Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Tiếng cồng (kỳ 5)

Tiểu thuyết của Nam Dao

*

Ba người rẽ ngang hông nhà thờ, dừng chân trên những bực đá dẫn xuống chợ. Cứ mỗi khoảng vài mươi bực, người ta vạt núi xây một khoảnh sân dọc độ tám mét, ngang khoảng năm mét. Hai bên sân, người Kinh làm những quán ăn, quán nước, biển kẻ bằng sơn quảng cáo đủ loại đồ ăn, nào là thịt chó, tiết canh, trâu thui, cháo lòng... Quán rất hẹp, chỉ có một hay hai bàn thấp kê sát nhau, xung quanh xếp những chiếc ghế đẩu. Trên góc cao, quán nào cũng có một chiếc tivi màu thường trực mở, vặn to đến độ cách dăm thước đã nghe ra rả tiếng xướng ngôn viên đọc tin, tiếng ca, tiếng hát. Quán sang, có dàn video, chiếu những phim chưởng Hồng Kông, và thường là khách chen nhau xếp hàng trong, hàng ngoài, mắt trố lên xem.

André hỏi Hà:

- Chợ Tình họp ở chỗ nào?

- Chợ bé lắm, ta cứ dạo quanh là tìm ra.

Níu vào tay André, Marthe chúi chân đi, cười:

- Suýt nữa, tối thế này mà không có đèn đường, dễ ngã thật!

Hà nhìn lên trời:

- May mà có trăng. Thường, Chợ Tình họp ngày trăng tròn. Người H'mong ra đây chọn vợ chọn chồng. Không có trăng, chắc là có nhiều bất ngờ không được lý thú lắm... phải không?

Ba người cẩn thận xuống những bực đá. Họ dừng ở sân, nhìn vào hàng quán dưới ánh đèn điện hắt một thứ màu sáng vàng khè như màu da sốt rét kinh niên. André tay chỉ, chân tiếp tục bước xuống, miệng giục. Marthe bất chợt ngừng chân, miệng thì thào:

- Có nghe thấy gì không? Có tiếng khèn và tiếng đàn ghim bác...

André và Hà cùng gật đầu. Dưới ánh trăng loáng bạc, họ lần theo tiếng khèn, mắt mở to cố nhìn để tránh những hố nước trên lối đi. Xuống hết những bậc đá, chợ dưới nằm trên một khoảng đất rộng, lổn nhổn những mảnh vải bạt căng lên làm mái. Ðèn ở đây tắt hết. Chợ không còn một ai, hàng quán đã dẹp sạch, im ắng. Vài con chó hoang cụp đuôi chạy, rúc đầu vào rồi lấy chân bới dăm đống rác rưởi đã quét vun vào góc chợ.

André mất kiên nhẫn, nói nhỏ:

- Ðây không thể là Chợ Tình được.

- Suỵt, anh vẫn nghe chứ... Tiếng khèn.

Marthe nói xong, tay kéo André, mắt nhìn Hà dấn bước . Tiếng đàn và tiếng khèn rõ dần, rồi lắng tai sẽ nghe thấy giọng hát ê a, nho nhỏ, như van vỉ, như kể lể. Tay để lên miệng ra dấu im lặng, Marthe dỏng tai lên, chân lần bước, mắt nhìn quanh. Lát sau, dưới một mái bạt thấp thoáng có bóng người.

Ðến gần, họ gồm ba người, một cô gái đứng giữa, hai bên có hai thanh niên. Cô gái quay về phía một người đang hát, người kia thổi khèn đệm. Anh ta hát rằng:

"Giờ này trời đã về khuya

Sao lượn vòng đổi ngôi, sương phủ trắng

Tay anh ôm đàn

miệng anh hát anh yêu em.

Em không có lòng thì thôi

Có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm

Em không có lòng thì thôi

Có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày.

Bố mẹ anh như cái vườn hoang

anh muốn lấy em về,

nhưng đồng tiền không có

Hôm nay không có

ngày mai sẽ có

có lòng thì về, cả hai ta sẽ có, em ơi!".

