Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Cơn bão

Truyện Kate Chopin

Thân Trọng Sơn dịch từ nguyên bản tiếng Anh


Catherine O' Flaherty sinh năm 1850 tại Saint-Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hoá, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh. Theo học bậc tiểu học và trung học tại một trường công giáo với các nữ tu. Ở nhà, được nuôi dạy bởi mẹ, bà, và bà cố. Sự giao tiếp thường xuyên với những người phụ nữ ở chung quanh giúp cô bé sớm có nhận xét về vai trò của phái nữ trong gia đình và xã hội, định hình cho những ý tưởng và quan niệm cá nhân của nhà văn tương lai.

Kate Chopin (Kate là Catherine, Chopin là họ chồng) chịu nhiều đau thương mất mát ngay khi còn nhỏ. Cha chết vì tai nạn đường sắt khi mới lên năm (1855); bà cố, người đã dạy cho cô tiếng Pháp và văn hoá Pháp, qua đời năm 1863. Trong thời Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), cô lại mất thêm người anh (tham gia đội quân của Liên minh miền Nam- Confederate).

Kate Chopin kết hôn năm 1870 với Oscar Chopin, một thương gia chuyên buôn bán bông vải, và cũng là người gốc Pháp). Từ năm 1871 đến 1879, Kate Chopin sinh được năm trai và một gái, và số phận rủi ro vẫn không buông tha, Kate lại chịu tang chồng năm 1882, chỉ sau mười hai năm chung sống. Trở thành quả phụ năm 32 tuổi, Kate Chopin vừa nuôi con, vừa tiếp tục công việc của chồng, và không tái giá.

Đây là chân dung Kate Chopin giai đoạn này, như ghi nhận của nhà phê bình Barbara Ewell:

“Kate là một người khá nổi bật và quyến rũ. Không cao lắm, có khuynh hướng mập ra, thực sự xinh đẹp, mái tóc nâu dày, dợn sóng, sớm điểm bạc, đôi mắt nâu sáng trong. Bạn bè nhớ nhiều nhất là thói quen im lặng và sự nhanh trí kiểu Ái Nhĩ Lan, thêm điểm nhấn là biệt tài bắt chước. Một bà chủ nhà duyên dáng, dễ tính, thích cười, thích âm nhạc và khiêu vũ, đặc biệt là kiểu nói chuyện thông minh, bà có thể diễn đạt quan điểm cá nhân với sự thẳng thắn đáng ngạc nhiên”.

Sau khi chồng chết không lâu, Kate Chopin trở về sống tại St-Louis để con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Năm 1885, đến lượt mẹ Kate Chopin qua đời.

Một bác sĩ sản khoa, cũng là bạn thân của gia đình, khuyến khích Kate viết văn, như là một liệu pháp chống buồn nản và cô đơn sau khi chồng và mẹ lần lượt đi xa. Nghe theo lời khuyên, Kate bắt đầu cầm bút và truyện ngắn đầu tiên của bà đã được đăng trên tờ St Louis Post Dispatch năm 1889, và một năm sau, bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết At Fault.

Hơn mười năm tiếp sau đó, Kate Chopin vừa duy trì hoạt động xã hội, vừa không ngừng sáng tác, hoàn thành được trên dưới một trăm truyện ngắn. Truyện ngắn của Kate Chopin được công bố trên những tạp chí nổi tiếng như Vogue và Atlantic Monthly. Hai tuyển tập lần lượt ra mắt: Bayou Folk, 23 truyện (1894); A Night in Acadie, 21 truyện (1897). Giới phê bình có người cho là truyện chỉ có tính địa phương, chỉ phản ảnh những sinh hoạt tại vùng Louisiana và Missouri.

Đến năm 1899, bà cho xuất bản cuốn The Awakening (Tỉnh thức), thu hút nhiều nhận định đánh giá trái ngược nhau. Một vài nhà phê bình khen ngợi tính nghệ thuật của tác phẩm, nhưng cũng không ít người cho là “nhàm chán”, “tầm thường”, “không lành mạnh”, thậm chí “độc hại”.

