Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Nhân ngày sinh của NGƯỜI XUẤT BẢN "NHẤT ĐỊNH THẮNG"

FB Trần Trọng Vũ

Có những cuốn sách giấu vào phía sau chúng những uẩn khúc và những tên người không mấy ai biết tới. Có những tác phẩm mà khi trang cuối cùng đóng lại những vĩ thanh cuộc đời lại mở ra, bên ngoài văn học. Những cuốn sách như thế bao giờ cũng mang số phận bất thường. Những người tham gia vào sự xuất hiện của chúng bao giờ cũng đứng ngoài cuộc sống thực dụng, của nhân loại thực dụng.

Tôi và anh trai tôi bắt đầu biên soạn một cuốn sách lấy từ di cảo của bố tôi, năm 2002. Công việc tiến triển hết sức chậm chạp, bởi vì chúng tôi sống cách nhau 10 nghìn cây số. Việc đọc di cảo và chuyển tài liệu từ Việt Nam sang Pháp gặp nhiều trở ngại. Chúng tôi có những chuyện cá nhân phải làm và hơn nữa, chưa biết sẽ tìm đến những nhà xuất bản nào ở Việt Nam.

Trong một chuyến về thăm Hà Nội đầu năm 2005 tôi gặp anh Nguyễn Đức Hùng, lần đầu tiên và rất chóng vánh. Đấy là một buổi tối ngoại ô, tôi được giới thiệu với anh, cũng rất ngắn gọn. Khi xuống taxi, anh bất chợt nói riêng với tôi : «Bây giờ, sách của ông cụ có thể in được rồi». Lúc ấy, tôi vốn luôn đề phòng với những quan hệ xã giao thường có ở Hà Nội, cho nên đã không thổ lộ gì với anh về cuốn sách mà chúng tôi đang biên soạn. Vả lại, anh không phải là người duy nhất nói với tôi điều đó. Tôi cũng không kể gì nhiều, về di cảo hoặc về người đã mất. Tất cả đối thoại chỉ có vậy. Sau đó chúng tôi nhanh chóng nhập vào nhóm người ồn ào và vui nhộn. Sau đó có lẽ anh không nhớ đã nói với tôi những gì. Nhưng tôi đã không quên, mặc dù buổi tối ấy tôi không hề biết rằng sau này chúng tôi sẽ phải tìm đến anh, với chút hy vọng cuối cùng, khi cuốn sách đã được biên soạn.

Thế rồi, giữa những cuộc di chuyển vì công việc, giữa những bận rộn của gia đình, bản thảo của cuốn sách tương lai dầy lên theo năm tháng. Từ lúc bắt đầu, tôi đã chủ trương việc biên soạn nội dung phải được làm đồng thời với trình bày, bởi vì tôi cho rằng thơ của bố tôi là một thể loại thị giác. Nhưng khi ấy, tôi không hề chủ động chọn cho nó những công chúng nào, dòng thẩm mỹ nào. Tôi chỉ mong muốn cuốn sách phải độc lập với tất cả những ảnh hưởng lạc đề của chính trị, của thị hiếu nơi độc giả, và của nhiều thứ cũng lạc đề khác. Tôi chủ tâm giới thiệu những gì mà bố tôi đã làm trong nghệ thuật và đã làm như thế nào. Nghệ thuật, tuy nhiên không tách rời cuộc đời. Còn sau đó, cuốn sách sẽ được công chúng đón nhận ra sao, trong những cách thức dễ chịu hay khó chịu, tôi không quan tâm. Dưới dạng còn là bản thảo, cuốn sách đã phải cô đơn lắm. Tôi cũng không muốn biết.

Những người đầu tiên tiếp cận với gia đình tôi ở Hà Nội có lẽ là những người phụ trách của Nhã Nam, một công ty truyền thông tư nhân. Họ cho biết rất muốn xuất bản một cái gì đấy của bố tôi. Họ trẻ tuổi, đầy nôn nóng và nhiệt tình. Họ sẵn lòng chờ đợi bản thảo. Thời gian trôi, cho đến đầu năm 2006. Tôi trở lại Hà Nội. Khi cùng với anh trai tôi đem bản thảo đã hoàn thiện tới, tôi vẫn nhớ động tác của nhân vật số một trong Nhã Nam, khi anh nói với chúng tôi : «Em mới đọc một dòng mà nổi da gà.». Lúc ấy tôi thực sự tin rằng bản thảo đã tìm được người hợp tác thích hợp.