Giọng hát kéo dài ra, ngắt quãng, nằm chênh vênh trên thanh âm của chiếc khèn ngân lên như lè nhè. Cô gái cúi đầu, mồm lí nhí, rồi quay về phía thanh niên vừa thổi khèn. Giờ là đến lượt anh ta hát. Thanh niên kia với cây đàn, bựt dây. Sau một tiếng hắng lấy giọng, anh cất tiếng:

"... Anh biết đọc, lại biết viết

cái nghiên ở tay, cái bút ở tay

chọn người bạn đời chỉ mong chọn được người đẹp lứa.

Mùa đông dây leo không mọc chồi

mùa xuân dây leo mọc.

Dây mọc không có lối vươn, phải lách ra hốc cây,

và xin với em hãy nghe anh nói.

Con đường trẻ không lâu

con đường già, em ơi, mau tới

Ðời người như bóng râm ngả xuống bên đồi.

Ðời người không hết, quấn thành vòng như

sợi dây vặn, gỡ cũng không ra

Như tình ta

chết nhưng chẳng nát tan".

Cô gái trưa nay gặp hai chàng đều có lòng với mình. Cô ưa cả hai, không biết chọn lựa thế nào, bèn hẹn nhau ra góc chợ, để hai người hát tỏ tình, cứ người này hát thì người kia đệm nhạc cho. Cô phải chọn một trong hai. Người được chọn bắt cóc cô, vài hôm sau mang cô về trả lại gia đình và xin cưới theo phong tục người H'mong.

Ðã đến lúc phải quyết định, cô gái im lặng, đầu cúi gầm, tay vân vê bứt rứt. Một lát sau, cô nói câu gì nho nhỏ, quay mình đi. Anh thổi khèn lẳng lặng theo. Anh đánh đàn đứng trơ trơ, bóng anh đổ ngã sóng soài trên nền đất. Rồi anh ta đi về phía những bực đá dẫn lên chợ trên.

Marthe thì thào:

- Tránh ngay, đừng để anh ta thấy mình...

Ba người kéo nhau nấp vào sau một bức tường vôi. Lát sau, họ mới đi ra. André nhìn Marthe, cười:

- Chuyện tình ở đây thật đơn giản, tình địch đệm khèn đệm đàn cho nhau hát...

Marthe đáp, giọng bùi ngùi:

- Nhưng thất tình, ở đâu cũng khổ như nhau cả...

Ngẫm nghĩ, Hà liên tưởng đến những người gọi là văn minh hơn đã chém giết nhau để tranh cướp tình yêu ở bên Ðông cũng như bên Tây. Những thiên tình sử đầy máu và nước mắt vẫn tiếp tục làm những kẻ nhẹ dạ khóc vì cảm động. Họ quả khác hẳn hai thanh niên vùng núi này cùng chọn một cô gái, người nọ đệm đàn cho người kia hát, và rồi kẻ thất tình chỉ lẳng lặng bỏ đi. Như thế, người ở đây thực sự có phải là người thiếu văn minh không? Hà lắc đầu, kiếu cặp vợ chồng đồng hành, nhắm bóng kẻ thất tình đó chạy theo.

*

Thoáng thấy bóng Sa, Freddy nhảy ba bực thang một xuống. Vào phòng ăn, Freddy nhìn quanh tìm. Không thấy Sa, Freddy cất tiếng gọi. Mẹ Sa đi ra. Freddy bối rối gọi một chai nước ngọt. Không hiểu, mẹ Sa nói "uây, uây" rồi vào bếp. Một lát sau, Sa thò đầu ra hỏi. Bưng chai nước đến bàn Freddy ngồi, Sa tươi cười:

- Anh không đi chợ Tình?

- Không! Tôi đợi khách đi hết để có dịp nói chuyện với cô.

-???

- Cái điều kiện cô nói hôm nọ. Cô cho tôi biết... Tôi có linh cảm rằng cha tôi đang đợi dịp để nói với tôi...

