Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Thơ Jaya K.


Sáng tác văn chương tiếng Việt đương đại, hiếm có thi sĩ Cham nào truy vấn về mình ráo tiết như Jaya K. “Tôi”, “ta”, “mi”, “hắn”, “chúng ta” cấp tập có mặt, thay phiên truy vấn nhau và tự truy vấn, đẩy nhịp thơ dịch chuyển không ngừng.

Từ ngôi nhà nghèo ở một palei Cham nghèo tại một tỉnh nghèo trong một đất nước ngày càng nghèo nàn, với đủ thử nghèo, chỉ có mỗi thứ giàu sang là rác, thứ đống rác vô tận, như cách nói của thi sĩ vỉa hè Phan Bá Thọ, Jaya K. trổi lên, trườn ra, và đặt câu hỏi: Tôi là ai? Tôi ở đâu? Tôi có thể làm gì?

Từ “Tôi: kẻ không là gì cả” nơi “sỏi đá” và “mảnh đất quê hương”, và qua trận trận truy vấn lướt trên sinh phận non thập kỉ đời người, Jaya K. đã thấy gì?

Chúng ta đang cùng nhau vớt-vác quá khứ

Để xây tương lai

Từ những mảnh áo tơi tả

Hiện tại…

“Vớt” và “vác” [chứ không phải vớt vát – phi lí và vô ích]. Vớt được bao nhiêu? – Không biết. Vác đi đâu? – Không hiểu. Nhưng cứ vớt & vác, hay nói như Jaya K.: “vớt-vác”. Miệt mài. Qua những ngày, tháng, năm đi xuyên thế kỉ. Vớt & vác “đến lúc sức cùng, lực kiệt”. Dù biết rằng: “Sẽ không có lịch sử cho chúng ta”. Cho tôi, cho mi, cho em, cho hắn.

Như tác giả trong một kiệt tác cổ điển Champa: trường ca Ariya Glang Anak dự cảm từ hai thế kỉ trước:

Dalam nưgar ralo janưk saung mưbai

Haniim ayuh jang oh hai, nưm angan jang o hu

Trong xứ sở lắm sân hận với oán thù

Phúc thọ đâu chẳng hay, tuổi tên đâu không có

Thà “sân hận với oán thù” rõ ràng đâu đó đi còn đỡ, để ta biết đàng mà lẩn tránh, hay đối mặt. Ở đây: lừa dối, một lừa dối có hệ thống:

Theo kế hoạch định kì tình nghĩa anh em

Chúng ta được mang ra trưng bày

Như thứ hàng hiếm

Buồn không? Giận không? Và trên hết: làm gì?

“Bây giờ không có con đường bằng phẳng dẫn đến tương lai. Chúng ta đi vòng quanh, và trườn qua trở ngại. Chúng ta phải sống, thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sập” (Lawrence).

Văn Việt



Phẫn

Để được ăn và được khen

Cả lũ vẹt đã lạc giọng

Đang cố vươn cổ nhãi đi nhãi lại

Bài diễn xướng của kẻ đang cầm tù giống loài.

*

Chúng ta đang cùng nhau vớt-vác quá khứ

Để xây tương lai

Từ những mảnh áo tơi tả

Hiện tại

Chỉ còn đọng lại

Chút hờn giận

Bởi vài tiếng thì thầm nhỏ to

Và tư thế đứng.

*

Trên mảnh đất hoang mi hoài công đào

Gặp những nấm đất lạ

- Mi hỏi

Gặp những viên sỏi lạ

- Mi hỏi

Gặp những tảng đá lạ

- Mi hỏi

Đến lúc sức kiệt, lực cạn

Những dòng nước rỉ

Đọng lại thành một vũng nhỏ

Đủ để mi soi thấu mặt mi

Trước khi cúi xuống húp sạch.

*

Trước một thời đại không xương sống

Chúng tôi, giống loài không cánh

Đi hổng chân

Vẫn thờ phụng đất, đá, và gò mối


Cũng thời đại ấy

Những kẻ kiểm soát vé

Cố tình đạp lên những thứ thiêng liêng cùm tù chúng tôi.

