Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Ý thức sáng tác truyện ngắn (kỳ 8)

Truyện ngắn qua những tranh cãi

Ngu Yên


Một nghiên cứu được xem như khá hoàn hảo về truyện ngắn do Helmut Bonheim thực hiện, The Narrative Modes: Techniques of Short Story, ấn hành bởi Boydell & Brewer Inc. năm 1982. Phân tích 600 truyện ngắn và 300 tiểu thuyết để thử nghiệm những lý thuyết về truyện ngắn, Bonheim đưa đến kết luận như là một khuynh hướng, không cố định. Đó là khuynh hướng nhập đề: Truyện ngắn thường bắt đầu gần cuối câu truyện xảy ra. Về phần kết luận, ông cho rằng truyện ngắn có khuynh hướng mở rộng, khêu gợi và đề nghị nhiều hơn. Tuy nhiên, ông xác nhận, không có một thành phần đặc thù nào của truyện ngắn để có thể dùng làm định nghĩa, ngoại trừ chiều ngắn của câu truyện, mà đôi khi cũng xảy ra ở tiểu thuyết, gọi là tiểu thuyết ngắn. Và nếu như chấp nhận "sự ngắn" để phân biệt, theo ông, ngắn hoặc dài thuộc về mức độ, không phải thể loại. Những quan điểm này đưa truyện ngắn trở về quan niệm cổ điển, truyện ngắn chỉ là tiểu thuyết viết ngắn.

Ngược lại, những học giả như Mary Rohrberger, Valerie Shaw, Charles May... dùng phương pháp suy luận, cho rằng truyện ngắn hội đủ đặc điểm để trở thành một thể loại riêng, không phụ thuộc vào tiểu thuyết. Họ cải thiện lý thuyết truyện ngắn của Allen Poe, xác nhận truyện ngắn gần gũi với thơ và sử dụng khái niệm "cô đơn" của Frank O'Connor trong truyện ngắn. Ngoài ra, họ còn tiếp cận sự khác biệt giữa tính "Lãng Mạn" (Romance) và tính "Hiện Thực" (Realism) trong truyện.

Trường hợp Mary Rohrberger (1982) là một ví dụ. Truyện ngắn của bà thuộc về truyền thống lãng mạn, dẫn đến hiện đại là chủ nghĩa Tượng Trưng (Symbolism). Học thuyết của bà cho thấy những truyện ngắn hiện đại có đặc điểm về thời đại nhất định, chẳng hạn như những hình ảnh và biểu tượng được thêm vào hoặc thay thế những ý đồ trong cốt truyện cổ điển. Và thể hiện sự giống nhau với sự khác biệt đối với truyện ngắn truyền thống. Có điều bà cũng không bày tỏ được những đặc tính của truyện ngắn hiện đại khác với tiểu thuyết hiện đại như thế nào; khác với thơ hiện đại ra sao; vì những đặc điểm này thuộc về thời gian, không thuộc về thể loại.

Charles May (1995) là người sử dụng phương pháp suy luận nhất quán, đề nghị những đặc điểm truyện ngắn trên 'mối liên hệ giữa cấu trúc và chủ đề.' Ông bênh vực 'sự ngắn' của truyện ngắn, vì nó thể hiện một kinh nghiệm đặc biệt và cô đọng. Vì vậy, những khinh nghiệm sâu và súc tích rất phù hợp cho truyện ngắn. (Dĩ nhiên đây là căn bản của sáng tác thơ).

Anthony Burgess (1984) xác định rằng, sự khác biệt giữa truyện ngắn và tiểu thuyết không phải vì chiều dài, mà vì cấu trúc. Theo ông, sự khám phá, sự phát giác là đặc điểm của truyện ngắn, trong khi tiểu thuyết là sự phân giải. Nếu tiểu thuyết xây dựng trên khám phá, phát giác, thì tiểu thuyết này là truyện ngắn, ông đưa ra ví dụ là tác phẩm Ulysses.