Tất cả chỉ vì Kate Chopin là người phụ nữ “đi trước thời đại “, thông qua các nhân vật của mình, bà đã bày tỏ quan niệm (và phản ứng) về gia đình, hôn nhân, ly dị, ngoại tình, nữ quyền, chống lại lề thói cổ truyền (tradition) và quyền hành (authority). (Mà đâu chỉ trong tác phẩm, ngay trong sinh hoạt đời thường, Kate Chopin cũng tỏ ra “tiên phong” đấy chứ: thời còn sống tại New Orleans hay khi về một thị trấn nhỏ ở St-Louis, bà đã làm mọi người ngạc nhiên khi đi dạo một mình, hút thuốc, ăn mặc kiểu cách và cỡi ngựa hai chân hai bên).

Kate Chopin qua đời đột ngột năm 1904, do xuất huyết não.

Trong một thời gian dài, tác giả và tác phẩm bị lãng quên, ngoại trừ một số rất ít truyện được giới thiệu trong các tuyển tập xuất bản mấy năm sau khi tác giả qua đời.

Sự lãng quên (bất công và đau đớn) này kéo dài tới gần… 70 năm, mãi cho đến năm 1969, khi nhà phê bình người Na Uy, Per Seyersted viết cuốn chuyên luận về tiểu sử của Kate Chopin với nhận định:

“[Kate Chopin] là nhà văn nữ đầu tiên trên đất nước mình nhìn nhận đam mê như là một chủ đề chính thống của tiểu thuyết nghiêm túc, công khai. Chống lại lề thói cổ truyền và quyền hành, với một sự táo bạo mà ngày nay chúng ta khó khăn mới thấu hiểu, với sự thành thực cương quyết, không có chút gì kích động, bà đảm đương việc nói lên sự thật không che đậy về mặt khuất của đời sống người phụ nữ. Bà như là người tiên phong đề cập thẳng thắn những vấn đề dục tính, ly dị, và sự thôi thúc của giới nữ mong muốn tồn tại thực sự. Trong nhiều khía cạnh, bà là một nhà văn hiện đại, nổi bật về nhận thức những phức tạp của sự thật và tính đa dạng của tự do”.

Phong trào nữ quyền ở Mỹ phát triển ngày càng mạnh từ những năm 1960 tạo thuận lợi cho việc đánh giá về tài năng và cống hiến của Kate Chopin. Tác phẩm của bà được tái bản và giới thiệu trở lại.

Truyện ngắn Cơn bão (The Storm) giới thiệu dưới đây được viết năm 1898 nhưng tác giả không thể công bố ngay vì bà biết không nơi nào chịu in một truyện đề cập thẳng thắn và thẳng thừng về tình dục như truyện này. (Lần đầu tiên truyện xuất hiện trong The Complete Works of Kate Chopin, in năm 1969, tức là gần 70 năm sau khi ra đời!).

Ba nhân vật trong truyện, Calixta, Bobinôt và Alcée Laballière, cũng là nhân vật của truyện At the Cadian Ball, viết trước đó 6 năm, tuy nhiên hai truyện vẫn có thể được đọc độc lập. Những tên riêng nghe có vẻ rất Pháp, cũng như các nhân vật trong tiểu thuyết The Awakening: Edna Pontellier, Léonce Pontellier, Robert Lebrun, Adèle Batignole, Alcée Arobin… Những tên này nên đọc theo âm Pháp, đặc biệt là những tên có các âm tiết on, un, in, đọc với âm mũi (nasal sound), khác với tiếng Anh. Đọc tên tác giả Chopin cũng vậy.

Không những chỉ đặt tên Pháp, Kate Chopin còn chèn tiếng Pháp vào trong câu văn rất nhiều chỗ (Ma foi, Dieu sait, Je vous réponds, Bonté...). Biện pháp này, ở những đoạn hội thoại, phù hợp với hoàn cảnh câu chuyện, không ảnh hưởng mấy đến việc đọc hiểu.

Thông thạo tiếng Pháp, thấm nhuần văn hoá Pháp, lúc sáng tác, Kate Chopin chịu nhiều ảnh hưởng của nhà văn Maupassant. Ở bậc thầy của thể loại truyện ngắn này, Kate Chopin nhận ra văn chương không phải chỉ là hư cấu, mà là chính cuộc sống, với những con người đang sống quanh ta. Nhà văn quan sát và ghi lại, trực tiếp và đơn giản, những gì mình nhìn thấy. Cũng như nhà văn Pháp, Kate Chopin thường viết lại, như kiểu ghi âm, những lời đối đáp của nhân vật với câu chữ, ngữ điệu nguyên thô, để người đọc tưởng mình đang nghe trực tiếp.