Nhưng có lẽ tôi phải mở ngoặc ở đây để giải thích một chút về một hình thức xuất bản sách ở Việt Nam. Những công ty truyền thông tư nhân bắt buộc phải hợp tác với một nhà xuất bản nhà nước, để in và phát hành sách. Nhà xuất bản cấp giấy phép xuất bản cho tác phẩm và công ty truyền thông phụ trách nhiều công việc khác, như đầu tư vốn, quảng cáo và phát hành… Cho nên trách nhiệm đầu tiên của Nhã Nam là tìm được đối tác xuất bản.

Trở về Pháp, tôi chờ tin tức hàng ngày từ Hà Nội. Anh trai tôi là người thường xuyên tiếp cận Nhã Nam và thường xuyên gửi tin sang cho tôi. Bản thảo mà chúng tôi chuẩn bị trong nhiều năm dài, nhanh chóng được đưa sang nhà xuất bản Hội nhà văn. Nhưng ngay lập tức bị từ chối, bởi ông giám đốc nhà xuất bản chứ không phải bởi ban biên tập. Và không chỉ có vậy, trong hội nghị các nhà xuất bản toàn quốc cùng năm, ông giám đốc còn phát biểu rằng ông đã kịp thời ngăn chặn một cuốn sách nếu in ra sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền văn học xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Bản thảo sau đó đã làm không chỉ một vòng các nhà xuất bản của Hà Nội, mà còn tiếp tục nhiều vòng nữa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đều lần lượt bị từ chối.

Gần một năm nữa trôi qua, hợp đồng mà gia đình tôi đã ký với Nhã Nam sẽ không còn hiệu lực. Thời gian ấy nhiều tin đồn bố tôi sẽ nhận giải thưởng nhà nước về văn học, 10 năm sau khi ông mất. Giải thưởng này sẽ đồng nghĩa với hy vọng, rằng tác phẩm của ông sẽ sớm được phép công bố.

Những ngày những tháng chờ đợi trôi đi như thế. Cái tên Nguyễn Đức Hùng và lần nói chuyện với anh không chỉ một lần đến từ trí nhớ. Cho đến một ngày, tôi hỏi Nhã Nam đã tiếp cận chưa nhà xuất bản Đà Nẵng. Lúc ấy, họ đồng ý tìm gặp tổng biên tập Nguyễn Đức Hùng, với đầy hy vọng, vả lại Nhã Nam lúc nào cũng tràn đầy hy vọng. Nhưng với anh em tôi đây là niềm hy vọng cuối. Hy vọng này cũng mỏng manh vô cùng bởi vì tôi biết rằng bản thân anh Hùng lúc bấy giờ đang gặp chuyện khó khăn, đến từ nhiều cuốn sách khác do anh chịu trách nhiệm xuất bản. Đề nghị của chúng tôi có thể khiến anh thêm rắc rối.

Nhưng rất nhanh sau đó chúng tôi nhận được hồi âm. Cuốn sách được đưa vào biên tập. Rồi vào chương trình của nhà xuất bản nơi anh Hùng làm việc. Rồi qua thẩm định của nhiều nhà văn, nhà thơ uy tín và danh tiếng của hội nhà văn. Rồi bản thảo của chúng tôi được họ hoàn toàn ủng hộ. Kế hoạch xuất bản được Thành ủy Đà Nẵng và Cục xuất bản chấp thuận. Để tôi cứ mường tượng cuốn sách, với độ dầy như thế, màu sắc như thế, sức nặng như thế, sẽ sớm ra đời. Nhưng rồi sau đó lại những đợi chờ tiếp nối những đợi chờ, trong im lặng. Và cùng với im lặng tôi cũng học thêm nhiều điều lý thú về những thủ tục xuất bản ở Việt Nam. Những người bạn ở Nhã Nam cũng có vẻ không còn kiên nhẫn và bắt đầu đặt nhiều dấu hỏi về số phận của bản thảo.

