Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Nghĩ về việc “nghĩ về” và nói nhanh chuyện “nói cho nhanh”

Thu Phong


Tôi tình cờ đọc được trên Bauxite Việt Nam các bài viết của một vài tác giả “Xung quanh hai lá thư giữa Hữu Thỉnh và Phan Nhật Nam” trong đó có hai bài với tựa “Nghĩ về lá thư của nhà thơ Hữu Thỉnh và thư trả lời của nhà văn Phan Nhật Nam” của nhà văn Nguyễn Trọng Tạo và “Nhà văn và câu chuyện hoà giải dân tộc” của ông Lưu Trọng Văn.

Tôi xin được nêu lên một số ý “nghĩ về” bài viết của ông Nguyễn Trọng Tạo và “nói nhanh” về bài viết của ông Lưu Trọng Văn:

Ông Tạo viết: “Tôi cho rằng, hệ thống chính trị/thể chế đã quá lạc hậu với thời cuộc và lương tâm dân tộc sau thống nhất, nhưng việc đó không chỉ do hệ thống, mà chính lòng tự ái hay tự trọng quá lớn của bên thắng bên thua sau cuộc chiến...

Tôi nghĩ “hệ thống chính trị/thể chế đã quá lạc hậu” là do những người đặt ra và vận hành hệ thống/thể chế ấy chứ không do tự ái hay tự trọng của bên thắng hay bên thua.

Ông Tạo viết: “Nhưng nếu tất cả các nhà văn hai phía (quá khứ) đều không mời nhau, không bắt tay nhau, thì đó là sự kéo lùi tương lai về hiện tại, thậm chí về quá khứ.

Vấn đề là Hội Nhà văn mà ông Hữu Thỉnh là Chủ tịch có đại diện cho nhà văn Việt Nam trong nước? Đã có khá nhiều nhà văn rút ra khỏi Hội nhà văn Việt Nam và lập “Văn đoàn Độc lập” và theo thiển ý, các nhà văn trong Văn đoàn Độc lập xứng đáng đại diện cho các nhà văn “phía trong nước” hơn.

Ông Tạo viết: “Đã có 11 phi công Mỹ ném bom Việt Nam đã tới Việt Nam gặp gỡ giao lưu đầy thiện chí; và ngược lại, 11 phi công Việt Nam đã tới Mỹ trong sự chào mừng hoan hỉ. Họ nói, ngày xưa tìm cách tấn công nhau trên bầu trời, còn giờ đây là những cái bắt tay thân thiện và khâm phục. Chả lẽ các nhà văn lại từ chối nhìn mặt nhau. Thật xấu hổ với những giặc lái đã trở thành bè bạn.

Chẳng lẽ ông Tạo không biết 11 phi công Việt Nam và 11 phi công Mỹ bắt tay nhau vì Hoa Kỳ và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ; còn nhà văn trong Hội Nhà văn Việt Nam và người Việt tỵ nạn nói chung, các nhà văn Việt Nam hải ngoại nói riêng chưa “bình thường hóa”?

Ông Tạo viết: “Ngày xưa, chúng ta đã xẻ chiến hào trên chiến trường, trong văn học, giờ đây lại đào thêm hố sâu ngăn cách giữa các nhà văn, thì còn là nhà văn nữa hay không?

Nhà văn hai miền trong chiến tranh bị ngăn cách bời hố sâu. Chiến tranh chấm dứt đáng lẽ hố sâu ấy được lấp đi, ngược lại hố sâu ấy lại sâu thêm. Tôi không cho rằng khi từ chối lời mời của ông Hữu Thỉnh, nhà văn Phan Nhật Nam đào thêm hố sâu ngăn cách. Chính nhà cầm quyền phía thắng trận đã đào thêm hố sâu ấy khi bắt bớ, đày ải rất nhiều nhà văn phía thua trận.

Tôi không hiểu tại sao một nhà văn từ chối lời mời gặp mặt lại không còn là nhà văn? Ông Tạo nghĩ thế do ông có định nghĩa riêng về nhà văn chăng?

Ông Tạo viết: “Vì thế, tôi không thích lá thư của nhà văn Phan Nhật Nam, dù anh đòi hỏi nhiều điều mà theo tôi, tất cả các nhà văn chúng ta cần phải làm chứ không chỉ hệ thống chính trị/thể chế hiện thời

Thật tốt nếu ông Nguyễn Trọng Tạo đã “hòa giải” với thương binh, tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa; nhưng quan trọng nhất là hệ thống chính trị/thể chế hiện thời chứ sao lại “tất cả các nhà văn chúng ta phải làm” (trong đó có nhà văn Phan Nhật Nam). Nhà văn Phan Nhật Nam sao lại hòa giải với thương binh tử sĩ VNCH và người trong nước?