*

Hàng bao thế kỉ

Những vết thương của đất đã khô cằn

Chúng ta không còn nặn hình hài gì thêm được nữa

Chúng ta không còn đốt lửa gột sạch đất nữa

Chúng ta không còn phép mầu nào để thần cây Kraik quay trở về nữa


Trên xứ sở đầy dẫy những ngôi đền và thây ma

Tôi nằm xuống

Nhẹ nhàng như hoa Pakcoh rơi rụng.

*

Mộ phần

Và kí ức

Những thế hệ nối tiếp nhau đã bỏ đi

Để lại sau lưng

Là hố thẳm


Chúng ta đang từng ngày nhấc lên

từng viên gạch

từng bia đá

từng pho tượng

để tìm những vết tích

những linh hồn cổ xưa đang trú ngụ

gọi từng viên gạch

gọi từng bia đá

gọi từng pho tượng

chúng ta đặt lại tên

cho từng mảnh vụn


Giờ đến lượt chúng ta

Chúng ta chẳng có thứ gì vác mang

Rủ đi cũng chẳng đành - dù chỉ là cái bóng

Với hố thẳm sau lưng

Chúng ta bước thụt lùi

Tới mép hố

Bằng bước nhảy ngược

Chúng ta cần cả thế hệ nối tiếp nhau để lấp


Ta nhảy bổ vào

Hồi sinh những thay ma

Nhảy

Hồi sinh cơn ác mộng

Nhảy

Hồi sinh đống tàn tro

Nhảy

Hồi sinh

Chính chúng ta.

*

Họ đang đứng vững trên mảnh đất chúng tôi

Không chỉ vậy

Họ còn chà đạp lên kí ức của chúng tôi

Chà đạp lên danh phận của chúng tôi

Những tiếng rên rỉ đã bị khép tội

Những tội lỗi mà chúng tôi chẳng rõ

Để làm điều đó họ bắt chúng tôi thú nhận và phục tùng.

*

Nấm mồ Champa

Sẽ không có lịch sử cho chúng ta


Đó là nơi mảnh đất tôi sinh ra

Có ông bà, có cha mẹ, chú bác, anh chị em

Khi lớn lên tôi không sống ở đó nữa

Tôi không có quyền làm chủ

Tôi cũng không có quyền kêu thành tiếng động ồn ào

Bởi….


Trong giấc mơ tôi mơ về

Những bức tường đổ

Lửa và khói

Bùn và bụi

Mảnh đất hoang

Ngôi làng, ngôi nhà hoang

Tôi đã nghe những tiếng thét gào

Lịm lấu rồi

*

Tấm vải liệm xác anh

như một miếng ghẻ lạnh

có tẩm danh vọng và tiền bạc

sẵn sàng bịt miệng

sẵn sàng lao sạch kí ức

của những đứa con hoang

để lao vào cuộc đấu đá không khoan nhượng.

*

Những tấm vải liệm

Cho tôi

Cho đất

Chỉ một hòn đá nhô lên

Như một chứng tích cho cuộc kí thác.

*

Họ muốn bịt miệng những tiếng nói

Không phải một mình anh

Họ muốn cầm tù một dân tộc

Không phải một mình anh

Họ muốn chôn đi lịch sử

Không phải một mình anh

Họ muốn thiêu trụi mọi dấu tích

Không phải một mình anh

Để làm việc đó dễ dàng

Trước tiên họ pha màu, họ vẽ

Họ quay tơ, họ thêu, họ dệt

Họ quơ tay biến hóa

Hô quan gọi dân


và anh

anh trở thành nô lệ cho việc làm đó lúc nào chẳng hay.

*

Trong lòng bàn tay của quỷ dữ

Ta lúc nào cũng an toàn?

Bởi cái mà ta đang khao khát là sự cam chịu

trong đau khổ và ngục tù

Những lũ điên đang nhảy múa trong cơn mê hoặc


Ta với tay khỏi tầm – gọi trời ơi biển hỡi!