Một đặc trưng khác của Maupassant – mà Kate Chopin học tập – là cách kết cấu truyện ngắn, câu chuyện diễn tiến theo tâm lý nhân vật, tình tiết đan xen, và bỗng xoay sang một kết cuộc bất ngờ, tạo ngạc nhiên thú vị cho người đọc. Thủ pháp này biểu lộ rõ với truyện The Story of an hour (Câu chuyện một giờ), một trong những truyện ngắn hay nhất của Kate Chopin.

Có tin chồng của Louise bị tai nạn chết. Biết nàng bị bệnh tim nên người thân và bạn bè tìm cách báo tin khéo léo, tránh xúc động đột ngột. Ban đầu, nàng cũng đau đớn, vật vã khóc than, rồi rút về ngồi một mình trong phòng riêng. Nơi đây, khi bình tâm nhìn khung cảnh bên ngoài, dường như nỗi đau dần nguôi ngoai. Nàng quan sát những cảnh trí quen thuộc, mây bay, trời trong, cây xanh, mưa nhẹ hạt, nàng lắng nghe những âm thanh quen thuộc, tiếng rao hàng, tiếng nhạc, tiếng chim hót... Thế là một cảm giác lạ lùng, hân hoan, phấn khởi xâm nhập tâm hồn nàng. Nàng buột miệng nói: Tự do, tự do... và thanh thản nghĩ về tháng ngày dài phía trước. Nàng sẽ được tự do sống với sở thích và ước muốn của riêng mình.

Đến đây “câu chuyện một giờ” tưởng chừng kết thúc được rồi. Nhưng...

Ngay lúc này anh chồng bước vào: anh vẫn còn sống, vì trễ tàu! Khi nhìn thấy chồng trở về, Louise lăn ra chết. Bác sĩ kết luận nàng chết vì bệnh tim, vì quá vui mừng.

Câu chuyện kết thúc quá bất ngờ, để cho người đọc tiếp tục suy nghĩ: có phải thực sự Louise quá vui mừng mà chết không. Và từ đó mà bàn thêm những điều tác giả không nói, tình yêu giữa hai vợ chồng chẳng hạn...

Hiện nay, Kate Chopin được xem là một khuôn mặt lớn trong nền văn học Mỹ. Tác phẩm của bà đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Mã Lai, tiếng Á Rập... và tiếng Việt.

1. Lá cây phẳng lặng như tờ cho dù Bibi nghĩ là trời sắp mưa. Bobinôt, vốn đã quen trò chuyện với con trai nhỏ bé của mình bằng ngôn ngữ hoàn toàn bình đẳng, nhắc con chú ý nhìn những đám mây đen sẫm cuộn tới từ phía tây báo hiệu thời tiết xấu, kèm theo tiếng ầm ầm dữ dội đe doạ.

Hai cha con đang ở tiệm tạp hoá Friedheimer và định sẽ nán lại đó cho đến khi cơn bão qua đi. Họ ngồi phía bên trong cửa, trên hai cái thùng rỗng. Bibi bốn tuổi và trông có vẻ lanh lợi.

“Mẹ sẽ lo sợ lắm đấy”, nó vừa nói vừa chớp mắt.

“Mẹ sẽ đóng cửa. Có thể mẹ sẽ nhờ cô Sylvie sang giúp chiều nay”, Bobinôt đáp, giọng trấn an.

“Không, mẹ sẽ không nhờ Sylvie. Sylvie đã giúp mẹ chiều hôm qua rồi”, Bibi nói lớn.

Bobinôt đứng dậy, đi tới quầy mua một lon tôm đóng hộp, thứ mà Calixta rất thích. Rồi anh quay lại chỗ ngồi của mình trên cái thùng và ngồi vô hồn, tay nắm hộp tôm, trong khi cơn bão bắt đầu bùng phát làm lay động chiếc rèm cửa bằng gỗ và hình như rạch những đường rãnh lớn nơi cánh đồng phía xa. Bibi đặt bàn tay bé nhỏ của mình trên đầu gối cha và không thấy sợ.

