Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Lời giới thiệu sách “Chống chuyên chế…”

Nguyễn Quang A

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ ba mươi lăm* của tủ sách SOS2, cuốn Chống Chuyên chế - Xây và Củng cố Dân chủ – Hai mươi bài học của Thế kỷ thứ Hai mươi (On Tyranny – twenty lessons from twentieth century) của Timothy Snyder (Tim Duggan Books, 2017). Đây là một cuốn sách vô cùng quan trọng. Tại Mỹ có nhiều người coi nó là quan trọng nhất chỉ sau Hiến pháp Hoa Kỳ.

Giáo sư Timothy Snyder tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, là chuyên gia nghiên cứu về chế độ chuyên chế, đặc biệt ở đông trung Âu. Cuốn sách mỏng Về Chính thể Chuyên chế (On Tyranny) có xuất xứ từ một note dài của ông trên Facebook được lan truyền nhanh chóng, rồi được ông viết thành cuốn sách mỏng này trong mấy ngày vào tháng 12-2016, nhưng chỉ được xuất bản sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, vào tháng Ba, 2017. Đến tháng 5-2017 nó đã trở thành cuốn bán chạy nhất ở Mỹ.

Cuốn sách này là một tuyên ngôn, nêu ra 20 việc mà người dân (nhất là dân Mỹ và Tây Âu) có thể làm để bảo vệ và củng cố nền dân chủ, chống lại xu hướng độc đoán hoá đang xảy ra ở nhiều nước tây Âu và Mỹ, dựa trên những bài học của châu Âu, nhất là đông-trung Âu trong thế kỷ thứ hai mươi. Những người Âu châu khi đó đã phải chống lại chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và họ có thể dạy người dân ở các nền dân chủ (trong đó có bản thân họ ở những nước dân chủ bị thụt lùi) ngày nay làm thế nào để chống chuyên chế. Chính vì vậy các bài học này cũng rất bổ ích cho người dân ở các nước dưới chế độ chuyên chế đang đấu tranh cho dân chủ, như ở Việt Nam chẳng hạn. Vì lý do đó bản dịch tiếng Việt lấy tiêu đề “Chống Chuyên chế” và thêm tiêu đề phụ “Xây và Củng cố Dân chủ” cùng với tiêu đề phụ “hai mươi bài học từ thế kỷ thứ hai mươi” của nguyên bản.

Cuốn sách đưa ra một cẩm nang ngắn gọn về 20 việc có thể làm, cần làm và phải làm trong cuộc đấu tranh liên tục này. Bạn đọc chắc sẽ không ngạc nhiên nếu thấy các nguyên tắc hoạt động của xã hội dân sự Việt Nam được nêu ra năm 2013, chính xác là chín nguyên tắc hoạt động của Diễn Đàn Xã hội Dân sự, khá tương đồng với nhiều trong số 20 bài học của cuốn sách này, vì chúng có những cơ sở từ kinh nghiệm đấu tranh chống chuyên chế và xây dựng dân chủ ở đông Âu và các nơi khác.

Khi xem xét, và nhất là ứng dụng các bài học của Timothy Snyder, chúng ta phải lưu ý đến bối cảnh thực tế. Có những bài học (cho người Mỹ) chúng ta có thể áp dụng được ngay (như hầu hết các bài học), nhưng cũng có bài học phải áp dụng khác đi cho phù hợp. Thí dụ, bài học số 2 dưới đây, vì chúng ta chưa có các định chế như vậy, hay chỉ có các định chế hão, nên việc bảo vệ các định chế hiện hành là không thể, mà phải cải biến thành: đấu tranh để xây dựng các định chế dân chủ, hay biến các định chế hão, như bầu cử hay các quy định về các quyền con người, tự do báo chí, tự do lập hội trong Hiến pháp chẳng hạn, thành các định chế thật bằng cách “thực thi dân quyền”, “quyền ta ta cứ làm”, vân vân. Cũng không khó để thiết lập các mối quan hệ của các chủ trương, nguyên tắc hoạt động đã và đang hình thành trong các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam với các bài học dưới đây của Timothy Snyder vốn được viết cho người dân Mỹ. Hai mươi bài học (lời răn) đó là:

1) Đừng tuân thủ trước. Hầu hết quyền lực của chủ nghĩa độc đoán đều được cho không. Trong thời như thế này, các cá nhân nghĩ trước về một chính phủ áp bức hơn sẽ muốn gì, và sau đó tự tuân theo mà không cần phải được yêu cầu. Một công dân chấp nhận theo cách này đang dạy cho kẻ nắm quyền lực cái nó có thể làm.