Nhiều tháng sau, tôi gặp anh Hùng ở Pháp. Trước đó, tôi và anh đôi khi có trao đổi với nhau qua thư thừ, sau lần gặp đầu tiên nơi ngoại ô Hà Nội. Anh chúc mừng tôi về những triển lãm. Tôi nhắc anh rằng chúng tôi sẵn lòng đợi chờ, để mọi thủ tục xuất bản được hoàn tất. Đây là lần thứ hai tôi gặp anh. Tôi chỉ nói với anh, rằng tôi rất hiểu và không bao giờ muốn đưa anh vào những hoàn cảnh khó xử vì bản thảo. Tôi cũng hầu như chấp nhận để cuốn sách này xuất bản ở đâu đó, và đâu đó có lẽ phải ở bên ngoài Việt Nam.

Anh giải thích với tôi rằng, bản thảo đã được đưa vào chương trình của nhà xuất bản. Không còn vấn đề gì nữa. Và rằng nếu bị từ chối chỉ có thể vì giá trị nghệ thuật của nó, chứ không vì bất cứ một lý do chính trị nào khác. Anh chưa bao giờ gặp bố tôi thời ông còn sống, nhưng qua bản thảo này anh hiểu thêm rất nhiều về thơ, về người làm thơ. Những gì mà bố tôi đã làm với thơ thực sự bất ngờ, đậm đặc và ám ảnh. Và rồi, những gì nơi không ít nhà thơ hôm nay được coi là tiên phong và mới mẻ cũng đều đã được làm, nửa thế kỷ trước trong bản thảo này. Một cuốn sách như thế chưa bao giờ có ở Việt Nam. Tinh thần cách tân của nó có thể gây hiểu lầm nơi những người không am hiểu nghệ thuật.

Trước khi chia tay, anh nói sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho độc giả nếu sách không được xuất bản. Anh tin rằng anh sẽ làm được, và phải làm được. Tuy nhiên anh không hứa hẹn gì.

Một tuần sau khi anh trở về Việt Nam tôi nhận được lời giới thiệu cuốn sách, do chính anh viết. Công ty Nhã Nam cũng làm lại hợp đồng với gia đình chúng tôi, vì hợp đồng cũ đã quá hạn từ lâu. Đấy là những ngày lạnh trời cuối năm 2007.

Mọi việc có vẻ tiến triển. Năm 2007 kết thúc. Ngày giỗ lần thứ 10 của bố tôi đến gần. Bạn bè và người thân lâu ngày mới gặp, đều nhắc lại giải thưởng nhà nước về văn học, được chính thức công bố nhiều tháng trước. Họ cũng chúc mừng rằng kể từ nay mọi cấm đoán và kiểm duyệt với ông đều được hủy bỏ. Ngày giỗ đến, những người liên quan đến việc xuất bản cuốn sách đều tới dự. Những bạn bè chúng tôi ở Nhã Nam cũng thắp nén hương cho ông, và giống như những người khác trong những trường hợp tương tự, họ đặt bản thảo lên bàn thờ, để cho cuốn sách được ra đời suôn sẻ.

Hôm ấy tôi không ở Hà Nội, tôi cũng thắp cho ông nén hương, để báo với ông về cuốn sách mà nhiều người chung sức làm việc và chờ đợi từ nhiều năm nay. Lịch ra sách hầu như cũng đã được ấn định. Tôi chờ tin từng ngày. Thời gian mới chậm làm sao.

Những tuần lễ sau, hầu như không có tin gì mới từ Hà Nội. Tôi biết rằng cuốn sách đã phải được xuất bản để kịp đưa vào ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu. Tôi phải đành lòng xem thông tin trên báo.

Ngày 21 tháng 2 năm 2008, qua báo chí và những thông tin trên mạng tôi được biết rằng cuốn sách của chúng tôi không được phép tham gia ngày thơ nói trên. Tôi cũng được biết hình như sách có vấn đề khi vừa mới in xong. Cuốn sách bị ngừng phát hành, khi còn chưa được phát hành.