Suzanne Ferguson (1982), sau khi nghiên cứu đã tuyên bố không tìm thấy một đặc điểm nào để có thể hoàn toàn phân biệt truyện ngắn ra khỏi thể loại truyện. Bà không chấp nhận sự ngắn và cho rằng những đặc điểm do các học giả khác nêu ra, không đặc thù vì tiểu thuyết cũng có.

Louise Pratt (1994) đẩy mạnh vấn đề đến quan điểm cực đoan, bà khẳng định, truyện ngắn phụ thuộc vào tiểu thuyết. Theo bà, chiều dài tốt hơn chiều ngắn, với vài quan điểm:

- Tiểu thuyết kể về cuộc đời, truyện ngắn kể về mảnh đời.

- Tiểu thuyết đối phó với nhiều vấn đề, truyện ngắn chỉ có một.

- Tiểu thuyết là văn bản toàn bộ, truyện ngắn không phải.

Bà cũng không cho "sự ngắn' là yếu tố đặc thù đủ để phân biệt truyện ngắn.

Khuynh hướng đa số

Truyện ngắn theo thời gian đã được ủng hộ tách rời tiểu thuyết bởi các quan điểm của các nhà văn và học giả, như:

- Tính nhất quán hoặc thống nhất bởi Allen Poe, Brander Matthews.

- Kỹ thuật cốt truyện súc tích bởi Norman Friedman.

- Sự thay đổi hoặc khám phá của nhân vật bởi Theodore Stroud.

- Chủ đề bởi Frank O’Connor.

- Sắc điệu bởi Nadine Gordimer.

- Thi vị bởi Alberto Moravia.

"Truyện ngắn sẽ không là gì cả nếu không có gì để kể, gần như có thể nói, truyện ngắn không ra gì nếu không có ý đồ cốt truyện, ngoại trừ ý đồ này thể hiện một biến chứng và một dàn dựng công phu mà thực sự không cần thiết. [...]

Càng nhiên cứu về lịch sử truyện, càng nhận thấy rõ ràng, trong bản chất, tiểu thuyết và truyện ngắn khác nhau. Sự khác biệt không chỉ thể hiện trên chiều dài, nhưng còn trên căn bản. Truyện ngắn tìm ảnh hưởng của một hiệu quả duy nhất theo phương pháp riêng, trong khi tiểu thuyết tìm kiếm một chùm hiệu quả trong phương pháp hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi cũng đưa đến kết luận rằng 'Truyện Ngắn' – mặc dù thực tế trong ngôn ngữ không có tên gọi nào khác – vẫn là một trong vài thể loại văn học ngắn được xác định vững vàng. Đây là thể loại, một hình thái, như những nhà Tự Nhiên Học có thể gọi, như một cá biệt, như ngôn từ thi vị và đa dạng. Truyện ngắn khác biệt với các văn thể như Thi sử, Bi kịch, Hài kịch. Truyện ngắn thật sự là một thể loại, một loại riêng biệt, đứng độc lập." (Matthews, 1964:14)

Trong khi J. Berg Esenwein cho rằng tiếp cận việc xác định truyện ngắn cần phải thận trọng, vì sự khó khăn tìm rõ giới hạn. Ông đưa ra bảy đặc điểm của truyện ngắn và nhận định: "Truyện ngắn là một tường thuật ngắn gọn với sự tưởng tượng, diễn tả một sự việc nổi bật với một nhân vật chính yếu, trong một cốt truyện, mang ý đồ được cô đọng, được thiết kế toàn bộ để thể hiện một ấn tượng duy nhất."

"Đừng quên rằng toàn thể câu truyện quan trọng hơn tất cả những thành phần cấu tạo. Kết quả toàn bộ phải cưu mang tinh thần tổng thể, phải gần như một cá tính sống. Và ai sẽ phân tích và vạch trần bí mật sống này?"

(Stefan Colibaba, The Nature of the Short Story: Attempts at Definition.)

Cuộc tranh cãi giữa hai nhóm ủng hộ và bác bỏ vị trí văn học của truyện ngắn, hoặc độc lập, hoặc lệ thuộc vào tiểu thuyết, cho người đọc những kiến thức đa dạng và những câu hỏi tại sao và những câu trả lời nghiêm túc từ nhân văn lẫn khoa học.