Sa ngẫm nghĩ rồi lắc đầu. Freddy hốt hoảng:

- Cô đổi ý?

- Không!

- Thế sao cô không nói ngay đi.

Nhìn bức tranh có cây đa nơi đỉnh miếu, Sa chặc lưỡi, đáp nhỏ:

- Anh cứ lên phòng. Tôi còn việc thu xếp cho mẹ tôi đi ngủ... Khi xong, tôi sẽ nói với anh.

Sa quay vào bếp. Nghe tiếng thở dài của Freddy, Sa lại chặc lưỡi, thốt "... tội nghiệp!", nhưng khẽ nhếch mép mỉm cười.

Freddy lên phòng, đi đi lại lại. Bồn chồn, chàng mở hé cánh cửa, tai lắng nghe từng tiếng động ở tầng dưới khách sạn. Ban đầu, tiếng bát đĩa khua vào nhau lách cách. Rồi tiếng bàn ghế kéo lê trên sàn đá hoa nghe sột soạt. Tiếng Sa nói với mẹ và người giúp việc. Tiếng cửa mở, hẳn người giúp việc khách sạn ra về. Sau đó, im lặng. Freddy chờ, giả vờ ho cho to rồi dặng hắng. Vẫn không thấy Sa.

Một lát sau, nghe tiếng chân lên, Freddy vội vã ra. Sa vẫn tươi cười. Ðưa tay mời Sa vào, Freddy mừng rỡ, chỉ chiếc ghế:

- Mời cô!

Khi Sa đã ngồi xuống, Freddy mới thấy tấm áo hồng nhạt có những chấm tròn màu ngà Sa vừa thay. Sa vén cao mớ tóc mây, môi có thoa chút son, và bôi nước hoa vào gáy, mùi thơm thoang thoảng. Freddy hấp tấp:

- Ðiều kiện cô đặt để giúp tôi gọi hồn cha tôi về là thế nào?

Lơ đãng nhìn lên tường nơi có ghim những cánh bướm khô ướp phóc-môn, Sa hỏi:

- Anh chắc rằng những cánh bướm kia giữ được linh hồn người đã chết?

Nhìn Freddy gật đầu, Sa nói:

- Anh có biết họ chết thế nào không? Thời nào cũng vậy, họ chết đói, chết bệnh và chết già. Nhưng có thời, họ chết vì bom... Thời đó, cha anh đã bay trên bầu trời này...

Mặt sạm đi, Freddy đưa tay lên như phân bua. Không để Freddy nói, Sa tiếp:

- ... Cha tôi kể lại bảo, máy bay bỏ bom lúc đó tân tiến hơn thời thực dân Pháp. Nghe tiếng nổ, là chỗ khác bị, mình an toàn. Nghe tiếng o o, bom đang đi qua đầu mình và rơi vào nơi cách xa đến cả cây số, mình cũng an toàn. Nhưng nếu là tiếng rít, phải cẩn thận chui xuống hố cá nhân hay hầm trú. Phần lớn, những người chết bom không nghe thấy gì cả... Ðó là những người còn sống nói vậy!

Freddy lồng lên, nói như quát:

- Không, không... cha tôi không thả bom. Cha tôi chỉ thám thính. Thư nào ông cũng bảo tôi vậy, cô phải tin!

- Vâng, tôi tin... – Sa tiếp, giọng lạnh lùng – những người sống nói vậy cho đỡ sợ, vì họ chẳng kiểm soát được sinh mạng họ. Khi máy may tấn công, người Kinh đọc kinh Phật, kinh Chúa. Còn người H'mong, họ xin Vua Bàn và chư thần Năm Biển về phù hộ. Vì đến nay còn người sống, có nhẽ những lời cầu xin kia đều có tác động – Sa bật cười – và chư Phật, chư thánh thần cũng như chúa Giê Su ở một cõi nào đó đã nghe ra rồi rủ lòng thương... Anh cũng tin thế Chứ!

