Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Lưu Công Nhân 2001 – Giữa hai địa chấn xây dựng và phá phách

Trần Đĩnh


“Nhân nó sắp đến mình, nó bảo phải có thằng Trần Đĩnh”. Trần Lưu Hậu gọi. Tôi đến ngay. Lúc này Hậu ở một mình gần chợ Thành Công (?), chân đê La Thành, đoạn giữa Cầu Giấy và mộ Francis Garnier, cách khách sạn Heritage mới mở chừng trăm mét. Hậu và tôi nói với nhau chưa mấy câu thì Lưu Công Nhân vào – Hậu đã mở sẵn cửa. Hậu và tôi đều im lặng.

Lưu Công Nhân đứng kia! Một ra mắt, một xuất đầu lộ diện, một mở màn khánh thành… Lưu Công Nhân, anh bạn quen thuộc của chúng tôi mà mới lạ khác thường. Rồi Nhân lẩy bẩy xê xê dịch dịch, kín đáo dò la thám thính mặt đất đi đến hai chúng tôi. Hay vẽ phác một nét gì? Cây gậy trong tay làm vai trò cái gạch dưới nhấn mạnh cho một cảnh ngộ bằng chữ nghiêng italique.

Trong giây lát, qua cái cười nhiều nghĩa của Nhân – buồn, tủi, hận, ngượng, thanh minh, lép vế phân trần – tôi vụt thấy ở Nhân một nhân vật bi tráng kịch sử thi Hy Lạp cổ và cả chất rách nát, tiều tụy, dưới đáy của nhân vật kịch Samuel Beckett. Nhân vật Nhân này trình hai khuôn mặt: đau khổ và thách thức. Hai cực đối chọi, giành giật nhau. Không ngừng.

Nhưng chính nét nhị nguyên này chợt lại cho tôi nhận thêm ra ở Nhân kia một gã trọng tài. Hắn được mời đến phân giải cho cặp nhân vật đối chọi nhau ngoan cố, lì lợm và ti tiện nữa – nào có chịu nhường nhau chỉ một li – cụ thể là anh họa sĩ gặp bất hạnh và số phận trớ trêu. Hai đối thủ này – lòng ham sống, ham vẽ và căn bệnh Parkinson đểu cáng (đểu vì khi Nhân xúc động, nguồn cơn khiến Nhân vẽ thì từ nay nó, xúc động ấy, cũng lại là nguồn cơn của những run rẩy), chúng tham chiến ở ngay tại bãi chiến trường là thân xác Nhân. Tôi thoáng cáu: Sao gã trọng tài không bắt hai bên ra chỗ khác đánh nhau chứ! Nhưng tôi lặng người nhìn cái vũ điệu lật bật của hai bàn tay, của cả người… Và kìa, của cả hai môi Nhân, chúng đang múa miêu tả hai cánh hoa héo úa mong manh là cái cười nhòa hết kích thước nữa của Nhân.

Từ nay chung sống ở Nhân hai địa chấn, một xây dựng, một phá phách và đau thay, chúng đều là con đẻ của xúc động. Xúc động của chính Lưu Công Nhân. Nhưng bây giờ ở Nhân, xúc động đã thành một quái tượng hai đầu: một cô gái đẹp và một quỷ dữ. Ngồi chưa đôi hồi, Nhân đã lại chật vật cố bật đứng lên và dò dẫm đi quanh. Nhân chạy trốn tảng băng lớn đang muốn ướp cứng tứ chi Nhân lại. Nhân lò dò như bơ vơ tìm một cái gì ở ngay trước mặt Hậu và tôi. Và tôi chợt được xem tận mắt các tượng đi vật vờ, đi miên man, đi vô định của Giacometti.

Khác một cái. Pho tượng Lưu Công Nhân có mặt với những đường nét rõ ràng. Hơn nữa có nụ cười. Nó nghịch. Nó hợm. Nó ghẹo cợt chính cái bộ mặt đang làm địa bàn cho nó trình diễn ở trên. Ô, gã trọng tài này không fair play. Gã vừa nháy mắt đồng ý với tôi rằng gã thiên vị đấy. Gã đã ngầm giúp anh họa sĩ gặp rủi ro này thắng cơn nạn éo le. Xúc động ở Nhân có hai cái đầu thì gã sẽ cho một cái thắng – VẼ đánh ngã LIỆT RUNG.

Qua cái cười láu cá này tôi cũng nhận ra động lực sâu xa, có thể nói động lực ban đầu của sáng tạo: người nghệ sĩ làm ra sản vật đẹp trước hết chính là hắn muốn đẩy lùi cái bất hạnh, cái đau khổ hắn phát giác ra ở hắn, ở tôi, ở xung quanh, ở đời... Đẩy lùi bằng cách cho cái đẹp hiện ra. Nào, nhìn nó đi. Ngắm nó đi và cố đẹp được như nó!