Ông Tạo viết: “Tôi tôn trọng ý kiến anh Nam, nhưng tôi không nhất trí với anh. Tôi chỉ nhất trí một điều, anh về hay không về, đó là quyền của riêng anh.

Ông Tạo chỉ nhất trí điều ấy có nghĩa là không nhất trí gì hết! Chẳng lẽ ông Thỉnh lại cho mật vụ đến bắt nhà văn Phan Nhật Nam về rồi bảo ông tự nguyện về?

Trong bài viết thứ hai có tựa “Nhà văn người Việt ơi” ông Tạo viết: “Nhà văn còn hận thù nhau, thì dân tộc mãi chia rẽ và hận thù. Bởi vì tất cả văn chương trên thế gian này đều hướng về Chân Thiện Mỹ, Vậy sao chúng ta, NHỮNG NHÀ VĂN, không vì Chân Thiện Mỹ mà đến với nhau?...”.

Tôi nghĩ nhà văn Phan Nhật Nam không thù hận nhà văn Hữu Thỉnh. Tôi nghĩ ông Tạo biết rõ nhà văn không hề thù hận nhau.

***

Ông Lưu Trọng Văn “nói cho nhanh”: “Vấn đề của một người như nhà văn Phan Nhật Nam từng trải, đau đời, yêu nước chịu cảnh tha hương không hề là chuyện thù hận cá nhân cái chính thể mà bác Thỉnh đại diện cho nhánh văn chương. Nếu vậy, bác Nam quá nhỏ nhặt, tầm thường.

Tôi không nghĩ như thế. Mà nếu nhà văn Phan Nhật Nam có “thù hận” cá nhân (?) cái chính thể mà bác Thỉnh đại diện cho nhánh văn chương, ông ấy cũng không hề nhỏ nhặt, tầm thường. Khi “thù hận” chủ nghĩa Cộng sản, cộng đồng Châu Âu không hề nhỏ nhặt, tầm thường.

Ông Lưu Trọng Văn “nói cho nhanh”: “Tuy vậy bác Phan Nhật Nam kính mến à, nếu bác từ chối về thăm Tổ quốc và đồng bào của mình, với gã, lại là câu chuyện khác đấy nhá. Một nhà văn không cho phép mình đánh đồng thể chế mình không ưa với Tổ quốc của mình. Một nhà văn không cho phép mình đánh đồng những nhà cai trị mình ghét với đồng bào của mình. Phạm Duy lớn chính ở điều ấy.

Ông Văn có hồ đồ không, chính nhà nước đã đánh đồng thể chế với tổ quốc chứ nhà văn Phan Nhật Nam đánh đồng bao giờ?

Mỗi người có lý lẽ của mình khi về hay không về. Nhạc sĩ Phạm Duy nói ông không chống Cộng, ông chỉ chống gậy thì ông về (lời phát biểu ấy nhắm phản ứng lại sự chỉ trích của những người chống Cộng hải ngoại, có thể là bộc phát. Và về cũng là để chết trên quê hương?).

Ông Lưu Trọng Văn viết “Và gã được biết năm 2007 bác [Phan Nhật Nam] cũng đã âm thầm về Việt Nam đi thăm quê, gặp gỡ những văn nhân, bạn bè mà bác quý mến.

Về thăm quê gặp gỡ những văn nhân, bạn bè mà “bác” Nam quý mến là tốt phải không ạ, còn về gặp ông Hữu Thỉnh là chuyện khác, “bác” Lưu Trọng Văn không thấy sao?

Tôi tán thành ý cuối cùng của ông Lưu Trọng Văn: “Quốc gia, dân tộc hơn bao giờ hết cần những tác phẩm hay làm rạng rỡ cho người Việt, và đó là những giá trị đích thực nhất mà nhà văn cống hiến cho quốc gia, dân tộc của mình. Vâng, ở góc nhìn đó thì sự tha hương hay sống trên quê hương chỉ là chọn lựa của nhà văn mà thôi, vì nó không hề ảnh hưởng đến sự vĩ đại của nhà văn có cống hiến như thế cho quốc gia dân tộc.

Và tôi xin bày tỏ thêm: “Tuy nhiên, nhà văn luôn luôn muốn sống trên quê hương mình”.

Nhưng đó là chuyện khác.