Nhìn Freddy bối rối gật đầu, Sa nghiêm trang:

- ... dĩ nhiên. Anh tin là có linh hồn mà! Chẳng hạn trong đám bướm ướp khô kia đang có những linh hồn chết vì bom Mỹ ném thời xưa. Bây giờ lại một người Mỹ khác đến đất nước này giam hãm những linh hồn đó trong cái vật chất khô héo phóc-môn, ghim lên tường, xếp thành những bộ sưu tập nằm trong lồng kính, bán có giá... – Sa ngước mắt – Anh nghĩ xem, thế thì...

Freddy vò đầu, kêu:

- ... tôi thực chưa nghĩ đến. Tôi bắt đầu chỉ có ý đi tìm một cánh bướm có linh hồn cha tôi thôi!

Sa ngắt lời, nhẹ nhàng:

- Ðể gọi hồn cha anh, điều kiện thứ nhất của tôi là anh phải giải phóng tất cả những linh hồn anh đang giam giữ trong những cánh bướm kia...

Tay chỉ quanh, Sa tiếp:

- Anh chôn chúng đi. Cái gì thuộc về cát bụi, trả chúng lại cho cát bụi, phải không anh?

Freddy ôm mặt, thờ thẫn:

- Ðược, được rồi! OK...

Ngước nhìn qua kẽ tay, Freddy nhập nhòa thấy những con bướm khô ghim trên tường chao đảo như chực cất cánh bay. Anh ta lại đưa tay ôm đầu, cúi xuống:

- OK! Tôi hiểu.

Hai người đều im lặng. Ở phòng ăn, chiếc đồng hồ cổ từ thời Pháp treo trên tường đủng đỉnh đánh mười tiếng chuông, tiếng ngân rền rĩ vẳng lên. Freddy đứng dậy bước đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Thình lình, Freddy hỏi:

- Ðược! Ðó là điều kiện thứ nhất... Còn điều kiện thứ hai?

Sa đáp:

- Tìm xác người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam hiện là một dịch vụ ra tiền. Ở Hà Nội, tôi nghe nói ai có dấu vết hay tin tức gì chính xác, họ có thể đặt giá đến mười nghìn, thậm chí hai mươi nghìn đô la. Gọi được hồn cha anh, là anh sẽ tìm ra xương cốt, anh biết thế chứ?

Quay lại nhìn Sa ngờ vực, Freddy thở dài:

- Tìm ra xương cốt? Không chắc... Tôi chỉ muốn hỏi cha tôi đôi điều...

Sa ngửng lên, nhẹ nhàng nhưng cương quyết:

- Anh đã khen tôi sáng hôm qua, bảo tôi là con bướm đẹp ở đất Sapa này. Bắt anh chôn bướm chết, tôi trao cho anh một con bướm sống cho công bình. Ðiều kiện thứ hai là anh làm giấy cưới tôi rồi xin cho tôi qua Mỹ...

Ngẩn người ra, Freddy hỏi, giọng gấp rút:

- Thế à? Thật không? Cô không đùa chứ...

- Tôi không đùa, nhưng chưa nói hết. Anh làm giấy cưới tôi, nhưng tôi có sẽ thực sự thành vợ anh không, điều này chỉ tôi mới quyết định. Và sẽ quyết định sau... Sa cúi xuống, dịu dàng – ta phải có thì giờ tìm hiểu nhau chứ.

Ngừng một lát, Sa tâm sự:

- Tôi muốn qua Mỹ vì tôi muốn đi học. Cha tôi bảo, bằng mọi giá, phải tạo điều kiện tốt nhất để đi học. Một dân tộc ngu dốt, thiếu kiến thức, không văn hóa sẽ không thể tồn tại lâu dài được. Tôi muốn làm cho cha tôi vui và hãnh diện...

Thình lình, Sa bật dậy, giọng đanh thép:

- Anh có nhận điều kiện này không? Nhận là nhận ngay, không thì thôi!

Nghe tiếng chân sột soạt lên thang gác, Sa giục:

- ... anh trả lời đi!

Luống cuống, Freddy vừa gật đầu, vừa nói vội:

- OK! OK!