Những liên lạc với anh trai tôi cũng hết sức ngắn gọn. Tôi chỉ biết sách đã được in. Sách rất đẹp. Những thông tin trên mạng đầy đủ và chi tiết hơn. Qua màn ảnh tí xíu của máy tính tôi đã có thể nhìn thấy toàn bộ cuốn sách chụp vội của ai đó, tôi đã đọc được rằng cuốn sách thực sự bị ngưng phát hành, nhưng nhiều hiệu sách tư nhân đã có sách bán. Những thông tin này xuất hiện hàng giờ, bởi những người không quen. Tôi cũng được biết ngày 26 tháng 2 cuốn sách bị chính thức thu hồi, bởi những lý do hành chính khó tin.

Tôi không liên lạc với Nhã Nam, hoặc với anh Hùng. Để làm gì? Để nói gì? Để thay đổi cái gì?

Nhà thơ Dương Tường, người bạn lâu năm nhất của bố tôi, òa khóc. Cũng giống như chúng tôi, ông cũng đã chờ, ông cũng theo sát quá trình hình thành của bản thảo, ông cũng lo lắng như một người trong gia đình. Ông nói, số phận cay nghiệt với bố tôi cho đến chết, còn chưa đủ, mà theo đuổi cả thơ của ông nữa.

Tôi không còn lo lắng cho cuốn sách, mà cho những người đã tham gia xuất bản. Cụ thể là anh Hùng và các bạn trẻ của Nhã Nam. Cái gì sẽ xảy đến với họ? Tôi luôn tự hỏi mình bởi vì không biết hỏi ai. Cuối cùng, anh trai tôi cũng gọi điện vào Đà Nẵng. Anh Hùng trả lời: «Nhất định thắng»! Anh sử dụng lại nhan đề một bài thơ được in trong sách. Đây cũng là bài thơ mà vì nó bố tôi đã phải khốn khó cả cuộc đời.

134 trí thức và nghệ sĩ của Hà Nội viết thư ngỏ tới Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để đề nghị thu hồi lại quyết định ngưng phát hành cuốn sách. Con số này còn tăng thêm nhiều lần, sau khi thư đã được gửi đi. Cho đến ngày 7 tháng 3, một quyết định chính thức của Cục xuất bản được công bố trên báo. Việc phát hành sách vẫn tiếp tục, nhưng công ty Nhã Nam phải nộp tiền phạt vì đã vi phạm hành chính, và những rắc rối lớn nhất dường như đổ cả vào nhà xuất bản Đà Nẵng, cụ thể là tổng biên tập Nguyễn Đức Hùng.

Sau này, tôi được biết chị Hường vợ anh lo cho anh lắm, nhưng khi chị xem trên mạng bức thư ngỏ với hàng trăm văn nghệ sĩ và trí thức ký tên chị không kìm được nước mắt, vì xúc động. Trong các buổi họp thành ủy chị luôn nói rằng «chồng tôi không có tội».

Sau này, tôi cũng được biết nhà xuất bản Đà Nẵng phải tạm đóng cửa một thời gian sau sự cố, những người lãnh đạo phải thuyên chuyển cơ quan. Chị Nga là người trực tiếp biên tập cuốn sách xin nghỉ việc! Anh Hùng cũng vậy. Anh phải rời quê ra làm việc ở Hà Nội.

Cũng rất lâu sau này tôi mới biết, khi gặp tôi tại Paris anh chợt hiểu rằng anh là người duy nhất đã nhận lời xuất bản cuốn sách này, ngoài anh ra khó ai có thể làm được. Ngành in sách ở Việt Nam vốn rất kỵ cấp giấy phép in sách cho những tác giả nhạy cảm.

Cuốn sách mà anh đã xuất bản sau đó không thể tìm thấy nữa tại các hiệu sách tư nhân, và chưa bao giờ được bày bán trong các hiệu sách quốc gia. Nhưng dường như chúng được bán hết, rất nhanh. Và cũng dường như ai đấy đã mua toàn bộ số sách, để những người đến sau không thể mua được nữa. Toàn bộ sự việc diễn ra như một cơn sốt vội vàng, chưa đầy một tháng.
Có lẽ, tôi là người cuối cùng nhận được sách. Sự việc bối rối cho nên không ai nghĩ đến việc gửi sách sang Pháp. Cho đến một ngày, khi chuyện rắc rối có vẻ đã qua đi, một người bạn tôi đến Pháp. Cô mang theo mình một cuốn sách, để đọc. Cô đã tặng tôi, cuốn sách mà chính tôi tham gia biên soạn.