*

Không chỉ những đền tháp đang đổ nát

Không chỉ những cổ vật được xuất hiện ở chợ đen

Không chỉ những hài cốt được trưng ở nhà trưng bày trong nhà bảo tang, khu văn hóa, phòng thí nghiệm

Không chỉ những lễ nghi bị xô lệch, sân khấu hóa

Không chỉ những


Mà … cả một đám dân ô nhục còn sót lại của dân tộc đang sắp làm vật tế

Cho một trò đùa

*

Tất cả thuộc về Champa

Hóa tro bụi

Chúng ta moi vớt mọi thứ lên từ

Lời của khách làng chơi

Lời của lái buôn

Lời của kẻ bề trên


Chỉ đất, đá – câm lặng

Đền tháp như một cây nấm dưới ánh đèn màu.

*

Chúng ta bị xô ngã trong trò xếp hình của tạo hóa

trên tấm vải liệm những giấc mơ

chẳng còn bảng ghi chú nào

chẳng còn dấu vết con đường nào

chỉ có nét vẽ của bóng chim di

và vết hằn của gạch nung

như dấu lặng

phơi bày dáng đứng trước vực thẳm.

*

Đất mẹ

Trầm-lặng

Trong ánh sáng lẫn bóng tối

Đất mẹ

Trầm-lặng như kẻ xa lạ

Sự trầm-lặng khiến đầu óc ta ồn ào

Về cách nhận biết giống loài và đống gạch vụn.


Trích từ tập Kí ức của đất – Jaya K.



Tâm

*

Nguồn suối nơi tôi trầm mình

Những xác thiên thần mới nhú lên đang trôi bềnh bồng

Cuốn tôi vào miền đất thánh linh

Nơi các huyền thoại cổ xưa đang trần truồng tắm gội.

*

Trong vườn hoa ông tôi trồng

Đã mọc lên khu rừng

Của đá, sỏi

Của mô đất mối

Cỏ dại và cây xương rồng che kín lối đi

Ngôi nhà gỗ mà chúng tôi thường ngồi nghe bà kể chuyện

Đã mọc cánh bay

Không còn tổ ấm nào ở nơi này nữa

Không còn câu chuyện nào ở nơi này nữa

Không còn bông hoa nào nở ở nơi này nữa

Tất cả bị chà đạp trên đôi gót lịch sử

Chỉ còn tôi với kí ức xa xăm

Kí ức húc tôi đâm đầu vào thời đại phi nhân

Nơi cơ chế độc tài vẫn vận hành một cách phi lí


Trong bóng đêm

Tôi gom lại đống tro tàn

Nhóm lên ngọn lửa

Hành lễ

Rửa sạch nơi này

Rửa luôn cả tôi.

*

Về cuối đời mình

Ông tôi cứ đinh ninh rằng

Có một đội quân ở dưới rẫy nhà mình

Khu rẫy mà ông tôi chẳng muốn nuôi trồng thứ gì cả.

*

Mi là kẻ xây đền cho thánh thần
Chính mi
Có đôi bàn tay của quỷ sứ


Mi đã xây đền cho thánh thần
Chính mi
Có đôi bàn tay của người nông nô chất phác


Mi đã xây đền cho thánh thần
Để đời sau tôn thờ kẻ cầm tù mi.

*

Phải chờ tới giây phút cuối của cuộc hành lễ

Tôi mới nhận biết

Những ngọn nến tôi đốt trong đền tháp

Bấy lâu nay

Đã đốt cháy trụi cả ngôi đền và thần thánh.

*

có những nơi chốn

viên đá, nấm đất chỉ dùng để ném vào nhau

để thỏa cơn sân-si-hận của lòng người

với đất đá chúng tôi không ném vào ai

và chẳng ném đi đâu cả

trên xứ sở nơi chúng tôi sống

chúng tôi xây lên kí ức của đất


bởi cuộc đời là một chuyến đi

mỗi ngày tôi đặt niềm tin vào một tảng đá

tôi chọn nơi chốn

và chất lên đó

từng ngày, từng ngày

dựng lên đền thờ riêng cho niềm tin đời mình


bởi cuộc đời là một chuyến đi

mỗi ngày tôi chọn cho mình từng lời nguyện cầu

áp nhẹ người vào đất

tôi khấn gọi linh hồn thiêng cổ

để kí thác hồn mình


bởi cuộc đời là một chuyến đi

tôi đi thẳng

hướng vào lòng đất mẹ

nơi một tảng đá mọc lên như linga.