*

Thấy thanh niên người H'mong xách đàn ghim bác vào một cái quán, Hà đi vội tới. Quán nay thưa khách, chỉ còn một người đàn bà đang ngồi ăn. Hà bước vào, ngồi xuống một góc bàn. Góc kia, anh thanh niên thất tình đẩy cây đàn vào một góc, tay vẫy chủ quán. Chủ quán hỏi. Anh ta móc tiền ra trao. Chủ quán nhìn Hà, cười cầu tài:

- Ông đợi em tí. Em ra ngay!

Trong khi chủ quán cúi xuống gầm quầy tìm chai rượu, người đàn bà ăn xong, lấy tay lau mồm, rồi tất tả đứng dậy đi ra, miệng nói với lại. Chủ quán không trả lời, tay xách chai rượu, tay mang một cái cốc ra đặt trước mặt anh thanh niên, nói bằng tiếng Kinh:

- Uống quá mà lăn ra ngủ là ông khiêng ra sân đấy!

Quay nhìn Hà, chủ quán giả lả:

- Ông uống gì ạ?

- Cho tôi một chai – tay chỉ chai rượu trên bàn, Hà tiếp – và có gì để nhắm thì càng tốt.

- Ấy, em có rượu ngoại. Cái rượu thổ ngơi này nó nặng, không ngon đâu!

- Ông cứ cho tôi chai ấy! Bao nhiêu tôi trả!

- Ấy, ông việc gì mà phải trả trước. Dân H'mong ở đây thì mới thế! Xưa em mới mở quán em không biết. Chúng nó uống xong lăn ra ngủ, tiền không có, chỉ còn biết gọi công an. Nhưng rút lại là vẫn mất không rượu...

Hà không đáp, rót rượu vào cốc, uống thử. Vị rượu đắng chát, trên chai có nhãn hiệu ghi là rượu táo. Nhìn anh thanh niên, Hà thấy anh ta nốc liền ba cốc, nét mặt buồn thiu, mắt cứ chằm chằm nhìn xuống đất. Hà đẩy chai rượu và đồ nhắm về phía anh ta, tay ra dấu mời. Anh ta cười đáp lại, rồi lại nốc thêm một cốc, và nói gì Hà không hiểu. Ngước nhìn chủ quán, Hà hỏi.

- À, nó bảo chiều nay chưa ăn gì, uống vào cồn cào quá!

Gọi thêm đồ nhắm, Hà bảo chủ quán mang lại cho anh thanh niên. Anh ta lại nói. Hà hỏi. Chủ quán đáp:

- Nó bảo muốn trả ơn, ông muốn nó làm gì?

Mỉm cười, Hà nhìn anh thanh niên, tay chỉ vào cây đàn. Anh ta đứng lên. Xách đàn mang lại đặt trước mặt Hà. Hà kêu:

- Không, không... tôi lấy làm gì. Tôi chỉ muốn anh ấy hát cho tôi nghe thôi.

Chủ quán lại nói. Anh thanh niên nhìn Hà cười gật đầu. Ăn ngấu nghiến, anh với chai rượu Hà mời, rót đầy cốc, rồi lại nốc vào, mặt đã đỏ bừng bừng. Ðứng dậy, anh ra ôm cây đàn, ngồi trước mặt Hà. Dạo lên một khúc, anh cất giọng:

" Thủa sớm đây khi tôi còn ẵm ngửa

ngón tay như hạt đậu non

Bố mẹ chết sớm khi tôi còn bé con

Không để lại chút gì

ngoài cuộn len, cuộn sợi

Tôi không có chỗ cất đi

nên đem giấu vào chân vách

Lớn lên, tôi mang ra xem

chuột chù đã kéo làm mười hai cái tổ

Một đời tôi, tôi chỉ biết cái khổ

lại không biết sinh biết hóa

để thành con bướm ngo ngoe dưới ruộng mạ

để thành con bướm thoát kiếp đổi đời...".