Đến xưởng vẽ 209 B Nguyễn Văn Thủ một chiều mưa tháng 10, tôi đã rất mừng, rất vui. Mà thôi, hãy trung thực mà nói, rất phục nữa. Phục cái kiên cường nằm phục trong cái hình dạng vụng dại vừa non nớt trẻ thơ vừa già dặn rất gần với chữ bại này. Chữ bại trong bại liệt, thất bại, bại hoại.

Chiều mưa ấy tôi đã xem hàng chục chân dung đàn bà, con gái thảy đều mê hoặc thăm thẳm như đi hết chiều dài sử nhân loại. Rồi cũng hàng chục các tranh nuy khỏa thân – các đường cong quen thuộc mà lại như đang dẫn ta vào chốn mê cung lần đầu ta dấn bước vào. Chợt hiểu vì sao Picasso nói tôi không đi đâu cả vì có một con đường cong hiện tôi vẫn chưa thể đi hết được nó. Rồi các tĩnh vật mà hồn của chúng cứ rủ tôi cùng lẻn vào cùng chung chủ quyền toan với chúng... Rồi cả một composition lớn khiến tôi ngơ ngẩn, bồi hồi với màu xanh xám của rêu bạc, rêu nước, rêu mốc meo, rêu hóa thạch, cái màu rêu đưa tôi về thời hồng hoang chưa có chuẩn, chưa có mực thước mà chỉ có cái hỗn độn, vụng dại... và thơm mùi hoang vắng nó chuyên dành cho sự hưởng thụ sạch...

Anh họa sĩ này vẫn run rẩy, lò dò đi tiếp – xem vẻ còn hung bạo nữa – con đường tranh anh ta đi đã mấy chục năm rồi.

Nhân tự nhiên đứng lên. Vất vả nhưng trịnh trọng. Chầm chập đi quanh phòng khách và tôi. Chầm chập, xê chúi về trước như một bóng chiều tà. Và anh ta thình lình dừng lại, quay nhìn tôi cười: - “Xin lỗi, cho mình... động đậy một ít... Gặp nhau xúc động, lại phá đám, đấy, người cứ run bắn lên”.

Không! Các tranh Periode Parkinsoniene, Thời kỳ Lïệt Rung vẫn đầy cốt cách rung động cố hĩ của Nhân. Tôi thầm quý trọng gã trọng tài mà có lúc tôi ngờ hắn thiên vị lòng nhân từ, bất cần mỹ học. Gã đang bảo tôi lúc này: “Xem, làm gì có bệnh với tật, làm gì có liệt nhá!”.

Tranh vẫn trìu mến, đằm thắm lắm. Vẫn chứa chan khát vọng lắm. Nhân hôm nào bảo tôi: - Lúc ở Đà Lạt, sáng sớm tớ thường vẫn chống gậy đi bộ ra đường... Đến một chỗ cua vào vườn hoa... tên gì nhỉ... quên rồi, hơi hơi xuống dốc thì gậy tớ chống hơi rối, lộc cộc khua váng lên... Và thế nào cũng có một cô gái ở sau gốc cây sao rất to ló ra. Mù, nét đẹp, chừng hai mươi. Nghề ư? Đứng đường, khách gọi thì đi.... - “Cháu chào bác..., nghe bác thấy vẫn vững vàng bác ạ...”. - “Chào cháu... nhìn cháu vẫn đẹp lắm”. Mình và cô gái ôm nhau một lúc. Cô ấy hít hơi mình. Còn mình thì run bắn và nói khẽ vào tai cô gái: - “Cháu đẹp và tốt – thương bác thế cơ mà – nên bác xúc động run bắn cả sang người cháu...”. - “Cháu thích được run bắn lên như thế... Cháu chai lì đi mất rồi bác ơi...”. Tôi ngẩn ra. Cô gái bán hoa khác anh chàng bán tranh ở chỗ một bên chai lì đi và một bên vẫn còn run rẩy…

Albert Camus nói: “Sáng tạo cao quý ở chỗ chống lại áp bức tức là thuận lòng với cô độc. Nghệ thuật là biểu hiện cao nhất của phản loạn. Lưu Công Nhân bây giờ phản loạn kép! Một với cái xấu anh muốn dùng hội họa xóa bỏ. Một với căn bệnh liệt rung nó toan áp bức anh, bắt anh buông cây cọ. May sao anh trọng tài trong Lưu Công Nhân gã lại thiên vị. Này, Nhân... Chúng mình công kênh cha này lên đi nhỉ... Tớ thèm có một trọng tài bênh tớ để tớ có thể cô đơn bền bỉ cầm bút chống áp bức...

10-2001

(Lưu Công Nhân đọc bài này và đùa bảo tôi: - “Mày viết hay hơn tao vẽ. Tao có lẽ phải học viết...”.