2. Ở nhà, Calixta không thấy lo ngại cho sự an toàn của hai cha con. Cô ngồi nơi cửa sổ phía một bên và mải miết đạp máy may. Cô quá bận rộn và không để ý cơn bão đang đến gần. Cô cảm thấy rất nóng nực và thỉnh thoảng phải ngừng tay để lau những giọt mồ hôi trên mặt. Cô nới lỏng chiếc khăn quàng màu trắng nơi cổ. Trời bắt đầu tối sẫm, cô chợt nhận ra tình hình nên vội đứng dậy đóng hết cửa sổ, cửa lớn.

Bên hiên ngoài, cô đã phơi quần áo mặc ngày chủ nhật của Bobinôt, cô chạy vội ra gom vào trước khi trời mưa xuống. Khi cô bước ra bên ngoài, Alcée Laballière cỡi ngựa đến trước cổng. Từ khi lấy chồng, cô ít khi gặp lại anh ta và không bao giờ gặp khi ở một mình. Cô đứng đấy, tay cầm cái áo khoác của Bobinôt; mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Alcée cỡi ngựa đến chỗ trú ở mái hiên phía bên, nơi đàn gà con đang xúm xít và những cái cày, cái bừa chất đống bên góc.

“Tôi có thể vào hiên ngoài đợi cho đến lúc bão qua được không, cô Calixta?”.

“Mời ông vào, M'sieur Alcée”.

Giọng nói của ông và giọng nói của chính cô làm cô hoảng hốt như vừa ra khỏi cơn hôn mê. Cô nắm chặt cái áo của Bobinôt. Alcée bước lên hiên nhà, túm cái quần và chộp lấy cái áo vét có dải viền vàng của Bibi suýt bị cơn gió mạnh đột ngột cuốn bay đi. Ông tỏ ý muốn đứng ở trước hiên, nhưng hiển nhiên như thế thì xem như ông đang ở ngoài trời: nước mưa dội mạnh vào các tấm ván lót sàn, ông bước vào bên trong, khép cửa lại sau lưng. Thậm chí phải chặn cái gì đó dưới cánh cửa để nước khỏi tràn vào.

“Chà! Mưa to quá! Dễ chừng hai năm nay mới có một trận mưa như thế này!”, Calixta thốt lên, tay cuộn tấm vải đang may, Alcée giúp cô nhét chúng vào một góc.

Cô trông có vẻ mập hơn so với lúc lấy chồng năm năm trước đây, nhưng vẻ rạng rỡ thì không kém chút nào. Đôi mắt xanh vẫn còn gợi cảm, và mái tóc vàng, mưa gió làm rối bù lên, bướng bỉnh bám chặt vào hai bên tai và thái dương.

Mưa dập vào mái lợp ván thấp ào ào dữ dội, đe doạ phá vỡ cánh cổng và ngập vào chỗ hai người. Họ đang ở trong phòng ăn, phòng khách, nhà bếp. Cạnh đấy là phòng ngủ của cô, chiếc giường nhỏ của Bibi đặt sát giường của cô. Cửa để mở, căn phòng với chiếc giường rộng màu trắng, các cánh cửa chớp khép kín, trông có vẻ mờ tối và đầy bí ẩn.

Alcée thả mình xuống chiếc ghế gỗ. Calixta bối rối nhặt dưới sàn nhà những mảnh vải bông cô đang may dở.

“Nếu cứ tiếp tục thế này, không biết mấy cái bờ đê có đứng vững được không?”- Cô thốt lên.

“Cái gì khiến cô quan tâm đến những bờ đê đó?”.

“Tôi phải quan tâm chứ! Bobinôt và Bibi sẽ gặp bão nếu họ chưa rời tiệm nhà Friedheimer”.

“Cứ hy vọng đi, Calixta, Bobinôt đủ khôn ngoan để đối phó với cơn lốc”.

Cô đến đứng ở cửa sổ với vẻ mặt lo lắng. Cô lau khung của kính bị hơi nước làm mờ. Trời vẫn nóng ngột ngạt. Alcée đứng dậy, tới cửa sổ đứng gần và nhìn qua vai cô. Mưa vẫn như trút nước che mờ những căn nhà gỗ phía xa và phủ lên những cánh rừng một lớp sương mù xám. Những tia chớp vẫn loé lên không ngừng.

Một tiếng sét đánh vào một cây xoan cao bên rìa cánh đồng. Cả khoảng không gian trước mặt đều tràn ngập luồng ánh sáng chói loà và tiếng sấm nổ dường như phủ lên tấm ván chỗ họ đứng.