Anh thanh niên ngừng tay đàn, đưa lên quệt mắt, hai con mắt bắt đầu ướt, đỏ ngầu, nhìn vào khoảng không trước mặt đang trải ra rồi trũng xuống thành một vực sâu. Anh lại tiếp tục.

Thỉnh thoảng, anh ngừng hát, tay với chai rượu, tu ừng ực. Uống xong, anh lại cất tiếng, giọng ê a, nước mắt ở đâu nhỏ ra, chạy dài xuống má, xuống cằm. Giọng anh trầm xuống, uể oải dần, khuôn mặt đỡ nhăn nhúm, nét khổ đau dần dần doãi ra. Chủ quán đến cạnh Hà nhìn, buông thõng:

- Say rồi! Em đóng cửa đây. Giờ phải khiêng nó ra thôi!

Mặt úp lên bàn, anh thanh niên lảm nhảm rồi phì phò ngáy. Hà móc ví, hỏi:

- Ðể cho anh ta ngủ trong quán, ông tính xem bao nhiêu?

Chủ quán xua tay, đáp nhỏ, miệng lại hềnh hệch cười làm như hiền lành. Trao tiền cho chủ quán, Hà bước ra, nhìn lên trời cao. Những đám mây nhuộm bạc lững lờ trôi, thản nhiên không biết đến giấc ngủ một người mới thất tình, vừa hát lên những tiếng bi ai về thân phận mình. Lời hát vẳng xa nhưng làm sao thấu đến tai một người con gái nào đó, để nàng cảm động, và buổi chợ Tình tháng sau, nàng sẽ lẳng lặng đi theo chàng, kẻ đang ước mơ có thể đổi kiếp như bướm.

Về đến gần, khách sạn chỉ còn ánh đèn từ phòng của Freddy. Hà mở cửa, lách mình vào. Nghe thấy tiếng thì thào, Hà bước lên thang. Ngạc nhiên thấy Sa từ phòng Freddy đi ra, Hà khẽ nghiêng người chào. Sa vui vẻ:

- Buồn cười lắm, anh ạ!

Chữ anh Sa gọi Hà không còn ngượng nghịu như lần đầu nơi cuối dốc đỉnh Hàm Rồng. Ngay hôm sau, khi gập Hà nàng bảo: "... Sa gọi bằng anh vì ở đất nước này, cái quan hệ gia đình nó nặng quá. Lớn tuổi như cha thì gọi bằng chú bằng bác, tạo ra sự bất bình đẳng... Chẳng như những xã hội Âu Tây, cứ "toi" với "moi", "you" với "me". Hà cười "... lại là lời cha Sa chứ gì?". Dí dỏm, Sa gật đầu "... chứ còn gì nữa! Nếu không bằng lòng thì Sa lại gọi bằng chú!".

Sa ngước nhìn rồi nghiêng người để chỗ cho Hà bước lên thang, cười tinh quái:

- Buồn cười nhưng chẳng tin được!

Tò mò, Hà hỏi lại:

- Buồn cười làm sao?

Nắm lấy cánh tay Hà, Sa kéo đi, miệng thì thào:

- Freddy bảo muốn lấy Sa mang về Mỹ đấy! Anh biết Sa nói gì không?

-???

- Trước hết, phải chôn hết những con bướm ướp phoóc môn. Ðó là lễ chạm ngõ thôi. Sa vênh mặt, tiếp – Muốn bướm sống thì phải chôn bướm chết! Sau lễ chạm ngõ, Sa còn phải nghĩ đã, chuyện một đời ai dại mà nhẹ dạ?

Hà đứng lại, nhìn Sa, giọng có chút mai mỉa:

- Thế bao giờ chạm ngõ?

Sa khúc khích:

- Ngõ à! Ngay sau vườn khách sạn. Chỗ đó chôn bướm cực đẹp. Chạm ngõ, anh muốn thuộc nhà trai hay nhà gái?

Sa quay đi, chiếc cổ tròn lẳn hiện ra trắng bóc dưới giải tóc vấn cao lại đập vào mắt Hà khiêu khích. Nàng biến mất dưới chân cầu thang, nói với lại:

- Chỉ nội nhật một hai hôm nữa thôi!