2) Hãy bảo vệ các định chế. Chính các định chế là cái giúp chúng ta giữ gìn sự tử tế. Chúng cũng cần sự giúp đỡ của chúng ta. Đừng nói về “các định chế của chúng ta” trừ phi bạn biến chúng thành của mình bằng hành động nhân danh chúng. Các định chế không tự bảo vệ mình. Chúng sụp đổ cái này sau cái khác trừ phi mỗi định chế được bảo vệ từ ban đầu. Cho nên hãy chọn một định chế bạn chăm lo đến—một toà án, một tờ báo, một luật, một nghiệp đoàn—và đứng cạnh nó.

3) Hãy đề phòng nhà nước độc đảng. Các đảng làm lại các nhà nước và đàn áp các đối thủ đã không có quyền tuyệt đối từ lúc bắt đầu. Chúng đã lợi dụng một thời khắc lịch sử để làm cho đời sống chính trị là không thể đối với các đối thủ của chúng. Cho nên hãy ủng hộ hệ thống đa đảng và bảo vệ các cuộc bầu cử dân chủ. Hãy bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia khi bạn có thể. Hãy xem xét việc ra ứng cử.

4) Hãy nhận trách nhiệm vì thể diện của thế giới. Các biểu tượng của hôm nay làm cho thực tế của ngày mai là có thể. Hãy để ý đến các hình chữ thập ngoặc và các dấu hiệu khác của sự hận thù. Đừng quay mặt đi, và đừng dần quen với chúng. Bản thân bạn hãy loại bỏ chúng và làm một tấm gương cho những người khác noi theo.

5) Hãy nhớ đạo đức nghề nghiệp. Khi các nhà lãnh đạo chính trị nêu một tấm gương xấu, các cam kết nghề nghiệp đối với sự hành nghề đúng đắn trở nên quan trọng hơn. Là khó để lật đổ một nhà nước pháp quyền (rule-of-law state) mà không có các luật sư, hay để tổ chức các phiên toà dàn dựng mà không có các thẩm phán. Các nhà độc đoán cần các công chức ngoan ngoãn, và các giám đốc trại tập trung tìm kiếm các nhà kinh doanh quan tâm đến lao động rẻ.

6) Hãy coi chừng các lực lượng bán quân sự. Khi những người với súng, mà luôn cho rằng chống lại hệ thống, bắt đầu mang đồng phục và diễu hành với đuốc và các bức ảnh của một lãnh tụ, sự kết liễu ở gần. Khi lực lượng bán quân sự ủng hộ lãnh tụ và cảnh sát chính thống và quân đội trà trộn, sự kết liễu đã đến.

7) Hãy suy ngẫm nếu bạn phải vũ trang. Nếu bạn mang một vũ khí khi làm công vụ, có thể Chúa ban phước và phù hộ cho bạn. Nhưng hãy biết rằng những cái xấu của quá khứ dính líu đến cảnh sát và binh lính, một ngày nào đó, thấy mình làm những việc không theo quy tắc. Hãy sẵn sàng nói không.

8) Hãy chống lại (hặc hãy nổi trội). Một số người phải chống lại (hay nổi trội). Là dễ để đi theo. Có thể cảm thấy lạ để làm vậy hay nói cái gì đó khác. Nhưng không có sự khó chịu đó, không có quyền tự do nào. Hãy nhớ đến cô Rosa Parks. Thời khắc bạn nêu một tấm gương, câu thần chú của hiện trạng (status quo) bị gãy, và những người khác sẽ theo.

9) Hãy tử tế với ngôn ngữ. Tránh nói các cụm từ mọi người khác nói. Hãy nghĩ ra cách nói của riêng bạn, cho dù chỉ để truyền đạt cái thứ bạn nghĩ mọi người đang nói. Hãy cố tách bản thân mình khỏi internet. Hãy đọc sách.