Calixta lấy tay che mắt, rồi khóc và loạng choạng lùi lại. Alcée quàng tay ôm lấy cô và kéo cô sát vào người mình trong chốc lát.

“Đừng!”, cô khóc, vùng thoát khỏi vòng tay của ông và rời khỏi cửa sổ.

“Căn nhà đó không biết sẽ ra sao. Giá như tôi biết được Bibi đang ở đâu!”.

Nàng không thể tự trấn tĩnh, và không thể ngồi yên được. Alcée siết chặt bờ vai cô, và nhìn vào mặt cô. Sự cảm nhận cơ thể ấm áp, phập phồng của cô khi ông vô tình kéo sát cô vào vòng tay đã đánh thức trong ông niềm say mê và nỗi khao khát da thịt cô từ lâu.

“Calixta, ông nói, em đừng sợ. Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu. Căn nhà ấy thấp lắm, lại có nhiều cây cao bao quanh, nó sẽ không bị gió lốc cuốn đi đâu. Thôi nào, bình tĩnh đi em!”.

Ông vuốt mớ tóc che khuôn mặt ấm áp của cô. Môi cô đỏ mọng và ướt như hạt lựu. Cái cổ trắng ngần và bầu ngực đầy đặn rắn chắc của cô làm ông rung động mãnh liệt. Khi cô ngước mắt nhìn lên, nỗi sợ hãi trong đôi mắt xanh trong của cô chuyển thành một tia sáng mơ màng vô tình tiết lộ sự khao khát nhục cảm. Ông cúi nhìn vào đôi mắt ấy và không thể làm gì khác là hôn lên môi cô. Nụ hôn nhắc ông nhớ đến kỷ niệm hôm lễ Thăng thiên.

“Em còn nhớ ngày lễ Thăng thiên không, Calixta?”, ông hỏi, giọng thì thầm, xúc động. Ồ, cô nhớ chứ, hôm lễ Thăng thiên ông đã hôn cô, hôn và hôn mãi đến mất cảm giác, và để giữ gìn cho cô, ông đã tự đấu tranh mãnh liệt. Nếu ngày đó, cô không phải là con chim bồ câu trong trắng, cô vẫn không bị xâm phạm. Một sinh vật nồng nàn lấy chính sự yếu đuối làm phương thức bảo vệ đã ngăn cản không cho ông tìm cách chế ngự. Còn bây giờ đây, đôi môi, cái cổ tròn và trắng và bộ ngực còn trắng hơn của cô có vẻ như đang mời gọi.

Hai người không để ý đến cơn mưa như thác đổ và tiếng ầm ầm của sấm chớp khiến cô cười to khi cô đang nằm trong vòng tay ông. Cô là một hình ảnh phát lộ ra trong căn phòng mờ ảo, đầy bí ẩn kia, mình trắng muốt như chiếc ghế dài cô đang nằm lên trên. Da thịt rắn chắc, dẻo dai của cô lần đầu biết được quyền lực của mình, cũng giống như một cành hoa huệ trắng sữa mà ánh nắng mời gọi đem góp hơi thở thơm tho cho nhân sinh bất diệt.

Niềm đam mê của cô, không chút mưu mô, lọc lừa, giống như một ngọn lửa sáng xâm nhập và tìm được sự tương hoà ở nơi sâu kín của bản năng nhục cảm của ông, điều mà ông chưa từng đạt tới.

Khi tay ông chạm vào, bộ ngực cô run rẩy đê mê, mời gọi đôi môi ông. Miệng của cô là cả nguồn khoái cảm. Và khi ông chiếm hữu cô, họ như ngây ngất nơi ranh giới tận cùng của bí mật cõi sống.

Ông vẫn nằm bên trên cô, nín thở, ngẩn ngơ, kiệt sức, tim đập thình thịch. Cô đưa một tay ôm lấy đầu ông, môi hôn nhẹ lên trán ông. Tay kia vuốt nhẹ lên đôi vai rắn chắc của ông. Tiếng sấm rền ở xa rồi ngừng lại. Tiếng mưa rơi gõ nhẹ trên mái nhà lợp ván, đưa họ chìm vào giấc ngủ mơ màng. Nhưng họ không dám buông xuôi.