*

Nhìn ánh trăng chênh chếch chiếu qua cửa sổ, Hà trằn trọc xoay mình, nằm nghĩ ngợi miên man. Giờ này là hai giờ trưa ở New York. Con gái chàng hẳn đã vào học. Còn Julia, chắc nàng vẫn sinh hoạt theo lệ, đang cặm cụi coi sổ sách kế toán cho công ty, thỉnh thoảng lại ngừng tay, miệng kêu: "Oh, my God!" khi hai cột số chênh nhau. Hầu như quên hẳn vợ con, Hà ngạc nhiên không hiểu tại sao vào đúng đêm nay, một đêm trăng tròn, hình ảnh họ lại quay về tâm tưởng chàng, nhưng xa vắng như những bóng ma ẩn hiện. Lẩm nhẩm "Tứ thập nhi bất hoặc", chàng chua xót mỉm cười. Không, vừa chẵn tuổi bốn mươi, lại đúng là lúc chàng rơi vào những câu hỏi nói ra thì có vẻ ngờ nghệch. Nhưng với chàng, chúng là cái động cơ đẩy chàng về thăm đất nước, mặc dầu kẻ thân người thuộc nay chẳng còn ai ở đây. Mặc dầu chàng là một thứ dân di trú thành công, nhà mua ở Long Island, và qua tay quản lý hàng chục hàng trăm triệu đô la. Mặc dầu Julia, không đẹp nhưng không xấu, làm vợ chàng với cái cố gắng hơn sự cố gắng bình thường của một người đàn bà Mỹ lấy chồng cùng chủng tộc. Mặc dầu con gái chàng năm ngoái vào Nhà Trắng, được tuyên dương là một trong số những đứa trẻ thế hệ đầu đẻ ở Mỹ xuất sắc nhất. Mặc dầu khi đến đất Mỹ, chàng mới mười bảy tuổi đầu, học và lớn lên ở Boston, bạn bè phần đông không phải là người cùng gốc gác.

Hà bảo Julia "... Anh mất ngủ!". Mỗi đêm làm tình, Julia làm anh rã rời, âu yếm: "... thế để cho anh ngủ ngon!". Nhưng hôm Hà bảo: "... ngủ chỉ chợp đi nửa tiếng. Ðến phút thứ ba mươi mốt, lại giật mình tỉnh dậy, hỏi mình là ai? Ðang làm chi? Sống như thế có ý nghĩa gì?", thì Julia trầm ngâm: "... chắc anh nên đi hỏi bác sĩ, tuổi bốn mươi dễ bị khủng hoảng". Hà trì hoãn, nhưng cứ loay hoay, công việc trở thành một thứ hình phạt. Xin nghỉ một thời gian, Hà nói với Julia: "... hay là anh về Việt Nam. May ra câu hỏi mình là ai có giải đáp".

Về đến Sài Gòn, vài ngày sau, Hà tự nhủ: "Mình không là họ cho dẫu đồng chủng. Mình không sống như thế, cũng không suy nghĩ như thế. Họ nay chỉ hùng hục tìm tiền, nhưng tiền lại là cái mình thừa thãi". Nhưng mình là ai? Phải làm sao khai mở phần trí nhớ sâu thẳm như phần ẩn của bộ nhớ thứ máy vi tính không hiểu sao lạc mất cái mật mã để trả lời câu hỏi mình là ai! Ra Hà Nội, chàng thả bộ đi tìm. Tìm mãi. Rồi chàng lên Sapa. Chàng vẫn tìm. Phải chăng cái mật mã đó là một mùi hương, một âm thanh, một mầu da trời hay một bài hát tỏ tình ở góc chợ. Mùi hương của Sa? Không, đó là mùi nước hoa. Âm thanh của một tiếng cồng? Có lẽ, nhưng chàng chưa nghe thấy! Hay một mầu da trời? Có phải có bầu trời trong bức tranh "Cây đa nơi đỉnh miếu"? Không. Chàng ngắm cây đa gốc bị sâu đục, thương cái miếu đổ, nhưng vẫn chưa biết mình là ai? Hay là cái ngấn cổ Sa trắng nõn nà và mái tóc mây huyền vén cao. Chàng ngẫm nghĩ. Chàng biết chàng muốn hôn lên lớp da trắng mịn màng ấy, vuốt ve những sợi lông măng ánh sắc nâu ấy. Nhưng lại chỉ thế. Chỉ có thế. Ðó là dục vọng. Câu chàng hỏi mình là ai rộng hơn. Là phải có đã, rồi mới có, dục vọng, thèm muốn, thậm chí say mê.