10) Hãy tin vào sự thật. Từ bỏ sự thực là từ bỏ tự do. Nếu không có gì đúng, thì không ai có thể phê phán chính quyền, bởi vì không có cơ sở nào để làm vậy. Nếu không có gì đúng, thì tất cả đều là cảnh tượng. Ví tiền lớn nhất chi trả cho ánh sáng gây đui mù nhất.

11) Hãy điều tra nghiên cứu. Hãy tìm hiểu các thứ cho bản thân bạn. Hãy dùng nhiều thời gian hơn với các bài báo dài. Hãy trợ cấp nghề làm báo điều tra bằng đặt mua báo in. Hãy nhận ra rằng một số thứ trên internet là để làm hại bạn. Hãy tìm hiểu về các site điều tra các chiến dịch tuyên truyền (một số đến từ nước ngoài). Hãy nhận trách nhiệm vì những gì bạn chia sẻ với những người khác.

12) Hãy giao tiếp bằng mắt và trò chuyện một chút. Đây không chỉ là phép lịch sự. Nó là phần của việc là một công dân và một thành viên có trách nhiệm của xã hội. Nó cũng là một cách để tiếp xúc với những người xung quanh mình, phá vỡ các rào cản xã hội, và hiểu ai bạn nên và không nên tin cậy. Nếu chúng ta bước vào một văn hoá tố cáo, bạn sẽ muốn biết phong cảnh tâm lý của cuộc sống hàng ngày của bạn.

13) Hãy thực hành chính trị cụ thể. Chính quyền muốn thân thể bạn mềm mại đi trong ghế của bạn và các xúc cảm của bạn tiêu tan trên màn hình. Hãy ra ngoài. Đặt thân thể bạn vào các chỗ lạ với những người không quen. Hãy kết các bạn mới và diễu hành cùng họ.

14) Hãy lập một cuộc sống riêng tư. Các nhà cai trị bẩn thỉu hơn sẽ sử dụng những gì họ biết về bạn để bắt nạt bạn. Thường xuyên làm sạch máy tính của bạn khỏi các phần mềm độc hại (malware). Hãy nhớ rằng email là sự viết lên bầu trời. Hãy cân nhắc dùng các hình thức thay thế (alternative) của internet, hoặc đơn giản sử dụng nó ít hơn. Hãy có những trao đổi riêng đích thân. Vì cùng lý do, hãy giải quyết bất cứ rắc rối pháp lý nào. Các bạo chúa tìm cái móc để treo bạn trên đó. Cố đừng có những cái móc.

15) Hãy đóng góp cho việc nghĩa. Hãy tích cực trong các tổ chức bày tỏ quan điểm riêng của bạn về cuộc sống, dù chúng là tổ chức chính trị hay không. Hãy chọn một hoặc hai tổ chức từ thiện và đặt chế độ đóng góp tự động. Khi đó bạn sẽ có sự lựa chọn tự do hỗ trợ xã hội dân sự và giúp những người khác làm việc thiện.

16) Hãy học từ những người ngang hàng ở các nước khác. Hãy giữ các mối quan hệ bạn bè nước ngoài, hoặc hãy kết bạn mới ở các nước khác. Các khó khăn hiện tại ở Hoa Kỳ là một yếu tố của một xu hướng lớn hơn. Và không nước nào sẽ tự mình tìm thấy một giải pháp. Hãy làm để chắc chắn bạn và gia đình bạn có các hộ chiếu.

17) Hãy lắng nghe các từ nguy hiểm. Hãy tỉnh táo đối với việc sử dụng các từ chủ nghĩa cực đoan (extremism) và chủ nghĩa khủng bố (terrorism). Hãy hiểu rõ các quan niệm tai hại về tình trạng khẩn cấp (emergency) và sự ngoại lệ (exception). Hãy tức giận về việc sử dụng dối trá từ vựng yêu nước.

