, con ngủ quên ở nhà thằng Nhẵn. Lần đầu tiên trong đời, bố siết tôi vào lòng, vỗ về, ngoan nào, lớn rồi! Tôi váng vất bắt được trong mồ hôi bố ám mùi thuốc lào, thoảng hương thơm lạ, kín đáo. Không phải hương mực tàu mới mài, cũng không phải hương giấy bổi nhuộm phẩm đỏ. Đúng rồi, chính là cái mùi ẩm nồng của cái ngữ phụ nữ tóc xoăn răng trắng từ gian nhà cô Bích xông lên hăng hắc...

Chiếc kẹo vừng bố cho tôi tan chảy nhão nhoẹt trong lòng tay. Hình tượng bố tôi, một nhà nho khuôn mẫu truyền thống, cũng nhem nhuốc vệt mực đẫm mưa dục vọng. Những gì tôi tai nghe mắt thấy trưa nào tại nhà cô Bích được tôi chôn giấu tận đáy lòng, trong trí nhớ hằn đậm vết chàm bẩm sinh. Và theo cùng bố tôi xuống nấm huyệt mùa đất vữa của kháng chiến bùng lên là ảo tưởng về một mẫu người mực thước. Bố mất sau nhiều năm lao phổi. Tôi nhớ mãi màu nắng hôm hạ quan, rạng rỡ và dửng dưng đến đau lòng. Nhưng sau đó không lâu, tâm trạng tôi như cây dại, thản nhiên đâm chồi, mặc những biến động tang thương của đất nước. Ý nghĩ tôi mọc ra những rẽ sông, những ngả đường, những viền trời không bị núi Vạn che khuất.

Từ độ bị Tây càn quét, chợ làng không còn nhóm họp thường xuyên và đông đảo nữa. Nghe nói, Nhẵn đã bỏ vào chiến khu đâu đấy trong núi rừng tây bắc. Cô Bích kẹo vừng bị Tây đen Tây trắng hãm hiếp, xấu hổ bỏ làng biệt tăm. Một dịp tình cờ, đi ngang vuông đất nhà cô, ma lực nào sai khiến chân tôi bước vào. Giàn mướp um tùm lấn lên song tre, tuyệt nhiên không thấy đơm trái. Vài con bướm mốc nhắp cánh ngẩn ngơ bay tìm hoa. Cửa nẻo hoang hoác. Mái lá nghiêng đổ, cố bám víu cột kèo xiêu vẹo. Tôi đứng giữa vũng nắng xuyên mái lấp loé gian nhà không mùi vị. Quá khứ hiện mất chập chờn trên đất đôi giày mõm bít, chiếc sấp chiếc ngửa của bố tôi. Tâm tư tôi trong suốt như gương. Trong búi cỏ vườn sau, tôi nhặt được nửa chiếc lược sừng trâu giắt tóc. Tôi run rẩy nhớ lại mái tóc óng mượt uốn xoắn úp ngấn cổ thon thả, khoẻ mạnh của cô Bích. Chuỗi cười răng trắng tươi giòn sau mỗi lời khách tán tỉnh. Chao ơi, lược nằm đây, còn tóc nơi đâu? Tay tôi bâng khuâng vuốt lên hàng răng lược gẫy đoạn, cõi lòng quặn đau từng cơn. Quá khứ thơm hương, tạp âm tạp sắc, sau những tai ương cuồng nộ, trở nên không mầu, vô tri giác. Tôi hình dung ra cảnh tượng lũ mọi đen mọi trắng giày vò man rợ thân thể người đàn bà thừa tự những ngàn năm văn hiến. Tôi không khỏi căm phẫn. Răng lược nhói đau trong nắm tay tôi siết chặt. Trong khắc giây đối mặt những chiếc bóng đen đúa mạnh bạo hằng bao thập niên đô hộ, lời mẹ ngậm ngùi khuyên tôi vẳng khẽ bên tai.

Đi! Đâu cũng được, nhưng phải đi!

(trích đoạn tiểu thuyết "Núi Ðoạn Sông Lìa"https://www.amazon.com/NuiDoanSongLiaVietnamese/dp/1547112190)