*

mảnh đất mi đang sống

lý giải cho thân phận của mi

– nỗi muộn phiền không sao tả siết


mi sống trong kí ức của đền tháp

kí ức rơi rụng như từng viên gạch

mi sống trong kí ức của đất

từng hạt bụi tạo tác hình hài mi


và mi,

kẻ trôi nổi giữa đất và tháp

kẻ chìm đắm trong câu chuyện bà kể

kẻ lạc vào rừng hoa ông trồng

mi lớn dậy


mi nghe những tiếng ồn của tuổi dậy thì

mi chạy theo tiếng gọi của những thiếu nữ

mi nghe tiếng trống gineng

mi nghe tiếng réo kèn saranai

khổ sợ với đời sống ma thuật

mi nghe tiếng lục lạc của bầy bò

theo bước chân con bò cái đầu đàn

mi uống hớp nước còn đọng dưới dấu chân

giải cơn mê hoặc


mi nghe tiếng ồn của đồng loài mình

tâm trí mi động đậy

khuôn mặt mi méo mó

giọng nói mi lạc điệu

mi quay đi nhìn mặt đất

tư lự


giờ,

mi chỉ nghe được những tiếng thầm thì của tuổi xế chiều

tiếng kanyi cựa cọ

tiếng trống cái vang dội

tiếng thở của đất mẹ

tiếng rụng của hoa


hú lên một tiếng OM

mi buông tiếng thở dài để trấn an

trước khi ngọn lửa thiêng gột rửa sạch mi.


Trích từ tập Kí ức của đất – Jaya K.



Băn khoăn

*

Li rượu tràn

niềm kiêu hãnh tràn

chỉ kí ức về nỗi buồn còn nhấp nhô

ta, con tàu lênh đênh giữa tầng không

vẫn một mực chối bỏ bến đổ

*

Trong phép tính của thượng đế

Tôi là một hằng số

Mà ngài chẳng biết đặt vào đâu

Còn trong phép tính của tôi

Ngài là số vô cực

Trong suốt phận người

Tôi chẳng thể với

Cũng chẳng thể định rõ ngài ở cột mốc nào

Cách tôi bao xa


Ấy thế, để được gần gũi ngài

– tôi tôn thờ ngài.

*

Đào

Cày

Xới

Những mô đất

Dù không có gì tôi vẫn

Đào

Cày

Xới

Những mô đất


Với vực thẳm

Bằng bàn tay và những công cụ cần thiết

Tôi chỉ cố lấp đầy

Như lấp đi chính khoảng trống của đời tôi.

*

Chúng ta

những đứa con còn sót

sống dưới mái che của những tàn-tích xưa cũ


Giữa ban ngày

vẫn lầm-lạc trong chính xứ sở mình.

*

Để tôn vinh những linh hồn thiêng cổ

Những bậc thầy đã hóa thân nơi đền tháp

Những người đã vùi thây nơi đất

Những vị đã biệt tăm nơi núi rừng, biển cả


Đã một thời

Chỉ trong bóng tối

Không nến

Không đèn

Không nhúm lửa

Chúng ta chỉ dám nói khẽ

Cho con cháu đời sau nghe.

*

Khi kí ức chỉ là những cơn ác mộng còn đọng lại

tâm hồn tôi như căn nhà hoang

cửa mở toang

thời gian xô ngã

tôi trào ra từ căn hầm tăm tối


để hét vào khuôn mặt thời đại

tôi phải tự biến mình thành ngôi đền

đóng cửa

bỏ hoang

trên tấm thân tôi

đất đá ngổn ngang

tháp đền vắng tênh.

*

Trong vách ngăn của những bức tường

Tôi là kẻ đào mộ

Trong đám tro lạnh tôi đang gặm nhấm

Tôi nghe tiếng lao xao

– những mầm quên lãng đang chồi lên.


Với nấm đất sét

tôi nặn tôi

hình hài của vạn mảnh vụn

tái chế kí ức

*

Theo kế hoạch định kì tình nghĩa anh em

Chúng ta được mang ra trưng bày

Như thứ hàng hiếm

*

Không kí ức

không trọng tài

chúng ta lao vào một cuộc chơi

không qui tắc

không mức chuẩn

nhân danh những tiếng nói quyền lực

chúng ta thiển cận biết bao.


Trích từ tập Kí ức của đất – Jaya K.