18) Hãy bình tĩnh khi điều không thể tưởng tượng nổi xảy ra. Sự chuyên chế hiện đại là sự quản lý khủng bố. Khi sự tấn công khủng bố xảy đến, hãy nhớ rằng các nhà độc đoán lợi dụng các sự kiện như vậy nhằm để củng cố quyền lực. Tai hoạ đột ngột mà đòi hỏi sự chấm dứt của sự kiểm soát và cân bằng, sự giải tán các đảng đối lập, sự đình chỉ quyền tự do biểu đạt, quyền đối với một phiên xử công bằng, và vân vân, là các mưu mẹo cũ nhất trong sách của Hitler. Đừng bị nó lừa bịp.

19) Hãy là người yêu nước. Hãy nêu một gương tốt về đất nước có nghĩa là gì cho các thế hệ sắp tới. Họ sẽ cần nó.

20) Hãy can đảm như bạn có thể. Nếu chẳng ai trong chúng ta sẵn sàng chết cho tự do, thì tất cả chúng ta sẽ chết dưới sự chuyên chế.

Cuốn sách bàn kỹ vì sao chúng ta có thể, nên và phải làm (một số hay tất cả) các việc trên tuỳ theo sức và hoàn cảnh của mình. Đấy là cách hữu hiệu nhất để chúng ta chống chuyên chế cũng đồng thời là để xây và củng cố dân chủ. Tất cả phụ thuộc vào các sự lựa chọn của chúng ta. Nó cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc: con người chóng quên đến thế nào; và sự tìm hiểu lịch sử, nhắc lại những bài học cũng như rút ra những bài học mới là việc hết sức quan trọng và phải được tiến hành liên tục không ngừng nghỉ và luôn chú ý tới bối cảnh, ngữ cảnh cụ thể.

Tôi mong cuốn sách hết sức quan trọng này được càng nhiều người Việt - thuộc mọi tầng lớp - đọc, hiểu và hành động theo các bài học này, cũng như rút thêm những bài học khác, càng tốt. Đó là con đường đưa chúng ta đến dân chủ một cách hoà bình nhanh nhất và để củng cố dân chủ một khi nền dân chủ được thiết lập.

Người dịch đã cố gắng hết sức, nhưng chắc chắn bản tiếng Việt còn nhiều hạn chế mong được sự góp ý của quý bạn đọc.

Hà Nội

22/10/2017

Nguyễn Quang A

Link download  tài liệu: http://tapchidantri.org/wp-admin/post.php?post=326&action=edit


* Các quyển trước gồm:

1. J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)

2. J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002

3. J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002

4. G. Soros: Giả kim thuật tài chính

5. H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí ẩn của Vốn]

6. J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?

7. F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô

8. G. Soros: Xã hội Mở

9. K. Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử

10. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato

11. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx

12. Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học

13. Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006

14. Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn

15. Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008

16. Kornai János: Lịch sử và những bài học,NXB Tri thức, 2007

17. Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận

18. Murray Rothabrd: Luân lý của tự do

19. Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng

20. Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống

21. Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.

22. Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012

23. Daron Acemoglu, James A. Robinson: Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB Trẻ có bản dịch khác được xuất bản năm 2013)

24. Kỷ yếu hội thảo Đại học Michigan: Bàn tròn Ba Lan-Những bài học, 2013

25. Thương lượng những thay đổi cơ bản: Hiểu và mở rộng các bài học của các cuộc đàm phán Tròn Ba Lan, 2013

26. Adam Michnik: Những lá Thư từ Nhà tù và các Tiểu luận khác, 2013

27. Elzbieta Matynia: Dân chủ ngôn hành, 2014

28. Josep M. Colomer: Lý thuyết Trò chơi và Chuyển đổi sang Nền dân chủ – Mô hình Tây Ban Nha, 2014

29. Lisa Anderson: Chuyển đổi sang Dân chủ, 2015

30. Paul J. Carnegie: Con Đường từ Chủ nghĩa Độc đoán đến Dân chủ hóa ở Indonesia, 2015

31. Hsin-HuangMichael Hsiao (ed.): Các nn Dân ch Á châu Mi: So sánh Phillipines, Hàn Quc và Đài Loan, 2015

32. Larry Diamond và Marc Plattner (biên tập) Dân chủ có Suy thoái?, 2016

33. Chistian Welzel, Tự do đang lên – Trao quyền cho con người và truy tìm sự giải phóng , 2016

34. Guy Standing, Precariat – giai cấp mới nguy nhiểm, 2017