Ý kiến đóng góp

(Tuy nhiên, theo ý riêng của tôi, sự khác biệt giữa truyện ngắn và tiểu thuyết nằm nơi kinh nghiệm của sáng tác và thưởng ngoạn.

Ví dụ một đạo diễn quay một cuốn phim về Quan Công trong hai giờ đồng hồ và xây dựng một cuốn phim cùng chủ đề qua nhiều hồi, nhiều tập cho đài truyền hình. Lập tức ông ta biết ngay mình phải làm gì và làm khác nhau như thế nào từ viết truyện phim, chọn nhân vật, dàn trải cảnh vật, và tạo kết quả trong thời gian ấn định. Dù cả hai, phim bộ và phim rạp, đều thành công, nhưng ảnh hưởng và hiệu quả khác nhau.

Về mặt thưởng ngoạn cũng vậy, người mua vé đi vào rạp xem phim hai giờ, có tâm lý và ý thức khác hẳn, nếu anh ta quyết định ở nhà, ra máy truyền hình, theo dõi phim bộ, chiếu tiếp tục trong một thời gian dài.

Ý thức và hiệu quả của sáng tác và thưởng ngoạn rất rõ ràng và hiển nhiên về sự khác biệt giữa truyện ngắn và tiểu thuyết. Chính ý thức và hiệu quả này, cũng tạo ra sự khác biệt giữa truyện ngắn và truyện rất ngắn. Nhưng không tạo được khác biệt giữa Truyện rất ngắn và truyện Chớp. Viết ngắn hơn một chút, đọc ít hơn một chút, không đủ cơ sở để phân loại và tạo vị trí độc lập.

Chẳng phải nhà văn Nobel văn chương 1949, William Cuthbert Faulkner, tự giải thích sự nghiệp văn học của ông, cho thấy sự khác biệt ngay trong ý thức sáng tác: "Tôi là một thi sĩ thất bại. Có thể mỗi tiểu thuyết gia trước tiên đều làm thơ. Không thành công, quay sang thử viết truyện ngắn, là một thể loại có nhu cầu cao nhất sau thơ. Khi thất bại việc này, đến lúc đó, chỉ còn cách viết tiểu thuyết."

Ngay hai bậc tôn sư trong lãnh vực truyện ngắn như Chekhov và Maupassant, theo như nhận định văn học sau này, hai ông đều thành công khi sáng tác truyện ngắn và đều thất bại khi viết tiểu thuyết. Sự đón nhận thờ ơ của độc giả sôi sục thời đó đối với tiểu thuyết của hai ông, cho thấy sự ý thức rõ rệt về sự khác biệt giữa truyện ngắn và tiểu thuyết.

Tóm lại, một định nghĩa chính xác, một phân biệt thể loại truyện ngắn, không nhất thiết và không quan trọng bằng hiệu quả của nó. Chính hiệu quả mới là chuyện sinh tồn. Albert Einstein nói: "Cội nguồn duy nhất của kiến thức là kinh nghiệm."

Chính kinh nghiệm về kiến thức mới là động cơ tạo ra hiệu quả kích động, thuyết phục người đọc. Một trong những loại kinh nghiệm đó, là kinh nghiệm về sự thật trong liên hệ giữa con người và tư duy về ý nghĩa đời sống. Truyện ngắn là một phương tiện văn học, dùng nghệ thuật văn xuôi truyền đạt sự khám phá tiếp cận sự thật, đã bị biến dạng qua tri thức và cảm xúc dọc theo lịch sử nhân loại.)

Còn như nếu cần phải xác định một cách rõ ràng, thiết nghĩ, ý nghĩa của nó đã nằm ngay tựa đề của cuốn sách hoặc tựa đề của truyện. Có lẽ tác giả là người biết rõ nhất về truyện ông đã viết thuộc về thể loại gì. Ví dụ: Tuyển tập truyện ngắn trong năm 2000; Những truyện ngắn hay nhất của Võ Phiến; Truyện ngắn bên kia thế giới ...