Một năm sau, tôi về Hà Nội. Tôi không gặp anh Hùng, anh đang ở Đà Nẵng, tuy anh đã nghỉ việc ở nhà xuất bản. Anh rủ tôi vào thành phố quê anh. Nhưng tôi bận việc. Tôi có nói chuyện với anh qua điện thoại. Tôi cảm ơn anh. Anh trả lời, rằng anh có một bức tranh của tôi, anh treo trong phòng khách ở Hà Nội.

Phải đợi đến năm 2013 tôi mới gặp lại anh Hùng. Đấy là lần thứ ba tôi gặp anh, sau nhiều năm quen thân. Anh đang xây nhà ở Hà Nội. Anh nói, đây là không gian mới của anh, nhỏ lắm, nhưng riêng biệt và thân mật. Anh nhường căn nhà lớn cho các con gái. Chúng tôi ra quán bia trong phố. Anh không uống bia, nhưng trong túi anh có một chai rượu mạnh. Anh kể bây giờ anh làm cho một nhà xuất bản ở Hà Nội. Xây nhà xong, khi mọi việc ổn định anh sẽ làm một chuyến du lịch mới ở Pháp.

Tôi rời Việt Nam. 6 tháng sau tôi nhận được tin từ Hà Nội: anh Hùng phải vào viện. Anh bị ung thư, đau đớn lắm. Một ngày tháng 9, tôi nhận được gần như cùng một lúc hai tin nhắn. Anh tôi báo anh Hùng mới mất. Chị tôi cũng nhắn, rằng tôi còn nhớ không anh Hùng người làm sách, đã mất.

6 năm đã qua kể từ những ngày sóng gió. Cuốn sách kết quả lao động của nhiều người, đặc biệt của anh Hùng, đã thực sự trở nên quý và hiếm, chỉ còn tìm thấy trên một số giá sách gia đình. Cuốn sách được trao giải thưởng văn học, và gây không ít tranh cãi nơi người đọc. 6 năm, công ty Nhã Nam tiếp tục tìm cách tái bản nó, nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu. Đến đâu cũng bị từ chối. Chúng tôi chỉ còn một cách, là tiếp tục hy vọng, như chúng tôi đã hy vọng nhiều năm dài, trước khi sách được xuất bản lần thứ nhất. Nhiều lúc, anh em tôi ngồi với những người bạn của Nhã Nam, cùng nhắc lại chuyện xưa. Họ đều bảo tôi: cuốn sách xuất bản được, là do anh Hùng. Chúng tôi cũng nhắc lại với nhau lời tâm sự của anh: «Gia đình tôi tập kết ra Bắc năm 1954. Nên tôi sinh ra và học hành ở Hà Nội. Sau này sống và làm việc ở Đà Nẵng, quê cha tôi, nhưng tâm hồn và con người tôi luôn hướng về Hà Nội. Tôi có in được tác phẩm lớn của nhà văn, nhà thơ nào của Hà Nội, đấy là đóng góp của một người Hà Nội cho Hà Nội. Hơn nữa, giới văn chương đều biết tiếng ông cụ là một hồn thơ lạ và luôn đổi mới. Rất cần công bố thơ của cụ vào lúc nhà nước đang chủ trương đổi mới văn học».

6 năm qua, nhu cầu của văn học mà anh Hùng nhắc tới vẫn còn nguyên vẹn. Nhu cầu đọc nơi độc giả cũng vậy. Riêng tôi cho rằng tác phẩm mà tôi tham gia biên soạn ngày ấy, đã đưa nhiều người trong chúng tôi lại gần nhau hơn, để họ hiểu, cảm thông và chấp nhận nhau hơn. Tác phẩm ấy, kể từ trước ngày ra đời đã mang số phận bất thường. Nhưng phía sau nó ẩn giấu những tên người đáng trân trọng và những câu chuyện không được viết. Tác phẩm ấy chính là cuốn sách mà chúng tôi đã cùng nhau đặt tên, một cách giản dị nhất, là: «Trần Dần - THƠ».

Paris tháng 7 năm 2014,
(viết theo tư liệu của gia đình)

https://www.facebook.com/vu.trantrong/posts/10155689867425909