Hà nhắm mắt lại, tai lại loáng thoáng nghe có tiếng chân phòng bên, rồi tiếng lục đục đi lên đi xuống dưới cầu thang. Bực bội, Hà vùng dậy, với cái tẩu nhồi thuốc rồi châm lửa. Giọng Sa xì xào to nhỏ. Tiếng dặng hắng của Freddy. Hà nhỏm người, mở hé cánh cửa nhìn ra hành lang, lòng phập phồng. Trong bóng tối, Hà cảm thấy tự nhiên mất mát một điều gì đó. Ta ghen ư? Chàng tự hỏi. Ơ kìa, quyền gì mà ghen? Thậm chí, muốn gì đây? Muốn gì mà ghen? Hành động lén lút nhìn khiến Hà xấu hổ. Chàng khép cửa lại, ra đứng dựa bên cửa sổ.

Trăng lúc đó đang bắt đầu tàn, nhợt nhạt như vớt dưới nước lên. Bầu trời vẫn sương trắng, mờ mở tỏ tỏ, thỉnh thoảng lại xạc xào một cánh chim đêm bay ngang. Trên những tàn cây, ánh trăng điểm vào những mảng sáng lấp loáng chao đảo múa theo gió từng chập thổi về. Bất chợt, một tiếng sáo ngang bay lên. Tiếng sáo khi bổng, khi trầm, lúc oán thán, lúc giận dữ. Nhìn xuống góc vườn, Freddy ngồi trên một tảng đá, mặt khuất trong bóng cây, chỉ thấy lấp lánh mầu kim loại của cây sáo để ngang miệng. Bên cạnh tảng đá là một cái lỗ rộng, trước có cắm ba cây nhang, hai bên là hai cây nến, lửa thỉnh thoảng lại ngả xuống chừng như sắp tắt mỗi khi gió mạnh. Sa đứng bên Freddy, mặt nghiêm trang, môi mím chặt. Nàng mặc quần trắng, áo trắng, tóc xổ dài bay theo gió. Dưới ánh trăng, Sa mang hình ảnh liêu trai của một con hồ bỗng chốc hóa thành giai nhân tuyệt sắc, nhưng màu da nhợt nhạt sinh khí khiến người đứng ngắm phải rùng mình.

Freddy tiếp tục thổi, sáo nay rền rĩ một khúc đưa tiễn nức nở những thanh âm vĩnh biệt chốn nhân gian. Sa rút ba cây nhang, cặp vào hai bàn tay, đưa lên vái. Ba chấm lửa cứ trồi lên rồi lại hụp xuống đúng năm lần. Sa khấn: "... sống khôn, chết thiêng. Nay xin hồn rời những cánh bướm khô ướp bằng phóc-môn, về nơi cực lạc... Nam mô Quan Thế Âm bồ tát...".

Một đám mây đen ở đâu kéo lại che mặt trăng trên cao. Hà không thấy rõ mặt Sa nữa. Ðã đến lúc hóa vàng. Lửa bùng lên trên những mảnh giấy vàng giấy bạc quăn queo vặn mình biến ra tro than. Tiếng sáo của Freddy tức tưởi, rồi nhỏ đi, và im hẳn.

Hóa vàng rồi là xong lễ chạm ngõ.

Sáng hôm sau, Hà ra vườn. Trên tảng đá, Sa lấy sơn đỏ viết vào hai chữ "Mộ Bướm".

N.D.