3. Cơn mưa đã tạnh, cả không gian xanh tươi mượt mà dưới ánh nắng trông như một lâu đài dát ngọc. Đứng ở hiên nhà, Calixta nhìn Alcée cỡi ngựa rời xa. Ông quay lui, cười với cô với vẻ mặt rạng rỡ, cô ngẩng cao chiếc cằm xinh xắn và cười lớn.

Bobinôt và Bibi mệt mỏi lê bước về nhà, dừng lại nơi bể nước, sửa soạn sao cho vẻ bên ngoài trông được một tí.

“Này, Bibi, mẹ sẽ nói sao đây? Con phải biết xấu hổ chứ! Con phải mặc cái quần tốt kia chứ! Nhìn xem kìa! Và còn vết bùn trên cổ áo nữa. Sao con lại để vấy bùn trên cổ áo? Bibi! Ba chưa thấy đứa trẻ nào như thế này”.

Bibi trông thật tội nghiệp. Bobinôt tỏ ra rất lo lắng khi cố sức xoá đi trên người mình và trên người con trai những dấu vết của chặng đường khó khăn vượt qua trên những cánh đồng ẩm ướt. Ông lấy cái que gạt bớt bùn trên hai chân trần của Bibi và cẩn thận xoá hết các vết bùn trên đôi giày của mình. Sau đó, chuẩn bị điều tồi tệ nhất – đối mặt với bà nội trợ kỹ tính – họ thận trọng đi vào cửa sau.

Calixta đang chuẩn bị bữa tối. Cô sắp đặt bàn ăn và cho cà phê nhỏ giọt trong chiếc phin để trên lò sưởi. Cô vui sướng nhảy lên khi hai cha con bước vào.

“Ồ! Bobinôt! Anh trở về! Ôi! Em lo lắm! Anh ở đâu khi trời mưa? Và Bibi, con có bị ướt không? Con có hề gì không?”.

Cô ôm lấy Bibi và hôn con tới tấp. Những lời giải thích và xin lỗi mà Bobinôt đã chuẩn bị trên đường về tan biến hết vì Calixta đang sờ xem người anh có khô ráo không, cô chẳng nói gì được mà tỏ ra sung sướng thấy chồng con trở về an toàn.

“Anh có mang một ít tôm về cho em đấy, Calixta!”. Bobinôt nói và lôi hộp tôm từ chiếc túi rộng ra và đặt lên bàn.

“Tôm à, ôi Bobinôt, anh lúc nào cũng chu đáo!”. Cô hôn thật kêu vào má ông. “Em sẽ đền bù cho anh, tối nay chúng ta sẽ vui vẻ, hưm… hưm…”.

Bobinôt và Bibi bắt đầu nghỉ ngơi và thư giãn. Khi cả ba người ngồi vào bàn ăn, họ liên tục cười to đến nỗi ai cũng có thể nghe thấy, kể cả ở nơi xa như nhà của Laballière.

4. Tối hôm đó, Alcée Laballière viết thư cho Clarisse, vợ ông. Đó là một lá thư chan chứa tình cảm. Ông dặn bà không cần vội trở về, bà và các con nếu thích Biloxi thì cứ ở lại thêm một tháng nữa. Ông ngày càng khá hơn rồi, và tuy rất nhớ vợ con, ông sẵn sàng chịu đựng sự xa cách này thêm một thời gian nữa, ông cho rằng sức khoẻ và sự vui thích của họ là đáng quan tâm hơn cả.

5. Về phía Clarisse, cô rất vui mừng nhận được thư chồng. Cô và các con vẫn khoẻ. Các mối giao thiệp đều dễ chịu, nhiều bạn bè cũ và người quen của cô đang sống ở vùng vịnh. Và chuyến đi nghỉ mát đầu tiên của cô từ ngày lấy chồng có vẻ như đang phục hồi sự thảnh thơi thú vị của tháng ngày độc thân. Cô vốn là người hết lòng hy sinh cho chồng, cuộc sống thân mật vợ chồng là chút gì cô mong muốn lãng tránh đi trong một thời gian.

Vậy là cơn bão đã đi qua và mọi người đều cảm thấy hạnh phúc.

Dịch từ : https://eclass.uoa.gr/modules/document/file.php/ENL216/TEXTS/The%20Storm%20Chopin.pdf